Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chỉ thị 228/CT-BNN-NTTS ngày 25/01/2008 về việc phát triển nuôi tôm chân trắng và Quyết định số 456/QĐ-BNN-NTTS ngày 04/02/2008 v/v ban hành một số quy định về điều kiện sản xuất giống, nuôi tôm chân trắng, cho phép các tỉnh Nam bộ được nuôi tôm chân trắng nhưng phải nuôi theo hình thức thâm canh và phải thực hiện đúng Tiêu chuẩn ngành 28 TCN 191: 2004 Vùng nuôi tôm - Điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và UBND các địa phương tổ chức triển khai và tuyên truyền cho các hộ nông dân thực hiện đúng các quy định nêu trên.
Với các văn bản số 315/SNN-TS ngày 12/3/2008 v/v phát triển nuôi tôm Thẻ chân trắng và văn bản số 871/SNN-TS ngày 20/6/2008 v/v phát triển nuôi tôm Thẻ chân trắng tại huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với UBND huyện Nhà Bè, Cần Giờ khảo sát và quy hoạch các vùng nuôi hội đủ những điều kiện được quy định tại 28 TCN 191: 2004 để phát triển nuôi tôm chân trắng (TCT); đồng thời Trung tâm Khuyến nông cũng đã phối hợp Chi cục QLCL-BVNLTS tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi và các văn bản pháp quy cho nông dân 02 huyện.
Tuy nhiên, để các hộ nuôi tôm hiểu rõ hơn các quy định của Bộ NN-PTNT cũng như những điều có lợi và có hại khi muốn phát triển nuôi tôm chân trắng, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Phòng NN-PTNT 02 huyện Nhà Bè, Cần Giờ tổ chức 02 buổi hôi thảo về nuôi tôm chân trắng.
Tại hội trường Trung tâm văn hóa xã Hiệp Phước-huyện Nhà Bè, ngày 12/8/2008 hội thảo được tổ chức với hơn 80 người tham dự, trong đó ngoài các hộ nuôi tôm còn có cơ quan quản lý sản xuất nông nghiệp của địa phương và thành phố. Và đến ngày 14/8/2008, cuộc hội thảo thứ 2 đã được tổ chức tại hội trường Trạm Kiểm dịch Thủy sản, địa chỉ: ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông-huyện Cần Giờ với khoảng 85 người tham dự
Trong các buổi hội thảo, nhiều báo cáo đã được trình bày gồm: nguồn gốc TCT và sự phát triển cũng như những tác hại về môi trường nếu không tuân thủ các quy định, các văn bản pháp quy và các yêu cầu kỹ thuật. Cũng tại hội thảo, ban tổ chức cũng đã trả lời và ghi nhận những đề xuất của nông dân và chính quyền địa phương như: các ao không nằm trong vùng quy hoạch có được nuôi không?, tại sao ao nuôi tôm Sú thất bại nhưng chuyển sang nuôi tôm Thẻ lại thành công, tiêu thụ ra sao?, đề nghị cho vùng ấp 4 xã Hiệp Phước được nuôi TCT, được vay vốn nuôi TCT và được hỗ trợ lãi vay theo Quyết định 105/2006/QĐ-UBND.
Kết thúc hội thảo, lãnh đạo 02 huyện và Sở NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai các công tác quy hoạch, thẩm định điều kiện, tuyên truyền tập huấn và kiểm tra kiểm soát nguồn giống và quy trình nuôi để hạn chế những rủi ro.
Trịnh Biên
Phòng Thủy sản- Sở Nông nghiệp và PTNT