SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
8
7
1
9
0
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 10 Tháng Tám 2009 11:50:00 SA

Một số giải pháp để hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006- 2010 trên địa bàn thành phố

Nước sạch và vệ sinh môi trường là nhu cầu cấp thiết trong đời sống hàng ngày, là đòi hỏi bức bách trong bảo vệ sức khoẻ, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của tất cả mọi người, góp phần phát triển bền vững đất nước.

            Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với việc bảo vệ môi trường, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để bảo vệ nước sạch và vệ sinh môi trường như: Luật bảo vệ môi trường, Luật bảo vệ tài nguyên nước, phê duyệt Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020 (Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 25/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ), phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010 (Quyết định số 277/2006/QĐ-TTg ngày 11/12/2006). ..  Ủy ban nhân  dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 293/QĐ-UBND ngày 22/1/2007 phê duyệt Dự án đầu tư cấp nước sinh hoạt nông thôn giai đoạn 2006-2010 và Quyết định số 26/2008/QĐ-UBND ngày 01/4/2008 phê duyệt Chương trình vệ sinh môi trường nông thôn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2008-2010 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 là: Hầu hết các hộ dân cư ngoại thành được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn với mức sử dụng bình quân trên 60 lít/người/ngày; cung cấp nước sạch cho các hộ sản xuất, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn; 100% số hộ dân khu vực nông thôn ngoại thành có nhà tiêu hợp vệ sinh; 80% hộ và cơ sở chăn nuôi xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, có công trình xử lý chất thải; giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở các làng nghề nông thôn.

          Trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu, tốc độ tăng trưởng nhanh của nền kinh tế, sự  gia tăng dân số…, vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn  càng được Nhà nước quan tâm và nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng hơn bao giờ hết. Đến nay, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi nông thôn đã quản lý, khai thác 118 trạm cấp nước tập trung tại 11 quận huyện, 66 xã phường khu vực ngoại thành cho 46.180 hộ (264.203 nhân khẩu), lưu lượng nước sử dụng bình quân trên 1.100.000 m3/tháng. Trong đó, khu vực Bình Chánh, Bình Tân, Nhà Bè, quận 8 có 56 trạm cấp nước tập trung, khu vực Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, quận 2, quận 9, Thủ Đức, Tân Phú có 62 trạm cấp nước tập trung.

  Dự kiến trong năm 2009 sửa chữa, nâng cấp 3 trạm cấp nước tập trung; xây dựng thêm 6 trạm cấp nước tập trung, trong đó Bình Chánh: 3 trạm, Hóc Môn: 1 trạm, Nhà Bè: 1 trạm, quận Bình Tân: 1 trạm.

Đã tổ chức triển khai chương trình vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2010 theo Quyết định số 26/2008/QĐ-UBND ngày 1/4/2008 của Ủy ban nhân dân thành phố. Trong 6 tháng đầu năm 2009, đã tổ chức 99 lớp kiến thức chung về sức khỏe và vệ sinh môi trường nông thôn, 19 lớp về sử dụng an toàn hóa chất phục vụ sản xuất nông nghiệp và các lớp về chế độ, chính sách hỗ trợ của chương trình vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng 24 mô hình chuyển giao công nghệ cải tạo chuồng trại chăn nuôi, xây dựng hầm biogas; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật …

Dự kiến trong năm 2009 hỗ trợ xây dựng 6.859 hầm biogas và 15.309 nhà tiêu hợp vệ sinh.

          Nhiệm vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2010 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh còn rất lớn, cần phải tập trung phối hợp với địa phương và Sở - ngành mới có thể đạt được mục tiêu kế hoạch thành phố giao. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chỉ đạo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi nông thôn chủ trì, tổ chức thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:

Đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động xã hội, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng dân cư nông thôn trong việc sử dụng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường, cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động như:   In, phát hành tài liệu (dạng tờ rơi) để hướng dẫn, thông tin cho các hộ dân vùng nông thôn biết các quy định của Nhà nước về vệ sinh môi trường, chiến lược bảo vệ môi trường của Chính phủ và Thành phố; chính sách cơ chế hỗ trợ, đầu tư của Trung ương và Thành phố; kỹ thuật xây dựng,vận hành, khai thác có hiệu quả hầm biogas trong sản xuất nông nghiệp; sử dụng khí biogas trong sản xuất và sinh hoạt. Biên tập, đưa tin đăng báo, phát trên Đài phát thanh, Đài truyền hình thành phố, Đài phát thanh xã – phường: bình quân 3 lần/ tháng; phối hợp xây dựng các chuyên đề, phóng sự, các vở kịch ngắn, bản tin; tập trung cao điểm Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường từ ngày 29/4 đến ngày 6/5 và kéo dài đến ngày môi trường thế giới 05/6 hàng năm. Phối hợp với các ngành, các cấp, các đoàn thể tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn một cách thiết thực và hiệu quả.

Tổ chức các Lớp tập huấn nghiệp vụ, mô hình trình diễn về kiến thức chung về sức khoẻ và VSMT; phát triển cộng đồng; kỹ thuật xây dựng hầm Biogas; vận hành, bảo dưỡng hầm Biogas; sử dụng an toàn hoá  chất phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra cần tăng cường công tác hướng dẫn thực hiện các chế độ, chính sách; điều tra, thu thập thông tin Bộ chỉ số nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; xây  dựng, chuyển giao công nghệ cải tạo chuồng trại, xây dựng hầm   Biogas; trình diễn sử dụng chất bã thải, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất  sau khi sử dụng, đồng thời kiểm tra, lấy mẫu, phân tích chất lượng các nguồn nước ở các khu dân cư và tình trạng vệ sinh môi trường nông thôn.              

Từ nay đến năm 2010 phải phấn đấu xây dựng 22 Trạm cấp nước tập trung, sửa chửa nâng cấp 20 Trạm; Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi nông thôn phải phối hợp với các Quận – huyện, các đơn vị liên quan: sớm lựa chọn địa điểm, bồi thường giải phóng mặt bằng, hoàn thành thủ tục, tổ chức đầu tư, xây dựng các trạm cấp nước và đưa vào khai thác cung cấp nước sạch cho nhân dân, đảm bảo tiêu chuẩn nước sinh hoạt. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo tiến độ và chất lượng thi công xây dựng, định kỳ lấy mẫu kiểm tra, phân tích chất lượng nước các trạm cấp nước đang quản lý vận hành, khai thác, phục vụ; nâng cao công suất khai thác nước sạch các công trình đã đầu tư xây dựng, giảm tỉ lệ thất thoát nước.

Tổ chức duy tu, sửa chữa định kỳ, đảm bảo cung cấp nước đầy đủ, đáp ứng yêu cầu sử dụng của nhân dân. Đồng thời phối hợp với ngành Y tế, Giáo dục và đào tạo thực hiện Thông tư liên tịch số 93/2007/TTLB/BNN-BYT-BGDĐT ngày 22/11/2007 của Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Y Tế - Giáo dục và đào tạo về  Chương trình mục tiêu quốc gia  nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước và bảo vệ môi trường, nhất là  công tác bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ các loài động vật hoang dã, các giống loài có nguy cơ bị tuyệt chủng; nghiêm cấm việc săn bắt chim, thú trong danh mục cần bảo vệ; chấm dứt nạn đổ rác, xả nước thải chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường vào các sông, kênh, rạch, ao, hồ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo pháp luật quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo vệ chất lượng nguồn nước, đặc biệt khắc phục tình trạng khai thác, sử dụng bừa bãi, gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Các địa phương phải xúc tiến và hoàn thành sớm công tác quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy hoạch vùng sản xuất chăn nuôi tập trung, các làng nghề truyền thống; xây dựng nếp sống hợp vệ sinh, phấn đấu xây dựng mô hình xã, huyện đạt tiêu chuẩn“ nông thôn mới” theo các tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009.

 

            Ðược sử dụng nước sạch và bảo vệ môi trường là một trong những quyền lợi cơ bản, chính đáng của mỗi người dân; ngăn ngừa, phòng chống những bệnh dịch liên quan đến nước, môi trường sống  một cách có hiệu quả là bảo đảm sức khỏe an toàn cho cộng đồng và cho chính mình. Việc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010 là nhiệm vụ của các ngành, các cấp chính quyền địa phương, các đoàn thể và nhân dân ngoại thành. Chung tay giữ gìn, bảo vệ môi trường sống trong lành, cung cấp đủ nguồn nước sạch cho các tầng lớp nhân dân, nhất là ở khu vực nông thôn là trách nhiệm của các ngành, các cấp chính quyền và toàn xã hội./.

                                                                                                                                         Phòng Kế hoạch Tài chính

                                                                     


Số lượt người xem: 14296    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm