SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
9
3
4
0
0
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 07 Tháng Sáu 2012 4:25:00 CH

Thành phố Hồ Chí Minh: Đến năm 2015 đạt 70% và đến năm 2020 đạt 90% trên tổng số lao động nông nghiệp và ngành nghề nông thôn được đào tạo nghề

Đó là mục tiêu của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành nghề nông thôn tại các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định 2041/QĐ-UBND ngày 18/4/2012. Trong đó, tối thiểu có 40% lao động nữ được đào tạo nghề; trong số 40% lao động nữ được đào tạo nghề có tối thiểu 40% lao động nữ dưới 45 tuổi.

Đối tượng được đào tạo nghề là lao động trong độ tuổi lao động từ 15 - 60 tuổi đối với nam và từ 15 - 55 tuổi đối với nữ có nhu cầu học nghề và tìm việc làm thuộc 58 xã xây dựng nông thôn mới của 05 huyện ngoại thành: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ.

Phạm vi đào tạo nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp: chăn nuôi, sinh vật cảnh, cá cảnh, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt…; thú y, bảo vệ thực vật, giống và vật tư nông nghiệp; khuyến nông, chế biến và bảo quản nông - lâm - thủy sản; kiểm nghiệm chất lượng lương thực thực phẩm; xây dựng và hoàn thiện công trình thủy lợi; quản lý sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, tín dụng nông thôn; kỹ năng bán hàng và xúc tiến thương mại… và lĩnh vực ngành nghề nông thôn: mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng, chế biến, mây tre đan, se nhang...

Theo đề án, Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các sở ngành, các huyện liên quan, các cơ quan, đơn vị, các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để triển khai thực hiện; phối hợp với các sở, ngành, các huyện nghiên cứu, đề xuất xây dựng giải pháp chính sách dạy các nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn... Đồng thời giao Ủy ban nhân dân 05 huyện ngoại thành xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án hàng năm; phối hợp, huy động các cơ sở đào tạo trên địa bàn có đủ điều kiện dạy nghề cho lao động nông thôn theo chính sách của đề án; chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền của huyện có chuyên mục tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành nghề nông thôn.

Theo số liệu thống kê, tổng số nhân khẩu tại 58 xã xây dựng nông thôn mới của 05 huyện ngoại thành có trên 1,2 triệu người, với 322.088 hộ; trong đó số hộ làm việc trực tiếp trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản 32.161 hộ. Trước quá trình đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm dần, dự kiến đến năm 2015 còn 95.429 ha; do đó số lao động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản sẽ chuyển dần sang các ngành nghề khác là điều tất nhiên. Căn cứ theo kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản giai đoạn 2006 đến tháng 7 năm 2011, ước tính số hộ nông, lâm, thủy sản và diêm nghiệp của thành phố giảm 24,1%; dự báo số hộ trong giai đoạn 2011 – 2015 giảm 25%. Như vậy, đến năm 2015, số hộ làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản còn khoảng 24.121/32.161 hộ  (chiếm 75%), với tổng số 60.302 lao động, trong đó số lao động chưa qua đào tạo trên 30.000 lao động (chiếm gần 50%). Tuy số lao động nông nghiệp và đất canh tác giảm, nhưng dự kiến tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 6%/năm, giá trị gia tăng trên 5%/năm. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đạt 220 triệu đồng/năm.

Vì vậy, để đạt được mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần IX, đến năm 2015 chỉ tiêu đào tạo nghề từ 70%, tương ứng số lao động nông nghiệp cần được đào tạo nghề là 21.000 lao động. Đến năm 2020 nâng tỷ lệ đào tạo nghề lên 90%, tương ứng số lượng cần đào tạo nghề thêm 20% là 6.000 lao động. Nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2012 – 2015 đào tạo nghề cho lao động trực tiếp sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp là 12.800 lao động và số lao động còn lại đào tạo các nghề dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp. Giai đoạn 2016 – 2020 đào tạo 5.400 lao động trực tiếp sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và số lao động còn lại đào tạo các nghề dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong mỗi giai đoạn tối thiểu đạt 80%.

Đạt được thành quả như trên, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến địa phương cần có những bước đột phá trong xây dựng các giải pháp, chính sách dạy các nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn nhằm nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Đ.K



Số lượt người xem: 9045    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm