Trước tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là dịch bệnh lở mồm long móng trên gia súc tái phát tại tỉnh Thái Bình và dịch bệnh cúm gia cầm tại các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Trị, Hà Nam và Sóc Trăng. Cộng với thành phố là nơi tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật lớn nhất trong cả nước, mức tiêu thụ bình quân hàng ngày 750 – 850 con trâu bò, 8.500 – 10.000 con heo, 110.000 – 120.000 con gia cầm, khoảng 250 – 300 tấn sản phẩm động vật nhập khẩu,… Nguồn động vật và sản phẩm động vật được nhập vào thành phố từ 40 tỉnh, thành trong cả nước, do đó áp lực dịch bệnh trên đàn gia súc của thành phố rất lớn. Vì thế, việc triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật sẽ mang lại hiệu quả cao, góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ sức khỏe người dân thành phố; đồng thời việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn thành phố, sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các cơ sở chăn nuôi trong việc xây dựng thương hiệu, quảng bá các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, cung cấp con giống sạch bệnh, tạo ra sự lan toả trong phong trào chăn nuôi của thành phố.
Trong năm 2011, Chi cục Thú y thành phố đã tổ chức 115 buổi tập huấn về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, với 6.848 người tham dự. Cấp phát 13.000 tờ bướm và 24 đĩa CD tuyên truyền phòng chống dịch lở mồm long móng, 20.000 tờ bướm dịch cúm gia cầm, 6.600 tờ bướm và 24 đĩa CD tuyên truyền phòng chống bệnh PRRS, 8.160 lượt phát thanh tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Kiểm tra tình hình dịch tễ tại 203 hộ chăn nuôi, 273 hộ nhập cư, 124 hộ giáp ranh tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Dương. Giám sát chủ động cúm gia cầm đạt 5.058 mẫu gồm 4.449 mẫu máu, 591 mẫu swab và 12 mẫu bệnh phẩm trên gà, vịt, cút, chim kiểng, heo tại các cơ sở chăn nuôi, hộ nuôi chim cảnh tại 24 quận huyện và các tỉnh Bến Tra, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Kiên Giang, Long An, Tây Ninh. Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố đã tổ chức 729 lượt kiểm tra, phát hiện 1.190 trường hợp vi phạm, xử lý tiêu hủy 8.273 con gia cầm sống, 5.416 kg thịt gia cầm làm sẵn, 7.681 con chim, 17.327 quả trứng gia cầm, 32 con heo sống, 354 kg thịt heo… Đồng thời, Chi cục Thú y thành phố cũng đã tiến hành đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh là 12 cơ sở chăn nuôi, trong đó Cục Thú y công nhận 10 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh (09 cơ sở chăn nuôi heo), tái công nhận cho 03 cơ sở chăn nuôi gà và 03 cơ sở cá cảnh an toàn dịch bệnh vi rút Mùa Xuân; 35 phường xã/22 quận huyện đăng ký xây dựng an toàn bệnh dại, được Cục Thú y công nhận 13 phường và tái công nhận 08 phường an toàn bệnh dại….
Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định 3178/QĐ-UBND ngày 22/6/2011 về phê duyệt Quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, năm 2012 Chi cục Thú y thành phố sẽ tiếp tục triển khai công tác phòng chống dịch và xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn thành phố với những nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục xây dựng vùng thành phố an toàn dịch bệnh đối với bệnh lao và sẩy thai truyền nhiễm trên trâu bò; xây dựng mới 10 phường xã an toàn dịch bệnh; kiểm soát được dịch bệnh trong chương trình quốc gia; xây dựng liên kết vùng an toàn dịch bệnh đối với các tỉnh giáp ranh; chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản; tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật; xây dựng 100% cơ sở chăn nuôi heo đực giống quy mô trên 10 con đảm bảo an toàn dịch bệnh…
Đặng Kiệt