SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
7
5
2
7
9
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 12 Tháng Sáu 2011 2:10:00 CH

Quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn thành phố

Ban hành kèm theo Quyết định số 35 /2011/QĐ-UBND ngày 07 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định trách nhiệm của các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phối hợp, tổ chức phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài có các hoạt động liên quan đến bờ sông, bờ biển trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong quy chế này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Sạt lở bờ sông, bờ biển: là hiện tượng mất ổn định và chuyển dịch khối đất, đá tự nhiên của bờ sông, bờ biển do tác động của các yếu tố chấn động địa chất, mưa lớn, dòng chảy, sóng, biến đổi mực nước và các tác động khác (sau đây gọi chung là sạt lở).

2. Xử lý sạt lở: là hoạt động nhằm khắc phục, ngăn chặn, hạn chế sạt lở giữ ổn định bờ sông, bờ biển; trường hợp không ngăn chặn, hạn chế kịp thời sạt lở sẽ gây ra hoặc có nguy cơ gây ra thiệt hại về tính mạng, tài sản, công trình hạ tầng của nhân dân và Nhà nước.

 

Chương II

KIỂM TRA, RÀ SOÁT CÁC VỊ TRÍ CÓ NGUY CƠ SẠT LỞ

VÀ ĐẦU TƯ CÔNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG SẠT LỞ

 

          Điều 4. Sở Giao thông vận tải thành phố

          1. Chủ trì, phối hợp Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố và các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở (bao gồm cả các luồng tuyến giao thông do Trung ương quản lý) để phân loại mức độ sạt lở và sắp xếp thứ tự ưu tiên xử lý sạt lở theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển ban hành kèm theo Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg ngày 04 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, từ đó đề xuất biện pháp thích hợp phòng, tránh hoặc giảm thiểu thiệt hại. Tiến hành cắm biển cảnh báo nguy hiểm; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho nhân dân sinh sống xung quanh để biết và chủ động phòng, tránh.

            2. Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án kè bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, biển; đồng thời sắp xếp các danh mục khu vực sạt lở theo mức độ sạt lở, cấp độ xung yếu trên địa bàn để lập kế hoạch ưu tiên đầu tư, tránh đầu tư dàn trải. Đặc biệt đối với các dự án nạo vét, phòng, chống sạt lở cần thẩm định kỹ lưỡng về chọn phương án thiết kế, biện pháp tổ chức thi công, báo cáo khảo sát địa chất, thủy văn trước khi ban hành quyết định phê duyệt. Nghiên cứu các biện pháp công trình áp dụng công nghệ mới xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển.

          3. Chủ trì, phối hợp các sở - ngành, quận - huyện liên quan quản lý chặt chẽ, kiểm tra việc cấp phép xây dựng các bến, bãi tập kết, kinh doanh vật liệu; yêu cầu các chủ bến, bãi cam kết (định kỳ 06 tháng) thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn bờ sông, kênh, rạch, biển, tránh gây sạt lở do việc lưu thông và neo đậu của các phương tiện vận chuyển vật liệu. Rà soát, quy hoạch các bến, bãi tập kết kinh doanh vật liệu; không gia hạn cấp phép đối với các chủ bến, bãi không tuân thủ quy định. Kịp thời phát hiện và phối hợp Ủy ban nhân dân các quận - huyện xử lý, cưỡng chế tháo dỡ ngay đối với những trường hợp vi phạm, lấn chiếm trái phép hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, kênh, rạch, biển.

            Điều 5. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố

            1. Chủ trì, phối hợp Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát lòng sông trên địa bàn thành phố trái phép, không phép, nhất là các điểm nóng trên tuyến sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.

            2. Ưu tiên thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phòng, chống sạt lở nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư triển khai thực hiện nhanh chóng các công trình, hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy kịp thời hiệu quả phòng, chống bảo vệ bờ sông, kênh, rạch.

          Điều 6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố

          1. Căn cứ các quy định thỏa thuận việc xây dựng kè, san lấp xây dựng công trình thuộc hành lang bảo vệ bờ kênh, rạch có chức năng tưới tiêu nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, phù hợp với quy hoạch.

          2. Chủ trì, phối hợp với các sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện liên quan để tổ chức cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ bờ kênh, rạch được phân cấp quản lý. Nghiên cứu các biện pháp phi công trình ứng dụng trong xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển.

          Điều 7. Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố

          Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện lập quy hoạch di dời, sắp xếp các khu dân cư, công trình kiến trúc, kho tàng ra ngoài các khu vực có nguy cơ sạt lở, đảm bảo hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, bờ biển theo quy định.

          Điều 8. Tổng Công ty Điện lực thành phố

          Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện thường xuyên kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở để chủ động gia cố, sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn các công trình điện do đơn vị quản lý; trường hợp phát hiện nguy hiểm cần phải tiến hành khẩn cấp việc di dời các công trình điện ra khỏi khu vực sạt lở; đề phòng và xử lý ngay các sự cố về điện do sạt lở gây ra.

          Điều 9. Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã - thị trấn có sông, kênh, rạch, biển

            1. Phối hợp với sở - ngành thành phố kiểm tra, khảo sát các khu vực ven sông, kênh, rạch, bờ biển có nguy cơ sạt lở để lập kế hoạch ứng phó, xử lý. Thông báo thường xuyên và liên tục các vị trí bờ sông, kênh, rạch, bờ biển có nguy cơ sạt lở để người dân biết, chủ động di dời, vận động, hỗ trợ người dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi tạm cư an toàn.

          2. Tổ chức sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm.

          3. Thường xuyên kiểm tra các trường hợp xây dựng công trình trên hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, bờ biển; nếu phát hiện công trình, vật kiến trúc xây dựng, xâm phạm trái phép thì kiên quyết xử phạt, buộc tháo dỡ, khôi phục lại nguyên trạng; tổ chức cưỡng chế tháo dỡ nếu không chấp hành.

            4. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, chủ dự án thực hiện xây dựng công trình phòng, chống sạt lở, bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, bờ biển đúng tiến độ.

          5. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thành Đoàn thành phố triển khai thực hiện Đề án trồng cây chống xói lở bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, bờ biển, nhất là các vị trí dễ xảy ra sạt lở.

          Điều 10. Các tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến bờ sông, kênh, rạch, bờ biển

          1. Ngay khi phát hiện khu vực ven sông, kênh, rạch, biển có nguy cơ sạt lở nằm trong phạm vi quản lý của các tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến bờ sông, kênh, rạch, bờ biển phải có trách nhiệm báo cáo cho chính quyền địa phương để tổ chức các biện pháp xử lý. Đồng thời, tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng sạt lở phải chủ động di dời an toàn người và tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở.

          2. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân xâm phạm đến hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, kênh, rạch, bờ biển hoặc có các hoạt động gây nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh, rạch, bờ biển.

Chương III

TỔ CHỨC XỬ LÝ SẠT LỞ

 

Điều 11. Khi phát hiện vị trí có nguy cơ sạt lở

            1. Sở Giao thông vận tải thành phố tiến hành ngay việc cắm biển cảnh báo vị trí có nguy cơ sạt lở; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương thông báo cho nhân dân cư ngụ xung quanh khu vực có nguy cơ sạt lở (hoặc phạm vi ảnh hưởng của sạt lở) để biết và chủ động phòng, tránh, di dời đến nơi an toàn.

            2. Sở Xây dựng thành phố chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các  quận - huyện tổ chức khảo sát, kiểm định nhà ở, vật kiến trúc trong khu vực có nguy cơ sạt lở làm cơ sở pháp lý cho quận - huyện tháo dỡ nhằm giảm tải trọng cho bờ sông, kênh, rạch, biển.

            3. Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã - thị trấn triển khai xây dựng rào chắn, cảnh báo không cho người, phương tiện qua lại trong khu vực có nguy cơ sạt lở; khuyến cáo người dân sơ tán và tháo gỡ, di dời tài sản đến nơi an toàn. Khẩn cấp tổ chức sơ tán, di dời người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm.

Điều 12. Khi xảy ra sự cố sạt lở

            1. Sở Giao thông vận tải thành phố phối hợp với Công an thành phố tiến hành ngay việc thả phao phân luồng, hướng dẫn giao thông thủy an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông thủy cũng như quy định các loại tàu, thuyền không được phép đi vào đoạn sông, kênh, rạch bị sạt lở nhằm giảm áp lực sóng nước vào bờ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở.

            2. Bộ Tư lệnh thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố, Công an thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện có xảy ra sạt lở để huy động lực lượng kịp thời ứng cứu người, trục vớt tài sản và di dời người dân đến nơi an toàn.

            3. Tổng Công ty Điện lực thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện tiến hành cắt điện cục bộ tại nơi xảy ra sự cố ngay khi phát hiện tình trạng mất an toàn trong vận hành lưới điện do bị ảnh hưởng của sạt lở.

            4. Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường - xã - thị trấn tại nơi xảy ra sạt lở phối hợp với Khu Đường sông - Sở Giao thông vận tải thành phố tiến hành khoanh vùng sạt lở, cắm biển cảnh báo nguy hiểm (nếu chưa được cảnh báo), kịp thời huy động lực lượng tại chỗ ứng trực tại hiện trường ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở đã được khoanh vùng; trợ giúp sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.

          Điều 13. Khắc phục sự cố sạt lở

            1. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân các quận - huyện tiến hành kiểm tra, đánh giá lại nguy cơ sạt lở tiếp theo trên toàn tuyến sông, kênh, rạch, bờ biển để chủ động cảnh báo, vận động hoặc cưỡng chế di dời khẩn cấp. Nghiên cứu, lập kế hoạch đầu tư xây dựng công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển tại khu vực xảy ra sạt lở.

            2. Sở Xây dựng thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã - thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức khảo sát, kiểm tra đánh giá hư hỏng nhà ở, vật kiến trúc trong khu vực bị sạt lở làm cơ sở pháp lý cho quận - huyện tháo dỡ, nhằm giảm tải trọng cho bờ sông, kênh, rạch, biển khi có đề nghị của Ủy ban nhân dân quận - huyện nơi xảy ra sạt lở; kiên quyết cưỡng chế mọi trường hợp cố tình không di dời. Cân đối giải quyết quỹ nhà bố trí tái định cư cho các hộ dân di dời theo chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố.

            3. Tổng Công ty Điện lực thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện kiểm tra đảm bảo an toàn về điện; sau khi khắc phục, sửa chữa và đảm bảo chắc chắn an toàn của hệ thống điện thì phải khôi phục lại ngay việc cung cấp điện cho khu vực để nhân dân ổn định sinh hoạt và sản xuất.

            4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố phối hợp với địa phương hỗ trợ kinh phí để cứu trợ đột xuất cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng sạt lở. Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố về quy định định mức cứu trợ đối với trường hợp sạt lở.

            5. Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã - thị trấn khẩn trương bố trí nơi ở tạm cư, chăm lo đời sống, sinh hoạt cho các hộ dân bị sạt lở và tổ chức dọn dẹp vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh phát sinh. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí để giúp người dân trong khu vực sạt lở ổn định cuộc sống trước mắt trong khi chờ có nơi định cư mới.

         

Chương IV

CHẾ ĐỘ TRỰC BAN VÀ BÁO CÁO

 

          Điều 14. Các sở, ban, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã - thị trấn tổ chức trực ban và báo cáo theo Điều 9, Mục 2 Quy định công tác trực ban phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 5134/QĐ-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố.

 

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

            Điều 15. Sở Giao thông vận tải thành phố

            1. Chủ trì trong công tác cảnh báo và tổ chức các biện pháp phi công trình và công trình để xử lý sạt lở kịp thời, hiệu quả.

          2. Báo cáo định kỳ hàng quý (hoặc đột xuất nếu có phát sinh mới) về các vị trí sạt lở, có nguy cơ sạt lở và các dự án phòng, chống sạt lở, tiến độ thi công các bờ kè chống sạt lở đang triển khai trên địa bàn thành phố cho Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Thủy lợi, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão) trước ngày 01 tháng 12 hàng năm theo quy định tại Khoản 3, Điều 11 Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển ban hành kèm theo Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg ngày 04 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.

          Điều 16. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính căn cứ vào nhu cầu đầu tư các dự án phòng, chống sạt lở, mức độ sạt lở và thứ tự ưu tiên xử lý sạt lở theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển ban hành kèm theo Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg ngày 04 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ để cân đối các nguồn kinh phí bố trí thực hiện các dự án bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, biển đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm.

          Điều 17. Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường - xã - thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ được phân công phối hợp với các sở - ngành, đơn vị thành phố tổ chức phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả sạt lở kịp thời, đảm bảo an toàn và giảm thiểu thiệt hại thấp nhất.

            Điều 18. Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố tham mưu, đề xuất các biện pháp phòng, chống, ứng phó sạt lở kịp thời, hiệu quả. Định kỳ tổng hợp về tình hình sạt lở và tiến độ thực hiện các công trình phòng, chống sạt lở trên địa bàn thành phố trình Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo các Bộ - ngành liên quan./.


Số lượt người xem: 7168    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm