I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung:
- Phát triển nông nghiệp thành phố theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, ổn định, bền vững; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 6%/năm, giá trị gia tăng trên 5%/năm. Góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố.
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; kinh tế nông thôn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch; hình thành và phát triển những vùng sản xuất giống chất lượng cao, khu nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, nhất là công nghệ sinh học để lai tạo giống, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và khả năng cạnh tranh của nông sản.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015:
Tiếp tục giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả ở các vùng có nguy cơ bị tác động của biến đổi khí hậu để chuyển sang cây trồng khác: phấn đấu giai đoạn 2011 - 2015 giảm diện tích trồng lúa từ 3.500 - 4.000 ha. Đến năm 2015:
- Hoa - cây kiểng: trên 2.100 ha.
- Cá kiểng: trên 100 triệu con.
- Duy trì đàn bò sữa ở mức 83.500 con, đàn heo khoảng 300.000 con.
- Đàn cá sấu: 190.000 con.
- Chim yến: 2.000 kg tổ yến.
- Diện tích gieo trồng rau trên 15.000 ha
- Tôm các loại: trên 10.000 tấn.
- Ổn định và nâng cao năng suất, chất lượng muối Cần Giờ.
- Hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh ở nông thôn ngoại thành: 100%; hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh: 100%; hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas xử lý chất thải: 90%.
- Độ che phủ rừng và cây xanh trên địa bàn thành phố: 40%, trong đó độ che phủ rừng và cây lâm nghiệp 19,1%.
II. NHIỆM VỤ
- Thực hiện có hiệu quả chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới đối với xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) trong năm 2011 và 5 xã điểm (tại 5 huyện) trong năm 2012, đồng thời tổng kết, rút kinh nghiệm để đẩy mạnh thực hiện đối với các xã còn lại.
- Thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo các chương trình giống cây, giống con chất lượng cao, phát triển rau an toàn, bò sữa, thủy sản, hoa - cây cảnh - cá kiểng, cá sấu…; các đề án nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nông sản thực phẩm, đề án giám sát dịch tễ; bảo vệ và phát triển các loại rừng, cây xanh; chương trình khuyến nông, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cho các hộ sản xuất nông nghiệp…
- Phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, thủy lợi, các công trình phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã được đầu tư trong thời gian qua, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm (Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Giao dịch và Triển lãm sản phẩm nông nghiệp, Trung tâm Thủy sản thành phố ...).
- Liên kết, hợp tác với các tỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; kiểm soát chất lượng an toàn nông sản, tạo nguồn thực phẩm an toàn cho thành phố; cung cấp các sản phẩm giống cây trồng, vật nuôi và chuyển giao công nghệ sản xuất cho các địa phương để phát triển các vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và các dịch vụ phục vụ nông nghiệp (vận chuyển, kho bãi, xúc tiến thương mại ...)
- Tiếp tục nghiên cứu, thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển các thành phần kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn.
- Thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản, hội nhập kinh tế thế giới và khu vực;
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác thông tin tuyên truyền, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các loại hóa chất, thuốc trừ sâu, chất kháng sinh trong sản xuất và chế biến nông thủy sản.