SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
9
2
0
6
3
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 19 Tháng Giêng 2007 9:35:00 SA

Kết quả công tác phòng chống dịch cúm gia cầm năm 2006 và các biện pháp tập trung trong thời gian tới

Báo cáo số 10/BC-SNN-NN ngày 14/01/2007 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM.
 
   

          I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

          Tình hình dịch cúm A (H5N1) trên người: Căn cứ thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tính đến ngày 12/01/2007 đã có 265 trường hợp bệnh nhân nhiễm virus cúm A (H5N1) trong đó đã có 159 trường hợp tử vong, đặc biệt tình hình bệnh cúm A (H5N1) diễn biến khá phức tạp tại Indonesia, có một số trường hợp nhiều bệnh nhân trong cùng một gia đình có kết quả xét nghiệm dương tính, tuy nhiên vẫn chưa có kết luận chính thức về khả năng lây lan virus từ người sang người.

          Thời gian gần đây dịch cúm gia cầm ở một số nước trong khu vực và trên thế giới diễn biến phức tạp. Tại Hàn Quốc đã phát hiện 4 ổ dịch cúm gia cầm thể độc lực cao do virus H5N1. Tại Việt Nam, tính đến ngày 14/1/2007 đã có 39 xã phường của 19 huyện thuộc 7 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên giang, Trà Vinh và Sóc Trăng xảy ra dịch cúm gia cầm, các ổ dịch khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang có chiều hướng lan rộng. Một số địa phương đã có hiện tượng gia cầm, thủy cầm chết nghi ngờ do nhiễm virus cúm gia cầm như Quảng Nam, Khánh Hoà... Theo nhận định của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, nguyên nhân xảy ra dịch là do các địa phương sau một thời gian dịch cúm ổn định, chính quyền, các đoàn thể và người dân chủ quan, buông lỏng các biện pháp phòng chống dịch.  

          Hiện nay một số điều kiện dịch tễ thuận lợi cho sự phát triển của virus cúm gia cầm như đã vào mùa Đông như: đây là thời điểm chim di trú đi tránh rét và bài thải virus ra môi trường, thời tiết chuyển lạnh là điều kiện thuận lợi cho virus tồn tại và gây bệnh; mật độ gia cầm tăng cao, lưu lượng buôn bán, vận chuyển gia cầm để phục vụ cho tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên Đán ngày càng gia tăng. Các ổ dịch cúm gia cầm tại Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang chưa được xử lý triệt để, mầm bệnh đã phát tán trong môi trường nước sông rạch, đàn thủy cầm tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nơi có tổng đàn khá lớn, chưa được tiêm phòng triệt để, việc ấp nở gia cầm trái phép không kiểm soát được. Do đó nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trong thời gian tới là rất cao.

          II. CÁC CHỦ TRƯƠNG, VĂN BẢN CHỈ ĐẠO PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

          Đánh giá dịch cúm gia cầm luôn là nguy cơ tiềm ẩn và khả năng tái phát bất kỳ lúc nào, thành phố đã liên tục tập trung chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Từ sau Tết Bính Tuất 2006 đến nay Ủy ban nhân dân thành phố đã có các văn bản:

          - Thông báo số 178/TB-VP, ngày 27/3/2006 về việc thông báo kết luận của Đ/c Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo tiếp tục thực hiện chỉ thị 31/2005/CT-UBND, ngày 26/11/2005 của Ủy ban nhân dân thành phố về tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp phòng ngừa và đối phó với dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người.

          - Công văn số 2054/VP-CNN, ngày 05/4/2006 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh trái phép nguồn gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn thành phố.

          - Thông báo số 506/TB-VP, ngày 8/8/2006 về việc thông báo kết luận của Đ/c Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

          - Thông báo số 546/TB-VP, ngày 24/8/2006 về việc thông báo nội dung kết luận của Đ/c Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố tại Hội nghị giao ban Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người.

          - Công văn số 6190/UBND-CNN, ngày 28/8/2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg và Công điện số 1225/CĐ-TTg ngày 10/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

          - Công văn số 8316/VP-CNN, ngày 08/11/2006 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh và vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép.

          - Công văn số 5660/VP-CNN, ngày 08/11/2006 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm và Lở mồm long móng.

          - Kế hoạch số 8391/KH-UBND, ngày 10/11/2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc Kế hoạch thực hiện tháng hành động phòng, chống dịch gia súc và tái phát dịch cúm gia cầm.

          - Công văn số 6270/VP-CNN, ngày 10/11/2006 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố về việc phân công tổ chức Đoàn kiểm tra tình hình phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố.

          - Chỉ thị số 42/2006/CT-UBND, ngày 22/12/2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.         

          - Công văn số 225/UBND-CNN, ngày 11/1/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người.

          III. KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ NĂM 2006

          1. Liên tục duy trì công tác phòng chống dịch cúm gia cầm:   

          1.1. Cao điểm phòng chống dịch cúm gia cầm trong và sau Tết Nguyên Đán đến hết quý I năm 2006.

          - Ngay từ đầu năm 2006, cả hệ thống chính trị chủ động tham gia, thực hiện quyết liệt các công tác phòng, chống dịch, nhằm mục tiêu không để xảy ra bùng phát dịch bệnh trong và sau Tết Nguyên đán, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, tạo niềm tin cho người tiêu dùng an tâm đối với sản phẩm gia cầm

          - Triển khai 5 lực lượng liên ngành của 4 đoàn thành phố và 24 quận huyện bao gồm Quản lý thị trường, Công an, Thú y, Dân quân tự vệ, Thanh niên xung phong tổ chức kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các cửa ngõ ra vào thành phố, các tuyến đường bộ, đường sông, các điểm nóng, các khu vực giết mổ trái phép và tình trạng tái chăn nuôi trái phép tạo các hộ dân. Duy trì chốt chặn cố định tại các Trạm KDĐV cửa ngõ và tổ chức kiểm tra lưu động thường xuyên, liên tục trên các tuyến đường đi từ các tỉnh vào thành phố và các điểm trọng yếu trong suốt quý I/2006 do nhu cầu tiêu dùng gia cầm gia tăng.

          - Triển khai thực hiện Quyết định 242/2005/QĐ-UBND ngày 29/12/2005 của UBND thành phố, trong đó tập trung vào hỗ trợ cho các gia đình chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ gặp khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán; hỗ trợ cho các cơ sở chăn nuôi gia cầm, cơ sở giết mổ ngưng hoạt động; đào tạo nghề, vay vốn hỗ trợ chuyển đổi sang các nghề khác.

          - Triển khai nhiều mô hình chuyển đổi từ chăn nuôi gia cầm sang cây trồng, vật nuôi khác, kết hợp với chương trình và chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giúp người chăn nuôi gia cầm tạo thu nhập, ổn định cuộc sống.

          - Đến cuối tháng 3/2006, do tình hình dịch cúm gia cầm tại nước ta lắng dịu, thành phố vẫn đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp và tăng cường phối hợp với các tỉnh thực hiện chương trình giám sát dịch tễ, thú y các nguồn gia súc, gia cầm nhập vào thành phố.

          1.2. Cao điểm phục vụ Hội nghị thượng đỉnh các nước APEC.

          Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch 8391/KH-UBND, ngày 10/11/2006 về Tháng hành động phòng chống dịch gia súc và tái phát dịch cúm gia cầm. Thành phố đã phối hợp với đoàn kiểm tra Trung ương kiểm tra các cơ sở giết mổ, chế biến, kinh doanh gia cầm, các nhà hàng khách sạn lớn, siêu thị trong thời gian 7/11/2006 đến 16/11/2006.

          1.3. Cao điểm phòng, chống dịch khi cúm gia cầm tái phát.

         Trước tình hình dịch cúm gia cầm bùng phát tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Chỉ thị 42/2006/CT-UBND, ngày 22/12/2006 về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm tái phát trên địa bàn thành phố.

 

         2. Công tác tuyên truyền vận động:

         Đã có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương các cấp cùng với các Sở ban ngành, đoàn thể: Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội LH phụ nữ, Đoàn thanh niên thực hiện công tác tuyên truyền, vận động với kết quả như sau:

         - Đã phát hành 520 cassette, đĩa CD tuyên truyền phòng chống dịch cúm gia cầm chuyển đến Ban chỉ đạo PCD CGC quận, huyện. Tổ chức tập huấn 984 buổi cho 69.078 người, phát hành 932.044 tờ bướm, treo 1.520 băng rôn, 13.614 áp phích, 248 pano. Nhiều quận, huyện đã tổ chức tuyên truyền bằng xe phóng thanh trên đường phố.

         - Ngành Y tế đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn hệ thống y tế cơ sở kiến thức về bệnh cúm gia cầm, phát hành các tài liệu tuyên truyền biện pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm trên người cho hệ thống y tế phường xã, phát hành các tờ bướm tuyên truyền, các pano, áp phích tại các khu vực đông dân cư. 

 

         3. Công tác quản lý các hộ chăn nuôi gia cầm:

         Căn cứ vào thẩm định điều kiện vệ sinh thú y của Chi cục Thú y, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm thành phố đã cho phép cho 2 hộ chăn nuôi có quy trình chăn nuôi dạng chuồng kín, khu vực chăn nuôi cách xa khu dân cư, đảm bảo thực hiện các biện pháp an tòan sinh học. Trong quá trình chăn nuôi Chi cục Thú y tiếp tục theo dõi, lấy mẫu giám sát huyết thanh và giám sát virus theo đúng quy trình.

 

         4. Công tác tiêu độc sát trùng, vệ sinh môi trường :

         - Nhằm tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường, thành phố và các quận huyện đã phát động triển khai ngày chủ nhật xanh, tháng hành động tiêu độc khử trùng làm sạch môi trường góp phần phòng chống dịch cúm gia cầm do Bộ Nông Nghiệp và PTNT phát động, đồng loạt các biện pháp vệ sinh tiêu độc sát trùng tại các cơ sở chăn nuôi, chợ, điểm kinh doanh gia cầm, nơi công cộng, trường học, ghe thuyền, lòng lề đường với tổng diện tích 3.913.087 m2.

         - Tiêu độc sát trùng mỗi ngày tại các vựa kinh doanh trứng gia cầm, các cơ sở giết mổ, điểm phân phối, kinh doanh sản phẩm gia cầm, các phương tiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm từ các tỉnh nhập về thành phố.

 

         5. Công tác kiểm soát gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập về từ các tỉnh trong năm 2006

Trạm KDĐV

Gia cầm sống (con)

Gia cầm tươi (con)

Trứng gia cầm (quả)

An Lạc

1.787.379

2.263.482

532.942.068

An Sương

1.030.803

39.801

769.780

Thủ Đức

7.361.623

1.613.549

136.051.143

Xuân Hiệp

508.500

278.778

7.768.264

Vĩnh Phú

2.475.746

3.445.875

70.055.035

Tổng cộng

13.163.769

7.641.485

747.586.290

         -  Nguồn gốc:                                                               Vịt

             Miền Đông Nam Bộ               92,50 %                          7,50 %   

             Miền Tây Nam Bộ                   52,60 %                       47,40 %

         - Thời điểm hiện nay bình quân mỗi ngày thành phố tiếp nhận trên 3 triệu quả trứng gia cầm (so với bình quân cả năm là 2 triệu quả/ngày), thủy cầm từ các tỉnh, trong đó 50% là trứng gà, 40% là trứng vịt và 10% là trứng cút. Về nguồn gốc trứng gà và trứng cút chủ yếu được cung cấp từ các tỉnh miền Đông, trứng vịt được cung cấp chủ yếu từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

         - Trong năm 2006, 3 cơ sở giết mổ gia cầm trên địa bàn thành phố đã giết mổ 13.550.000 con gà, vịt (bình quân 37.123 con/ngày). Tuy nhiên vào thời điểm cận Tết hiện nay với số lượng giết mổ bình quân mỗi ngày lên đến 42.000-45.000 con. Bên cạnh đó, hàng ngày thành phố tiếp nhận 40.000-45.000 con gia cầm, thủy cầm giết mổ từ các tỉnh đưa về thành phố tiêu thụ với 19 thương hiệu đa số được cung cấp từ các tỉnh Long An, Bình Dương và Đồng Nai. Ngoài ra mỗi ngày thành phố còn tiếp nhận, tiêu thụ khoảng 56 tấn thịt gia cầm nhập khẩu từ Brazil, Mỹ.

 

         6. Kết quả giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm nhập về từ các tỉnh

         - Chi cục thú y đã phối hợp với Bệnh viện Nhiệt Đới thực hiện khảo sát đánh giá tình hình lưu hành virus cúm trên đàn gia cầm nhập về từ các tỉnh, kết quả xét nghiệm 180 mẫu huyết thanh và mẫu Swab trực tràng, Swab khí quản  đều cho kết quả âm tính.

         - Tháng 7/2006, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm giám sát virus cúm gia cầm trên đàn chim hoang dã, đã phát hiện và xử lý 429 con chim kiểng tại Khu du lịch Suối Tiên có kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính với virus cúm gia cầm.

         - Chi cục Thú y đã lấy mẫu nhằm đánh giá tỷ lệ bảo hộ virus cúm trên đàn gia cầm nhập về các cơ sở giết mổ có nguồn gốc từ các tỉnh, kết quả ghi nhận như sau:

 

         * Đánh giá hiệu giá bảo hộ qua 2 đợt tiêm phòng

         - Tiêm phòng gia cầm đợt I/2006 (từ tháng 1/2006 đến tháng 9/2006): Thực hiện 384 mẫu xét nghiệm kiểm tra hiệu giá kháng thể của 45 đàn gà nhập về thành phố giết mổ, trong đó:

             + Chỉ có 81/384 mẫu xét nghiệm có hiệu giá kháng thể có khả năng bảo hộ, chiếm tỷ lệ 23,28%.

             + 7 đàn/45 đàn gà được xét nghiệm có khả năng bảo hộ chiếm tỷ lệ 15,56%.

         - Tiêm phòng gia cầm đợt II/2006( từ tháng 10/2006 đến tháng 12/2006): Thực hiện 109 mẫu xét nghiệm kiểm tra hiệu giá kháng thể của 12 đàn gà nhập về thành phố giết mổ, trong đó:

             + Chỉ có 57/109 mẫu xét nghiệm có hiệu giá kháng thể có khả năng bảo hộ, chiếm tỷ lệ 52,29 %.

             + 6 đàn/12 đàn gà được xét nghiệm có khả năng bảo hộ chiếm tỷ lệ 50,00%.

         Điều này cảnh báo nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm tại các tỉnh trong khu vực là rất cao.

 

         7. Kết quả xử lý các trường hợp vi phạm trong chăn nuôi, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép trong năm 2006

         - Xử lý trên thị trường:

             + Số trường hợp vi phạm         :    4.974 trường hợp

             + Gia cầm sống                       :  53.693 con.

             + Gia cầm tươi                        :    7.763 con và 8.919 kg

             + Trứng gia cầm                      : 743.502 quả.

             + Chim phóng sinh, chim kiểng  :  49.931 con.

         - Xử lý tại các hộ chăn nuôi

             + Số trường hợp vi phạm           :      617 trường hợp

             + Gia cầm sống                         : 12.769 con.

             + Bồ câu                                   :      183 con.

             + Chim kiểng                             :      344 con

 

         8. Kết quả chương trình hợp tác với các tỉnh:

         Ngày 01/9/2006, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm thành phố đã tổ chức họp với Lãnh đạo Sở Nông Nghiệp và PTNT, Chi cục thú y 13 tỉnh có cung cấp sản phẩm gia cầm tiêu thụ trên thị trường thành phố gồm: Bình Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bình Phước, An Giang, Đồng Tháp bàn biện pháp phối hợp trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và LMLM. Một số giải pháp phối hợp đã và đang được triển khai có hiệu quả là:

         - Các tỉnh trong khu vực khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp và người chăn nuôi liên kết hình thành chuổi sản xuất thực phẩm khép kín từ chăn nuôi công nghiệp gắn với giết mổ tập trung và hệ thống kinh doanh có bao bì, thương hiệu. Kết quả một số mô hình đã hình thành như Công ty CP, Japfa, Huỳnh Gia Huynh Đệ, Phú An Sinh, Công ty Gia cầm thành phố...

         - Các Chi cục Thú y trong khu vực có sự gắn kết hỗ trợ trong việc kiểm tra giám sát dịch bệnh nhằm đảm bảo cung cấp nguồn sản phẩm gia cầm an toàn. Chi cục Thú y thành phố hỗ trợ xét nghiệm giám sát huyết thanh đàn gia cầm thủy cầm tại các tỉnh trước khi nhập về thành phố tiêu thụ, hỗ trợ các tỉnh quản lý được tình hình chăn nuôi qua việc yêu cầu các hộ kinh doanh giết mổ, vựa kinh doanh trưng gia cầm có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của các hộ chăn nuôi gia cầm an toàn, có giám sát và chấp hành tiêm phòng của Chi cục Thú y các tỉnh.

         - Các tỉnh trong khu vực đã có bước phối hợp trong công tác kiểm dịch vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm: phương tiện vận chuyển bằng xe chuyên dùng, thành phố công bố địa chỉ các cơ sở giết mổ, tuyến đường vận chuyển gia cầm bắt buộc để các tỉnh cấp giấy kiểm dịch, các trường hợp không có giấy chứng nhận kiểm dịch, vi phạm tuyến đường vận chuyển đều bị xử lý tịch thu tiêu hủy. Sản phẩm gia cầm phải có bao bì, nhãn hiệu, đăng ký chất lượng sản phẩm với ngành Y tế.

 

         9. Tăng cường điều kiện vệ sinh trong kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm:

         - Ủy ban nhân dân thành phố có chủ trương hỗ trợ trang bị thiết bị bảo ôn cho các hộ kinh doanh thịt gia cầm tại các chợ, giao trách nhiệm cho Sở Thương mại phối hợp với Hội Phụ nữ thành phố đề xuất chính sách vay vốn ưu đãi cho các hộ kinh doanh sản phẩm gia cầm trang bị thiết bị bảo ôn.

         - Chi cục Thú y đã phối hợp với Sở Thương mại và Sở Y tế chấn chỉnh hoạt động các vựa kinh doanh trứng gia cầm, Đoàn kiểm tra liên ngành các địa phương thẩm định điều kiện kinh doanh, đối với các vựa kinh doanh trứng cấp I  tiếp nhận nguồn trứng từ các tỉnh nhập về thành phố phải trang bị thiết bị khử trùng, tất cả các vựa kinh doanh trứng phải đăng ký mẫu mã bao bì nhãn hiệu hàng hóa, trứng tiêu thụ trên thị trường phải được đóng hộp, vỉ có bao bì nhãn hiệu. Kết quả đạt được đến nay:

             + 47/47 (100%) cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm gia cầm, 931/994 (93,66%) tủ bảo ôn tại các quầy sạp kinh doanh sản phẩm gia cầm tại các chợ, SPGC kinh doanh đã được đóng gói, bao bì và nhãn hàng hóa theo quy định.

             + 71/71 cơ sở kinh doanh trứng có tiếp nhận nguồn trứng từ các tỉnh về có trang bị phòng xông khử trùng trứng, đóng gói và dán nhãn thương hiệu cơ sở trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Đặc biệt đã hình thành được các Công ty TNHH kinh doanh trứng gia cầm có dây chuyền xử lý trứng quy mô công nghiệp đảm bảo điều kiện vệ sinh: Vĩnh Thành Đạt và Ba Huân.

 

             10. Kết quả công tác phòng chống dịch cúm A (H5N1) trên người

         Thực hiện Chỉ thị số 42/2006/CT-UBND, ngày 22/6/2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế đã có Công văn số 02/SYT-NVY, ngày 2/01/2006 yêu cầu các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa của thành phố, Trung tâm y tế các quận, huyện, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của ngành, các bệnh viện tư nhân đóng trên địa bàn thực hiện các biện pháp như sau:

         - Có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, thuốc chữa bệnh sẵng sàng cho công tác phòng chống dịch cúm gia cầm ở người trên địa bàn.

         - Tăng cường công tác giám sát, phát hiện các trường hợp mắc bệnh gây nghi nhiễm virus cúm A ở người.

         - Thực hiện công tác chẩn đoán và xử trí các trường hợp mắc bệnh nghi nhiễm virus cúm A theo đúng hướng dẫn của Bộ Y Tế.

         - Thực hiện chế độ báo cáo theo quy chế thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm gây dịch về Sở Y tế.

         11. Kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 42/2006/CT-UBND ngày 22/12/2006 của Ủy ban nhân dân thành phố:

         Các đoàn kiểm tra của thành phố và quận huyện đã nhanh chóng triển khai thực hiện Chỉ thị và thường xuyên kiểm tra tình hình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn, đặc biệt là tại các điểm nóng kinh doanh gia cầm sống trái phép trên địa bàn (danh sách do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1 thành phố cung cấp tại công văn số 1751/SNN-NN ngày 22/12/2006 về tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm). Kết quả thực hiện như sau:

         11.1. Các quận huyện

         - Đến ngày 04/01/2007 đã có 13 quận huyện báo cáo tiến độ triển khai Chỉ thị 42/2006/CT-UBND của UBND thành phố như sau:

             + Quận Tân Bình: duy trì hoạt động của Đoàn kiểm tra liên ngành quận, thường xuyên kiểm tra các tuyến đường trọng điểm, các ngõ đi vào địa bàn, nhất là tăng cường kiểm tra tại 2 điểm nóng cầu Tham Lương và khu phố chợ Hoàng Hoa Thám; kiểm tra tình hình tái chăn nuôi gia cầm tại hộ dân; duy trì các tổ cơ động kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y sản phẩm động vật tại các chợ buổi chiều, các cơ sở chế biến, nhà hàng – quán ăn trên địa bàn.

             + Quận 1: có công văn số 3044/UBND-VP, ngày 26/12/2006 về việc tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Trạm Thú y quận 1 đã có kế hoạch phối hợp với UBND các phường, Đội Quản lý thị trường 1B phối hợp kiểm tra thực hiện Chỉ thị 42/2006/CT-UBND, tập trung kiểm tra các vựa trứng thuộc địa bàn phường Nguyễn Thái Bình, các chợ Bến Thành, Cô Giang, Thái Bình, Tân Định, Đa Kao và các hộ tại 1 bis-1kép Nguyễn Đình Chiểu.

             + Huyện Bình Chánh: có công văn số 1796/UBND, ngày 28/12/2006 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm.

             + Quận 8: có Kế hoạch số 8846/KH-UBND, ngày 28/12/2006 về khẩn cấp thực hiện các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch cúm gia cầm tái phát.

             + Quận 7: có công văn số 3316/CV-UBND, ngày 29/12/2006 về phân công, tổ chức kiểm tra tình hình phòng chống tái phát dịch cúm gia cầm, thủy cầm trên địa bàn quận 7 và Kế hoạch số 167/KH-UBND về khẩn cấp thực hiện các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn quận 7.

             + Quận 9: có Công văn 2556/UBND-KT ngày 29/12/2006 về triển khai một số biện pháp phòng bệnh cúm gia cầm tái phát.

             + Quận Tân Bình có công văn số 1315/BCĐ PCD GS,GC ngày 29/12/2006 v/v thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm.

             + Quận Bình Thạnh: có Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 02/01/2007 về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn quận Bình Thạnh.

             + Quận 4: phát hành 2.000 tờ bướm tuyên truyền công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, treo 4 băng rôn, gần 500 ấp phích niêm yết tại các chợ, cảng...; tổ chức kiểm tra liên ngành thường xuyên các hộ từng giết mổ gia cầm lậu ở phường 13, 15, 18; kiểm tra việc thực hiện cam kết kinh doanh gia cầm sạch và các chợ có truyền thống chứa chấp gà đá.

             + Quận Gò Vấp: có Kế hoạch số 01/KH-UBND-TY ngày 03/01/2007 về Hành động khẩn cấp phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người trên địa bàn Gò Vấp.

             + Huyện Củ Chi: đã tổ chức 18 lớp tập huấn tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch cúm gia cầm cho 21 xã, thị trấn với 576 người tham dự; 6 buổi sử dụng xe loa phóng thanh tuyên truyền lưu động, phát 8.400 tờ bướm. Sau đợt vận động tự tiêu dùng gia cầm nuôi nhỏ lẻ, từ 21/12/2006,  huyện tiến hành kiểm tra, xử lý 2.957 con gà, 34 con vịt, 18 con ngỗng tại các hộ gia đình. Ngoài ra, ngày 7/12/2006, tổ liên ngành phòng chống dịch cúm gia cầm huyện đã xử lý 950 con vịt của ông Huỳnh Thanh Phong ấp Trung Bình, xã Trung Lập Thượng. Huyện đã có Thông báo số 344/TB-VP ngày 29/12/2006 về Nội dung kết luận chỉ đạo của Đ/c Tô Từ Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện trong cuộc họp BCĐ PCD cúm gia cầm trên địa bàn huyện và triển khai thực hiện Chỉ thị 42/2006/CT-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố.

             + Quận Thủ Đức có công văn số 13/UBND-KT ngày 03/01/2007 v/v tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm.

             + Quận Gò Vấp có công văn số 01/KH-UBND-TY ngày 03/01/2007 về kế hoạch Hành động khẩn cấp phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người trên địa bàn quận Gò Vấp.

             + Quận 11 có công văn số 019/UBND ngày 04/01/2007 v/v tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm.

         11.2. Các đoàn kiểm tra của thành phố theo phân công tại công văn số 6270/VP-CNN ngày 10/11/2006 về việc phân công, tổ chức đoàn kiểm tra tình hình phòng, chống dịch cúm gia cầm, thủy cầm trên địa bàn thành phố.

         Ngày 14/11/2006 và ngày 16/12/2006 bốn đoàn của thành phố đã kiểm tra tại các quận huyện 3, 4, 5, 6, 7, 8, 11, 12, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi. Các quận huyện còn lại tự tổ chức kiểm tra và báo cáo kết quả cho Ban Chỉ đạo thành phố. Kết quả cho thấy hầu hết đã chấp hành nghiêm túc trong việc kinh doanh sản phẩm gia cầm, có bao bì, nhãn hiệu, tủ bảo ôn. Tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp gia cầm, trứng kinh doanh tại các chợ không có bao bì hoặc gà không rõ nguồn gốc tại 1 quán ăn trên địa bàn quận 6.

         11.3. Sở Nông nghiệp và PTNT:

         Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1 thành phố đã có công văn số 1751/SNN-NN, ngày 22/12/2006 về tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và cung cấp cho quận huyện danh sách các điểm nóng kinh doanh gia cầm sống, vận chuyển gia cầm trái phép, kinh doanh chim cảnh phóng sinh, kinh doanh sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không bao bì. Danh sách này cũng được trực tiếp gửi đến các phường, xã liên quan đến các địa điểm nêu trên.

         Liên tục trong 4 ngày 25-28/12/2006 Đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và PTNT đã kiểm tra nhiều lần các điểm nóng kinh doanh gia cầm sống trái phép trên địa bàn các quận huyện. Kết quả phát hiện:

         - Kinh doanh gia cầm sống trái phép tại khu vực đường Phan Văn Trị (phường 10, quận Gò Vấp), chân cầu chợ Cầu (phía quận Gò Vấp), khu vực cầu Tham Lương (trên địa bàn quận Tân Phú), khu vực chợ Vĩnh Lộc, khu vực chợ chiều Xa lộ Hà Nội quận 9, khu vực chợ Tân Phú (đường số 154, quận 9).

         - Khu vực đường Quốc lộ 50 - huyện Bình Chánh, đã ghi nhận tình trạng xe gắn máy chở túi đệm vận chuyển gia cầm.

         - Khu vực Cầu An Lạc, không còn tình trạng bán gia cầm sống, nhưng đoàn ghi nhận tại điểm bán rắn, rùa… có tình trạng bán gà nước. Tại khu vực chợ Bình Chánh, đoàn ghi nhận lực lượng quản lý đô thị chốt chặn tại khu vực thường xuyên bán gia cầm sống, vì vậy không còn tình trạng mua bán gia cầm sống tại chợ.

         - Kinh doanh sản phẩm gia cầm không bao bì: khu vực chợ Bình Triệu, quận Thủ Đức, khu vực chợ Bà Lát, Tỉnh lộ 10 và chợ Vĩnh Lộc.

         11.4. Tình hình kiểm tra của các đoàn liên ngành thành phố:

         - Từ 21/12 – 27/12/2006, 4 đoàn liên ngành thành phố đã kiểm tra một số khu vực chợ kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm, các tuyến Quốc lộ 1A, 13, 22, 50, liên tỉnh lộ 10, đường Nguyễn Văn Linh, vòng xoay An Lạc, huyện Bình Chánh, các tuyến đường Lê Văn Khương (quận 12), Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn), cầu Rạch Dơi, bến phà Bình Khánh, các tuyến đường sông, đường bộ thuộc địa phận Nhà Bè. Đã phát hiện 16 trường hợp vi phạm vận chuyển kinh doanh gia cầm trái phép, tịch thu tiêu hủy 318 con gà sống, 95 con gia cầm làm sẳn, 6.150 quả trứng. Tại Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông An Lạc đã phát hiện nhiều trường hợp vận chuyển gà đá trên phương tiện vận chuyển hành khách.

         - Hai Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố vào ngày 30/12/2006 và 02/01/2007.

 

         IV. NHẬN XÉT

         1. Các mặt đã thực hiện tốt

         Việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tăng cường lực lượng giám sát, thường xuyên kiểm tra, nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh, tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức nhân dân, đã giúp thành phố kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống dịch một cách linh hoạt, không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn thành phố, đảm bảo tình hình an sinh xã hội và cung cấp nguồn sản phẩm gia cầm an toàn cho người tiêu dùng. Công tác phòng chống dịch đã thực hiện tốt trên các mặt sau đây:

         1.1. Trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch cúm gia cầm đã có sự chỉ đạo xuyên suốt và chặt chẽ từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm (H5N1) trên người từ cấp thành phố đến các quận, huyện, sở ngành. Thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện công tác phòng chống dịch một cách có hiệu quả. Trong năm 2006 trên địa bàn thành phố không xảy ra trường hợp dương tính và tử vong do virus cúm gia cầm.

         1.2. Sau khi tái cấu trúc lại ngành từ đợt dịch cúm gia cầm đầu tiên cuối năm 2003, thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp giám sát dịch tễ gắn với chăn nuôi gia cầm tập trung, giết mổ tập trung, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn thành phố được quản lý chặt chẽ tại các chợ, sản phẩm gia cầm có bao bì, thương hiệu và nguồn gốc rõ ràng và qua kiểm dịch của thú y. Cấm nuôi gia cầm trong khu vực nội thành, nội thị (huyện, thị trấn), gần khu công nghiệp, dân cư… Trong năm 2006, thành phố chỉ có 2 hộ chăn nuôi gà tập trung của bà Nguyễn Thị Lạc ở Hóc Môn bà Trần Thị Quang ở Củ Chi. Hệ thống giết mổ - chế biến sản phẩm gia cầm tiếp tục được đầu tư theo hướng công nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm và được giám sát chặt chẽ của lực lượng thú y. Cụ thể:                 

             + Đã hình thành 3 cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, quy định các tuyến đường vận chuyển gia cầm từ các tỉnh vào các cơ sở giết mổ.

             + Cơ sở Ba Huân ở huyện Bình Chánh đã đầu tư nhà máy chế biến trứng hiện đại với hệ thống máy móc được nhập từ Hà Lan tự động một chiều từ rửa trứng, sấy trứng, khử trùng bằng tia cực tím, đóng gói tự động với công suất 65.000 trứng/giờ, đảm bảo cung ứng cho thị trường trứng an toàn.

             + Cơ sở Vĩnh Thành Đạt ở quận 12 với dây chuyền xử lý trứng băng ozon, tia cực tím, đóng gói tự động với công suất 20.000 trứng/giờ.

         1.3. Tại 3 cơ sở giết mổ gia cầm, cán bộ thú y thường xuyên lấy mẫu để kiểm tra, giám sát tình hình dịch tễ đàn gia cầm sống nhập lò để giết mổ, chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với virus cúm gia cầm, nhưng tỷ lệ bảo hộ trên một số đàn gia cầm đã được tiêm phòng vaccin cúm gia cầm nhập từ tỉnh về thành phố còn thấp.

         1.4. Do có sự quan tâm của BCĐ các quận, huyện; duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục của các Đoàn liên ngành thành phố nên việc vận chuyển trái phép có giảm nhưng vẫn còn tồn tại với quy mô nhỏ lẻ, đặc biệt là trên tuyến đường Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, Tỉnh lộ 10 giáp ranh với với Long An.

         1.5. Một số điểm nóng kinh doanh gia cầm sống đã ngưng hoạt động, nhất là tại khu vực quận Bình Tân. Đó là kết quả của sự quyết tâm của chính quyền địa phương chỉ đạo kiên quyết, kịp thời việc phối hợp giữa các ban ngành, xử lý nghiêm và mạnh khi phát hiện vi phạm.

        

         2. Các tồn tại cần chấn chỉnh trong thời gian tới

         Mặc dù việc chỉ đạo công tác phòng chống dịch vẫn được duy trì thường xuyên từ sau Quý I/2006, tuy nhiên xuất phát từ thái độ chủ quan do tình hình dịch bệnh trong nước đã lắng dịu, hoặc thiếu kiên quyết thực hiện các chủ trương của thành phố, nên công tác phòng chống, dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố hiện nay vẫn còn những tồn tại cần phải chấn chỉnh trong thời gian tới:

         2.1. Một số quận huyện đã chủ động triển khai công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, một số địa phương còn lơi lỏng, chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh, chủ yếu giao trách nhiệm cho lực lượng thú y tại địa phương. Nhiều quận huyện vẫn chưa có kế hoạch triển khai cụ thể, chi tiết để phân công bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý triệt để các điểm nóng.

         - Một số Ban quản lý chợ, UBND phường thiếu kiên quyết trong xử lý các vi phạm trong kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc, không bao bì, nhãn hiệu, không bảo quản lạnh.

         - Tình hình chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ rất phổ biến ở các huyện ngoại thành Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Các quận, huyện khác rải rác có nuôi nhưng ít hơn như Bình Tân, Nhà Bè, quận 12, quận 9,... Người dân nuôi theo phương thức thả rong, dùng cũi nhốt, chuồng lồng hoặc không có chuồng, tự phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong gia đình. Mỗi nhà vài con đến 10-20 con gà hoặc vài con vịt, ngan, bồ câu...

         - Tình trạng kinh doanh gia cầm sống tại các điểm nóng cũ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, đã xuất hiện một số điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép mới (khu vực đường Hà Huy Giáp, quận 12).

         2.2.  Các địa phương chưa quan tâm nhiều đến việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác phòng chống dịch bệnh. Hiện mới chỉ có treo băng rôn tại trụ sở cơ quan thú y và khuyến nông tuyên truyền, cảnh báo công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Người dân vẫn còn lơ là, mất cảnh giác trước tình hình dịch bệnh đang xảy ra tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù các cơ quan thông tấn báo chí đang thường xuyên cập nhật, đưa tin và cảnh báo nguy cơ dịch bệnh xảy ra trong cả nước. Đó chính là nguyên nhân chính dẫn đến sự tồn tại của những điểm mua bán gia cầm sống trái phép.

         2.3.  Các vựa kinh doanh trứng gia cầm không đảm bảo điều kiện vệ sinh, trang thiết bị tiêu độc khử trùng không tương xướng với khối lượng kinh doanh bình quân, trứng gia cầm không được làm vệ sinh, tiêu độc trước khi xuất tiêu thụ trên thị trường, một số vựa còn tiếp nhận nguồn trứng không rõ nguồn gốc, nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm ở người do tiếp xúc trực tiếp là rất cao.

          Tình hình kinh doanh sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm tra của cơ quan thú y, không có bao bì hoặc vật dụng chứa đựng sản phẩm đúng qui cách, nhất là ở các chợ tự phát và bán vào buổi chiều còn phổ biến, đặc biệt trên địa bàn quận Gò Vấp, quận 12, quận 8, Bình Chánh, Thủ Đức, Củ Chi và hầu hết các chợ nội thành.

         2.4. Vẫn còn tình trạng vận chuyển gà đá từ các tỉnh về thành phố trên các phương tiện vận tải hành khách. Đã phát hiện nhiều trường hợp này tại Trạm kiểm dịch động vật An Lạc trong thời gian gần đây. Tình trạng vận chuyển trái phép gà vịt bằng xe gắn máy vẫn còn xảy ra tại các trục lộ đi vào thành phố kể cả tuyến quốc lộ.

         2.5. Một số trường hợp hành hung người thi hành công vụ, đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch cúm gia cầm nhưng cho đến nay chưa được xử lý đến nơi đến chốn.      

         V. CÁC BIỆN PHÁP TẬP TRUNG PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM TỪ NAY ĐẾN HẾT QUÝ I NĂM 2007.

         Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thú y, công tác phòng chống dịch cúm gia cầm từ nay đến hết quý I năm 2007 tập trung vào các nội dung:

         1. Mục tiêu:

         - Các ngành, các cấp nổ lực thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm đảm bảo mục tiêu không để xảy ra dịch cúm trên đàn gia cầm và dịch cúm trên người. Nếu có dịch xảy ra trên đàn gia cầm thì phát hiện nhanh, tiêu diệt gọn, hạn chế dịch trong một khu vực, không để dịch phát tán trên diện rộng.

         - Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đồng thời, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng các sản phẩm gia cầm an toàn trong dịp Tết Nguyên Đán. Hỗ trợ các tỉnh tiêu thụ được sản phẩm gia cầm an toàn, nhằm giảm thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh.

 

         2. Các biện pháp tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm:

         2.1. Khẩn trương triển khai và thực hiện Chỉ thị 42/2006/CT-UBND ngày 22/12/2006 và công văn 225/UBND-CNN ngày 11/01/2007của Ủy ban nhân dân thành phố.

         - Ủy ban nhân dân các quận huyện phối hợp với các Sở, ngành liên quan nhanh chóng triển khai Chỉ thị 42/2006/CT-UBND ngày 22/12/2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Tổ chức giao ban định kỳ hàng tuần để đánh giá rút kinh nghiệm và chỉ đạo kịp thời các vấn đề phát sinh trên địa bàn. Định kỳ 2 ngày/lần báo cáo kết quả thực hiện phòng chống dịch trên địa bàn cho Thường trực Ban chỉ đạo Thành phố (Sở Nông nghiệp và PTNT) để kịp thời chỉ đạo.

         - Các quận huyện chủ động lập kế hoạch kiểm tra, bố trí lực lượng liên ngành kiểm soát và xử lý dứt điểm tình trạng vận chuyển, giết mổ, mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép trên địa bàn. Đặc biệt đối với các điểm nóng kinh doanh gia cầm sống, cần tăng số mật độ kiểm soát, nhất là những thời điểm cao điểm tập trung mua bán, bố trí lực lượng chốt chặn thường xuyên tại những khu vực trên và xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm. Ngoài ra, kịp thời xử lý dứt điểm những điểm mua bán gia cầm sống phát sinh sau khi những điểm nóng cũ không còn hoạt động.

         - Chấn chỉnh điều kiện vệ sinh thú y cơ sở giết mổ, phương tiện vận chuyển, địa điểm, quầy sạp kinh doanh sản phẩm động vật theo đúng Quyết định 31/2005/QĐ-UB ngày 17/02/2005 của Ủy ban nhân dân thành phố, đặc biệt tập trung vào xử lý triệt để tình trạng hoạt động của các chợ tự phát, chợ lấn chiếm lòng lề đường.

         - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh bằng nhiều hình thức: băng rôn, áp phích tại các khu vực chợ, trường học, công viên, khu vui chơi giải trí…; hệ thống truyền thanh xã, phường, ấp, khu phố và hệ thống loa phát thanh lưu động; đưa nội dung phòng chống dịch cúm gia cầm tái phát vào các buổi sinh hoạt thường kỳ của tổ dân phố, các Hội, đoàn thể. Nội dung tuyên truyền tập trung chủ yếu vào:

             + Kiên quyết không tiêu thụ gia cầm sống bán tại chợ hoặc các điểm kinh doanh trái phép. Chỉ sử dụng gia cầm đã qua giết mổ, có sự kiểm dịch của cơ quan thú y, có bao bì nguyên vẹn, nhãn hiệu rõ ràng, đầy đủ.

             + Thông báo ngay cho chính quyền địa phương khi phát hiện những trường hợp kinh doanh gia cầm sống, chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn, các sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y, không có bao bì nguyên vẹn... nhằm bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng.

             + Vận động người dân tự tiêu thụ gia cầm nuôi trái phép, đặc biệt lưu ý khu vực giáp ranh với các tỉnh.

             - Ban Quản lý các chợ tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các chợ và xử lý triệt để các trường hợp kinh doanh không đúng quy định. Đồng thời để nâng cao ý thức cảnh giác của người tiêu dùng, Ban Quản lý các chợ cần lưu ý biện pháp treo, dán các băng rôn, áp phích và thường xuyên phát thanh nhắc nhở việc mua bán sản phẩm gia cầm đúng quy định. Trưởng Ban Quản lý và bảo vệ chợ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng kinh doanh gia cầm sống, sản phẩm gia cầm không có nguồn gốc, bao bì.

         2.2. Sở Y tế

         - Theo dõi sát diễn biến, tình hình dịch bệnh, nhất là các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus cúm A trên người, để có hướng xử lý kịp thời, triệt để.

         - Chủ trì kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là vệ sinh thức ăn đường phố, các nguồn động vật dùng làm nguyên liệu chế biến thức ăn tại bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, trường học, các nhà hàng, quán ăn, các cơ sở chế biến… nhằm đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

         2.3. Sở Thương Mại       

         - Tổ chức kiểm tra và chỉ đạo Ban quản lý các chợ tăng cường kiểm soát việc kinh doanh sản phẩm gia cầm. Trưởng Ban quản lý và bảo vệ các chợ chịu trách nhiệm xử lý kiên quyết đối với các trường hợp kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không bao bì, không nhãn hiệu và không tuân thủ các quy định của ngành thú y.         

         - Chủ trì phối hợp với các đơn vị kinh doanh giết mổ xây dựng phương án thu mua giết mổ, cấp đông đàn gia cầm có kết quả xét nghiệm âm tính của các tỉnh nhằm giảm áp lực dịch bệnh, giảm được thiệt hại cho người chăn nuôi, bình ổn giá sản phẩm gia cầm, đồng thời tránh tình trạng bán chạy đàn gia cầm về thành phố và các tỉnh lân cận để giết mổ, đưa về thành phố tiêu thụ khi dịch bệnh xảy ra.

         - Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường chủ trì tiếp tục phối hợp với Chi cục Thú y, Công an duy trì đoàn kiểm tra liên ngành chốt chặn cố định và lưu động, kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng kinh doanh gia cầm sống, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép tại các cửa ngõ ra vào thành phố.

- Chỉ đạo Sở Thương Mại yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu sản phẩm gia cầm trên thị trường thành phố phải chấp hành quy định về nhãn hàng hoá theo Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg và Nghị định số 89/2006/NĐ-CP.

         2.4. Sở Giao thông - Công chánh

         - Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có những biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia cầm sống của các chủ phương tiện vận tải hành khách.

         - Chỉ đạo Giám đốc các bến xe khách nhắc nhỡ các chủ phương tiện vận tải hành khách thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra và kiên quyết không để hành khách mang gia cầm lên xe. Có biện pháp xử lý đối với các chủ xe vận chuyển gia cầm sống trên xe.

             2.5. Chi cục Thú y

         - Tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương liên quan liên tục kiểm tra điều kiện vệ sinh các cơ sở giết mổ và cơ sở kinh doanh thịt, trứng gia cầm; đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Phối hợp với ngành Y tế kiểm tra việc thực hiện trang bị bảo hộ lao động đối với công nhân giết mổ.

         - Phối hợp với các tỉnh kiểm tra điều kiện vệ sinh đối với các cơ sở giết mổ có đưa sản phẩm về tiêu thụ trên địa bàn thành phố.

         - Phối hợp với Sở Y tế xây dựng nội dung tuyên truyền phòng chống dịch cúm gia cầm gắn kết với nội dung chương trình vệ sinh-an toàn thực phẩm, thực hiện các băng đĩa, tài liệu bướm. Phối hợp với chính quyền địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Nông dân thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Thành Đoàn Thanh niên cộng sản tuyên truyền phổ biến các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm đồng thời xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh ở cơ sở đến tận hộ, ấp, khu phố và các thành viên của tổ chức trên.

         2.6. Công An Thành phố

         - Tiếp tục phân công nhân sự tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành tại các Trạm KDĐV đầu mối giao thông, các cửa ngõ ra vào thành phố, nhằm hỗ trợ xử lý các đối tượng vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép nhập vào thành phố.

         - Chỉ đạo Công an quận, huyện, phường, xã phối hợp hỗ trợ đoàn kiểm tra liên ngành để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm.

         2.7.  Sở Văn hóa – Thông tin

         Có kế hoạch huy động các đơn vị phát thanh lưu động; các nhà văn hóa quận, huyện thực hiện băng rôn, pano, áp phích tập trung tại các khu vực ngoại thành, khu công nghiệp, nơi công cộng (chợ, trường học, bến xe...), khu vực đông dân cư để tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng, nhân dân biết các biện pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm.

         Phối hợp Thường trực Ban Chỉ đạo TP chuẩn bị đề cương tuyên truyền gửi UBND các quận-huyện và sở-ngành thành phố.

         2.8. Các cơ quan truyền thông Báo, Đài

         Thường xuyên và kịp thời thông báo cho nhân dân, các đối tượng sản xuất, kinh doanh, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm biết các chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm H5N1 thành phố, để nhân dân chấp hành tốt các quy định, tự giác tham gia thực hiện công tác phòng chống dịch cúm gia cầm đạt hiệu quả cao nhất, bảo vệ an toàn sức khỏe của nhân dân và giảm thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra.

         2.9. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1 thành phố

         Tiếp tục tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất trên địa bàn các quận huyện để đánh giá tình hình và kết quả triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm tái phát theo Chỉ thị 42/2006/CT-UBND ngày 22/12/2006 của Ủy ban nhân dân thành phố.

         2.10. Việc tái chăn nuôi gia cầm sau tháng 2/2007

         Thành phố chủ trương không khuyến khích phát triển chăn nuôi gia cầm, đồng thời tiếp tục duy trì việc cấm nuôi gia cầm trong nội thành được quy định tại Quyết định 3065/QĐ-BNN-NN ngày 07/11/2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành quy định về điều kiện chăn nuôi, ấp trứng, vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm.

Do tình hình dịch cúm đang diễn biến hết sức phức tạp tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, chưa có vaccin thật sự hiệu quả, kế hoạch triển khai tiêm ngừa định kỳ 2 lần/năm chưa phù hợp với chu kỳ sản xuất đối với gia cầm sản xuất thịt, đồng thời đòi hỏi phải thực hiện các biện pháp an toàn sinh học hết sức nghiêm ngặt để hạn chế khả năng phát sinh dịch bệnh; do vậy cần thiết duy trì việc tạm ngưng nuôi gia cầm sau thời điểm 28/02/2007 cho đến khi tình hình dịch tễ thật sự ổn định.
 
(

Số lượt người xem: 8348    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm