- Căn cứ Quyết định số 19/2002/QĐ-TTg ngày 21/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam”;
- Căn cứ vào kế hoạch hoạt động VSTBPN thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2006 - 2010 của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ TP.Hồ Chí Minh;
- Căn cứ vào kế hoạch của ngành Nông nghiệp - PTNT thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2006 - 2010 và kế hoạch hoạt động hàng năm, Ban VSTBPN Sở đã xây dựng kế hoạch hành động Vì sự tiến bộ phụ nữ, giai đoạn 2006 - 2010 và kế hoạch hoạt động hàng năm nhằm thực hiện 5 mục tiêu chiến lược VSTBPN Việt Nam, góp phần chăm cho phụ nữ của ngành Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) trên các lĩnh vực: lao động - việc làm, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội để tăng tỉ lệ nữ trong các cấp lãnh đạo và tăng cường năng lực hoạt động của bộ máy VSTBPN.
Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan chuyên môn, có 7 phòng ban và 19 đơn vị trực thuộc, giúp UBND thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực NN-PTNT. Ban Vì sự Tiến bộ Phụ nữ Sở gồm 09 người (04 nam, 5 nữ): 01 Trưởng ban, 02 phó ban và 06 thành viên. Tất cả đều là cán bộ kiêm nhiệm thuộc các phòng và đơn vị trực thuộc.
Để lồng ghép giới trong NN-PTNT, Sở đã căn cứ vào Nghị định 19/2003/NĐ-CP ngày 07/3/2003 của Chính phủ về Quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong việc bảo đảm các cấp đoàn thể tham gia quản lý nhà nước, ký kết và ban hành Nghị quyết liên tịch với 3 đoàn thể giai đoạn 2003 -2005 và giai đoạn 2006-2010. Trong đó, có Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh, với mục tiêu lồng ghép những giải pháp, tăng cường bình đẳng giới trong các chính sách, chương trình, dự án, các dịch vụ phục vụ NN-PTNT, kết hợp một cách hài hòa mục tiêu bình đẳng giới với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của ngành, thông qua chương trình liên tịch đã được ký kết:
- Sở Nông nghiệp-PTNT đã quán triệt nội dung Nghị định 19/2003/NĐ-CP ngày 07/3/2003 của Chính phủ và Nghị quyết liên tịch giữa Sở và 3 đoàn thể đến cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở và cán bộ, CNVC nhằm tạo nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các phòng ban, đơn vị, cán bộ, CNVC trong việc quan tâm, tạo điều kiện và đảm bảo cho các cấp Hội phụ nữ tham gia quản lý nhà nước.
- Hàng năm, Sở NN-PTNT và các đoàn thể căn cứ vào tình hình thực tế, khả năng tài chính của từng đơn vị để xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa Nghị quyết liên tịch sát với tình hình thực tế hoạt động của ngành và các đoàn thể. Định kỳ 6 tháng hay 01 năm có kiểm tra, đánh giá hoạt động phối hợp và định hướng nội dung hoạt động trong thời gian tới.
- Sở NN-PTNT đã triển khai thực hiện khá đầy đủ các qui định tại điều 2, 3, 4 của Nghị định 19/2003/NĐ-CP ngày 07/3/2003 của Chính phủ, cụ thể:
* Khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản dự thảo, chương trình kế hoạch phát triển thuộc lĩnh vực quản lý của ngành và có liên quan đến phụ nữ, Sở luôn mời sự tham gia thảo luận, góp ý kiến của Hội LHPN TP.HCM để có thể nắm bắt sâu sát vấn đề nhằm đưa ra những kế hoạch phù hợp với thực trạng nông nghiệp- nông thôn thành phố.
* Chủ động, tham mưu đề xuất với UBND thành phố mời Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thành phố tham gia với tư cách là thành viên các ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng (LMLM); Phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL, LXL); BCĐ xây dựng và phát triển nông thôn toàn diện (xã Xuân Thới Thượng- H.Hóc Môn, xã Thái Mỹ- H.Củ Chi, xã Bình Chánh -H.Bình Chánh); BCĐ Liên tịch xây dựng mô hình phát triển nông thôn mới tại ấp Chánh, xã Tân Thông Hội (H.Củ Chi); tham gia mô hình tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật để xây dựng mô hình cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái ở Trung An, Củ Chi; BCĐ Hội thi Môi trường xanh-sạch-đẹp; Hội thi Nhà nông đua tài; Hội thi An toàn VSLĐ,…Tạo điều kiện cho cán bộ Hội phụ nữ các cấp kịp thời nắm bắt các chủ trương, chính sách, có điều kiện tập hợp, giúp đỡ lực lượng lao động nữ ở khu vực nông thôn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội.
* Sở NN-PTNT đã phối hợp với Hội LHPN phổ biến kiến thức pháp luật của Nhà nước, các chủ trương, chính sách, hoạt động của ngành đến với chị em phụ nữ khu vực nông thôn. Đồng thời, thông qua Hội LHPN Việt Nam TP.Hồ Chí Minh, Sở cũng đã nhận được các kiến nghị, đề xuất của phụ nữ để tham mưu UBND thành phố, điều chỉnh các chủ trương, chính sách phù hợp. Cụ thể:
ü Phổ biến Luật Hợp tác xã và các văn bản dưới luật về phát triển kinh tế tập thể.
ü Phổ biến Quyết định 97, Quyết định 105 về một số cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế NN ở giai đoạn 2006-2010.
ü Chương trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (SH và VSMTNT); Chương trình rau an toàn (RAT); trồng hoa-cây kiểng; chăn nuôi bò sữa, heo, cá sấu, tôm, cá,..
ü Các kế hoạch phòng, chống dịch cúm gia cầm, bệnh LMLM trên gia súc; phòng chống rầy nâu, bệnh VL, LXL trên lúa,..
Kết quả đến nay có 747 phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, với 9.779 hộ tham gia đầu tư 1.246.385 triệu đồng. Vốn vay có hỗ trợ lãi suất là 738.908, triệu đồng. Trong đó, có 1.147 hộ nữ, chiếm tỉ lệ 11,8% tổng số hộ vay vốn; tổng kinh phí đầu tư 178.098 triệu đồng, chiếm tỉ lệ 14,28% tổng vốn đầu tư, vốn vay có hỗ trợ lãi suất là 111.680 triệu đồng, chiếm 15,11% tổng vốn vay theo chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế NN từ 27/7/2006 -30/10/2008.
Để người dân nói chung, chị em phụ nữ nói riêng vay vốn, đầu tư sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hạn chế bớt rủi ro, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị: Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chi cục Phát triển nông thôn lưu ý lồng ghép giới trong các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, phòng, chống dịch bệnh trên các loại cây trồng, vật nuôi. Kết quả đã phối hợp với đoàn thể các cấp tổ chức được 2.093 lớp tập huấn với 104.678 lượt thành viên tham dự; trong đó có 34.200 lượt thành viên là nữ tham gia, chiếm tỉ lệ 32,7%. Tính riêng 10 tháng đầu năm 2008, đã tổ chức được 498 lớp tập huấn với 14.988 lượt thành viên tham dự, trong đó có 4.652 lượt thành viên nữ, chiếm tỉ lệ 31%.
* Sở NN-PTNT đã chủ động lồng ghép giới trong các chương trình, dự án ngay từ đầu trước khi chuẩn bị xây dựng dự án để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và VSMTNT và được duyệt cấp kinh phí xuyên suốt quá trình triển khai thực hiện dự án, kể cả chi phí quản lý dự án. Trên cơ sở phối hợp làm thí điểm về VSMTNT giai đoạn 2001-2006 tại 43 xã phường với 6.300 hố xí, 229 hầm bioga từ nhiều nguồn khác, như: quỹ xoá đói giảm nghèo, quỹ MTTQ, quỹ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngân sách thành phố,…đến nay, Hội LHPN đã thu hồi gần như 100% vốn vay. Sở đã mạnh dạn đề xuất với Hội LHPNVN thành phố HCM chỉ đạo Hội LHPN các quận, huyện, xã, phường tiến hành điều tra hiện trạng VSMT nông thôn ở khu vực ngoại thành để ngành nông nghiệp xây dựng dự án VSMTNT giai đoạn 2007-2010. Sở đã tham mưu và được HĐND thành phố ban hành Nghị quyết 07/2007/NQ-HĐND ngày 05/7/2007 về một số cơ chế chính sách chăm lo cho khu vực nông thôn. Trong đó, có chính sách hỗ trợ đầu tư với mức 400.000đồng/1 hố xí, 1.000.000, đồng/1 hầm bioga; hỗ trợ 100% lãi suất vay cho nhân dân tham gia thực hiện dự án VSMTNT; và đặc biệt là HĐND, UBND thành phố đã đồng ý cho Hội LHPNTP mượn 20 tỉ để tham gia thực hiện dự án VSMTNT. Trên cơ sở Nghị quyết 07 của HĐND, Sở đã phối hợp với Hội LHPNTP, các Sở, ngành có liên quan tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định 26/2008/QĐ-UB ngày 01/4/2008 của UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt dự án VSMTNT giai đoạn 2008-2010, với mục tiêu phấn đấu vận động 100% hộ dân xây dựng hố xí hợp vệ sinh, 70% hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogaz (26.000 hố xí, 11.148 hầm biogaz) tại 11 quận-huyện với 50 xã, 25 phường tham gia, với tổng kinh phí là 267 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố chi hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ lãi suất, chi phí quản lý, tập huấn, tuyên truyền, vận động và xây dựng mô hình là 67 tỉ; người dân vay từ các tổ chức tín dụng là 200 tỉ, trong đó ngân sách thành phố cho Hội LHPNTP mượn 20 tỉ (lãi xuất bằng 0%) nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia thực hiện dự án. Trong năm 2008 sẽ giải ngân và xây dựng 5.300 hố xí, 1.008 hầm bioga.
* Hàng năm, Trung tâm nước SH và VSMTNT đều có kế hoạch phối hợp với các Sở ngành, đoàn thể chính quyền địa phương để tuyên truyền về nước sạch và VSMTNT thông qua “Tuần lễ quốc gia nước sạch và VSMTNT từ ngày 29/4 đến 06/5 và kéo dài đến Ngày môi trường thế giới 05/6, có kế hoạch tuyên truyền nước sạch gắn với VSMTNT, với sức khỏe của cộng đồng dân cư, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ, người già và trẻ em ở khu vực nông thôn.
Vừa qua, UBND thành phố đã chỉ đạo và giao cho Sở NN-PTNT (Trung tâm nước SH và VSMTNT) đầu tư xây dựng 111 trạm cấp nước tập trung với tổng công suất là 43.000m3/giây, cung cấp cho 48.600 hộ, tương ứng 253.128 nhân khẩu hiện đang sinh sống tại khu vực nông thôn. Chương trình nước SH và VSMTNT rất có ý nghĩa trong việc thực hiện 5 mục tiêu VSTBPN, nếu giải quyết tốt nước sạch và VSMTNT sẽ giúp chị em hạn chế bệnh phụ khoa; trẻ em, người già hạn chế bệnh đau mắt hột, tiêu chảy,…; nước sạch được kéo đến tận nhà giúp chị em đỡ phải gánh nước xa, không phải thức đêm để hứng từng xô nước,…đã giúp giải phóng sức lao động nữ, giúp chị em có thời gian rộng rãi để chăm sóc gia đình, con cái, có điều kiện để học tập, nâng cao trình độ, có công việc làm tốt hơn góp phần xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Đạt được những kết quả trên, xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu sau:
1/- Tình yêu: đa số cán bộ, công nhân, viên chức Sở NN-PTNT đều xuất thân từ nông thôn, có quá trình gắn bó máu thịt và có những tình cảm hết sức đặc biệt và sâu sắc đối với những người dân ở khu vực nông thôn.
2/- Niềm tin: Tin tưởng Hội LHPNVN- một tổ chức chính trị- xã hội, với đội ngũ cán bộ Hội năng động, linh hoạt, nhiệt tình, có kỹ năng tuyên truyền, vận động, tập hợp, hướng dẫn chị em thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chị đã phối kết hợp tốt với Sở NN-PTNT trong việc lồng ghép giới trong NN-PTNT để chăm lo cho người dân nói chung và phụ nữ khu vực nông thôn nói riêng.
3/- Trách nhiệm: trách nhiệm của Sở NN-PTNT là giúp UBND thành phố trong lãnh vực NN-PTNT.
4/- Sự đồng thuận: đã được sự đồng thuận thuận từ nhiều phía:
ü Từ Thành ủy, UBND thành phố và các Sở ngành, đoàn thể của thành phố;
ü Từ Đảng ủy, ban Giám đốc Sở, thủ trưởng và CBCNVC Sở NN-PTNT;
ü Từ Ban VSTB Thành phố, Hội LHPN các cấp;
Từ 4 nguyên nhân cơ bản trên đã thúc đẩy Sở phải suy nghĩ, tham mưu đề xuất những cơ chế chính sách, những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và gắn kết, lồng ghép giới trong NN-PTNT ngày một chặt chẽ hơn.
Mặc dù hoạt động của ngành NN-PTNT đã đạt được một số kết quả nhất định trong tăng cường bình đẳng giới trên các mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, …nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề liên quan bình đẳng giới cần được tiếp tục nghiên cứu, suy nghĩ, đề xuất giải quyết; đặc biệt là ở giai đoạn nước ta đã gia nhập WTO có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức mà người nông dân, những người phụ nữ, những người nghèo ở khu vực nông thôn là người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Với tình yêu quê hương, niềm tin đối với Hội LHPN, trách nhiệm và đặc biệt là được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, sự thống nhất cao trong nội bộ ngành NN-PTNT, của Ban VSTBPN thành phố, Hội LHPN các cấp và của tất cả chị em phụ nữ, Ban VSTBPN Sở NN-PTNT sẽ cố gắng học tập, nghiên cứu Nghị quyết 11 của Bộ chính trị và Chương trình hành động của Thành ủy về “Công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”, Nghị quyết 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ và Chương trình hành động của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện Nghị quyết lần thứ 7 BCHTW Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để tham mưu đề xuất hòa nhập giới; trong quản lý và phát triển nguồn nhân lực; xây dựng thể chế, chủ trương, chính sách phát triển NN-NT, khoa học và công nghệ; khuyến nông, khuyến ngư và dịch vụ công; xây dựng các chương trình, dự án NN-PTNT trong thời gian tới.
(Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ Sở Nông nghiệp và PTNT)