Từ tháng 12/2003, sau khi tách một phần diện tích để thành lập quận Bình Tân, huyện Bình Chánh có tổng diện tích tự nhiên 25.255,28 ha. Theo số liệu điều tra thống kê năm 2005, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện có 19.356,93 ha, bao gồm đất trồng cây hàng năm 12.450,67 ha, đất trồng cây lâu năm 4.291,2 ha, đất lâm nghiệp có rừng 1.421,47 ha (rừng phòng hộ: 336,67 ha), đất nuôi trồng thủy sản 1.161,6 ha; đất phi nông nghiệp có 5.603,87 ha, trong đó đất ở 1.762 ha, đất chuyên dùng 2.746,5 ha …; đất chưa sử dụng 294,5 ha.
Theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thành phố giai đoạn 2006 - 2010 đã được Chính phủ phê duyệt và định hướng của huyện Bình Chánh, đến năm 2010, đất nông nghiệp ở huyện Bình Chánh còn 14.825,25 ha (trong đó đất lâm nghiệp có rừng: 1.500 ha), giảm 4.531,68 ha.
Năm 2006, Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung của huyện Bình Chánh tại Quyết định số 5731/QĐ-UBND ngày 11/12/2006, đến tháng 7/2008, Hội đồng nhân dân huyện đã họp thông qua đồ án quy hoạch chung xây dựng, đồng thời huyện đã hoàn chỉnh hồ sơ gởi Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định để trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt. Theo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung của huyện, đến năm 2020 đất nông nghiệp trên địa bàn huyện còn 10.972,5 ha (trong đó đất lâm nghiệp có rừng: 1.500 ha), giảm 3.856 ha so năm 2010. Đến nay đã có 23 đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 trên địa bàn huyện đã được phê duyệt với tổng diện tích 2.432,62 ha (trong đó có 18 đồ án/1.703,39 ha được phê duyệt trước năm 2003, thời điểm tách huyện, thành lập quận Bình Tân). Theo kế hoạch, trong năm 2008 huyện sẽ xây dựng thêm 31 đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 (2 đồ án điều chỉnh và 29 đồ án thành lập mới); đến nay huyện đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 25 đồ án. Trong quá trình lập nhiệm vụ quy hoạch và đồ án quy hoạch, huyện đã tuân thủ qui định về việc công khai lấy ý kiến của nhân dân. Ngoài việc góp ý định hướng quy hoạch, nhân dân còn tập trung yêu cầu trả lời cụ thể về thời gian triển khai thực hiện quy hoạch, giá bồi thường khi triển khai dự án ... Trong thời gian qua đã có nhiều dự án đầu tư theo đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 đã được phê duyệt, chủ đầu tư đã hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hoàn thành cơ bản cơ sở hạ tầng kỹ thuật đưa vào sử dụng theo đúng đồ án được phê duyệt như Khu công trình xử lý rác và nghĩa trang Đa Phước (258 ha), Khu dân cư Phong Phú (49 ha), Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (98 ha), khu công nghiệp Vĩnh Lộc A (giai đoạn 1 91,7 ha) ... Các dự án trong các đồ án quy hoạch chi tiết được phê duyệt đang triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng như khu nhà ở Bình Hưng (57,67 ha), khu dân cư Phong Phú 2, khu nhà ở cán bộ công nhân viên Bệnh viện Chợ Rẫy, các khu tái định cư của xã Phong Phú (87 ha), Vĩnh Lộc A, khu dân cư - làng nghề An Hạ (150 ha) ...
Huyện Bình Chánh cũng đã khảo sát và định hướng quy hoạch các điểm dân cư nông thôn trên địa bàn 10 xã, xác định sơ bộ ranh giới các điểm quy hoạch chi tiết khu dân cư nông thôn để nhân dân góp ý. Đối với các khu dân cư nông thôn theo định hướng quy hoạch chuyển đổi đất nông nghiệp, đến nay chưa có quy hoạch chi tiết, huyện Bình Chánh đã có chỉ đạo quản lý và tiếp tục thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đến năm 2010 theo chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố.
Tuy huyện đã tập trung chỉ đạo, nhưng tiến độ thực hiện công tác quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị 1/2000 và quy hoạch chi tiết xây dựng các điểm dân cư nông thôn còn rất chậm, gây khó khăn cho việc quản lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp. Các quy định về quản lý xây dựng, quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn và quy hoạch khu vực sản xuất nông nghiệp vẫn chưa cụ thể (kể cả các huyện khác ở ngoại thành), nhất là vấn đề xây dựng các cơ sở sản xuất nông nghiệp như nhà lưới, nhà kính, nhà kho chứa vật tư và sản phẩm nông nghiệp ... đã gây nhiều bức xúc trong nhân dân khi thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tuy huyện đã tạm thời cho phép xây dựng các nhà giữ vườn qui mô nhỏ, kết cấu tạm và diện tích nhỏ hơn 50 m2, tạo điều kiện cho nông dân bảo vệ thành quả lao động sản xuất nhưng không thể tránh được trường hợp người dân lợi dụng, biến tướng thành nhà ở.
Để đảm bảo điều kiện và nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chuyển dịch lao động nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Bình Chánh nói riêng và các huyện ngoại thành nói chung, các Sở ngành thành phố, nhất là Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường cần hỗ trợ các quận huyện sớm hoàn thành đồ án quy hoạch chung đến năm 2020, tầm nhìn năm 2025, xác định cụ thể các vùng đất sản xuất nông nghiệp ổn định trong từng thời kỳ quy hoạch.
Phòng Kế hoạch Tài chính)