Việc tổ chức sản xuất có thông tin sản phẩm về xuất xứ và an toàn độc chất là một hình thức tuy rất mới mẽ đối với nông dân, nhưng lại đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong thời kỳ hội nhập về thông tin hàng hóa.
Vào giữa năm 2006, trong khi chưa có sự hướng dẫn của Nhà nước về thực hành tiêu chuẩn sản xuất an toàn, thành phố cần phải hướng dẫn từng bước cho nông dân thực hiện sản xuất, trước hết là an toàn cho người tiêu dùng theo tiêu chuẩn tối thiểu cần phải đạt được. Mô hình trong dự án thí điểm ứng dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn cơ sở thành phố Hồ Chí Minh (HCMC-GAP) dựa trên tiêu chuẩn ASEAN GAP, nhằm xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn thực tế phù hợp với điều kiện và trình độ quản lý sản xuất của nông dân thành phố, đồng thời, xây dựng một quy trình bao gồm trình tự thủ tục đăng ký, giám sát, kiểm tra và chứng nhận các cơ sở, hợp tác xã trồng rau đạt tiêu chuẩn sản xuất theo quy trình an toàn là một nhu cầu thiết thực.
Sở Nông Nghiệp và PTNT thành phố đề nghị được xây dựng và thực hiện dự án: “Thí điểm ứng dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn cơ sở thành phố Hồ Chí Minh (HCMC-GAP) tại Hợp tác xã Nhuận Đức, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi”
Mô hình thí điểm được giao cho Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố và UBND xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi tổ chức thực hiện tại HTX rau an toàn Nhuận Đức, từ tháng 10 năm 2006 đến năm 2008.
I. CƠ SỞ HÌNH THÀNH DỰ ÁN
- Theo thông báo số 08/TB-VP ngày 04/01/2006 của Văn phòng HĐND và UBND thành phố về thông báo kết luận của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, nguyên là Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố tại cuộc họp giao nhiệm vụ kế hoạch sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2006 – 2010;
- Theo thông báo số 73/TB-SNN-HCTH ngày 22/5/2006 của Sở Nông nghiệp và PTNT về nội dung cuộc họp góp ý đề cương dự án mô hình thí điểm ứng dụng qui trình sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn cơ sở thành phố Hồ Chí Minh (Good Agricultural Practices – GAP) tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi.
- Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) thành phố phối hợp cùng UBND huyện Củ Chi, UBND xã Nhuận Đức hoàn chỉnh đề cương dự án trình Sở Nông nghiệp và PTNT để trình UBND thành phố và đã được phê duyệt theo Quyết định số 100/2006/QĐ-UBND, ngày 11 tháng 7 năm 2006.
- Theo quyết định số 238/QĐ-SNN-TCCB, ngày 7/9/2006 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT về việc thành lập Ban quản lý (BQL) để tổ chức thực hiện dự án thí điểm ứng dụng qui trình sản xuất tốt (GAP) trên một số cây rau ăn quả tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi. Đến nay, kết quả thực hiện được báo cáo trong các hoạt động sau:
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN DỰ ÁN TỪ THÁNG 10/2006 – 8/2008
1. Xây dựng thủ tục tiêu chuẩn HCMC-GAP
Trong khi chờ Nhà nước ban hành quy định chung về quản lý sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, BQL dự án đã giao Chi cục Bảo vệ thực vật tiến hành xây dựng hệ thống tiêu chuẩn HCMC-GAP, quy định các tiêu chuẩn cần thiết để được công nhận quy trình sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố và được Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành theo văn bản 180/SNN-NN ngày 12 tháng 2 năm 2007.
Hệ thống tiêu chuẩn này được dựa trên căn bản các văn bản có liên quan thực hiện qui trình sản xuất nông nghiệp tốt trên rau theo hướng tiêu chuẩn của ASEAN GAP và EUREPGAP, trên cơ sở đó, qua từng giai đoạn, điều kiện sản xuất và nhu cầu cụ thể của đơn vị thu mua, hệ thống tiêu chuẩn sẽ được nâng cấp cho phù hợp với từng cấp ban hành.
Nhằm cụ thể hóa quy trình sản xuất theo GAP, các chuyên viên dự án đã cùng bà con nông dân xây dựng và hoàn thiện quy trình cho 4 loại cây trồng là : Ớt, đậu bắp, dưa leo và khổ qua. Hiện nay đang tiếp tục xây dựng những quy trình cho những cây trồng khác.
Bên cạnh đó, việc xây dựng trình tự thủ tục đăng ký và công nhận quy trình sản xuất an toàn là việc cần phải xác lập khi thực hiện dự án. Đến nay quy trình này đã được đăng ký và phê duyệt của Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố là cơ sở tiếp nhận hồ sơ đăng ký, kiểm tra giám sát và chứng nhận quy trình sản xuất rau an toàn của Hợp tác xã Nhuận Đức.
Những điều kiện chung cần phải đảm bảo theo yêu cầu về sản xuất rau an toàn của Hợp tác xã cũng được xác lập và kiểm tra trước khi cấp giấy chứng nhận (đất, nước, tồn dư thuốc BVTV, tồn dư dioxin, huấn luyện IPM, huấn luyện về VSATTP, giấy phép kinh doanh, giấy tiếp nhận công bố chất lượng sản phẩm, giấy đăng ký quản lý mã hàng hóa sản phẩm rau an toàn).
Logo chứng nhận và giấy chứng nhận đã được chuyên viên dự án lập thủ tục đăng ký chuẩn bị cách nay một năm (từ 2007) theo quy định của Cục Sở hữu trí tuệ, đến nay đã có thể sử dụng và lưu hành theo quy chế kèm theo cho các đối tượng đăng ký chứng nhận và sử dụng logo trên bao bì sản phẩm (có thể mở rộng phạm vi sử dụng cho liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn cho các tỉnh).
2. Thẩm định điều kiện sản xuất
Đây là bước không thể thiếu và phải được xác định trước nhất khi tiến hành đăng ký chứng nhận GAP, vì đây là những tiêu chí cơ bản và là nền tảng để thực hiện các bước tiếp theo. Nếu các tiêu chí không đạt thì không thể chứng nhận nếu không được khắc phục (thường thì khó khắc phục vì các tiêu chuẩn thuộc về đất, nước cho sản xuất).
- Chi cục BVTV tiến hành lấy mẫu phân tích thẩm định điều kiện đất, nước, môi trường phù hợp với tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn và EUREPGAP.
Kết quả phân tích mẫu nước với các chỉ tiêu vi sinh vật, hàm lượng nitrat, dư lượng thuốc BVTV trên nông sản, kim loại nặng, hàm lượng polychlorinated biphenyls (PCBs) chất tiền Dioxin và dư lượng thuốc BVTV thấp hơn mức qui định cho phép theo quyết định 106/2007/QĐ-BNN ngày 28/12/2007 về việc ban hành quy định về quản lý sản xuất và chứng nhận RAT (dựa theo các chỉ tiêu đối chiếu của tổ chức FAO/WHO năm 1993).
- Chi cục BVTV phối hợp cùng phòng Kinh tế huyện Củ Chi, UBND xã Nhuận Đức thẩm định điều kiện sản xuất và đơn đăng ký chứng nhận quy trình sản xuất của HTX Nhuận Đức với 43 nông dân tham gia, diện tích 33,7 ha, từ đó xây dựng chính sách hỗ trợ vật tư, phân bón, thuốc BVTV cho các nông dân tham gia dự án.
2. Xây dựng thương hiệu hợp tác xã (HTX)
Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT) đã phối hợp cùng UBND xã Nhuận Đức thành lập HTX cho nông dân tham gia từ các Tổ hợp tác tại xã Nhuận Đức. Đến nay HTX sản xuất rau an toàn Nhuận Đức có 43 thành viên. Để hỗ trợ Ban chủ nhiệm HTX trong hoạt động kinh doanh, Chi cục PTNT đã tăng cường 01 cán bộ phụ trách kinh doanh.
Thương hiệu hợp tác xã cũng được dự án giao cho Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp hỗ trợ xây dựng từ năm 2007, đến nay thương hiệu đã được xác lập và sẽ tham gia thị trường trong thời gian tới.
3. Triển khai dự án cho chính quyền địa phương, tập huấn cán bộ kiểm tra giám sát, tập huấn nông dân
Nhằm có sự đồng thuận của chính quyền địa phương và có những sự hỗ trợ cần thiết của bà con nông dân, BQL dự án đã tổ chức triển khai mục đích yêu cầu và các hoạt động của dự án cho chính quyền địa phương và bà con nông dân trong xã Nhận Đức để tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Đồng thời để có đủ lực lượng có năng lực kiểm tra hướng dẫn nông dân thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn và quy trình GAP, Chi cục BVTV thành phố phối hợp cùng Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đào tạo cho CBKT của Chi cục, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp và Ban chủ nhiệm HTX tham gia học tập các lớp:
- Nội dung cơ bản của đánh giá viên nội bộ theo tiêu chuẩn EurepGAP. Học viên sau khi tham gia huấn luyện được cấp chứng nhận là đánh giá viên nội bộ do tổ chức Metro (là thành vên EUREPGAP) tổ chức và chứng nhận.
- Phương pháp quản lý và điều hành HTX do Chi cục PTNT tập huấn cho các đối tượng là thành viên BCN các Hợp tác xã.
- Tổ chức 02 lớp tập huấn, hướng dẫn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt – GAP trên ớt và cây rau ăn quả cho 43 nông dân đăng ký tham gia dự án (năm 2006: 12 nông dân; năm 2007: 32 nông dân) ở 3 ấp Bàu Tròn, Bàu Cạp, Bàu Trăn, diện tích đăng ký 31,7 ha (năm 2006: 6,7 ha; năm 2007: 25,0 ha). Với các nội dung:
+ Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).
+ Các tiêu chuẩn của HCMC-GAP, EUREPGAP.
+ Ghi chép nhật ký đồng ruộng.
+ Trình diễn và ứng dụng các KHKT mới vào sản xuất: phân bón vi sinh Vitabio và nấm Trichoderma.
+ Qui trình sản xuất, luân canh và bố trí cây trồng.
Qua các lớp tập huấn hầu hết các cán bộ giám sát đều nắm vững chức năng nhiệm vụ của cán bô giám sát nội bộ, tổ chức 2 đợt kiểm tra nội bộ tại các hộ nông dân tham gia dự án, nhắc nhỡ khắc phục những điểm chưa phù hợp để đạt được những tiêu chuẩn chứng nhận cho tập thể hợp tác xã về quy trình sản xuất rau an toàn.
Đối với BCN Hợp tác xã được huấn luyện về kỷ năng điều hành sản xuất kinh doanh, đang cùng với UBND xã củng cố về nhân sự và cơ sở vật chất cùng với xúc tiến việc huy động vốn theo đúng điều lệ.
Đối với nông dân sau khi được tập huấn các chuyên đề kỹ thuật cùng với được thông tin về ý nghĩa của việc tham gia dự án đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật đã được chính mình tham gia xây dựng, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng và chấp hành tốt việc thu hoạch đúng thời gian cách ly. Tuy có những công việc quá mới và khó thực hiện nhưng với tinh thần quyết tâm cải thiện chất lượng và giá trị sản phẩm nên hầu hết nông dân đều cố gắng vượt qua mặc dù phải được nhắc nhỡ và giúp đỡ nhiều lần như việc ghi chép nhật ký đồng ruộng, việc giữ lại các chứng từ hoá đơn nhãn hiệu vật tư sử dụng, việc sử dụng bảo hộ lao động ... Đến nay hầu hết đều đã vượt qua các trở ngại này thậm chí còn thực hiện khá tốt như các hộ: Bùi Văn Hẩu, Võ Văn Trung, Hà Văn Sính...
4. Hỗ trợ điều kiện tham gia dự án
Nhằm vận động và giúp cho nông dân tham gia dự án thực hiện những tiêu chí bắt buộc trong sản xuất, BQL dự án thông qua Chi cục BVTV đã hỗ trợ:
+ Xây dựng các bảng thông tin chỉ dẫn địa lý các hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình.
+ Tủ đựng thuốc BVTV, quần áo bảo hộ lao động, mắt kiếng, khẩu trang, găng tay, nón...
+ Vật tư nông nghiệp, đã được qui ra kinh phí hỗ trợ cho nông dân tham gia dự án từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng /ha, tương ứng 50-100% kinh phí vật tư/ ha.
5. Xây dựng cơ sở hạ tầng
Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi phối hợp củng UBND huyện Củ Chi, xã Nhuận Đức xây dựng mô hình hệ thống tưới tiêu với diện tích 5,5 ha tại ấp Bàu Tròn phục vụ cho dự án đã được UBND thành phố đồng ý về chủ trương đang chờ ghi kinh phí thực hiện dự án. Tuy nhiên do một số lý do khách quan nên chưa triển khai thực hiện.
Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp phối hợp cùng Metro Cash & Carry và UBND xã Nhuận Đức tiến hành xây dựng nhà sơ chế, đóng gói sản phẩm tại ấp Bàu Tròn xã Nhuận Đức, với kinh phí dự kiến 100 triệu đồng, trong đó có 20% vốn đối ứng của UBND xã.
Dự án cùng với nông dân đã xây dựng các địa điểm pha chế thuốc BVTV trên đồng ruộng, xây dựng 2 địa điểm tập trung nhà kho và nhà vệ sinh công cộng phục vụ cho sinh hoạt sản xuất, thu hoạch trong vùng dự án.
Tuy nhà sơ chế chưa đi vào hoạt động nhưng để đảm bảo việc sơ chế vô bao đóng gói sản phẩm của bà con nông dân được thuận lợi trong điều kiện chưa có điểm thu mua tập trung, BQL dự án đã thống nhất chấp thuận hỗ trợ những tấm bạt lớn dùng để tập trung sản phẩm thu hoạch ngay trên đồng ruộng hoặc trên nền các nhà tạm chờ vô bao và giao cho người nhận, hạn chế thấp nhất sự lây nhiễm, đảm bảo vệ sinh an toàn sản phẩm.
6. Kiểm tra đánh giá chứng nhận quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn HCMC-GAP
BQL Dự án quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra đánh giá chứng nhận tiêu chuẩn HCMC-GAP cho quy trình sản xuất rau an toàn của HTX Nhuận Đức ngày 25 tháng 07 năm 2008 để đánh giá việc thực hiện theo tiêu chuẩn đã đăng ký. Kết quả có 3 lỗi chung về điều kiện của hợp tác xã và 3 lỗi riêng do các hộ nông dân ghi chép nhật ký đồng ruộng chưa đầy đủ. Hiện nay đã khắc phục xong và giấy chứng nhận sẽ được trao cho BCN Hợp tác xã Nhuận Đức cùng với quy chế sử dụng giấy chứng nhận và logo chứng nhận sản phẩm trong thời gian sớm nhất.
III. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN TỪ 8/2008 – 12/2008
- Tổ chức kiểm tra nội bộ thường xuyên để duy trì chứng nhận quy trình sản xuất rau an toàn theo QĐ 106 của Bộ Nông Nghiệp và PTNT về quản lý và chứng nhận rau an toàn.
- Tổ chức đăng ký chứng nhận qui trình sản xuất rau an toàn theo VietGAP cho các nông dân tham gia dự án đủ điều kiện thực hiện theo Quyết định 379 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về tiêu chuẩn VietGAP.
- Tổ chức giới thiệu sản phẩm và xúc tiến thương mại cho HTX Nhuận Đức.
IV. KIẾN NGHỊ
Để thực hiện quản lý đăng ký và chứng nhận quy trình sản xuất rau an toàn, trong khuôn khổ thực hiện dự án, BQL dự án kiến nghị:
1. Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn cụ thể đơn vị chứng nhận quy trình sản xuất rau an toàn theo QĐ 106 và QĐ 379 về VietGAP.
2. Quy định các mức thu phí và các phí hoạt động phải thỏa thuận giữa các bên đăng ký và tham gia kiểm tra chứng nhận.
3. Logo chứng nhận VietGAP phải được thống nhất trên toàn quốc, không nên để tự các đơn vị ban hành. Riêng Logo chứng nhận của các địa phương phải được hướng dẫn về quy chế sử dụng và nộp phí cho chủ sở hữu Logo đó.
4. Bộ Nông Nghiệp và PTNT cần tổ chức các lớp huấn luyện có chứng nhận về kỷ năng giám sát đánh giá tiêu chuẩn VietGAP cho cán bộ các địa phương có giá trị trên toàn quốc để cùng hỗ trợ xây dựng các chương trình rau an toàn liên kết vùng./.
Th.sĩ Nguyễn Văn Đức Tiến
Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố