SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
9
3
7
5
5
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 25 Tháng Mười Hai 2008 2:50:00 CH

Phòng trừ cây mai dương trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Theo báo cáo kết quả điều tra ban đầu của Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố, cây mai dương đã xuất hiện trên địa bàn các quận, huyện: Thủ Đức, quận 2, quận 9, quận 7, Bình Tân, quận 12, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn. Cây mai dương xuất hiện ở trên đất san lấp mặt bằng nhưng chưa xây dựng công trình, đất gò trống và trên các tuyến đường đã và đang thi công ở các huyện Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ với diện tích khoảng 44 ha. Chưa ghi nhận cây mai dương xâm lấn vùng đất đang trồng trọt.
 
 

           Cây mai dương có tên khoa học là Mimosa pigra L., thuộc họ Mimosaceae, còn có các tên gọi khác như ma vương, cốt khí có gai, trinh nữ thân gỗ, trinh nữ gai...  Là loài cây bụi, thân gỗ có nhiều gai cứng, mọc ở các vùng đất xáo trộn (đất trống, bờ ao, bờ sông, ven đường), đây là một loài cỏ dại ngoại lai rất nguy hiểm cho thảm thực vật bản địa.

Cây mai dương có tốc độ phát tán và lây lan nhanh, nếu không phòng trừ kịp thời, cây sẽ xâm lấn dần vào vùng đất canh tác qua đường nước, có khả năng cạnh tranh rất mạnh với thực vật bản địa. Để ngăn chặn sự phát tán và lây lan của cây mai dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các đơn vị trực thuộc Sở triển khai thực hiện ngay một số giải pháp để phòng trừ cây mai dương:

1. Ủy ban nhân dân các quận, huyện:

a) Chỉ đạo phòng Nông nghiệp - PTNT (phòng Kinh tế) phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã tổ chức điều tra xác định khu vực có cây mai dương và đánh giá mức độ xâm lấn của cây mai dương.

b) Chỉ đạo cho các ban ngành, chính quyền địa phương phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức diệt trừ triệt để cây mai dương, cụ thể như sau:

- Ủy ban nhân dân xã - phường phối hợp với ban ngành liên quan tổ chức kiểm tra và xử lý triệt để cây mai dương ở khu vực đất công có khả năng phát tán lây lan mạnh như bờ ao, bờ sông, lề đường,... bằng các biện pháp như đốn chặt, đào gốc, gom đốt nơi an toàn. Thời gian hoàn thành trước mùa mưa năm 2009 để tránh hạt phát tán, lây lan.

- Các chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm tiêu huỷ cây mai dương ở khu vực đất chuyển đổi mục đích sử dụng và đất san lấp chờ thi công bằng các biện pháp như đốn chặt, đào gốc, gom đốt nơi an toàn hoặc dùng máy cày, xe ủi cày lật đè nát và vùi cây mai dương xuống đất. Thời gian hoàn thành trước Tết Nguyên Đán 2009.

- Phòng Nông nghiệp (Phòng Kinh tế) chủ trì phối hợp với địa phương thường xuyên tuyên truyền vận động chủ sử dụng đất trống, chưa canh tác do mới chuyển đổi quyền sử dụng đất, hoặc đất quảng canh,… diệt trừ thường xuyên các cây đã mọc:

+ Trường hợp cây còn nhỏ mọc lẫn trong thảm thực vật: nhổ bỏ hoặc phun thuốc trừ cỏ Ally 20 DF hoặc các sản phẩm cùng hoạt chất (lượng dùng 60 g/ha, pha trong 600 lít nước) theo điểm hoặc phun lên toàn bộ bề mặt.

+ Trường hợp cây đã lớn mọc rải rác: đốn chặt, đào gốc, gom đốt nơi an toàn hoặc phun Round up 480 SC hoặc các sản phẩm cùng hoạt chất (lượng dùng 4,5 lít/ha, pha trong 800 lít nước).

+ Trường hợp để đất trống do chưa có kế hoạch trồng trọt, cần khuyến cáo chủ sử dụng đất nên trồng các loài cỏ hoà thảo có sinh khối lớn như cỏ voi, cỏ mía,… để làm thức ăn cho gia súc và tạo thảm thực vật cạnh tranh với cây mai dương.

2. Chi cục Kiểm lâm và Chi cục Lâm nghiệp theo dõi và hướng dẫn chủ rừng các biện pháp ngăn chặn, diệt trừ cây mai dương đặc biệt tại khu vực rừng mới trồng, khu vực trồng cây phân tán và có kế hoạch phòng trừ cây mai dương tại khu vực rừng được giao trách nhiệm quản lý.

3. Chi cục Bảo vệ thực vật soạn và in ấn tài liệu bướm để nhận biết cây mai dương và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ; tổ chức tập huấn, tuyên truyền và phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức diệt trừ cây mai dương.

                                                                                       Phòng Nông nghiệp

 

()

Số lượt người xem: 7742    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm