Năm 2007 cả nước có 6,72 triệu con bò (trong đó bò sữa là 99.000 con), 2,99 triệu con trâu, 1,77 triệu con dê, cừu, 103.000 con ngựa , 31.539 hươu nai và 600.000 con thỏ cái sinh sản. Tốc độ tăng trưởng đàn so với 2006 là 3,29% đối với bò và 2,58% đối với trâu, tuy nhiên việc phát triển đàn gia súc ăn cỏ chưa tương xứng với tiềm năng của các địa phương.
Để phát triển đàn gia súc ăn cỏ trong những năm tới cần thực hiện các giải pháp:
- Qui hoạch vùng phát triển chăn nuôi phù hợp: vùng chăn nuôi bò sữa, vùng chăn nuôi bò thịt, vùng chăn nuôi trâu, dê, cừu…với những nhóm giống phù hợp với trình độ chăn nuôi và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương.
- Đưa nhanh các tiến bộ về kỹ thuật trong công tác giống, giải quyết thức ăn thô, giết mổ, chế biến, phòng chống dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm.
-Thực hiện tốt các chính sách hiện còn hiệu lực và ban hành chính sách bổ sung để khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp.
- Cung cấp thông tin thị trường và khuyến nông chăn nuôi - Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế.
Giải quyết nguồn thức ăn thô trong đó có dành diện tích đất nông nghiệp cho trồng cỏ cao sản, khai thác các nguồn phụ phẩm nông nghiệp như rơm lúa, thân lá mía, cây bắp…làm thức ăn cho chăn nuôi , áp dụng các phương pháp chế biến, dự trữ thức ăn cho những thời điểm khó khăn (như mùa rét ở các tỉnh phía Bắc, mùa khô ở các tỉnh phía Nam) sẽ góp phần phát triển đàn gia súc ăn cỏ.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, nước ta có những điều kiện để phát triển gia súc ăn cỏ để cung cấp sữa, thịt cho thị trường trong nước tiến tới có sản phẩm xuất khẩu. Để làm được điều đó, các địa phương phải rà soát lại tiềm năng phát triển của từng vùng, chọn đối tượng gia súc phù hợp, không nhất thiết tỉnh nào cũng có bò sữa hay bò thịt …Việc tăng giá thực phẩm, giá dầu trên thế giới, làm tăng giá thức ăn tinh ( bắp, bột mì..) cùng với nhu cầu thịt, sữa tăng lên trong nước sẽ là cơ hội cho phát triển đàn gia súc ăn cỏ. Các địa phương rà soát lại nguồn thức ăn thô xanh, phụ phẩm, có kế hoạch khai thác, chế biến ,dự trữ cũng như dành một diện tích thích đáng để trồng cỏ thâm canh khi xác định phát triển đàn gia súc ăn cỏ. Việc phát triển đàn gắn với qui hoạch vùng chăn nuôi và theo hướng trang trại để hình thành vùng sản xuất với nhóm sản phẩm chủ lực gắn với giết mổ, chế biến công nghiệp, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Ngọc Anh
Trung tâm Khuyến nông thành phố Hồ Chí Minh