1. Mục tiêu:
- Đến năm 2005: trên 90% nông dân trồng rau ở ngoại thành nắm vững qui trình sản xuất rau an toàn; trên 50% sản lượng rau sản xuất ở ngoại thành và dư lượng thuốc trừ sâu dưới mức qui định. Chấm dứt việc lưu hành thuốc BVTV bị cấm sử dụng trên địa bàn thành phố; tổ chức, xây dựng hệ thống kiểm soát, kiểm tra, chế tài các cơ sở kinh doanh tiêu thụ rau ở các chợ đầu mối.
- Đến năm 2010: các sản phẩm rau sản xuất và kinh doanh trên địa bàn thành phố phải đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng rau an toàn, có dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng, nitrate đều dưới mức qui định của Nhà nước.
2. Kết quả thực hiện đến tháng 9/2004:
- Năm 2003: diện tích gieo trồng rau của toàn thành phố 9.126 ha, trong đó rau an toàn 1.636 ha (tăng 1.131 ha so năm 2002); đã có 37 tổ sản xuất rau an toàn ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và một HTX ở Tân Phú Trung, huyện Củ Chi; 9 xã đã được công nhận vùng rau an toàn, 10 xã và 1 đơn vị được công nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Các doanh nghiệp đã tích cực tham gia chương trình qua việc hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, tăng các đại lý cung cấp vật tư và dịch vụ sản xuất rau an toàn.
- Năm 2004: diện tích gieo trồng rau đến tháng 9/2004: 8.152 ha, dự kiến cả năm 9.000 ha. Diện tích rau an toàn từ đầu năm đến nay trên 3.500 ha, trong đó vụ Đông Xuân 2003-2004: 1.527,6 ha, vụ Hè Thu: 1.714 ha, dự kiến đến cuối năm: 4.000 ha. Sở đang chuẩn bị tổ chức hội chợ rau an toàn vào quí 4/2004, xây dựng chợ kinh doanh rau an toàn (phối hợp Sở Thương mại), triển khai chương trình liên kết với các tỉnh về sản xuất kinh doanh rau an toàn.
- Trong tháng 8/2004, Sở cũng đã tổ chức cuộc họp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục BVTV các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long để thống nhất kế hoạch hợp tác trong việc thực hiện qui trình sản xuất, kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trong rau quả. Đây là các tỉnh có lượng rau quả cung cấp cho thành phố tương đối lớn.
|