Thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản thực phẩm trong năm 2011; căn cứ mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả công tác quản lý nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm như sau:
I. Công tác tham mưu và thực hiện văn bản quy định của nhà nước về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP):
1. Công tác tham mưu ban hành văn bản:
Trong năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu trình các cấp có thẩm quyền ban hành, triển khai, thực hiện các văn bản về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm gồm:
- Tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 313/QĐ-UBND ngày 20/01/2011 V/v phê duyệt Phương án “Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015”.
- Tham mưu UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 07/2011/CT-UBND ngày 01/3/2011 về đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
- Tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 3178/QĐ-UBND ngày 22/6/2011 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.
- Tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 3179/QĐ-UBND ngày 22/6/2011 về phê duyệt Quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
2. Ban hành các văn bản tổ chức triển khai thực hiện:
Căn cứ các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện liên quan đến công tác quản lý VSATTP như sau:
- Văn bản số 1892/KH-SNN-TS ngày 16/12/2010 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về triển khai kế hoạch về việc tăng cường kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản phục vụ tiêu dùng Tết Nguyên đán Tân Mão năm 2011.
- Kế hoạch số 40/KH-SNN-TS ngày 28/3/2011 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về triển khai “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2011”.
II. Kết quả thực hiện:
1. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật:
Các đơn vị Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tập trung tuyên truyền đến người sản xuất, các điểm kinh doanh; các chợ đầu mối tuyên truyền, khuyến cáo thương nhân, người kinh doanh ở chợ nêu cao ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kết quả như sau:
- Công tác tập huấn tuyên truyền: Đã tổ chức 124 buổi tập huấn với 7.160 người tham dự (Chi cục Thú y: 115 buổi tập huấn với 6.848 người tham dự; Chi cục Bảo vệ thực vật: 2 lớp tập huấn với 55 người tham dự; Chi cục QLCL&BVNLTS: 7 lớp với 257 người tham dự).
- Phối hợp với Sở Công thương, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phổ biến kiến thức quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn thực phẩm cho các cán bộ quản lý lĩnh vực thương mại (Phòng Kinh tế, UBND phường xã, Ban quản lý các Chợ trên địa bàn Thành phố). Số lớp tổ chức: 10 lớp, số người tham dự: 1.000 người.
- Chi cục Thú y tổ chức tập huấn đến các đối tượng chủ cơ sở, hộ kinh doanh giết mổ các nội dung về biện pháp xét nghiệm và hình thức xử phạt đối với các lô heo nhập vào giết mổ vi phạm các quy định về tồn dư chất cấm (Thông tư 54/2010/TT-BNNPTNT); Tổ chức tập huấn triển khai Thông tư 60/2010/TT-BNNPTNT cho 23 CSGM heo; tập huấn triển khai Thông tư 61/2010/TT-BNNPTNT cho các hộ kinh doanh giết mổ tại CSGM An Nhơn; Triển khai Thông tư 54/2010/TT-BNNPTNT cho 25 CSGM; Xây dựng tài liệu tập huấn VietGAPH cho các các cơ sở chăn nuôi; Triển khai tập huấn cho cán bộ kỹ thuật các đơn vị về Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản; Triển khai luật An toàn thực phẩm có hiệu lực ngày 01/07/2011 cho các đối tượng liên quan; Phát hành 59 băng rôn, 24 đĩa CD tuyên truyền về VSATTP và phòng chống PRRS, Cúm GC, 39.629 tờ bướm tuyên truyền, phát loa 8.160 lượt về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật.
- Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp Công ty QL và KD chợ Bình Điền tổ chức thực hiện một số nội dung về tuyên truyền VSATTP như: treo băng rôn tuyên truyền ở 3 nhà lồng chợ; phát tờ rơi về VSATTP thủy sản cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thủy sản tại chợ Bình Điền; tuyên truyền về tác hại của ngộ độc thực phẩm cá ngừ, biện pháp bảo quản và công tác phòng ngừa; phổ biến quy định của Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho Công ty chợ và các điểm kinh doanh thủy sản; phối hợp công ty chợ Bình Điền tổ chức lớp tập huấn tại Bình Thuận về vệ sinh an toàn thực phẩm cho 20 cơ sở thu mua và tàu cá cung cấp sản phẩm thủy sản về thành phố tiêu thụ; mở lớp tập huấn cho các đối tác hợp đồng làm dịch vụ nước đá, vệ sinh, bốc xếp vận chuyển thủy sản (gồm 20 lao động) về thực hiện VSATTP theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; phát hành 5.000 cuốn Sổ tay thực hành nuôi thủy sản tốt và Nhật ký nuôi thủy sản phát cho các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn thành phố; Tổ chức 01 buổi hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu về nguyên nhân gây bệnh trên nghêu nuôi thương phẩm tại Cần Giờ nhằm giảm thiểu tình trạng nghêu chết trên địa bàn huyện và 01 buổi hội thảo về chuyên đề nuôi tôm trái vụ và một số bệnh thường gặp trên tôm.
- Chi cục Bảo vệ thực vật: tổ chức phát thanh lưu động tại các huyện sản xuất nông nghiệp về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn, phổ biến pháp luật về VSATTP và hướng dẫn lựa chọn, sử dụng rau, quả an toàn tại các vùng sản xuất rau trọng điểm; phối hợp 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm thường xuyên thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền bằng loa phóng thanh, treo băng rôn tuyên truyền tại chợ về đảm bảo VSATTP đối với sản phẩm nông sản, thủy sản.
- Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 07/2011/CT-UBND ngày 01/3/2011 về đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, số người tham dự: 250 người.
- Tham gia Lễ phát động “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2011 cấp thành phố và cấp quận, huyện tổ chức. Phối hợp với Sở Y tế thành phố tổ chức 02 cuộc Hội thảo về “Xây dựng và phát triển hệ thống chuỗi thực phẩm an toàn tại thành phố Hồ Chí Minh”:
2. Công tác phát triển vùng sản xuất an toàn:
2.1. Công tác chăn nuôi thú y:
2.1.1. Tình hình chăn nuôi trên địa bàn thành phố:
Tổng đàn gia súc ước thực hiện năm 2011trên địa bàn thành phố như sau:
- Bò sữa: Tổng đàn bò sữa là 81.700 con, trong đó cái vắt sữa là 42.300 con. Sản lượng sữa tươi ước đạt 250.000 tấn, tăng 5,2% so năm 2010. Năng suất ước đạt 5,9 tấn/cái vắt sữa/năm.
- Trâu: Tổng đàn trâu ổn định ở mức 6.000 con, tăng 11,2% so 2010.
- Heo: Tổng đàn heo là 330.000 con, giảm 5% so với cùng kỳ; trong đó, nái sinh sản là 50.000 con.
2.1.2. Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn:
- Tổ chức tổng kết Chương trình xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh giai đoạn 2006-2010 và thông qua phương hướng giai đoạn 2011-2015, trao giấy chứng nhận an toàn dịch, an toàn dại cho các cơ sở đã được Cục Thú y công nhận năm 2010.
- Trong năm 2011, Chi cục Thú y triển khai cho 12 cơ sở chăn nuôi (CSCN) trên địa bàn thành phố thực hiện đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh kết hợp với đăng ký áp dụng và công nhận VietGAHP trong chăn nuôi. Lũy kế từ đầu chương trình (năm 2003) đến nay), có 76 cơ sở chăn nuôi được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh.
- Tổng kết pha 1 mô hình thí điểm áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt cho thịt heo và thịt gà; Lập kế hoạch triển khai pha 2 thịt heo tại 07 CSCN heo của HTX chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong và thịt gà tại 06 CSCN của Công ty Phạm Tôn thuộc dự án “Xây dựng và kiểm soát chất lượng an toàn sản phẩm” ((Dự án CIDA).
- Ban Quản lý Dự án Lifsap đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến và vận động người chăn nuôi đăng ký tham gia thực hiện theo VietGAHP trong chăn nuôi tại 4 xã trên địa bàn Huyện Củ Chi ( gồm: Xã Nhuận Đức, An Phú, Tân Thạnh Đông, Phú Hòa Đông) với 295 hộ tham gia.
2.1.3. Công tác phòng chống dịch bệnh, giám sát gia súc, gia cầm:
- Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, giám sát gia súc, gia cầm, Chi cục Thú y đã phối hợp các ban ngành triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/2011/CT-UBND về việc đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố; tăng cường tần suất kiểm tra dịch tễ tại các khu vực có nguy cơ cao; tăng cường kiểm tra tình hình dịch tễ tại các khu vực chăn nuôi nhập cư, khu vực giáp ranh các tỉnh, ổ dịch cũ...; quản lý tình hình nhập xuất đàn gia súc - gia cầm; thống kê, cập nhật dữ liệu đàn gia súc; kiểm tra hiệu giá kháng thể sau tiêm phòng, tăng cường hoạt động hệ thống giám sát dịch bệnh đến từng hộ, cơ sở chăn nuôi, đảm bảo các trường hợp dịch bệnh được phát hiện nhanh và xử lý kịp thời; tăng cường kiểm tra lâm sàng tại các Trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, các cơ sở giết mổ; tăng cường công tác tiêu độc khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; phối hợp các ban ngành xử lý các trường hợp vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép.
- Chi cục Thú y tổ chức triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng từ ngày 01/11/2011 đến 31/11/2011 theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại các hộ, các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến, các quày sạp kinh doanh sản phẩm động vật nhằm làm giảm áp lực dịch bệnh.
- Phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thú y các tỉnh trong việc cung cấp và phản hồi kịp thời thông tin dịch bệnh nhằm có biện pháp chủ động phòng chống. Hỗ trợ các tỉnh trong việc lấy mẫu giám sát dịch bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm; thiết lập cầu nối thông tin dịch bệnh một cách kịp thời và chặt chẽ, phối hợp giải quyết các vấn đề tồn tại trong công tác phòng chống dịch.
2.2. Nuôi trồng thủy sản:
2.2.1. Tình hình nuôi trồng thủy sản:
- Tổng sản lượng thủy sản năm 2011 ước đạt 50.125 tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ, trong đó:
+ Sản lượng nuôi trồng: 28.125 tấn, tăng 11,9% so cùng kỳ.
+ Sản lượng đánh bắt: 22.000 tấn, xấp xỉ cùng kỳ.
2.2.2. Công tác kiểm soát dư lượng độc chất và chứng nhận vùng nuôi tôm đảm bảo an toàn VSTP:
2.2.2.1. Công tác kiểm soát dư lượng độc chất:
- Chi cục QLCL&BVNLTS phối hợp cùng cơ quan Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Nam Bộ và Trung tâm vùng 4 tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình kiểm soát dư lượng chất độc hại tôm nuôi trên địa bàn huyện Cần Giờ, Nhà Bè: Tính đến tháng 11/2011 đã lấy 64 mẫu (trong đó gồm: 04 mẫu nước, 16 mẫu tôm sú và 44 mẫu tôm thẻ chân trắng) để phân tích các chỉ tiêu dư lượng chất độc hại. Kết quả phân tích không phát hiện dư lượng các chất độc hại trong mẫu kiểm.
- Chương trình kiểm soát thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tại huyện Cần Giờ tính đến tháng 11năm 2011: Chi cục phối hợp cùng với cơ quan Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Nam Bộ, Trung tâm chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản vùng 4 lấy 126 mẫu (trong đó gồm: 44 mẫu nghêu, 82mẫu nước) để phân tích độc tố sinh học biển, kim loại nặng và vi sinh. Kết quả đều không phát hiện.
2.2.2.2. Chứng nhận vùng nuôi tôm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm:
Đến nay Chi cục QLCL&BVNLTS đã kiểm tra và cấp 124 giấy chứng nhận cho các cơ sở, vùng nuôi tôm tại huyện Cần Giờ đảm bảo VSATTP (Thông tư 45/2010/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2010).
2.3. Phát triển rau an toàn:
2.3.1. Diện tích gieo trồng:
Diện tích gieo trồng năm 2011ước đạt 13.915 ha (trong đó rau an toàn là 13.600 ha), tăng 7% so năm 2010, sản lượng ước đạt 307.800 tấn, tăng 8,3% so năm 2010.
2.3.2. Các giải pháp phát triển vùng rau an toàn:
Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 5.000 hộ trồng rau với diện tích canh tác 3.024 ha (tăng 184ha so với năm 2010) phân bố tại 102 xã, phường, tập trung tại huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh và Quận 12.
- Đã hoàn thành cơ bản việc kiểm tra chất lượng đất, chất lượng nước và chất lượng sản phẩm rau (tại những vùng có nguy cơ ô nhiễm cao), trong đó có 2.892 ha (chiếm 95,6% tổng diện tích canh tác) đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.
- Về kết quả chứng nhận VietGAP: từ đầu năm đến nay, toàn thành phố Hồ Chí Minh có thêm 34 tổ chức, cá nhân sản xuất rau (gồm các loại: dưa leo, bầu, bí, khổ qua, mướp, rau gia vị, cải xanh, cải ngọt, rau dền, dưa hấu, dưa lê vân lưới,...) được Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp cấp giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP với tổng diện tích là 21,3 ha; sản lượng dự kiến 2.884 tấn/năm. Lũy kế từ năm 2009 đến nay, Trung tâm đã tổ chức chứng nhận cho 99 tổ chức, cá nhân (là xã viên của 3 Hợp tác xã Nhuận Đức, Ngã 3 Giòng, Thỏ Việt; 04 công ty và các nông hộ), với tổng diện tích là 62 ha (ước tính tương đương trên 305 ha diện tích gieo trồng); tổng sản lượng thu hoạch rau, củ, quả các hộ sản xuất theo quy trình VietGAP ước đạt 8.000 tấn/năm.
- Công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn: Đến nay thành phố đã có 17 nhà sản xuất được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận đủ diều kiện sản xuất rau an toàn.
- Tiếp tục triển khai thực hiện mô hình thí điểm áp dụng Quy trình thực hành sản xuất tốt (GPPs) cho ngành hàng rau tại HTX nông nghiệp dịch vụ thương mại Phước An, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh và Liên Tổ sản xuất rau an toàn Tân Trung, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi (thuộc Dự án CIDA - CANADA “Xây dựng và Kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm”).
- Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với UBND xã, phường triển khai việc ký cam kết chấp hành đúng các quy định của Phát lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, các quy định của Nhà nước trong sử dụng thuốc BVTV (Chỉ thị số 1504/CT-BNN-BVTV ngày 03/6/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công văn số 3505/UBND-CNN ngày 15/7/2009 của UBND thành phố và công văn số 1617/BVTV-Ttra ngày 27/10/2009 của Cục BVTV). Đến nay đã có 3.859 (đạt tỷ lệ 77,18%) hộ trồng rau ký Bản cam kết chấp hành đúng các quy định của Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, các quy định của Nhà nước trong sử dụng thuốc BVTV, và có 4.386 hộ (đạt tỷ lệ 87,7%) được cấp Giấy chứng nhận chuyên môn về sản xuất rau an toàn.
3. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm:
3.1. Chi cục Thú y:
3.1.1 Công tác kiểm soát giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm:
- Kiểm soát giết mổ: Năm 2011, Chi cục Thú y đã thực hiện công kiểm soát giết mổ: 9.464 con trâu bò (giảm 5.093 con so với cùng kỳ), 2.332.000 con heo (giảm 380.233 con so với cùng kỳ), 17.761.110 con gia cầm (tăng 685.048 con so với cùng kỳ).
- Về công tác kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật: Trong năm 2011, Chi cục Thú Y đã thực hiện kiểm dịch 10.300 con trâu, bò hơi (giảm 4.703 con so cùng kỳ), 266.634 con trâu, bò tuột (giảm 53.695 con so cùng kỳ), 2.459.500 con heo hơi (giảm 367.125 con so cùng kỳ), 742.795 con heo bên (giảm 46.794 con so cùng kỳ), 17.762.361 con gia cầm sống (tăng 654.939 con so cùng kỳ).
3.1.2. Công tác kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật:
- Tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp với các tỉnh chấn chỉnh điều kiện vệ sinh các phương tiện vận chuyển, đến nay đa số phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm từ các tỉnh nhập về các cơ sở giết mổ thành phố đều là phương tiện chuyên dùng, được niêm phong nẹp chì. Đối với phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật từ các tỉnh về thành phố đã được nâng cấp là xe bảo ôn hoặc được trang bị dàn móc treo. Kịp thời phản hồi các thông tin các trường hợp vi phạm trong công tác kiểm dịch cho Chi cục Thú y các tỉnh có liên quan chấn chỉnh.
- Tiến hành kiểm tra đánh giá 23 CSGM heo trên địa bàn thành phố trong việc thực hiện các yếu cầu về điều kiện vệ sinh thú y (Thông tư 60/2010/TT-BNNPTNT), nhìn chung các cơ sở giết mổ đều có ý thức chấp hành và khẩn trương chẩn chỉnh điều kiện vệ sinh thú y, tuy nhiên vẫn còn một số nội dung chưa đạt như: Về vị trí không xa khu dân cư, xa các nguồn gây ô nhiễm (70%); chưa có chương trình, biện pháp hữu hiệu chống côn trùng và động vật gây hại (65%); không có nơi bảo quản, dự trữ dụng cụ giết mổ, bao bì, dụng cụ bao gói (30%); chưa có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh (22%)… Hiện đang theo dõi việc thực hiện chấn chỉnh của các cơ sở và báo cáo theo mẫu đánh giá.
- Tổ chức kiểm tra thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y đối với 39 kho lạnh bảo quản sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu trên toàn địa bàn thành phố (không kể các kho do các quận huyện kiểm tra và quản lý) trong đó thẩm định mới 07 cơ sở và tái thẩm định 32 cơ sở đang hoạt động.
- Tính từ đầu năm đến nay, Cơ quan Thú y Vùng VI thông báo đã cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu cho các công ty đưa sản phẩm về các kho lạnh trên địa bàn thành phố 1.257 lô hàng với khối lượng 53.038.507,20 kg, trong đó thịt gà (80,72%), thịt trâu bò (10,92%), thịt heo (5,04%) và một số phụ phẩm.
3.1.3. Kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi:
Triển khai thực hiện Thông tư 54/2010/TT-BNNPTNT về kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi cho các hộ chăn nuôi tập trung, các hộ kinh doanh giết mổ gia súc. Trong năm 2011, Chi cục Thú y đã tổ chức triển khai lấy 145 mẫu (gồm 55 mẫu thức ăn và 90 mẫu nước tiểu) trên đàn heo thịt đến lứa tuổi xuất chuồng tại 49 CSCN trên địa bàn Bình Chánh (41 mẫu/13 cơ sở), Củ Chi (28 mẫu/11 cơ sở), Hóc Môn (52 mẫu/17 cơ sở), Thủ Đức (24 mẫu/08 cơ sở). Qua xét nghiệm phát hiện 04 mẫu nước tiểu /03 cơ sở tại huyện Hóc Môn có chứa chất cấm Salbutamol. Chi cục Thú y đã yêu cầu chủ hộ chăn nuôi tạm ngưng xuất bán trong thời gian 15 ngày (để bài tiết hết chất cấm trong cơ thể), sau đó lấy mẫu xét nghiệm tái kiểm tra âm tính mới cấp giấy kiểm dịch cho xuất đàn và thanh toán chi phí xét nghiệm (bình quân chi phí xét nghiệm cho mỗi cơ sở khoảng từ 7 - 8 triệu đồng/cơ sở). So với cùng kỳ 2010, số hộ vi phạm giảm đáng kể (năm 2010 phát hiện, xử lý 18/66 cơ sở vi phạm).
3.1.4. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành:
Trong năm 2011, các đoàn kiểm tra liên ngành thành phố và quận huyện đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý 7.271 trường hợp vi phạm trong vận chuyển, giết mổ, kinh doanh, trong đó:
- Kết quả của 04 Đội kiểm tra cơ động liên ngành thành phố: Đã tổ chức 729 lượt kiểm tra; phát hiện 1.190 trường hợp vi phạm (tăng 793 trường hợp so với năm 2010) , xử lý tiêu hủy 8.273 con gia cầm sống, 15 con và 5.416 kg thịt gia cầm làm sẵn, 7.681 con chim, 17.327 quả trứng gia cầm, ngoài ra còn xử lý tiêu hủy 32 con heo sống, 354 kg thịt heo, 690 kg mỡ động vật hư hỏng.
- Kết quả của các đoàn liên ngành quận huyện và 04 Trạm Kiểm dịch động vật: Chi cục Thú y đã phối hợp với các đoàn liên ngành phát hiện 5.678 trường hợp kinh doanh gia cầm sống và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch (giảm 72 trường hợp so với năm 2010) và 403 trường hợp kinh doanh thịt và sản phẩm gia súc không đảm bảo tiêu chuẩn (tăng 139 trường hợp so với năm 2010).
Ngoài ra, các đoàn kiểm tra liên ngành quận huyện đã phát hiện, xử lý 38 trường hợp giết mổ động vật trái phép (34 trường hợp giết mổ heo và 04 trường hợp giết mổ gia cầm), riêng đoàn liên ngành quận Bình Tân đã phát hiện 04 trường hợp giết mổ heo trái phép có heo mắc bệnh truyền nhiễm phải công bố dịch (03 trường hợp heo bị PRRS, xử lý tiêu hủy 18 con, 179 kg thịt heo; 01 trường hợp heo mắc bệnh LMLM, xử lý tiêu hủy 07 con).
3.1.5. Công tác xử phạt vi phạm hành chính:
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chánh 4.619 trường hợp (tăng so với năm 2010 là 2.022 trường hợp), số tiền xử phạt là 4.017.275.000 đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu tập trung việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không dấu kiểm soát giết mổ, không chấp hành tiêm phòng bắt buộc theo quy định, đặc biệt một số trường hợp trốn tránh kiểm dịch tại các Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông có xu hướng ngày càng tăng.
3.2. Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản:
3.2.1. Công tác giám sát chất lượng thủy sản và sản phẩm thủy sản:
- Kiểm tra ngoại quan, cảm quan thủy sản và sản phẩm thủy sản được duy trì thường xuyên liên tục hàng đêm ở chợ, kết quả kiểm tra đến tháng 11 năm 2011 là 91.750 tấn thủy hải sản đảm bảo độ tươi, không ươn thối và lẫn tạp chất.
- Lấy mẫu kiểm tra nhanh hàn the tại các điểm kinh doanh tại chợ: Trong năm 2011, Chi cục đã thực hiện kiểm tra nhanh 111 mẫu thủy sản (chả cá) với kết quả là không phát hiện hàn the trong mẫu kiểm.
- Kiểm tra định lượng: Trong năm 2011, Chi cục đã lấy 143 mẫu thủy sản gửi kiểm tra định lượng tại phòng kiểm nghiệm của Trung tâm kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương II với kết quả phân tích có 02 mẫu chả cá phát hiện hàm lượng E.coli vượt mức giới hạn cho phép, các chỉ tiêu khác không phát hiện.
Chi cục Quản lý Chất lượng và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản cùng Ban Quản lý Công ty chợ làm việc với các thương nhân có mẫu sản phẩm bị nhiểm, nhắc nhở và cảnh báo, buộc chủ ô vựa làm cam kết không vi phạm; tăng cường lấy mẫu lần tiếp theo, đồng thời thông báo cho cơ quan quản lý của địa phương có mẫu bị nhiễm để tuyên truyền và khuyến cáo.
3.2.2. Công tác kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo VSATTP thủy sản:
- Chi cục phối hợp với Ban Quản lý Công ty Chợ Bình Điền kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của 292 điểm kinh doanh thủy sản trong nhà lồng D (kinh doanh cá đồng và hải sản phụ) , F (kinh doanh cá biển), trong đó đạt yêu cầu loại A là 11 điểm kinh doanh, loại B là 281 điểm kinh doanh.
- Về kiểm tra đánh giá, công nhận và gia hạn Giấy chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm: Chi cục đã kiểm tra đánh giá, công nhận và gia hạn Giấy chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho 44 tàu cá và 02 cơ sở thu mua thủy sản.
3.2.3. Kiểm tra và chứng nhận chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá thủy sản tiêu thụ nội địa:
Trong năm 2011, Chi cục đã triển khai kiểm tra và chứng nhận chất lượng, VSATTP hàng hoá thuỷ sản tiêu thụ nội địa: Đã cấp 51 giấy chứng nhận/lô với số lượng 170.450kg (trong đó: Ba ba thương phẩm: 170.000 kg; Cá lăng: 100 kg; Cá chình:150 kg; Cá tầm: 200 kg).
3.3. Chi cục Bảo vệ thực vật:
3.3.1. Kiểm tra, giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV):
- Tại vùng sản xuất: Tổng số mẫu rau quả kiểm tra dư lượng thuốc BVTV là 848 mẫu. Kết quả phân tích dư lượng thuốc BVTV và đối chiếu quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm (Quyết định 46 /2007 QĐ-BYT và Thông tư số 68/2010/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT) không phát hiện dư lượng thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép.
- Tại 03 chợ đầu mối nông sản thực phẩm: Hàng đêm, Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Ban Quản lý các Công ty Chợ đầu mối lấy mẫu phân tích dư lượng thuốc BVTV; trong năm 2011, đã lấy 7.245 mẫu để phân tích dư lượng thuốc BVTV, kết quả phân tích có 10/7.245 (chiếm tỷ lệ 0,13%) mẫu dương tính với phương pháp phân tích nhanh, tiếp tục phân tích định lượng 10 mẫu này, kết quả không phát hiện những hoạt chất thuốc BVTV được qui định tại Quyết định 46 /2007 QĐ-BYT và Thông tư số 68/2010/TT-BNNPTNT.
- Trong năm 2011, Chi cục BVTV đã tổ chức 6 đợt kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP trong bán buôn rau quả, kết hợp lấy mẫu rau đang kinh doanh phân tích dư độc chất trong rau quả . Đoàn kiểm tra đã kiểm tra 69 vựa kinh doanh rau quả, bao gồm: Công ty QL & KD Chợ Bình Điền: 25 ô vựa; Công ty TNHH QL & KD Chợ Nông sản Thủ Đức: 27 vựa, Công ty TNHH QL & KD chợ đầu mối NS TP Hóc Môn: 17 vựa. Kết quả kiểm tra như sau:
+ Về điều kiện đảm bảo VSATTP thì hầu hết chưa đạt yêu cầu về việc sản phẩm phải được để cách ly với nền/sàn và chất thải chưa được dọn dẹp thường xuyên, để tồn đọng trong khu vực sơ chế và kinh doanh.
+Về kiểm tra dư lượng thuốc BVTV: Tổng số mẫu rau, trái cây các đoàn kiểm tra tiến hành lấy 165 mẫu tại 69 ô, vựa kinh doanh rau quả (149 mẫu rau và 16 mẫu trái cây) gửi Công ty TNHH một thành viên khoa học công nghệ Hoàn Vũ phân tích định lượng dư lượng thuốc BVTV. Kết quả phân tích dư lượng thuốc BVTV và đối chiếu quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm có 163/165 mẫu, an toàn về dư lượng thuốc BVTV và có 2/165 mẫu có dư lượng thuốc BVTV trên mức giới hạn cho phép.
Xử lý vi phạm: Chi cục BVTV ra thông báo yêu cầu Công ty QL & KD Chợ Bình Điền nhắc nhỡ, cảnh cáo 02 chủ hàng có lô hàng rau vi phạm hành chính về VSATTP.
3.3.2. Giám sát dư lượng độc chất tại doanh nghiệp kinh doanh và sơ chế đóng gói rau, quả:
Thành phố hiện có khoảng 154 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rau quả, bao gồm 27 siêu thị, 6 đơn vị được cấp giấy chứng nhận VietGAP và khoảng 122 cơ sở sản xuất kinh doanh rau quả.
Thanh tra Chi cục Bảo vệ Thực vật phối hợp với Thanh tra Sở Y tế thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng, VSATTP tiến hành kiểm tra, thanh tra 37 cơ sở kinh doanh rau quả đóng trên địa bàn thành phố, bao gồm kiểm tra 11 cơ sở và thanh tra 26 cơ sở. Kết quả như sau:
- Về hồ sơ pháp lý: 36/37 cơ sở kiểm tra đều có giấy phép kinh doanh rau quả và 29/36 cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP. Có 4/4 cơ sở (kinh doanh rau an toàn) không thực hiện sổ sách ghi chép thể hiện rõ chủng loại, khối lượng, nguồn gốc xuất xứ rau (Quyết định 99/2008/QĐ-BNN).
- Về đảm bảo VSATTP: Trong năm 2011 có 11/11 cơ sở chưa tự kiểm tra các chỉ tiêu VSATTP (vi sinh vật gây hại, hàm lượng nitrat, hàm lượng kim loại nặng), riêng dư lượng thuốc BVTV có 9/11cơ sở chỉ kiểm tra 1đợt về dư lượng thuốc trừ sâu (nhóm phosoho hữu cơ và carbamate) bằng phương pháp thử nhanh GT Test Kit.
- Tất cả các cơ sở kinh doanh rau quả trên đều có chứng từ, hồ sơ ghi chép nguồn gốc.
- Đoàn thanh tra đã tiến hành lấy 47 mẫu rau quả các loại tại các cơ sở được thanh tra và gửi phân tích các chỉ tiêu về VSATP tại Công ty TNHH một thành viên khoa học công nghệ Hoàn Vũ. Kết quả phân tích và đối chiếu quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm (Quyết định 46 /2007 QĐ-BYT, ngày 19/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Thông tư số 68/2010/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT) có 45/47 mẫu, (tỷ lệ 97,22%) số mẫu an toàn về dư lượng thuốc BVTV và 2/47 mẫu có dư lượng thuốc BVTV trên mức giới hạn cho phép.
Xử lý vi phạm: Đã tiến hành xử phạt 3.000.000 đồng (ba triệu đồng) đối với Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Phú Nhuận vi phạm quy định về dư lượng thuốc BVTV trong mua bán rau cải ngọt.
3.3.3. Thanh, kiểm tra cơ sở mua bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
- Trong năm 2011, Thanh tra chuyên ngành bảo vệ thực vật phối hợp với các Phòng Kinh tế tiến hành thanh tra, giám sát và hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng. Đã thanh tra và giám sát 2.278/5.000 hộ nông dân, kết quả thanh tra và giám sát cho thấy hầu hết các hộ sản xuất rau đều sử dụng thuốc BVTV trong danh mục được phép sử dụng; phun xịt thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, sử dụng dụng cụ phun xịt là bình bơm và sử dụng thuốc BVTV đảm bảo thời gian cách ly.
- Công tác Vệ sinh môi trường nông thôn tại khu vực sản xuất rau khá tốt. Các hộ nông dân đã thực hiện việc lưu chứa và thu gom bao bì, vỏ chai thuốc BVTV sau sử dụng để nơi cố định, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
III. Đánh giá chung:
1. Kết quả đạt được:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động trong việc tổ chức triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh, VSATTP; phối hợp chặt chẽ với các sở ngành thành phố như Sở Y tế, Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân các quận huyện , các cơ quan báo đài ... để thực hiện công tác truyền thông về VSATTP, qua đó giúp nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn tiêu dùng sản phẩm thực phẩm an toàn.
- Thành phố đã hoàn thành việc kiểm tra điều kiện sản xuất rau an toàn, trong đó có trên 96% đất canh tác đủ điều kiện sản xuất rau và đến nay đã có gần 90% nông dân trồng rau được Sở Nông nghiệp cấp Giấy chứng chuyên môn về sản xuất rau an toàn và ký cam kết với UBND xã phường về chấp hành các quy định của nhà nước trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sinh vật hại rau. Bên cạnh đó thành phố cũng đã tổ chức chứng nhận cho 99 tổ chức, cá nhân sản xuất theo quy trình VietGAP, với tổng diện tích là 62 ha, tổng sản lượng thu hoạch rau, củ, quả các hộ sản xuất theo quy trình VietGAP ước đạt 8.000 tấn/năm. Kết quả trên cho thấy, ý thức sản xuất sản phẩm rau đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của người sản xuất trên địa bàn thành phố được tăng lên, cũng như khuynh hướng tiêu dùng rau an toàn ngày càng được mở rộng, sản phẩm rau an toàn theo quy trình VietGap ngoài tiêu thụ ở chợ đầu mối, hệ thống siêu thị CoopMart, Maximart, Lotte còn được các nhà sản xuất đưa ra tiêu thụ tại các chợ nhỏ như: Văn Thánh, Vườn Chuối.
- Nhận thức của người sản xuất từng bước được cải thiện, không có tình trạng ngộ độc cấp tính trên rau, tỷ lệ mẫu rau dương tính với test nhanh cả vùng sản xuất và lưu thông trong năm 2011 giảm còn 0,12%, so với năm 2010 là 0,47%. Khối lượng kiểm soát cũng được tăng cường tại các cửa ngõ của thành phố và các quận huyện (năm 2011 là 8.093 mẫu, năm 2010 là 5.248 mẫu), qua đó kiểm soát tốt nguồn thực phẩm tươi sống cho người tiêu dùng thành phố.
- Việc triển khai thực hiện các dự án về kiểm soát quản lý trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như: Thực hiện mô hình thí điểm áp dụng thực hành sản xuất tốt thuộc dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm Việt Nam - Canada; dự án nâng cao năng lực cạnh tranh dự án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi (LIFSAP); Dự án nâng cao chất lượng và an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP&BPD); Mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Nhuận Đức, do tập đoàn Chinfon hỗ trợ,... từng bước thực hiện mục tiêu quản lý sản phẩm nông sản thực phẩm theo chuỗi và truy xuất nguồn gốc xuất xứ khi có phát hiện sản phẩm không an toàn.
- Việc liên kết với các tỉnh trong việc kiểm soát, cung cấp thực phẩm an toàn cho thành phố được tiếp tục phát triển mở rộng. Thành phố đã ký thỏa thuận hợp tác trong công tác quản lý chất lượng rau an toàn sản xuất tại tỉnh Lâm Đồng được tiêu thụ tại thành phố Hồ Chí Minh với các nội dung: trao đổi thông tin về thị trường, kết quả kiểm tra chất lượng rau quả, công tác tiêu thụ sản phẩm, công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; ký kết với các tỉnh Tiền Giang, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh phối hợp kiểm soát chất lượng sản phẩm thịt được tiêu thụ tại thành phố. Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Công ty Vissan đã ký kết với Dofico, Proconco trong việc cung cấp thức ăn chăn nuôi heo thịt và truy xuất nguồn gốc.
2. Hạn chế, khó khăn:
- Hàng hóa nông sản từ các tỉnh và nhập khẩu về Thành phố tiêu thụ chiếm tỷ lệ từ 70 - 80% , do đó Thành phố gặp không ít khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm khi phát hiện sản phẩm không đảm bảo VSATTP.
- Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về vệ sinh thú y còn chưa đầy đủ nên việc xử lý đối với nguồn sản phẩm động vật giết mổ từ các tỉnh có sử dụng các hoá chất cấm còn nhiều khó khăn.
- Tình trạng kinh doanh sản phẩm động vật tại các chợ lòng lề đường, chợ tự phát vẫn tồn tại, ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Tình trạng đe dọa, chống đối hành hung cán bộ khi đang thực hiện nhiệm vụ vẫn còn xảy ra. Trong năm 2011 đã có 5 trường hợp cán bộ thú y bị chống đối, hành hung (trong đó có 02 trường hợp cản trở, đe dọa và 03 trường hợp chống đối, hành hung) gây nguy hiểm cho cán bộ khi đang thực hiện nhiệm vụ.
IV. Kế hoạch thực hiện công tác quản lý chất lượng VSATTP năm 2012
1. Xây dựng vùng sản xuất an toàn:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn chuyển giao kỹ thuật quy trình sản xuất, chăn nuôi an toàn theo VietGAP.
- Tiếp tục triển khai thực hiện các dự án, chương trình hợp tác: Mô hình thí điểm áp dụng thực hành sản xuất tốt (thuộc dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm Việt Nam - Canada); dự án nâng cao năng lực cạnh tranh dự án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi (LIFSAP); Dự án nâng cao chất lượng và an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP&BPD); Mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Nhuận Đức, do tập đoàn Chinfon hỗ trợ.
- Hướng dẫn người sản xuất xây dựng quy chế giám sát nội bộ trong sản xuất rau an toàn. Hoàn chỉnh và nhân rộng mô hình sản xuất theo GAP, kết hợp xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.
- Tăng cường công tác kiểm soát môi trường nuôi, trồng; thực hiện tốt công tác quan trắc và cảnh báo môi trường. Mở rộng phạm vi kiểm soát trong nuôi trồng nông thủy sản, kiểm soát theo chuỗi. Thực hiện cấp giấy chứng nhận cơ sở vùng nuôi trồng an toàn.
- Tiếp tục thực hiện chương trình liên kết với các tỉnh về quản lý nông sản thực phẩm đưa về thành phố tiêu thụ.
2. Công tác phòng chống dịch bệnh:
- Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch cúm gia cầm (H5N1), LMLM, PRRS, Cúm A (H1N1) tham mưu Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm thành phố các biện pháp phòng chống dịch một cách có hiệu quả, đảm bảo mục tiêu không để xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra trên diện rộng tại thành phố.
- Tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống dịch LMLM, PRRS ở gia súc trên địa bàn thành phố, đặc biệt chú ý các địa bàn huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn và Quận 12. Tăng cường kiểm tra giám sát tình hình dịch tễ các vùng ổ dịch cũ, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh trên địa bàn khống chế không để lây lan.
- Triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác thú y thủy sản, cũng cố hệ thống giám sát dịch bệnh, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch không để dịch bệnh phát sinh trên diện rộng.
- Tăng cường công tác vận động tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm sản nhằm nâng cao ý thức cảnh giác về nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn thành phố, ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng
- Phối hợp với các tỉnh thực hiện có hiệu quả chương trình hợp tác trong việc phòng chống bệnh cho gia súc, gia cầm và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng nguồn cung cấp sản phẩm động vật an toàn cho thị trường thành phố.
3. Công tác Kiểm dịch động vật- Kiểm soát giết mổ - Kiểm tra VSATTP:
- Tập trung chấn chỉnh việc thực hiện quy trình kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm tại các CSGM trong thành phố. Chấn chỉnh điều kiện VSTY các CSGM gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố theo Thông tư 60/2010/TT-BNNPTNT và Thông tư 61/2010/TT-BNNPTNT.
- Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, việc sử dụng chất cấm, xử lý các trường hợp sử dụng kích thích tố tăng trọng bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Phối hợp với Chi cục thú y các tỉnh lấy mẫu xét nghiệm giám sát việc sử dụng chất kích tố tăng trọng trên nguồn heo từ các tỉnh cung cấp cho các CSGM tại thành phố, phản hồi kết quả xét nghiệm để Chi cục thú y các tỉnh có biện pháp xử lý.
- Triển khai thực hiện Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản.
- Tăng cường kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ gia súc, gia cầm trái phép, hợp kinh doanh sản phẩm động vật không đảm bảo vệ sinh, không chấp hành các quy định của Ngành thú y.
- Tiếp tục phối hợp với các tỉnh thực hiện có hiệu quả chương trình hợp tác trong việc xây dựng nguồn cung cấp sản phẩm gia súc, gia cầm an toàn cho thị trường thành phố trong đó tập trung chấn chỉnh điều kiện vệ sinh các cơ sở giết mổ, phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật cung cấp cho thị trường thành phố. Phối hợp với UBND quận huyện và các Ban ngành chức năng thực hiện có hiệu quả công tác chống giết mổ gia súc, gia cầm trái phép.
- Thẩm định và tái thẩm định chấn chỉnh điều kiện vệ sinh thú y các cơ sở bảo quản kinh doanh SPĐV đông lạnh, nhập khẩu hoạt động trên địa bàn TP.
4. Công tác khác:
- Tham gia cùng với các sở ngành hoàn chỉnh và thông qua đề án nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2015 tầm nhìn 2020.
- Hình thành bộ máy phòng Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Tiếp tục triễn khai chuổi thực phẩm sạch ngành hàng thịt heo (dư án CIDA) giai đoạn 2 mở rộng tại 3 cơ sở chăn nuôi thuộc hợp tác xãTiên Phong; duy trì giai đoạn 2 tại cơ sở giết mổ trung tâm Hóc Môn và chợ sĩ Tân Xuân - Hóc Môn; tiếp tục thực hiện chuổi thực phẩm sạnh gia cầm của công ty Phạm Tôn;
- Phối hợp với sở Y tế, các sở ngành xây dựng và thực hiện đề án mô hình điểm quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn” trên địa bàn thành phố;
- Phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm do Sở Y tế chủ trì; tham gia kiểm tra công tác chuẩn bị nguồn hàng, kế hoạch cung cấp hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm,… đối với nhóm hàng hóa phục vụ bình ổn giá của các doanh nghiệp được thành phố giao nhiệm vụ bình ổn giá lương thực, thực phẩm thiết yếu phục phục Tết Nhâm Thìn 2012.
Các đơn vị theo chức năng nhiệm vụ tiếp tục duy trì, phát triển và xây dựng mới vùng, cơ sở sản xuất, chế biến an toàn vệ sinh thực phẩm, từng bước xây dựng tiêu chuẩn hàng hóa lưu thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.