I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN ĐÀN BÒ SỮA CỦA THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
Trong những năm qua, thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ngành nông nghiệp thành phố đã đạt được những thành quả vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp thành phố giai đoạn 2006 – 2010 bình quân ước đạt 5,9 %/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng trong chăn nuôi đạt 9,3%/năm, tỷ trọng chăn nuôi năm 2010 ước đạt 39,6%. Chăn nuôi thành phố có những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng con giống, cơ cấu chăn nuôi chuyển dịch theo hướng chăn nuôi công nghiệp, tập trung, đặc biệt thành phố đang dần định hình sản xuất chăn nuôi an toàn, bò sữa cao sản.
Thực hiện Quyết định số 119/2006/QĐ-UBND, ngày 03/8/2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển bò sữa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2006 - 2010, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tập trung chỉ đạo sản xuất, kịp thời các giải pháp giúp cho người chăn nuôi để bò sữa yên tâm sản xuất, chăn nuôi bò sữa thành phố tiếp tục phát triển ổn định.
1. Tổng đàn, quy mô đàn bò sữa:
Tốc độ tăng trưởng đàn bò sữa: Nhờ đẩy mạnh chương trình bình tuyển giống, gieo tinh bò giống cao sản và áp dụng tiến bộ kỹ thuật về chăm sóc nuôi dưỡng, chuồng trại, nên số lượng, năng suất sữa của đàn bò sữa thành phố không ngừng tăng lên (Bảng 1):
- Tổng đàn bò sữa từ 58.267 con năm 2006 tăng lên 79.800 con năm 2010 (tăng bình quân 8,34%/năm), trong đó đàn cái vắt sữa từ 34.562 con năm 2006 tăng lên 41.057 con năm 2010 (tăng bình quân 4,53%/năm).
- Năng suất sữa tăng từ 4.570 kg/con/năm năm 2006 tăng lên 5.787 kg/con/năm năm 2010 (tăng bình quân 6,13%/năm), trong đó năng suất 6.000 kg/con/năm chiếm tỷ lệ 8,2% tổng đàn cái vắt sữa.
Về quy mô đàn bò sữa: Quy mô bình quân đàn bò sữa tăng dần từ 6,57 con/hộ năm 2006 lên 9,13 con/hộ năm 2010 (tốc độ tăng bình quân 8,76%). Số hộ chăn nuôi dưới 5 con/hộ có khuynh hướng giảm dần, từ 4.403 hộ năm 2006 xuống còn 2.183 hộ năm 2010 (giảm bình quân 8,86%/năm); quy mô 20 – 49 con/hộ tăng từ 211 hộ năm 2006 tăng lên 591 hộ năm 2010 (tăng bình quân 31,34%/năm); quy mô trên 100 con/hộ tăng từ 5 hộ năm 2006 tăng lên 16 hộ năm 2010 (tăng bình quân 38,51%/năm). Điều này cho thấy, người chăn nuôi bò sữa đang dần chuyển hướng chăn nuôi tập trung, đầu tư đồng bộ để đạt hiệu quả trong chăn nuôi (Bảng 2).
- Về dịch chuyển đàn bò sữa: khuynh hướng di chuyển về các huyện ngoại thành, nhất là huyện Củ Chi, do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của một số địa phương (Gò Vấp, quận 12, Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh).
2. Biến động giá nguyên liệu chăn nuôi bò sữa và con giống:
2.1. Giá nguyên liệu chăn nuôi bò sữa:
So với năm 2006, giá thức ăn bò sữa năm 2010 tăng bình quân 21,55%, tăng mạnh ở đầu và giữa năm 2008 là 73,46%, đặc biệt là cám hỗn hợp và hèm bia và giảm chậm vào đầu năm 2009. Cuối năm 2009, tốc độ tăng giảm, tuy nhiên đến thời điểm 2010 tăng 17,03% (bình quân tăng 22,62%/năm). Giá hèm bia biến động vào cuối năm 2009 và năm 2010 tốc độ tăng bình quân 34,26%/năm (Bảng 3).
Sở Nông nghiệp và PTNT đã làm việc với các đơn vị sản xuất, kinh doanh hèm bia làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi bò sữa, nhằm ổn định chất lượng và giá cả, giúp người chăn nuôi ổn định sản xuất.
2.2. Giá con giống:
Thị thường con giống bò sữa thành phố giai đoạn 2006 – 2010 có nhiều biến động. Năm 2006 - 2007, thị trường con giống bò sữa giảm mạnh do nhiều chương trình bò sữa các tỉnh, thành trong cả nước không thành công; từ đầu năm 2008 đến nay, thị trường con giống đã phục hồi, nhưng không có tình trạng “sốt giá” như giai đoạn 2004 – 2005, nhất là thời điểm từ 6 tháng cuối năm 2010, do một số tỉnh phía Bắc có xu hướng phát triển chăn nuôi bò sữa có hiệu quả (Bảng 4).
3. Công tác quản lý giống trong chăn nuôi bò sữa:
3.1. Công tác quản lý, bình tuyển giống bò sữa:
Thông qua công tác bình tuyển giống bò sữa, thành phố Hồ Chí Minh đã thiết lập hệ thống quản lý giống thống nhất từ cơ sở nông hộ đến cơ quan quản lý và kiểm định giống. Đến cuối năm 2010, đã tổ chức giám định bình tuyển 67.021 con, trong đó giai đoạn 2006 – 2010 đã bình tuyển được 32.544 con (Bảng 5).
Thực hiện đeo thẻ tai cho bò sữa theo Quyết định 49/2006/QĐ-BNN và Thông tư số 16/2009/TT-BNN ngày 19/3/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về đánh số tai bò sữa, bò thịt, Chi cục Thú y kết hợp với Trung tâm Quản lý và Kiểm định Giống Cây trồng - Vật nuôi thống nhất sử dụng chung mã số đánh dấu trên đàn bò sữa cho công tác quản lý giống và quản lý sức khỏe, dịch tễ…
Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo người dân tái cấu trúc đàn bò sữa, mạnh dạn loại thải, chọn lọc thay đàn, giữ lại những con có năng suất cao. Từng bước cấu trúc lại đàn bò theo cơ cấu 70% cái sinh sản, 50% cái vắt sữa. Đến nay cơ cấu đàn bò cái sinh sản là 61,13% (tăng 9,19% so với năm 2006 là 51,94%), trong đó tỷ lệ cái vắt sữa là 46,34% (năm 2006 là 40,72%) (Bảng 6).
Cơ cấu phẩm giống F1 - F2 từ 87,7% giai đoạn 2001-2005, đến giai đoạn 2006 - 2010 chỉ còn 18,16%; trọng lượng đàn bê sơ sinh bình quân từ 32 - 34kg, trọng lượng 12 tháng tuổi đạt 216 kg - 222 kg đạt tiêu chuẩn giống của Dự án bình tuyển giống bò sữa của Viện Chăn nuôi (Bảng 7).
3.2. Tình hình quản lý và sử dụng tinh bò sữa trên địa bàn thành phố:
Ba đơn vị cung cấp tinh cho đàn bò sữa (Xí nghiệp truyền giống gia súc Trung ương, Công ty TNHH Minh Đăng, Công ty TNHH A&A), cung cấp các nguồn tinh từ Trung tâm Moncada (Ba Vì, Hà Nội), New Zealand, Mỹ, Canada. Bên cạnh đó, các công ty thu mua sữa (Công ty Friesland Campina, Công ty Vinamilk) cũng nhập một số dòng tinh đực giống có nguồn gốc tại Hà Lan, Canada về gieo cho đàn bò của những hộ dân giao sữa cho Công ty. Từ tháng 10/2006, Trung tâm Quản lý và Kiểm định Giống Cây trồng – Vật nuôi đã nhập tinh bò sữa nhiệt đới cao sản Israel, nhằm nâng cao chất lượng và phù hợp với điều kiện của thành phố (Bảng 8).
Giai đoạn 2006 – 2010, các đơn vị kinh doanh đã cung cấp 764.954 liều tinh bò sữa, trong đó có 28.648 liều tinh giống bò sữa cao sản nhiệt đới của Israel năng suất trên 13.000 lít sữa/ chu kỳ.
3.3. Khả năng sinh sản của đàn bò sữa và khả năng tăng trọng đàn bê:
Trung tâm Quản lý và Kiểm định Giống Cây trồng – Vật nuôi đã tiến hành theo dõi, quản lý khả năng sinh sản phối giống năng suất sữa bò sữa nông hộ; sự tăng trọng của đàn bê sinh ra từ các nguồn tinh của Dự án Quốc gia phát triển bò sữa, Trung tâm Moncada, các nguồn tinh của các cở sở kinh doanh tinh đông lạnh trên thị trường thành phố. Các chỉ tiêu về khả năng sinh sản (tỷ lệ đậu thai, khoảng cách hai lứa đẻ…) và tăng trọng của đàn bê đều có những bước cải thiện, khai thác hiệu quả đàn bò sữa (Bảng 9).
4. Công tác thú y trong chăn nuôi bò sữa:
4.1. Công tác quản lý cấp phát, sử dụng sổ sức khỏe các thể bò sữa:
Chi cục Thú y đã xây dựng phần mềm thống kê và quản lý bò sữa và cấp phát 98.774 sổ sức khỏe cá thể bò sữa và sổ quản lý dịch tễ, nhằm theo dõi tương đối chặt chẽ tình hình chăn nuôi dịch tễ, biến động đàn và công tác quản lý dịch bệnh trên đàn bò sữa. Từ năm 2008, công tác quản lý, cấp phát sổ quản lý tình hình chăn nuôi dịch tễ trâu bò và cập nhật biến động đàn được thực hiện theo quy trình quản lý chất lượng ISO 9001:2000.
4.2. Công tác tiêm phòng trên đàn bò sữa:
Hàng năm các quận, huyện tổ chức triển khai tiêm phòng miễn phí bệnh lở mồm long móng (LMLM), tụ huyết trùng (THT) trên đàn bò sữa ngay từ đầu năm, vì vậy trong các năm qua, không để xảy ra dịch bệnh trên đàn bò sữa. Tỷ lệ tiêm phòng trên tổng đàn đều đạt yêu cầu và tăng qua các năm, đảm bảo mục tiêu “ổn định tình hình dịch tễ không để xảy ra dịch bệnh trên đàn bò sữa thành phố ”. Tuy nhiên, tỷ lệ lưu hành bệnh LMLM trên đàn bò sữa có biến động từ 4,04% - 7,32%, do người chăn nuôi thiếu tích cực trong việc loại thải bò mang mầm bệnh (Bảng 10).
4.3. Giám sát tình hình dịch tễ và điều trị các bệnh truyền nhiễm trên đàn bò sữa:
Triển khai Quyết định số 150/2006/QĐ-UBND, ngày 19/10/2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình thú y phục vụ phát triển bò sữa – kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm từ 2006 – 2010, Chi cục Thú y đã thực hiện các biện pháp tăng cường công tác quản lý dịch tễ đàn bò sữa; tiêm phòng miễn phí; lấy mẫu xét nghiệm giám sát dịch tễ và điều trị các bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng; kiểm tra chất lượng và vệ sinh sữa; tập huấn chuyển giao kỹ thuật phát hiện viêm vú tiềm ẩn cho các hộ chăn nuôi, kết quả thực hiện như sau (Bảng 11):
4.3.1. Giám sát bệnh Leptospirosis, ký sinh trùng đường máu:
Từ năm 2006 đến nay, kiểm tra huyết thanh học đều không phát hiện bệnh Lao và Brucellosis lưu hành trên đàn bò sữa thành phố.
Tỷ lệ Leptospirosis có biến động trong khoảng từ 22,85 – 32,02%, chủ yếu nhiễm là L. hardjo Hardjo bovis (41,08%), L. hebdomadis (37,61%) và tập trung mức hiệu giá 1/100 (24,86%), 1/200(25,98%) và 1/400 (28,77%). Ngoài ra, cũng phát hiện một số serovar khác như L. tarassovi, L. hustbridge, L. vughia, L. bataviae ở mức hiệu giá thấp (1/100 – 1/400).
Tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng đường máu cũng có giảm, nhưng không đáng kể, giao động trong khoảng từ 14,17 - 19,06%. Dựa vào các kết quả xét nghiệm để tiến hành điều trị trên những bò có kết quả dương tính. Sau thời gian điều trị tiến hành lấy mẫu đánh giá hiệu quả điều trị.
Năm 2008, Chi cục ban hành quy trình điều trị một số bệnh trên bò sữa làm cơ sở cho các quận huyện trong công tác điều trị, qua đó hiệu quả điều trị với các bệnh cao như tỷ lệ khỏi bệnh trong điều trị Leptospirosis lên đến 82,5%; ký sinh trùng đường máu đối với Anaplasmosis là 82,08%, đối với Babesiosis là 100%. Tuy nhiên việc điều trị gặp nhiều khó khăn do người chăn nuôi không muốn hủy sữa trong thời gian điều trị, nhất là đối với những hộ có nhiều bò bệnh.
4.3.2. Giám sát viêm vú tiềm ẩn:
Kiểm tra tình trạng viêm vú tiềm ẩn bằng phương pháp CMT cho thấy tỷ lệ viêm vú tiềm ẩn trên đàn bò sữa thành phố còn cao (từ 78,3 – 91,24%), trong đó tỷ lệ 3+, 4+ từ 21,69 – 59,13%. Tuy nhiên, tỷ lệ viêm vú có chiều hướng giảm dần qua các năm, do công tác tập huấn tuyên truyền, người dân đã có quan tâm hơn trong việc thực hiện các biện pháp vệ sinh trong vắt sữa, góp phần làm giảm tỷ lệ viêm vú (Bảng 12).
Chi cục Thú y tiến hành lấy mẫu phân lập vi khuẩn trên các mẫu sữa viêm mức độ 3+, 4+, cho thấy vi khuẩn gây viêm vú chủ yếu là Streptococcus và Staphylococcus. Đây là những vi khuẩn thường xuyên hiện diện trong môi trường chuồng nuôi: nền chuồng, da tay người vắt sữa, bầu vú bò khỏe mạnh, dụng cụ vắt sữa, khăn lau bầu vú… nếu không đảm bảo yêu cầu vệ sinh sẽ dễ dàng nhiễm qua bầu vú bò sữa.
4.4. Nâng cao năng lực chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị bệnh bò sữa:
Trang bị 2 máy siêu âm xách tay, 1 máy chụp X-quang giúp hỗ trợ công tác chẩn đoán bệnh trên bò sữa, trang bị chuồng ép, dụng cụ điều trị, dụng cụ xét nghiệm cho các đơn vị trọng điểm chăn nuôi bò sữa để nâng cao năng lực trong công tác quản lý và điều trị bệnh.
Từ năm 2006, Chi cục Thú y phối hợp với Tổ chức CEVEO, trường Đại học Nông Lâm và Đại học Lyon (Pháp) thực hiện chương trình hợp tác thú y, trong đó đã tham gia tập huấn về chăn nuôi và chuẩn đoán bệnh trên thú nhai lại; tổ chức 06 khóa tập huấn, đào tạo huấn luyện về các kỹ thuật chuyên sâu bò sữa (chẩn đoán, siêu âm) cho 121 lượt CBTY-MLTY; điều trị 130 ca siêu âm phát hiện thai, 39 ca điều trị đau móng, 12 ca điều trị viêm vú, 5 ca sót nhau, 22 ca xử lý bò trận, 1 ca gãy chân, 2 ca viêm tử cung, 1 ca abcess.
4.5. Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật:
Triển khai thực hiện Quyết định số 109/2006/QĐ-UBND, ngày 18/7/2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình xây dựng vùng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn thành phố giai đoạn 2006 - 2010, Chi cục đã tập trung thực hiện việc giám sát dịch bệnh, xây dựng và được Cục thú y công nhận 45 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, trong đó công nhận 10 cơ sở chăn nuôi bò sữa an toàn bệnh LMLM, với tổng đàn 4.288 con (2.222 con cái vắt sữa).
4.6. Phối hợp với Công ty Vinamilk:
Từ năm 2007, Chi cục Thú y đã phối hợp với Công ty Vinamilk trong công tác hỗ trợ kiểm soát việc chấp hành tiêm phòng trên đàn bò sữa, kiến thức vệ sinh toàn thực phẩm sữa, đánh giá tình trạng viêm vú trên đàn bò sữa, từ đó có những hỗ trợ để nâng cao chất lượng sữa cho bà con nông dân. Xác nhận 4.282 hợp đồng thu mua sữa do các điểm trung chuyển đến các trạm thú y quận huyện (tình hình tiêm phòng LMLM, THT và tình trạng vệ sinh thú y).
Chuyển giao hơn 3.000 bình nhúng núm vú và hoá chất khử trùng, 1.500 khay thử hoá chất, hướng dẫn đọc kết quả CMT nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng viêm vú tiềm ần trên bò sữa, góp phần nâng cao chất lượng sữa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sữa.
5. Công tác khuyến nông trong chăn nuôi bò sữa:
5.1. Công tác tập huấn, thông tin quảng bá:
Các đơn vị Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Thú y đã phối hợp với Hội Nông dân, Trung tâm hỗ trợ nông dân, Công ty Vinamilk… tổ chức tập huấn, huấn luyện cho người chăn nuôi bò sữa:
- Tổ chức 257 lớp tập huấn cho 6.826 lượt người chăn nuôi với các nội dung nâng cao kiến thức và kỹ năng về xây dựng, cải tạo chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải, ứng dụng chế phẩm EM xử lý mùi hôi, phát triển đồng cỏ chăn nuôi, biện pháp nâng cao sản lượng sữa, chất lượng vệ sinh sữa, ứng dụng cơ giới hoá trong chăn nuôi như máy vắt sữa, máy băm cỏ, cho bò ăn theo TMR, lồng ghép nội dung quy trình thực hành chăn nuôi tốt trong chăn nuôi bò sữa trong các buổi tập huấn chăn nuôi, công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Xây dựng đĩa VCD, phát hành 8.000 tờ bướm tuyên truyền về vệ sinh vắt sữa, phòng bệnh viêm vú bò sữa, hướng dẫn phương pháp CMT; biên soạn và phát hành 3.000 cuốn cẩm nang “Phòng trị bệnh viêm vú bò sữa”, 1.000 cuốn tài liệu “Kỹ thuật vắt sữa bằng tay, kỹ thuật vận hành máy vắt sữa”, 1.000 cuốn cẩm nang “Phối trộn thức ăn nuôi bò sữa”, 1.000 cuốn cẩm nang “Chăn nuôi bê đực lai hướng sữa lấy thịt”.
- Tổ chức 55 chuyến tham quan học tập cho hơn 2.500 lượt nông dân học tập mô hình chăn nuôi bò sữa hoàn chỉnh, hiệu quả kinh tế cao.
- Tổ chức 38 cuộc hội thảo toạ đàm với hơn 2.000 nông dân tham gia với chủ đề nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi bò sữa và Quy trình thực hành chăn nuôi tốt trong chăn nuôi bò sữa (VietGAHP).
- Phối hợp với đài phát thanh thành phố, thực hiện 34 chương trình truyền thông về kỹ thuật chọn giống bò sữa và an toàn chất lượng sữa, chăm sóc và phòng trị bệnh LMLM, kỹ thuật trồng cỏ VA06 và ủ chua thức ăn xanh nuôi bò.
Tổ chức 2 cuộc điều tra về nguồn thức ăn và hiện trạng chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 9, 12, Thủ Đức để làm cơ sở xây dựng mô hình áp dụng chương trình VietGAHP trong chăn nuôi bò sữa của thành phố nhằm nâng cao hiệu quả và bền vững trong chăn nuôi bò sữa.
5.2. Xây dựng mô hình trình diễn – thực nghiệm:
Từ năm 2006 đến nay, Chi cục Thú y đã tiến hành xây dựng 41 mô hình chăn nuôi điểm bò sữa (19 hộ tại Củ Chi, 21 hộ tại Hóc Môn, 01 tại Bình Chánh). Mô hình tập trung đầu tư xây dựng chuồng trại theo đúng yêu cầu kỹ thuật, có chỗ nghỉ ngơi cho bò; hệ thống xử lý chất thải bằng biogas, máy vắt sữa, bình đựng sữa, chi phí kiểm tra CMT, chất lượng sữa, xét nghiệm và điều trị cho những cá thể nhiễm bệnh. Ngoài ra, các hộ còn được tập huấn kiến thức và kỹ năng phòng chống dịch bệnh gia súc, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng và áp dụng các tiến bộ khoa học trong chăn nuôi.
Xây dựng 11 mô hình chăn nuôi bò sữa hoàn chỉnh bền vững (cơ giới hóa trong chăn nuôi, đồng cỏ thâm canh, cải thiện chuồng trại, xử lý nước thải và phối trộn thức ăn theo TMR); 23 mô hình ứng dụng cơ giới hóa (hơn 172 máy vắt sữa, 15 máy thái cỏ) vào chăn nuôi bò sữa tại các địa bàn Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 9, 12, Thủ Đức; 5 mô hình xây dựng khẩu phần thức ăn phù hợp theo vùng nguyên liệu; 2 mô hình thực nghiệm tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi về “Xây dựng khẩu phần thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR) và phương pháp cho ăn phù hợp theo từng giai đoạn cho sữa”; 5 mô hình trồng thử nghiệm các giống cỏ VA06, Sweet Jumbo tại Củ Chi và nhân rộng mô hình trên 110 ha tại huyện Củ Chi và Hóc Môn; 5 mô hình “Nuôi bê đực lai hướng sữa lấy thịt” tại các địa bàn huyện Củ Chi, Hóc Môn.
Ngoài ra, được sự hỗ trợ của Trung Tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông thành phố đã thực hiện 1 mô hình nuôi vỗ béo bò thịt tại Bình Chánh, Củ Chi và Hóc Môn; 2 mô hình chăn nuôi bò sữa phù hợp vùng sinh thái đảm bảo vệ sinh môi trường tại quận 12, Bình Chánh, Củ Chi và Hóc Môn; 1 mô hình chăn nuôi bò sữa hỗ trợ thức ăn tại xã An Nhơn Tây, An Phú; 1 mô hình chăn nuôi bò sữa hỗ trợ giống tại xã Tân Thông Hội; 1 mô hình trồng cỏ VA06 tại xã Tân Thông Hội.
6. Tình hình tổ chức thu mua sữa của các công ty sữa trên địa bàn thành phố:
Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 03 công ty hoạt động thu mua sữa (Công ty Cổ phần sữa Việt Nam - Vinamilk, Công ty TNHH Friesland Campina, Công ty TNHH Tân Việt Xuân - Vixumilk), với 89 điểm thu mua và trung chuyển thu mua sữa, đặt tại hầu hết các địa bàn chăn nuôi bò sữa trọng điểm của thành phố, đảm bảo thu mua tất cả sữa cho người chăn nuôi của thành phố. Ngoài ra, đến tháng 11/2010, Công ty TNHH một thành viên bò sữa thành phố đã liên kết với Công ty Cổ phần sữa Quốc tế tổ chức xây dựng nhà máy và thu mua sữa nguyên liệu trên địa bàn thành phố. Bước đầu, hình thành 4 điểm thu mua sữa tại xã Tân Thông Hội (HTX bò sữa Tân Thông Hội), Tân Thạnh Đông, Trung An, Phước Thạnh.
Từ năm 2008 đến nay, các Công ty thu mua sữa tươi nguyên liệu liên tục thay đổi phương thức đánh giá chất lượng sữa và giá thu mua sữa, nhất là trong năm 2010, nhằm từng bước nâng cao chất lượng sữa tươi thu mua, đáp ứng nhu cầu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao của người tiêu dùng và nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi bò sữa. Trước yêu cầu này, đòi hỏi người nông dân chăn nuôi bò sữa phải từng bước thay đổi cách chăn nuôi: chăm sóc, nuôi dưỡng, khai thác và giao sữa phù hợp với yêu cầu của nhà thu mua. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương tập trung các biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sữa và đảm bảo thu nhập cho người chăn nuôi.
7. Các dự án đang thực hiện:
7.1. Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa quy mô cấp xã” tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi:
Sở Nông nghiệp và PTNT đang triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa quy mô cấp xã” tại xã Tân Thạnh Đông, Củ Chi. Dự án đã được triển khai thực hiện từ năm 2006 và đã đạt được những kết quả như sau:
- Điều tra tình hình chăn nuôi đàn bò sữa trên phạm vi toàn xã Tân Thạnh Đông, nhằm đánh giá các điều kiện chăn nuôi và dự biến động đàn bò sữa tại xã, làm cơ sở để định hướng triển khai thực hiện dự án. Kết quả điều tra cho thấy: toàn xã có 18,3% (1.188 hộ) chăn nuôi bò sữa; tốc độ phát triển bò sữa tăng nhanh (bình quân tăng 32,5%/năm, nhanh hơn tốc độ phát triển đàn bò sữa bình quân của thành phố giai đoạn 2001-2005 là 17%/năm); quy mô chăn nuôi bình quân 6,52 con/hộ (84% hộ chăn nuôi dưới 10 con/hộ), mật độ nuôi nhốt 9,03 con/m2/hộ; đàn bò tương đối trẻ (82,61% tổng đàn sinh sản từ lứa 3 trở xuống); diện tích trồng cỏ bình quân 1.714 m2 cỏ/hộ (75% tổng số hộ nuôi có trồng cỏ).
- Đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 20 hầm biogas (5 cái 15m3, 6 cái 12m3, 9 cái 10m3); cung cấp 20 máy vắt sữa, 20 máy băm cỏ cho 20 hộ tham gia dự án.
- Đã triển khai bình tuyển, lập phiếu cá thể và thu thập số liệu về quản lý nông hộ cho 20 hộ bò sữa tham gia dự án. Tổ chức gieo 3.750 liều tinh bò sữa Israel cho 1.611 con bò, kết quả có 366 con mang thai (22,72%). Đã sinh 80 bê (38 bê cái, 42 bê đực).
- Phối hợp với Xí nghiệp thức ăn gia súc An Phú sản xuất thử nghiệm cám hỗn hợp cho bò sữa tại xã. Tổ chức hướng dẫn cho 11/20 hộ chăn nuôi tự trộn thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR) cho đàn bò sữa, bước đầu mang lại kết quả rất khả quan, được nhiều hộ chăn nuôi quan tâm. Tuy nhiên, do một số điều kiện về nhân công và đồng cỏ, chỉ có 4 hộ tiếp tục cho ăn theo khẩu phần TMR. Sau thời gian triển khai thực hiện, đàn bò có những cải thiện đáng kể về tăng trọng, năng suất, chất lượng sữa.
- Tổ chức tham quan tìm hiểu quá trình xây dựng và phát triển của HTX bò sữa Evergrowth tỉnh Sóc Trăng; Trung tâm huấn luyện bò sữa và trang trại kiểu mẫu Dự án Campina – Vinamilk xã Tutra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.
- Chi cục Thú y đã tiến hành triển khai thực hiện xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm, thử CMT, lấy mẫu sữa phân tích chất lượng (đạm, béo, vật chất khô…).
- Thành lập HTX chăn nuôi bò sữa Tiến Thành, trong đó đã tổ chức đánh giá kết quả xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa quy mô cấp xã, cung cấp một số nguyên liệu thức ăn cho bò sữa (hèm bia, cám hỗn hợp) với giá thấp hơn thị trường.
Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa quy mô cấp xã” tại xã Tân Thạnh Đông, Củ Chi đã xây dựng được các mô hình chăn nuôi bò sữa ứng dụng đồng bộ công nghệ cao để chăn nuôi bò sữa, bao gồm tái cơ cấu đàn bò theo hướng trẻ hóa đàn, nâng cao chất lượng đàn giống, loại thải các cá thể có năng suất thấp, các cá thể có vấn đề về các bệnh sinh sản; thiết lập hệ thống quản lý đàn bò tại nông hộ; nâng cấp chuồng trại thông thoáng (quạt gió, hệ thống phun sương, quả cầu thông khí); ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất (máy vắt sữa, máy băm thái cỏ); tăng sản lượng cỏ trồng bằng sử dụng giống cỏ VA06 có năng suất cao, chất lượng dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu bò sữa; xây dựng khẩu phần thức ăn hợp lý và thí điểm khẩu phần TMR tại một số hộ. Ngoài ra, dự án đã giúp người chăn nuôi chủ động kiểm tra vệ sinh sữa thông qua việc chuyển giao phương pháp phát hiện viêm vú tiềm ẩn bằng CMT, vệ sinh bầu vú sau khi vắt sữa bằng dung dịch iodin; định kỳ lấy mẫu kiểm tra các bệnh liên quan đến bò sữa (lao, Brucellosis, Leptospirosis, ký sinh trùng đường máu) và chất lượng sữa (đạm, béo, vật chất khô…). Các mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực cho người chăn nuôi bò sữa, như giảm tình trạng stress nhiệt trên đàn bò sữa, nhất là các tháng cao điểm mùa nắng; hạn chế các chi phí trung gian, cải thiện chất lượng đàn giống tại nông hộ, nâng cao chất lượng và vệ sinh sữa.
7.2. Dự án đầu tư trại bò sữa công nghệ cao Israel (DDEF):
Dự án đã được Chính phủ phê duyệt tại công văn số 8013/VPCP- QHQT ngày 20/11/2008 về việc phê duyệt dự án ODA hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại của Chính phủ Israel.
Ủy ban nhân dân thành phố đã có Quyết định số 1263/QĐ-UBND ngày 31/3/2009 về việc thành lập Ban Chỉ đạo và Ban quản lý điều hành dự án “Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại thành phố Hồ Chí Minh”; Quyết định số 2203/QĐ-UBND ngày 17/5/2010 về phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao (DDEF) và Quyết định số 4256/QĐ-UBND ngày 28/9/2010 về phê duyệt Kế hoạch tổng thể thực hiện dự án trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao (DDEF).
Hiện nay đang chờ Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Kế hoạch đấu thầu các gói thầu của dự án. Dự kiến tiến hành san lấp mặt bằng và xây dựng chuồng trại trong quý 1/2011.
7.3. Các nghiên cứu khoa học:
Thử nghiệm tạo phôi bò lai Sind giai đoạn plastocyst bằng công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm từ nguồn giao tử nội và ngoại nhập – Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh
Xây dựng đàn bò sữa hạt nhân bằng công nghệ cấy truyền phôi - Trung tâm Quản lý và Kiểm định Giống Cây trồng – Vật nuôi.
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất và cấy truyền phôi, nhằm nhân nhanh giống bò sữa cao sản tại thành phố Hồ Chí Minh - Trung tâm chuyển giao TBKHKT chăn nuôi – Trung Tâm Công nghệ sinh học ABC.
Đánh giá sự bài thải qua sữa của một số kháng sinh sử dụng trong điều trị bệnh bò sữa và đề xuất giải pháp khai thác sữa hợp lý có hiệu quả tại thành phố - Chi cục Thú y phối hợp với các Công ty thu mua sữa thực hiện.
Nghiên cứu ảnh hưởng thành phần thức ăn thô đến năng suất và chất lượng sữa của bò sữa tại thành phố Hồ Chí Minh – Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam.
Nghiên cứu các giải pháp cải tiến tiểu khí hậu và dinh dưỡng nhằm nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi bò sữa có tỷ lệ máu Holstein Friesian cao (trên ¾ máu HF) nuôi tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2005-2007 – Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền nam.
Ứng dụng công nghệ thông tin cải thiện điều kiện vệ sinh thú y đàn bò sữa xã Xuân Thới Thượng Hóc Môn – Chi cục Thú y
Nghiên cứu quy trình phòng và trị một số bệnh trên đàn bò sưã để góp phần tăng nguồn sưã sạch cho nhà máy sữa tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh - Đại học Nông Lâm.
Khảo nghiệm một số giống cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa thành phố Hồ Chí Minh 2003 – 2006 - Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Phân tích hiệu quả theo quy mô và đề xuất giải pháp nhân rộng quy mô đàn bò sữa tại nông hộ ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh 2006-2008 - Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển.
Nghiên cứu công nghệ chế biến và sử dụng bypass protein cho chăn nuôi bò sữa 2007 - 2009 - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam
Nghiên cứu cân bằng năng lượng và protein trong khẩu phần giai đoạn trước và sau đẻ để nâng cao khả năng sinh sản ở bò sữa khu vực thành phố Hồ Chí Minh 2007-2009 - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam.
8. Phát triển đồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa:
Thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố, đã khuyến khích người dân tận dụng nguồn đất trống và mạnh dạn chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả, sang trồng cỏ phục vụ cho đàn bò.
Diện tích trồng cỏ tăng bình quân 15,32%/năm, từ 2.173 ha năm 2006 nâng lên 3.720 ha năm 2010, năng suất bình quân 230 tấn/ha. Sản lượng cỏ cung cấp ước đạt 750.000 - 800.000 tấn/năm.
9. Tình hình vay vốn phát triển bò sữa theo Quyết định 105/2006/QĐ-UBND và xúc tiến thương mại:
Từ giai đoạn 2006 - 2010, đã có 220 đề án đã được phê duyệt vay vốn tại các quận huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 2, Bình Chánh của 1.911 hộ vay, tổng đàn 6.570 con, với tổng vốn đầu tư là 226.917 triệu đồng, tổng vốn vay là 114.186 triệu đồng. Đã giải ngân 79.930 triệu đồng với tổng kinh phí hỗ trợ lãi vay là 4.278 triệu đồng.
10. Kinh tế tập thể - xúc tiến thương mại trong chăn nuôi bò sữa:
Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã hình thành 7 Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa và 22 tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa tại các quận 12, Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh. Đặc biệt Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội chủ động đầu tư cùng sự hỗ trợ của các ban ngành đã từng bước tự chủ xây dựng phòng thí nghiệm để phân tích chất lượng sữa tổ chức quản lý đàn bò sữa của xã viên hợp tác xã để ổn định chất lượng sữa cung ứng cho đơn vị thu mua giảm số mẫu phân tích tăng sự tín nhiệm của xã viên.
Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã thiết kế 01 website cho HTX bò sữa Tiến Thành, Tân Hưng nhằm hỗ trợ cho họat động và quản lý của HTX. Đã khảo sát và xây dựng kế họach hỗ trợ cho HTX nông nghiệp Xuân Lộc thiết kế logo và đăng ký nhãn hiệu. Đồng thời phối hợp với hãng phim Cửu Long phát sóng chương trình truyền hình nông dân hội nhập để giới thiệu về chương trình phát triển bò sữa, công tác quản lý và sử dụng giống (tinh bò sữa), các mô hình sản xuất trang trại chăn nuôi bò sữa của thành phố.
II. NHẬN XÉT – ĐÁNH GIÁ
1. Những mặt làm được:
So với các ngành chăn nuôi khác, chăn nuôi bò sữa trong năm qua phát triển khá ổn định. Chương trình mục tiêu phát triển bò sữa giai đoạn 2006 - 2010 đã góp phần rất lớn vào thành tích chung của ngành nông nghiệp thành phố.
Các hộ chăn nuôi đã mạnh dạn loại thải các các thể năng suất kém theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT. Sau 5 năm thực hiện chương trình, đàn bò sữa thành phố đã tăng 42,09%, năng suất sữa tăng 121,55% so với năm 2005. Thành phố là nơi cung cấp con giống cho nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt trong năm 2010, thành phố đã đẩy mạnh cung cấp con giống cho các tỉnh phía Bắc.
Cải tiến phương thức chăn nuôi theo hướng tăng quy mô đàn trên từng hộ chăn nuôi, xây dựng cơ cấu đàn hợp lý, thực hiện các quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng tiên tiến, từng bước áp dụng các giải pháp, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, từ đó đã dần nâng cao chất lượng đàn bò, kiểm soát ô nhiễm môi trường và định hướng phát triển theo hướng ổn định.
Tăng cường và thực hiện tốt, có hiệu quả công tác quản lý, kiểm định giống. Phối giống các dòng tinh cao sản thích hợp với điều kiện nhiệt đới, nhằm tạo ra những thế hệ sau có năng suất, chất lượng tốt.
Chủ động tổ chức và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn dịch tễ cho đàn bò sữa, xây dựng được các cơ sở chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh, giảm chi phí điều trị, thuốc thú y, góp phần giảm giá thành, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Phối hợp với các đơn vị thu mua sữa tươi nguyên liệu trong việc tăng giá thu mua sữa phù hợp với chi phí sản xuất; các đơn vị sản xuất hèm bia làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong việc quản lý chất lượng và ổn định giá cung cấp cho người chăn nuôi, giúp người chăn nuôi ổn định sản xuất.
Việc triển khai xây dựng và nhân rộng được mô hình chăn nuôi bò sữa với ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cao (hệ thống xử lý chất thải, hệ thống máy vắt sữa, hệ thống chuồng 2 tầng máy tạo thông thoáng...) bước đầu mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi (năng suất sữa tăng, tỷ lệ nhiễm bệnh giảm, chất lượng sữa được đảm bảo vệ sinh qua sử dụng máy vắt sữa).
Thực hiện Nghị quyết số 07/2007/NQ-HĐND ngày 5/7/2007 của Hội đồng nhân dân thành phố ban hành về chính sách đầu tư hạ tầng nông nghiệp - nông thôn phục vụ chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố và Quyết định số 26/2008/QĐ-UBND ngày 01/4/2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về Phê duyệt Chương trình vệ sinh môi trường nông thôn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2008 – 2010, đến nay các đơn vị Trung tâm Nước Sinh hoạt và vệ sinh môi trường, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Thú y, Trung tâm Quản lý và Kiểm định Giống Cây trồng – Vật nuôi hỗ trợ xây dựng hệ thống biogas trong các hộ chăn nuôi bò sữa, giúp tiết kiệm nhiên liệu trong sinh hoạt gia đình và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng đến phát triển bền vững.
Tính đến cuối năm 2010, từ các mô hình thực nghiệm của các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đã nhân rộng trên 110 ha cỏ VA06 tại huyện Củ Chi (75 ha) và Hóc Môn (35 ha); 700 máy vắt sữa; 50 máy băm, thái cỏ; xây dựng 4.283 hầm biogas.
Tổng kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu phát triển bò sữa là 303.358,747 triệu đồng, trong đó ngân sách đầu tư thực hiện là 134.389 triệu đồng, bao gồm:
- Hỗ trợ kinh phí vốn vay phát triển chăn nuôi bò sữa theo Quyết định 105/2006/QĐ-UBND cho 1.911 hộ chăn nuôi bò sữa, tổng đàn 6.570 con, với tổng vốn đầu tư là 226.917 triệu đồng, tổng vốn vay là 114.186 triệu đồng.
- Hỗ trợ kinh phí cho chương trình thú y phục vụ bò sữa là 6.735 triệu đồng.
- Kinh phí thực hiện Chương trình khuyến nông chuyển giao công nghệ hiện đại hóa ngành chăn nuôi bò sữa là 6.561,95 triệu đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ của khuyến nông là 2.930,05 triệu đồng.
- Kinh phí thực hiện Dự án nâng cao chất lượng giống và năng suất của đàn bò sữa thành phố với tổng kinh phí là 5.670,8 triệu đồng, trong đó ngân sách thành phố là 4.593,15 triệu đồng
- Hỗ trợ thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa quy mô cấp xã” tại xã Tân Thạnh Đông, Củ Chi với tổng kinh phí 25.662 triệu đồng, trong đó ngân sách thành phố đầu tư 1.662 triệu đồng.
- Kinh phí thực hiện xây dựng biogas, xử lý nước thải, chất thải là 38.547 triệu đồng, trong đó người dân được hỗ trợ 4.283 triệu đồng và cho mượn vốn để xây dựng không lãi suất trong 3 năm.
2. Tồn tại:
Ngành chăn nuôi bò sữa là một ngành đòi hỏi sự đầu tư lớn, tính chuyên nghiệp cao, tuy nhiên hiện nay quy mô chăn nuôi nông hộ còn nhỏ, đất trồng cỏ hạn chế, ô nhiễm môi trường, chi phí sản xuất cao, nhiều chi phí trung gian, vì vậy chăn nuôi bò sữa vẫn gặp phải những khó khăn và chưa hiệu quả so với tiềm năng.
Người chăn nuôi bò sữa vẫn chưa áp dụng triệt để các kiến thức cơ bản về chăm sóc, nuôi dưỡng và khai thác bò sữa, nhất là sự mất cân đối trong tỷ lệ thức ăn thô xanh và thức ăn tinh, chưa áp dụng các biện pháp sơ chế thức ăn xanh như băm, ủ cỏ để tận dụng hết lượng cỏ và công tác thú y trong sinh sản bò sữa chưa được chú trọng.
Công tác kiểm tra, kiểm định đời sau còn chưa được chú trọng; công tác quản lý, theo dõi đàn tại các nông hộ và cải thiện chất lượng giống còn hạn chế; một số ít người dân chưa mạnh dạn loại thải những con bò có năng suất thấp và ít quan tâm đến việc tính toán chi phí đầu tư để hạ giá thành.
Mạng lưới dẫn tinh viên tại thành phố rất đông và đều khắp, nhưng chưa được sự quản lý chặt chẽ; cán bộ khuyến nông tại địa phương giỏi về chuyên môn ngành bò sữa còn thiếu; các mô hình khuyến nông thật sự hiệu quả, đồng bộ còn hạn chế, phương thức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật còn mang tính lý thuyết, chưa đủ sức thuyết phục người dân chuyển sang phương thức chăn nuôi mới để đạt hiệu quả chăn nuôi như mong muốn.
Giá thức ăn tăng cao kể cả giá thức ăn hỗn hợp, thức ăn thô xanh, các loại phụ phế phẩm, chi phí vận chuyển, vật tư chăn nuôi, thuốc thú y… đều tăng đột biến đã làm ngưòi chăn nuôi ngại đầu tư, do không đủ sức trang trải chi phí.
Một bộ phận người nuôi không tự vắt sữa bò, giao phó toàn bộ cho người vắt sữa thuê, với chi phí vắt thuê 500 -1.000 đồng/kg sữa, hoặc khoán gọn cho người vắt sữa thuê nên không biết chất lượng sữa của đàn bò để kịp thời điều chỉnh. Đây là một trong những yếu tố làm tăng chi phí trung gian, giảm thu nhập của người chăn nuôi bò sữa. Ngoài ra, đây là nguyên nhân làm tăng nguy cơ vấy nhiễm vi sinh, ảnh hưởng đến chất lượng sữa.
3. Các biện pháp của Sở Nông nghiệp và PTNT:
Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, nắm tình hình chăn nuôi bò sữa trên địa bàn, kịp thời chỉ đạo các đơn vị các biện pháp cải thiện điều kiện chăn nuôi, cách chăm sóc nuôi dưỡng hợp lý.
Thường xuyên khuyến cáo người chăn nuôi bò sữa giảm thiểu tối đa các chi phí trung gian (tự vắt sữa, tận dụng đất trống đầu tư trồng cỏ); mạnh dạn loại thải cá thể có năng suất kém, chọn lọc thay đàn, giữ lại những con có năng suất cao, từng bước cấu trúc lại đàn bò theo cơ cấu 70% cái sinh sản, 50% cái vắt sữa; tính toán đầy đủ và chính xác nhu cầu dinh dưỡng của đàn bò để đảm bảo cung cấp đầy đủ lượng thức ăn nhưng không lãng phí; hướng dẫn người chăn nuôi ghi chép, quản lý đàn bò sữa.
Đẩy mạnh chương trình thú y phục vụ bò sữa, trong đó tập trung tiêm phòng miễn phí cho bò sữa; chú trọng khuyến cáo người chăn nuôi về các biện pháp vệ sinh sữa, tăng tỷ lệ các hộ chăn nuôi sử dụng dụng cụ sát trùng bầu vú sau khi vắt sữa; lấy mẫu xét nghiệm và hỗ trợ điều trị với các bệnh Leptospira, ký sinh trùng đường máu; tập huấn, hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật thử CMT cho người chăn nuôi, sử dụng iodin sát trùng bầu vú sau khi vắt sữa, nhằm giảm nguy cơ viêm vú tiềm ẩn cho đàn bò sữa.
Tăng cường công tác tập huấn và thường xuyên thay đổi phương thức tập huấn bằng các phương pháp trực quan sinh động, dễ dễ hiểu, dễ nhận biết, giúp người chăn nuôi dễ dàng thực hiện các nội dung tập huấn, giúp người chăn nuôi bò sữa áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nhằm giảm thiểu các chi phí trung gian, nâng cao hiệu quả sản xuất. Tập trung xây dựng các mô hình tổng hợp bao gồm chuồng trại, dinh dưỡng, trồng cỏ, vệ sinh vắt sữa, biogas, giống nhằm nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi bò sữa.
Phối hợp với Công ty Vinamilk trong công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành tiêm phòng trên đàn bò sữa; đánh giá tình trạng viêm vú trên đàn bò sữa; xây dựng các mô hình chuồng trại kiểu mẫu…từ đó có những hỗ trợ để nâng cao chất lượng sữa cho bà con nông dân, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.