Qua 1 năm triển khai thực hiện. Kết quả cụ thể như sau:
1. Kết quả thực hiện năm 2008:
1.1. Tình hình sản xuất - kinh doanh hoa cây kiểng
1.1.1. Tình hình sản xuất:
- Về diện tích: . Diện tích hoa kiểng năm 2008 là 1440 ha (kể cả 110 ha Công ty Fosaco), tăng 20% so với năm 2007 (vượt 17% mục tiêu phấn đấu của chương trình đến năm 2010 là 1.200 ha), trong đó, tăng một cách đáng kể là hoa lan (năm 2003, 20 ha; năm 2007, 86 ha, tháng 12 năm 2008, 97,7ha; tăng 13,6% so với cùng kỳ ); mai vàng cũng tăng rất nhanh (năm 2003, 190ha; năm 2007, 278,14ha; và năm 2008, 403,91ha; tăng 45,2% so với cùng kỳ). Mặc dầu, diện tích trồng hoa kiểng có tăng nhưng mức tăng không đều ở các quận huyện ,do tốc độ đô thị hóa của thành phố quá nhanh, đất nông nghiệp biến thành đất ở, nên diện tích trồng hoa kiểng chủ yếu chỉ tăng mạnh ở một số huyện ngọai thành như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.
- Cơ cấu chủng loại: hoa, cây kiểng thành phố có chủng loại khá phong phú gồm mai vàng, lan, bonsai, kiểng lá, kiểng công trình.
+ Mai vàng là thế mạnh của thành phố, đem lại thu nhập đáng kể cho người nông dân , chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng diện tích hoa. Diện tích mai vàng là 403,91 ha, tập trung chủ yếu ở 02 địa bàn, quận 12: 152,4 ha, chiếm 37,7 %, và quận Thủ Đức 120,3ha, chiếm 29,8% diện tích mai vàng toàn thành phố.
Tuy nhiên, do điều kiện đất đai manh mún, giá thành sản xuất cao hơn so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nên quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất chủ yếu dưới dạng kinh tế hộ gia đình, chưa có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.
+ Hoa lan: hoa lan đòi hỏi một trình độ kỹ thuật canh tác nhất định nhưng do tỉ suất lợi nhuận cao và điều kiện khí hậu thích hợp nên diện tích trồng lan tăng khá nhanh trong thời gian qua. Hiện nay diện tích hoa lan là 97,7 ha, trong đó hoa lan cắt cành là 83 ha, chiếm 85 % diện tích . Chủng loại lan cũng khá phong phú: Dendrobium, Cattleya, Mokara, Vanda, Phalaenopsis, Cena, Arachus. Về cơ cấu giống, chủng loại lan được trồng nhiều nhất là Mokara (chiếm 44,8%), kế đến là Denbrobium (chiếm 39,6%). Đây là chủng loại hoa mới phát triển gần đây tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị nên tốc độ phát triển khá nhanh, tập trung chủ yếu ở Củ Chi, Hóc Môn, quận 12.
+ Hoa nền: Có khoảng trên 10 giống chính đang được sản xuất trên địa bàn thành phố, gồm: cúc, vạn thọ, huệ, thược dược, hướng dương, sống đời, mào gà, mãn đình hồng… với diện tích gieo trồng 538 ha. Các giống hoa truyền thống vẫn được tập trung sản xuất nhiều như vạn thọ (chiếm 47,0%), sống đời (chiếm 15,0%), cúc (chiếm 14,7%), huệ (chiếm 13,7%), hướng dương (chiếm 10,9%), tùy theo từng địa phương, sự phân bố của các loại hoa nền cũng rất khác nhau:
Quận Gò Vấp, quận 12, huyện Hóc Môn trồng chủ yếu là vạn thọ, cúc.
Huyện Bình Chánh trồng chủ yếu lá hoa huệ trắng, sống đời.
+ Kiểng bonsai: gồm nhiều chủng loại như sứ thái, mai chiếu thủy, cần thăng, nguyệt quế….bonsai, kiểng công trình, kiểng lá được trồng rộng rãi ở các quận huyện, diện tích gieo trồng 400ha.
1.1.2. Tình hình kinh doanh hoa, cây kiểng :
Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là nơi tiêu thụ mà còn là nơi trung chuyển và tiêu thụ hoa, cây kiểng rất lớn của cả nước. Hoa kiểng được sản xuất trên địa bàn thành phố hay hoa từ các tỉnh đều được tập trung về làm nơi tiêu thụ chính cả ngày thường và các dịp lễ Tết, các đầu mối xuất khẩu cũng tập trung chủ yếu ở đây.
Chỉ riêng trong dịp Tết Mậu Tý, lượng hoa, cây kiểng sản xuất ước khoảng 2.300.000 chậu lan, cây kiểng và mai; trong đó, mai vàng 750.000 chậu, lan trên 1.350.000 chậu và cây kiểng trên 200.000 chậu; trên 5.800.000 giỏ hoa và trên 3.000.000 cành hoa các loại. Tổng giá trị sản lượng hoa, cây kiểng phục vụ Tết Mậu Tý khoảng 335,6 tỉ đồng.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoa kiểng cũng đã tăng nhanh, từ 264 điểm năm 2003, đến nay đã trên 1.000.
1.2/ Các mặt hoạt động:
1.2.1/ Công tác khuyến nông hoa kiểng:
Trung tâm Khuyến Nông đã thực hiện công tác chuyển giao kỹ thuật như:
- Xây dựng 4 mô hình trồng lan cắt cành Mokara - 4 hộ tại quận 9 và 6 hộ tại Củ Chi; trồng lan Mokara từ cây cấy mô làm giống (4 hộ), tại Bình Chánh;….Triển khai chương trình ứng dụng cơ giới hóa trong trồng lan (hệ thống tưới, bón phân tự động) tại Quận 12-Gò Vấp, và huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè với 13 hộ tham gia, diện tích 16.500 m2.
- Hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng 4 mô hình trồng hoa ngắn ngày (3,37 ha) sử dụng một số giống mới theo nhu cầu thị trường với nông dân thuộc địa bàn quận 12 – Gò Vấp, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh tham gia.
- Xây dựng và triển khai các điểm 04 Đề tài cấp Sở liên quan về hoa kiểng.
- Đã triển khai: 8 lớp tập huấn theo quy trình (30 buổi) về kỹ thuật trồng chăm sóc hoa, tạo dáng cây kiểng, thiết kế sân vườn cho người dân ở các địa bàn Quận 12 – Gò Vấp, Bình Chánh, Hóc Môn và Thủ Đức; 01 cuộc Hội nghị khuyến nông đô thị “Phát triển hoa, cây kiểng - cá cảnh” và 07 chuyến tham quan học tập các mô hình trồng hoa, cây kiểng có hiệu quả cho nông dân quận 2,9,12 –GV và huyện Bình Chánh, Hóc Môn.
- Hợp tác với Trường nghệ thuật Bonsai Thanh Tâm, Trung tâm dạy nghề Nhà Bè, hỗ trợ các CLB KN hoa lan - cây cảnh tổ chức các khoá học về hoa, cây kiểng,… là các nội dung phù hợp đáp ứng nhu cầu của cư dân đô thị.
1.2.2/ Công tác sưu tập, nhập nội, lai tạo và nhân nhanh các giống hoa lan
Trung tâm công nghệ sinh học đã thực hiện một số công tác sau:
- Công tác sưu tập: Đã sưu tập 35 giống lan; trong đó có 02 giống thiên nga. 01 giống vũ nữ, 01 giống Mokara, 02 giống dendro, 02 giống Lena, 27 giống lan rừng phục vụ công tác lai tạo giống và bảo quản nguồn gen
Luỹ kế số giống sưu tập đến nay là 285 giống lan các loại.
- Công tác nhập nội và khảo nghiệm: nhập nội 13 giống (1.350 cây), trong đó 6 giống Dendrobium, 7 giống Mokara.
Luỹ kế đến nay số giống nhập nội là 32 giống.
- Công tác lai tạo giống: Đã tiến hành thụ phấn 50 cặp (20 cặp lai và 30 cặp tự thụ. Trong đó đã thu hoạch và nuôi in vitro thành công 7 cặp lai và 10 cặp tự thụ. Nhiều cặp lai có trái nhưng không hạt.
- Công tác nhân giống: Đã nhân giống và cung cấp 110.000 cây giống lan cấy mô các loại cho các nhà vuờn trồng lan tại TP. Hồ Chí Minh; tập trung nhiều nhất là Renanthera, Mokara, Cattleya và Dendrobium.
Tổng số cung cấp ra thị trường lũy kế từ năm 2006 – 2008 là 160.000 cây giống cấy mô các loại.
1.2.3/ Công tác sưu tập các giống hoa kiểng:
Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống vật nuôi cây trồng đã tiến hành sưu tập môt số giống hoa kiểng như sau:
- Kiểng lá và kiểng hàng năm: Môn điểm Thái, môn nhung, môn đỏ, Trầu bà da beo, phát tài Nam mỹ, Thanh tâm, Đại phú, hạnh phúc lá cẩm thạch, lộc xoan, ráng tướng quân, son môi, ngâu tàu, dương xỉ Đài Loan, Tiên đồng, nguyệt quế Thái, rau trai Thái, Thiên lý, Đinh lăng lá lớn
- Hoa: Hải Đường, cúc, Hồng ngọc mai, Mạn đà trang, địa lan.
1.2.4/ Công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm:
Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp đã tiến hành triển khai một số hoạt động sau:
- Tiến hành các khảo sát tình hình thực tế tại Làng nghề Hoa Kiểng Thủ Đức để hỗ trợ làng nghề thiết kế và đăng ký nhãn hiệu. Tiến hành làm việc với vườn lan Tân Xuân về việc xây dựng webiste và xây dựng thương hiệu cho vườn lan.
- Tổ chức khảo sát thực tế tình hình sản xuất kinh doanh của HTX Hoa kiểng Gò Vấp, CLB Hoa Lan Cây cảnh xã Tân Kiên, Làng hoa Kiểng Thủ Đức.
- Tổ chức 4 lớp tập huấn về các nội dung: Quản lý chi phí và ghi chép sổ sách / Ghi Nhật ký đồng ruộng / tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản cho 2 xã điểm Tân Kiên và Nhơn Đức.
- Báo cáo chuyên đề về thị trường tiêu thụ hoa cho các nghệ nhân trồng hoa tại Trung tâm đào tạo sinh vật cảnh TP.
- Về dự án Trung tâm Giao dịch triển lãm Nông sản: Đã làm việc với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Củ Chi, Ủy ban Nhân dân xã Phước Vĩnh An, Chi nhánh Trung tâm đo đạc bản đồ huyện Củ Chi về việc Đo vẽ, lập bản đồ vị trí từng lô phục vụ cho công tác đền bù và với Phòng Quản lý Đô thị huyện Củ Chi về việc phê duyệt nhiệm vụ chi tiết quy hoạch 1/500. Đang phối hợp với công ty tư vấn triển khai lập dự án khả thi và thiết kế kỹ thuật để xây dựng Trung tâm Giao dịch Triển lãm Nông sản.
1.2.5/ Công tác liên kết tiêu thụ và hỗ trợ vốn vay
- Tình hình thực hiện chương trình 105: Tổng cộng số phương án được phê duyệt theo chương trình 105 trong năm 2008 (tính từ 01/01/2008 đến ngày 25/11/2008) là 24 phương án (Bình Chánh: 01 phương án, Bình Tân: 01 phương án, Củ Chi: 18 phương án, Hóc Môn 03 phương án và quận 9: 01 phương án, với:
+ Tổng số hộ vay: 56
+ Tổng vốn đầu tư: 29.354, 5070 triệu đồng.
+ Tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất: 15.048, 000 triệu đồng.
- Trong năm 2008 đã thành lập được 01 Hợp tác xã có hoạt động sản xuất kinh doanh hoa lan, cây kiểng tại quận 2, đó là HTX NNDV Đồng Phú. Đến nay, số lượng HTX trên địa bàn TP là 04 HTX (HTX NNDV Bình Chánh, q. Thủ Đức; HTX hoa kiểng Gò Vấp, q. Gò Vấp; HTX hoa kiểng NgọcTú, h. Hóc Môn và HTX NNDV Đồng Phú, quận 2), và số lượng Tổ hợp tác hoa lan, cây kiểng là 03 (THT Mai vàng, p. Thạnh Lộc, q.12; THT Tân Phú Trung, Củ Chi; THT hoa kiểng Minh Tân, Củ Chi).
1.2.6/ Công tác Bảo vệ thực vật trên cây hoa kiểng:
Chi Cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành triển khai một số hoạt động sau:
- Tổ chức 3 lớp huấn luyện về bệnh hại trên cây hoa lan cho 150 nông dân và một số nghệ nhân tại 3 huyện Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn.
- Điều tra tình hình sinh vật hại định kỳ hàng tháng trên cây mai và cây hoa lan.
- Tư vấn cho nông dân hoặc các nghệ nhân về phòng trị sinh vật hại khi có nhu cầu.
1.2.7/ Các mặt họat động khác:
Đã triển khai nhiều đề tài liên quan đến công tác giống và công nghệ mới trong canh tác, bảo quản hoa cây kiểng, tổ chức lại sản xuất nghề hoa kiểng. Một số đề tài chính:
- Nghiên cứu xây dựng hệ thống sản xuất cung ứng hoa kiểng phù hợp với điều kiện TP.HCM.
- Chọn lọc, nhân giống một số loài cây rừng có giá trị làm nguyên liệu để sản xuất cây kiểng.
- Nghiên cứu ứng dụng một số biện pháp kỹ thuật mới để phát triển mô hình sản xuất hai nhóm hoa lan Dendrobium và Mokara
- Dự án P: Triển khai ra diện rộng các mô hình canh tác và hoàn thiện qui trình công nghệ nhân nhanh các giống hoa lan có triển vọng thuộc nhóm hoa lan Dendrobium và Mokara do Sở Khoa học – Công nghệ cấp kinh phí. Dự kiến triển khai 2008 – 2011.
- Dự án P: Xây dựng qui trình công nghiệp nhân nhanh các giống hoa lan bằng phương pháp ngập chìm tạm thời.
- Nghiên cứu qui trình nhân nhanh một số giống cây kiểng lá quý bằng hệ thống ngập chìm tạm thời (TIS).
- Ứng dụng kỹ thuật RT-PCR và DAS-ELISA phát hiện hai lọai virus Cybbidium Mosaic Virus và Odotoglossum Ringspots virus gây bệnh hại cho các lọai lan.
- Xây dựng quy trình kỹ thuật đánh giá đa dạng di truyền nguồn gen giống lan Dendrobium thuộc bộ sưu tập hoa lan của Trung tâm CNSH bằng kỹ thuật SSR.
- Nghiên cứu và ứng dụng các kỹ thuật mới trong chăm sóc cây lan ngoài vườn ươm.
- Chiến lược xâm nhập thị trường EU của sản phẩm hoa, cây kiểng TP.HCM…
Ngòai ra,các hội đòan cũng đã tổ chức và triển khai các họat động liên quan đến phát triển hoa kiểng như: Tổ chức; triển khai Lễ hội Sinh vật cảnh TP lần III năm 2008 tại Công viên Lê Văn Tám và tham gia Hội chợ triển lãm SVC và thương mại tỉnh Đồng Tháp (Hội Sinh vật cảnh TP) và Hội hoa lan cây cảnh thường xuyên tổ chức các buổi hội thi về hoa cây kiểng cho các nghệ nhân, nhà vườn, tổ chức những buổi toạ đàm, trao đổi kinh nghiệm sản xuất - thị trường tiêu thụ cho các nhà vườn, nghệ nhân v.v…
2/ Kế hoạch năm 2009:
2.1. Mục tiêu:
- Bám sát mục tiêu chương trình phát triển hoa, cây kiểng, cá cảnh giai đọan 2004 – 2010 và chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã được UBND phê duyệt. Đến năm 2010 diện tích hoa kiểng TP phải đạt 2.000 ha.
- Phát triển ngành hoa kiểng theo hướng nông nghiệp đô thị, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu.
- Xác định đối tượng chủ lực là lan, mai, kiểng bonsai và hoa nền. Quy hoạch phát triển theo vùng sản xuất hoa kiểng chuyên canh như mai vàng, cây kiểng cao cấp, hoa lan và hoa nền để tạo điều kiện cho người nông dân trong vùng đô thị hoá có định hướng sản xuất phù hợp cung ứng tốt cho thị trường nội địa đồng thời tăng hiệu quả sử dụng đất.
- Úng dụng các tiến bộ kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ để phát triển diện tích trồng hoa, cây kiểng.
- Phấn đấu diện tích hoa kiểng TP. HCM năm 2009 đạt 1.700 ha, trong đó ưu tiên phát triển 360 ha hoa nền.
2.2. Phương hướng:
- Định hướng, khuyến khích các tổ chức, các nông hộ trồng hoa cây kiểng tăng cường sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và tiến tới tăng cường xuất khẩu theo đúng kế họach của chương trình mục tiêu phát triển hoa,cây kiểng giai đọan 2004 – 2010.
- Đa dạng hóa sản phẩm về chủng lọai, giống lòai theo hướng phát huy triệt để các điều kiện thuận lợi về kinh nghiệm về tiềm năng sẵn có của địa phương. Tập trung phát triển các lọai hoa kiểng đặc hữu của TP ( Lan, Mai, Kiểng Bonsai)
- Gắn sản xuất với phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
- Kết hợp với những họat động của các thành phần kinh tế, tạo mối liên kết sản xuất tiêu thụ giữa các hộ sản xuất và các doanh nghiệp.
2.3. Một số giải pháp:
Với lợi thế là một trung tâm thương mại, dịch vụ và khoa học kỹ thuật lớn nhất nước; đội ngũ nghệ nhân, lao động lành nghề và tập trung một lượng lớn các nhà khoa học, các viện trường liên quan đến hoa kiểng. Nhưng, TP. Hồ Chí Minh cũng có tốc độ đô thị hóa nhanh, đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, quỹ đất thường được sử dụng cho những hoạt động khác đầu tư sinh lãi cao. Vì vậy, một số giải pháp phát triển hoa kiểng năm 2009, cần tập trung ưu tiên:
* Về dịch vụ:
Đẩy mạnh xây dựng các trung tâm dịch vụ, giao dịch, triển lãm hoa kiểng làm đầu mối tăng cường công tác dịch vụ, xúc tiến thương mại cả về nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất; hỗ trợ cho người sản xuất, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; đẩy mạnh và phát triển thương mại điện tử, công tác cung cấp thông tin thương mại và thị trường. Đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sinh học vào việc sản xuất giống hoa kiểng.
* Về sản xuất:
Tổ chức lại sản xuất từ quy mô nhỏ (kinh tế hộ) lên sản xuất hàng hóa có hợp đồng và kênh phân phối, tiêu thụ. Trong đó, vai trò của hội, hiệp hội chuyên ngành là cầu nối giữa Nhà nước - Doanh nghiệp - Nông dân; trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện từ khâu trồng, cho đến việc tiêu thụ, vận chuyển, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật, thông tin, triển lãm, hội chợ... . Vai trò của Nhà nước là quản lý vĩ mô, cùng với hiệp hội hoạch định chiến lược phát triển, cũng như các chính sách và đầu tư cơ sở hạ tầng.
* Về chủng loại phát triển:
+ Hoa lan: tập trung phát triển hoa Dendrobium (đang phát triển mạnh, có tiềm năng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa), và Mokara (sử dụng cho nhu cầu nội địa).
+ Hoa nền: tập trung một số chủng loại có khả năng phát triển lâu dài và có thị trường tiêu thụ, cả xuất khẩu lẩn nội địa như cúc, vạn thọ, huệ, playơn nhiệt đới.
+ Mai: tập trung phát triển mai thành phẩm, kết hợp với các tỉnh bạn có quỹ đất để sản xuất mai nguyên liệu.
+ Kiểng, bonsai: tập trung phát triển các loại cây thành phẩm có giá trị kinh tế cao và có giá trị thẩm mỹ như mai chiếu thủy, cần thăng, vạn niên tùng, thiên tuế….; liên kết với các tỉnh có quỹ đất để sản xuất cây nguyên liệu.
* Về địa bàn sản xuất:
+ Chủ yếu ở 2 huyện Củ Chi, Bình Chánh. Nơi đây thành phố cần dành một nguồn quỹ đất tập trung để phát triển hoa kiểng. Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng và cho các doanh nghiệp, các đơn vị có năng lực thuê dài hạn để xây dựng những trang trại sản xuất tập trung với quy mô vài ha đến vài chục ha. Chính những trang trại hạt nhân này sẽ là đầu tàu trong việc phát triển ngành hoa kiểng thành phố.
+ Các quận huyện còn lại. Những địa bàn này do điều kiện sản xuất đặc thù sẽ là các nông hộ sản xuất nhỏ lẻ. Các nông hộ được tổ chức lại theo hướng liên kết với những loại hình phù hợp đã đề xuất để sản xuất hàng hóa. Trong đó, chú trọng vai trò liên kết của Tổ hợp tác, Hợp tác xã, các doanh nghiệp đầu đàn… Đồng thời, xây dựng các làng hoa kiểng kết hợp du lịch sinh thái để phát huy sức mạnh tổng hợp, và khả năng liên kết giữa các nông hộ.
+ Tập trung phát triển diện tích hoa nền là 360 ha tại ba (3) địa bàn Củ Chi, Bình Chánh và Q.12.
|