Đến nay, các quận huyện ngoại thành đạt nhiều thành quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội; thu nhập và đời sống nông dân, nhân dân được cải thiện, nâng cao; an ninh quốc phòng luôn ổn định, bộ mặt nông thôn liên tục đổi mới, văn minh, tiến bộ hơn.
Tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố luôn ở mức cao so với bình quân cả nước, năm sau cao hơn năm trước; giai đoạn 2001-2005 đạt bình quân 11%/năm (giai đoạn 1996-2000: bình quân 10,3%/năm); năm 2006: 12,2%/năm, năm 2007: 12,6%. Năm 2005, GDP của thành phố theo giá hiện hành đạt 164 nghìn tỉ đồng (tương đương 10,4 tỉ USD), năm 2007: 228,8 nghìn tỉ đồng.
Cơ cấu kinh tế chung của thành phố từng bước chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Năm 2001: nông nghiệp (khu vực I): 1,88%; công nghiệp (khu vực II): 46,19%; dịch vụ (khu vực III): 51,93%; năm 2005: nông nghiệp: 1,23%; công nghiệp: 48,15%; dịch vụ: 50,61%.; năm 2007: nông nghiệp: 1,1%; công nghiệp: 46,4; dịch vụ: 52,5%. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2001 - 2005 bình quân 6%/năm. Trong đó: trồng trọt giảm bình quân 3,4%/năm; chăn nuôi tăng 5,6%/năm; lâm nghiệp giảm 1,5%/năm; thủy sản tăng 22,6%/năm; dịch vụ nông lâm ngư nghiệp tăng 4,2%/năm. Năm 2007 tăng 6,5% so với năm 2006; trong đó trồng trọt tăng 7,8%, chăn nuôi tăng 15,1%, lâm nghiệp tăng 2,5%, thủy sản giảm 2,2%, dịch vụ nông lâm ngư nghiệp tăng 11,3%. Dự kiến năm 2008 giá trị sản xuất nông nghiệp tăng thêm 7%.
Cơ cấu kinh tế nông nghiệp có sự chuyển dịch tích cực. Năm 2001: giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp (giá thực tế) đạt 2.790 tỉ đồng, trong đó trồng trọt đạt 1.003 tỉ đồng (36%), chăn nuôi đạt 917 tỉ đồng (32,9%), lâm nghiệp: 93 tỉ đồng (3,3%); thủy sản: 510 tỉ đồng (18,3%); dịch vụ nông lâm ngư nghiệp 266 tỉ đồng (9,5%). Năm 2005: giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp (giá thực tế) đạt 3.825 tỉ đồng, trong đó trồng trọt đạt 1.018 tỉ đồng (26,6%), chăn nuôi đạt 1.283 tỉ đồng (33,5%), lâm nghiệp: 95 tỉ đồng (2,5%); thủy sản: 1.103 tỉ đồng (28,8%); dịch vụ nông lâm ngư nghiệp 326 tỉ đồng (8,5%). Năm 2007: giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp (giá thực tế) đạt 6.862,7 tỉ đồng, trong đó trồng trọt đạt 1.928,6 tỉ đồng (28,1%), chăn nuôi đạt 2.362,6 tỉ đồng (34,4%), lâm nghiệp 91,9 tỉ đồng (1,3%), thủy sản 1.695,7 tỉ đồng (24,7%), dịch vụ nông lâm ngư nghiệp 783,9 tỉ đồng (11,4%).
Từ năm 2001 đến nay, kinh tế - xã hội vùng nông thôn tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế của các quận chuyển dịch theo hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp; các huyện chuyển dịch theo hướng công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp. Sản xuất nông lâm ngư nghiệp liên tục phát triển, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi theo nhu cầu thị trường và đạt mức tăng trưởng khá cao trong điều kiện đất canh tác giảm dần; bình quân giai đoạn 2001 - 2005, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng 5,8%/năm, năm 2006 tăng 5%, năm 2007 tăng 6,5%. Trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội được quan tâm đầu tư, thu nhập, điều kiện sinh hoạt, văn hóa xã hội khu vực ngoại thành có tiến bộ đáng kể; gia đình chính sách, xoá đói giảm nghèo được quan tâm hỗ trợ, chăm lo tốt hơn. Lao động nông nghiệp và khu vực nông thôn ngoại thành tiếp tục chuyển dịch nhanh sang các ngành phi nông nghiệp.
Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành kịp thời các quyết định, qui định về quản lý thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước của thành phố, đã phân cấp cho các sở ngành, quận huyện quyết định đầu tư một số đối tượng dự án, phê duyệt thiết kế cơ sở, dự toán, tổng dự toán, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, kết quả đấu thầu ... (Quyết định số 155/2002/QĐ-UBND ngày 19 tháng 12 năm 2002, Quyết định số 109/2005/QĐ-UBND ngày 20 tháng 06 năm 2005, Quyết định số 126/2007/QĐ-UBND ngày 20/10/2007). Đồng thời, Ủy ban nhân dân thành phố đã có văn bản chỉ đạo kịp thời để giải quyết các vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, điều chỉnh bổ sung vốn đầu tư, công tác đấu thầu, chọn thầu ... Các Sở ngành, quận huyện và các chủ đầu tư đã phát huy tính chủ động, trách nhiệm trong công tác quản lý, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong việc huy động sức dân để thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, thực hiện đa dạng chủ trương xã hội hóa trong đầu tư các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội ...
Công tác giám sát, đánh giá đầu tư đã được các chủ đầu tư, các sở - ngành, quận - huyện quan tâm hơn, tỉ lệ số lượng các dự án thực hiện công tác giám sát đánh giá tăng hàng năm. Qua công tác giám sát đánh giá đầu tư đã giúp cho các chủ đầu tư nâng cao trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện dự án, rà soát kiểm tra kỹ hơn các thủ tục đầu tư, đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành. Thông qua việc thực hiện giám sát đánh giá dự án, các chủ đầu tư chủ động điều hành thực hiện dự án theo tiến độ, kịp thời điều chỉnh các bất hợp lý trong quá trình đầu tư xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả trong đầu tư. Nhờ làm tốt công tác giám sát đánh giá dự án, đã xác định được các hành vi vi phạm quy chế đầu tư xây dựng của các bên trong quá trình thực hiện dự án. Từ đó, kiến nghị các hình thức xử lý nhằm lập lại trật tự kỷ cương trong đầu tư xây dựng. Tình trạng chủ đầu tư tự thực hiện các hạng mục phát sinh không báo cáo cấp có thẩm quyền đã giảm nhiều so với các năm trước.
Nhìn chung, về đầu tư hạ tầng cơ sở đối với nông nghiệp, nông thôn ngoại thành đã có những chuyển biến tích cực: chủ trương đầu tư, các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách (thành phố và quận huyện) đều đảm bảo về mặt chủ trương đầu tư, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển kinh tế ngành, tuân thủ đúng tinh thần Nghị quyết số 36/2004/QH11 của Quốc hội về chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng, đảm bảo các dự án đầu tư được giao kế hoạch trong năm phải phù hợp với qui hoạch và đầy đủ thủ tục theo qui định. Trong điều hành kế hoạch, Ủy ban nhân dân thành phố đã xem xét kỹ về tính cấp thiết của từng dự án, đảm bảo phù hợp đúng nguyên tắc, theo định hướng đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua “Huy động nguồn vốn đến đâu thì bố trí kế hoạch đến đó” theo khả năng thực hiện của dự án. Riêng đối với các dự án khởi công mới và chuyển tiếp năm sau, thành phố đã tuân thủ nghiêm ngặt việc trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, chấp thuận trước khi giao kế hoạch. Trong điều hành công tác đầu tư xây dựng trong thời gian qua, thành phố đã chỉ đạo việc rà soát, kiểm tra chặt chẽ tình hình thực hiện thực tế để cắt giảm vốn kế hoạch đối với các công trình, dự án không có khả năng thực hiện, đồng thời điều tiết, bổ sung cho các dự án có khả năng sử dụng hết vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành các công trình đưa vào sử dụng. Công tác đấu thầu các công trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng về cơ bản thành phố và các quận huyện đã triển khai; tổ chức thực hiện theo đúng qui định của Luật Đấu thầu, các qui định hiện hành về công tác quản lý đấu thầu. Thành phố cũng tích cực xây dựng và triển khai kế hoạch chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện quy hoạch ngành và các quận - huyện, hoàn thiện công tác quy hoạch cụ thể (bản đồ tỷ lệ 1/2.000), điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn làm căn cứ cho việc đầu tư đúng hướng, hạn chế đầu tư lãng phí không theo quy hoạch. Năm 2006, thành phố đã ban hành Chỉ thị số 12/2006/CT-UBND ngày 10 tháng 04 năm 2006 về kiểm tra các dự án đầu tư, công trình xây dựng có sử dụng vốn Nhà nước. Các sở - ngành và quận - huyện đã tổ chức tự rà soát, kiểm tra các dự án, công trình xây dựng cơ bản các dự án thuộc thẩm quyền của đơn vị.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được triển khai rộng khắp với nhiều mô hình hoạt động phong phú, đa dạng, như xây dựng ấp văn hóa, khu phố văn hóa, phường xã văn hóa. Đời sống văn hóa khu vực nông thôn ngoại thành đã có những chuyển biến tích cực, đạt được những thành tựu đáng kể, tác động tích cực trên các mặt an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống ma túy và bài trừ tệ nạn xã hội, xoá đói giảm nghèo. Đến cuối năm 2006, đã có 57/395 ấp văn hóa - khu phố văn hóa được công nhận, 1 xã văn hóa (xã Thái Mỹ), 206 công sở văn minh, sạch đẹp, an toàn/218 công sở đăng ký, 260 đơn vị văn hóa/295 đơn vị đăng ký; có 5 trung tâm văn hóa/5 huyện ngoại thành; 5 huyện có Đài truyền thanh được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, mạng lưới phát thanh đến 128 Đài truyền thanh ở các xã ngoại thành; 6/63 xã, thị trấn có trung tâm văn hóa thể thao xã, đã xây dựng 38 điểm bưu điện văn hóa xã, giải quyết nhu cầu sinh hoạt văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân khu vực ngoại thành.
Công tác xã hội tiếp tục đạt được những kết quả thiết thực, phong trào toàn thành phố chăm lo cho đồng bào nghèo, chăm lo bệnh nhân nghèo, đền ơn đáp nghĩa … ngày càng phát triển cả về qui mô và hình thức.
Thành phố đã tổ chức tổng kết 5 năm tình hình phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn ngoại thành theo tinh thần Nghị quyết số 13 Hội nghị Ban Chấp hành TW Đảng lần 5 (khóa IX) và chương trình hành động của Thành ủy về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể giai đoạn 2002 - 2005” và triển khai thực hiện các giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đến năm 2010.
Đến cuối năm 2007, trên địa bàn thành phố có 40 HTX nông nghiệp (3.131 tổ viên) và 427 tổ hợp tác. Các loại hình hợp tác khác vẫn tiếp tục phát triển như câu lạc bộ khuyến nông (120 câu lạc bộ), câu lạc bộ chăn nuôi bò sữa, câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, các hội, chi hội ngành nghề như trồng hoa, cây kiểng, nuôi thủy sản …
Các Sở ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư hỗ trợ nên kinh tế tập thể được củng cố, nâng cao hiệu quả và có bước phát triển khá so với năm 2002. Tuy nhiên, so với yêu cầu chung, nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn ngoại thành vẫn còn nhiều hạn chế: qui mô nhỏ, năng lực và nội lực các tổ chức HTX, tổ hợp tác còn yếu, hiệu quả hoạt động thấp, chưa tiếp cận được các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước do không có tài sản thế chấp, vốn góp của xã viên rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Thành phố đã triển khai các mô hình phát triển nông thôn mới theo hướng CNH, HĐH, hợp tác hóa và dân chủ hóa tại các xã Thái Mỹ (Củ Chi), Xuân Thới Thượng (Hóc Môn), Bình Chánh (Bình Chánh). Đến nay đã tổng kết, đánh giá cụ thể các thành quả đạt được, những tồn tại cần khắc phục. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 7 - 10%/năm (chỉ tiêu là 5%), giá trị sản xuất hàng hóa tăng gấp 2 - 3 lần so với khởi điểm xây dựng đề án, các chỉ tiêu về xã hội đều đạt mục tiêu đề án. Mô hình này sẽ được tổng kết, nhân rộng trong giai đoạn 2008 - 2010.
Ngoài mô hình phát triển nông thôn toàn diện tại 3 xã nói trên, từ cuối năm 2006, thành phố còn triển khai đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp qui mô cấp xã tại 13 xã phường của 5 huyện và quận 9; xây dựng các ấp, xã văn hóa vùng nông thôn ngoại thành. Đang phối hợp với Viện chính sách, Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu triển khai đề án phát triển nông thôn mới qui mô cấp huyện tại huyện Củ Chi (có sự tài trợ của tập đoàn Chinfon, Đài Loan); mô hình phát triển nông thôn tại ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi; đó là những mô hình đầu tư hiệu quả cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngoại thành./.
KS. Hoàng Thị Hồng
Phòng Kế hoạch-TC
|