SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
2
3
2
9
8
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 20 Tháng Mười Hai 2011 3:05:00 CH

Kế hoạch kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Nhìn 2012

 Căn cứ công văn số 6039/UBND-TM ngày 30/11/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc “Tăng cường công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn thành phố trước, trong, sau Tết Nhâm Thìn và quý 1 năm 2012”;

Căn cứ kế hoạch, mục tiêu thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản thực phẩm trong năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản thực phẩm từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn năm 2012 trên địa bàn thành phố với nội dung như sau:

I.  Mục đích:

Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra về chất lượng vệ sinh an toàn nông sản, thực phẩm; giám sát chặt chẽ chuỗi nông sản thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ trên thị trường nhằm cung cấp nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ cho người tiêu dùng, bảo vệ sức khoẻ người dân thành phố trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn năm 2012.

II. Nội dung thực hiện:

       1. Công tác thông tin tuyên truyền:

       - Các đơn vị Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tăng cường tổ chức công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến cho các tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá nông sản, thực phẩm tại các chợ đầu mối các quy định và kiến thức về biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và kinh doanh.

       - Trước khi tổ chức đợt kiểm tra, các đơn vị chủ động tổ chức họp thương nhân ở các chợ đầu mối để phổ biến nội dung kiểm tra, phương pháp lấy mẫu, các hình thức xử lý vi phạm.

       2. Công tác kiểm tra do các đơn vị tự thực hiện:

2.1. Chi cục Thú y:

2.1.1. Công tác phòng chống dịch:

- Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thú y và Ủy ban nhân dân thành phố tại các văn bản: Chỉ thị số 2783/CT-BNN-TY của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc "Đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm dịp cuối năm; Chỉ thị 07/2011/CT-UBND của UBND thành phố về việc đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; Công văn số 1228/SNN-NN ngày 18/8/2011và công văn số 1595/SNN-NN ngày 26/10/2011 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và công tác phòng, chống dịch heo tai xanh (PRRS) trên địa bàn thành phố.

- Tiếp tục tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch và an toàn sinh học cho các hộ, cơ sở chăn nuôi. Đặc biệt kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y hộ, cơ sở chăn nuôi và nguồn gốc gia súc trước khi tiếp nhận con giống để chăn nuôi nhằm bảo đảm an toàn cho việc phục hồi sản xuất, chăn nuôi, không để dịch bệnh phát sinh, lây lan.

- Kiểm tra kết quả công tác tiêm phòng gia súc đợt 2 năm 2011 và tăng cường tiêm phòng bổ sung nhằm bảo đảm tỷ lệ gia súc được tiêm phòng vắc xin trên 80% tổng đàn và đạt hiệu giá bảo hộ.

- Tổ chức tổng tiêu độc tại các hộ, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ trong thời gian 30 ngày theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT (công văn số 3136/BNN-TY ngày 31/10/2011) về triển khai Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng.

2.1.2. Công tác kiểm dịch vận chuyển:

- Phối hợp với các cơ quan chức năng tại 04 Trạm Kiểm dịch đầu mối giao thông tăng cường công tác kiểm tra các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh đưa về thành phố hoặc tiếp tục đưa đến các tỉnh khác; kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc hoặc có mang mầm bệnh;

- Tập trung chấn chỉnh điều kiện vệ sinh thú y đối với các phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật từ tỉnh về thành phố, quày sạp kinh doanh sản phẩm động vật. Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, tăng cường hiệu quả của 04 Đoàn Cơ động liên ngành kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các tuyến đường vận chuyển.

- Các Trạm Thú y tham mưu Ủy ban nhân dân quận huyện tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại các khu vực giáp ranh với các tỉnh.

2.1.3. Công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật lưu thông trên thị trường:

- Tăng cường kiểm tra tình trạng vệ sinh thú y động vật từ các tỉnh đưa về các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố. Thường xuyên thông báo tình hình phát sinh dịch bệnh tại các địa phương để người tham gia giết mổ lựa chọn mua nguồn động vật an toàn. Kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp gia súc mắc bệnh truyền nhiễm, không để phát tán ra bên ngoài.

- Chi cục Thú y phối hợp với Chi cục Quản lý Thị trường thành phố, UBND các quận, huyện tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn sản phẩm động vật đưa vào các cơ sở chế biến, kinh doanh trên thị trường và tại các cơ sở bảo quản sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu; kiểm tra, xử lý nghiêm các truờng hợp giết mổ gia súc, gia cầm trái phép.

- Phối hợp Ban quản lý các chợ đầu mối Nông sản thực phẩm chuẩn bị kế hoạch phục vụ Tết, sắp xếp các quầy sạp, bố trí thêm mặt bằng để đảm bảo điều kiện vệ sinh do nhu cầu khối lượng kinh doanh tăng cao trong dịp Tết. Tăng cường công tác kiểm tra chấn chỉnh điều kiện vệ sinh xử lý các trường hợp kinh doanh sản phẩm động vật không đảm bảo vệ sinh, không chấp hành các quy định của Ngành thú y.

- Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra, đánh giá tình hình vệ sinh và chất lượng sản phẩm động vật làm cơ sở chấn chỉnh công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ Tết.

2.1.4. Công tác thanh tra, kiểm tra:

- Các đoàn thanh tra, kiểm tra Chi cục Thú y (Quyết định số 405/QĐ-CCTY ngày 21/10/2011) thực hiện kiểm tra, chấn chỉnh công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y theo kế hoạch đã được phê duyệt và tổng hợp báo cáo sau khi hoàn tất.

- Tổ chức 03 Đoàn kiểm tra công tác thú y trên địa bàn thành phố, thực hiện kiểm tra liên tục trong dịp Tết Nguyên đán Nhân Thìn 2012.

- Tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm do Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế, Sở Công thương tổ chức.

2.2. Chi cục Bảo vệ thực vật:

2.2.1. Công tác giám sát VSATTP nông sản kết hợp lấy mẫu phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV):

- Tăng cường kiểm tra và đánh giá các điều kiện đảm bảo VSATTP trong sơ chế và kinh doanh rau, quả trên địa bàn thành phố.

- Tăng cường lấy mẫu rau, quả  được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Nguyên đán tại 03 chợ đầu mối, siêu thị, khu vực sản xuất  tại các nhà sản xuất, nhà sơ chế rau, quả được cấp giấy chứng nhận để phân tích dư lượng thuốc BVTV.

Tổng số mẫu rau lấy kiểm tra các chỉ tiêu là 440 mẫu, trong đó: Tại 03 chợ đầu mối: 310 mẫu; Tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, đóng gói, kinh doanh rau quả: 20 mẫu; Siêu thị: 10 mẫu; Hộ nông dân sản xuất rau: 100 mẫu.

2.2.2. Thanh, kiểm tra các điều kiện đảm bảo VSATTP:

- Đối với cơ sở sơ chế và kinh doanh rau quả: Tăng cường kiểm tra sổ sách, chứng từ mua bán của thương nhân sơ chế, kinh doanh rau, quả liên quan đến nguồn gốc rau quả đang kinh doanh hoặc sơ chế; lấy mẫu sản phẩm trồng trọt để phân tích giám định dư lượng thuốc BVTV.

- Đối với các quầy sạp kinh doanh rau quả tại chợ đầu mối: Kiểm tra, đánh giá các điều kiện đảm bảo VSATTP trong sơ chế và kinh doanh rau, quả tại các quầy sạp; lấy mẫu rau, quả để phân tích dư lượng thuốc BVTV.

2.2.3. Thanh tra mua bán và sử dụng thuốc BVTV:

- Thành lập các đoàn thanh tra mua bán thuốc BVTV thanh tra việc chấp hành các qui định của Nhà nước về điều kiện mua bán thuốc BVTV, các qui định về quản lý thuốc BVTV, kiểm tra sổ sách, chứng từ mua bán của các cơ sở liên quan đến thuốc BVTV.

- Phối hợp với Trạm BVTV, Phòng Kinh tế, Phòng Quản lý thị trường, UBND các xã (phường) thanh tra việc mua bán thuốc BVTV tại các vùng sản xuất rau trên địa bàn thành phố.

- Các trạm BVTV phối hợp với Phòng Kinh tế, UBND xã, phường kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng, vùng rau đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.

3.1. Chi cục Quản lý và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản:

3.1.1.Thực hiện chương trình kiểm soát dư lượng vùng nuôi trồng thủy sản và kiểm soát thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ:

Tiếp tục phối hợp với cơ quan Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nam bộ, Trung tâm Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y Thủy sản Vùng 4 lấy mẫu kiểm soát dư lượng các chất độc hại đối với nuôi tôm ở huyện Cần Giờ, Nhà Bè và chương trình kiểm soát thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ ở huyện Cần Giờ phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

3.1.2. Kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản:

Tiếp tục kiểm tra, công nhận đảm bảo đủ điều kiện an toàn vệ sinh thủy sản đối với tàu cá, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuỷ sản theo thẩm quyền được phân cấp.

3.1.3. Kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản và sản phẩm thủy sản ở chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền:

Tăng cường tập trung lấy mẫu kiểm tra, kiểm soát thủy sản và sản phẩm thủy sản tại chợ Bình Điền, trong đó:

- Tập trung kiểm tra ngoại quan, cảm quan hàng đêm đối với thủy sản và sản phẩm thủy sản nhập vào chợ.

- Kiểm tra nhanh chỉ tiêu hàn the hàng đêm (từ 5 - 10 mẫu/đêm) đối với các loại chả cá.

- Lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu ATTP ở phòng kiểm nghiệm. Số lượng mẫu lấy là 350 mẫu, tập trung các đối tượng có nguy cơ gồm: Tôm nuôi các loại ướp đá; Cá biển các loại ướp đá (tập trung cá Ngừ, cá Thu); Mực các loại, Bạch tuộc tươi, ướp đá; Chả cá và sản phẩm khô các loại; sản phẩm thủy sản dạng mắm, sơ chê và chế biến.

3.1.4. Thanh tra, kiểm tra hàng hóa chuyên ngành thủy sản:

Tăng cường kiểm tra sản phẩm thức ăn, sản phẩm cải tạo và xử lý môi trường nuôi thủy sản trên địa bàn tập trung kiểm tra các chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản theo quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

  3.1.5. Kiểm tra duy trì điều kiện đảm bảo VSATTP của chợ và các điểm kinh doanh các nhà lồng của Chợ Bình Điền gồm:

- Các dịch vụ về vệ sinh, bốc xếp, vận chuyển của các đối tác hợp đồng với công ty.

- Các điều kiện về ATTP của điểm kinh doanh trong nhà lồng K, D, F.

- Hướng dẫn công ty lập hồ sơ đăng ký kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP nhà lồng K, D, F, các điểm kinh doanh thuộc nhà lồng K, D, F.

4. Nội dung kiểm tra phối hợp đoàn liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố:

Tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố với các nội dung như: Kiểm tra công tác chuẩn bị nguồn hàng, kế hoạch cung cấp hàng hóa, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,… đối với nhóm hàng hóa, thực phẩm thiết yếu và nhóm hàng phục vụ bình ổn giá của các doanh nghiệp được thành phố giao nhiệm vụ bình ổn giá lương thực, thực phẩm phục phục Tết Nguyên đán Nhâm Thìn năm 2012.

III. Tổ chức thực hiện và tiến độ thực hiện:

1. Thành lập đoàn kiểm tra:

- Tham gia 03 đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố. Các đơn vị Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phòng Thanh tra Sở, phòng Nông nghiệp, phòng Thủy sản Sở cử thành viên phối hợp chặc chẽ với Sở Y tế, Sở Công thương trong việc thực hiện kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn nông sản, thực phẩm.

- Tham gia các đoàn kiểm tra bình ổn thị trường của lãnh đạo thành phố.

2. Phổ biến và tổ chức thực hiện kế hoạch :

- Giao Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản  có kế hoạch cụ thể về kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuyên ngành; chi tiết kế hoạch, thời gian thực hiện, số mẫu lấy trong từng đợt kiểm tra,...

- Giao Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản chủ động phối hợp với Ban Quản lý các chợ đầu mối, tổ chức họp thương nhân tại các chợ để phổ biến nội dung, triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch. Phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ được giao và đúng theo quy định của pháp luật.

3. Kinh phí thực hiện:

Từ nguồn kinh phí ngân sách hàng năm của đơn vị cho công tác quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

4. Thời gian thực hiện: từ ngày 25/12/2011 - 31/01/2012.

5. Chế độ báo cáo:

Các đơn vị thực hiện chế độ báo cáo kết quả công tác tự kiểm tra và kết quả kiểm tra đoàn liên ngành trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Trên đây là kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản thực phẩm từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn năm 2012 trên địa bàn thành phố, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện.


Số lượt người xem: 13590    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm