Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” và hưởng ứng “Tết trồng cây” do Người đã phát động từ mùa Xuân năm 1960;
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phát động “Tết trồng cây” đời đời nhớ ơn Bác Hồ Xuân Tân Mão năm 2011 và thực hiện kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán năm 2011;
Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp cùng Ủy ban nhân dân quận 9 và Ban Quản lý Khu Công viên Lịch sử - Văn hoá Dân tộc xây dựng và thực hiện kế hoạch liên tịch về tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ 19 – 5” thành phố Hồ Chí Minh năm 2011 tại Đền tưởng niệm các vua Hùng - Khu Công viên Lịch sử - Văn hoá Dân tộc trong ngày 18 tháng 5 năm 2011.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Thành phố trong những năm qua trong công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố, thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển cây xanh trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển. Tổng diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp và cây lâm nghiệp tập trung trên địa bàn thành phố có 41.634,04 ha, trong đó có hơn 36.000 ha là diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong quy hoạch 3 loại rừng (gồm rừng phòng hộ 33.943 ha, rừng đặc dụng 29,92 ha, rừng sản xuất 2.365 ha). Độ che phủ là 18,59%.
Để đảm bảo đạt mục tiêu phát triển ổn định và bền vững lâm nghiệp thành phố, trong năm 2011 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố tập trung thực hiện nhiệm vụ cụ thể sau:
1. Trong năm 2011 quản lý, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có. Triển khai thực hiện đề án bảo vệ, phát triển các loại rừng, cây xanh trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 theo Quyết định phê duyệt số 17/2011/QĐ-UBND ngày 18/3/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố và Chỉ thị số 11/2011/CT-UBND ngày 18/3/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường các biện pháp bảo tồn, phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
2. Thực hiện gieo ươm, chăm sóc 250.000 cây, gồm các loại cây họ dầu, giáng hương che bóng; cây mọc nhanh và cây hoa kiểng cung cấp cho các cơ quan, trường học, bệnh viện, đơn vị doanh trại quân đội phục vụ cho kế hoạch phát triển cây xanh; trồng dọc tuyến đường giao thông nông thôn; các xã nông thôn mới.
- Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố về kế hoạch trồng cây ven sông, rạch, Sở Nông nghiệp và PTNT và Thành Đoàn Thanh niên Cộng sản thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết liên tịch trồng 500.000 cây. Năm 2011, đã tổ chức trồng 02 đợt chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố đã trồng 2.500 cây và Chủ nhật xanh lần thứ 93 đã trồng hơn 5.360 cây tại các quận, huyện: 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Củ Chi, Hóc Môn.
- Trong đợt phát động này các đơn vị đã nhận về trồng hưởng ứng phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” của từng quận, huyện. Tổng số cây đã cung cấp trên 16.000 cây giống các loài.
- Đang xây dựng kế hoạch và triển khai dự án trồng chuyển hóa 22 ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất trong năm 2011 và thực hiện công tác chăm sóc cây cảnh quan tại Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc trên diện tích trên 12,9 ha đã trồng các năm 2009 - 2010.
3. Triển khai thực hiện Chương trình hành động ứng phó biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp và PTNT; phối hợp với các sở, ban ngành, quận – huyện thành phố thực hiện trồng cây chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố kết hợp trồng cây có tác dụng phòng hộ đồng ruộng, vùng ven biển, trồng ven đê, trồng thành các đai rừng chắn sóng, ngăn lũ, giữ đất lấn biển, chắn gió, chắn cát bay…
4. Tiếp tục trồng chuyển hóa rừng Bình Chánh, Tân Tạo:
- Thực hiện nâng cấp Trạm Thực nghiệm lâm nghiệp Tân Tạo 24,50 ha, chăm sóc năm cuối và đánh giá lại kết quả thực hiện dự án nâng cấp Trạm.
- Trồng chuyển hóa, tu bổ rừng Bình Chánh diện tích 222 ha, trồng chuyển hóa các loài: Sao, Dầu, Bằng lăng, Gáo vàng… đang tiếp tục trồng, chăm sóc.
6. Tiếp tục tiếp nhận giao đất rừng sản xuất ở huyện Bình Chánh, quản lý theo quy chế rừng phòng hộ; chuyển diện tích 1.000 ha rừng (Ia, Ib, Ic) đã qua thời gian quản lý phát triển đủ tiêu chí công nhận thành rừng, đưa vào quản lý theo quy chế rừng phòng hộ ở huyện Cần Giờ.
7. Tại Vườn Thực vật Củ Chi, xây dựng sưu tập trồng trên 800 loài cây, là nơi phục vụ cho tham quan, học tập, nghiên cứu của các nhà khoa học bảo tồn, sinh viên, học sinh.
8. Tiếp tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu rừng ngập mặn Cần Giờ, diện tích 165,77 ha tại Dần Xây, nhằm mục đích nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ.
|