SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
9
1
5
1
1
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 19 Tháng Bảy 2007 9:05:00 CH

Tăng cường các biện pháp trong chăn nuôi bò sữa giai đoạn hiện nay

Chỉ trong ba tuần lễ đầu tháng 6/2007, các công ty chế biến sữa đã 2 lần tăng giá thu mua nguyên liệu sữa tươi cho người nuôi bò sữa, là cơ hội cho người chăn nuôi bò sữa và làm cho tình hình chăn nuôi bò sữa có dấu hiệu phục hồi tốt. Mặc dù giá thu mua sữa đã tăng cao, nhưng giá con giống bò sữa đã tăng cao, giá thức ăn chăn có xu hướng tăng trong thời gian tới, khả năng dẫn đến “sốt giá” bò sữa, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của người chăn nuôi. Ngày 17 tháng 07 năm 2007, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện khẩn trương khuyến cáo người nông dân áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong công tác giống, quản lý chăm sóc, nuôi dưỡng, dinh dưỡng, thú y… để khai thác tiềm năng của con giống, nâng cao năng suất sữa, hiệu quả chăn nuôi và phát triển bền vững.

 

       Sau đợt “sốt giá” bò sữa giai đoạn 2001 - 2003, người chăn nuôi phải đương đầu với những khó khăn do các chi phí đầu vào tăng cao, nhất là thức ăn chăn nuôi, tình hình tiêu thụ giống giảm, trong khi giá thu mua sữa của các công ty thu mua sữa chưa tăng tương ứng, đã tác động trực tiếp đến lợi nhuận chăn nuôi bò sữa, hiệu quả kinh tế của các hộ chăn nuôi bò sữa giảm. Sở Nông nghiệp và PTNT đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các ngành chức năng có liên quan hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật, quản lý bò sữa; đồng thời kiến nghị các công ty thu mua, chế biến sữa tăng giá thu mua sữa tươi, giúp ngành chăn nuôi bò sữa vượt qua những khó khăn, tiếp tục duy trì và phát triển ổn định.

        Chỉ trong ba tuần lễ đầu tháng 6/2007, các công ty chế biến sữa đã 2 lần tăng giá thu mua nguyên liệu sữa tươi cho người nuôi bò sữa, là cơ hội cho người chăn nuôi bò sữa và làm cho tình hình chăn nuôi bò sữa có dấu hiệu phục hồi tốt. Cụ thể:

        1. Ngày 1/6/2007, Vinamilk tăng giá thu mua sữa lên 4.700 đ/kg, thưởng thêm 50 đ/kg sữa cho những hộ trực tiếp vắt sữa giao cho trạm trung chuyển và chấp hành đúng các quy định. Ngày 04/6/2007, Dutch Lady tăng giá thu mua sữa lên 4.600 đ/kg, Công ty vẫn duy trì các hình thức thưởng cho các hộ chăn nuôi bò sữa. Đến ngày 23/6/2007, Công ty Vinamilk tăng giá thu mua cho người nông dân 6.300 - 6.500 đ/kg và Công ty Dutch Lady tăng giá thu mua lên 6.000 đ/kg.

        2. Về giá thức ăn cho bò sữa, sau đợt tăng giá vào đầu tháng 6/2007, giá cám hỗn hợp vẫn đứng ở mức 80.000 – 83.000 đ/bao 25 kg; giá các loại thức ăn khác như cỏ là 400 đ/kg, rơm là 800 – 1.000 đ/kg, hèm bia là 750 đ/kg, xác mì là 480 đ/kg vẫn ổn định từ tháng 3/2007.

        3. Trong khi đó, qua kiểm tra tình hình chăn nuôi bò sữa cho thấy: một bộ phận nông dân, nhất là những hộ chăn nuôi bò sữa quy mô nhỏ lẻ, vẫn còn những tập quán chăn nuôi chưa đúng, thiếu chú trọng những giải pháp kỹ thuật, quản lý giống, quản lý đàn, nuôi dưỡng chăm sóc, vệ sinh chuồng trại… làm tăng chi phí bất hợp lý trong chăn nuôi bò sữa:

           + Chi phí trung gian: không tự vắt sữa hoặc giao khoán hoàn toàn cho người vắt sữa thuê với giá 400 - 500 đ/kg sữa; khoán cho dẫn tinh viên thiếu trách nhiệm gieo bao với giá từ 200.000 – 300.000 đ/con (đối với bò thường) và 500.000 – 600.000 đ/con (đối với bò trận); thiếu quan tâm đến công tác vệ sinh thú y, dẫn đến chất lượng vệ sinh sữa kém, làm ảnh hưởng đến sức khỏe bò sữa, làm giảm thu nhập từ sữa và tăng chi phí điều trị bệnh.

           + Chưa chủ động nguồn thức ăn thô xanh cho bò sữa, làm chi phí tăng nhiều lần so với trồng đủ cỏ cho đàn bò.

           + Chưa thường xuyên chọn lọc đàn, mạnh dạn loại thải những con có năng suất thấp, sinh sản kém; chưa xây dựng cơ cấu đàn hợp lý trong đó tối thiểu 70% cái sinh sản, đàn cái vắt sữa chiếm ít nhất 50% tổng đàn để nâng cao hiệu quả sinh sản và khai thác sữa.

           + Chưa quan tâm đến công tác quản lý đàn giống nên vẫn phổ biến tình trạng bò trận, bò có khoảng cách giữa 2 lứa đẻ cao…

           + Lãng phí thức ăn, giảm hiệu quả chăn nuôi do chưa có chế độ khẩu phần ăn hợp lý cho từng nhóm giống và giai đoạn sinh lý.

           + Chưa tận dụng triệt để nguồn chất thải để tái phục vụ sản xuất như bón cho đồng cỏ, biogas...

           + Chưa chú trọng đến việc ghi chép, theo dõi từng cá thể trong trại, dẫn đến tình trạng thiếu quan tâm trong quản lý trại.  

        Mặc dù giá thu mua sữa đã tăng cao, nhưng giá con giống bò sữa đã tăng cao, giá thức ăn chăn có xu hướng tăng trong thời gian tới, khả năng dẫn đến “sốt giá” bò sữa, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của người chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các đơn vị trực thuộc Sở phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện khẩn trương khuyến cáo người nông dân áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong công tác giống, quản lý chăm sóc, nuôi dưỡng, dinh dưỡng, thú y… để khai thác tiềm năng của con giống, nâng cao năng suất sữa, hiệu quả chăn nuôi và phát triển bền vững như sau:

        1. Tiếp tục tăng cường hướng dẫn, khuyến cáo người chăn nuôi trực tiếp tại các nông hộ và thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, các buổi hội thảo, đẩy mạnh các biện pháp giảm chi phí, giảm giá thành:

        - Tăng cường chọn lọc, mạnh dạn loại thải bò già, bò có năng suất sữa kém, các bò trận, bò có khoảng cách 2 lứa đẻ cao… Xây dựng và duy trì cơ cấu đàn hợp lý, trong đó tối thiểu 70% cái sinh sản, đàn cái vắt sữa chiếm ít nhất 50% tổng đàn để nâng cao hiệu quả sinh sản và khai thác sữa.

        - Hướng dẫn cách nuôi dưỡng và cho ăn hợp lý để giảm chi phí thức ăn. Giúp người chăn nuôi tính toán hợp lý nhu cầu dinh dưỡng theo từng nhóm giống và giai đoạn sinh lý của đàn bò, để vừa đảm bảo cung cấp đủ lượng thức ăn, vừa không gây lãng phí.

        - Vận động người dân chủ động nguồn cỏ xanh đủ cung cấp cho bò, tận dụng đất để trồng cỏ, hạn chế tình trạng bỏ đất hoang; khuyến khích người dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi phục vụ bò sữa. Tập trung lựa chọn và trồng các giống cỏ chất lượng, năng suất cao.

        - Giảm tối đa các chi phí trung gian không cần thiết:

           + Tự vắt sữa hoặc sử dụng máy vắt sữa đảm bảo chất lượng vệ sinh sữa.

           + Chọn lựa những dẫn tinh viên có tay nghề, có trách nhiệm, nhằm bảo vệ sức khỏe cho đàn bò sữa và giảm các chi phí không cần thiết.

           + Tăng cường công tác vệ sinh thú y, vệ sinh chuồng trại.  

        - Tăng nguồn thu:

           + Tận dụng nguồn chất thải, nước thải để bón cho đồng cỏ, sử dụng biogas.

           + Nuôi vỗ béo đàn bê đực đến 12 tháng tuổi, nhằm mang lại lợi nhuận cao hơn và tăng lượng thịt cho nhu cầu thị trường.

        2. Tập trung đẩy mạnh công tác cải tạo, lựa chọn con giống bò sữa, nhằm giúp người chăn nuôi chọn lựa con giống tốt, có chất lượng và hạn chế tình trạng “sốt giá” con giống:

        - Hiện nay là thời điểm giúp các hộ chăn nuôi, nhất là những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, tích lũy vốn để tập trung chọn lọc, thay đổi con giống tốt hơn, tăng đàn bò sữa từ các hộ trại có uy tín, có sự quản lý chặt chẻ cá thể bò sữa; tăng cường loại thải những con chất lượng kém; tập trung cải tạo chuồng trại, xử lý chất thải...

        - Chi phí trung bình cho 1 kg sữa hiện nay dao động trong khoảng 4.500 – 6.050 đ/kg, nếu giá các loại thức ăn tăng 1%, chi phí trung bình cho 1 kg sữa sẽ là 4.800 – 6.800 đ/kg. Như vậy, đối với những hộ nuôi mới hoặc các hộ chăn nuôi bắt đầu nuôi theo “phong trào”, không có kinh nghiệm, phải hướng dẫn, khuyến cáo người dân hết sức thận trọng khi nuôi mới, phải tập trung vào xác định quy mô chăn nuôi phù hợp, lựa chọn con giống có hợp đồng, có nguồn gốc, các điều kiện tối thiểu để chăn nuôi như chuồng trại, phát triển đồng cỏ, xử lý môi trường… đảm bảo chăn nuôi thật sự hiệu quả và tránh gây ra tình trạng “sốt giá” con giống.

        - Tăng cường lai tạo, chọn lọc đàn bò sữa bằng việc sử dụng tinh bò sữa có chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện và trình độ chăn nuôi của địa phương.

        3. Vừa qua, trên thị trường có thêm một số đơn vị thu mua sữa với giá thu mua cao. Cần khuyến cáo người dân cẩn thận lựa chọn đơn vị thu mua sữa đảm bảo có hợp đồng ổn định, lâu dài, điều khoản rõ ràng, có chính sách hỗ trợ đầu tư cho vùng nguyên liệu.

        4. Chi cục Thú y có trách nhiệm:

        - Thường xuyên kiểm tra tình hình dịch tễ, tình hình biến động đàn, nhằm kịp thời có kế hoạch dự phòng nguồn vaccin phòng bệnh cho đàn bò sữa, đảm bảo an toàn dịch bệnh, không để xảy ra dịch bệnh và sức khỏe cho đàn bò sữa.

        - Đánh giá hiệu quả cải thiện trong công tác phòng trị các bệnh viêm vú, bệnh sinh sản…, giúp người chăn nuôi nâng cao chất lượng sữa và giá bán sữa.

        - Lấy mẫu giám sát dịch tễ các bệnh truyền nhiễm như Lao, FMD, Leptospirosis, Brucellosis, ký sinh trùng đường máu, ký sinh trùng đường ruột; xét nghiệm phát hiện viêm vú tiềm ẩn.

        - Hướng dẫn người dân xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

        5. Trung tâm Khuyến nông kết hợp với các nhà khoa học, Ủy ban nhân dân các địa phương hỗ trợ người chăn nuôi:

        - Xây dựng nhiều loại khẩu phần phù hợp với khả năng sản xuất sữa, giai đoạn sinh lý, thể trọng… kết hợp với việc tận dụng các nguồn thức ăn có giá cả hợp lý để người dân lựa chọn và sử dụng một các hiệu quả nhất.

        - Kết hợp với điều kiện thực tế tại nông hộ để hướng dẫn cho người chăn nuôi những kiến thức về quản lý trại bò sữa.

        - Không đầu tư các mô hình riêng lẻ, tập trung ưu tiên cho mô hình phát triển đồng bộ các công nghệ về chuồng trại, con giống, dinh dưỡng, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Giới thiệu và nhân rộng các mô hình chăn nuôi bò sữa có hiệu quả từ việc áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm chi phí, giảm giá thành.

        6. Trung tâm Quản lý và Kiểm định Giống Cây trồng – Vật nuôi:

        - Đẩy mạnh công tác bình tuyển, lập phiếu cá thể quản lý giống. Tăng cường công tác hướng dẫn người chăn nuôi ghi chép số liệu cho từng cá thể để làm cơ sở kiểm định giống.

        - Đẩy mạnh triển khai gieo tinh bò sữa nhiệt đới cao sản Israel trên đàn bò sữa trên toàn thành phố.

        - Phối hợp với Chi cục Thú y trong công tác quản lý chu chuyển đàn, nhằm kịp thời dự báo thị trường giống, hạn chế tình trạng “sốt giống”, ảnh hưởng đến định hướng phát triển bò sữa của thành phố.

        - Nhanh chóng xây dựng quy chế quản lý dẫn tinh viên, quản lý các nguồn tinh sử dụng và đánh giá chất lượng con giống đời sau, nhằm đảm bảo thực hiện theo định hướng, mục tiêu công tác giống trên địa bàn thành phố.

        7. Chi cục Phát triển nông thôn:

        - Tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thành phố.

        - Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện đẩy mạnh thực hiện Quyết định 105/2006/QĐ-UBND ngày 17/7/2006. Kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân sản xuất.

        - Vận động người dân tham gia vào các tổ hợp tác, thành lập Hợp tác xã, nhằm giảm bớt các rủi ro về tăng giá thành sản xuất…

        8. Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp:

        - Khuyến cáo người dân không tự ý cắt đứt hợp đồng đã ký kết với các công ty thu mua sữa.

        - Hướng dẫn người chăn nuôi những kinh nghiệm, các vấn đề cần lưu ý trong việc ký kết hợp đồng bán sữa với các công ty thu mua sữa.

        - Phối hợp với Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống giới thiệu cho người chăn nuôi các cơ sở cung cấp giống có chất lượng, có sự giám sát của cơ quan nhà nước, đảm bảo cho người dân có con giống tốt.


Số lượt người xem: 6822    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm