Tuy nhiên, trong các đề án và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 chưa dành cho hoa, cây kiểng một vị trí tương xứng so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Trong lúc chúng ta còn đang loay hoay để nâng giá trị sử dụng đất từ dưới 30 triệu đồng/ha/năm lên 50 triệu đồng/ha/năm 2020 thì các nước trong khu vực đã tiến một bước khá xa trên con đường nâng cao giá trị gia tăng nông nghiệp bằng nhiều biện pháp, trong đó chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp có vai trò rất quan trọng.
Các loại sinh vật cảnh, đặc biệt hoa là đối tượng được nhiều nước chú trọng. Trước năm 1984 công nghiệp sản xuất hoa tươi ở Trung Quốc hầu như không có tên trên bản đồ thế giới; sau 20 năm, với nhiều công sức của các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học, nghề trồng hoa công nghệ cao ở nước này phát triển vượt bậc, có đến 636.000 ha trồng hoa, sản xuất 9 tỷ cành hoa/năm, trở thành nước sản xuất hoa lớn nhất thế giới. Riêng ở tỉnh Vân Nam, nghề trồng hoa đã làm thay đổi rõ rệt đời sống của 10 triệu hộ nông dân, thu nhập cao hơn nhiều lần so với các nghề truyền thống là trồng thuốc lá, chè, rau, cây lương thực.
Ấn Độ với tổng diện tích trồng hoa đạt 116.000 ha (Hồng, Cúc, Vạn thọ, Cẩm chướng,…), sản lượng năm 2006 đạt 654.000 tấn, được đánh giá là nước có tiềm năng xuất khẩu hoa lớn trên thị trường quốc tế. Đài Loan, Singapore, Malaysia,….ngành hoa kiểng phát triển rất mạnh. Riêng Thái Lan là nước trồng và trong suốt một thập kỷ qua vẫn giữ vững vị trí là quốc gia xuất khẩu hoa lan với sản lượng lớn nhất trên thế giới; đã xuất khẩu 610 loài hoa lan khác nhau trong số hơn 1.000 giống lan hiện có, trở thành một trung tâm phân phối và sưu tập hoa lan ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam vẫn phải nhập một lượng lớn cây giống và lan cắt cành từ Thái Lan để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Hiện nay, diện tích trồng hoa, cây kiểng, nuôi cá cảnh cả nước ta đạt 15.000 ha (khoảng 0,15% tổng diện tích trồng trọt); tổng doanh thu chưa vượt quá 10.000 tỷ đồng; trong đó xuất khẩu 30 triệu USD, thu hút hàng chục vạn lao động, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho 35.000 hộ nông dân. Đã xuất hiện nhiều mô hình tiên tiến trong lĩnh vực trồng hoa, cây kiểng, nuôi cá cảnh có thu nhập cao gấp nhiều lần so với nông nghiệp truyền thống.
Bên cạnh những thành quả bước đầu, việc phát triển trồng hoa, cây kiểng của nước ta vẫn phổ biến là tự phát, phân tán, manh mún, nhỏ lẻ, chưa có khối lượng hàng hóa lớn, chưa có sức cạnh tranh với các nước. Việc sử dụng đất nông nghiệp còn lãng phí, kém hiệu quả trong khi đó chưa dành quỹ đất cho phát triển hoa, cây kiểng một cách thỏa đáng.
Phấn đấu đưa nghề trồng hoa, cây kiểng trở thành một nghề kinh tế sinh thái, có khối lượng hàng hóa tập trung theo tinh thần Nghị quyết Trung ương VII, cần xác định các mục tiêu về diện tích, lao động, giá trị sử dụng đất, giá trị tổng sản phẩm và xuất khẩu.
Đề nghị các mục tiêu cụ thể:
- Đến năm 2020 đưa diện tích hoa, cây kiểng lên 250.000 – 300.000 ha, chiếm 2,5% diện tích đất canh tác của cả nước. Trong đó phổ biến ở các tỉnh nông nghiệp là 1%; các đô thị, thành phố, thị trấn, thị xã là 7 – 10%.
- Giải quyết việc làm cho 2 triệu lao động.
- Giá trị sử dụng đất đạt từ 150 triệu đồng/ha/năm trở lên; những mô hình khá phổ biến đạt 300 – 500 triệu đồng/ha/năm; những điển hình tiên tiến đạt 1 tỷ đồng/ha/năm.
- Đạt giá trị tổng sản phẩm 70.000 tỷ đồng, xuất khẩu 500 triệu USD/năm.
Nước ta có nhiều vùng kinh tế và sinh thái khác nhau; căn cứ vào đặc điểm và lợi thế cạnh tranh, quy hoạch thành các vùng, miền trồng hoa, phong lan, cây kiểng phù hợp. Trên cơ sở quy hoạch chung của cả nước, tiến hành quy hoạch, xây dựng kế hoạch, chương trình mục tiêu cụ thể ở từng tỉnh, thành, huyện, xã, làng nghề, hộ gia đình theo quy mô lớn, vừa, nhỏ. Đối với những đô thị lớn (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt,….) hình thành các trung tâm chuyên về cung cấp đầu vào, giải quyết đầu ra, tổ chức các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm,….
Ngoài ra, Nhà nước cần áp dụng các chính sách khuyến khích về đất đai, vốn đầu tư, thuế, xây dựng cơ sở hạ tầng, vận tải, đào tạo nghề, thủ tục xuất nhập khẩu,….thu hút các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước tham gia sản xuất, kinh doanh, phục vụ về hoa, cây kiểng. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ mới. Đây là khâu đột phá có tính chất quyết định đến tốc độ, chất lượng, hiệu quả của quá trình chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang công nghiệp trồng và kinh doanh hoa, cây kiểng.
Việc hình thành nông nghiệp mà sản phẩm chủ lực là hoa, cây kiểng trong mối quan hệ hữu cơ với các vùng, các miền trước mắt và lâu dài sẽ trở thành một ngành kinh tế sinh thái tương xứng với thế mạnh và tiềm năng của một đất nước vốn có truyền thống lâu đời về sinh vật cảnh.
Trương Hoàng.
|