Theo báo cáo của các chuyên gia, Dự án AR-CDM là một loại dự án còn hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam; xuất phát từ Nghị Định thư KYOTO-Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi của khí hậu được thông qua vào tháng 01 năm 1997, nhằm ngăn ngừa sự nóng lên trên toàn cầu do gia tăng nồng độ khí nhà kính (GHG) trong sinh quyển. Công ước trên được Nhà nước ta tham gia ký kết vào tháng 9/2002 và có hiệu lực từ tháng 02/2005.
Cơ chế phát triển sạch (CDM) là một trong những cơ chế giúp cho các bên tham gia Công ước thực hiện cam kết chỉ tiêu giảm phát thải GHG ở quốc gia mình. Đơn vị tính khối lượng giảm khí phát thải (khả năng hấp thụ khí CO2) trong môi trường tính bằng tấn và được kiểm tra, đánh giá, cấp tín chỉ Carbon (CER) bởi cơ quan kiểm chứng của Liên Hiệp Quốc.
Dự án trồng rừng mới và tái trồng rừng theo cơ chế phát triển sạch (AR-CDM) là một trong những loại dự án mà Chính phủ Việt Nam đang cố gắng xúc tiến nhằm giảm thiểu lượng khí phát thải (GHG). Theo dự kiến, một phần đất trống có thể được sử dụng cho các dự án AR-CDM vì mục tiêu phát triển bền vững cộng đồng dân cư nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi của nước ta.
Dự án AR-CDM cũng giống như các dự án trồng rừng thông thường ở nước ta là nhằm cải thiện môi trường, bảo vệ vùng đầu nguồn, vùng ven biển, đa dạng sinh học, cải thiện chất lượng nguồn nước… tạo nguồn thu nhập mang lại từ lợi ích của gỗ và lâm sản ngoài gỗ… và phát triển bền vững tại các vùng nông thôn. Tuy nhiên ở dự án AR-CDM có một số điểm khác biệt, đó là :
+ Dự án được đăng ký, thẩm định, chứng nhận bởi cơ quan Liên Hiệp Quốc.
+ Sự đóng góp về mặt quốc tế trong việc giảm lượng khí phát thải hiệu ứng nhà kính được thừa nhận thông qua việc cấp tín chỉ Carbon (CER).
+ Lợi ích kinh tế được cộng thêm thông qua việc bán CER (Tín chỉ Carbon) được tạo ra. (Dự án AR-CDM quy mô thông thường phải chứng minh đạt được giá trị gia tăng giảm phát thải > 8.000tấn-CO2 /năm và Dự án qui mô nhỏ phải chứng minh đạt giá trị gia tăng giảm phát thải < 8.000tấn-CO2/năm)
+ Nhằm thu hút đầu tư tài trợ từ các công ty nước ngoài vì ý thức trách nhiệm xã hội chung.
+ AR-CDM chỉ giới hạn ở các hoạt động trồng rừng mới và tái trồng rừng. Đối với Trồng rừng mới theo CDM điều kiện là trồng trên vùng đất trước đây không có rừng tối thiểu trong một giai đoạn là 50 năm. Đối với Tái trồng rừng, điều kiện là trên vùng đất đã từng có rừng nhưng bị biến thành đất không có rừng kể từ ngày 31/12/1989. Theo AR-CDM “Rừng” ở Việt Nam được xác định với điều kiện: Diện tích tối thiểu là 0,5ha; độ tàn che tối thiểu là 30%; chiều cao tối thiểu của cây ở độ thuần thục là 3 mét.
Hiện nay, ở nước ta, đoàn chuyên gia JICA Nhật Bản và các đối tác đã xây dựng thí điểm 01 dự án AR-CDM với qui mô nhỏ khoảng 376,7 Ha, ở 2 xã Xuân Phong và Bắc Phong, thuộc huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, nhằm rút ra các bài học kinh nghiệm cho các dự án AR-CDM ở Việt Nam.
Theo các chuyên gia, trong quá trình xúc tiến, triển khai thực hiện Dự án trồng rừng theo cơ chế sạch (AR-CDM) ở nước ta đã có những khó khăn, trở ngại chủ yếu như sau:
♦ Giai đoạn xây dựng dự án lâu.
♦ Rủi ro, thiệt hại bởi thiên tai (cháy rừng, gió bão..) và do con người cao.
♦ Là những địa bàn khó tiếp cận dẫn đến chi phí cao.
♦ Giá trị lợi nhuận thu nhập bổ sung từ CER (tín chỉ carbon) có thể đạt được trong tương lai thì không rõ ràng, phụ thuộc vào giá thị trường.
♦ Thiếu kinh nghiệm về AR-CDM cũng như sự nhận thức chưa đầy đủ về AR-CDM.
♦ Khó mà trông chờ ý thức trách nhiệm về xã hội chung của nhà đầu tư nước ngoài.
Hy vọng rằng, Dự án AR-CDM tại Việt Nam với cơ chế phát triển sạch (CDM) trong thời gian tới ae4 mang lại sự nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng ngày càng cao, góp phần đầu tư cho phát triển ngành Lâm nghiệp nước nhà; phục hồi rừng và quản lý, phát triển rừng bền vững; ỗn định và nâng cao đời sống kinh tế cho đồng bào vùng nông thôn, miền núi.
Ghi chú: Các nhà đầu tư, các đối tác quan tâm đến Dự án AR-CDM muốn tìm hiểu chi tiết xin vào địa chỉ Website : http://ar-cdm.vfu.edu.vn hoặc muốn trao đổi, hỏi đáp, trợ giúp về dự án AR-CDM liên hệ theo địa chỉ thư điện tử: vfuhtqt@hn.vnn.vn
Tạ Văn Chính
Chi cục Lâm nghiệp Tp. Hồ Chí Minh