Nông dân cần có “tư duy công nghiệp”
“Nếu nghĩ rằng, nông nghiệp TPHCM chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu GDP, từ đó coi nông nghiệp nhẹ như tơ hồng là hoàn toàn sai lầm!” - Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải phát biểu nhấn mạnh khi gặp gỡ 20 nông dân sản xuất giỏi và lãnh đạo Huyện ủy Củ Chi vào ngày 16-9 để nghe góp ý xây dựng Chương trình hành động của Thành ủy TPHCM thực hiện NQTƯ 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Đồng chí Lê Thanh Hải phân tích: Cần đặt vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn của TPHCM vào tổng thể một thành phố có 1 triệu nông dân (gần bằng dân số của một tỉnh miền núi), một thành phố có sức lan tỏa lớn và được coi là một trung tâm khoa học công nghệ của cả nước, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng miền Đông Nam Bộ thì mới thấy hết tầm quan trọng và nhiệm vụ chiến lược của Đảng ta về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Dường như hiểu được tầm quan trọng này, nên nông dân huyện Củ Chi phát biểu khá sôi nổi nêu lên những khó khăn, vướng mắc đối với đầu ra sản phẩm nông nghiệp, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, cây con giống chất lượng cao thiếu thốn, thủ tục vay ngân hàng rườm rà… Đồng chí Lê Thanh Hải hoan nghênh phát biểu thẳng thắn, mộc mạc, chân tình của nông dân và cho đó là những ý kiến xác đáng, bổ ích đối với đoàn khảo sát Thành ủy. Chính điều này đặt ra cho TPHCM đầu tư hiệu quả hơn nữa cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Đồng chí cho rằng, các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở các huyện ngoại thành TPHCM cần được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Nông nghiệp là cơ sở, nông thôn là địa bàn và người nông dân thì cần có “tư duy công nghiệp”. Như vậy, việc xây dựng TPHCM xã hội chủ nghĩa, văn minh hiện đại cũng đồng thời xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn xã hội chủ nghĩa, văn minh hiện đại.
Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở huyện Củ Chi nói riêng và các huyện ngoại thành nói chung phải phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên và thế mạnh của địa phương, tức là làm sao sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, trước hết là đất đai, lao động, phát huy sức mạnh hội nhập quốc tế ở TP có truyền thống năng động, sáng tạo.
“Các đồng chí huyện Củ Chi nói rằng nhiều diện tích đất nông nghiệp ở huyện còn hoang hóa, vậy tại sao các đồng chí không tự hỏi mình đó là trách nhiệm của huyện, của xã, mà lại kiến nghị với TP? Cốt lõi của vấn đề nông dân là giảm khoảng cách giàu-nghèo trong xã hội. Xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hòa thuận, dân chủ, có đời sống văn hóa phong phú, đó là một động lực cho quá trình phát triển!” - Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải khẳng định.
Mô hình làm giàu từ cá sấu, cá kiểng
Sau khi nghe những nông dân nói, đồng chí Lê Thanh Hải cùng các thành viên trong đoàn công tác Thành ủy trực tiếp đến thăm trại chăn nuôi cá sấu của ông Trần Văn Nga.
Với diện tích 7 ha, vợ chồng ông Nga nuôi 20.000 cá sấu (chưa kể 30.000 con nuôi ở các tỉnh khác); năm 2007, xuất khẩu sản phẩm da cá sấu tới 5 nước (Nhật, Pháp, Ý, Hàn Quốc, Trung Quốc), doanh thu đạt 2,5 triệu USD. Cơ sở của ông Nga còn xây một phân xưởng chế biến các sản phẩm từ da cá sấu với công suất 25.000 tấn da/năm (hiện nay mới chỉ sử dụng 50% công suất).
“Tôi không dám nhận đặt hàng theo yêu cầu của đối tác nước ngoài vì nguyên liệu da không đáp ứng nổi. Nếu thành phố cho vay vốn, tôi sẽ mở rộng quy mô nuôi 150.000 con, thu hút việc làm cho 200 lao động, hoặc nhờ bà con trong huyện nuôi gia công cho cơ sở, coi đây như một phương thức để giúp bà con nông dân vượt nghèo” - ông Nga nói.
Bí thư Thành ủy tán thành: “Mô hình chăn nuôi cá sấu của ông vừa trúng, vừa đúng với nghị quyết Đảng! TP sẽ nghiên cứu chính sách khuyến khích cho vay, giúp cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ và tạo điều kiện để nâng cao chất lượng chế biến sản phẩm da cá sấu. Có thể TP tăng nguồn vốn vay ưu đãi và tăng thời gian cho vay”. Trước đó, đồng chí Lê Thanh Hải đến thăm Công ty cổ phần Sài Gòn cá kiểng (ở ấp Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) của một nông dân. Cơ sở này có diện tích 8 ha, nuôi 100 loài cá giống, giải quyết việc làm cho 80 lao động, năm 2007 xuất khẩu đạt 1 triệu USD…
“Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở TPHCM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và đoàn thể TPHCM cần phát động tinh thần yêu nước, phát huy nỗ lực to lớn trong cư dân nông thôn. Nếu làm tốt, vị thế chính trị của người nông dân ở TPHCM sẽ được nâng lên và cùng với công nhân, đội ngũ trí thức tạo nên nền tảng chính trị vững chắc” - đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải kết luận.
Nguồn: Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG - TUẤN SƠN