SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
8
9
3
7
7
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 01 Tháng Mười Hai 2009 7:20:00 CH

Một số nghề khai thác và nuôi thủy sản có ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy nội địa và môi trường

-

I- Nghề đáy chạy:

Nghề khai thác thủy sản vùng nước nội địa trong khu vực phía Nam có rất nhiều lọai hình khác nhau, từ đơn giản như: câu, chài, đăng… đến phức tạp như: cào, te, đóng đáy…trong đó lọai hình đóng đáy thường xuất hiện nhiều nhất trên các tuyến đường thủy từ Nam Trung bộ đến cuối mũi Cà Mau, vì đây là một nghề đầu tư không lớn nhưng hiệu quả kinh tế lớn và họat động dựa theo sự lên xuống của thủy triều (còn gọi là con nước).

Phổ biến nhất là các lọai đáy chạy, là nghề đáy di chuyển theo sự thay đổi của gió từng mùa, theo sự thay đổi của dòng chảy; có 02 lọai: đáy neo (đáy chỉ) và đáy mong (đáy mùng), thường thì 01 chủ đáy chỉ sắm kèm theo 02-03 miệng đáy mùng để tận dụng hết dòng chảy của sông. Mỗi chủ sở đáy phải có 01 chiếc ghe máy vừa để phục vụ sản xuất, vừa để di chuyển chuyên chở sản phẩm, vừa là nơi ăn ở sinh họat; mỗi chiếc ghe thường trang bị động cơ có công suất từ 15-20 mã lực và các thiết bị giản đơn.

Đặt vấn đề: Vấn đề đặt ra ở đây chính là việc quản lý của các ngành chức năng đối với các chủ sở đáy (con người), phương tiện (ghe máy) và họat động đánh bắt (khai thác thủy sản):

1/ Con người:

   - Trên 90% chủ sở đáy và những người làm công (bạn đáy) có trình độ văn hóa rất thấp, đa số chỉ học hết bậc tiểu học, một số chỉ biết đọc và biết viết; do đó nhận thức về Luật giao thông đường thủy nội địa, Luật thủy sản rất kém hoặc có nghe tuyên truyền nhưng không hiểu và không quan tâm.

   - Cũng do trình độ văn hóa kém nên hầu hết đều không có ai tham gia các trường lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hay các lớp dạy về các quy định trong giao thông đường thủy, trật tự an tòan giao thông và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Kiến thức về lái ghe hay sửa chữa ghe đều do những người cùng nghề có kinh nghiệm truyền đạt lại,

   - Đây là 01 nghề cha truyền con nối được hình thành từ xa xưa nên hầu hết những chủ sở đáy đều có mối quan hệ thân tộc với nhau, nếu không cũng đều là những người cùng 01 địa phương, nên đều do 01 người có vị trí cao trong dòng tộc đại diện, chỉ huy khi phải quan hệ với cơ quan luật pháp.

2/ Phương tiện:

   - Tương tự, có trên 90% là những ghe cũ được tu bổ lại nhiều lần (kể cả vỏ ghe lẫn động cơ), thậm chí có những ghe được mua bán sang tay nhiều lần, không chứng minh được chủ quyền và cũng không có bảo hiểm.

   - Hầu hết các phương tiện này đều không trang bị dụng cụ chống cháy, chống đắm và không có cả phao cứu sinh theo quy định.

   - Có rất ít phương tiện có đủ các lọai giấy tờ như: giấy đăng ký, đăng kiểm, bằng thuyền trưởng,máy trưởng, giấy phép khai thác thủy sản…

3/ Khai thác:

   - Họat động đánh bắt của nghề đáy là đặt túi lưới đón dòng chảy của sông rạch để hứng thủy sản (mỗi túi có miệng rộng 30m), nhiều đáy đặt liền kề nhau để tận dụng hết dòng chảy; do đó sẽ gây cản trở giao thông đường thủy, hoặc gây tai nạn nếu các phương tiện khác không tránh được. Đôi khi có trường hợp đáy bị đứt neo, lưới trôi vào chân vịt của các tàu khác sẽ làm hư hỏng.

   - Hình thức đánh bắt này làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản do sử dụng mắt lưới nhỏ, thu họach tất cả các lòai thủy sản từ nhỏ đến lớn và ít có lòai còn sống khi lên bờ.

Như vậy, nghề khai thác thủy sản này có rất nhiều hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, lĩnh vực thủy sản; do đó các cơ quan quản lý cần có các giải pháp phù hợp để chấn chỉnh. 

Tình hình quản lý: Trước đây, lực lượng Thanh tra giao thông đường thủy, Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã tiến hành nhiều đợt tuần tra, kiểm tra, kiểm sóat và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính; nhưng tình hình cũng chưa cải thiện được nhiều vì những lý do sau:

- Đa số là dân nghèo, không có ruộng đất sản xuất nông nghiệp và không có nghề nghiệp khác, nên trong quá trình xử lý các lực lượng còn nương nhẹ và thiếu kiên quyết.

- Họ đã có kinh nghiệm đối phó với lực lượng kiểm tra nên đã có những phương pháp như: thông tin cho nhau trốn lên bờ khi phát hiện có đòan kiểm tra, đưa phụ nữ trẻ em khóc lóc và dọa tự tử, nhấn chìm đáy xuống sâu để phi tang...

- Chưa phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý và giữa các địa phương nên các sở đáy thường di chuyển qua lại các vùng để né tránh.

Đề xuất giải pháp:

1/ Các đơn vị chức năng, các địa phương phối hợp chặt chẽ với nhau; thống nhất họat động kiểm tra xử lý, cùng tiến hành kiểm tra đồng loạt và kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Họat động này phải được tổ chức thường xuyên theo định kỳ và có Ban chỉ huy thống nhất.

2/ Xây dựng 01 chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho các chủ sở đáy khi đã bị xử lý tịch thu công cụ sản xuất và phương tiện, có cam kết và có giám sát của chính quyền địa phương nơi cư trú.

3/ Ban chỉ huy thống nhất có kế họach làm việc với chính quyền địa phương của các chủ đáy nơi đang cư trú, nhằm tổ chức vận động các hộ chuyển đổi nghề nghiệp hoặc xây dựng các giải pháp phù hợp thực tế của địa phương để tạo công ăn việc làm cho họ.                              

4/ Lực lượng Công an của địa phương nơi chủ đáy sản xuất phải thường xuyên kiểm tra việc di chuyển, cư trú của chủ sở đáy và bạn đáy, kiên quyết trục xuất các hộ vi phạm pháp luật và thông báo về địa phương nơi cư trú.

II- Nghề nuôi cá bằng lồng, bè:

Nuôi cá bằng lồng, bè là một lọai hình sản xuất nông nghiệp chuyên về nuôi trồng thủy sản thường bắt gặp phổ biến ở các vùng đồng bằng sông Cửu Long, hoặc đã có một thời gian rất phát triển ở vùng sông La Ngà, tỉnh Đồng Nai. Và gần đây nhất, nhiều nông dân đã đưa bè cá từ sông La Ngà về sông Tắc thuộc quận 9, thành phố Hồ Chí Minh nhằm tận dụng ưu thế về dòng chảy của con sông này để nuôi cá.

Ban đầu, số lượng bè cá chỉ vào khỏang hơn 30 cái (2001), đa số là của nông dân ở nơi khác đưa về, nhưng dần về sau số lượng đã tăng lên đến trên 300 cái bè và gần 400 cái lồng (năm 2007). Chủ sở hữu của các lồng, bè mới này đều là người dân thành phố và các cư dân địa phương do nhìn thấy lợi nhuận của hình thức nuôi này nên đã mạnh dạn đầu tư, đồng thời các chủ cũ cũng phát triển thêm.

Đối tượng nuôi là cá Điêu hồng, cá Rô phi dòng Gift, với năng suất 4 tấn/bè cá (có kích thước 3 x 10 x 2,8m) mỗi chủ nuôi (thường sở hữu từ 3 bè trở lên) thường có lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm, do đó chỉ trên đọan dài 5 km của sông Tắc đã dày đặc các lồng, bè nuôi cá.

1/ Vấn đề quản lý: Ngay từ đầu, việc neo đậu của của các bè cá theo hướng tự phát, tự thỏa thuận giữa các chủ bè với nhau như: không cản luồng nước, không sát vào nhau và không chiếm luồng tàu chạy…và cũng do số lượng ban đầu còn ít nên các cơ quan chức năng không tổ chức quy họach cho phù hợp. Nhưng đến khi số lượng đã gia tăng đến mức báo động thì các cơ quan chức năng mới tập trung giải quyết.

Hậu quả của việc gia tăng số lượng lồng, bè không theo quy họach đó là:

- Thiếu chỗ neo đậu nên các lồng, bè đã giãn ra hàng ngang: có cái thì neo vào sát bờ gây mất an tòan hành lang bảo vệ; có cái thì lấn chiếm luồng tàu chạy gây nguy hiểm cho giao thông đường thủy; có cái thì neo gần cầu Trường Phước gây nguy cơ làm sập cầu (nều đứt neo); có cái thì neo ngay khúc quanh của sông (cách cầu 200m, đã bị che tầm nhìn) dễ gây tai nạn cho các phương tiện khác…

- Mỗi chủ bè đề có từ 1-2 chiếc ghe nhỏ, trang bị động cơ từ 10-15cv, thậm chí chỉ có 01 ghe chèo nhỏ để chuyên chở vật tư và là phương tiện nối với đất liền. Những người điều khiển các phương tiện này đều có trình độ văn hóa kém nên hầu hết đều không có ai tham gia các trường lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hay các lớp dạy về các quy định trong giao thông đường thủy, trật tự an tòan giao thông và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Kiến thức về lái ghe hay sửa chữa ghe đều do những người cùng nghề có kinh nghiệm truyền đạt lại,

Tương tự như nghề đáy chạy, có trên 90% là những ghe cũ được tu bổ lại nhiều lần (kể cả vỏ ghe lẫn động cơ) và hầu hết các phương tiện này đều không trang bị dụng cụ chống cháy, chống đắm, phao cứu sinh và các lọai giấy tờ như: giấy đăng ký, đăng kiểm, bằng thuyền trưởng,máy trưởng, giấy phép khai thác thủy sản…theo quy định

- Đặc điểm tốc độ dòng chảy của sông Tắc là chậm  nên với một lượng thức ăn dư thừa và chất thải do cá, con người thải ra đã làm ô nhiễm nghiêm trọng con sông Tắc, hậu quả là năng suất nuôi các năm sau giảm hơn năm trước, thậm chí có những bè cá chết sạch. Đến năm 2008 thì nhiều chủ bè cá đã phải bỏ nghề hoặc di chuyển bè đi nơi khác.

2/ Giải pháp: Để giúp các cơ quan quản lý tránh bị động khi xuất hiện tình trạng  phát triển tự phát như trên, xin đề xuất một số giải pháp sau:

- Chính quyền địa phương cần rà soát lại các lưu vực sông trên địa bàn, qua đó tổ chức quy hoạch vùng nuôi cho các bè cá, trình UBND TP phê duyệt và tiến hành việc đăng ký nuôi.

2/ Khảo sát thật kỹ hiện trạng của con sông, dòng chảy để từ đó sắp xếp lại việc neo đậu của các lồng bè vừa phù hợp với thực tế, vừa phù hợp với các quy định của Bộ Giao thông -Vận tải, của UBND TP HCM.

3/ Tổ chức tập huấn cho tất cả chủ bè cá và người lao động về an tòan giao thông đường thủy nội địa, về an tòan vệ sinh thủy sản; sau đó mỗi chủ bè phải làm cam kết thực hiện đúng các quy định đã được hướng dẫn.

4/ Bắt buộc tất cả các bè cá (kể cả các phương tiện giao thông thủy) phải thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm (vì bè cá được quy định như tàu cá); phải trang bị đầy đủ các trang thiết bị chống đắm, chống cháy và  phao cứu sinh.

Đặc biệt, mỗi bè cá phải có thùng rác và hố xí tự họai, tuyệt đối không được xả, thải rác và chất thải sinh họat trực tiếp xuống sông.

5/ Tổ chức cho các người điều khiển ghe được đi học lái ghe. Thường xuyên tổ chức kiểm tra và phải kiên quyết xử lý đúng pháp luật các trường hợp vi phạm để phòng ngừa.

Nếu thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, tình hình an toàn giao thông thủy và nguồn lợi thủy sản mới được đảm bảo.

                                                                   Trịnh Biên


Số lượt người xem: 8346    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm