SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
9
2
2
9
8
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 13 Tháng Mười 2006 9:20:00 CH

Ảnh hưởng của đợt triều cường thượng tuần tháng 10 năm 2006 và các biện pháp ứng phó, khắc phục

Từ ngày 06-10-2006 đến ngày 11-10-2006, đã xuất hiện đợt triều cường lớn nhất kể từ đầu năm trên địa bàn thành phố, mực nước đỉnh triều tại trạm Phú An liên tiếp ba ngày 7, 8 và 9-10-2006 là 1,41m, 1,42m, 1,40m đã gây bể bờ bao, ngập úng một số khu vực tại quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận 2, quận 8, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn... làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại, đời sống, sản xuất của nhân dân.

I. Tình hình triều cường:

Từ ngày 06-10-2006 đến ngày 11-10-2006, đã xuất hiện đợt triều cường lớn nhất kể từ đầu năm trên địa bàn thành phố, mực nước đỉnh triều tại trạm Phú An liên tiếp ba ngày 7, 8 và 9-10-2006 là 1,41m, 1,42m, 1,40m đã gây bể bờ bao, ngập úng một số khu vực tại quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận 2, quận 8, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn... làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại, đời sống, sản xuất của nhân dân.

Trong thời gian triều cường, lưu lượng về hai hồ Thác Mơ và Trị An lớn hơn hai lần lưu lượng chạy máy và do hai hồ đã tích gần đầy nên việc giảm lưu lượng xả tràn bị hạn chế. Hồ Dầu Tiếng không xả tràn do chưa tích đến cao trình mực nước dâng bình thường là 24,4m; tuy nhiên hồ Dầu Tiếng có xả nước vào hệ thống kênh Đông - Củ Chi nhưng do Công ty Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi đã chủ động trong công tác vận hành công trình, bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại các vị trí công trình, thường xuyên tuần tra trên công trình… nên vẫn đảm bảo công tác điều tiết nước tưới tiêu an toàn công trình, không gây thiệt hại cho sản xuất.

II. Ảnh hưởng của đợt triều cường tại các địa phương:

Trước tình hình gây ảnh hưởng lớn của triều cường, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố đã phối hợp với một số địa phương đi kiểm tra thực tế về ảnh hưởng của đợt triều cường và chỉ đạo khắc phục các sự cố. Ảnh hưởng, thiệt hại cụ thể như sau:

1. Quận 12:

a. Phường Thạnh Lộc:

-       Bờ bao tại tổ 10, khu phố 01 bị bể 02 đoạn: đoạn 01 dài 5m, gây ngập úng khoảng 3ha đất nông nghiệp, ngập sâu 20 - 50cm; đoạn 02 dài 3m, gây ngập khoảng 1,5ha, ngập sâu 30 - 60cm.

-       Bờ bao thuộc phần đất của Hợp tác xã Xuân Lộc tại tổ 8, khu phố 01 bị bể một đoạn dài 3,5m, gây ngập khoảng 2ha, ngập sâu từ 20 - 50cm.

-       Bờ bao tại tổ 7, khu phố 01 bị bể một đoạn dài 4m, gây ngập khoảng 2ha ngập sâu 20 - 50cm.

-       Bờ bao thuộc phần đất của Viện Gia Cầm tại tổ 6, khu phố 01 bị bể một đoạn dài 10m, gây ngập khoảng 1,5ha, ngập sâu 20 - 70cm.

-       Bờ bao tại tổ 3, khu phố 01 bị bể một đoạn dài 5m, gây ngập khoảng 2ha, ngập sâu 20 - 50cm.

-       Bờ bao tại tổ 19, khu phố 3B bị bể một đoạn dài 5m, gây ngập khoảng 2ha, ngập sâu 20 - 50cm.

Hiện nay, tất cả các điểm bị bể bờ tại phường Thạnh Lộc đều đã được khắc phục, cơ bản nước đã rút hết. Ngoài ra, tại các tổ 2, 3, 5, 7, 12 có 5 điểm bị tràn bờ nhưng cũng đã được khắc phục kịp thời. Tổng thiệt hại của phường khoảng 300 triệu đồng, gồm sản xuất nông nghiệp (cây cảnh, vườn lài và hoa màu), hư hỏng một số bàn tại trường Tiểu học Thạnh Lộc.

b. Phường Thạnh Xuân:

Trên địa bàn phường Thạnh Xuân không có điểm bờ bao nào bị bể, chỉ bị tràn bờ vài điểm, nhưng đã được cơi đắp kịp thời nên không gây ngập.

c. Phường An Phú Đông:

-       Bờ bao rạch Bà Đương, rạch Lũy (thuộc khu đất của Công ty Hoàng Phước) có 8 điểm bể, dài tổng cộng 40m, gây ngập khoảng 40ha, ngập sâu 0,3 - 1m.

-       Bờ bao sông Vàm Thuật thuộc tổ 26 bị bể một đoạn dài 3m, gây ngập khoảng 5ha, ngập sâu 20 - 70cm.

-       Bờ bao tại tổ 34, khu phố 2 bị bể 1 đoạn dài 5m, gây ngập khoảng 10ha.

Ngoài ra, triều cường còn gây tràn bờ ở một số vị trí ven sông Sài Gòn làm ngập 20 - 40cm với khoảng 20ha khu vực xung quanh. Đến trưa ngày 11-10-2006, phường đã cơ bản khắc phục được tất cả các điểm bể bờ. Thiệt hại ước tính khoảng 800 triệu đồng, gồm kinh phí khắc phục sự cố bể bờ bao, thất thoát thủy sản và cây cảnh...

Ủy ban nhân dân quận 12 đã giao Trung tâm Y tế tổ chức khám, điều trị và cấp phát thuốc cho nhân dân trong khu vực bị ngập úng. Trong thời gian tới, UBND quận sẽ nhanh chóng xử lý việc chuyển nhượng, sử dụng và bảo quản bờ bao khu đất trong dự án cho Công ty Hoàng Phước; tổ chức rút kinh nghiệm trong việc điều hành, khắc phục sự cố trong đợt triều cường vừa qua và bàn bạc các biện pháp để đối phó trong các đợt triều cường sắp tới.

2. Quận Thủ Đức:

a. Phường Hiệp Bình Chánh (khu phố 8):

Ngày 07-10-2006, nước triều tràn qua bờ bao rạch Làng gây bể một đoạn dài 2m. Ủy ban nhân dân phường đã vận động nhân dân hàn đắp ngay trong ngày và đề nghị UBND quận cho gia cố, tôn cao 0,6cm một đoạn khác của bờ bao rạch Làng đã bị xuống cấp (dài 80m).

b. Phường Hiệp Bình Phước:

Ngày 07-10-2006, bị bể một đoạn bờ bao rạch Năm Sóc, dài 3m (thuộc khu vực dự án của Công ty Đại Nhân) gây ngập úng hơn 5ha vườn mai. Cùng ngày 07-10-2006, triều cường làm sạt lở một đoạn bờ bao rạch Bảy Chiêu, dài 4m thuộc khu phố 4. Triều cường cũng tràn qua một số đoạn bờ bao sông Sài Gòn gây ngập úng cục bộ từ 30 - 40cm một số đường hẻm, ảnh hưởng đến sinh hoạt và đi lại của một số hộ dân trong khu vực.

c. Phường Linh Đông:

-       Ngày 07-10-2006, tại khu phố 7 nước triều tràn qua đoạn bờ bao rạch Tám Tàng dài khoảng 100m, UBND phường đã vận động nhân dân tôn cao các đoạn bị tràn bờ.

-       Ngày 09-10-2006, sạt lở 02 đoạn bờ bao rạch Tám Tàng dài 17m. UBND quận đã tổ chức khắc phục ngay trong ngày và đang có kế hoạch cho gia cố một đoạn dài 100m cũng thuộc bờ bao rạch Tám Táng.

d. Phường Tam Phú:

-       Ngày 08-10-2006, bị bể một đoạn bờ bao rạch Hương Việt (khu phố 2) dài 2m, gây ngập úng khoảng 3ha đất nông nghiệp và 20 hộ dân. UBND phường đã tổ chức khắc phục xong.

-       Ngày 09-10-2006, bị bể và sạt lở 02 đoạn bờ bao rạch Lùng dài 13m, làm ngập úng khoảng 5ha đất nông nghiệp. UBND quận đã chỉ đạo khắc phục ngay trong ngày.

e. Phường Tam Bình:

Tại tổ 4 - khu phố 4, triều cường làm nước tràn nhiều đoạn trên bờ bao khu vực rạch Bà Cả, dài 210m. UBND phường đã đề nghi quận có kế hoạch gia cố đoạn bờ bao trên.

Tổng cộng các đoạn bờ bao bị sạt lở và tràn bờ của 05 phường, quận Thủ Đức dài 464m, các bờ bao bị bể đã được khắc phục ngay trong ngày. Để chủ động phòng chống úng ngập trong thời gian tới, UBND quận đang tiến hành khảo sát và lập hồ sơ các đoạn bờ bao cần nâng cấp trình thành phố xem xét, kinh phí ước tính khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra, bờ bao rạch Đĩa tại khu phố 4 và khu phố 6 - phường Hiệp Bình Phước dài 2km và bờ bao rạch Làng tại khu phố 8 - phường Hiệp Bình Chánh hai bên dài khoảng 2km đều xuống cấp, cần có kế hoạch đầu tư, nâng cấp.

3. Quận Bình Thạnh:

Đợt triều cường vừa qua đã gây bể bờ, tràn bờ nhiều nơi trên địa bàn phường 28, cụ thể như sau:

-       Ngày 07-10-2006, tại tổ 15 - khu phố 1 (đường đi vào cầu Ông Ngữ) sạt một đoạn đê bao dài 15m, gây ngập úng cho tổ 13, 14, 15, ngập sâu 50-70cm. Phường 28 đã chỉ đạo HTX Nông nghiệp cùng nhân dân khu phố 01 tổ chức khắc phục trong ngày 08-10-2006 bằng bao tải cát; đồng thời gia cố những điểm xung yếu của đoạn đê bao này dài 100m.

-       Ngày 08-10-2006, tại khu phố 3 bị bể bờ bao gây ngập úng cho tổ 32, 33. Phường 28 đã tổ chức khắc phục bằng cừ tràm, vỉ tre và đang có kế hoạch nâng cao toàn bộ đoạn bờ bao trên sau đợt triều cường.

-       Ngày 08-10-2006, bể một đoạn bờ bao tại tổ 33 (gần chùa Long Đức), dài 20m, gây ngập úng cho khoảng 40 hộ dân, ngập sâu khoảng 50cm; bể bờ bao tại tổ 22; tràn bờ tại tổ 13, 14 khoảng 50m. Các sự cố trên hiện nay cơ bản đã khắc phục xong.

-       Tối ngày 09-10-2006, bể một đoạn bờ bao tại tổ 31, phường 28 dài 3m, gây ngập sâu 20cm, ảnh hưởng đến 14 hộ dân. Ủy ban nhân dân phường vẫn đang tổ chức khắc phục, dự kiến xong trong ngày 13-10-2006.

4. Huyện Bình Chánh:

a. Cơ sở hạ tầng:

-       Đê bao - công trình thủy lợi: bị ngập độ sâu khoảng 10-20 cm, tổng chiều dài trên 5km, chủ yếu ở các xã Phong Phú (đê bao Tân Liêm 100m, đê bao ấp 3-4 chiều dài trên 100m), xã Đa Phước (đê bao khu B, chiều dài trên 01km, đê bao Tập đoàn liên doanh chiều dài khoảng 500m), xã An Phú Tây (các đoạn thấp đê bao rạch Cầu Già khoảng 300m, cống Cây Tri), xã Bình Lợi (khu B ngập khoảng 20-30 cm), xã Tân Nhựt (đê bao cặp kênh Sáu Oánh, khoảng 400m, Trương Văn Đa khoảng 400m, Bà Tỵ khoảng 800m, đê bao ranh Long An 50m).

-       Đường giao thông: bị ngập độ sâu khoảng 10-20cm tại Hương lộ 8 và các đường giao thông nông thôn khoảng 4 km, chủ yếu ở các xã Bình Hưng, Phong Phú, Bình Lợi, Tân Nhựt, thị trấn Tân Túc, nhất là một số đoạn ở Quốc lộ 50 đã gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến đi lại của nhân dân.

b. Sản xuất nông nghiệp:

Triều cường đã gây ngập úng khoảng 150 ha lúa, 50 ha mía, 02 ha rau; tuy nhiên, do nước rút theo triều nên thiệt hại hầu như không đáng kể, chỉ có rau (xã Tân Quý Tây) do hệ thống thoát nước của các hộ sản xuất chưa thực hiện đúng theo yêu cầu kỹ thuật nên có thiệt hại khoảng 50% sản lượng.

c. Khắc phục sự cố:

-       Chính quyền địa phương đã kịp thời khắc phục cơ bản các sự cố khi vừa mới xảy ra bằng cách huy động lực lượng dân quân, nhân dân tại chỗ tạm thời gia cố những vị trí xung yếu trong khi chờ cấp trên (huyện, thành phố) hỗ trợ giải quyết.

-       Các tuyến đê bao Cầu Già (An Phú Tây), đê bao khu B (Đa Phước) xuất hiện những lỗ mọi lớn, có nguy cơ bị vỡ nhưng địa phương đã chủ động kịp thời khắc phục; đồng thời huyện đã hỗ trợ kịp thời cho xã Đa Phước gia cố hai đập xuống cấp rất nặng là đập Bảy Thanh và đập Hai Dẫu.

5. Huyện Cần Giờ:

a. Nuôi trồng thuỷ sản:

Xã Tam Thôn Hiệp có 10 hộ bị thiệt hại (8 hộ bị tràn ao/4,7 ha, 02 hộ bể bờ với lượng giống 180.000 con/1,1 ha).

b. Công trình giao thông, thủy lợi:

-       Đường giao thông: hầu hết các tuyến đường liên xã An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn, Bình Khánh đều bị ngập khoảng 0,2m.

-       Công trình thủy lợi: 02 tuyến đê bị sạt lở (đê K3, K4) địa bàn xã Tam Thôn Hiệp, chiều dài khoảng 200m; hai cống hộp ấp An Hòa và ấp Trần Hưng Đạo do nắp cống bị hư nên dòng nước chảy mạnh gây sạt lở đến các khu vực xung quanh.

c. Khu dân cư và các công trình công cộng:

-       Tại ấp An Hòa, An Lộc, An Phước xã Tam Thôn Hiệp có 41 hộ sống ở ven sông có nguy cơ sạt lở; trong đó có 02 hộ sống ở khu vực Thanh niên xung phong và 06 hộ ở tổ 1 ấp An Lộc bị sạt lở nặng.

-       Tại ấp Bình Mỹ xã Bình Khánh có 02 hộ sống ven sông Trà hiện nay có nguy cơ sụp nền.

d. Biện pháp khắc phục:

Để hạn chế và khắc phục thiệt hại, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn cùng phối hợp tổ khuyến nông, lực lượng xung kích xã, thị trấn, vận động các hộ nuôi tôm dùng các vật liệu như lưới mùng để che chắn quanh ao và gia cố lại các bờ ao tạo điều kiện ổn định cho bà con sản xuất. Đối với các công trình thủy lợi như đê bao, cống, kè đá, huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng, Công ty Dịch vụ công ích huyện tiến hành gia cố đảm bảo phục vụ sản xuất. Các hộ sống ven sông có nguy cơ sạt lở cao, huyện đề nghị Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn vận động, tổ chức di dời đến nơi an toàn để đảm bảo tài sản và tính mạng của các hộ dân.

6. Huyện Củ Chi:

-       Đợt triều cường vừa qua đã ảnh hưởng đến 2 xã Trung An và Bình Mỹ. Mực nước dâng cao lúc triều cường gây tràn đường Tỉnh lộ 9, tuy nhiên sau đó nước rút, nên không gây thiệt hại. Đêm 08-10-2006 triều cường gây bể một đoạn bờ bao rạch Thi Đua thuộc ấp 5 xã Bình Mỹ dài 4m, gây ngập sâu khoảng 0,5 - 0,8m cho 10 ha đất nông nghiệp và 9 hộ dân. Ngay hôm sau 09-10-2006, Ủy ban nhân dân xã Bình Mỹ đã huy động lực lượng và thuê nhân công gia cố đóng cừ, đắp đất lại lúc nước rút và hoàn thành lúc 15 giờ cùng ngày. Ngoài ra, bờ bao nhánh rạch Dứa thuộc xã Bình Mỹ nước tràn bờ, tuy nhiên không gây ngập úng do địa phương đã tu bổ và nâng cao bờ bao.

-       Tình hình bờ bao tại Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp trong những ngày triều cường vẫn ổn định. Các cống điều tiết dọc đường Tam Tân đã được đóng mở một chiều ngăn không cho nước kênh Thầy Cai tràn vào trong đồng.

7. Huyện Hóc Môn:

Từ ngày 06-10-2006 đến ngày 09-10-2006, trên địa bàn xã Nhị Bình ngoài 01 điểm bờ bao bị bể dài 4m ngày 07-10-2006, còn có 01 điểm bị tràn bờ ngày 08-10-2006 và 02 điểm bị tràn bờ ngày 09-10-2006. Huyện Hóc Môn đã chỉ đạo các xã, thị trấn vận động nhân dân và lực lượng xung kích địa phương kịp thời khắc phục, cơi đắp, gia cố bờ bao ngay trong ngày xảy ra sự cố, do đó thiệt hại về sản xuất nông nghiệp là không đáng kể.

8. Huyện Nhà Bè:

Triều cường dâng cao có xảy ra ngập cục bộ trên một số tuyến đường nông thôn tại các xã Hiệp Phước, Phước Lộc nhưng chưa có thiệt hại đáng kể. Để ứng phó với triều cường đối với khu vực nuôi trồng thủy sản, huyện đã khuyến cáo và thông báo trên loa phát thanh về diễn biến tình hình triều cường cho bà con đang nuôi trồng thủy sản. Các hộ dân đã kịp thời gia cố bờ bao, rào lưới nên chưa có xảy ra thiệt hại.

9. Quận Gò Vấp:

Từ ngày 05-10-2006 đến ngày 10-10-2006, triều cường tại kênh Tham Lương (phường 12) và rạch Suối Sâu (phường 15) dâng cao gây ngập cục bộ một số nơi; trên sông Vàm Thuật (phường 5, 13) mực nước dâng cao có lúc tràn qua các tuyến đê bao nhưng không ảnh hưởng xấu đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

10. Quận 2:

a. Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp:

-       Nuôi trồng thủy sản: nước tràn bờ ao nuôi cá, diện tích: 1.500 m2 của 5 hộ dân phường Thủ Thiêm, ước thất thoát thiệt hại 50%, giá trị khoảng 10 triệu đồng.

-       Trên 100 hộ chăn nuôi heo, bò, dê trên địa bàn ấp 4, phường An Lợi Đông chuồng trại bị ngập úng.

b. Ảnh hưởng giao thông, sinh hoạt:

-       Triều cường đã gây ngập các tuyến đường, hẻm trong khu dân cư các phường An Lợi Đông, Thủ Thiêm, An Khánh và khoảng 90% nhà hộ dân bị ngập úng từ 3-5cm, có nơi ngập sâu đến 0,6-0,9m như trục đường chính Lương Định Của (đoạn đường trước UBND phường An Khánh), ngã tư Quốc Hương (phường Thảo Điền).

-       Đường vào tổ 45, khu phố 3, phường An Khánh sạt lở khoảng 50m, ảnh hưởng việc đi lại của gần 100 hộ dân trong khu vực, hiện chính quyền địa phương đã vận động nhân dân khắc phục trước mắt để phục vụ đi lại.

-       Triều cường dâng cao đã gây ngập úng toàn bộ trụ sở UBND phường An Khánh, làm gián đoạn các hoạt động trong những thời điểm nước dâng. UBND phường đã chủ động sử dụng máy bơm nước để bơm tiêu thoát những nơi bị ngập úng cục bộ.

c. Thiệt hại về tài sản:

Tài sản của nhân dân và các đơn vị đã được chủ động di dời, hoặc kê cao nên không bị thiệt hại, ảnh hưởng nhiều.

11. Quận 6:

Từ ngày 08-10-2006, nước bắt đầu ngập ở một số tuyến đường thấp như đường Cao Văn Lầu, Phạm Đình Hổ, Bình Tây (phường 1), ngập từ 10cm đến 15cm; hẻm 605 Phạm Phú Thứ đến Phạm Văn Chí (phường 7) ngập trung bình 25cm; Bến Phú Lâm (phường 9) ngập từ 20cm đến 35cm; từ cầu Phạm Văn Chí đến Lý Chiêu Hoàng (phường 10) ngập 25cm; đường Nguyễn Văn Luông đoạn từ vòng xoay Phú Lâm đến Hậu Giang (phường 12) ngập sâu trung bình 30cm… Tình trạng ngập úng đã ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại của nhân dân, còn về thiệt hại không đáng kể.

12. Quận 7:

Từ ngày 06-10-2006 đến 10-10-2006, do ảnh hưởng của đợt triều cường trên địa bàn quận đã xảy ra ngập úng nhiều nơi như: đoạn đường Huỳnh Tấn Phát gần ngã tư Nguyễn Thị Thập, ngã 3 đường Nguyễn Thị Thập - Lê Văn Lương; khu dân cư Trung Sơn võ đạo cạnh dự án Khu điều dưỡng của DNTN khách sạn Thiên Hà (phường Bình Thuận); khu dân cư Tân Quy Đông (phường Tân Phong); các hẻm thuộc khu phố 1, khu phố 4, khu vực bến bãi ven kênh Tẻ (phường Tân Kiểng); hẻm Tổ dân phố 22, 24, 26, 33 khu phố 3, hẻm Tổ dân phố 3, 4 khu phố 1 (phường Phú Mỹ); một số tuyến đường Nguyễn Thị Thập, Mai Văn Vĩnh, Lâm Văn Bền, Lê Văn Lương (phường Tân Quy)… Một số nơi nước đã tràn qua bờ bao nhưng không gây thiệt hại về tài sản. Đối với các hộ nông nghiệp do có sự chuẩn bị bờ bao và lưới nên không bị thiệt hại về thủy sản, vật nuôi, cây trồng.

13. Quận 8:

Đợt triều cường này đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt và đi lại của nhân dân các phường 4, 15, 16 và một phần phường 5 (bị ngập trung bình 30 – 40cm); phường 6 trước đây chưa bị ngập cũng đã ngập xấp xỉ 10cm ở một số khu vực; riêng phường 7 bị ngập rất nặng, có nơi đến 80cm.

III. Nhận xét, đánh giá và kiến nghị:

1. Nhận xét, đánh giá:

Trong đợt triều cường vừa qua, hầu hết các bờ bao bị bể và tràn bờ gây ngập úng thuộc các rạch nhánh, chi lưu của các sông lớn. Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các địa phương có bờ bao bị bể, tràn bờ đã khắc phục xong, nguồn kinh phí thực hiện do các địa phương tạm ứng.

Qua khảo sát thực địa trong những ngày triều cường vừa qua, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố có một số đánh giá nguyên nhân như sau:

a. Các đoạn bờ bao bị bể phần lớn thuộc phạm vi khu đất các dự án xây dựng hạ tầng, khu dân cư; tư nhân, hộ dân mua đất bỏ hoang chưa đầu tư xây dựng, mặc dù các địa phương đã nỗ lực nhắc nhở yêu cầu phải gia cố nhưng vẫn không được các chủ đất thực hiện. Một số hộ dân trước đây rất ý thức gia cố bờ bao trong khu đất của mình nhưng khi biết được có dự án xây dựng, sẽ bị giải tỏa nên không còn gia cố nữa. Vì vậy, khi bể bờ bao phía ngoài đã gây ngập úng trên diện rộng và ngập sâu ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp (cây hoa màu, cây lài, mai…), thủy sản của các hộ dân gián tiếp trong vùng ảnh hưởng.

b. Việc rà soát kiểm tra các hạng mục bờ bao sông, kênh, rạch xung yếu chưa được các địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và thường xuyên nên khi xuất hiện các đợt triều cường các địa phương không lường trước được sự cố để chủ động phòng tránh.

c. Việc đầu tư các hạng mục bờ bao, cống… (từ các nguồn vốn khác nhau) không được thông qua cơ quan chuyên ngành, quy mô không đảm bảo, cao trình mặt bờ bao không đảm bảo cao trình chống tràn, giải pháp thi công chưa hợp lý nên không đủ khả năng chống chọi với các đợt triều, dễ bị tràn bờ và bị phá vỡ.

d. Việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” của các địa phương chưa thực sự chủ động; vật tư, thiết bị tập kết còn chưa kịp thời và chưa chủ động trong việc tạm ứng kinh phí để xử lý; năng lực chỉ đạo, trình độ chuyên môn của các cán bộ phụ trách tại cơ sở chưa tốt nên còn lúng túng trong việc xử lý tình huống.

e. Việc giảm xả tràn của các hồ chứa thượng lưu trong các ngày triều cường còn bị hạn chế.

2. Kiến nghị:

a. Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo chính xác hơn lưu lượng về hồ trong các ngày triều cường để các nhà máy thủy điện xác định chính xác, hợp lý cao trình mực nước thượng lưu hồ trước đợt triều cường, tạo dung tích chứa nước, không xả trong bốn ngày triều cường.

b. Trên cơ sở ý kiến của một số quận, huyện, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố:

-       Xem xét nâng cấp đoạn đường Lương Định Của (trước UBND phường An Khánh, quận 2) thường xuyên bị ngập sâu do triều cường hàng tháng, nhằm khắc phục trước mắt ùn tắt giao thông và giải quyết việc đi lại của nhân dân trong khu vực và khách qua phà Thủ Thiêm.

-       Xem xét đầu tư công trình nâng cấp và mở rộng đường An Hạ, đường Hưng Long- Quy Đức (đường giao thông kết hợp đê bao ngăn lũ) trên địa bàn huyện Bình Chánh.

-       Chỉ đạo Sở Giao thông công chính sớm khắc phục tái lập mặt đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) khi thực hiện dự án cung cấp nước sạch 300.000m3/ngày, tránh gây ngập úng và ùn tắc giao thông.

        Trên đây là báo cáo của Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố về ảnh hưởng của đợt triều cường thượng tuần tháng 10 năm 2006.

(CCTLPCLB)

Số lượt người xem: 4967    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm