Để thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ nay đến năm 2020 theo Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22/1/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố, thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy số 43-CTr/TU ngày 20 tháng 10 năm 2008, theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Ngành nông nghiệp và PTNT thành phố đã xây dựng đề án phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 tầm nhìn 2025 (đã báo cáo và được Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố, Thường trực Thành uỷ thông qua). Theo đề án thì từ nay đến năm 2010 thành phố sẽ tập trung các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; gắn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, rút ngắn chênh lệch về trình độ dân trí, đời sống vật chất và tinh thần giữa khu vực ngoại thành với nội thành; đóng góp có hiệu quả vào tiến trình phát triển chung của thành phố; nhằm công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố.
Nông nghiệp đô thị sẽ thực hiện chức năng chủ yếu thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn thành phố và khu vực; góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nông sản phẩm; đáp ứng nhu cầu vật chất, văn hoá ngày càng cao của cư dân nội thành và cả nông dân lao động ở các vùng ngoại thành đang đô thị hoá; phát triển mảng xanh, đẹp, hài hoà, thân thiện với môi trường. Các hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản được tổ chức ngay trên địa bàn đô thị và đang đô thị hoá, phát huy các ưu thế về đất đai, mặt nước, thị trường, liên kết giữa sản xuất nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, các nguồn lực về khoa học công nghệ, nhân lực tài chính, đầu tư, giao lưu quốc tế, thông tin, … phục vụ cho cư dân đô thị.
Nhiệm vụ mục tiêu chung phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2020 là tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết chủ trương, chính sách của Trung ương và thành phố về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nông nghiệp thành phố sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng kỹ thuật sản xuất công nghệ cao, sử dụng giống mới để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, ổn định và bền vững, góp phần giải quyết nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn, cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp của thành phố.
Để thực hiện được mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố theo đề án quy hoạch sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn 2025, ngành nông nghiệp và PTNT cần chủ động, phối hợp với các quận huyện, các sở ngành, liên quan nghiên cứu để thực hiện các giải pháp như sau:
Trước hết là đẩy mạnh việc cung cấp thông tin quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; tiến hành quy hoạch và khoanh vùng xác định ngay diện tích sản xuất các loại giống, đồng thời triển khai kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị, công nghệ để định hình trung tâm giống, sản xuất và cung cấp giống cho thành phố, các tỉnh và khu vực; nghiên cứu và thực hiện các giải pháp khắc phục các tồn tại, yếu kém trong thời gian qua để phát triển ổn định, bền vững. Đó là nông dân, nông thôn chưa phát huy hết tiềm năng, khả năng và nguồn lực để phát triển sản xuất; chậm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và phương thức tổ chức sản xuất; chưa hình thành các vùng sản xuất tập trung có khối lượng hàng hoá nông sản lớn; chậm phát triển cơ giới hoá, công nghệ sau thu hoạch, hệ thống quản lý chất lượng, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, …
Để giải quyết cơ bản các vấn đề trên, ngành nông nghiệp và PTNT cần chủ động nghiên cứu phát triển công nghiệp dịch vụ phục vụ đầu vào, giải quyết đầu ra, mở rộng và nâng cấp việc chế biến và bảo quản vận chuyển sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp. Tổ chức các dịch vụ cung cấp máy móc, trang thiết bị, dụng cụ chuyên dùng, các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, các loại phân bón, chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản là nhu cầu cần thiết đòi hỏi các ngành công nghiệp phát triển nhanh và gắn bó với nông nghiệp một cách lâu dài, bền vững. Công nghiệp sơ chế, bảo quản, vận chuyển sau khi thu hoạch nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cũng là lĩnh vực mà thành phố có ưu thế. Việc phát triển nhanh công nghiệp gắn bó với nông nghiệp đòi hỏi phải chú trọng việc xử lý chất thải, phát triển mảng xanh, bảo vệ môi trường đô thị bền vững, khai thác tối đa tiềm năng đất đai, mặt nước và khoảng không gian, khoa học công nghệ. Huy động các nguồn lực của thành phố, các thành phần kinh tế để tổ chức sản xuất các loại nông sản phẩm ổn định lâu dài và có giá trị cao: hoa, phong lan, cây kiểng, cả cảnh, rau sạch; tổ chức sản xuất theo quy trình GAP trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để cung cấp cho việc tiêu dùng nội địa và xuất khẩu tại chỗ; phát huy lợi thế cạnh tranh ngay tại thị trường thành phố. Nông nghiệp đô thị thành phố phải kết hợp với du lịch sinh thái góp phần cải thiện cảnh quan và môi trường theo hướng xanh, sạch, đẹp, an toàn, hài hoà giữa con người và thiên nhiên, để cải thiện, tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn, đồng thời tạo môi trường cảnh quan, vui chơi, nghỉ ngơi, giải trí lành mạnh. Để thực hiện chức năng phát triển nông nghiệp đô thị xanh, sạch đẹp, ngoài nguồn vốn Nhà nước đầu tư kết cấu hạn tầng thiết yếu (điện, đường, cấp thoát nước), chính sách kích cầu trong đầu tư và tiêu dùng, cơ chế huy động và quản lý các nguồn vốn chương trình xây dựng thí điểm mô hình xã nông thôn mới, thành phố cần nghiên cứu thực hiện một số chính sách để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển nông nghiệp đô thị theo các dự án (được phê duyệt) trong lĩnh vực phát triển cảnh quan, phòng hộ, cải thiện và bảo vệ môi trường; thành phố cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước để bảo vệ nghiêm ngặt khu dự trữ sinh quyển thế giới, các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; tiếp tục trồng cây phân tán tại các khu công nghiệp, khu đô thị và các khu dân cư, ven đường giao thông, công trình công cộng, tăng tỷ lệ che phủ của rừng và cây xanh trên địa bàn thành phố.
Nguồn nhân lực là yếu tố cần thiết để phát triển nông nghiệp đô thị trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Công tác đào tạo, huấn luyện, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cần được quan tâm đầu tư hỗ trợ tích cực. Các đơn vị như Trung tâm Công nghệ sinh học, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Tư vấn-Hỗ trợ nông nghiệp, Trung tâm Quản lý Kiểm định giống cây trồng vật nuôi, Trung tâm Khuyến nông, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức dạy nghề và các doanh nghiệp phải chủ động, phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học và dạy nghề, tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật từ kết quả nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng các thành tựu khoa học khuyến nông về sử dụng giống mới trong kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho nông dân, nhà vườn ở thành phố và các tỉnh, khu vực. Tổ chức các điểm trình diễn, tập huấn, hoạt động tham quan, học tập những điển hình tiên tiến trong và ngoài nước.
Phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố là yêu cầu khách quan, cần thiết để đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các sở ngành, các cấp chính quyền địa phương, nhất là ngành nông nghiệp và PTNT cần tập trung mọi nguồn lực để thực hiện./.
CN Hoàng Thị Hồng
Phòng Kế hoạch-TC
|