Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 10671/SKHĐT-KT ngày 26 tháng 12 năm 2011 về việc báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kết quả triển khai thực hiện Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế năm 2011 và kế hoạch năm 2012; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình trong lĩnh vực nông nghiệp như sau:
I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
- Sau khi chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố giai đoạn 2011 – 2015 được Ủy ban nhân thành phố phê duyệt (theo Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2011), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phổ biến nội dung chương trình đến các phòng ban, đơn vị trực thuộc, đồng thời xây dựng kế hoạch số 1461/SNN-KHTC ngày 30 tháng 9 năm 2011 để thực hiện chương trình.
- Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 (Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND ngày 09/3/2011) và các chương trình, đề án phục vụ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp như Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 (Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011); Chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp – nông thôn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 (Quyết định số 446/QĐ-UBND ngày 27/01/2011) và các chương trình phát triển cây con khác.
Mục tiêu chung
- Phát triển nông nghiệp thành phố theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, ổn định, bền vững; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 6%/năm, giá trị gia tăng trên 5%/năm. Góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố.
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; kinh tế nông thôn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch; hình thành và phát triển những vùng sản xuất giống chất lượng cao, khu nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, nhất là công nghệ sinh học để lai tạo giống, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và khả năng cạnh tranh của nông sản.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2015
Tiếp tục giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả ở các vùng có nguy cơ bị tác động của biến đổi khí hậu để chuyển sang cây trồng khác: phấn đấu giai đoạn 2011 - 2015 giảm diện tích trồng lúa từ 3.500 - 4.000 ha. Đến năm 2015:
- Hoa - cây kiểng: trên 2.100 ha.
- Cá kiểng: trên 100 triệu con.
- Duy trì đàn bò sữa ở mức 83.500 con, đàn heo khoảng 300.000 con.
- Đàn cá sấu: 190.000 con.
- Chim yến: 2.000 kg tổ yến.
- Diện tích gieo trồng rau trên 15.000 ha
- Tôm các loại: trên 10.000 tấn.
Ổn định và nâng cao năng suất, chất lượng muối Cần Giờ.
Hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh ở nông thôn ngoại thành: 100%; hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh: 100%; hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas xử lý chất thải: 90%.
Độ che phủ rừng và cây xanh trên địa bàn thành phố: 40%, trong đó độ che phủ rừng và cây lâm nghiệp 19,1%.
II. KẾT QUẢ SẢN XUẤT VÀ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP TRONG NĂM 2011
1. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp
Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố:
- GDP của ngành nông lâm ngư nghiệp thành phố năm 2011 ước đạt 5.552 tỉ đồng, tăng 6% so năm 2010 (cả nước tăng 3%).
- Tổng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2011 ước đạt 11.113 tỉ đồng (giá thực tế), tăng 6,2% so năm 2010 (cả nước tăng 5,2%). Trong đó:
- Trồng trọt tăng 2,9%, chăn nuôi tăng 6,9%, dịch vụ nông nghiệp tăng 4,9%, lâm nghiệp tăng 3,6%, thủy sản tăng 9,1%.
- Về cơ cấu: trồng trọt chiếm tỉ lệ 24,8%; chăn nuôi: 47,8%; dịch vụ nông nghiệp: 6,6%; lâm nghiệp: 1,1%; thủy sản: 19,7%.
- So với năm 2010, trong cơ cấu nông lâm ngư nghiệp thành phố có sự chuyển dịch tương đối rõ nét. Ngoại trừ chăn nuôi, các ngành còn lại đều giảm về tỉ trọng. Cụ thể: trồng trọt từ 26,7% đã giảm còn 24,8%, dịch vụ nông nghiệp, lâm nghiệp giảm nhẹ, thủy sản giảm từ 21,1% xuống còn 19,7%, riêng chăn nuôi từ 44,2% đã tăng lên 47,8%. Sự chuyển dịch này chủ yếu là do:
- Chăn nuôi vốn chiếm tỉ trọng cao, đồng thời trong năm 2011 mức tăng giá của các sản phẩm chăn nuôi cao hơn các sản phẩm trồng trọt và thủy sản nên mặc dù chăn nuôi chỉ tăng 6,9% (về sản lượng), thấp hơn tốc độ tăng trưởng của thủy sản (9,1%) nhưng tỉ trọng lại tăng 3,6% (từ 44,2% lên 47,8%).
- Dịch vụ nông nghiệp và lâm nghiệp tuy có tăng trưởng nhưng do tốc độ tăng trưởng thấp hơn so tốc độ tăng trưởng toàn ngành (6,2%) nên tỉ trọng bị giảm.
- Trồng trọt tăng thấp hơn so mức tăng của toàn ngành nên tỉ trọng cũng bị giảm.
- Thủy sản mặc dù sản lượng tăng 9,1%, cao hơn mức tăng của toàn ngành nhưng do tỉ trọng thấp hơn so chăn nuôi và trồng trọt, đồng thời mức tăng giá của các sản phẩm thủy sản thấp hơn so các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi nên tỉ trọng thủy sản bị giảm từ 21,1% xuống còn 19,7%.
2. Kết quả sản xuất một số lĩnh vực
2.1. Trồng trọt: một số loại cây trồng chính
- Hoa, cây kiểng: diện tích hoa, cây kiểng năm 2011 đạt 2.010 ha, tăng 5,2% so năm 2010 (tập trung chủ yếu tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn và các quận 12, Thủ Đức). Trong đó lan: 210 ha, tăng 10,5% so năm 2010; kiểng, bonsai: 470 ha, tăng 13,3%; hoa nền: 800 ha, tăng 2,6%; mai: 530 ha, tăng 1%.
- Rau: diện tích gieo trồng năm 2011 đạt 13.515 ha, tăng 4% so năm 2010 (trong đó rau an toàn là 13.245 ha, tăng 4%); sản lượng ước đạt 299.000 tấn, tăng 5,2%.
- Cỏ thức ăn gia súc: diện tích hiện có là 3.300 ha, tăng 10% so năm 2010, sản lượng ước đạt 800.000 tấn, tăng 11,1%.
- Cây cao su: diện tích cao su hiện có là 3.500 ha, xấp xỉ cùng kỳ.
- Lúa: diện tích gieo trồng lúa năm 2011 đạt 21.601 ha, giảm 11,5% so năm 2010, sản lượng đạt 94.821 tấn, giảm 10,3% so cùng kỳ.
2.2. Chăn nuôi: số liệu tổng đàn đến 15/12/2011
- Gia súc:
+ Bò sữa: tổng đàn đạt 82.281 con, tăng 3,1% so năm 2010; trong đó, cái vắt sữa khoảng 41.000 con, xấp xỉ năm 2010. Sản lượng sữa tươi ước đạt 224.475 tấn, tăng 1,6% so năm 2010. Năng suất ước đạt 5,475 tấn/cái vắt sữa/năm (15 kg/cái vắt sữa/ngày), tăng 1,7% so năm 2010.
+ Trâu: tổng đàn 5.645 con, tăng 18,8% so năm 2010.
+ Heo: tổng đàn 332.515 con, tăng 9,7% so năm 2010; trong đó, nái sinh sản là 45.842 con, giảm 3% so với cùng kỳ.
- Chăn nuôi khác:
+ Chim yến: sản lượng tổ yến năm 2011 đạt 900 kg, chủ yếu tại huyện Cần Giờ.
+ Cá sấu: hiện nay trên địa bàn thành phố có 59 tổ chức và cá nhân gây nuôi cá sấu. Tổng đàn cá sấu đạt 175.115 con, tăng 3% so năm 2010.
2.3. Thủy sản
- Cá cảnh: năm 2011 ước đạt 65 triệu con cá cảnh, tăng 8,3% so năm 2010. Xuất khẩu 8,86 triệu con, giá trị kim ngạch xuất khẩu cá cảnh ước đạt trên 12 triệu USD, với khoảng 50 loài có giá trị kinh tế cao như Chép Nhật, Bảy Màu, Hoà Lan, Dĩa, Xiêm, Ông Tiên, Tứ Vân, Hồng Kim, Hắc Kim, Bạch Kim, Phượng Hoàng … Thị trường xuất khẩu chủ yếu cá cảnh Việt Nam là Châu Âu, Mỹ ...
- Tổng sản lượng thủy sản năm 2011 ước đạt 50.125 tấn, tăng 6,4% so năm 2010, trong đó:
+ Sản lượng nuôi trồng: 28.125 tấn, tăng 11,9% so cùng kỳ. Trong đó: cá nước lợ và nước ngọt đạt 8.700 tấn, giảm 2,5% so 2010; tôm thẻ chân trắng đạt 9.000 tấn, tăng 43,3%; nghêu sò 5.000 tấn, tăng 20%.
+ Sản lượng đánh bắt: 22.000 tấn, xấp xỉ cùng kỳ.
2.4. Lâm nghiệp
- Đến nay, diện tích rừng và cây lâm nghiệp trồng phân tán trên địa bàn thành phố đạt 42.523 ha, tăng 2,1% so năm 2010. Bao gồm 34.863 ha rừng phòng hộ, đặc dụng, 2.622 ha rừng kinh tế và 5.038 ha cây lâm nghiệp phân tán.
- Tỉ lệ che phủ rừng và cây lâm nghiệp phân tán đạt 18,76%. Tỉ lệ che phủ rừng và mảng xanh đạt 39,36%.
3. Kết quả thực hiện các chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi trọng điểm
3.1. Chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao
Trong năm 2011, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao giai đoạn 2011 – 2015. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp đã nhanh chóng phối hợp với các Sở ngành và quận huyện triển khai các mặt công tác để sớm đưa chương trình vào vận hành. Một số kết quả cụ thể:
Về giống cây trồng: đến nay thành phố có 42 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh giống cây trồng, khối lượng sản xuất trong năm đạt 11.678 tấn hạt giống, xấp xỉ năm 2010, trong đó hạt giống lúa chiếm 56,2%, bắp: 35,3%. Tổng lượng giống do các công ty cung cấp phục vụ được khoảng 600.000 ha gieo trồng. Trong năm, các công ty cũng đã bổ sung, đưa vào sản xuất kinh doanh 37 giống mới, chủ yếu là giống rau (36 giống), trong đó có 3 giống do các công ty tự nghiên cứu và chọn tạo.
Trong năm 2011, Trung tâm Quản lý và kiểm định giống cây trồng, vật nuôi đã sưu tập 27 giống cây ăn trái thuộc 13 loại, 10 giống sứ Thái, 5 giống cà chua …; đã trồng thử nghiệm 5 giống hoa LiLi, 12 giống hoa Đồng tiền, 13 giống hoa lan và một số giống rau, trong đó có 3 giống hoa LiLi và 5 giống hoa Đồng tiền có hoa to, đẹp, bền màu, thích nghi với điều kiện khí hậu thành phố; bí đỏ Cô Tiên (Công ty Nông Hữu), bí đỏ Plato 757 (Công ty Nhiệt đới), cải thìa (Công ty Chánh Nông) có năng suất cao.
Về giống vật nuôi: trong năm thành phố đã cung cấp 920.000 heo con giống, khoảng 1 triệu liều tinh heo giống, các đơn vị kinh doanh đã cung cấp 107.666 liều tinh bò sữa có nguồn gốc từ Israel, Canada, New Zealand … Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương duy nhất trong cả nước tổ chức chứng nhận giá trị gây giống cho các cơ sở giống heo tham gia phương pháp BLUP.
Trong năm 2011, Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng, vật nuôi đã tiến hành bình tuyển, lập lý lịch cho 6.025 con bò sữa, đến nay đã bình tuyển, lập lý lịch cho 68.025 con bò sữa; đã thực hiện 04 đợt (trên 5.700 con) thu thập số liệu đàn heo tại các xí nghiệp chăn nuôi heo quốc doanh để đánh giá tiến bộ di truyền giống heo theo phương pháp BLUP.
Về giống cây lâm nghiệp: số lượng cây giống lâm nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố trong năm 2011 là 22.327.000 cây (đạt 82,45% so với năm 2010).
Về giống thủy sản: trong năm 2011, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 3 cơ sở sản xuất giống tôm sú; 24 cơ sở sản xuất giống cá nước ngọt và 15 cơ sở thuần dưỡng tôm thẻ đã sản xuất 25 triệu con giống tôm sú; 75,65 triệu con cá giống nước ngọt; thuần dưỡng 1,028 tỷ con giống tôm thẻ.
3.2. Chương trình phát triển rau an toàn
Đến nay, trên toàn thành phố có 2.735 ha đất canh tác trồng rau đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Diện tích gieo trồng rau năm 2011 đạt 13.515 ha, trong đó rau an toàn đạt 13.245 ha, chiếm tỉ lệ 98% diện tích gieo trồng.
- Về tập huấn, cấp Giấy chứng nhận chuyên môn sản xuất rau an toàn: trong năm 2011, Chi cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức 56 lớp tập huấn, cấp Giấy chứng nhận cho 1.589 hộ, nâng tổng số hộ được cấp Giấy chứng nhận đến nay là 4.386 hộ.
- Về kết quả chứng nhận VietGAP: đã có 95 tổ chức, cá nhân (là xã viên của 3 Hợp tác xã Nhuận Đức, Ngã 3 Giòng, Thỏ Việt; 04 công ty và các nông hộ), với tổng diện tích là 61,5 ha (tương đương trên 300 ha diện tích gieo trồng); tổng sản lượng thu hoạch rau, củ, quả các hộ sản xuất theo quy trình VietGAP ước đạt gần 8.000 tấn/năm.
3.3. Chương trình phát triển hoa – cây kiểng
Diện tích hoa, cây kiểng năm 2011 đạt 2.010 ha, tăng 5,2% so năm 2010 (tập trung chủ yếu tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn và các quận 12, Thủ Đức). Trong đó lan: 210 ha, tăng 10,5% so năm 2010; kiểng, bonsai: 470 ha, tăng 13,3%; hoa nền: 800 ha, tăng 2,6%; mai: 530 ha, tăng 1%.
Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, diện tích gieo trồng hoa kiểng phục vụ Tết là 1.121,8 ha, tăng 17,6% so năm 2010, lượng hoa, cây kiểng ước khoảng 1,5 triệu chậu mai vàng (tăng 36,6%), 2,3 triệu chậu lan (tăng 42,5%), 2,7 triệu cành lan, 6,2 triệu chậu hoa nền … Tổng giá trị ước trên 1.000 tỉ đồng, tăng 37,7% so năm 2010.
3.4. Chương trình phát triển bò sữa
Tổng đàn bò sữa đạt 82.281 con, tăng 3,1% so năm 2010; trong đó, cái vắt sữa khoảng 41.000 con (49,8% tổng đàn), xấp xỉ năm 2010. Sản lượng sữa tươi ước đạt 224.475 tấn, tăng 1,6% so năm 2010. Năng suất ước đạt 5,475 tấn/cái vắt sữa/năm (15 kg/cái vắt sữa/ngày), tăng 1,7% so năm 2010.
Số lượng bò sữa được bình tuyển trong năm đạt 6.025 con, lũy kế đến nay đạt 68.025 con, trong đó có trên 85% bò sữa đạt chuẩn đặc cấp theo tiêu chuẩn 10 TCN 533-2002 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, phẩm giống ≥ F3 chiếm trên 75%. Các hộ, trại đã từng bước nâng cao trình độ chăn nuôi; thực hiện các biện pháp chọn lọc, cải thiện cơ cấu đàn; tăng tỷ lệ đàn sinh sản và vắt sữa góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Tỷ lệ đàn sinh sản và vắt sữa tăng dần qua các năm, năm 2011 tỷ lệ đàn sinh sản là 69,69% và đàn vắt sữa 49,83% (năm 2010: đàn cái sinh sản là 61,13%; cái vắt sữa là 46,34%). Đồng thời, một số chỉ tiêu kỹ thuật trên đàn bò sữa thành phố đã có sự cải thiện so với năm 2010 như: tuổi phối giống lần đầu bình quân giảm 7 ngày (năm 2010: 486 ngày; năm 2011: 479 ngày); khoảng cách giữa 2 lứa đẻ giảm 8 ngày (năm 2010: 444; năm 2011: 436 ngày); hệ số phối giảm 0,14 liều tinh/con (năm 2010: 3,56; năm 2011: 3,42) đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân.
3.5. Chương trình phát triển cá sấu
Hiện nay trên địa bàn thành phố có 59 tổ chức và cá nhân gây nuôi cá sấu. Tổng đàn cá sấu đạt 175.115 con, tăng 3% so năm 2010.
Trong năm 2011, Chi cục Kiểm lâm đã xác nhận, làm cơ sở để Cục Kiểm lâm cấp mã số thẻ CITES cho 4 doanh nghiệp với 6.777 thẻ, bao gồm 5.655 con cá sấu sống, 335 tấm da muối và 787 tấm da thuộc. Các trại đã xuất khẩu 5.972 con (tăng gấp đôi so năm 2010), bao gồm 5.580 con cá sấu sống và 372 tấm da thuộc, giá trị xuất khẩu đạt 935.000 USD, tương đương 20 tỉ đồng. Xuất bán nội địa trong năm đạt 38.117 con (tăng 64% so 2010), giá trị ước đạt 101 tỉ đồng.
4. Kết quả thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị
Trong năm 2011, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 ban hành Qui định về Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 với nội dung chính là hỗ trợ lãi vay cho các tổ chức, cá nhân vay vốn chuyển đổi sản xuất theo định hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của thành phố.
Sau khi chính sách được ban hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhanh chóng và chủ động phối hợp với các Sở ngành, quận huyện và đoàn thể triển khai thực hiện. Đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố thành lập Ban chỉ đạo chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, Hội đồng thẩm định vay vốn theo Quyết định 36/2011/QĐ-UBND; đã tiến hành tập huấn, tuyên truyền, ban hành hướng dẫn liên tịch để thực hiện chính sách, thực hiện các thủ tục ghi vốn để hỗ trợ lãi vay ...
Từ khi được ban hành đến nay, các quận huyện đã tiếp nhận và phê duyệt được 210 quyết định cho 1.065 hộ dân được vay vốn (trong đó có 202 hộ thuộc diện xóa đói giảm nghèo) với tổng vốn vay là 330 tỉ, chiếm 60% vốn đầu tư. Trong đó Cần Giờ có nhiều hộ vay nhất (621 hộ, vay 178 tỉ/vốn đầu tư 290 tỉ), kế đến là Hóc Môn (172 hộ, vay 23,9 tỉ/vốn đầu tư 38,2 tỉ), Nhà Bè (141 hộ, vay 24,4 tỉ/vốn đầu tư 33,5 tỉ) ... Trong cơ cấu đầu tư, nuôi tôm chiếm tỉ lệ cao nhất với 578 hộ, vay 144 tỉ/vốn đầu tư 217 tỉ, nuôi nghêu có 68 hộ, vay 29,8 tỉ/vốn đầu tư 58,8 tỉ, trồng hoa lan, cây kiểng có 66 hộ, vay 47,3 tỉ/vốn đầu tư 83,9 tỉ đồng, còn lại là các đối tượng khác.
Về phê duyệt cấp thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt dự án vay vốn của doanh nghiệp tư nhân Hoàng Ngọc Long về nuôi cá sấu giống với vốn vay là 10 tỉ/vốn đầu tư 16,1 tỉ đồng.
So với cùng kỳ năm 2010, tổng lượng vốn đầu tư, vốn vay, qui mô đầu tư và vay vốn bình quân trên hộ và trên đơn vị diện tích đều tăng cao, chủ yếu là do tác động từ chính sách khuyến khích chuyển dịch giai đoạn 2006 – 2010, đồng thời chính sách chuyển dịch giai đoạn 2011 – 2015 có mức hỗ trợ cao hơn rất nhiều so với chính sách khuyến khích chuyển dịch giai đoạn trước nên đã tạo động lực cho bà con đầu tư chuyển đổi.
III. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ
Nhìn chung trong năm 2011, bên cạnh những thuận lợi, sản xuất nông nghiệp thành phố vẫn gặp nhiều khó khăn, chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả vật tư đầu vào. Nhờ lãnh đạo thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm chỉ đạo; các Sở ngành, quận huyện tích cực phối hợp, bà con nông dân nỗ lực sản xuất và các phòng ban, đơn vị trực thuộc Sở tích cực phấn đấu, vượt qua khó khăn nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành và chương trình công tác, giúp sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá và ổn định, chuyển dịch theo hướng tích cực, tiếp tục phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện sản xuất tại thành phố; tình hình sản xuất và tiêu thụ rau, hoa - cây kiểng, cá cảnh tăng cao so với cùng kỳ; tình hình hỗ trợ vốn vay cho nông dân tiếp tục được thực hiện tốt, góp phần kích cầu và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.
Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm ngư nghiệp thành phố năm 2011 đạt 6%, cao hơn so cả nước (3%), tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp đạt 6,2% (cả nước tăng 5,2%).
Một số chỉ tiêu chủ yếu tăng khá như diện tích trồng rau an toàn tăng 4% so năm 2010, diện tích trồng lan tăng 10,5%, diện tích kiểng - bonsai tăng 13,3%, diện tích trồng cỏ thức ăn gia súc tăng 10%, đàn bò sữa tăng 3,1%, sản lượng tổ yến tăng hơn gấp đôi, sản lượng cá cảnh tăng 8,3%, số lượng cá cảnh xuất khẩu tăng 17,3% nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu lại tăng gần gấp đôi, đàn cá sấu tăng 3%, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 12% so cùng kỳ. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 165,8 triệu đồng/ha/năm, tăng 7,9% so năm 2010. Xét trong bối cảnh đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp giảm nhanh, việc đạt được những thành tích trên là nỗ lực rất lớn của bà con nông dân, của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến quận huyện, phường xã, đồng thời khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả của chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.
Bên cạnh các biện pháp thúc đẩy sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp tục chủ động thực hiện đồng bộ và hiệu quả các biện pháp bảo vệ thành quả sản xuất như phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, dịch hại trên cây trồng, phòng chống lụt bão, triều cường, úng ngập.
Về vệ sinh an toàn thực phẩm: đã tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng ngay từ khâu sản xuất; đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh trong việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm các loại nông sản nhập vào thành phố.
Về lĩnh vực lâm nghiệp, các đơn vị trực thuộc Sở đã tích cực chủ động trong công việc được giao và phối hợp tốt với các lực lượng trên toàn địa bàn nên đã đạt hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và bảo vệ động vật hoang dã. Trong năm 2011 đã không để xảy ra tình trạng cháy rừng và cây trồng phân tán trên địa bàn thành phố.
Thực hiện tốt công tác phòng, chống lụt, bão, triều cường; tổ chức trực ban 24/24 giờ để cảnh báo, ứng phó, phòng tránh tại các điểm xung yếu; tình hình khí tượng, thủy văn, xâm nhập mặn, diễn biến triều cường được theo dõi và dự báo thường xuyên chặt chẽ, kịp thời triển khai các biện pháp phòng và ứng phó.
Công tác nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp - nông thôn ngày càng gắn với thực tiễn. Công tác hướng dẫn thực hiện chính sách không chỉ đơn thuần là tập huấn chính sách chung, mà căn cứ theo thực tế của từng địa phương, hộ nông dân để vận dụng và hướng dẫn cụ thể theo yêu cầu. Phúc kiểm tình hình, giải quyết nhanh, thỏa đáng các khiếu nại về thụ hưởng chính sách của các nông hộ.
Công tác khuyến nông tại các địa phương đã được chính quyền địa phương và các hội đoàn quan tâm sâu sát hơn nên có nhiều thuận lợi. Tổ chức sản xuất gắn với đầu ra sản phẩm được xem trọng nên nông dân ngày càng an tâm. Nhiều mô hình triển vọng được đánh giá cao và khuyến cáo nhân rộng.
Các chương trình hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn với các tỉnh; công tác xúc tiến thương mại, tư vấn và hỗ trợ xây dựng thương hiệu, hợp tác đối ngoại được quan tâm, đạt kết quả khá hơn. Lĩnh vực công nghệ sinh học đã triển khai nhiều nội dung nghiên cứu thiết thực, gắn với thực tế sản xuất. Công tác quản lý và kiểm định giống cây trồng, vật nuôi thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu về lĩnh vực quản lý nhà nước về giống.
Trong năm 2011, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, nỗ lực của các chủ đầu tư và chính quyền các địa phương, các công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản của ngành được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo kế hoạch đầu tư. Trong bối cảnh thành phố thiếu vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản, ngành nông nghiệp đã sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn vốn mà thành phố đã ưu tiên bố trí, các công trình, dự án đều đạt tỉ lệ giải ngân cao so kế hoạch vốn giao, nhất là các công trình trọng điểm, sử dụng nhiều vốn của ngành như công trình Tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước lên, công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn, các dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Thủy sản thành phố, Trung tâm Quản lý và kiểm định giống cây trồng, vật nuôi … có tỉ lệ giải ngân trên 95% so kế hoạch vốn giao.
IV. KẾ HOẠCH NĂM 2012
1. Một số chỉ tiêu chính
- Hoa - cây kiểng: 2.100 ha.
- Cá kiểng: 70 triệu con.
- Duy trì đàn bò sữa ở mức 82.000 con, đàn heo khoảng 330.000 con.
- Đàn cá sấu: 170.000 – 180.000 con.
- Chim yến: 1.200 kg tổ yến
- Diện tích gieo trồng rau: 14.000 - 14.500 ha
- Tôm các loại: trên 10.000 tấn.
- Hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh ở nông thôn ngoại thành: 98%.
- Tỉ lệ che phủ rừng và cây xanh trên địa bàn thành phố: 39,4%, trong đó độ che phủ rừng và cây lâm nghiệp 18,8%.
2. Các giải pháp triển khai thực hiện
2.1. Các giải pháp về quy hoạch và đầu tư, đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng:
a) Về quy hoạch, kế hoạch sản xuất nông nghiệp:
- Phối hợp với các ngành, các quận huyện để triển khai thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp; khoanh vùng và quản lý sử dụng đất các vùng sản xuất nông nghiệp ổn định đến năm 2020, 2025; xác định chi tiết các vùng sản xuất giống cây, giống con, các loại cây trồng, vật nuôi, vùng sản xuất nông sản hàng hóa và công khai, phổ biến các quy hoạch được phê duyệt, tổ chức quản lý chặt chẽ các vùng nông nghiệp ổn định.
- Triển khai thực hiện chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, các chương trình mục tiêu về cây con đã được phê duyệt. Xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm, từng vụ với các giải pháp khả thi để triển khai các chương trình mục tiêu về rau an toàn, hoa - cây kiểng, cá cảnh, bò sữa, cá sấu, nuôi tôm; giống cây, giống con chất lượng cao...
b) Về đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật nông nghiệp:
- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm như Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Giao dịch, triển lãm nông sản thành phố, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Thủy sản thành phố; các công trình chống ngập, phòng chống lụt bão, triều cường, xâm nhập mặn kết hợp giao thông nông thôn… Phát huy hiệu quả Trạm Kiểm dịch thực vật nội địa, Trung tâm Quản lý, Kiểm định giống cây trồng, vật nuôi, Trạm kiểm dịch Thủy sản Cần Giờ và các công trình hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp khác.
- Đầu tư đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng nông nghiệp và nông thôn, trọng tâm tại các xã thí điểm mô hình nông thôn mới; các cơ sở bảo quản và chế biến sau thu hoạch; kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đến nội đồng; các công trình, dự án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Nghiên cứu và thực hiện các biện pháp phòng chống ngập úng, triều cường, cải tạo, bồi dưỡng đất sản xuất; hạn chế ảnh hưởng xâm nhập mặn; sự cố tràn dầu, chống xói lở…
2.2. Các giải pháp về xây dựng nông thôn mới:
- Tổ chức thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố, tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo thành phố; định kỳ tổ chức kiểm tra, báo cáo, đề xuất Ban Chỉ đạo thành phố giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc để đảm bảo tiến độ thực hiện các đề án thí điểm xây dựng nông thôn mới.
- Thực hiện các Đề án, chương trình phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020. Tăng cường đầu tư, hỗ trợ để củng cố, phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; đổi mới, các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn; Đề án đổi mới hình thức sản xuất (trang trại, HTX và kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nông thôn; liên kết sản xuất giữa các hộ nông dân với các thành phần kinh tế).
- Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân phát triển nhanh cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Nghiên cứu, thực hiện chính sách về huy động các nguồn lực, thúc đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ngoại thành; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác sản xuất và hộ nông dân liên kết chặt chẽ với các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước; tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng; tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, kỹ năng thực hành cho lao động nông nghiệp; đầu tư, đổi mới hoạt động tư vấn hỗ trợ, chuyển giao khoa học - công nghệ để nâng cao trình độ sản xuất của nông dân.
2.3. Các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước:
a) Tiếp tục củng cố, tăng cường tổ chức bộ máy của ngành Nông nghiệp và PTNT phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trong thời kỳ mới:
- Tiếp tục thực hiện việc quản lý và điều hành bộ máy cơ quan văn phòng Sở theo tiêu chuẩn ISO và quy chế 1 cửa, triển khai tại tất cả các đơn vị thuộc Sở; phối hợp với các quận huyện có sản xuất nông nghiệp củng cố tổ chức và nâng cao trình độ cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn ở địa phương, đảm bảo năng lực thực hiện chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2015.
- Tổ chức đào tạo và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của mạng lưới cộng tác viên cơ sở, nâng cao năng lực cập nhật thông tin tiến độ sản xuất, đảm bảo nắm vững tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, phối hợp chặt chẽ với địa phương trong các hoạt động, kế hoạch triển khai các chương trình mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả.
b) Nâng cao năng lực pháp chế, hiệu quả công tác cải cách hành chính:
- Định kỳ rà soát các văn bản pháp quy của ngành và thành phố để kịp thời đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh cho phù hợp với các quy định và cam kết của WTO.
- Xây dựng, trình cấp thẩm quyền ban hành các quy định về việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GAP) trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, quy định về chăn nuôi an toàn, quy định về chuồng trại cá sấu…nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và tiến tới xây dựng và ban hành các quy định và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của thành phố, các rào cản kỹ thuật (TBT), các biện pháp tự vệ cho ngành nông nghiệp.
c) Đổi mới nội dung, phương thức hỗ trợ nông dân:
- Tăng cường đào tạo nghề cho nông dân; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, kỹ năng thực hành cho lao động nông nghiệp; đầu tư, đổi mới hoạt động tư vấn hỗ trợ, chuyển giao khoa học - công nghệ để nâng cao trình độ sản xuất của nông dân, kết hợp với việc phát triển các dự án nhỏ giải quyết việc làm (dự án phát triển ngành nghề nông thôn, cá cảnh, cá sấu …).
- Đổi mới các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư trong nội dung và phương thức tổ chức tập huấn, huấn luyện, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ để nâng cao trình độ sản xuất của nông dân và hộ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo các hộ nông dân thực hiện chuyển đổi được tập huấn đầy đủ các qui trình, thủ tục về sản xuất và vay vốn để đầu tư.
2.4. Các giải pháp về vốn - tín dụng - đầu tư:
a) Vốn ngân sách:
- Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất thành phố để bổ sung, tăng kinh phí phân cấp đầu tư cho các quận huyện theo chủ trương của Thành ủy (chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 20/10/2008 của Thành ủy) và Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 20/01/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các xã trong chương trình xây dựng thí điểm nông thôn mới theo chủ trương của thành phố.
- Ưu tiên đầu tư dự án cung cấp nước sạch và chương trình vệ sinh môi trường nông thôn. Đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, khuyến nông; giống mới, giống gốc; đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn (thủy lợi, trại sản xuất giống …); các hoạt động và dịch vụ hỗ trợ như kiểm dịch, phòng chống dịch bệnh, thú y, bảo vệ thực vật, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; quản lý, bảo vệ rừng; quản lý khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi; xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản …
- Hỗ trợ, bù lãi suất tín dụng theo chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp (theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố) và theo Quy định về thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương trình kích cầu của thành phố Hồ Chí Minh (theo Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND ngày 28/5/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố); hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh môi trường nông thôn (Nghị quyết 07/2007/NQ-UBND ngày 05/07/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố).
b) Vốn tín dụng, vốn khác:
- Tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương về tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là Quyết định số 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nông dân mua máy móc, thiết bị, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở. Thực hiện các Nghị định của Chính phủ như Nghị định 02/2010/NĐ-CP về công tác khuyến nông, Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.
- Phối hợp với các Sở ngành, đoàn thể và địa phương để huy động, sử dụng các nguồn vốn từ quĩ Xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, quĩ của các hội, đoàn thể để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác, nuôi thủy sản, xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường nông thôn.
2.5. Các giải pháp khác:
a) Các giải pháp về kỹ thuật:
Tập trung các giải pháp để tiếp tục phát triển mạnh các loại cây con và nông sản chủ lực theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, ổn định, bền vững; chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ; đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật, thủy sản. Xây dựng và thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ sản xuất, phòng chống dịch, phòng chống úng ngập, chương trình quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nông sản thực phẩm trên địa bàn thành phố, phát triển cơ giới hóa theo Quyết định số 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ …
b) Các giải pháp về xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản:
- Tập trung các giải pháp để cải thiện, nâng cao hiệu quả các kênh phân phối đã hình thành, tiếp tục mở rộng các kênh phân phối mới; nhân rộng phương thức sản xuất, tiêu thụ theo các đơn đặt hàng.
- Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản đặc trưng của thành phố như rau an toàn, giống heo hướng nạc, giống bò sữa năng suất cao, giống cá rô phi toàn đực ...; tổ chức các hội chợ, hội thi, triển lãm giống, sản phẩm nông lâm ngư nghiệp. Hỗ trợ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, các làng nghề và hộ nông dân tham gia, giới thiệu sản phẩm ở trong nước và nước ngoài.
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình hợp tác với các tỉnh để đảm bảo nguồn nông sản thực phẩm bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thành phố, chú trọng công tác phối hợp giám sát dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, kiểm dịch động thực vật, an toàn thực phẩm.
c) Các giải pháp thực hiện chương trình hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp:
- Nâng cao nhận thức hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết của Chính phủ trong lĩnh vực nông nghiệp khi gia nhập WTO thông qua các lớp tập huấn, các tài liệu về WTO có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp trọng điểm của thành phố để phổ biến đến các đơn vị trong ngành Nông nghiệp và PTNT từ thành phố đến cơ sở, các HTX, doanh nghiệp, tổ hợp tác, các hiệp hội chuyên ngành hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
- Đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao kỹ năng: marketing, phân phối, nghiên cứu thị trường, quản lý sản xuất kinh doanh và tài chính, quản lý nguồn nhân lực cho các hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các thành phần kinh tế. Tổ chức tham gia các hoạt động khảo sát thị trường và tìm đối tác tiêu thụ nông sản; thông qua việc tham gia các đoàn xúc tiến thương mại của thành phố, của ngành tại các hội chợ quốc tế và tổ chức kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.
- Tổ chức hội thảo chuyên đề để giới thiệu, thông tin những thành tựu, tiềm năng, chính sách khuyến khích, ưu đãi về nông nghiệp, nông thôn với các tổ chức trong và ngoài nước, nhất là trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, giống mới để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực nông nghiệp. Xây dựng chương trình, kế hoạch xúc tiến, kêu gọi đầu tư nước ngoài vào các Dự án mở rộng khu Nông nghiệp công nghệ
3. Các chương trình, đề án tiếp tục triển khai thực hiện trong năm 2012
- Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 (Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND ngày 09/3/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố).
- Chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao giai đoạn 2011 – 2015 (Quyết định số 5997/2011/QĐ-UBND ngày 09/12/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố).
- Chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp – nông thôn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 (Quyết định số 446/QĐ-UBND ngày 27/01/2011của Ủy ban nhân dân thành phố).
- Chương trình phát triển, kiểm soát động vật hoang dã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 (Quyết định số 3328/QĐ-UBND ngày 04/7/2011của Ủy ban nhân dân thành phố)
- Chương trình phát triển cá sấu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015 (Quyết định số 3329/QĐ-UBND ngày 04/7/2011của Ủy ban nhân dân thành phố)
- Chương trình phát triển hoa - cây kiểng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015 (Quyết định số 3330/QĐ-UBND ngày 04/7/2011của Ủy ban nhân dân thành phố).
- Chương trình phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015 (Quyết định số 3331/QĐ-UBND ngày 04/7/2011của Ủy ban nhân dân thành phố).
- Chương trình phát triển cá cảnh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015 (Quyết định số 3463/QĐ-UBND ngày 12/7/2011của Ủy ban nhân dân thành phố).
- Chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 (Quyết định số 4320/QĐ-UBND ngày 12/9/2011của Ủy ban nhân dân thành phố).
- Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 (Quyết định 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011của Ủy ban nhân dân thành phố).
- Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015 (Quyết định 15/2011/QĐ-UBND ngày 18/3/2011của Ủy ban nhân dân thành phố)
Trên đây là kết quả triển khai thực hiện Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế năm 2011 và kế hoạch năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tổng hợp để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.