SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
9
0
5
2
5
1
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 07 Tháng Mười Một 2007 2:15:00 CH

Kết quả làm việc với Tập đoàn Chinfon - Đài Loan về Dự án phát triển nông thôn mới tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh trong ba ngày 29, 30 và 31/10/2007

Thực hiện Dự án Phát triển nông thôn toàn diện trên địa bàn huyện Củ Chi theo Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tập đoàn Chinfon - Đài Loan, trong ba ngày 29, 30 và 31 tháng 10 năm 2007, các cơ quan, đơn vị có liên quan của Việt Nam đã họp và làm việc với Tập đoàn Chinfon - Đài Loan theo tiến độ của dự án. Kết quả đã thống nhất các nội dung sau đây:
 
   

          1.- Về mô hình cây ăn trái:

          1.1.- Thống nhất chọn xã Trung An thực hiện mô hình cây ăn trái với mục tiêu tăng thu nhập cho người nông dân tại xã Trung An, xây dựng khu mẫu với 70 nông dân tham gia, trên diện tích 40 ha trồng cây ăn trái với hình thức là tổ hợp tác. Áp dụng các biện pháp cải tạo vườn cũ và xây dựng vườn mới; trong đó tập trung cải tiến vườn cây ăn trái hiện có (gồm các loại cây trồng chính như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt) và khảo sát cụ thể để trồng thêm một số loài cây ăn trái ngắn ngày khác như ổi, mận, bưởi,… nhằm phát triển du lịch sinh thái. Định hướng sản xuất theo quy trình GAP; quy trình kỹ thuật canh tác mang tính chất toàn diện, chú trọng năng suất, chất lượng và công nghệ sau thu hoạch.

          1.2.- Phân công thực hiện:

- Tập đoàn Chinfon – Đài Loan chuyển giao kinh nghiệm về tổ chức hoạt động của nông hội Đài Loan, kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

- Chi cục Phát triển nông thôn và Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - Cơ sở phía Nam, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam và chuyên gia Đài Loan để hỗ trợ chuyển giao, nâng cao trình độ kỹ thuật cho nông dân; hỗ trợ thành lập tổ hợp tác và định hướng sẽ phát triển thành hợp tác xã sản xuất cây ăn trái.

- Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp phối hợp với Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam và chuyên gia Đài Loan tập huấn cho nông dân về kỹ năng và các vấn đề liên quan đến xúc tiến thương mại.

          1.3.- Kế hoạch thực hiện:

- Năm 2007:

+ Tháng 11 năm 2007: Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp Trung tâm Khuyến nông, Phòng Kinh tế huyện Củ Chi, Ủy ban nhân dân xã Trung An, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam và Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - Cơ sở phía Nam tiến hành điều tra khảo sát để hình thành tổ hợp tác nhằm thực hiện mô hình; và thành lập Tổ kỹ thuật bao gồm các cán bộ, nông dân có trình độ, khả năng tiếp thu những kỹ thuật mới và chuyển giao khác.

+ Tháng 12 năm 2007: Tổ chức đợt tập huấn đầu tiên cho nông dân. Trung tâm Khuyến nông chịu trách nhiệm đề nghị những nội dung cần tập huấn để Tập đoàn Chinfon - Đài Loan và Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam chuẩn bị tài liệu và cử chuyên gia tập huấn; đồng thời, tiến hành chỉ đạo kỹ thuật ngay tại vườn cây ăn trái về bón phân, chăm sóc, chẩn đoán và phòng trừ sâu bệnh.

- Năm 2008: Tổ chức 03 đợt tập huấn cho nông dân:

+ Đợt 1: Trước khi thu hoạch: hướng dẫn cho nông dân cách xác định quả chín và phương pháp thu hoạch, bảo quản chất lượng.

+ Đợt 2: Sau khi thu hoạch: hướng dẫn cho nông dân về kỹ thuật cắt cành, tỉa ngọn, bón phân và vệ sinh đồng ruộng.

+ Đợt 3: Lúc cây ở giai đoạn ra hoa, hướng dẫn cách bón phân và phòng trừ sâu bệnh hại.

1.4.- Về kinh phí thực hiện:

Từ đây đến cuối năm 2007, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn – Cơ sở phía Nam sẽ chuyển khoản kinh phí cho Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam và Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam thực hiện. Riêng kinh phí để trồng thêm một số loài cây ăn trái ngắn ngày khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố thống nhất hỗ trợ nhưng phải thực hiện đúng theo quy định hiện hành của Nhà nước về công tác khuyến nông.

          2.- Về mô hình rau:

          2.1.- Thống nhất chọn xã Nhuận Đức thực hiện mô hình rau, thực hiện mô hình mẫu trên diện tích 30 ha, với 44 nông dân tham gia, tập trung  04 loại cây chính gồm ớt, khổ qua, dưa leo và bầu, mỗi loại 02 nông dân tham gia làm điểm mẫu; ngoài ra khảo sát để trồng thêm cây măng tây. Cần tác động các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nhất là công nghệ sau thu hoạch.

          Tổ tư vấn sẽ chọn 08 nông dân làm nòng cốt cho mô hình (02 nông dân cho mỗi loại cây chính). Các hoạt động tư vấn sẽ trực tiếp thông qua 08 nông dân này và sau đó nhân rộng ra các hộ nông dân khác. Quan điểm tư vấn được thống nhất như sau: trước hết, tìm hiểu kỹ thuật canh tác của nông dân tại chỗ, kết hợp với kỹ thuật canh tác tại Đài Loan; sau đó đề ra giải pháp tư vấn về kỹ thuật.

          2.2.- Nhóm rau gồm có 02 bộ phận:

- Nhóm chuyên gia tư vấn chuyển giao kỹ thuật, gồm có:

+ Ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật.

+ Giáo sư Trương Vũ Nam, Chuyên gia Đài Loan về rau, hoa.

+ Tiến sĩ Ngô Quang Vinh, Trưởng Phòng Nghiên cứu cây thực phẩm - Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam.

+ Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nhuận Đức.

- Nhóm kỹ thuật và cơ chế chính sách, gồm các cán bộ kỹ thuật của nhóm tư vấn và các đơn vị có liên quan.

          2.3.- Phân công thực hiện:

- Chuyên gia Đài Loan: Chuyển giao kinh nghiệm và các giải pháp tác động đến quy trình kỹ thuật (kể cả sơ chế, bảo quản) giúp cây trồng nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm; chuyển giao những kinh nghiệm về tổ chức hoạt động của nông hội Đài Loan.

- Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam: Hỗ trợ giúp nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật.

- Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn – Cơ sở phía Nam phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp: Chuyển giao kinh phí để tổ chức tập huấn, hướng dẫn các giải pháp giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm.

- Chi cục Bảo vệ thực vật: là cơ quan đầu mối tiếp nhận những thông tin, báo cáo và phối hợp với các đơn vị có liên quan để củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Hợp tác xã Nhuận Đức; phối hợp hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm giúp Hợp tác xã Nhuận Đức thực hiện tốt chức năng sản xuất - sơ chế - tiêu thụ sản phẩm.

- Hợp tác xã Nhuận Đức: Phối hợp với các cấp để vận động nông dân thực hiện mô hình; trực tiếp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã, thực hiện tốt chức năng sản xuất - sơ chế - tiêu thụ sản phẩm.

          2.4.- Kế hoạch thực hiện:

a/ Vụ Đông Xuân 2007 - 2008:

- Hợp tác xã Nhuận Đức phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật lập danh sách 44 hộ dân với 30 ha hiện có trong vụ Đông Xuân 2007 - 2008, chọn 08 nông dân để thực hiện mô hình ớt, khổ qua, dưa leo, bầu, mỗi loại cây trồng 02 người.

+ Tiêu chuẩn chọn nông dân: có trình độ, chịu tiếp thu và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật mới, có khả năng truyền đạt, hướng dẫn cho các nông dân khác.

+ Tập họp các nông dân còn lại cùng tham dự các buổi hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật của các chuyên gia để có thể ứng dụng cho quy trình sản xuất của họ.

- Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cử chuyên gia đến Hợp tác xã Nhuận Đức điều tra, khảo sát, ghi chép cụ thể tại đồng ruộng về phương pháp canh tác, chăm sóc, thu hoạch hiện nay và lập báo cáo đề xuất những vấn đề cần cải tiến. Đồng thời, tư vấn ngay cho nông dân các biện pháp kỹ thuật, giúp nông dân tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm trong phạm vi hiểu biết của các chuyên gia; tổ chức thử nghiệm một số biện pháp kỹ thuật.

- Quan điểm trong vụ Đông Xuân 2007 - 2008 (kể cả năm 2008): Chưa can thiệp vào cơ cấu cây trồng của nông dân, chủ yếu chỉ tiếp cận tìm hiểu tập quán canh tác, bám sát người nông dân từ khâu chuẩn bị làm đất, giống, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho đến khâu thu hoạch. Trong quá trình theo dõi, tư vấn về kỹ thuật giúp nông dân tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm. Từ đó, đề ra kế hoạch cụ thể năm 2008.

b/ Năm 2008:

- Hoàn thành báo cáo kết quả điều tra theo dõi và đề xuất các giải pháp kỹ thuật cần cải tiến nhằm nâng cao năng suất và chất lượng rau vào khoảng tháng 4 năm 2008.

- Tiến hành tổ chức các thử nghiệm áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới. Do nông dân có tập quán sản xuất lâu đời, khi đưa ra tư vấn phải đảm bảo chắc chắn, làm dần dần từng bước; có thể thử trước kỹ thuật mới, gíông mới, cách trồng mới trên diện tích nhỏ.

- Đầu năm 2008, mời chuyên gia Đài Loan sang hướng dẫn nông dân các biện pháp sơ chế, bảo quản sau thu hoạch như phân loại, đóng gói sản phẩm,…

3.- Về công tác đào tạo: (do Tập đoàn Chinfon - Đài Loan tài trợ).

          3.1.- Đào tạo ngắn hạn: Ngày 02 tháng 11 năm 2007, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố sẽ gửi đến Tập đoàn Chinfon - Đài Loan danh sách 08 cán bộ và nông dân đi học tại Đài Loan 14 ngày, vào cuối tháng 11 năm 2007, với những nội dung chủ yếu sau đây:

- Quy trình kỹ thuật canh tác một số loại rau sẽ thực hiện trong dự án và một số loại cây ăn trái, cây măng tây có khả năng ứng dụng tại dự án; đặc biệt chú ý đến công nghệ sau thu hoạch.

- Tìm hiểu các loại máy móc cơ giới nhỏ.

- Nghiên cứu thực tế hoạt động của tổ chức nông hội Đài Loan.

- Tham quan chợ bán buôn.

- Tham quan điểm thu hoạch và sơ chế, bảo quản hoa lan.

          3.2.- Đào tạo dài hạn: Trong tháng 11 năm 2007, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố sẽ gửi đến Tập đoàn Chinfon - Đài Loan danh sách cán bộ của Sở và Huyện để tuyển chọn 04 người đi học thạc sĩ tại Đài Loan. Hiện nay, Sở đã phỏng vấn đợt 1 đối với 10 người đăng ký. Đầu tháng 11 năm 2007, Sở sẽ phỏng vấn đợt 2 và gửi danh sách sang Tập đoàn Chinfon để phỏng vấn chính thức, sớm tạo điều kiện để các học viên học thêm Anh văn và Hoa văn. Danh sách sẽ được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.

                                             Văn phòng Sở Nông nghiệp và PTNT TPHCM


Số lượt người xem: 5553    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm