SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
3
8
0
5
8
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 04 Tháng Mười Một 2011 3:50:00 SA

Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015

Thực hiện Quyết định số 4320/QĐ-UBND, ngày 12/9/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về Phê duyệt Chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình với những nội dung như sau:

  

     

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

       - Tiếp tục nâng cao chất lượng con giống gắn với công tác kiểm định và chứng nhận đàn bò sữa, hình thành đàn hạt nhân mở của thành phố Hồ Chí Minh.

       - Đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác, chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại tập trung, công nghiệp, kiểm soát dịch bệnh, chất lượng sữa và môi trường chăn nuôi tại nông hộ.

       - Nhân rộng các mô hình chăn nuôi bò sữa theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ mới; củng cố các hợp tác xã chăn nuôi bò sữa gắn kết sản xuất, cung cấp dịch vụ và thu mua tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác giống, thú y, khuyến nông bò sữa.

2. Mục tiêu cụ thể:

       - Duy trì đàn bò sữa đến năm 2015 là 83.500 con, trong đó cơ cấu đàn cái sinh sản chiếm 60 - 70% và đàn cái vắt sữa chiếm 45 - 50% tổng đàn.

       - Kiểm định và chứng nhận con giống theo tiêu chuẩn hiện hành. Xây dựng đàn hạt nhân mở có năng suất sữa trên 8.000 kg/con/năm.

       - Khống chế một số bệnh như Lở mồm long móng, lao, Brucellosis, Leptospirosis và ký sinh trùng đường máu trên bò sữa; tỷ lệ viêm vú tiềm ẩn và số lượng tế bào somatic trên 1.000.000 tế bào/ml không vượt quá 25% vào năm 2015. Được Cục Thú y công nhận thành phố Hồ Chí Minh an toàn bệnh sảy thai truyền nhiễm và lao trên đàn bò sữa.

       - Áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) trong chăn nuôi bò sữa tại nông hộ. Đưa vào vận hành trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Isreal; xây dựng ít nhất 01 mô hình Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa đồng bộ từ cung cấp con giống, thức ăn TMR, các dịch vụ về gieo tinh, thú y, kiểm soát chất lượng và thu mua sữa cho các xã viên tham gia.

       - Phấn đấu đến năm 2015, quy mô chăn nuôi bò sữa bình quân là 15 con/hộ, năng suất sữa đạt bình quân 6.200 – 6.500 kg/con/năm; tuổi phối giống lần đầu 15 - 16 tháng; tuổi đẻ lứa đầu 24 – 25 tháng; khoảng cách 2 lứa đẻ 400 – 425 ngày; hệ số phối 2,8 – 3 lần/con; 65 - 67% hộ chăn nuôi bò sữa có hệ thống xử lý chất thải; tỷ lệ sử dụng khẩu phần TMR đạt 20- 25%; tỷ lệ cơ giới hóa, hiện đại hóa trong chăn nuôi bò sữa đạt 30 - 35%. Diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa đạt 4.090 ha.

       - Đào tạo 50 cán bộ chuyên sâu về các lĩnh vực giống, thú y, khuyến nông phục vụ chăn nuôi và quản lý giống bò sữa.

 

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác quản lý và kiểm định giống bò sữa:

       - Tổ chức bình tuyển, giám định và chứng nhận giống bò sữa; đồng thời chọn lọc và hình thành đàn hạt nhân mở của thành phố.

       - Tiếp tục khuyến cáo và xây dựng chính sách hỗ trợ để tăng cường loại thải những con bò có năng suất thấp, sinh sản kém. Tập trung đánh giá đời sau các dòng tinh bò sữa kinh doanh trên địa bàn; lập dự án và tổ chức thực hiện nhập các dòng tinh cao sản chịu nhiệt, tinh giới tính, nhằm cải thiện nhanh đàn cái vắt sữa. Hướng dẫn người chăn nuôi chọn lọc và phối giống các dòng tinh bò sữa thích hợp. .

       - Nghiên cứu một số công thức lai từ một số giống bò nền khác; cải tiến công nghệ sinh sản, đặc biệt là công nghệ tế bào động vật trong đông lạnh tinh, phôi và cấy chuyển hợp tử; ứng dụng công nghệ gen trong xác định giới tính tinh, phôi.

       - Triển khai ứng dụng phương pháp BLUP trong chứng nhận giống bò sữa và thực hiện chương trình cải thiện chất lượng đàn bò sữa (DHI). Hoàn thiện hệ thống ghi chép trong công tác quản lý giống phục vụ cho việc đánh giá chất lượng giống; chuyển giao các phần mềm quản lý giống cho các trang trại chăn nuôi, hướng đến thiết lập hệ thống tích hợp dữ liệu từ cơ sở giống đến cơ quản quản lý giống.

       - Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh tinh bò sữa; thường xuyên kiểm tra tay nghề và chất lượng gieo tinh bò sữa của đội ngũ dẫn tinh viên hoạt động trên địa bàn thành phố.

2. Công tác thú y và an toàn thực phẩm:

       - Củng cố và nâng cao năng lực hệ thống thông tin cơ sở. Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch tễ, cập nhật biến động đàn và công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn bò sữa tại nông hộ.

       - Tổ chức tiêm phòng định kỳ đối với bệnh LMLM và THT, đảm bảo 100% trên diện tiêm và 80% tổng đàn, tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng đạt trên 80%. Tiếp tục lấy mẫu giám sát các bệnh liên quan đến bò sữa, hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến bò sữa (nhất là các bệnh liên quan đến sinh sản); duy trì và xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Phấn đấu đến năm 2015, Cục Thú y công nhận thành phố an toàn bệnh sảy thai truyền nhiễm và bệnh lao trên đàn bò sữa thành phố.

       - Phối hợp với Hội Nông dân, các Công ty thu mua sữa có biện pháp tăng tỷ lệ áp dụng các biện pháp vệ sinh sữa (sát trùng bầu vú sau khi vắt sữa bằng dung dịch iodin, phương pháp CMT phát hiện sớm viêm vú tiềm ẩn) tại các hộ, trại chăn nuôi bò sữa. Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật xét nghiệm một số chỉ tiêu cơ bản (vật chất khô, độ béo, đạm, nhiễm vi sinh trong sữa) cho các Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa.

       - Đầu tư trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chẩn đoán xét nghiệm và điều trị nhất là điều trị các bệnh sinh sản và phòng chống dịch bệnh trên đàn bò sữa. Nghiên cứu và ứng dụng các bộ kit chẩn đoán bệnh cho bò sữa như viêm vú, các bệnh về sinh sản; sản xuất các dược phẩm và vaccin phòng bệnh cho bò sữa.

       - Quản lý chặt chẽ đội ngũ thú y tư nhân, dẫn tinh viên trên địa bàn thành phố.

3. Công tác tổ chức sản xuất và nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi bò sữa:

       - Thường xuyên cập nhật các tiến bộ mới trong quản lý, chăn nuôi, điều trị bệnh trên đàn bò sữa. Tổ chức tập huấn kỹ thuật chuồng trại, chăm sóc, nuôi dưỡng; hỗ trợ xây dựng các mô hình chăn nuôi bò sữa hiệu quả theo hướng an toàn sinh học và an toàn thực phẩm.

       - Đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa, hiện đại hóa trang thiết bị và cơ sở vật chất trong chăn nuôi bò sữa. Xây dựng các khẩu phần thức ăn bò sữa phù hợp với từng giai đoạn sản xuất; khai thác nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm; khuyến khích tăng tỷ lệ sử dụng thức ăn ủ chua, các dạng protein by-pass, khẩu phần thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR) trong chăn nuôi bò sữa, để nâng cao năng suất và giảm giá thành sản xuất.

       - Nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa, cụm chăn nuôi bò sữa theo hướng khép kín chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho xã viên. Phấn đấu đến năm 2015, vận động 50 – 60% hộ nuôi tham gia vào các loại hình hợp tác chăn nuôi; hình thành Hội bò sữa thành phố.

       - Tiếp tục vận động người dân tận dụng nguồn đất trống và mạnh dạn chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa. Nhập, thử nghiệm và nhân rộng các giống cỏ mới có chất lượng và năng suất cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng; đồng thời liên kết hợp tác với các tỉnh để cung cấp nguyên liệu cho các Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa, các nhà máy sản xuất TMR.

       - Phối hợp với các doanh nghiệp để thu mua, chế biến sữa, sản xuất thức ăn, cung cấp thuốc thú y, trang thiết bị chăn nuôi đảm bảo chất lượng và giá thành hợp lý cho người chăn nuôi; đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn TMR. Mở rộng hệ thống trạm trung chuyển, điểm thu mua sữa tươi nguyên liệu, đảm bảo tiêu thụ toàn bộ lượng sữa cho người chăn nuôi.

       - Nghiên cứu các chế phẩm, hoạt chất sinh học (interferon) bổ sung vào thức ăn chăn nuôi; công nghệ lên men và bảo quản sau chế biến, để khai thác tốt nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò sữa.

4. Công tác chứng nhận con giống và xúc tiến thương mại:

       - Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình chăn nuôi, thị trường con giống, nguyên liệu thức ăn… trong nước và thế giới.

       - Quảng bá, giới thiệu địa chỉ các cơ sở cung cấp con giống tốt.

       - Tổ chức Hội thi bò sữa 2 năm/lần.

5. Giải pháp đào tạo nhân lực ngành chăn nuôi bò sữa:

       - Đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại… để quản lý sản xuất tại nông hộ.

       - Tổ chức tham quan học tập các mô hình chăn nuôi bò sữa hiệu quả trong nước, ngoài nước.

       - Cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu về giống, dinh dưỡng, thú y, an toàn thực phẩm… trong nước và nước ngoài.

6. Giải pháp chính sách:

        - Xây dựng và triển khai thực hiện các Đề án đã được phê duyệt trong Chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2011 – 2015.

        - Hướng dẫn người chăn nuôi bò sữa tiếp cận nguồn vốn vay theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 về Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố; Quyết định số 3749/QĐ-UBND, ngày 24/8/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mô hình HTX nông nghiệp – dịch vụ giai đoạn 2010 – 2015 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh…

        - Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ người chăn nuôi liên kết sản xuất, mở rộng quy mô chăn nuôi, loại thải đàn bò sản xuất kém hiệu quả, đầu tư hiện đại hóa ngành chăn nuôi bò sữa....

 

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân các quận huyện:

       - Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở tổ chức giám sát tình hình chăn nuôi, tuyên truyền, vận động người chăn nuôi bò sữa chọn lọc thay đàn, chấp hành tiêm phòng và các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn dịch bệnh; ứng dụng kỹ thuật mới trong chăn nuôi; quản lý lực lượng dẫn tinh viên trên địa bàn.

       - Phối hợp với các cơ quan chức năng có kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất tình hình kinh doanh, chất lượng sản phẩm vật tư và nguyên liệu thức ăn tại các đại lý kinh doanh trên địa bàn, giúp người nông dân biết và lựa chọn sản phẩm có chất lượng.

       - Tuyên truyền, vận động người chăn nuôi bò sữa tham gia vào Hợp tác xã, tổ hợp tác; khuyến khích chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ, nhằm tăng tỷ lệ thức ăn xanh trong khẩu phần thức ăn bò sữa.

2. Phòng Kế hoạch – Tài chính:

       - Hướng dẫn cho các đơn vị trực thuộc Sở xây dựng , phân kỳ kinh phí hằng năm theo các nội dung đã được phê duyệt trong Chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015. Tổng hợp kinh phí trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt để triển khai thực hiện.

       - Hướng dẫn các đơn vị thực hiện thanh toán, quyết toán hằng năm theo quy định.

