Trong ngày đầu tiên, chúng tôi được hướng dẫn đến Trung tâm Quản lý Dịch hại Vùng 5 Chainat, tại tỉnh Chainat, để nghe và thảo luận về những vấn đề chung quanh việc quản lý sản xuất và chứng nhận GAP cho sản phẩm rau quả. Sau đó, chúng tôi được tham quan phòng thử nghiệm của Trung tâm được trang bị khá đầy đủ với những máy móc hiện đại, như sắc ký khối phổ, sắc ký khí, sắc ký lỏng cao áp…
Đây là phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO 17025, là nơi tiếp nhận mẫu và xử lý phân tích dư lượng thuốc BVTV, phát hành kết quả phân tích về dư lượng thuốc nhóm lân hữu cơ, cac ba mat, pyrethroid và các nhóm khác.
Trung tâm này chịu trách nhiệm tiếp nhận đăng ký, kiểm tra thực hiện quy trình sản xuất và cấp chứng nhận cơ sở và sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng quốc gia (Q) và GAP từ năm 2004 cho các trang trại, hợp tác xã có đăng ký.
Công việc cấp chứng nhận sản phẩm GAP tại Thái Lan có những đặc điểm cơ bản sau:
1. Tất cả các chi phí, phương tiện, nhân sự phục vụ cho công tác kiểm tra và chứng nhận cơ sở và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia Q và GAP đều được nhà nước hỗ trợ hoàn toàn 100%.
2. Việc kiểm tra và chứng nhận được Nhà nước giao cho Trung tâm quản lý dịch hại tỉnh hoặc cấp vùng (tương ứng ở Việt Nam là cấp Trung tâm BVTV Vùng hoặc Chi cục BVTV), còn công tác hướng dẫn tư vấn nông dân thực hiện GAP là do Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện.
3. Giá trị chứng nhận cho cây ăn trái là 4 năm, cây rau là 1 năm. Sau khi cấp chứng nhận, Trung tâm sẽ kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ, nếu vi phạm lần 2 về các tiêu chuẩn sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận GAP.
4. Một cán bộ của Trung tâm phụ trách khoảng 30 ha đăng ký chứng nhận sản phẩm (tạm hiểu là cán bộ giám sát). Lực lượng này được chương trình VSATTP đào tạo và được Nhà nước trả lương hàng tháng. Gần đến cuối vụ, cán bộ giám sát sẽ quyết định phân tích các chỉ tiêu dư lượng nào và đăng ký với Hội đồng cấp giấy chứng nhận của Trung tâm tiến hành xem xét và cấp giấy chứng nhận và logo dán trên sản phẩm. Các hội nghị này được tiến hành thường xuyên, liên tục tùy vào thời vụ và diện tích đăng ký.
5. Nông dân được trang bị kiến thức sản xuất rau an toàn theo hướng sinh học và GAP, được trang bị GT test kit (test nhanh) miễn phí để tự kiểm tra dư lượng thuốc khi có sử dụng thuốc thuộc nhóm lân hữu cơ và cac ba mat trên đồng ruộng.
Ngày thứ hai, chúng tôi được đến thăm Trung tâm Khuyến nông tỉnh Anthong (phía Bắc Thái Lan) để trao đổi về công tác khuyến nông của tỉnh nói chung và công tác quản lý sản xuất theo GAP, nói riêng. Sau đó, thăm Trung tâm Công nghệ sinh học của Trung tâm chuyên nuôi thiên địch, nấm Trichoderma…
Công việc khuyến nông của tỉnh có những đặc điểm cơ bản sau:
- Toàn bộ kinh phí khuyến nông do Nhà nước đài thọ. Mỗi xã có một cán bộ khuyến nông do nhà nước đào tạo và trả lương.
- Tổ chức khuyến nông giúp nông dân lập hồ sơ đăng ký chứng nhận GAP ngay từ đầu vụ; tư vấn cho nông dân khắc phục những khuyết điểm trong sản xuất.
- Hướng dẫn nông dân hạn chế dùng thuốc hóa học và tăng cường các biện pháp sinh học trong bón phân, bảo vệ thực vật...
- Bên cạnh lực lượng khuyến nông chính quy còn có các câu lạc bộ khuyến nông tự nguyện tại các địa phương (giống như ở Việt Nam hiện nay) để chủ động cùng nhau, giúp nhau giải quyết những phát sinh trong sản xuất trong khi chờ đợi sự hỗ trợ của Nhà nước.
- Đối tượng khuyến nông bắt đầu từ nhóm nông dân 5-7 người, dần dần mở rộng quy mô nhóm đến khi cần thiết thì tách nhóm để làm lại từ nhóm nhỏ phù hợp với quy mô và năng lực quản lý.
- Việc đánh giá hiệu quả công tác khuyến nông qua việc điều tra khách quan hàng năm các chỉ tiêu GDP của hộ nông dân trong xã và hệ thống câu hỏi về kỹ năng sản xuất của nông dân. Hộ nông dân và xã có GDP tiến bộ sẽ được Nhà Vua ban thưởng.
Căn cứ vào điều kiện và khả năng của thành phố, tôi xin có một số đề xuất sau:
- Chương trình rau an toàn của thành phố nên có chiến lược phát triển lâu dài, theo từng bước phát triển từ thấp đến cao và những giải pháp phù hợp một cách bền vững là:
1.1.Giai đoạn loại trừ ngộ độc cấp tính,
1.2 Giai đoạn giảm dưới ngưỡng các thuốc BVTV,
1.3 Giai đoạn sản xuất theo tiêu chuẩn cơ sở,
1.4 Giai đoạn sản xuất theo tiêu chuẩn VN, GAP.
- Để giúp nông dân tiếp cận dần với phương thức sản xuất mới và tạo điều kiện xây dựng các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp-thương mại-dịch vụ, đề nghị ngân sách thành phố hỗ trợ toàn bộ kinh phí tư vấn hướng dẫn kiểm tra chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VN và hướng theo GAP trong thời hạn ít nhất là 3 năm đầu.
- Về lâu dài, nên tách bạch rỏ ràng chức năng quản lý nhà nước về kiểm tra chứng nhận GAP (ở thành phố là Chi cục BVTV) và chức năng khuyến nông sản xuất theo GAP (Trung tâm khuyến nông)
- Phải có chương trình đề án đào tạo nguồn nhân lực cho kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông nghiệp để có lực lượng thực hiện kiểm tra giám sát sản xuất, ít nhất là ngay từ bây giờ để năm sau phải có ít nhất là 100 cán bộ giám sát như đã đề cập ở trên do nhà nước trả lương.
Ngày cuối cùng tại Thái Lan, chúng tôi được đến thăm một công ty sản xuất kinh doanh hàng rau quả xuất khẩu PDI và chợ đầu mối Talad Thai. Do không thuộc lĩnh vực của đợt tham quan nên chúng tôi không thể vào được khu vực kiểm soát dư lượng tại các đầu vào của Chợ đầu mối. Tuy nhiên, chúng tôi ghi nhận tại các công ty chỉ thu mua sản phẩm từ các trang trại đã có chứng nhận GAP hoặc Q, và khi cần thiết họ có bộ phận kiểm tra test nhanh bằng GT test kit để kiểm tra thăm dò.
Đoàn chúng tôi kết thúc chuyến đi trong sáng 1/11/2007./.
Một góc chợ đầu mối Talad Thai
Nguyễn Văn Đức Tiến