SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
9
1
5
6
1
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 18 Tháng Bảy 2007 9:10:00 CH

Chăn nuôi bò sữa TP.HCM thách thức và phát triển

Phát triển chăn nuôi bò sữa tại Tp.HCM là một mô hình điển hình về sự phối kết hợp giữa quản lý Nhà nước (Thành ủy, Uỷ ban Nhân dân và Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở KHCN), sản xuất (Nông trường, Công ty Bò sữa, hộ chăn nuôi), Tiêu thụ (Công ty Vinamilk), Khoa học (Viện KHKTNNMN, Viện Chăn nuôi Quốc gia và Trường Đại học Nông Lâm) và Ngân hàng (cùng với các tổ chức tín dụng khác, các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ).

 

Sau ngày giải phóng, cũng như nhiều ngành sản xuất khác chăn nuôi bò sữa tại Tp. HCM đã gặp những khó khăn ban đầu. Khi những người ấn kiểu hồi hương, đàn bò sữa tại Tp. HCM gần như trở về con số không vì chỉ có khoảng 150 con, chủ yếu là bò lai Sind, bò lai Holstein, bò lai Jersey, năng suất sữa bình quân 1200kg/chu kỳ. Vào thời điểm này, do đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh kéo dài vừa bị ảnh hưởng của chính sách cấm vận của Mỹ, nên rất khó khăn, nhiều mặt hàng thiết yếu cho đời sống đều thiếu thốn. Mặt hàng sữa lúc đó được xem như xa xỉ, chỉ một số ít bộ phận dân chúng mới có điều kiện sử dụng. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu bức bách về nguồn sữa tươi cho nhà trẻ, bệnh viện, người già yếu... Thành ủy và Uỷ ban Nhân dân Tp.HCM đã sớm có chủ trương phát triển chăn nuôi bò sữa tại Tp.HCM. Chủ trương này ban đầu cũng gặp nhiều nghi ngờ vì cho rằng tại Tp.HCM một vùng đô thị, khí hậu nóng ẩm, không thể nuôi được bò sữa, một vật nuôi khó tính và chỉ thích hợp với các vùng có những đồng cỏ rộng lớn, khí hậu ôn đới, mát mẻ như Mộc Châu, Lâm Đồng... Tuy nhiên, với quyết tâm của các cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, các nhà khoa học, sự ủng hộ của các ban ngành đoàn thể và sự đồng tình của dân ngành chăn nuôi bò sữa đã từng bước phát triển và con bò sữa trở thành thế mạnh đặc biệt của ngành nông nghiệp Tp.HCM.

Phát triển chăn nuôi bò sữa tại Tp.HCM là một mô hình điển hình về sự phối kết hợp giữa quản lý Nhà nước (Thành ủy, Uỷ ban Nhân dân và Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở KHCN), sản xuất (Nông trường, Công ty Bò sữa, hộ chăn nuôi), Tiêu thụ (Công ty Vinamilk), Khoa học (Viện KHKTNNMN, Viện Chăn nuôi Quốc gia và Trường Đại học Nông Lâm) và Ngân hàng (cùng với các tổ chức tín dụng khác, các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ). Nó cũng cho thấy một sự thành công của mô hình kết hợp hữu cơ giữa nghiên cứu và sản xuất thực tiễn. Các nhà khoa học vừa là nghiên cứu, vừa là người làm công tác khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật đến người chăn nuôi. Các kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn một cách nhanh chóng và mang đến những lợi ích thiết thực cho người chăn nuôi, tăng hiệu quả kinh tế một cách rõ rệt. Nhiều vấn đề vướng mắc của người chăn nuôi đã trở thành vấn đề đặt ra cho các đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học nghiên cứu tháo gỡ.

Mô hình đưa con bò sữa từ chăn nuôi quốc doanh sang chăn nuôi nông hộ, trong đó nông hộ chăn nuôi bò sữa là lực lượng chủ yếu sản xuất sữa hàng hóa, quốc doanh đáp ứng các dịch vụ (gieo tinh, thú y, cung cấp con giống), là một điển hình về sự sáng tạo chủ trương, chính sách để khai thác hết tiềm năng của người dân. Đàn bò sữa tại Tp.HCM được nuôi chủ yếu tại hộ gia đình. Năm 1986, đàn bò sữa nuôi ở Quốc doanh chiếm 25,4% tổng đàn bò sữa Tp.HCM; năm 1990, là 15,5%; năm 1995 là 0,85% và năm 1999 là 0,63%. Đây là minh chứng cho thấy chủ trương đẩy mạnh chăn nuôi bò sữa ở khu vực gia đình, quốc doanh chỉ làm nhiệm vụ về giống, kỹ thuật và dịch vụ là đúng đắn, phù hợp. Có nhiều mô hình chăn nuôi bò sữa nông hộ với nhiều quy mô từ thấp đến cao. Trong những năm 1990, quy mô chăn nuôi của các hộ chỉ bình quân 4,03 con/hộ (bò sinh sản là 1,97 con/hộ) và số hộ có quy mô chăn nuôi 1-5 con chiếm tỷ lệ hơn 81,04%. Đến năm 1998, quy mô chăn nuôi bình quân hộ đã tăng lên 5,7 con/hộ (bò sinh sản là 2,31 con/hộ), số hộ có quy mô chăn nuôi dưới 5 con đã giảm còn 67,93%. Đặc biệt từ năm 2000, nhiều trang trại bò sữa với quy mô trên 100 con đã được hình thành ở khu vực như trang trại ông Vũ Phương Bình (123 con, Củ Chi), trang trại Sao Mai (115 con, Củ Chi), trang trại Tân Phát Thịnh (106 con, Củ Chi) hoặc trại bò giống cao sản Delta (400 con, Hóc Môn). Công ty Bò sữa Tp.HCM, đơn vị quốc doanh đầu tàu của chương trình phát triển bò sữa thành phố, đã không ngừng lớn mạnh một cách nhanh chóng. Từ một vùng đất đai hoang hóa, khô cằn, từ một nông trường An Phú cơ sở vật chất thiếu thốn, với chưa đầy trăm con bò trở thành một Công ty bò sữa với hàng ngàn con bò sữa cao sản, hàng ngàn m2 chuồng hiện đại, hàng trăm hecta đồng cỏ. Công ty là một trong những nơi đưa những con bò sữa đầu tiên ra dân nuôi gia công. Công ty đã đưa được những thành tích nổi bật như chỉ tiêu nộp ngân sách hằng năm đều tăng, thu nhập bình quân người lao động luôn được cải thiện và tăng cao, ba lần được tặng huân chương lao động hạng ba (năm 1995), hạng nhì (năm 1998), hạng nhất (năm 2004).

Nghiên cứu khoa học đã đóng vai trò quyết định trong việc cải thiện năng suất chăn nuôi bò sữa tại Tp.HCM (từ bình quân 1200kg/chu kỳ vào đầu những năm 1970 đến 4500kg/chu kỳ vào năm 2004). Năng suất của đàn bò sữa cao hơn mức trung bình của đàn bò sữa cả nước. Năm 2002, năng suất bình quân của đàn bò lai hướng sữa cả nước là 3.400kg/chu kỳ thì năng suất bình quân của đàn bò sữa Tp.HCM năm 2001 là 3.750kg/chu kỳ. Nhiều con bò lai HF tại Tp.HCM đã đạt được những năng suất cho sữa kỷ lục trong nước như năm 1996, bò có năng suất cao nhất là 7.300kg/chu kỳ, năm 2001 (tại Hội thi bò sữa Tp.HCM lần thứ 1) năng suất bò đoạt giải nhất có năng suất 8.500kg/chu kỳ và năm 2003 (Hội thi bò sữa Tp.HCM lần thứ 2) năng suất bò đoạt giải nhất là 9.910kg/chu kỳ. Chăn nuôi bò sữa là một ngành nghề mới mẻ đối với Tp.HCM và Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu khoa học công nghệ chăn nuôi bò sữa đã được đặt trọng tâm hàng đầu để phục vụ cho việc giải quyết các khó khăn về mặt kỹ thuật. Ngay từ đầu các nhà khoa học của các Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông nghiệp Miền Nam, Trường Đại học Nông nghiệp 4 (nay là Trường Đại học Nông Lâm) với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ Tp.HCM (tiền thân là ban Khoa học Kỹ thuật rồi ủy ban Khoa học Kỹ Thuật Tp.HCM), đã triển khai các nghiên cứu về các quy trình lai tạo giống, công thức lai tạo, quản lý giống, các giống cỏ mới và quy trình trồng cỏ, sử dụng các phụ phế phẩm công nông nghiệp, quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc, các khẩu phần phù hợp cho từng lứa tuổi, từng giai đoạn sản xuất, hệ thống chuồng trại, các biện pháp thú y phòng và trị bệnh, đánh giá hiệu quả kinh tế...

Để đáp ứng cho việc tăng nhanh đàn bò sữa, hệ thống gieo tinh nhân tạo đã được thiết lập từ năm 1978. Hệ thống này ngày càng được hoàn thiện, rộng khắp và phát huy vai trò chính, quan trọng trong việc lai tạo giống bò sữa trên nền bò lai Sind. Đây chính là bước đi nền tảng bền vững, ít rủi ro và hiệu quả kinh tế cao. Từ hình thức gieo tinh bằng ampul, tinh đông viên tiến đến việc sử dụng tinh cọng rạ và bước đầu thực hiện thử nghiệm phương pháp cấy truyền phôi cho thấy sự tiến bộ từng bước. Năm 2003, số lượng liều tinh đã sử dụng là trên 97.000 liều và năm 2004 là 156.000 liều. Số liều tinh bò sữa cao sản sử dụng hàng năm cũng không ngừng tăng lên về số lượng và chất lượng. Nhiều nguồn tinh của các giống bò sữa cao sản của các nước Pháp, Mỹ, úc, Nhật, Canada đã được sử dụng để lai tạo với bò sữa Tp.HCM. Vào những năm 1980, năng suất trung bình của tinh các giống bò sử dụng chỉ ở mức 4000kg/chu kỳ thì đến những năm 2000, năng suất của tinh các giống bò được sử dụng là trên 10.000kg/chu kỳ (đặc biệt có một số dòng tinh đạt trên 20.000kg/chu kỳ). Một mạng lưới thú y phục vụ cho việc phát triển chăn nuôi bò sữa an toàn, bền vững cũng từng bước được hoàn thiện. Chương trình thú y phục vụ phát triển đàn bò sữa an toàn đã được triển khai thành công, trong những năm qua hầu như tại thành phố không xảy ra ổ dịch lớn nào trên bò sữa. Chi cục còn tham gia thực hiện các dự án phát triển đàn bò sữa ở Tp.HCM. Việc điều trị bệnh bò sữa đi vào chiều sâu với hệ thống chẩn đoán, có lấy mẫu xét nghiệm và lập các phác đồ điều trị cụ thể và có hiệu quả. Tp.HCM cũng đã quan tâm đến phát triển mạng lưới khuyến nông để phục vụ cho việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật đến người chăn nuôi bò, tổ chức các lớp tập huấn một cách thường xuyên với nhiều chủ đề, nhiều mức độ khác nhau. Nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật, áp dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi bò sữa hộ gia đình với nhiều quy mô khác nhau theo phương thức sản xuất hàng hóa cũng được thực hiện. Có thể nói, lực lượng cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông, dẫn tinh viên, cán bộ thú y tay nghề cao đã từng bước được đào tạo và trưởng thành, phát triển cùng với sự phát triển của chăn nuôi bò sữa tại Tp.HCM. Nông dân chăn nuôi bò sữa trình độ ngày càng được nâng cao. Người chăn nuôi bò sữa tại Tp.HCM đã không ngừng được nâng cao kỹ năng, kiến thức về chăn nuôi bò sữa. Điển hình, tại hai kỳ hội thi triển lãm bò sữa Tp.HCM, số lượng thí sinh tham gia hội thi rất đông. Các hộ tham gia thi đều thể hiện được sự hiểu biết rất cao của mình kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, sự chênh lệch điểm của cá nhân, của đội đoạt giải với đội không đoạt giải rất ít.

Các kết quả nghiên cứu khoa học được nhanh chóng ứng dụng trong thực tiễn sản xuất nhờ các biện pháp chuyển giao, tập huấn, tổ chức tham quan mô hình, hội thảo hiệu quả... Hệ thống khuyến nông tại Tp.HCM đã hoạt động hết sức hiệu quả. Mỗi năm, hàng ngàn lượt nông dân được tham gia các lớp tập huấn. Riêng trong thời gian 2002 - 2004, tại Tp.HCM đã có 253 lớp tập huấn về các kỹ thuật trồng cỏ, sử dụng phế phẩm công nông nghiệp, khai thác sữa, chuồng trại... cho hơn 7590 lượt người, 39 lớp tập huấn về phòng chống dịch bệnh với 1052 lượt nông dân, cung cấp hàng ngàn tài liệu tổng hợp và chuyên sâu về chăn nuôi bò sữa, xây dựng trên 136 mô hình trình diễn, 101 cuộc hội đàm, hội thảo, 79 chuyến tham quan học tập, 22 chương trình phát thanh truyền hình khuyến nông....

Phát triển chăn nuôi bò sữa luôn gắn liền với việc tiêu thụ sữa tươi. Vai trò của công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) là cơ sở đảm bảo cho đầu ra của chăn nuôi bò sữa từ những năm đầu tiên đầy khó khăn. Mối quan hệ giữa người bán và người mua nhiều khi cũng có những mâu thuẫn về quyền lợi, nhưng sự gắn bó của Vinamilk và người chăn nuôi chính là sự đảm bảo cho việc phát triển của ngành chăn nuôi bò sữa Tp.HCM. Việc chế biến tiêu thụ sữa tươi từ mức độ thủ công (làm sữa cô đặc, sữa bánh, sữa chua) đến công nghệ cao với hệ thống làm lạnh... cũng đã được thực hiện từng bước, để đảm bảo việc tiêu thụ sữa một cách nhanh chóng Quy trình sản xuất sữa sạch từ mức độ nông hộ, trang trại chăn nuôi đến nhà máy chế biến đã từng bước được hoàn thiện. Chất lượng sữa tươi bán cho nhà máy sữa ngày càng được nâng cao. Từ hình thức tự sơ chế, tự tiêu thụ ban đầu, việc tiêu thụ ổn định trong một hệ thống thu nhận của các nhà máy chế biến sữa với những bồn làm lạnh, xe lạnh vận chuyển sữa.

Có thể khẳng định một cách chắc chắn, yếu tố quyết định của các sự phát triển chăn nuôi bò sữa tại Tp.HCM chính là vai trò lãnh đạo của các cơ quan chức năng. Ngay từ những ngày đầu tiên còn nhiều khó khăn, ngành chăn nuôi bò sữa của Tp.HCM luôn nhận được sự quan tâm, khích lệ, hỗ trợ về mặt tinh thần và vật chất của lãnh đạo Thành phố. Các lãnh đạo cao nhất của Tp.HCM luôn giành thời gian đặc biệt cho việc xem xét, đánh giá và ra những quyết định cần thiết cho ngành chăn nuôi bò sữa phát triển. Sự quan tâm này diễn ra một cách đều đặn, liên tục và gắn bó, đã giúp cho chăn nuôi bò sữa Tp.HCM luôn vượt qua được những lúc khó khăn nhất. Từ thực tiễn sản xuất và nhu cầu phát triển chăn nuôi bò sữa tại Tp.HCM, nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sữa từ tín dụng, thuế, đất đai đến mô hình xóa đói giảm nghèo bằng con bò sữa...đã được nghiên cứu và đề xuất.

Ngành chăn nuôi bò sữa Tp.HCM đã đạt được: Hình thành một nền sản xuất sữa hàng hóa bước đầu mang tính chuyên nghiệp, đáp ứng 15% nhu cầu tiêu thụ và chế biến sữa trong nước, tiết kiệm được ngoại tệ từ việc giảm nhập khẩu nguyên liệu sữa. Về mặt ứng dụng thực tiễn, phát triển thành công chăn nuôi bò sữa tại Tp.HCM đã giải đáp cả về mặt khoa học và thực tiễn sản xuất là con bò sữa được nuôi tốt trong điều kiện vùng nhiệt đới nếu có các giải pháp đồng bộ, kết hợp từ kỹ thuật đến chính sách, chủ trương, từ người chăn nuôi đến nhà quản lý, nhà khoa học. Một Tp.HCM công nghiệp, đông dân, diện tích eo hẹp, không có những điều kiện để phát triển chăn nuôi bò sữa, nhưng nhờ vào chủ trương, chính sách đúng đắn, phát huy được tiềm năng nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật của các nhà khoa học tại địa phương và trên thế giới (thông qua sự hỗ trợ giúp đỡ của các chuyên gia của các nước có ngành chăn nuôi bò sữa phát triển như Bỉ, Nhật, Pháp, Mỹ, úc, Israel...), phát huy được vai trò chủ động của hộ chăn nuôi gia đình đã phát triển chăn nuôi bò sữa dẫn đầu cả nước không những về số lượng đầu con, sản lượng sữa mà cả về tính hiệu quả kinh tế. Đây là hiệu quả cụ thể của sự phối hợp đồng bộ của 5 nhà: quản lý, người sản xuất, khoa học, tiêu thụ và ngân hàng (bao gồm các hình thức tín dụng như quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ hỗ trợ giải quyết công ăn việc làm, quỹ tín dụng của các ngân hàng và tổ chức quốc tế...). Nó đã góp phần thay đổi nhận thức về chăn nuôi bò sữa trong ngành nông nghiệp và hình thành một nghề mới ở nông thôn.

Sau quá trình lai tạo và phát triển, đàn bò sữa thành phố từ vài trăm con ban đầu (1977) đến nay đã vượt hơn con số 50.000 con (quý 1/2005). Giá trị của đàn bò sữa Tp.HCM hiện nay ước trên 500 tỷ đồng (tính giá trung bình 10.000.000 đ/con). Lượng sữa tươi đàn bò cung cấp đã đem lại nguồn thu khá lớn cho ngành nông nghiệp thành phố. Chỉ tính riêng lượng sữa tươi mà Vinamilk thu mua từ năm 1995 đến 2003 là 373.807 tấn sữa, tương đương với 1.252 tỷ. Năm 2005, trên địa bàn Tp.HCM Vinamilk đã thu mua 746.661 tấn sữa tươi, tương đương với khoảng 298 tỷ đồng. Năm 2005, sản lượng sữa tươi hàng hóa đàn bò sữa Tp.HCM sản xuất là 130.000 tấn (tương đương với khoảng 520 tỷ đồng). Sự phát triển của ngành chăn nuôi bò sữa Tp.HCM đã tạo thêm nhiều của cải cho xã hội và góp phần rất lớn vào việc giải quyết việc làm cho người nông dân. Nó đã tạo nên nhiều dạng việc làm từ người trực tiếp chăn nuôi, đến người vắt sữa thuê, người cắt cỏ, thú y, dẫn tinh viên... Ước tính, hàng năm ngành chăn nuôi bò sữa tại Tp.HCM đã tạo công ăn việc làm cho trên 100.000 người. Chăn nuôi bò sữa cũng góp phần, ổn định an ninh xã hội qua việc giảm các tệ nạn xã hội từ việc giảm ăn nhậu, cờ bạc... Phát triển chăn nuôi bò sữa tại Tp.HCM còn góp phần khuyến khích việc sử dụng sữa tươi trong việc cải thiện dinh dưỡng và tầm vóc sức khỏe của người dân ít nhất là đối tượng thanh thiếu niên (thông qua các chương trình sữa học đường).

Chăn nuôi bò sữa Tp.HCM cũng có những thăng trầm, cũng có lúc người nông dân phải bán thịt bò sữa hay đổ sữa đi vì không bán được, và những lúc như thế thì vai trò của Nhà nước, các nhà khoa học là hết sức quan trọng để tìm ra những giải pháp tháo gỡ và khi vượt qua được thì phát triển ở mức độ cao hơn, tốt hơn. Mặc dù thời điểm hiện nay, tình hình chăn nuôi bò sữa đang đối diện với những khó khăn khách quan vì giá cả đầu vào, đặc biệt là thức ăn tăng cao, lợi nhuận không cao nhưng đàn bò sữa Tp.HCM vẫn đang phát triển (đàn bò sữa Tp.HCM hiện nay trên 56.000 con), những người chăn nuôi chí cốt với nghề vẫn đang cố gắng bám trụ và duy trì đàn bò, và chúng tôi tin chắc Tp.HCM sẽ có những biện pháp thích hợp để giải quyết. Trong khoảng thời gian vừa qua, chăn nuôi bò sữa trong cả nước gặp những khó khăn vì nhiều tỉnh phát triển bò sữa một cách nóng vội, chưa lường hết những khó khăn đặc thù của ngành chăn nuôi quá mới mẻ với địa phương, nên gặp nhiều khó khăn và có tư tưởng buông xuôi và loại bỏ, như thế sẽ làm cho người chăn nuôi mất lòng tin và chán nản. Việc phát triển chăn nuôi bò sữa không thể chỉ trong một vài năm có thể đạt được kết quả mà đòi hỏi phải có thời gian lâu dài. Khi gia nhập WTO ngành chăn nuôi bò sữa không phải đối phó nhiều với những yêu cầu đòi hỏi giảm trợ cấp vì vậy nếu có hình thức tổ chức và trợ cấp phù hợp, ngành chăn nuôi bò sữa chắc chắn sẽ phát triển ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sữa trong nước, hiện còn đang quá thấp so với thế giới. Học tập và ứng dụng một cách khoa học, linh hoạt những kinh nghiệm của Tp.HCM sẽ giúp các địa phương phát triển chăn nuôi bò sữa một cách hiệu quả, ít rủi ro.


Số lượt người xem: 15380    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm