I. Tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu cá cảnh 2011.
1. Tình hình sản xuất:
- Sản lượng: sản lượng đạt 65 triệu con, tăng 8,5% so với 2010 với 283 cơ sở sản xuất cá cảnh các loại.
- Giá trị: Tính theo giá thực tế năm 2011 là 482,3 tỷ đồng, tăng 80 % so với cùng kỳ.
- Đối tượng sản xuất: Đối tượng sản xuất kinh doanh với hơn 60 loài, trong đó chủng loại chính gồm có 36 loài nuôi sinh sản và 14 loài khai thác tự nhiên thuần dưỡng làm cá cảnh, còn lại khoảng 10 loài có số lượng tiêu thụ thấp. Các loài chiếm ưu thế như cá Chép Nhật, Bảy Màu, Hòa Lan, Dĩa, Xiêm, Ông Tiên, Tứ Vân, Hồng Kim, Hắc Kim, Bạch Kim, v.v.. Cơ bản theo 3 nhóm chính: Nhóm cá nuôi, thuần dưỡng trong ao đất ( Neon, Cá Chép Nhật, Vàng, Tứ Vân, Hồng Kim, Hắc Kim, Phượng Hoàng, các loại cá Sặc,..); Nhóm cá nuôi thuần dưỡng trong bể xi-măng hoặc bể kiếng ( cá Dĩa, Ông Tiên, Xiêm, Bảy Màu, Mang Rổ, Nâu, Thủy Tinh,…); Nhóm cá khai thác tự nhiên thuần dưỡng ( cá Mang Rỗ, Nóc, Thủy Tinh, Lìm Kìm, Chạch, cá Nâu, cá Sặc, cá Lòng tong v.v..)
- Khu vực sản xuất: Do ảnh hưởng mạnh của đô thị hoá và ô nhiễm nguồn nước tự nhiên nên các cơ sở sản xuất cá cảnh trước đây khu vực quận 8, 12, Gò Vấp, Thủ Đức có xu hướng phát triển mạnh và tập trung ở các khu vực ngoại thành như: Quận 9, 12, Bình Chánh, Củ Chi…
2. Tình hình kinh doanh, xuất- nhập khẩu
- Sản lượng xuất khẩu cá cảnh hàng năm khoảng 10-15% sản lượng sản xuất. Năm 2011 xuất khẩu 8,861,400 con tăng 17% so vớ cùng kỳ.
- Đối tượng xuất khẩu chính bao gồm các loài: Cá Neon các loại (30,84%) , Cá Moly, Bình Tích, Trân Châu (17,12%), cá Hòa Lan, Hồng Kim, Hạt Lựu (12,78%), Cá Bảy Màu các loại (10,04%), cá Tỳ Bà các loại (5,33%), cá Nóc các loại (3,33%) còn lại là hơn 70 loài cá cảnh và sinh vật khác.
- Thị trường xuất khẩu chính bao gồm: thị trường Châu Âu: 72,9% (trong đó: các nước chiếm tỷ lệ cao là CHDC Đức: 23,2%, CHSec: 11,8%, LB Nga: 10,4%, Anh: 6%); thị trường Mỹ: 14,7%, thị trường châu Á: 12,4% (trong đó: các nước chiếm tỷ lệ cao gồm Singapore: 7%, Nhật 2,7%)
3. Dịch vụ cho nuôi cá cảnh:
Dịch vụ cho nuôi, sản xuất và cả người chơi cá cảnh khá phong phú như bể kiếng, máy thổi khí, đá bọt khí, máy lọc nước tuần hoàn, đèn trang trí, cây cảnh giả, hòn non bộ.. cho đến thuốc thuỷ sản, thức ăn tổng hợp dạng viên, dạng bột…chủ yếu là nhập từ Trung Quốc có giá khá rẻ phục vụ cho nghề nuôi cá cảnh. Thiết kế, trang trí hồ cá cảnh, thủy sinh. Đây là lĩnh vực mang lại doanh thu và lợi nhuận cao nhưng sản xuất và cung cấp các loại dịch vụ của thành phố còn rất hạn chế.
4. Công tác kiểm dịch, xây dựng cơ sở nuôi an toàn bệnh, dịch phục vụ xuất khẩu:
Hiện nay, các hộ nuôi cá cảnh được tập huấn về an toàn dịch bệnh và các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học nhằm đáp ứng từng bước các quy định về an toàn dịch bệnh của Tổ chức sức khoẻ động vật thế giới (OIE) theo cam kết với Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 4 đơn vị được Cục Thú Y cấp chứng nhận cơ sản đảm bảo an toàn dịch bệnh có đủ điều kiện xuất khẩu cá chép, cá vàng vào thị trường Mỹ gồm: Công ty cá cảnh Sài Gòn, Cơ sở Châu Tống, Cơ sở Ba Sanh, Công ty TNHH và TM Hải Thanh.
5. Triển khai chương trình phát triển cá cảnh giai đoạn 2011-2015
5.1/ Ngày 12 tháng 7 năm 2011, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 3463/ QĐ-UBND Về việc Phê duyệt Chương trình Phát triển cá cảnh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-20151.
5.2/ Ngày 4 tháng 8 năm 2011, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội thảo bàn kế hoạch triển khai Chương trình Phát triển cá cảnh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015 với nhiều sự tham dự của Hội Sinh vật cảnh thành phố, Trường Đại Học Nông Lâm TPHCM, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2, một số quận huyện trọng điểm như huyện Củ Chi, Bình Chánh, quận 12, 9 và hơn 100 nghệ nhân và đơn vực xản xuất kinh doanh trong lĩnh vực cá cảnh. Trong đó, triển khai xây dựng các giải phảp và chính sách phát triển cá cảnh giai đoạn 2011-2015.
5.3/ Ngày 11 tháng 10 năm 2011, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Kế hoạch số 1503/ SNN-TS về việc triển khai Chương trình Phát triển cá cảnh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015
5. Đánh giá chung:
- Mặt được:
+ Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh; sản lượng, giá trị sản lượng cá cảnh tiếp tục tăng , bước đầu hình thành các khu vực sản xuất tập trung đã tạo ra được lượng hàng hóa phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, hiệu quả kinh tế của ngành sản xuất cá cảnh là động lực phát triển trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Thành phố theo hướng nông nghiệp đô thị.
+ Công tác khuyến ngư, cơ chế chế chính sách, xúc tiến thương mại, nghiên cứu khoa học liên quan đến lĩnh vực cá cảnh đã được quan tâm có hệ thống đã tiếp tục thúc đẩy nghề sản xuất kinh doanh cá cảnh phát triển trong năm 2011.
- Mặt hạn chế:
+ Qui mô sản xuất cá cảnh trên địa bàn đa số còn nhỏ lẻ, hộ gia đình nên không đáp ứng được các đơn hàng có số lượng lớn, chất lượng đồng đều nhất là các đơn hàng xuất khẩu.
+ Điều kiện cơ sở vất chất còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ các các điều kiện về giám sát an toàn dịch bệnh.
+ Qui trình sản xuất, chọn giống và lai tạo để tạo ra giống mới phục vụ sản xuất còn nhiều hạn chế, chủ yếu là truyền thống.
+ Tổ chức sản xuất chưa có sự liên kết chặt chẽ, đặc biệt là vai trò của các của Hội, Chi hội cá cảnh còn nhiều hạn chế, Hội viên phân tán, chưa phát huy sức mạnh thực sự của các nghệ nhân có tâm huyết.
+ Thị trường xuất khẩu rộng nhưng không tập trung, số lượng suất khẩu có tăng nhưng chưa mạnh.
II. Kế hoạch phát triển cá cảnh 2012:
1. Định hướng và mục tiêu phát triển cá cảnh giai đoạn 2011-2015:
- Định hướng:
+ Duy trì khu vực sản xuất cá cảnh ở các quận nội thành và quận ven quận 8, quận 12, quận 9 và Gò vấp đồng thời phát triển mạnh nuôi cá cảnh ở các khu vực có khả năng tập trung cao huyện Củ Chi, Bình Chánh
+ Hình thành khu vực chuyên sâu về nghiên cứu lai tạo cá cảnh trong Khu Nông nghiệp Công nghệ cao tại huyện Củ Chi.
+ Nghiên cứu phát triển cá tự nhiên dùng làm cá cảnh (chọn lọc, thuần dưỡng, sinh sản nhân tạo) và lai tạo giống loài mới có giá trị kinh tế cao.
+ Xây dựng hệ thống sản xuất cá cảnh thân thiện với môi trường, an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Đến năm 2015: sản lượng cá cảnh đạt 100 triệu con, xuất khẩu 20-30 triệu con; kim ngạch ước 30-40 triệu USD.
+ Tất cả các cơ sở sản xuất cá cảnh xuất khẩu đều được giám sát dịch bệnh đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU đối với những đối tượng bắt buộc phải giám sát.
+ Hình thành trung tâm giao dịch hoặc siêu thị cá cảnh từ 2 chợ cá cảnh hiện nay là khu vực đường Nguyễn Thông-Lý Chính Thắng, quận 3 và đường Lưu Xuân Tín, quận 5.
2. Kế hoạch phát triển cá cảnh 2012:
2.1. Sản lượng: 70 triệu con, xuất khẩu 15 triệu con.
2.2. Giải pháp:
- Giải pháp về quy hoạch:
+ Phối hợp huyện Củ Chi: Điều chỉnh qui hoạch các khu vực ven các hệ thống kênh Đông như xã Phước Hiệp, Trung An Phát triển cá cảnh vì rất thuận lợi cho việc cấp nước sạch ương, nuôi cá cảnh.
+ Phối hợp huyện Bình Chánh: Điều chỉnh qui hoạch sản xuất tập trung ở một số xã Bình Lợi, Hưng Long, Phong Phú, Tân Nhựt.
- Giải pháp về giống và khoa học kỹ thuật
+ Tiếp tục nghiên cứu khai thác, thuần dưỡng và sinh sản nhân tạo một số loài cá tự nhiên dùng làm các cảnh: cá Chạch, Thái Hổ.
+ Tiếp tục xây dựng cẩm nang hướng dẫn kỹ thuật sản xuất giống, nuôi thương phẩm. Nếu có điều kiện tổ chức tham quan học tập, nghiên cứu kỹ thuật nuôi và lai tạo cá cảnh ở Thái Lan.
- Xây dựng hệ thống sản xuất cá cảnh phù hợp với môi trường, an toàn dịch bệnh đảm bảo yêu cầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU:
+ Chi cục Thú Y: Xây dựng và trình UBND Thành phố phê duyệt chương trình giám sát an toàn dịch bệnh cá cảnh phù hợp với yêu cầu xuất khẩu ở thị trường Mỹ, Châu Âu giai đoạn 2012-2015:
+ Chi cục Quản lý Chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Xây dựng và trình UBND Thành phố phê duyệt Mô hình thực hành quản lý tốt trong nuôi cá cảnh (Good Management Practices – GMPs).
- Giải pháp thị trường tiêu thụ, xúc tiến thương mại:
+Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp triển khai thực hiện: Nghiên cứu, tổ chức đoàn tham gia hội chợ cá cảnh quốc tế ở Singapore, Cộng hoà Liên bang Đức để học tập rút kinh nghiệm tiến tới tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ cá cảnh và Xây dựng Đề án Siêu thị Nông nghiệp kết hợp với Trung Tâm giới thiệu, giao dịch, tư vấn về hoa, cây kiểng, cá cảnh; các khu phố chuyên kinh doanh cá cảnh ở các quận nội thành như quận 1, 3 và 5...
+ Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp Sở Ngành liên quan củng cố tăng cường họat động của Hội cá cảnh Thành phố.
- Tổ chức sản xuất
+ Tập hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nghệ nhân thành các tổ hợp tác, làng nghề, hợp tác xã cá cảnh trên các địa bàn trọng điểm để tổ chức sản xuất và tiêu thụ cá cảnh theo mô hình liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề, Đầu mối xuất khẩu thông qua Hội, Hiệp hội.
+ Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện liên kết với các tỉnh có lợi thế về nghề nuôi và giàu tiềm năng về đất, nước.. như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp để sản xuất một số đối tượng nuôi trong ao đất như cá Vàng, Chép Nhật, Hồng Kim, Hắc Kim, Bạch Kim, Bảy Màu,v.v..