3. Phòng Nông nghiệp Sở:

       - Định kỳ tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi, thu mua sữa của các công ty trên địa bàn thành phố.

       - Theo dõi thình hình triển khai chương trình; tham mưu Ban Giám đốc Sở kịp thời giải quyết những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình; thực hiện các báo cáo sơ kết, tổng kết thực hiện chương trình.

4. Thanh tra Sở:

       Chủ trì đoàn thanh tra, kiểm tra định kỳ tại các cơ sở sản xuất tinh bò sữa, vật tư nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

5. Chi cục Thú y:

       - Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận huyện tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi bò sữa; tiêm phòng định kỳ và bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi; quản lý chặt chẽ lực lượng thú y điều trị bò sữa theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

       - Phối hợp với các công ty thu mua sữa hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp cải thiện chất lượng vệ sinh sữa, tập trung tăng tỷ lệ sát trùng bầu vú sau khi vắt sữa, chẩn đoán viêm vú tiềm ẩn bằng CMT.

       - Phối hợp với tổ chức CEVEO – Pháp trong tập huấn cho cán bộ kỹ thuật nâng cao khả năng chẩn đoán, điều trị bệnh bò sữa, vệ sinh khai thác sữa.

       - Triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường công tác thú y phát triển bò sữa, kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”

6. Trung tâm Quản lý và Kiểm định Giống cây trồng, vật nuôi:

       - Hoàn chỉnh các quy trình, tiêu chí thực hiện công tác bình tuyển, kiểm định bò sữa, chọn lọc đàn bò sữa hạt nhân của thành phố. Tổ chức chứng nhận con giống theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các phương pháp tiên tiến của thế giới.

       - Đánh giá và khuyến cáo người chăn nuôi sử dụng các dòng tinh phù hợp với đàn bò sữa của thành phố. Đồng thời, thường xuyên vận động loại thải các cá thể có năng suất thấp, sinh sản kém.

       - Nhập, tổ chức phối giống và quản lý các dòng tinh cao sản phù hợp với điều kiện nhiệt đới cho đàn bò có năng suất từ 7.000 – 8.000 kg/con/năm và tinh phân biệt giới tính chất lượng cao cho đàn hạt nhân trên 8.000 kg/con/năm.

       - Đánh giá đời sau các dòng tinh bò sữa kinh doanh trên địa bàn; lập dự án và tổ chức thực hiện nhập các dòng tinh cao sản chịu nhiệt, tinh giới tính, nhằm cải thiện nhanh đàn cái vắt sữa. Hướng dẫn người chăn nuôi chọn lọc và phối giống các dòng tinh bò sữa thích hợp.

       - Củng cố hệ thống quản lý giống bò sữa trên địa bàn tại các cơ sở kinh doanh tinh bò sữa, lực lượng dẫn tinh viên thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh tinh bò sữa, thường xuyên kiểm tra tay nghề và chất lượng gieo tinh bò sữa của đội ngũ dẫn tinh viên hoạt động trên địa bàn thành phố.

       - Thử nghiệm lai tạo một số công thức lai giống bò sữa mới; khảo nghiệm các giống cỏ mới có năng suất cao, chất lượng tốt.

       - Đưa vào vận hành trại bò sữa công nghệ cao Israel.

       - Triển khai thực hiện các Dự án:

           + Dự án “Nhập nội và cải thiện giống bò sữa trên địa bàn thành phố”

           + Dự án “Công tác quản lý, đánh giá di truyền giống bò sữa theo phương pháp tiên tiến phù hợp chuẩn mực quốc tế và xây dựng đàn hạt nhân mở”.

           + Phân kỳ kinh phí hằng năm thực hiện các Dự án; báo cáo phòng Kế hoạch – Tài chính Sở tổng hợp.

7. Trung tâm Khuyến nông:

       - Tổ chức tập huấn và xây dựng các trại chăn nuôi theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP).

       - Phối hợp với Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty TNHH Friesland Campina xây dựng mô hình chăn nuôi ứng dụng các kỹ thuật mới trong chăn nuôi bò sữa, các trang trại chăn nuôi kiểu mẫu.

       - Nhân rộng các mô hình chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ mới; giống cỏ có chất lượng tốt đã được kiểm định…

       - Triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường trang thiết bị phục vụ cơ giới hóa ngành chăn nuôi bò sữa”. Phân kỳ kinh phí hằng năm thực hiện các Dự án; báo cáo phòng Kế hoạch – Tài chính Sở tổng hợp.

       - Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ vận động các doanh nghiệp thực hiện Dự án “Đầu tư nghiên cứu sản xuất trang thiết bị phục vụ chăn nuôi bò sữa thay thế ngoại nhập”.

8. Chi cục Phát triển nông thôn:

       - Củng cố hoạt động của các hợp tác xã chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố.

       - Vận động người chăn nuôi bò sữa tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi bò sữa.

       - Triển khai thực hiện Dự án “Củng cố và nâng cấp hệ thống hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố”. Phân kỳ kinh phí hằng năm thực hiện các Dự án; báo cáo phòng Kế hoạch – Tài chính Sở tổng hợp.

9. Trung tâm Công nghệ Sinh học:

        - Nghiên cứu các chế phẩm, hoạt chất sinh học (interferon) bổ sung vào thức ăn chăn nuôi; ứng dụng công nghệ lên men, làm giàu dinh dưỡng cho các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò sữa quy mô công nghiệp; nghiên cứu công nghệ bảo quản sau chế biến để lưu giữ dinh dưỡng trong nguồn thức ăn xanh.

        - Nghiên cứu và ứng dụng các bộ kit chẩn đoán bệnh cho bò sữa như viêm vú, các bệnh về sinh sản; sản xuất các dược phẩm và vaccin phòng bệnh cho bò sữa.

        - Tổ chức thực hiện Đề án “Nghiên cứu triển khai công tác cấy truyền phôi bò sữa đã xác định giới tính trên địa bàn thành phố”. Phân kỳ kinh phí hằng năm thực hiện các Dự án; báo cáo phòng Kế hoạch – Tài chính Sở tổng hợp.

10. Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp:

        - Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở xây dựng các tài liệu tập huấn chăn nuôi bò sữa phù hợp với những tiến bộ trong chăn nuôi bò sữa trong nước và thế giới.

        - Chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở, các công ty thu mua sữa tổ chức tham quan các mô hình; các buổi trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi bò sữa, nhằm giúp người chăn nuôi kịp thời tiếp cận với những kỹ thuật mới, nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò sữa.

        - Triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo, huấn luyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. Phân kỳ kinh phí hằng năm thực hiện các Dự án; báo cáo phòng Kế hoạch – Tài chính Sở tổng hợp.

11. Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp:

       - Cập nhật thông tin về tình hình chăn nuôi, thị trường con giống, nguyên liệu… trong nước và thế giới, giúp người chăn nuôi có cập nhật thông tin, cân đối sản xuất.

       - Thường xuyên nắm bắt tình hình thu mua sữa tươi nguyên liệu của các công ty thu mua, nhằm kịp thời đề xuất giải quyết các khó khăn phát sinh của người chăn nuôi.

       - Triển khai thực hiện Chương trình “Xúc tiến thương mại bò sữa”. Phân kỳ kinh phí hằng năm thực hiện các Dự án; báo cáo phòng Kế hoạch – Tài chính Sở tổng hợp.

12. Các doanh nghiệp tham gia Chương trình:

       - Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở xây dựng các mô hình trang trại kiểu mẫu; xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn TMR; trang thiết bị phục vụ chăn nuôi bò sữa; tiêu thụ sản phẩm sữa… 

       - Tham gia thực hiện Dự án “Đầu tư nghiên cứu sản xuất trang thiết bị phục vụ chăn nuôi bò sữa thay thế ngoại nhập”.


Số lượt người xem: 11925    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm