I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU
1. Mục đích:
- Đảm bảo an toàn cao nhất, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất cho người và tàu thuyền hoạt động khai thác thủy sản.
- Nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó và xử lý tình huống khi có bão, thiên tai, sự cố tai nạn trong hoạt động khai thác thủy sản, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, an toàn giúp ngư dân an tâm đầu tư phát triển ngành khai thác thủy sản, đặc biệt là khai thác xa bờ, nâng cao hiệu quả kinh tế biển và ven biển, khẳng định chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
2. Yêu cầu:
- Quản lý chặt chẽ, chính xác số lượng tàu thuyền, thuyền viên và ngư trường hoạt động khai thác (vị trí, tọa độ) để kịp thời thông tin, hướng dẫn phòng tránh thiên tai.
- Các Sở - ngành, chính quyền các cấp, các chủ tàu, thuyền, thuyền viên, ngư dân hoạt động khai thác thủy sản phải nhận thức tầm quan trọng và lợi ích thiết thực của việc đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên biển để tăng cường kiểm tra, kiểm soát và chấp hành thực hiện nghiêm chỉnh các quy định hiện hành về phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai trên biển.
II. PHƯƠNG CHÂM
Quán triệt và thực hiện tốt phương châm: “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, có hiệu quả”.
III. KHU VỰC TÌM KIẾM, CỨU NẠN - CỨU HỘ
- Vùng biển và ven biển thành phố Hồ Chí Minh.
- Vùng sông và cửa sông thành phố Hồ Chí Minh.
- Vùng ven biển thuộc các tỉnh giáp ranh thành phố khi có yêu cầu phối hợp, hỗ trợ.
IV. ĐỊA ĐIỂM TẬP KẾT, LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN, TRANG THIẾT BỊ THAM GIA TÌM KIẾM, CỨU NẠN - CỨU HỘ
1. Trạng thái thường xuyên:
a) Địa điểm:
- Tập kết lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn - cứu hộ:
+ Cầu cảng Tắc Xuất (Thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ);
+ Cầu cảng Đồng Hòa (Xã Long Hòa, huyện Cần Giờ);
+ Bến phà Nhà Bè (Xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè).
- Tiếp nhận, sơ cấp cứu người bị nạn:
+ Bệnh viện Huyện Cần Giờ (Thị trấn Cần Thạnh);
+ Bệnh viện Huyện Nhà Bè (Xã Phước Kiển).
- Tiếp nhận tàu, thuyền bị nạn:
+ Cầu cảng Tắc Xuất (Thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ);
+ Cầu cảng Đồng Hòa (Xã Long Hòa, huyện Cần Giờ);
+ Bến phà Bình Khánh (Xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ);
+ Bến phà Nhà Bè (Xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè).
b) Lực lượng, phương tiện, trang thiết bị: bao gồm lực lượng, phương tiện, trang thiết bị đã được đầu tư, trang cấp theo quy định của các đơn vị : Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố, Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành phố. Cụ thể:
+ Tàu và lực lượng biên chế trên tàu của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố: 03 chiếc (số đăng ký: BP 14-04-01, công suất 300CV; BP:14-04-02, công suất 365CV; BP:14-04-02A, công suất 425 CV).
+ Tàu và lực lượng biên chế trên tàu của Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố: 01 chiếc (số đăng ký: CA 50-51-008, công suất 447CV) .
+ Tàu và lực lượng biên chế trên tàu Kiểm ngư của Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành phố: 01 chiếc (số đăng ký: SG-2899-KN, công suất 385CV).
+ Ca nô lực lượng biên chế trên ca nô: 10 chiếc (05 ca nô của Bộ Chỉ huy đội Biên phòng thành phố, 01 ca nô của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, 02 ca nô chữa cháy của Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố và 02 ca nô của Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành phố).
2. Trường hợp khẩn cấp:
Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão quận - huyện được quyền điều động lực lượng, trưng dụng phương tiện, trang thiết bị của các cơ quan, đơn vị và cá nhân hiện có trên địa bàn để bổ sung năng lực thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn - cứu hộ đạt kết quả cao nhất.
V. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ:
- Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản, tổ chức vận động ngư dân sản xuất theo tổ - đội khai thác thủy sản trên sông, trên biển, nghiêm chỉnh chấp hành thực hiện và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác đảm bảo an toàn.
- Thường xuyên cập nhật và nắm chắc số lượng tàu thuyền, thuyền viên xuất bến, cập bến, ngư trường, vị trí, tọa độ đang khai thác trên biển của tàu thuyền địa phương mình để kịp thời thông báo và hướng dẫn phòng, tránh an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra trên biển.
- Triển khai việc khảo sát, xác định và thông báo rộng rãi các bến neo đậu an toàn cho tàu thuyền trên địa bàn từng xã, thị trấn, có kế hoạch cụ thể để di chuyển, bố trí tàu thuyền neo đậu, hướng dẫn và kiểm tra cách thức neo đậu tàu thuyền đúng quy định trước khi bão đổ bộ vào đất liền, không để xảy ra tình trạng bị va đập khi có sóng to, gió lớn. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng để sớm đưa hoạt động khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền tại khu vực Đồng Đình, Thị trấn Cần Thạnh.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và huy động phương tiện, trang thiết bị, lực lượng trên địa bàn huyện tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn - cứu hộ trên biển, vùng cửa sông, trên sông và tiếp nhận, sơ cấp cứu người bị nạn; tiếp nhận, bảo vệ, quản lý phương tiện bị nạn được tập kết tại huyện.
- Đảm bảo vận hành, phát tín hiệu báo bão kịp thời, đúng quy định.
2. Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè:
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và huy động phương tiện, trang thiết bị, lực lượng trên địa bàn huyện tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn - cứu hộ trên sông và tiếp nhận, sơ cấp cứu người bị nạn; phối hợp cùng cơ quan chức năng tiếp nhận, bảo vệ, quản lý phương tiện bị nạn được tập kết tại huyện.
3. Công an thành phố: chủ trì, phối hợp với các đơn vị, sở - ngành, địa phương liên quan trong việc đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển; đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau quá trình thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố:
a) Chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản:
- Thành lập bộ phận chuyên trách thường trực phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm, cứu nạn chuyên ngành thủy sản trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố: Ban Chỉ huy đặt tại Văn phòng Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành phố, địa chỉ: số 126H, Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Phú Nhuận, bộ phận ứng cứu đặt tại Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản huyện Cần Giờ.
- Triển khai thực hiện đăng ký, đăng kiểm toàn bộ tàu cá thuộc diện phải đăng ký, đăng kiểm theo qui định.
- Phối hợp với các ngành, Ủy ban nhân dân huyện, xã có liên quan làm tốt công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên các vùng biển; thực hiện và kiểm tra việc thực hiện đúng các quy định về trang bị kỹ thuật đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố thực hiện tốt công tác thường trực tìm kiếm, cứu nạn thủy sản trên biển, trên sông.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ đi biển, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cho các tàu cá.
- Nắm chắc tần số liên lạc của các tàu cá đánh bắt xa bờ.
- Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước trong công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản.
b) Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt, bão thành phố (Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố):
- Tiếp nhận và truyền phát kịp thời tin bão, tin áp thấp nhiệt đới của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho Trưởng Ban, Phó Ban Thường trực, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố và Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ để theo dõi và xử lý.
- Phối hợp chặt chẽ với Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện liên quan để nắm rõ vị trí, tọa độ các tàu thuyền đang hoạt động đánh bắt xa bờ, số lượng thuyền viên, tình trạng của tàu và các thiết bị được trang bị trên tàu để liên lạc trước, trong và sau bão hoặc áp thấp nhiệt đới.
- Thường xuyên theo dõi, thu thập, xử lý các thông tin về bão, áp thấp nhiệt đới (tâm bão, hướng di chuyển, tốc độ, cấp độ) để tham mưu cho Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố ban hành các chỉ thị, quyết định để chỉ đạo công tác phòng, tránh, khắc phục hậu quả do bão, áp thấp nhiệt đới gây ra đối với ngành thủy sản thành phố.
5. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố:
- Phối hợp với cấp ủy và chính quyền địa phương, các lực lượng cũng như các ban ngành tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành nghiêm túc các qui định về đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động khai thác thủy sản.
- Thiết lập hệ thống thông tin đảm bảo hoạt động liên lạc thông suốt từ trên xuống dưới; giữa Bộ đội Biên phòng với các cơ quan, đơn vị có liên quan, giữa Bộ đội Biên phòng với các tàu đánh cá trên biển.
Hệ thống liên lạc gồm 05 đài:
+ Biên phòng Sài Gòn - đặt tại Phòng Tham mưu, cơ quan Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố;
+ Biên phòng Cần Giờ - đặt tại Hải đội 2;
+ Biên phòng Cần Giờ I - đặt tại Đồn Biên phòng 554, xã Thạnh An;
+ Biên phòng Cần Giờ II - đặt tại Đồn Biên phòng 558, thị trấn Cần Thạnh;
+ Biên phòng Cần Giờ III - đặt tại Đồn Biên phòng 562, xã Long Hòa;
Tần số hoạt động quy định: 12.730 KHz (sóng ngày), 6.820 KHz (sóng đêm).
Trong điều kiện hoạt động thường xuyên: thời gian dùng sóng ngày từ 06h00 đến 17h59, đêm từ 18h00 đến 05h59; chế độ trực canh là 15 phút các đầu giờ.
Khi có thông báo bão, áp thấp nhiệt đới hoặc xảy ra sự cố tai nạn tàu thuyền trên biển thì tất cả các đài của Bộ đội Biên phòng thành phố trong khu vực ảnh hưởng trực tiếp mở máy trực canh liên tục trong 24/24 giờ. Khi cơ động thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn - cứu hộ trên biển, các máy vô tuyến điện của Bộ đội Biên phòng thành phố đặt trên các tàu đều đưa về tần số liên lạc chung như trên.
- Kiểm tra, kiểm soát theo quy định các tàu cá khi cập bến, xuất bến, cập nhật đầy đủ các thông tin về người, phương tiện, hải trình, ngư trường. Kiên quyết không cho xuất bến đối với tàu thuyền hết hạn đăng kiểm, tàu không trang bị đầy đủ các thiết bị đảm bảo an toàn theo quy định.
- Là cơ quan thường trực tìm kiếm, cứu nạn - cứu hộ cho người và tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển.
6. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố, Ủy ban nhân dân quận - huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn - cứu hộ theo Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố.
7. Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Ủy ban nhân dân quận - huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn - cứu hộ theo Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố.
8. Sở Giao thông Công chính thành phố:
Chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện hướng dẫn thực hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy; thường xuyên kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng hệ thống phao tiêu báo hiệu trong vùng nước thủy nội địa.
9. Các cơ quan thông tin tuyên truyền:
Các Đài Phát thanh - Truyền hình, Cơ quan Thông tấn - Báo chí thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định số 245/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế báo bão, áp thấp nhiệt đới, lũ. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân hiểu rõ lợi ích, tầm quan trọng và nghĩa vụ phải thực hiện việc trang bị các thiết bị an toàn, mua bảo hiểm tai nạn tàu thuyền và thuyền viên, đảm bảo tàu thuyền luôn ở trạng thái an toàn khi hoạt động đánh bắt thủy sản. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến để tạo sự chuyển biến trong nhận thức của ngư dân, chủ tàu thuyền nhằm ý thức đầy đủ tránh nhiệm của mình khi hoạt động khai thác thủy sản trên biển, xóa bỏ tư tưởng chủ quan, các quan điểm lạc hậu, mê tín dị đoan khi hành nghề trên biển, trên sông.
10. Chủ tàu thuyền, thuyền trưởng và thuyền viên:
- Chấp hành tốt các quy định mua bảo hiểm cho người và tàu thuyền hoạt động khai thác thủy sản.
- Trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn, cứu nạn, hệ thống thông tin, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người và tàu thuyền theo tiêu chuẩn quy định; thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết và thực hiện đúng các hướng dẫn của cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động trên biển.
- Tổ chức sản xuất theo tổ, đội để hỗ trợ, cứu giúp lẫn nhau khi hoạt động trên biển.
- Khai báo đúng và đầy đủ tần số liên lạc của tàu, số lượng thuyền viên, ngư trường, tọa độ, vị trí khu vực hoạt động trên biển với đơn vị Bộ đội Biên phòng thành phố khi xuất bến.
- Khi có bão, áp thấp nhiệt đới phải chủ động báo cho Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành phố vị trí, tọa độ tàu đang khai thác trên biển và chấp hành mọi sự điều động, hướng dẫn phòng, tránh của các cơ quan chức năng.
- Chủ tàu, thuyền trưởng phải đảm bảo tàu thuyền đánh bắt thủy sản luôn ở trạng thái an toàn, có đầy đủ các trang thiết bị an toàn cho người và tàu thuyền (phao cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc, đèn, còi, trang bị công cụ, thiết bị chống cháy, chống chìm …); khai báo chính xác tần số liên lạc của đài tàu với Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành phố, đơn vị Biên phòng và Ủy ban nhân dân địa phương nơi cư trú. Phải có đủ chứng chỉ chuyên môn (bằng thuyền trưởng, máy trưởng và số thuyền viên tàu cá phù hợp với từng nhóm tàu theo quy định).
- Luôn mang theo danh bạ điện thoại, tần số thông tin cứu nạn, cấp cứu cần thiết; khuyến khích các chủ tàu đầu tư trang bị phao tự thổi.
11. Người lái tàu cá và người làm việc trên tàu cá:
- Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn cho người và tàu cá.
- Phải trang bị hệ thống thông tin theo quy định tại tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành để liên lạc giữa tàu và các cơ quan chức năng quản lý, tìm kiếm cứu nạn - cứu hộ trên bờ, khuyến khích trang bị máy vô tuyến, định vị vệ tinh.
- Luôn mang theo radio, danh bạ điện thoại, tần số thông tin cứu hộ, cứu nạn.
- Phải trang bị đầy đủ theo tiêu chuẩn ngành về phao, đèn, còi, trang bị công cụ, thiết bị chống cháy, chống chìm …
VI. ĐIỀU HÀNH, CHỈ HUY
1. Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố chịu trách nhiệm chung trong việc chỉ đạo, chỉ huy, điều hành, điều phối hoạt động của các Sở - ngành, Ủy ban nhân dân quận - huyện có liên quan. Trong trường hợp khẩn cấp sẽ điều động phương tiện, trang thiết bị, lực lượng để tăng cường cho công tác phòng tránh, ứng phó và khắc phục các sự cố do thiên tai, bão, áp thấp nhiệt đới, tai nạn tàu thuyền hoạt động trên biển, trên sông. Khi Trưởng Ban vắng mặt thì ủy quyền bằng văn bản cho Phó Ban Thường trực thay thế trách nhiệm điều hành, chỉ huy.
2. Trong trạng thái thường xuyên, các ngành, các cấp theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân công chủ động kiểm tra, rà soát việc thực hiện phương án tại đơn vị, địa phương mình. Khi xảy ra sự cố thiên tai ảnh hưởng đến người và tàu thuyền hoạt động thủy sản trên biển, trên sông, các cơ quan thường trực phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn chuyên ngành thủy sản chủ động và kịp thời phối hợp để xử lý theo chức năng, thẩm quyền, đồng thời, báo cáo ngay Trưởng Ban và Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố để theo dõi, chỉ đạo.
VII. CHẾ ĐỘ TRỰC BAN
- Tàu kiểm ngư của Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành phố; tàu, ca nô của Bộ đội Biên phòng thành phố, Trung tâm Cứu nạn hàng hải sẵn sàng điều động tàu khi có tín hiệu cứu nạn - cứu hộ.
- Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành phố tổ chức trực ban 24/24 giờ khi có bão và áp thấp nhiệt đới, tần số trực canh : 44244; tên đài : “Chi cục”; địa chỉ : số 126H Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh; số điện thoại : 08.9902.742 hoặc 0913.803.784 (Chi cục trưởng), 0903.824.875 (Chi cục phó); fax : 08.9901.598 hoặc 08.9904.774.
- Bộ đội Biên phòng thành phố tổ chức trực ban 24/24 giờ khi có bão, áp thấp nhiệt đới hoặc sự cố được thông báo xảy ra, tần số : 12.730 KHz (sóng ngày), 6.820 (sóng đêm); tên đài : “Biên phòng Sài gòn”, Biên phòng Cần Giờ”, “Biên phòng Cần giờ I”, “Biên phòng Cần giờ II”, “Biên phòng Cần Giờ III”, địa chỉ : 189B Cống Quỳnh, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh; điện thoại : 08.8357.741 - 08.9252.624 hoặc 0903.823.878 (Chỉ huy trưởng); fax : 08.9250.007.
VIII. ĐẢM BẢO AN TOÀN, CỨU NẠN - CỨU HỘ THƯỜNG XUYÊN
- Khi tàu cá bị nạn ở khu vực xa bờ thì thuyền trưởng liên lạc ngay cho các tàu gần nhất, đồng thời chủ tàu hoặc thuyền trưởng thông báo cho Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành phố và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố để sẵn sàng tổ chức ứng cứu, phát tín hiệu và phối hợp ứng cứu khi cần thiết.
+ Trường hợp tàu cá bị nạn ở khu vực gần bờ, khi phát hiện, tiếp nhận thông tin, cơ quan chỉ huy sử dụng tàu Hải đội của Bộ đội Biên phòng thành phố, tàu Kiểm ngư của Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành phố để tổ chức cứu hộ, cứu nạn.
+ Trường hợp tàu cá gặp sự cố quá xa bờ, tàu của các cơ quan tìm kiếm, cứu nạn thành phố không thể ra kịp thì khẩn trương gọi điện báo Ban Cứu nạn Quốc gia hoặc Trung tâm Cứu nạn vùng gần nhất hỗ trợ, ứng cứu.
- Khi Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành phố hoặc Bộ đội Biên phòng thành phố nhận được điện báo cấp cứu, phải thông báo cho nhau và báo cáo ngay cho Trưởng Ban, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố để quyết định ngay biện pháp ứng phó khẩn cấp nhằm xử lý kịp thời việc cứu nạn, cứu hộ.
IX. ĐẢM BẢO AN TOÀN, CỨU NẠN - CỨU HỘ KHI CÓ BÃO, ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI
1. Chế độ trực ban:
- Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành phố, Bộ đội Biên Phòng thành phố trực liên lạc 24/24 giờ.
- Tàu Kiểm ngư, tàu Biên phòng trực sẵn sàng ứng cứu khi có tín hiệu cấp cứu và khi có sự điều động của Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố.
2. Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành phố rà soát lại số lượng tàu thuyền, thuyền viên, tọa độ, vị trí đang hoạt động khai thác trên biển của các tàu khai thác xa bờ, thông báo cho thuyền trưởng các tàu tìm chỗ tránh, trú bão an toàn, nếu tàu đang trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão thì chỉ huy trực tiếp trên hệ thống thông tin để hướng dẫn đường tránh bão ngắn nhất và báo cáo các cơ quan cấp trên hỗ trợ cứu nạn khi cần thiết.
3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố tổ chức bắn pháo hiệu theo quy định hiện hành (Thông tư số 11/2006/TT-BTNMT ngày 20 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Quyết định số 245/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ), chỉ đạo phát tín hiệu báo bão khi bão có khả năng xảy ra trong khu vực cho các tàu thuyền đang khai thác ở tuyến lộng và tuyến bờ biết để khẩn trương vào đất liền trú ẩn an toàn.
4. Trước khi có bão, áp thấp nhiệt đới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố điều động lực lượng tìm kiếm, cứu nạn - cứu hộ đến các vị trí trực chiến để sẵn sàng triển khai phương án tổ chức tìm kiếm, cứu nạn - cứu hộ nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão, áp thấp nhiệt đới gây ra và giải quyết khẩn trương các tình huống sự cố thiên tai ngay sau bão, áp thấp nhiệt đới.
5. Trường hợp bão, áp thấp nhiệt đới gây tổn thất lớn về người và phương tiện tàu thuyền, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân quận - huyện điều động, trưng dụng tàu thuyền của ngư dân, tàu thuyền của các doanh nghiệp hiện có tại các bến gần nhất để cùng tham gia tìm kiếm, cứu nạn - cứu hộ theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo ngay để Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố quyết định.
X. ĐẢM BẢO VỀ HẬU CẦN, TÀI CHÍNH
- Đội tàu của Hải đội II thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, tàu Kiểm ngư thuộc Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành phố phải luôn chuẩn bị đầy đủ cơ số xăng, dầu, lương thực, nước uống cho hoạt động tìm kiếm, cứu nạn - cứu hộ trong 07 ngày.
- Luôn trang bị đầy đủ các trang thiết bị về y tế sơ, cấp cứu.
- Phao cứu sinh, cứu hộ phải đảm bảo đủ số lượng, chất lượng và chủng loại để thực hiện cứu hộ, cứu nạn đạt kết quả tốt.
- Chi phí xăng dầu để tìm kiếm, cứu nạn - cứu hộ và các chi phí liên quan sẽ được thanh toán theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố.
Phương án này thay thế cho Phương án số 46/PA-PCLB ngày 12 tháng 4 năm 2007 của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố Hồ Chí Minh./.
BAN CHỈ HUY PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO THÀNH PHỐ |