SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
9
1
0
8
9
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 05 Tháng Giêng 2012 2:15:00 CH

Kết quả tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2011 - Triển khai kế hoạch năm 2012

PHẦN I

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2011

 

Năm 2011, năm đầu tiên của kỳ kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, đồng thời là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX, đã diễn ra trong bối cảnh kinh tế thành phố gặp nhiều khó khăn và thách thức, lạm phát và lãi suất tăng cao, giá vật tư nguyên liệu đầu vào tăng, dịch bệnh cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp … Các yếu tố này đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, tác động đến thu nhập và đời sống của bà con nông dân.

Trong không khí phấn khởi buổi đầu của kỳ kế hoạch mới, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực và chủ động phối hợp với các Sở ngành và quận huyện tập trung xây dựng và triển khai thực hiện chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị giai đoạn 2011 - 2015; chương trình xây dựng nông thôn mới; các công tác quản lý nhà nước chuyên ngành nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà thành phố đã giao. Kết quả cụ thể như sau:

 

 

 

I.              CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CHUNG

Trên cơ sở nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị số 02/2011/CT-UBND ngày 12/01/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về tập trung triển khai các giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2011; Quyết định số 03/2011/QĐ-UBND ngày 12/01/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2011; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẩn trương xây dựng và ban hành Quyết định số 18/QĐ-SNN-VP ngày 21/01/2011 về Kế hoạch chỉ đạo, điều hành và Chương trình công tác của Sở năm 2011, đồng thời chỉ đạo các phòng ban, đơn vị trực thuộc Sở tích cực, chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, giữ vững tốc độ tăng trưởng của ngành và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.

Một số chương trình, công tác đã tập trung thực hiện trong năm 2011:

1.      Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 20/10/2008 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22/01/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Tập trung xây dựng các mô hình nông thôn mới đúng tiến độ theo chủ trương của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố (đặc biệt là xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) và chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới theo Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

2.      Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố tại Quyết định số 28/2008/QĐ-UBND ngày 03/04/2008 về thực hiện Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 26/10/2007 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban chấp hành TW Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam trên địa bàn thành phố.

3.      Chỉ thị số 08/2011/CT-UBND ngày 02/3/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, ngân sách thành phố năm 2011.

4.       Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt triển khai thực hiện các chương trình, đề án, các quy hoạch ngành và sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp: chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 (theo Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND ngày 9/3/2011), chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 – 2020 (theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18/3/2011), chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 (theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011), chương trình ứng dụng công nghệ sinh học, chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao, chương trình phát triển bò sữa, rau an toàn, hoa - cây kiểng, cá cảnh, cá sấu, kiểm soát động vật hoang dã, chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật, thủy sản; đề án quản lý bảo vệ, phát triển các loại rừng và cây xanh; quy hoạch cơ sở giết mổ và quy hoạch chăn nuôi gia súc, gia cầm, quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn thành phố ... Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản.

5.      Chỉ đạo sản xuất các mùa vụ trong năm, phòng chống khô hạn, dịch bệnh, tăng cường công tác khuyến nông, xây dựng các mô hình và chuyển giao kỹ thuật nhằm phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, đồng thời hỗ trợ nông dân giải quyết đầu ra cho sản phẩm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị.

6.      Chỉ thị số 07/2011/CT-UBND ngày 01/3/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 10/2011/CT-UBND ngày 17/3/2011 về tăng cường các biện pháp phòng trừ rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa năm 2011. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện đúng các quy định về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thủy sản; theo dõi chặt chẽ tình hình chăn nuôi, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

7.      Chỉ thị số 25/CT-BNN-TCLN ngày 06/01/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô 2011 và Chỉ thị số 04/2011/CT-UBND ngày 10/02/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng và cây phân tán năm 2011. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm tra, quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ lâm sản và động vật hoang dã.

8.      Chỉ thị số 12/2011/CT-UBND ngày 09/4/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2011 trên địa bàn thành phố và Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015.

9.      Chuẩn bị các bước để triển khai thực hiện Luật An toàn thực phẩm.

10. Công tác tuyên truyền, vận động bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố khóa VIII, đại biểu Hội đồng nhân dân xã, thị trấn nhiệm kỳ 2011 – 2016. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở thực hiện nghiêm chế độ trực ban, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ tại cơ quan, đơn vị trong thời gian tiến hành cuộc bầu cử.

11. Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Quyết định số 3841/QĐ-UBND ngày 03/6/2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2011 và văn bản số 3138/UBND-KSTTHC ngày 01/7/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc hướng dẫn thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố.

12. Đoàn Thanh niên Sở đã phối hợp với Đoàn Chi cục Thú y, Đoàn Trường Trung cấp kỹ thuật nông nghiệp và các đơn vị thuộc Sở triển khai kế hoạch hưởng ứng “Năm Thanh niên”, tập trung vào các hoạt động xây dựng nông thôn mới: trồng cây xanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phổ biến cơ chế chính sách, hướng dẫn xử lý nước sạch đảm bảo chất lượng và sức khỏe của người sử dụng.

 

II.           KẾT QUẢ SẢN XUẤT VÀ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP TRONG NĂM 2011

1.             Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố:

GDP của ngành nông lâm ngư nghiệp thành phố năm 2011 ước đạt 5.552 tỉ đồng, tăng 6% so năm 2010 (cả nước tăng 3%).

Tổng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2011 ước đạt 11.113 tỉ đồng (giá thực tế), tăng 6,2% so năm 2010 (cả nước tăng 5,2%). Trong đó:

Trồng trọt tăng 2,9%, chăn nuôi tăng 6,9%, dịch vụ nông nghiệp tăng 4,9%, lâm nghiệp tăng 3,6%, thủy sản tăng 9,1%.

Về cơ cấu: trồng trọt chiếm tỉ lệ 24,8%; chăn nuôi: 47,8%; dịch vụ nông nghiệp: 6,6%; lâm nghiệp: 1,1%; thủy sản: 19,7%.

 

So với năm 2010, trong cơ cấu nông lâm ngư nghiệp thành phố có sự chuyển dịch tương đối rõ nét. Ngoại trừ chăn nuôi, các ngành còn lại đều giảm về tỉ trọng. Cụ thể: trồng trọt từ 26,7% đã giảm còn 24,8%, dịch vụ nông nghiệp, lâm nghiệp giảm nhẹ, thủy sản giảm từ 21,1% xuống còn 19,7%, riêng chăn nuôi từ 44,2% đã tăng lên 47,8%. Sự chuyển dịch này chủ yếu là do:

- Chăn nuôi vốn chiếm tỉ trọng cao, đồng thời trong năm 2011 mức tăng giá của các sản phẩm chăn nuôi cao hơn các sản phẩm trồng trọt và thủy sản nên mặc dù chăn nuôi chỉ tăng 6,9% (về sản lượng), thấp hơn tốc độ tăng trưởng của thủy sản (9,1%) nhưng tỉ trọng lại tăng 3,6% (từ 44,2% lên 47,8%).

- Dịch vụ nông nghiệp và lâm nghiệp tuy có tăng trưởng nhưng do tốc độ tăng trưởng thấp hơn so tốc độ tăng trưởng toàn ngành (6,2%) nên tỉ trọng bị giảm.

- Trồng trọt tăng thấp hơn so mức tăng của toàn ngành nên tỉ trọng cũng bị giảm.

- Thủy sản mặc dù sản lượng tăng 9,1%, cao hơn mức tăng của toàn ngành nhưng do tỉ trọng thấp hơn so chăn nuôi và trồng trọt, đồng thời mức tăng giá của các sản phẩm thủy sản thấp hơn so các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi nên tỉ trọng thủy sản bị giảm từ 21,1% xuống còn 19,7%.

2.             Trồng trọt: một số loại cây trồng chính

- Hoa, cây kiểng: diện tích hoa, cây kiểng năm 2011 đạt 2.010 ha, tăng 5,2% so năm 2010 (tập trung chủ yếu tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn và các quận 12, Thủ Đức). Trong đó lan: 210 ha, tăng 10,5% so năm 2010; kiểng, bonsai: 470 ha, tăng 13,3%; hoa nền: 800 ha, tăng 2,6%; mai: 530 ha, tăng 1%.

- Rau: diện tích gieo trồng năm 2011 đạt 13.515 ha, tăng 4% so năm 2010 (trong đó rau an toàn là 13.245 ha, tăng 4%); sản lượng ước đạt 299.000 tấn, tăng 5,2%.

- Cỏ thức ăn gia súc: diện tích hiện có là 3.300 ha, tăng 10% so năm 2010, sản lượng ước đạt 800.000 tấn, tăng 11,1%.

- Cây cao su: diện tích cao su hiện có là 3.500 ha, xấp xỉ cùng kỳ.

- Lúa: diện tích gieo trồng lúa năm 2011 đạt 21.601 ha, giảm 11,5% so năm 2010, sản lượng đạt 94.821 tấn, giảm 10,3% so cùng kỳ.

3.             Chăn nuôi: số liệu tổng đàn đến 15/12/2011

- Gia súc:

+ Bò sữa: tổng đàn đạt 82.281 con, tăng 3,1% so năm 2010; trong đó, cái vắt sữa khoảng 41.000 con, xấp xỉ năm 2010. Sản lượng sữa tươi ước đạt 224.475 tấn, tăng 1,6% so năm 2010. Năng suất ước đạt 5,475 tấn/cái vắt sữa/năm (15 kg/cái vắt sữa/ngày), tăng 1,7% so năm 2010.

+ Trâu: tổng đàn 5.645 con, tăng 18,8% so năm 2010.

+ Heo: tổng đàn 332.515 con, tăng 9,7% so năm 2010; trong đó, nái sinh sản là 45.842 con, giảm 3% so với cùng kỳ.

- Chăn nuôi khác:

+ Chim yến: sản lượng tổ yến năm 2011 đạt 900 kg, chủ yếu tại huyện Cần Giờ.

+ Cá sấu: hiện nay trên địa bàn thành phố có 59 tổ chức và cá nhân gây nuôi cá sấu. Tổng đàn cá sấu đạt 175.115 con, tăng 3% so năm 2010.

4.             Thủy sản

- Cá cảnh: năm 2011 ước đạt 65 triệu con cá cảnh, tăng 8,3% so năm 2010. Xuất khẩu 8,86 triệu con, giá trị kim ngạch xuất khẩu cá cảnh ước đạt trên 12 triệu USD, với khoảng 50 loài có giá trị kinh tế cao như Chép Nhật, Bảy Màu, Hoà Lan, Dĩa, Xiêm, Ông Tiên, Tứ Vân, Hồng Kim, Hắc Kim, Bạch Kim, Phượng Hoàng … Thị trường xuất khẩu chủ yếu cá cảnh Việt Nam là Châu Âu, Mỹ ...

- Tổng sản lượng thủy sản năm 2011 ước đạt 50.125 tấn, tăng 6,4% so năm 2010, trong đó:

+ Sản lượng nuôi trồng: 28.125 tấn, tăng 11,9% so cùng kỳ. Trong đó: cá nước lợ và nước ngọt đạt 8.700 tấn, giảm 2,5% so 2010; tôm thẻ chân trắng đạt 9.000 tấn, tăng 43,3%; nghêu sò 5.000 tấn, tăng 20%.

+ Sản lượng đánh bắt: 22.000 tấn, xấp xỉ cùng kỳ.

5.             Lâm nghiệp

- Đến nay, diện tích rừng và cây lâm nghiệp trồng phân tán trên địa bàn thành phố đạt 42.523 ha, tăng 2,1% so năm 2010. Bao gồm 34.863 ha rừng phòng hộ, đặc dụng, 2.622 ha rừng kinh tế và 5.038 ha cây lâm nghiệp phân tán.

- Tỉ lệ che phủ rừng và cây lâm nghiệp phân tán đạt 18,76%. Tỉ lệ che phủ rừng và mảng xanh đạt 39,36%.

6.             Diêm nghiệp

Diện tích sản xuất muối năm 2011 đạt 1.567 ha, giảm 2,5% so cùng kỳ. Sản lượng đạt 82.000 tấn, đạt 79,2% so cùng kỳ do ảnh hưởng của mưa trái vụ.

 

III.        KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CHUYÊN NGÀNH

1.             Hoạt động khuyến nông

Trong năm 2011, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục triển khai các mặt công tác phục vụ chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, chương trình xây dựng nông thôn mới, khuyến nông 3 giảm, chương trình khuyến nông xóa đói giảm nghèo, chương trình phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn, chương trình cơ giới hóa nông nghiệp Cụ thể:

-  Đã tổ chức 150 lớp tập huấn khuyến nông, 30 lớp huấn luyện nghiệp vụ, 54 cuộc tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất, 56 cuộc hội thảo chuyên đề, tiến hành 10 cuộc điều tra, khảo sát, xây dựng 151 mô hình khuyến nông, thực hiện 36 kỳ Kinh nghiệm gần xa, 6 tập san khuyến nông … và cập nhật thông tin, duy trì hoạt động trang web của trung tâm. Trong đó:

+           Hoa kiểng: 34/150 lớp tập huấn, 2/30 lớp huấn luyện, 11/54 cuộc tham quan, 4/56 hội thảo và 37/151 mô hình trình diễn.

+           Rau an toàn: chiếm 24 lớp tập huấn, 3 lớp huấn luyện, 9 cuộc tham quan, 4 cuộc hội thảo chuyên đề, 24 mô hình trình diễn (theo qui trình VietGap).

+           Thủy sản: chiếm 24 lớp tập huấn, 6 cuộc tham quan, 4 cuộc hội thảo chuyên đề, 18 mô hình trình diễn.

+           Cá cảnh: 9 lớp tập huấn, 4 cuộc tham quan, 4 hội thảo và 10 mô hình trình diễn.

+           Bò sữa: 7 lớp tập huấn, 2 lớp huấn luyện, 3 cuộc tham quan, 1 hội thảo và 12 mô hình trình diễn …

- Các hoạt động tập huấn, huấn luyện, tham quan, hội thảo chủ yếu tập trung vào giới thiệu và hướng dẫn bà con nông dân sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường; sản xuất theo các qui trình sạch, an toàn (tiêu chuẩn VietGap); ứng dụng các loại máy móc, thiết bị, các loại chế phẩm sinh học để tăng hiệu quả sản xuất; ngoài ra còn kết hợp với tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, thông tin giá cả thị trường.

- Để đảm bảo hiệu quả và có khả năng nhân rộng, các mô hình được xây dựng theo hướng tập trung, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo đầu ra cho bà con. Bên cạnh những mô hình cần phải đầu tư lớn (đất đai, vốn) như hoa lan, bò sữa, nuôi tôm …, Trung tâm cũng chú ý giới thiệu những mô hình khuyến nông hỗ trợ giảm nghèo, nhất là những mô hình đa dạng hóa như nuôi cá rô phi đơn tính, cá trê lai, nuôi kết hợp heo - thỏ … bởi chi phí đầu tư không nhiều, có thể tận dụng nguồn thức ăn dư thừa, các phế phẩm trong chăn nuôi, thời gian thu hồi vốn ngắn, phù hợp với những hộ không có điều kiện đầu tư lớn.

- Năm 2011, Trung tâm cũng đã ưu tiên thực hiện các nghiệp vụ tại các xã thí điểm xây dựng nông thôn mới. Tại 6 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới: Trung tâm đã xây dựng 38 mô hình, tổ chức 25 lớp tập huấn; tại 22 xã nhân rộng: 66 mô hình, 53 lớp tập huấn. Tổng kinh phí thực hiện cho 28 xã nông thôn mới  đạt 7,1 tỉ đồng, chiếm 60% kinh phí nghiệp vụ toàn Trung tâm.

- Trung tâm Khuyến nông cũng đã tiếp nhận chuyển giao nhiều kết quả nghiên cứu về khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong công tác giống cây trồng, vật nuôi và quy trình nuôi trồng, bảo quản, chế biến, tạo năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường công tác chọn lọc giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp có chất lượng để triển khai cho các mô hình khuyến nông.

- Tiếp tục tăng cường hệ thống tổ chức khuyến nông từ thành phố đến phường, xã; sắp xếp lại hệ thống khuyến nông theo hướng gắn liền người sản xuất – cán bộ khuyến nông – nhà doanh nghiệp, khuyến khích các bên ký hợp đồng tư vấn hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đôi bên cùng có lợi; tăng cường công tác tập huấn, đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật, kỹ năng thực hành cho lao động nông nghiệp; đầu tư, đổi mới các hoạt động dịch vụ nông nghiệp, tư vấn hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ để nâng cao trình độ sản xuất của nông dân, kết hợp với các chương trình xóa đói giảm nghèo.

- Tổng kết chương trình hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2006 – 2010 và định hướng đến năm 2015; xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ hoa kiểng Tết Nguyên đán năm 2011.

- Tổ chức Hội nghị tổng kết Hội thi “Môi trường Xanh - Sạch - Đẹp” thành phố năm 2010, giai đoạn 2006 – 2010 và toàn giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2010.

2.             Hoạt động bảo vệ thực vật

Trong năm 2011, Chi cục Bảo vệ thực vật đã tập trung thực hiện một số công tác quan trọng như sau:

- Kiểm tra theo dõi tiến độ sản xuất của lúa và rau; điều tra phát hiện, dự tính dự báo tình hình sinh vật hại cây trồng, khoanh vùng những khu vực đã xuất hiện bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá những năm trước, theo dõi sát diễn biến của rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá hại lúa trên đồng ruộng, tổ chức phòng trừ rầy nâu đồng loạt tại các khu vực có mức độ nhiễm cao. Hàng tuần, qua các phương tiện thông tin đại chúng, đã kịp thời thông tin và hướng dẫn cho bà con nông dân thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng trị sinh vật hại cây trồng, do đó không có diện tích bị thiệt hại nặng.

- Thử nghiệm nhân nuôi bọ xít và phóng thích ở ngoài đồng ruộng (3 đợt/600 con) để khống chế một số sâu hại chính trên rau. Xây dựng 12 mô hình sử dụng nấm Metarhizium anisopliae để phòng trừ rầy nâu hại lúa và tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, hướng đến hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu.

- Theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh rau an toàn, công tác chứng nhận VietGAP cho rau, quả an toàn trên địa bàn thành phố, đến nay đã có gần 4.400 hộ sản xuất được cấp Giấy chứng nhận chuyên môn sản xuất rau an toàn và 3.800 hộ trồng rau cam kết thực hiện đúng các qui định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; theo dõi tình hình khảo nghiệm phân bón của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

- Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Mão – 2011; tham gia đoàn thanh tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm với Sở Y tế tại các chợ đầu mối, doanh nghiệp, siêu thị mua bán, kinh doanh rau quả trên địa bàn thành phố; tăng cường công tác kiểm tra dư lượng tại vùng sản xuất rau; thực hiện công tác kiểm soát dư lượng trên rau quả hàng đêm tại các chợ đầu mối Bình Điền, Tân Xuân, Tam Bình. Trong số 2.278 hộ sản xuất rau được kiểm tra tại ruộng, không có hộ nào vi phạm qui định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

- Kiểm dịch thực vật tại các kho lưu chứa nông sản của 111 cơ sở với 141.383 tấn nông sản, kiểm dịch thực vật trên giống cây trồng sau nhập khẩu của 41 cơ sở với 18.764 tấn hạt giống và 162.000 cây giống, kết quả chưa phát hiện những loại sinh vật thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật trên nông sản lưu chứa tại các kho.

- Tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về Vệ sinh - An toàn lao động - Phòng chống cháy nổ lần thứ 13 năm 2011.

- Phòng thử nghiệm thuốc của Chi cục đã duy trì được hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 17025:2005, được Cục Trồng trọt công nhận là Phòng thử nghiệm sản phẩm cây trồng.

- Chi cục cũng đã chuyển hướng các hoạt động sự nghiệp kỹ thuật và các chương trình, dự án, tập trung tại 28 xã xây dựng nông thôn mới: đã tổ chức 34/56 lớp tập huấn cấp giấy chứng nhận chuyên môn sản xuất rau an toàn; xây dựng 5 mô hình chuyển đổi và sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap; xây dựng và vận hành thí điểm hệ thống lưu chứa, thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật tại 6 xã điểm ...

3.             Về chăn nuôi, thú y

Trong năm 2011, công tác thú y đã tập trung thực hiện các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản; kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật; xây dựng và triển khai thực hiện một số chương trình trọng điểm như chương trình xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, chương trình công tác thú y phục vụ phát triển chăn nuôi bò sữa, chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm nguồn gốc động vật, chương trình thú y phục vụ 6 xã nông thôn mới ...

- Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố triển khai thực hiện Quyết định số 69/2010/QĐ-TTg ngày 03/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Triển khai Quy hoạch cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng 2025.

- Thực hiện Chỉ thị số 07/2011/CT-UBND ngày 01/3/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình dịch bệnh vật nuôi trên địa bàn thành phố; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết nguyên đán Tân Mão – 2011. Tiếp tục phối hợp với các ban ngành tăng cường kiểm tra tại các Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, các địa bàn giáp ranh với các tỉnh nhằm xử lý các trường hợp kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép nhập về thành phố. Tăng cường công tác kiểm tra lâm sàng tại các cơ sở giết mổ, tổ chức kiểm tra dịch tễ tại các hộ chăn nuôi nhập cư, yêu cầu các hộ cam kết không nhập đàn nuôi mới, chấp hành tiêm phòng và khai báo kiểm dịch khi xuất nhập gia súc. Thực hiện lấy mẫu kiểm tra việc sử dụng các chất kích thích tố tăng trọng bị cấm sử dụng trong chăn nuôi; kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm đánh giá điều kiện vệ sinh tại các chợ, cơ sở chế biến trên địa bàn các xã điểm để làm cơ sở chấn chỉnh, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; tập huấn và hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi gia súc được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh áp dụng mô hình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP).

- Thực hiện Kế hoạch số 1163/KH-UBND ngày 18/3/2011 của UBND thành phố; Công văn số 10/BCĐTƯVSATTP ngày 28/4/2011 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Kế hoạch số 40/KH-SNN-TS ngày 28/3/2011 về việc triển khai thực hiện “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2011.

- Thực hiện Thông tư số 60/2010/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ lợn và Quyết định số 313/QĐ-UBND ngày 20/01/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt Phương án “Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015”.

- Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính hoàn chỉnh Báo cáo 3 năm thực hiện chương trình bình ổn giá (2008 – 2010); triển khai kế hoạch bình ổn giá năm 2011 và Chương trình bình ổn giá đến năm 2015. Báo cáo tình hình hoạt động của các doanh nghiệp tham gia Đề án chiến lược chăn nuôi tạo nguồn thực phẩm bình ổn giá năm 2010 theo Quyết định số 75/2008/QĐ-UBND ngày 24/10/2008 của Ủy ban nhân dân thành phố.

4.             Hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cây lâm nghiệp phân tán

Trong năm 2011, đã thực hiện công tác xây dựng, phục hồi, sử dụng và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất; phát triển lâm nghiệp xã hội, mảng xanh đô thị và quản lý bảo vệ rừng với tổng diện tích rừng, đất lâm nghiệp và cây lâm nghiệp phân tán trên địa bàn thành phố hiện nay là 42.523,27 ha; trong đó có 37.485,50 ha đất quy hoạch 3 loại rừng (theo Quyết định số 4109/QĐ-UBND ngày 29/8/2011 của UBND thành phố về việc phê duyệt số liệu chi tiết diện tích rừng, đất lâm nghiệp và cây lâm nghiệp phân tán trên địa bàn thành phố). Thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, phòng cháy, chữa cháy rừng, không để xảy ra vụ việc vi phạm nghiêm trọng đến rừng.

Tỷ lệ che phủ rừng (bao gồm cây lâm nghiệp trồng phân tán) là 18,76%; tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh là 39,36%.

4.1.            Chi cục Lâm nghiệp

- Tuyên truyền thực hiện Quyết định số 89/QĐ-BNN ngày 29/12/2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về triển khai thực hiện Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, sản xuất cây giống theo chuỗi hành trình; tiếp tục cấp giấy chứng nhận nguồn gốc lô giống cây trồng lâm nghiệp, nguồn gốc lô cây con và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp. Chuẩn bị điều tra các cơ sở chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn thành phố để thu thập thông tin và đề xuất đổi mới phương pháp quản lý nhà nước về ngành chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn thành phố.

- Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án bảo vệ, phát triển các loại rừng, cây xanh trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng năm 2025; chương trình bảo vệ và phát triển rừng, cây xanh giai đoạn 2011 – 2015.

- Sản xuất cây giống phục vụ trồng cây giai đoạn năm 2011 đối với dự án trồng 500.000 cây ven sông rạch.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận 9 và Ban quản lý Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân ngày sinh nhật lần thứ 121 của Bác Hồ (19/5/1890 – 19/5/2011) tại Đền tưởng niệm các Vua Hùng.

- Đang triển khai lập thiết kế cơ sở Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu rừng ngập mặn Cần Giờ nhằm nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ trên diện tích 165,78 ha.

4.2.            Chi cục Kiểm lâm: tập trung thực hiện

- Chỉ thị số 25/CT-BNN-TCLN ngày 06/01/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2011; triển khai Chỉ thị số 04/2011/CT-UBND ngày 10/02/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng và cây phân tán năm 2011 đến các chủ rừng, UBND các huyện, xã có rừng và cây lâm nghiệp phân tán; theo dõi cập nhật hệ thống bản đồ trọng điểm cháy rừng; tổ chức trực ban 24/24 giờ tại Văn phòng Ban chỉ huy 2203 và các đơn vị thuộc Chi cục Kiểm lâm; phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng, bộ đội biên phòng, công an, quân đội và các đơn vị giáp ranh tổ chức kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn. Tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hoạt động sản xuất thủy sản, sản xuất muối và đào bắt địa sâm gây hại rừng tại Cần Giờ.

- Chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Quyết định số 95/2008/QĐ-BNN-KL và công văn số 970/BNN-KL ngày 14/4/2008 về quản lý gấu nuôi nhốt; Chỉ thị số 3417/CT-BNN-KL của Bộ Nông nghiệp và PTNT về tăng cường công tác quản lý động vật hoang dã.

- Tiếp tục phối hợp với Tổ chức Wildlife At Risk để xây dựng và nghiên cứu phát triển hệ thống chuồng trại cứu hộ động vật hoang dã phù hợp với yêu cầu cứu hộ, đáp ứng việc tiếp nhận, nuôi dưỡng động vật hoang dã thông qua công tác xử lý vi phạm hành chính và các tổ chức, cá nhân khác chuyển giao. Đồng thời, tổ chức chuyển giao, thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên sau khi cứu hộ thành công.

5.             Về thủy sản

- Tiếp tục phối hợp các Sở - ngành, quận - huyện triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, gồm các nội dung: Quy hoạch vùng và công nhận cho các hộ nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy định; tiếp tục rà soát hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên, đóng mới tàu thuyền, thay máy mới.

- Triển khai thực hiện Thông tư số 28/2011/TT-BNNPTNT về quy định việc chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường Châu Âu; Thông tư số 15/2011/TT-BNNPTNT về Quy chế thông tin đối với tàu cá hoạt động trên biển; Thông tư số 23/2011/TT-BNNPTNT và Thông tư số 24/2011/TT-BNNPTNT về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý chất lượng thủy sản theo Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 25/10/2010 của Chính phủ.

- Triển khai thực hiện Quyết định số 1503/QĐ-BNN-TCTS về quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP); Quyết định số 1617/QĐ-BNN-TCTS về hướng dẫn áp dụng VietGAP đối với nuôi thương phẩm cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng.

- Triển khai thực hiện Quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Chương trình phát triển cá cảnh giai đoạn 2011 – 2015 theo quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã triển khai công tác phối hợp với Bộ đội Biên phòng thành phố thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các hoạt động nghề cá trên vùng biển thành phố Hồ Chí Minh; phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy về đảm bảo trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội trong lĩnh vực thủy sản trên đường thủy nội địa thành phố; phối hợp với Cơ quan Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nam bộ và Trung tâm vùng 4 tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình kiểm soát dư lượng chất độc hại tôm nuôi trên địa bàn huyện Cần Giờ, Nhà Bè và kiểm soát thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tại huyện Cần Giờ.

- Phối hợp với 10 tỉnh, thành ven biển Nam bộ triển khai thực hiện Kế hoạch liên kiểm bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đồng thời tổ chức thực hiện 12 đợt tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng sông, biển.

6.             Về thủy lợi và phòng chống lụt bão

6.1.            Về thủy lợi

- Đã kiểm tra công tác quản lý, vận hành công trình thủy lợi trước tình hình xâm nhập mặn, diễn biến chua khu vực thành phố Hồ Chí Minh mùa khô 2010 2011. Khảo sát thực địa vị trí xây dựng mốc cảnh báo ngập lụt theo kế hoạch xây dựng mốc cảnh báo ngập lụt năm 2011.

- Tiếp tục theo dõi thời tiết, diễn biến về khí tượng thủy văn (hạn hán, mặn, chua), thủy triều, xả lũ, xả tràn, cảnh báo kịp thời phục vụ sản xuất nông nghiệp, theo dõi về nhu cầu dùng nước, cấp nước từ hồ Dầu Tiếng.

- Hoàn thành việc xây dựng bản đồ hệ thống công trình thủy lợi. Hoàn thành, nghiệm thu khối lượng mốc chỉ giới công trình thủy lợi trong năm 2011, tổng cộng 540/480 mốc, đạt 113% chỉ tiêu kế hoạch.

- Tổng hợp công tác khảo sát đề xuất các công trình thủy lợi tại các xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới trên địa bàn các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ.

- Theo dõi tiến độ và xử lý những vướng mắc của các dự án trọng điểm như Tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước lên, Đê bao bờ hữu sông Sài Gòn, Hệ thống tiêu thoát nước Suối Nhum …

6.2.            Về phòng chống lụt bão

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống lụt bão như Chỉ thị số 12/2011/CT-UBND ngày 09/4/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2011 trên địa bàn thành phố; Chỉ thị số 14/2011/QĐ-UBND ngày 13/4/2011 về triển khai thực hiện Nghị định số 95/2010 ngày 16/9/2010 của Chính phủ qui định về cấp phép và phối hợp hoạt động với lực lượng tìm kiếm cứu nạn nước ngoài tại Việt Nam trên địa bàn thành phố; Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố; Quy định về công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; Quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển; Phương án phòng tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố; Phương án chủ động phòng chống, ứng phó tình trạng úng ngập do mưa lớn và triều cường trên địa bàn thành phố …

- Phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện kiểm tra công trình trước mùa mưa lũ tại các quận, huyện Thủ Đức, Bình Thạnh, 12, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ; kiểm tra bờ bao xung yếu tại địa bàn trọng điểm; kiểm tra, rà soát phương tiện trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn.

- Về tiến độ thực hiện các công trình:

+ Đối với 135 công trình đê bao phòng, chống triều cường, đê bao kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2008 (theo Công văn số 4358/UBND-CNN ngày 10/7/2008 của UBND thành phố), đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 131/135 công trình (đạt 97,04%), đang thi công 03 công trình và đang chuẩn bị thi công 01 công trình.

+ Đối với 125 công trình đê bao phòng, chống triều cường, đê bao kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2009 (theo Công văn số 3777/UBND-CNN ngày 29/7/2009 của UBND thành phố), đến nay các địa phương đã phê duyệt 124/125 hồ sơ (đạt 99,2%); trong đó, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 116/125 công trình (đạt 92,8%), đang thi công 07 công trình, chuẩn bị thi công 01 công trình và đang thẩm định hồ sơ 01 công trình.

+ Đối với 59 công trình bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2011 (Công văn số 1082/ UBND-CNN ngày 14/3/2011 của UBND thành phố): Đến nay đã phê duyệt 13/59 hồ sơ, đạt 22,03%, trong đó, hoàn thành và đưa vào sử dụng 07/59 công trình (đạt 11,86%), đang thi công 04/59 công trình (đạt 6,77%), đang chuẩn bị thi công 02/59 công trình, còn lại 46 công trình đang tiến hành lập và thẩm định hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật.

6.3.            Về môi trường và biến đổi khí hậu

- Đã ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố theo Quyết định số 04/QĐ-BCĐBĐKH ngày 15/11/2010 của Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu thành phố. Tổng hợp các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố phục vụ chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh phát triển hướng về biển Đông”.

- Xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011 2015. Thực hiện công tác quản lý, bảo vệ chất lượng nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi.

6.4.            Về quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi

- Diện tích phục vụ: 50.500 ha, trong đó diện tích tưới: 17.500 ha, diện tích ngăn mặn, ngăn lũ, xổ phèn, tiêu úng, trữ nước phòng chống cháy rừng: 33.000 ha. Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi đã tổ chức điều tiết hợp lý, tiết kiệm nguồn nước tưới; đồng thời thực hiện tốt công tác tu sửa, nạo vét hệ thống kênh mương nên đảm bảo tưới tiêu chủ động hết diện tích, phục vụ thắng lợi sản xuất nông nghiệp trên khu tưới hệ thống Kênh Đông Củ Chi; đồng thời vận hành công trình đảm bảo phục vụ tưới, ngăn mặn, xổ phèn, ngăn và tiêu thoát nước ô nhiễm, tích nước phòng chống cháy rừng trên địa bàn Hóc Môn – Bắc Bình Chánh.

- Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và đề xuất xử lý kịp thời các vi phạm công trình và xả thải gây ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo chất lượng và khối lượng nước phục vụ đa mục tiêu. Đồng thời, thường xuyên thực hiện công tác duy tu sửa chữa công trình.

7.             Về phát triển nông thôn

- Về kinh tế hợp tác: tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể tại 6 xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới giai đoạn 2009 – 2012; theo dõi, hỗ trợ tư vấn thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã tại 22 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới trong năm 2011. Phối hợp với tổ chức SOCODEVI tổng hợp tình hình thực hiện, chuẩn bị cho chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2012 – 2017.

- Về diêm nghiệp: tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung theo Đề án quy hoạch sản xuất muối trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2025 đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, triển khai trong niên vụ muối 2010 – 2011; phương án thu mua muối còn tồn đọng trong niên vụ muối 2010 cho diêm dân. Tham mưu đề xuất thực hiện chính sách nhân rộng mô hình sản xuất muối trải bạt theo quy hoạch được duyệt.

- Về ngành nghề nông thôn: sơ kết 01 năm thực hiện Đề án thí điểm nuôi chim Yến trong nhà tại xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ để chuẩn bị cho Đề án quy hoạch phát triển nuôi chim Yến trong nhà. Triển khai kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tại 06 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới năm 2011. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Dự án phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2015 theo Quyết định phê duyệt của UBND thành phố. Tiếp tục triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến quy trình thực hiện thủ tục công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống, nghề truyền thống, thủ tục thu hồi giấy công nhận làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố, hoàn thiện cẩm nang về quy trình thực hiện thủ tục công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống.

- Về Chương trình liên tịch phát triển nông nghiệp - nông thôn ngoại thành: phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm Nghị quyết 47/NQLT-BNN-HLHPN về Hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập. Tổng kết thực hiện Nghị quyết Liên tịch giai đoạn 2006 – 2010; triển khai Nghị quyết Liên tịch giai đoạn 2011 – 2015 giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Thành Đoàn thành phố. Tổ chức thành công Hội thi “Tìm hiểu về an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp và làng nghề” lần thứ V - năm 2011.

- Về Chương trình Liên tịch phát triển nông nghiệp - nông thôn giữa TP.HCM với các tỉnh thành: đã tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm về Chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp, nông thôn 2009 - 2010 giữa Chi cục Phát triển nông thôn thành phố với Chi cục PTNT các tỉnh, thành phố Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu và Cà Mau, triển khai ký kết hợp tác trong năm 2011. Các lĩnh vực hợp tác gồm: kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế tập thể, các mô hình kinh tế có hiệu quả …

- Về công tác di dân và xóa đói giảm nghèo: triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Dự án phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2015 theo Quyết định phê duyệt của UBND thành phố. Xây dựng Đề án “Quy hoạch bố trí dân cư giai đoạn 2011 – 2015” theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

8.             Về nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn

- Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch – vệ sinh môi trường nông thôn đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân khu vực nông thôn, ngoại thành. Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn đang quản lý khai thác 121 trạm cấp nước tập trung, phục vụ nước sinh hoạt cho 278.367 nhân khẩu của 49.370 hộ dân ngoại thành. Hiện có 97% số hộ dân ngoại thành sử dụng nước hợp vệ sinh.

- Chương trình vệ sinh môi trường nông thôn được triển khai theo Quyết định số 26/2008/QĐ-UBND ngày 01/04/2008 của Ủy ban nhân dân thành phố, đến nay đã có trên 26.700 lượt người được tập huấn về sức khỏe và vệ sinh môi trường, kỹ năng phát triển cộng đồng, kỹ thuật xây dựng hầm biogas, sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp ...; có trên 30.000 hộ dân vay vốn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, 2.400 hộ vay vốn xây dựng hầm biogas từ nguồn vốn ngân sách ủy thác cho Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố và vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22/3/2011) tại Trường trung học cơ sở Tân Tạo, phường Tân Tạo, quận Bình Tân. Tổ chức Lễ mít tinh của thành phố về Tháng hành động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch, vệ sinh môi trường và Ngày Môi trường thế giới tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn; phối hợp với các huyện ngoại thành tổ chức Tháng hành động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch, vệ sinh môi trường và Ngày Môi trường thế giới.

- Triển khai thực hiện 10 điểm trình diễn mô hình sử dụng bã thải khí sinh học làm phân bón lót trong sản xuất nông nghiệp. Cấp phát 200 thùng phân loại rác cho 10 cụm dân cư thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn và ủ phân composting (Củ Chi: 05 cụm, Hóc Môn: 03 cụm, Bình Chánh: 02 cụm).

- Tiến hành nghiệm thu số liệu về Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại 63 xã, thị trấn đã hoàn tất thu thập thông tin cấp xã.

9.             Hoạt động tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp

- Tổ chức khảo sát tình hình cung ứng và tiêu thụ các mặt hàng nông sản, hoa cây kiểng vào dịp Tết Tân Mão – 2011 nhằm xác định nhu cầu tiêu dùng và khả năng cung ứng. Tiến hành điều tra kênh tiêu thụ sản phẩm hoa cây kiểng, cá cảnh, rau, nấm trên địa bàn thành phố.

- Phối hợp với Hội Nông dân thành phố tổ chức “Khu hoa cây kiểng của nông dân thành phố Hồ Chí Minh” tham gia chợ hoa Tết Tân Mão – 2011 tại công viên 23/9; xây dựng kế hoạch tham gia Lễ hội Lâm sản Việt Nam lần thứ I tại Quy Nhơn từ ngày 26 đến 29/3/2011; phối hợp với Viện nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam và Công ty cổ phần du lịch Suối Tiên tổ chức Hội thi “Trái ngon an toàn Nam Bộ lần III - 2011”. Đã tổ chức thành công Hội thi - triển lãm bò sữa thành phố lần thứ III, năm 2011; tham gia hội chợ triển lãm làng nghề Việt Nam tại Đà Lạt.

- Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ năng hạch toán chi phí giá thành nông sản, kỹ năng bán hàng và thương lượng, hướng dẫn sản xuất theo phương pháp hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, đồng thời tổ chức nhiều đợt khảo sát, học tập mô hình sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, tổ chức các hội nghị giao lưu giữa nông dân với các đơn vị kinh doanh về tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố và Liên minh Hợp tác xã thành phố tổ chức đưa tiểu thương các chợ hoa Đầm Sen và Hồ Thị Kỷ đến tham quan các nhà vườn sản xuất hoa lan tại huyện Củ Chi nhằm tạo đầu ra, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng cẩm nang địa chỉ đỏ các điểm sản xuất - kinh doanh rau, nấm trên địa bàn thành phố …

- Thực hiện chương trình “Mỗi nhà nông 1 website”: trong năm 2011, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã thiết kế, xây dựng và bàn giao cho các đơn vị 4 website, nâng tổng số website đã xây dựng cho các đơn vị đến nay là 43, trong đó có 10 đơn vị nằm trên địa bàn 6 xã xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới. Trung tâm cũng đã hoàn tất thiết kế, xây dựng logo và bao bì cho 10 đơn vị; lũy kế từ đầu chương trình đến nay là 35 đơn vị, trong đó có 6 đơn vị nằm trên địa bàn 6 xã xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới.

- Về Chương trình “Nhịp cầu nhà nông”: đã thực hiện và phát sóng trên 20 chương trình với nhiều chủ đề nhằm thông tin các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố, các hoạt động nổi bật, thành công của ngành nông nghiệp thành phố, giới thiệu các mô hình sản xuất hiệu quả, ứng dụng thành công khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, lai tạo giống tốt, tiềm năng, rau an toàn, hoa, cây kiểng, cá cảnh, du lịch sinh thái.

10.        Hoạt động công nghệ sinh học

Tiếp tục thực hiện các công tác trọng tâm: tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ sinh học của thành phố giai đoạn 2008 - 2012 (theo văn bản số 797/UBND-CNN ngày 04/02/2008 của UBND thành phố); công tác đầu tư và thực hiện Dự án xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố; triển khai Chương trình ứng dụng và phát triển Công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp - nông thôn tại TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và những đề tài nghiên cứu khác có khả năng ứng dụng trong ngắn hạn và dài hạn, định hướng theo 5 lĩnh vực gồm: CNSH Thực vật, CNSH Thủy sản, CNSH Y dược, CNSH Động vật, Công nghệ Vi sinh - Thực phẩm. Cụ thể:

- Lĩnh vực công nghệ sinh học thực vật: tập trung thực hiện 05 nghiệp vụ, 03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố về hoa lan, cây dược liệu và cây rau có tính ứng dụng cao.

- Lĩnh vực công nghệ sinh học thủy sản: thực hiện 06 nghiệp vụ và 01 đề tài cấp bộ về vaccine cho cá tra, các bộ kit phát hiện nhanh các bệnh virus trên tôm nuôi và thức ăn bổ sung cho tôm, cá.

- Lĩnh vực công nghệ vi sinh: thực hiện 04 nghiệp vụ chuyên môn tập trung vào 3 hướng chínhtạo cồn sinh học, vi sinh nông nghiệp.

Các nghiên cứu bước đầu đã có kết quả khả quan, như:

+ Công tác sưu tập, lai tạo và nhân giống hoa lan: Trung tâm Công nghệ Sinh học đã tiến hành nhân giống các loại hoa lan, cây kiểng quý bằng phương pháp nuôi cấy mô ngập chìm, invitro … Trong năm 2011, Trung tâm đã nhân giống được 40.000 cây lan cấy mô; vô mẫu thành công 17 giống lan rừng; lai tạo và đưa ra vườn ươm 04 cặp lai.

+ Bộ kit LAMP chẩn đoán bệnh Đốm trắng trên tôm sú và bộ kit RT-PCR chẩn đoán virus trên cây Lan do Trung tâm nghiên cứu đã đạt được giải ba của Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP.HCM năm 2010.

Tiếp tục theo dõi các mô hình đã triển khai và chuẩn bị xây dựng một số mô hình mới tại 06 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Trung tâm đã xây dựng được 03 mô hình hoa lan, 10 mô hình canh tác rau an toàn theo hướng hữu cơ sinh học, nhận xét nghiệm bệnh virus (đốm trắng, còi, đầu vàng, hoại tử) cho 60 mẫu tôm.

11.        Hoạt động Quản lý và Kiểm định giống cây trồng, vật nuôi

- Trong năm 2011, Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng, vật nuôi đã tiến hành bình tuyển, lập lý lịch cho 6.025 con bò sữa, đạt 101% kế hoạch năm; lũy kế từ đầu chương trình đến nay, Trung tâm đã bình tuyển, lập lý lịch cho 68.025 con bò sữa. Nhìn chung, phần lớn đàn bò sữa được bình tuyển có phẩm giống từ ≥ F3, với hơn 85% bò sữa đạt chuẩn đặc cấp theo tiêu chuẩn 10 TCN 533-2002 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Về kết quả đánh giá tiến bộ di truyền giống heo theo phương pháp BLUP, trong năm Trung tâm đã tổ chức thu thập số liệu đàn heo tại các xí nghiệp chăn nuôi heo quốc doanh theo 04 đợt (trên 5.700 con); đã xử lý đánh giá di truyền các tính trạng của đàn heo giống và chuyển giao kết quả cho các trại, làm cơ sở để ghép đôi giao phối những con có tính trạng tốt nhất nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng đàn heo của các trại.

- Về hoạt động phòng kiểm nghiệm giống cây trồng: trong năm đã tiến hành kiểm nghiệm 190 mẫu về các chỉ tiêu độ nẩy mầm, ẩm độ.

- Về sưu tập và thử nghiệm tính thích nghi của các giống cây trồng: trong năm đã sưu tập 27 giống cây ăn trái thuộc 13 loại (xoài, bưởi, mãng cầu, ổi, mít …), 10 giống sứ Thái, 5 giống cà chua …; đã trồng thử nghiệm 5 giống hoa LiLi, 12 giống hoa Đồng tiền, 13 giống hoa lan và một số giống rau, trong đó có 3 giống hoa LiLi và 5 giống hoa Đồng tiền có hoa to, đẹp, bền màu, thích nghi với điều kiện khí hậu thành phố; bí đỏ Cô Tiên (Công ty Nông Hữu), bí đỏ Plato 757 (Công ty Nhiệt đới), cải thìa (Công ty Chánh Nông) có năng suất cao.

- Về Dự án xây dựng trại trình diễn và thực nghiệm bò sữa Israel: đã khởi công thực hiện từ tháng 7/2011, đến nay đã cơ bản hoàn thành, dự kiến đưa vào vận hành từ đầu năm 2012.

- Một số công tác khác: thực hiện các thủ tục về quản lý chất lượng giống heo đực sử dụng cho thụ tinh nhân tạo, công nhận nguồn giống đối với cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm, cấp mã số cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng; đề xuất bộ giống rau khuyến cáo áp dụng trên địa bàn thành phố; thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng …

12.        Hoạt động của Ban Quản lý Trung tâm Thủy sản

- Về giải quyết tồn đọng khu đất dự kiến đầu tư Trung tâm Thủy sản tại huyện Nhà Bè: đã hoàn thành và thống nhất với Ban bồi thường huyện Nhà Bè báo cáo kết quả kiểm toán về kinh phí tạm ứng đền bù, đang triển khai các bước tiếp theo về thanh quyết toán và bàn giao khu đất.

- Về Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Thủy sản tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ: đã được Chính phủ chấp thuận bổ sung cảng cá thuộc Trung tâm Thủy sản tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ vào Quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (văn bản số 256/TTg-KTN ngày 22/02/2011). Đã phối hợp đơn vị tư vấn hoàn chỉnh và gởi Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định nhiệm vụ quy hoạch phân khu 1/2000 (lần 5). Đang hoàn chỉnh dự án đầu tư xây dựng cảng - chợ cá và dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu chế biến thủy sản và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá.

- Sở Tài chính đã phê duyệt dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Thủy sản thành phố. Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đã duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất và dự toán chi phí thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

13.        Hoạt động tổ chức - đào tạo:

- Triển khai Quy chế tổ chức và hoạt động của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định số 06/2011/QĐ-UBND ngày 28/01/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố (thay thế Quyết định số 90/2006/QĐ-UBND ngày 16/6/2006); triển khai thực hiện Quyết định số 16/2011/QĐ-UBND ngày 18/3/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy chế quản lý, phối hợp công tác và chế độ thông tin báo cáo của các tổ chức ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đặt tại địa bàn cấp huyện với Ủy ban nhân dân cấp huyện; các nhân viên kỹ thuật, cộng tác viên công tác trên địa bàn cấp xã với Ủy ban nhân dân cấp xã.

   - Sở ban hành quyết định thành lập Tổ công tác thực hiện mô hình thí điểm áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt cho thịt lợn và thịt gà thuộc Dự án “Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm”; thành lập Ban Quản lý dự án hợp phần thực hiện dự án phát triển nông thôn mới tại huyện Củ Chi giai đoạn 2011 – 2013; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình Sở và Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP).

- Tham mưu Thành ủy, UBND thành phố quyết định điều chỉnh bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo và kiện toàn Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp - nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng thẩm định thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2015 trên địa bàn thành phố; trình UBND thành phố thành lập Ban Chỉ đạo trồng rừng, bảo vệ rừng và phát triển cây xanh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2020.

- Triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/2011/CT-UBND ngày 03/8/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức hội, quỹ trên địa bàn thành phố; Quyết định số 54/2011/QĐ-UBND ngày 03/8/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố, về phân công quản lý nhà nước đối với các tổ chức hội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Phối hợp thường xuyên với các hội thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp đẩy mạnh hoạt động của hội theo điều lệ và gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2015.

- Công tác tiếp nhận, điều động, luân chuyển, kỷ luật, xếp ngạch, đi nước ngoài công tác, việc riêng,... được thực hiện kịp thời, đúng quy định theo quy trình hồ sơ thủ tục “Một cửa”, kết quả giải quyết gần 100 hồ sơ/10 quy trình. Xây dựng Phương án số 559/PA-SNN-TCCB ngày 26/4/2011 của Sở Nông nghiệp và PTNT về tinh giản biên chế năm 2011 theo Nghị định số 132/2007/NĐCP, đã được Sở Nội vụ phê duyệt, trong đó có 11 trường hợp diện giải quyết chính sách tinh giản biên chế.

- Tổ chức các khóa đào tạo thí điểm sơ cấp nghề tại các xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố: Thái Mỹ (huyện Củ Chi), Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), Tân Nhựt (huyện Bình Chánh) và Nhơn Đức (huyện Nhà Bè). Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

14.        Hoạt động thanh tra: trong năm 2011, Thanh tra Sở đã tiến hành 11 cuộc thanh tra, trong đó:

- Thanh tra hành chính: 04 cuộc, gắn với việc thanh tra thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại 04 đơn vị.

- Thanh kiểm tra chuyên ngành: 07 cuộc, về việc chấp hành các quy định về sản xuất kinh doanh giống cây trồng, phân bón và thức ăn chăn nuôi.

Ngoài ra, Thanh tra chuyên ngành các Chi cục đã tổ chức và triển khai thực hiện 55 đợt thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, gồm 08 đợt thanh tra, kiểm tra về quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với 67 cơ sở, doanh nghiệp và 585 hộ nông dân; 1.214 lượt kiểm tra về lĩnh vực thú y, trong đó có 104 lượt kiểm dịch sản phẩm động vật tại các cơ sở kinh doanh và 32 lượt kiểm tra chấn chỉnh điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ; 05 đợt thanh tra, kiểm tra về bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn huyện Cần Giờ, đã kiểm tra 221 phương tiện; bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm cũng đã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản, kinh doanh động vật hoang dã.

- Thường xuyên tiến hành kiểm tra các điểm xung yếu trên tuyến đê bao thuộc dự án bờ hữu ven sông Sài Gòn.

- Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo: tổng số đơn khiếu nại, tố cáo nhận được là 10 đơn, trong đó có 03 đơn khiếu nại và 07 đơn tố cáo. Tất cả đều đã được xử lý, không để tồn đọng.

- Công tác tiếp công dân: số lượt công dân đã tiếp là 08 lượt. Không có vụ việc xử lý khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp.

 

IV.         TÌNH HÌNH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN

Trong năm 2011, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo ba đợt với tổng kinh phí là 584,1 tỉ đồng. Trong đó các chủ đầu tư thuộc Sở được giao 486,1 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV QLKT-DVTL được giao 98 tỉ đồng.

Dự kiến khối lượng giải ngân năm 2011 (đến hết tháng 1/2012): 553 tỉ đồng, đạt 94,7% tổng kế hoạch vốn. Trong đó: các chủ đầu tư thuộc Sở 465,8 tỉ đồng, đạt 95,8% kế hoạch vốn; Công ty TNHH MTV QLK-DVTL 87,2 tỉ đồng, đạt 88,9% kế hoạch vốn.

 

V.            KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN XÂY DỰNG THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH NÔNG THÔN MỚI

- Trong năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố) đã tham mưu Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố:

+ Ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015 (theo Quyết định 15/2011/QĐ-UBND ngày 18/3/2011).

+ Tổ chức Hội nghị Phát động thi đua “Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” và triển khai Chương trình mục tiêu xây dựng NTM trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 – 2020 (ngày 8/6/2011).

+ Tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới tại xã Tân Thông Hội giai đoạn 2009 – 2011 (ngày 22/12/2011).

+ Ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”

- Kết quả thực hiện đề án thí điểm mô hình nông thôn mới:

+ Tại xã Tân Thông Hội (xã điểm của Trung ương) đã đạt 18/19 tiêu chí, còn lại tiêu chí 5 - Trường học.

+ Tại 5 xã điểm của thành phố: xã Thái Mỹ đạt 16/19 tiêu chí; xã Xuân Thới Thượng đạt 15/19 tiêu chí; xã Tân Nhựt đạt 11/19 tiêu chí; xã Nhơn Đức đạt 15/19 tiêu chí và xã Lý Nhơn đạt 14/19 tiêu chí.

+ Tại 52 xã nhân rộng: theo chỉ đạo của Trung ương, đến năm 2015 tất cả tỉnh, thành trong cả nước phấn đấu có 20% số xã đạt đủ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thành phố cần phải cố gắng hơn, phấn đấu đến năm 2015, toàn bộ các xã của thành phố sẽ đạt đủ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tại 22 xã nhân rộng từ đầu năm 2011 đã thành lập Ban quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã; đã hoàn thành việc khảo sát, xây dựng và phê duyệt các đề án nông thôn mới, Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố đang thẩm định kinh phí thực hiện các đề án để trình UBND thành phố phê duyệt. Đối với 30 xã còn lại, đã thành lập Ban quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã; tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng, xây dựng Đề án nông thôn mới, đến nay đã cơ bản hoàn thành.

 

VI.         KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI TRỌNG ĐIỂM

1.             Chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao

Trong năm 2011, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao giai đoạn 2011 – 2015. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp đã nhanh chóng phối hợp với các Sở ngành và quận huyện triển khai các mặt công tác để sớm đưa chương trình vào vận hành. Một số kết quả cụ thể:

-  Về giống cây trồng: đến nay thành phố có 42 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh giống cây trồng, khối lượng sản xuất trong năm đạt 11.678 tấn hạt giống, xấp xỉ năm 2010, trong đó hạt giống lúa chiếm 56,2%, bắp: 35,3%. Tổng lượng giống do các công ty cung cấp phục vụ được khoảng 600.000 ha gieo trồng. Trong năm, các công ty cũng đã bổ sung, đưa vào sản xuất kinh doanh 37 giống mới, chủ yếu là giống rau (36 giống), trong đó có 3 giống do các công ty tự nghiên cứu và chọn tạo.

-  Về giống vật nuôi: trong năm thành phố đã cung cấp 920.000 heo con giống, khoảng 1 triệu liều tinh heo giống, các đơn vị kinh doanh đã cung cấp 107.666 liều tinh bò sữa có nguồn gốc từ Israel, Canada, New Zealand …

+ Tổng đàn heo đạt 332.515 con, tăng 9,7% so năm 2010. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong chăn nuôi heo đã thay đổi theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất. Cụ thể: so với năm 2005, số lứa đẻ tăng 10%, đạt 2,23 lứa đẻ/nái/năm, số ngày nuôi đạt trọng lượng 90 kg còn 155 ngày, giảm 14 ngày, rút ngắn thời gian xuất chuồng và giảm chi phí nuôi dưỡng, độ dày mỡ lưng giảm còn 10,98 mm …

+ Bò thịt: trên cơ sở hơn 1.000 con bò thịt nhập giống Brahman và Drought Master đã nhân lai tạo giống bò thịt có tỉ lệ thịt xẻ cao từ 59 – 64%, trọng lượng hơi từ 420 – 650 kg/con, thích nghi với khí hậu thành phố. Hiện nay đàn bò thịt tiếp tục phát triển tốt với tổng đàn là 2.540 con (trong đó bò giống chuyên thịt là 1.780 con tại Công ty TNHH MTV Bò sữa An Phú). Năm 2011 đã cung ứng 40 con giống bò thịt cho người chăn nuôi ở các tỉnh.

+ Dê: tổng đàn 1.973 con, gồm các giống Boer thuần, boer lai, bách thảo, bách thảo lai (đạt 55,2% so năm 2010), tập trung ở Công ty Bò sữa An Phú - Củ Chi, Trại dê giống Bình Hưng – Bình Chánh. Hầu hết các giống dê thích nghi được với khí hậu tại thành phố, kháng bệnh tốt, trọng lượng trưởng thành đạt 90 – 130 kg ở con đực và 80 – 100 kg ở con cái. Đây là nơi sản xuất cung ứng con giống, con thương phẩm cho thị trường thành phố và các tỉnh. Riêng Công ty Bò Sữa đã cung ứng 171 con giống cho người chăn nuôi các tỉnh thành.

Về giống cây lâm nghiệp: số lượng cây giống lâm nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố trong năm 2011 là 22.327.000 cây (đạt 82,45% so với năm 2010), trong đó các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất chiếm 49,5%, số còn lại do các cá nhân và hộ gia đình sản xuất, nâng độ che phủ rừng và mảng cây xanh lên 39,36% (tăng 0,16% so với năm 2010). Hiện nay trên địa bàn thành phố có 15 hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp với tổng diện tích vườn ươm là 1,83 ha (giảm 25% so với năm 2010) và 1 công ty sản xuất giống cây lâm nghiệp. Hàng năm các đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp đã đưa nhiều giống cây lâm nghiệp cao sản, có giá trị kinh tế vào sản xuất  như: Công ty CP giống lâm nghiệp vùng Nam bộ nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô giống Keo lai (nguồn của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) các dòng: BV10, BV16, BV32, BV33, BV73, BV75; Bạch đàn Urophilla và Keo lai thơm.

Ngoài ra, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn nguồn gen cây rừng, Chi cục Lâm nghiệp đã xây dựng khu rừng lưu trữ các giống, gen thực vật chịu phèn tại Trạm Thực nghiệm lâm nghiệp Tân Tạo – xã Lê Minh Xuân với tổng diện tích 1,96 ha.

Về giống thủy sản: trong năm 2011, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 3 cơ sở sản xuất giống tôm sú; 24 cơ sở sản xuất giống cá nước ngọt và 15 cơ sở thuần dưỡng tôm thẻ đã sản xuất 25 triệu con giống tôm sú; 75,65 triệu con cá giống nước ngọt; thuần dưỡng 1,028 tỷ con giống tôm thẻ.

2.             Chương trình phát triển rau an toàn

Đến nay, trên toàn thành phố có 2.735 ha đất canh tác trồng rau đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Diện tích gieo trồng rau năm 2011 đạt 13.515 ha, trong đó rau an toàn đạt 13.245 ha, chiếm tỉ lệ 98% diện tích gieo trồng.

- Về tập huấn, cấp Giấy chứng nhận chuyên môn sản xuất rau an toàn: trong năm 2011, Chi cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức 56 lớp tập huấn, cấp Giấy chứng nhận cho 1.589 hộ, nâng tổng số hộ được cấp Giấy chứng nhận đến nay là 4.386 hộ.

- Về kết quả chứng nhận VietGAP: trong năm 2011, toàn thành phố Hồ Chí Minh có thêm 39 tổ chức, cá nhân sản xuất rau (gồm các loại: dưa leo, bầu, bí, khổ qua, mướp, rau gia vị, cải xanh, cải ngọt, rau dền, dưa hấu, dưa lê vân lưới,...) được Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp cấp giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP với tổng diện tích là 22,4 ha; sản lượng 2.960 tấn/năm. Từ khi thực hiện đến nay, Trung tâm đã tổ chức chứng nhận cho 95 tổ chức, cá nhân (là xã viên của 3 Hợp tác xã Nhuận Đức, Ngã 3 Giòng, Thỏ Việt; 04 công ty và các nông hộ), với tổng diện tích là 61,5 ha (tương đương trên 300 ha diện tích gieo trồng); tổng sản lượng thu hoạch rau, củ, quả các hộ sản xuất theo quy trình VietGAP ước đạt gần 8.000 tấn/năm.

3.             Chương trình phát triển hoa – cây kiểng

Diện tích hoa, cây kiểng năm 2011 đạt 2.010 ha, tăng 5,2% so năm 2010 (tập trung chủ yếu tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn và các quận 12, Thủ Đức). Trong đó lan: 210 ha, tăng 10,5% so năm 2010; kiểng, bonsai: 470 ha, tăng 13,3%; hoa nền: 800 ha, tăng 2,6%; mai: 530 ha, tăng 1%.

Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, diện tích gieo trồng hoa kiểng phục vụ Tết là 1.121,8 ha, tăng 17,6% so năm 2010, lượng hoa, cây kiểng ước khoảng 1,5 triệu chậu mai vàng (tăng 36,6%), 2,3 triệu chậu lan (tăng 42,5%), 2,7 triệu cành lan, 6,2 triệu chậu hoa nền … Tổng giá trị ước trên 1.000 tỉ đồng, tăng 37,7% so năm 2010.

Các đơn vị thuộc Sở cũng đã thực hiện nhiều hoạt động phục vụ phát triển hoa – cây kiểng.

Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức 34/150 lớp tập huấn, 2/30 lớp huấn luyện, 11/54 cuộc tham quan, 4/56 hội thảo và 37/151 mô hình trình diễn về hoa – cây kiểng.

Trung tâm Công nghệ sinh học đã thực hiện dự án sưu tập, nhập nội, khảo nghiệm và nhân giống các giống hoa lan, đến nay đã sưu tập được gần 400 giống hoa lan thuộc 18 nhóm giống khác nhau, hoàn thiện qui trình nhân giống cho 7 nhóm hoa lan, cung cấp hơn 600.000 cây giống hoa lan nuôi cấy mô, ứng dụng thành công hệ thống ngập chìm tạm thời, làm tăng tốc độ nhân giống và tỉ lệ sống.

Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp đã tổ chức thành công Khu chợ hoa cây kiểng của nông dân thành phố tham gia chợ hoa Tết Tân Mão 2011 cho 630 hộ sản xuất hoa – cây kiểng, hỗ trợ xây dựng 9 website, 13 logo, nhãn hiệu cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh hoa kiểng thành phố, tổ chức cho các tiểu thương tại các chợ hoa tham quan và giao lưu với các nhà vườn sản xuất hoa kiểng …

4.             Chương trình phát triển bò sữa

Tổng đàn bò sữa đạt 82.281 con, tăng 3,1% so năm 2010; trong đó, cái vắt sữa khoảng 41.000 con (49,8% tổng đàn), xấp xỉ năm 2010. Sản lượng sữa tươi ước đạt 224.475 tấn, tăng 1,6% so năm 2010. Năng suất ước đạt 5,475 tấn/cái vắt sữa/năm (15 kg/cái vắt sữa/ngày), tăng 1,7% so năm 2010.

Số lượng bò sữa được bình tuyển trong năm đạt 6.025 con, lũy kế đến nay đạt 68.025 con, trong đó có trên 85% bò sữa đạt chuẩn đặc cấp theo tiêu chuẩn 10 TCN 533-2002 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, phẩm giống ≥ F3 chiếm trên 75%. Các hộ, trại đã từng bước nâng cao trình độ chăn nuôi; thực hiện các biện pháp chọn lọc, cải thiện cơ cấu đàn; tăng tỷ lệ đàn sinh sản và vắt sữa góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Tỷ lệ đàn sinh sản và vắt sữa tăng dần qua các năm,  năm 2011 tỷ lệ đàn sinh sản là 69,69% và đàn vắt sữa 49,83% (năm 2010: đàn cái sinh sản là 61,13%; cái vắt sữa là 46,34%). Đồng thời, một số chỉ tiêu kỹ thuật trên đàn bò sữa thành phố đã có sự cải thiện so với năm 2010 như: tuổi phối giống lần đầu bình quân giảm 7 ngày (năm 2010: 486 ngày; năm 2011: 479 ngày); khoảng cách giữa 2 lứa đẻ giảm 8 ngày (năm 2010: 444; năm 2011: 436 ngày); hệ số phối giảm 0,14 liều tinh/con (năm 2010: 3,56; năm 2011: 3,42) đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân. 

5.             Chương trình phát triển cá sấu

Hiện nay trên địa bàn thành phố có 59 tổ chức và cá nhân gây nuôi cá sấu. Tổng đàn cá sấu đạt 175.115 con, tăng 3% so năm 2010. Trong đó:

Cá sấu bố mẹ: 8.089 con, bao gồm 2.211 con cá sấu bố, 5.878 con cá sấu mẹ.

Cá sấu sinh sản trong năm 2011: 31.393 con, đã xuất bán trên 18.000 con, hiện còn 11.780 con.

Cá sấu hậu bị: 5.691 con.

-  Cá sấu thương phẩm: 149.555 con

Trong năm 2011, Chi cục Kiểm lâm đã xác nhận, làm cơ sở để Cục Kiểm lâm cấp mã số thẻ CITES cho 4 doanh nghiệp với 6.777 thẻ, bao gồm 5.655 con cá sấu sống, 335 tấm da muối và 787 tấm da thuộc. Các trại đã xuất khẩu 5.972 con (tăng gấp đôi so năm 2010), bao gồm 5.580 con cá sấu sống và 372 tấm da thuộc, giá trị xuất khẩu đạt 935.000 USD, tương đương 20 tỉ đồng. Xuất bán nội địa trong năm đạt 38.117 con (tăng 64% so 2010), giá trị ước đạt 101 tỉ đồng.

 

VII.      KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ

Trong năm 2011, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 ban hành Qui định về Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 với nội dung chính là hỗ trợ lãi vay cho các tổ chức, cá nhân vay vốn chuyển đổi sản xuất theo định hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của thành phố.

Sau khi chính sách được ban hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhanh chóng và chủ động phối hợp với các Sở ngành, quận huyện và đoàn thể triển khai thực hiện. Đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố thành lập Ban chỉ đạo chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, Hội đồng thẩm định vay vốn theo Quyết định 36/2011/QĐ-UBND; đã tiến hành tập huấn, tuyên truyền, ban hành hướng dẫn liên tịch để thực hiện chính sách, thực hiện các thủ tục ghi vốn để hỗ trợ lãi vay ...

Từ khi được ban hành đến nay, các quận huyện đã tiếp nhận và phê duyệt được 210 quyết định cho 1.065 hộ dân được vay vốn (trong đó có 202 hộ thuộc diện xóa đói giảm nghèo) với tổng vốn vay là 330 tỉ, chiếm 60% vốn đầu tư. Trong đó Cần Giờ có nhiều hộ vay nhất (621 hộ, vay 178 tỉ/vốn đầu tư 290 tỉ), kế đến là Hóc Môn (172 hộ, vay 23,9 tỉ/vốn đầu tư 38,2 tỉ), Nhà Bè (141 hộ, vay 24,4 tỉ/vốn đầu tư 33,5 tỉ) ... Trong cơ cấu đầu tư, nuôi tôm chiếm tỉ lệ cao nhất với 578 hộ, vay 144 tỉ/vốn đầu tư 217 tỉ, nuôi nghêu có 68 hộ, vay 29,8 tỉ/vốn đầu tư 58,8 tỉ, trồng hoa lan, cây kiểng có 66 hộ, vay 47,3 tỉ/vốn đầu tư 83,9 tỉ đồng, còn lại là các đối tượng khác.

Về phê duyệt cấp thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt dự án vay vốn của doanh nghiệp tư nhân Hoàng Ngọc Long về nuôi cá sấu giống với vốn vay là 10 tỉ/vốn đầu tư 16,1 tỉ đồng.

So với cùng kỳ năm 2010, tổng lượng vốn đầu tư, vốn vay, qui mô đầu tư và vay vốn bình quân trên hộ và trên đơn vị diện tích đều tăng cao, chủ yếu là do tác động từ chính sách khuyến khích chuyển dịch giai đoạn 2006 – 2010, đồng thời chính sách chuyển dịch giai đoạn 2011 – 2015 có mức hỗ trợ cao hơn rất nhiều so với chính sách khuyến khích chuyển dịch giai đoạn trước nên đã tạo động lực cho bà con đầu tư chuyển đổi.

 

VIII.   NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ

Nhìn chung trong năm 2011, bên cạnh những thuận lợi, sản xuất nông nghiệp thành phố vẫn gặp nhiều khó khăn, chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả vật tư đầu vào. Nhờ lãnh đạo thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm chỉ đạo; các Sở ngành, quận huyện tích cực phối hợp, bà con nông dân nỗ lực sản xuất và các phòng ban, đơn vị trực thuộc Sở tích cực phấn đấu, vượt qua khó khăn nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành và chương trình công tác, giúp sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá và ổn định, chuyển dịch theo hướng tích cực, tiếp tục phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện sản xuất tại thành phố; tình hình sản xuất và tiêu thụ rau, hoa - cây kiểng, cá cảnh tăng cao so với cùng kỳ; tình hình hỗ trợ vốn vay cho nông dân tiếp tục được thực hiện tốt, góp phần kích cầu và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.

Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm ngư nghiệp thành phố năm 2011 đạt 6%, cao hơn so cả nước (3%), tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp đạt 6,2% (cả nước tăng 5,2%).

Một số chỉ tiêu chủ yếu tăng khá như diện tích trồng rau an toàn tăng 4% so năm 2010, diện tích trồng lan tăng 10,5%, diện tích kiểng - bonsai tăng 13,3%, diện tích trồng cỏ thức ăn gia súc tăng 10%, đàn bò sữa tăng 3,1%, sản lượng tổ yến tăng hơn gấp đôi, sản lượng cá cảnh tăng 8,3%, số lượng cá cảnh xuất khẩu tăng 17,3% nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu lại tăng gần gấp đôi, đàn cá sấu tăng 3%, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 12% so cùng kỳ. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 165,8 triệu đồng/ha/năm, tăng 7,9% so năm 2010. Xét trong bối cảnh đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp giảm nhanh, việc đạt được những thành tích trên là nỗ lực rất lớn của bà con nông dân, của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến quận huyện, phường xã, đồng thời khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả của chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.

Bên cạnh các biện pháp thúc đẩy sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp tục chủ động thực hiện đồng bộ và hiệu quả các biện pháp bảo vệ thành quả sản xuất như phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, dịch hại trên cây trồng, phòng chống lụt bão, triều cường, úng ngập.

Về vệ sinh an toàn thực phẩm: đã tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng ngay từ khâu sản xuất; đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh trong việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm các loại nông sản nhập vào thành phố.

Về lĩnh vực lâm nghiệp, các đơn vị trực thuộc Sở đã tích cực chủ động trong công việc được giao và phối hợp tốt với các lực lượng trên toàn địa bàn nên đã đạt hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và bảo vệ động vật hoang dã. Trong năm 2011 đã không để xảy ra tình trạng cháy rừng và cây trồng phân tán trên địa bàn thành phố.

Thực hiện tốt công tác phòng, chống lụt, bão, triều cường; tổ chức trực ban 24/24 giờ để cảnh báo, ứng phó, phòng tránh tại các điểm xung yếu; tình hình khí tượng, thủy văn, xâm nhập mặn, diễn biến triều cường được theo dõi và dự báo thường xuyên chặt chẽ, kịp thời triển khai các biện pháp phòng và ứng phó.

Công tác nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp - nông thôn ngày càng gắn với thực tiễn. Công tác hướng dẫn thực hiện chính sách không chỉ đơn thuần là tập huấn chính sách chung, mà căn cứ theo thực tế của từng địa phương, hộ nông dân để vận dụng và hướng dẫn cụ thể theo yêu cầu. Phúc kiểm tình hình, giải quyết nhanh, thỏa đáng các khiếu nại về thụ hưởng chính sách của các nông hộ.

Công tác khuyến nông tại các địa phương đã được chính quyền địa phương và các hội đoàn quan tâm sâu sát hơn nên có nhiều thuận lợi. Tổ chức sản xuất gắn với đầu ra sản phẩm được xem trọng nên nông dân ngày càng an tâm. Nhiều mô hình triển vọng được đánh giá cao và khuyến cáo nhân rộng.

Các chương trình hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn với các tỉnh; công tác xúc tiến thương mại, tư vấn và hỗ trợ xây dựng thương hiệu, hợp tác đối ngoại được quan tâm, đạt kết quả khá hơn. Lĩnh vực công nghệ sinh học đã triển khai nhiều nội dung nghiên cứu thiết thực, gắn với thực tế sản xuất. Công tác quản lý và kiểm định giống cây trồng, vật nuôi thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu về lĩnh vực quản lý nhà nước về giống.

Trong năm 2011, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, nỗ lực của các chủ đầu tư và chính quyền các địa phương, các công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản của ngành được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo kế hoạch đầu tư. Trong bối cảnh thành phố thiếu vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản, ngành nông nghiệp đã sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn vốn mà thành phố đã ưu tiên bố trí, các công trình, dự án đều đạt tỉ lệ giải ngân cao so kế hoạch vốn giao, nhất là các công trình trọng điểm, sử dụng nhiều vốn của ngành như công trình Tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước lên, công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn, các dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Thủy sản thành phố, Trung tâm Quản lý và kiểm định giống cây trồng, vật nuôi … có tỉ lệ giải ngân trên 95% so kế hoạch vốn giao.

Công tác cải cách hành chính tiếp tục được chú trọng, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được duy trì, đã được Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tái cấp Giấy chứng nhận.


PHẦN II

KẾ HOẠCH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN

NÔNG THÔN NĂM 2012

I.              MỘT SỐ DỰ BÁO

1.             Thuận lợi

-           Thành phố đang tập trung thực hiện Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện và cơ chế để nông dân, nông thôn giải phóng sức sản xuất, huy động các nguồn lực của xã hội để phát triển sản xuất nông nghiệp.

-           Điều kiện sản xuất, sinh hoạt của nông dân, nông thôn trong thời gian qua đã và đang được đầu tư, ngày càng hoàn thiện, nhất là cơ sở hạ tầng (thủy lợi, giao thông nông thôn …), nông dân được tăng cường tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất mới. Đồng thời đã có nhiều kinh nghiệm về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong giai đoạn 2006 - 2010.

-           Thành phố đã phê duyệt và triển khai đề án quy hoạch sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn năm 2025; quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng; đồng thời phê duyệt nhiều chương trình và chính sách lớn của ngành như Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, Chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, nông thôn, chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao, phát triển hoa cây kiểng, rau an toàn, cá sấu, cá cảnh … Đây là cơ sở và động lực để thúc đẩy nông dân đầu tư phát triển sản xuất.

2.             Khó khăn, thách thức:

-           Đất canh tác ngày càng giảm do chương trình đầu tư hạ tầng, phát triển đô thị. Lao động nông nghiệp ngày càng giảm, nhất là lao động trẻ chuyển đổi sang ngành nghề phi nông nghiệp.

-           Thiên tai, dịch bệnh cây trồng, vật nuôi luôn diễn biến phức tạp; các biện pháp giải quyết ô nhiễm môi trường còn hạn chế.

 

II.           NHIỆM VỤ - MỤC TIÊU NĂM 2012

1.             Nhiệm vụ

-           Tập trung thực hiện kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chương trình hành động của Thành ủy theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IX đồng thời tiếp tục đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố (Quyết định 10/2009/QĐ-UBND ngày 22/01/2009) thực hiện chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 20/10/2008 của Thành ủy về nông nghiệp - nông dân - nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X.

-           Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 26/10/2007 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về chiến lược biển Việt Nam trên địa bàn thành phố (Quyết định số 28/2008/QĐ-UBND ngày 03/04/2008 của Ủy ban nhân dân thành phố).

-           Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố; đảm bảo tiến độ xây dựng các mô hình thí điểm nông thôn mới theo chủ trương của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố, đồng thời nâng cao chất lượng các tiêu chí tại những xã đã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Xây dựng và triển khai thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới cho toàn bộ các xã còn lại, phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới cho tất cả các xã trên địa bàn thành phố đến năm 2015.

-           Tiếp tục chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và dịch hại trên cây trồng; công tác phòng chống thiên tai, lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống cháy rừng ...

-           Triển khai các biện pháp đẩy mạnh việc thực hiện chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2015, các chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao, phát triển bò sữa, rau an toàn, hoa cây kiểng, cá sấu, nuôi thủy sản ... giai đoạn 2011 - 2015 theo các Quyết định đã được phê duyệt.

-           Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật, thủy sản; công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, động vật hoang dã ...

2.             Mục tiêu

2.1.            Mục tiêu chung

-           Phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, ổn định, bền vững; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, phòng chống có hiệu quả các loại dịch bệnh cây trồng vật nuôi. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp năm 2012 đạt trên 6%, giá trị gia tăng trên 5%.

-           Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, đặc biệt ở các vùng trũng thấp, ảnh hưởng triều, xâm nhập mặn; hình thành và phát triển những vùng sản xuất giống chất lượng cao, chuyên canh; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, nhất là công nghệ sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản.

-           Thực hiện các giải pháp để ứng phó có hiệu quả biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố.

 

2.2.            Mục tiêu cụ thể

-           Hoa - cây kiểng: 2.100 ha.

-           Cá kiểng: 70 triệu con.

-           Duy trì đàn bò sữa ở mức 82.000 con, đàn heo khoảng 330.000 con.

-           Đàn cá sấu: 170.000 – 180.000 con.

-           Chim yến: 1.200 kg tổ yến

-           Diện tích gieo trồng rau: 14.000 - 14.500 ha

-           Tôm các loại: trên 10.000 tấn.

-           Hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh ở nông thôn ngoại thành: 98%.

-           Tỉ lệ che phủ rừng và cây xanh trên địa bàn thành phố: 39,4%, trong đó độ che phủ rừng và cây lâm nghiệp 18,8%.

-           Hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại 5 xã điểm của thành phố (Thái Mỹ, Xuân Thới Thượng, Tân Nhựt, Nhơn Đức và Lý Nhơn), nâng cao chất lượng các tiêu chí về nông thôn mới tại xã Tân Thông Hội.

 

III.        CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1.             Các giải pháp về quy hoạch và đầu tư, đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng

1.1.            Về quy hoạch, kế hoạch sản xuất nông nghiệp

- Phối hợp với các ngành, các quận huyện để triển khai thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp; khoanh vùng và quản lý sử dụng đất các vùng sản xuất nông nghiệp ổn định đến năm 2020, 2025; xác định chi tiết các vùng sản xuất giống cây, giống con, các loại cây trồng, vật nuôi, vùng sản xuất nông sản hàng hóa và công khai, phổ biến các quy hoạch được phê duyệt, tổ chức quản lý chặt chẽ các vùng nông nghiệp ổn định.

- Triển khai thực hiện chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, các chương trình mục tiêu về cây con đã được phê duyệt. Xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm, từng vụ với các giải pháp khả thi để triển khai các chương trình mục tiêu về rau an toàn, hoa - cây kiểng, cá cảnh, bò sữa, cá sấu, nuôi tôm; giống cây, giống con chất lượng cao...

1.2.            Về đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật nông nghiệp

- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm như Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Giao dịch, triển lãm nông sản thành phố, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Thủy sản thành phố; các công trình chống ngập, phòng chống lụt bão, triều cường, xâm nhập mặn kết hợp giao thông nông thôn… Phát huy hiệu quả Trạm Kiểm dịch thực vật nội địa, Trung tâm Quản lý, Kiểm định giống cây trồng, vật nuôi, Trạm kiểm dịch Thủy sản Cần Giờ và các công trình hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp khác.

- Đầu tư đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng nông nghiệp và nông thôn, trọng tâm tại các xã thí điểm mô hình nông thôn mới; các cơ sở bảo quản và chế biến sau thu hoạch; kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đến nội đồng; các công trình, dự án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Nghiên cứu và thực hiện các biện pháp phòng chống ngập úng, triều cường, cải tạo, bồi dưỡng đất sản xuất; hạn chế ảnh hưởng xâm nhập mặn; sự cố tràn dầu, chống xói lở…

2.             Các giải pháp về xây dựng nông thôn mới

Tổ chức thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố, tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo thành phố; định kỳ tổ chức kiểm tra, báo cáo, đề xuất Ban Chỉ đạo thành phố giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc để đảm bảo tiến độ thực hiện các đề án thí điểm xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện các Đề án, chương trình phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020. Tăng cường đầu tư, hỗ trợ để củng cố, phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; đổi mới, các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn; Đề án đổi mới hình thức sản xuất (trang trại, HTX và kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nông thôn; liên kết sản xuất giữa các hộ nông dân với các thành phần kinh tế).

Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân phát triển nhanh cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Nghiên cứu, thực hiện chính sách về huy động các nguồn lực, thúc đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ngoại thành; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác sản xuất và hộ nông dân liên kết chặt chẽ với các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước; tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng; tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, kỹ năng thực hành cho lao động nông nghiệp; đầu tư, đổi mới hoạt động tư vấn hỗ trợ, chuyển giao khoa học - công nghệ để nâng cao trình độ sản xuất của nông dân.

3.             Các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước

3.1.            Tiếp tục củng cố, tăng cường tổ chức bộ máy của ngành Nông nghiệp và PTNT phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trong thời kỳ mới

-           Tiếp tục thực hiện việc quản lý và điều hành bộ máy cơ quan văn phòng Sở theo tiêu chuẩn ISO và quy chế 1 cửa, triển khai tại tất cả các đơn vị thuộc Sở; phối hợp với các quận huyện có sản xuất nông nghiệp củng cố tổ chức và nâng cao trình độ cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn ở địa phương, đảm bảo năng lực thực hiện chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2015.

-           Tổ chức đào tạo và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của mạng lưới cộng tác viên cơ sở, nâng cao năng lực cập nhật thông tin tiến độ sản xuất, đảm bảo nắm vững tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, phối hợp chặt chẽ với địa phương trong các hoạt động, kế hoạch triển khai các chương trình mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả.

3.2.            Nâng cao năng lực pháp chế, hiệu quả công tác cải cách hành chính

-           Định kỳ rà soát các văn bản pháp quy của ngành và thành phố để kịp thời đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh cho phù hợp với các quy định và cam kết của WTO.

-           Xây dựng, trình cấp thẩm quyền ban hành các quy định về việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GAP) trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, quy định về chăn nuôi an toàn, quy định về chuồng trại cá sấu…nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và tiến tới xây dựng và ban hành các quy định và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của thành phố, các rào cản kỹ thuật (TBT), các biện pháp tự vệ cho ngành nông nghiệp.

3.3.            Đổi mới nội dung, phương thức hỗ trợ nông dân

-           Tăng cường đào tạo nghề cho nông dân; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, kỹ năng thực hành cho lao động nông nghiệp; đầu tư, đổi mới hoạt động tư vấn hỗ trợ, chuyển giao khoa học - công nghệ để nâng cao trình độ sản xuất của nông dân, kết hợp với việc phát triển các dự án nhỏ giải quyết việc làm (dự án phát triển ngành nghề nông thôn, cá cảnh, cá sấu …).

-           Đổi mới các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư trong nội dung và phương thức tổ chức tập huấn, huấn luyện, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ để nâng cao trình độ sản xuất của nông dân và hộ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo các hộ nông dân thực hiện chuyển đổi được tập huấn đầy đủ các qui trình, thủ tục về sản xuất và vay vốn để đầu tư.

4.             Các giải pháp về vốn - tín dụng - đầu tư

4.1.            Vốn ngân sách

-           Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất thành phố để bổ sung, tăng kinh phí phân cấp đầu tư cho các quận huyện theo chủ trương của Thành ủy (chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 20/10/2008 của Thành ủy) và Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 20/01/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các xã trong chương trình xây dựng thí điểm nông thôn mới theo chủ trương của thành phố.

-           Ưu tiên đầu tư dự án cung cấp nước sạch và chương trình vệ sinh môi trường nông thôn. Đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, khuyến nông; giống mới, giống gốc; đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn (thủy lợi, trại sản xuất giống …); các hoạt động và dịch vụ hỗ trợ như kiểm dịch, phòng chống dịch bệnh, thú y, bảo vệ thực vật, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; quản lý, bảo vệ rừng; quản lý khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi; xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản …

-           Hỗ trợ, bù lãi suất tín dụng theo chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp (theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố) và theo Quy định về thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương trình kích cầu của thành phố Hồ Chí Minh (theo Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND ngày 28/5/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố); hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh môi trường nông thôn (Nghị quyết 07/2007/NQ-UBND ngày 05/07/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố).

4.2.            Vốn tín dụng, vốn khác

- Tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương về tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là Quyết định số 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nông dân mua máy móc, thiết bị, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở. Thực hiện các Nghị định của Chính phủ như Nghị định 02/2010/NĐ-CP về công tác khuyến nông, Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.

- Phối hợp với các Sở ngành, đoàn thể và địa phương để huy động, sử dụng các nguồn vốn từ quĩ Xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, quĩ của các hội, đoàn thể để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác, nuôi thủy sản, xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường nông thôn.

5.             Các giải pháp khác

5.1.            Các giải pháp về kỹ thuật

Tập trung các giải pháp để tiếp tục phát triển mạnh các loại cây con và nông sản chủ lực theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, ổn định, bền vững; chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ; đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật, thủy sản. Xây dựng và thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ sản xuất, phòng chống dịch, phòng chống úng ngập, chương trình quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nông sản thực phẩm trên địa bàn thành phố, phát triển cơ giới hóa theo Quyết định số 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ …

5.2.            Các giải pháp về xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản

- Tập trung các giải pháp để cải thiện, nâng cao hiệu quả các kênh phân phối đã hình thành, tiếp tục mở rộng các kênh phân phối mới; nhân rộng phương thức sản xuất, tiêu thụ theo các đơn đặt hàng.

- Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản đặc trưng của thành phố như rau an toàn, giống heo hướng nạc, giống bò sữa năng suất cao, giống cá rô phi toàn đực ...; tổ chức các hội chợ, hội thi, triển lãm giống, sản phẩm nông lâm ngư nghiệp. Hỗ trợ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, các làng nghề và hộ nông dân tham gia, giới thiệu sản phẩm ở trong nước và nước ngoài.

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình hợp tác với các tỉnh để đảm bảo nguồn nông sản thực phẩm bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thành phố, chú trọng công tác phối hợp giám sát dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, kiểm dịch động thực vật, an toàn thực phẩm.

5.3.            Các giải pháp thực hiện chương trình hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp

- Nâng cao nhận thức hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết của Chính phủ trong lĩnh vực nông nghiệp khi gia nhập WTO thông qua các lớp tập huấn, các tài liệu về WTO có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp trọng điểm của thành phố để phổ biến đến các đơn vị trong ngành Nông nghiệp và PTNT từ thành phố đến cơ sở, các HTX, doanh nghiệp, tổ hợp tác, các hiệp hội chuyên ngành hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

- Đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao kỹ năng: marketing, phân phối, nghiên cứu thị trường, quản lý sản xuất kinh doanh và tài chính, quản lý nguồn nhân lực cho các hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các thành phần kinh tế. Tổ chức tham gia các hoạt động khảo sát thị trường và tìm đối tác tiêu thụ nông sản; thông qua việc tham gia các đoàn xúc tiến thương mại của thành phố, của ngành tại các hội chợ quốc tế và tổ chức kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.

- Tổ chức hội thảo chuyên đề để giới thiệu, thông tin những thành tựu, tiềm năng, chính sách khuyến khích, ưu đãi về nông nghiệp, nông thôn với các tổ chức trong và ngoài nước, nhất là trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, giống mới để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực nông nghiệp. Xây dựng chương trình, kế hoạch xúc tiến, kêu gọi đầu tư nước ngoài vào các Dự án mở rộng khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Giao dịch triển lãm nông sản, Trung tâm Công nghệ sinh học.

IV.         MỘT SỐ KIẾN NGHỊ ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

Hiện nay, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp được Cục Thống kê thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán theo phương pháp do Tổng cục Thống kê ban hành. Phương pháp này dựa trên bảng giá cố định của các loại sản phẩm, được xây dựng từ năm 1994. Với việc sử dụng cố định một mức giá trong nhiều năm thì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp tính theo phương pháp này chỉ phản ánh được sự tăng trưởng về sản lượng mà không phản ánh được biến động giá cả của các loại cây trồng, vật nuôi và hiệu quả của chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Phương pháp này không còn phù hợp trong bối cảnh thành phố đang thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi, nhiều loại hình dịch vụ nông nghiệp mới, không có trong bảng giá cố định 1994 và có những cách tính giá trị khác nhau, quan trọng hơn cả là có thể dẫn đến sai lệch trong định hướng chỉ đạo, điều hành, phát triển sản xuất. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố có ý kiến đề nghị Tổng cục Thống kê xem xét, điều chỉnh phương pháp tính toán tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành theo hướng bám sát với thực tiễn của thành phố nói riêng, cũng như của cả nước nói chung.

Hiện nay, một số văn bản thực hiện Luật An toàn thực phẩm chưa cụ thể, chủ yếu là các qui định về phương pháp kiểm tra, xử lý lô hàng hóa vi phạm, tài liệu đối chiếu để xác định căn cứ vi phạm, gây khó khăn cho các đơn vị trực thuộc trong việc kiểm tra và xử lý vi phạm. Do đó, kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố có ý kiến đề nghị các Bộ ngành TW sớm có hướng dẫn cụ thể để thực hiện các qui định liên quan đến Luật An toàn thực phẩm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ cấp giấy phép xả nước thải vào hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh (các hệ thống công trình thủy lợi khác thì không), tuy nhiên lại không có thẩm quyền thanh tra, xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Ngoài ra, công tác thẩm định hồ sơ cấp phép cũng dựa trên kết quả từ một số thủ tục hành chính khác do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện, dẫn đến việc cấp giấy phép xả nước thải vào hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh chỉ mang tính thủ tục. Những bất cập này làm giảm hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng nguồn nước nói chung, nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi nói riêng; ngoài ra còn gây trở ngại cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính này vì phải liên hệ hai đầu mối là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Sở Tài nguyên và Môi trường. Do đó, để thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, bảo đảm tính đồng bộ, xuyên suốt và giảm bớt phiền hà cho tổ chức, cá nhân xin cấp Giấy phép xả nước thải; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố chuyển về một đầu mối là Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện cấp giấy phép xả nước thải trên toàn địa bàn thành phố.


Số lượt người xem: 6339    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm