BAN CHỈ HUY PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO THÀNH PHỐ
ĐIỆN:
Các sở - ban – ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện,
Các Tổng Công ty thành phố.
Theo Bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,4 độ Vĩ Bắc; 113,9 độ Kinh Đông trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa, cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 550km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 10 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 16 giờ ngày 17-11-2008, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,3 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển Ninh Thuận – Trà Vinh khoảng 260 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Tính từ tâm bão vùng bán kính gió mạnh từ cấp 6 trở lên khoảng 200 km.
Trong 24 đến 48 giờ tới, bão số 10 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km. Đến 16 giờ ngày 18-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Tính từ tâm bão vùng bán kính gió mạnh từ cấp 6 trở lên khoảng 200 km.
Thực hiện Công điện số 81/CĐ-TW hồi 18 giờ ngày 16-11-2008 của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương – Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn; để tránh chủ quan, thiếu sót, bị động trong ứng phó với mọi tình huống, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do tổ hợp bất lợi triều cường, xả lũ (hồ Dầu Tiếng), bão số 10 và có thể kết hợp mưa cường độ lớn gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố yêu cầu:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, các sở - ban - ngành, Tổng Công ty, đơn vị thành phố:
a) Tổ chức, bố trí trực ban 24/24 giờ nghiêm túc theo Quyết định số 02/QĐ-PCLB ngày 30-9-2008 của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố ban hành Quy định về công tác trực ban phòng, chống lụt, bão, thiên tai trên địa bàn thành phố và theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến, hướng đi của bão số 10 qua bản tin của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, trang web của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (http://www.nchmf.gov.vn) để ứng phó và xử lý kịp thời các tình huống.
b) Khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp phòng, tránh, ứng phó bão số 10 theo Phương án số 151/PA-PCLB ngày 02-7-2008 của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố và Phương án phòng, tránh, ứng phó bão của địa phương, đơn vị mình.
Nghiêm cấm các phương tiện hoạt động trên sông, kênh, rạch từ 18 giờ ngày 17-11-2008 đến khi Bão số 10 đi qua. Ủy ban nhân dân các quận – huyện phải chuẩn bị chu đáo phương án đảm bảo an toàn cho nhân dân tại các khu vực xung yếu, đặc biệt huyện Cần Giờ chuẩn bị chu đáo kế hoạch di dời dân ở xã đảo Thạnh An vào đất liền và các hộ dân có nhà ở ven sông, ven biển, trong rừng phòng hộ, vùng trũng thấp, có nguy cơ sạt lở, nhà đơn sơ (nhà lá, mái tôn, tường mỏng…) không đảm bảo an toàn đến các địa điểm tạm cư kiên cố, chắc chắn.
Hướng dẫn và trợ giúp nhân dân chằng chống nhà cửa để tránh đổ sập, hư hại, tốc mái khi bão, giông gió, lốc xoáy xảy ra. Bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông ở các bến đò, bến phà và các nơi bị ngập sâu để đảm bảo an toàn cho người dân.
c) Các quận - huyện có khu vực thường xuyên bị ngập úng (huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, quận Thủ Đức, quận Gò Vấp, quận 12…) đề phòng bão số 10 gây mưa lớn kết hợp với triều cường, xả lũ tạo nên tổ hợp của 04 yếu tố bất lợi, triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với tổ hợp bất lợi theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”. Chuẩn bị máy bơm để thực hiện thực hiện bơm chống úng ở những khu vực ngập sâu, không để ngập úng kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân.
2. Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố:
a) Tổ chức thực hiện Phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản trên địa bàn thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 147/QĐ-PCLB ngày 24-6-2008 của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố.
b) Thông báo thường xuyên và hướng dẫn cho các thuyền trưởng, chủ tàu thuyền hoạt động nghề cá, các phương tiện vận tải trên biển và dân cư ven biển biết khu vực nguy hiểm, vị trí, diễn biến của bão số 10 để chủ động phòng, tránh, ứng phó. Bằng mọi biện pháp sử dụng tất cả các phương tiện thông tin và truyền thông để thông báo và kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú tránh an toàn..
c) Hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu đúng quy cách để tránh bị va đập; kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, các sở đáy, chòi canh nuôi trồng thủy sản. Báo cáo thường xuyên tình hình tàu thuyền về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố.
d) Có biện pháp bảo vệ cho người và tài sản ở các khu du lịch, nhất là khu du lịch ven biển.
đ) Duy trì lực lượng, phương tiện thường trực tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn theo kế hoạch của đơn vị, địa phương mình và triển khai các biện pháp phòng, tránh, sẵn sàng tham gia ứng cứu và xử lý các tình huống.
3. Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, các cơ quan thông tấn báo chí kịp thời thông tin diễn biến của bão số 10, triều cường, xả lũ để các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân biết nhằm chủ động phòng, tránh, ứng phó đạt hiệu quả./.
KT. TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC
Lê Thanh Liêm
|