SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
9
1
0
7
9
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 06 Tháng Giêng 2012 10:10:00 SA

Sơ kết tình hình sản xuất Nông nghiệp năm 2011 và kế hoạch sản xuất vụ Đông xuân 2011 - 2012

 

I. TÌNH HÌNH CHUNG:

            1. Thuận lợi:

          - Thành phố đã ban hành chủ trương chính sách về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình trọng điểm phát triển ngành nông nghiệp, do vậy cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện, các chương trình, chính sách hỗ trợ kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn được đẩy mạnh.

- Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị và các chương trình nông nghiệp trọng điểm của thành phố tiếp tục được triển khai.

- Diễn biến giá nông sản trong năm 2011 tăng cao hơn các năm trước, trong đó giá rau quả và giá gạo có xu hướng tăng cao hơn năm trước đã tạo điều kiện tăng thu nhập cho bà con nông dân.

2. Khó khăn:

- Tình hình thời tiết trên địa bàn thành phố diễn biến tương đối phức tạp, mùa mưa kéo dài, thời tiết lạnh vào cuối năm đã ảnh hưởng đến sản xuất hoa, cây kiểng.

- Bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá hại lúa đã được ngành nông nghiệp phối hợp với địa phương kiểm soát phòng trừ hiệu quả, tuy nhiên mầm bệnh vẫn còn có nguy cơ lây lan và gây thiệt hại trong sản xuất lúa.

- Sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do giá cả vật tư đầu vào biến động, giá cả đầu ra chưa ổn định.

- Do lao động nông nghiệp ở nông thôn ngày càng khan hiếm, giá công lao động tăng trong khi giá cả nông sản tăng không tương xứng khiến cho hàng nông sản thành phố gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các tỉnh thành khác.

          II. KẾT QUẢ SẢN XUẤT NĂM 2011:

          1.  Cây lúa:

          1.1 Diện tích gieo trồng:

          Tổng diện tích lúa năm 2011 đạt 21.601 ha, giảm 11,5% so với năm 2010; năng suất trung bình 4,4 tấn/ha, tăng 1,3% so với năm 2010; sản lượng ước đạt 94.821 tấn, giảm 10,3% so với năm 2010, trong đó:

* Vụ Đông Xuân:

- Diện tích gieo trồng là 5.408 ha, giảm 18,5% so với cùng kỳ; năng suất trung bình 5 tấn/ha, tăng 4,2% so với cùng kỳ; sản lượng đạt 27.040 tấn, giảm 15,1% so với cùng kỳ.

- Có khoảng 28 giống lúa được gieo trồng, trong đó trên 50% các giống lúa được trồng phổ biến là giống chất lượng cao như: OM 4900 (22,1%), OM 3536 (16,2%), VND 99-3 (16,8%), OM 576 (12%).

* Vụ Hè Thu:

- Diện tích gieo trồng là 6.018 ha, giảm 7,9% so cùng kỳ; năng suất trung bình đạt 4,5 tấn/ha, tăng 1,6% so với cùng kỳ; sản lượng đạt 27.081 tấn, giảm 6,4% so với cùng kỳ.

- Có khoảng 25 giống lúa được nông dân gieo trồng, trong đó sử dụng các giống lúa chủ lực là OM 3536(36,4%), OM 4900 (16,6%), OM 1490 (18,9%), OM 576 (15,5%).

* Vụ mùa:

- Diện tích gieo trồng là 10.175 ha, giảm 9,4% so với cùng kỳ; năng suất trung bình ước đạt 4 tấn/ha, bằng so với cùng kỳ; sản lượng cả vụ ước đạt 40.700 tấn, giảm 9,4% so với cùng kỳ.

- Có khoảng 47 giống lúa được nông dân gieo trồng, trong đó các giống chủ lực là Nàng Thơm (18,3%), OM 4900 (15,6%), Tài Nguyên (8,6%), OM 576 (8,2%), OM 3536 (8,1%).

1.2 Phòng chống dịch bệnh hại lúa:

- Công tác phòng trừ sinh vật hại, đặc biệt là phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá hại lúa đã có kế hoạch triển khai ngay từ đầu năm. Kịp thời dự báo, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp phòng trừ như gieo sạ đồng loạt vào đúng thời điểm để né rầy, kiên quyết tiêu hủy các ruộng mạ bị nhiễm bệnh nhằm hạn chế khả năng lây lan của dịch bệnh.

- Kết quả, trong vụ Đông Xuân 2010 – 2011 và Hè Thu 2011, không phát hiện diện tích nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Vụ mùa 2011, tính đến nay có 135 ha bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2010 (187,26 ha), trong đó có 85 ha nhiễm nhẹ, 46,7 ha nhiễm trung bình và 3,3 ha nhiễm nặng. Chưa phát hiện bệnh lùn sọc đen hại lúa.

          2. Rau:

          2.1. Diện tích sản xuất:

- Thành phố Hồ Chí Minh có 102 xã, phường có sản xuất rau với diện tích canh tác là 3.024 ha. Diện tích gieo trồng rau trên địa bàn thành phố năm 2011 ước đạt 13.515 ha, tăng 4% so với năm 2010; sản lượng 299.011 tấn, tăng 5,2% so với năm 2010, trong đó:

* Vụ Đông Xuân:

Diện tích gieo trồng là 5.115 ha, tăng 5,8% so với năm 2010; năng suất trung bình 22,7 tấn/ha, tăng 0,9% so với năm 2010; sản lượng 116.111 tấn, tăng 6,7% so với năm 2010.

* Vụ Hè Thu:

Diện tích gieo trồng là 3.800 ha, tăng 4,5% so với năm 2010; năng suất trung bình 21,5 tấn/ha, bằng so với năm 2010; sản lượng 81.700 tấn, tăng 4,5% so với năm 2010.

* Vụ Mùa:

Diện tích gieo trồng ước đạt 4.600 ha, tăng 1,6% so với năm 2010; năng suất trung bình 22 tấn/ha, tăng 2,3% so với năm 2010; sản lượng 101.200 tấn, tăng 3,9% so với năm 2010.

- Đã hình thành được một số vùng chuyên canh rau tập trung tại huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Trong đó có 7 đơn vị sản xuất tiêu thụ rau an toàn có hiệu quả cao là Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Nhuận Đức, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Ngã Ba Giòng, Hợp tác xã Nông nghiệp Thỏ Việt, Công ty TNHH MTV Thỏ Việt, Liên tổ rau an toàn Tân Phú Trung, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Phước An và Công ty TNHH Hương Cảnh.

2.2. Công tác tổ chức tập huấn và cấp Giấy chứng nhận chuyên môn, chứng nhận VietGAP về sản xuất, sơ chế rau an toàn:

Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp và Chi cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức 96 lớp tập huấn chuyên môn về sản xuất, sơ chế rau an toàn với 2.912 nông dân tham dự. Số nông dân được cấp giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn về sản xuất, sơ chế rau an toàn trong năm 2011 là 2.446 hộ. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 4.993 người sản xuất rau được cấp giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn về sản xuất, sơ chế rau an toàn.

- Trong năm 2011, đã cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 56 hộ sản xuất với tổng diện tích 28,12 ha; sản lượng dự kiến 3.383 tấn/năm.

- Tính lũy kế đến nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có 112 tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận VietGAP (bao gồm xã viên 3 hợp tác xã: Nhuận Đức, Ngã 3 Giòng, Thỏ Việt; 4 công ty và các cá nhân) với tổng diện tích 68,2 ha, sản lượng dự kiến 8.396 tấn/năm.

2.3. Công tác phát triển kinh tế tập thể:

Tính đến tháng 11 năm 2011, trên địa bàn thành phố có 12 Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ rau an toàn. Trong đó có 3 Hợp tác xã mới được thành lập: Hợp tác xã Phú Lộc (thành lập tháng 9/2011), Hợp tác xã Nấm Việt (thành lập tháng 9/2011), Hợp tác xã Trường Sinh (thành lập tháng 10/2011).

2.4. Công tác kiểm soát dư lượng và kiểm tra sử dụng thuốc bảo vệ thực vật:

       - Công tác kiểm tra sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng: Chi cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành thanh kiểm tra 2.278 hộ nông dân đang sử dụng thuốc thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng, phát hiện 24 hộ (chiếm tỷ lệ 1,25%) sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng kỹ thuật, đã hướng dẫn 24 hộ này sử dụng thuốc đúng kỹ thuật.

- Công tác kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả: Chi cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành lấy mẫu phân tích dư lượng thuốc trừ sâu trên rau tại các khu vực sản xuất và lưu thông theo phương pháp định tính GT Test Kit Thái Lan). Kết quả: Tại các vùng sản xuất đã kiểm tra 922 mẫu, kết quả không có mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Tại các chợ đầu mối đã kiểm tra 8.041 mẫu, phân tích định tính có 46 mẫu có phản ứng dương tính, khi phân tích định lượng 46 mẫu này, không có mẫu vượt mức dư lượng cho phép. Tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, quả đã kiểm tra 145 mẫu, kết quả không có mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

2.5. Công tác xúc tiến thương mại:

       Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã thực hiện các hoạt động sau:

          - Vận động nông dân tham gia Chợ hoa Tết Tân Mão năm 2011 tại công viên 23/9 với 144 gian hàng của 630 nông dân của 10 quận, huyện gồm các loại hoa cây kiểng như: mai, tắc, lan, bonsai, kiểng lá, hoa nền. Tổng giá trị khoảng 86,4 tỷ đồng.

- Tổ chức Hội thi “Trái ngon an toàn Nam Bộ lần III - 2011” tại Công viên Du lịch văn hóa Suối Tiên vào ngày 01/6/2011, với sự tham dự của 342 nhà vườn đến từ 14 tỉnh thành với 449 mẫu dự thi. Riêng thành phố Hồ Chí Minh có 43 nhà vườn dự thi 61 mẫu.

- Tham gia Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 2 tại Sóc Trăng có 14 đơn vị (gồm 03 Hợp tác xã, 04 trang trại và các cơ sở nhỏ) tham gia từ ngày 08/11/2011 đến ngày 11/11/2011.

- Tổ chức 02 buổi giao lưu kết nối các HTX sản xuất nông nghiệp với Ban quản lý các chợ, các cửa hàng và các tiểu thương trên địa bàn thành phố nhằm giới thiệu và hỗ trợ các HTX tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

       2.6. Triển khai các dự án phát triển rau an toàn:

- Dự án Xây dựng và Kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm: Tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn áp dụng thực hành VietGAP tại Liên tổ Tân Trung và HTX Phước An.

- Dự án nâng cao chất lượng và an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học: Tiếp tục thực hiện kế hoạch tập huấn về đào tạo giảng viên GMP, cán bộ quản lý, tập huấn nông dân, biogas và trình duyệt đề cương quy hoạch chi tiết vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố.

3. Hoa, cây kiểng:

Diện tích gieo trồng hoa, cây kiểng đến cuối năm 2011 là 2.010 ha, tăng 5,2%  so với năm 2010 (1.910 ha). Đối tượng hoa, cây kiểng sản xuất tập trung chủ yếu vào hoa nền: 800 ha, tăng 2,6% so với năm 2010; mai vàng: 530 ha, tăng 1% so với năm 2010; kiểng, bonsai: 470 ha, tăng 13,3% so với năm 2010; hoa lan: 210 ha, tăng 10,5% so với năm 2010.

Trong Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, diện tích gieo trồng hoa, cây kiểng phục vụ Tết là 1.121,8 ha, tăng 17,6% so với cùng kỳ (946 ha). Lượng hoa, cây kiểng sản xuất phục vụ dịp Tết Tân Mão 2011 ước khoảng 1,5triệu chậu mai vàng (tăng 36,6% so với cùng kỳ); 2,3 triệu chậu lan (tăng 42,5% so với cùng kỳ); 2,7 triệu cành lan (tăng 5,7% so với cùng kỳ); 6,2 triệu chậu hoa nền (tăng 1,6% so với cùng kỳ) và 400 ngàn chậu bonsai, kiểng cổ (tăng 12,4% so với cùng kỳ). Tổng giá trị sản lượng hoa, cây kiểng phục vụ Tết Tân Mão khoảng 1.048 tỉ đồng (tăng 37,7% so với cùng kỳ - 761,3 tỉ đồng).

4. Cây ăn trái:

Tính đến cuối năm 2011, diện tích cây ăn trái trên địa bàn thành phố đạt 11.000 ha, tăng 4,8% so với năm 2010; sản lượng ước đạt 87.000 tấn, tăng 2,4% so với năm 2010.

5. Về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp:

Trong năm 2011, tổng số phương án được phê duyệt theo Chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp là 170 phương án, chi tiết như sau:

+ Tổng số hộ vay                                 :  814 hộ.

+ Tổng vốn đầu tư                                :  422 tỷ đồng

+ Tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất      :  257 tỷ đồng

Trong đó, có 185 hộ thuộc đối tượng hộ nghèo với tổng vốn đầu tư là 1.651 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 60% so với tổng vốn vay các phương án được Ủy ban nhân dân các quận, huyện phê duyệt.

III. NHẬN XÉT ĐÁNH GIÁ:

1. Mặt làm được:

- Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, nguy cơ bùng phát dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá trên lúa nhưng ngành nông nghiệp phối hợp với các Sở, ngành, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo chỉ đạo kịp thời ngay từ đầu vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời.

- Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của thành phố theo hướng nông nghiệp đô thị được ban hành kịp thời và tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của thành phố.

- Đã hình thành được nhiều mô hình kinh tế hợp tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau an toàn, trồng hoa kiểng như thay đổi cơ cấu giống, nuôi cấy mô, kỹ thuật canh tác và bảo vệ thực vật tiên tiến.

- Đã có nhiều mô hình sản xuất rau an toàn có hiệu quả, đến nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã  có 112 tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận VietGAP (bao gồm xã viên 3 hợp tác xã: Nhuận Đức, Ngã 3 Giòng, Thỏ Việt; 4 công ty và các cá nhân) với tổng diện tích 68,2ha, sản lượng dự kiến 8.396 tấn/năm.

2. Mặt hạn chế:

- Quy mô của hợp tác xã còn nhỏ về diện tích và số hộ tham gia, hoạt động của một số hợp tác xã, tổ hợp tác còn hạn chế do chưa có kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh cụ thể, trình độ quản lý của ban điều hành hợp tác xã, tổ hợp tác còn hạn chế. 

- Sản xuất chưa ổn định do giá cả đầu vào biến động, chưa tạo được vùng chuyên canh tập trung.

IV. KẾ HOẠCH SẢN XUẤT VỤ ĐÔNG XUÂN 2011 - 2012:

1. Dự báo:

        - Diện tích sản xuất lúa giảm do chuyển sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như rau an toàn, hoa, cây kiểng.

        - Nguy cơ rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá hại lúa có thể phát sinh, gây hại trong vụ Đông Xuân nếu không chủ động theo dõi thường xuyên và có biện pháp phòng trừ kịp thời.      

        - Giá cả giống cây trồng, vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc trừ sâu) có thể sẽ tiếp tục biến động, công lao động sẽ tiếp tục giữ ở mức cao, trong khi giá nông sản tăng không đáng kể.

        2. Kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2010 - 2011:

        - Lúa: 5.400 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Củ Chi, Hóc Môn.

        - Rau: 5.200 ha, tập trung ở huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn.

        3. Một số giải pháp chủ yếu:

        3.1 Tiếp tục thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng:

        - Đẩy mạnh hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân nhanh các mô hình chuyển đổi có hiệu quả.

        - Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 của Ủy ban nhân thành phố.

        3.2 Phòng chống dịch hại lúa: 

        - Tiếp tục duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá các cấp; tích cực chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng trừ rầy nâu và ngăn chặn triệt để sự lây lan của bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá trên lúa.

        - Tăng cường sử dụng giống lúa xác nhận, bố trí cơ cấu giống lúa theo hướng chất lượng cao, đáp ứng thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

        - Thời vụ:

        + Tích cực vận động nông dân triệt để  áp dụng thời gian gieo sạ tập trung đồng loạt, đảm bảo thời gian các ly giữa 2 vụ lúa ít nhất từ 20 -30 ngày.

        + Có kế hoạch chủ động nguồn nước tưới, gia cố đê bao, bờ thửa để kịp xuống giống theo thời vụ khuyến cáo.

        3.3 Phát triển rau an toàn:

        Tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 3331/QĐ-UBND ngày 04/7/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố. Tập trung vào các nội dung sau:

          - Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật: Tập trung công tác khuyến nông, xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm phát triển vùng sản xuất rau an toàn tại các xã nông thôn mới.

 - Phát triển kinh tế tập thể và xúc tiến thương mại: Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm rau an toàn được sản xuất theo quy trình VietGAP.

          3.4 Chương trình hoa kiểng:

          Tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 3330/QĐ-UBND ngày 04/7/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố. Tập trung vào các nội dung sau:

          - Phối hợp với các quận, huyện xây dựng Kế hoạch sản xuất và tiêu thụ hoa, cây kiểng phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012.

          - Tập trung công tác khuyến nông:

          + Tập huấn giới thiệu các giống hoa nền mới, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất phù hợp với vụ Đông Xuân trên địa bàn thành phố.

          + Xây dựng các mô hình hoa nền nhằm giới thiệu và chuyển giao giống mới trên địa bàn các quận, huyện nhất là tại các xã nông thôn mới.

- Tập trung công tác chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật xử lý ra hoa, các biện pháp kỹ thuật khi gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi.

- Phối hợp với Hội Sinh vật cảnh, Hội Hoa lan cây kiểng tăng cường tuyên truyền vận động hội viên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và tiếp cận các chính sách hỗ trợ của thành phố.

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại: Tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ nông dân, các nghệ nhân trồng hoa, cây kiểng kiểng tham gia trong các Hội chợ, Hội hoa xuân vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012.

          3.5 Các giải pháp khác:

          - Vận động nông dân áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất để giảm áp lực thiếu lao động nông nghiệp, vừa làm giảm giá thành sản xuất.

          - Tổ chức, theo dõi, điều tra, dự báo tình hình phát sinh, phát triển sinh vật hại cây trồng để có thông báo kịp thời, triển khai các phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả.

          - Tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vừa bảo vệ môi trường sản xuất, tránh bùng phát dịch hại.

          4. Phân công thực hiện:

          4.1 Đề nghị Ủy ban nhân dân các quận huyện có sản xuất nông nghiệp:

          - Xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2011 – 2012 phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

          - Tăng cường chỉ đạo các ban ngành, phường, xã phối hợp tốt với các đơn vị thuộc Sở tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân 2011 – 2012 đạt hiệu quả.

          4.2 Giao các đơn vị thuộc Sở:

          a) Trung tâm Khuyến nông:

          - Tiếp tục tổ chức tập huấn, xây dựng mô hình hướng dẫn nông dân sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả trên địa bàn, mô hình hoa lan tại các xã nông thôn mới.

  - Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả.

          - Phối hợp với Trung tâm quản lý và Kiểm định giống cây trồng vật nuôi giới thiệu giống lúa, giống rau và giống hoa nền thích hợp cho sản xuất vụ Đông Xuân ở từng quận, huyện.

          - Khảo sát, đánh giá và đề xuất các giải pháp phát triển vùng cây ăn trái.

          b) Chi cục Bảo vệ thực vật:

          - Tập trung nâng cao chất lượng công tác điều tra, theo dõi tình hình sinh vật hại, đặc biệt là rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá để có thông báo kịp thời. Đồng thời phối hợp với các quận huyện hướng dẫn nông dân áp dụng triệt để các biện pháp phòng trừ dịch hại cây trồng, bảo vệ sản xuất.

          - Tăng cường công tác kiểm tra sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức tập huấn, xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, để sản phẩm rau sản xuất trên địa bàn thành phố đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

          - Chủ động phối hợp với các đơn vị, ban ngành liên quan đề xuất giải pháp chuyển đổi vùng trồng rau không đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, đặc biệt là vùng rau muống nước.

          c) Chi cục Phát triển nông thôn:

          - Tập trung công tác hỗ trợ hoạt động của các hợp tác xã, đề xuất các giải pháp củng cố hợp tác xã để nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác.

          - Tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị và hướng dẫn nông dân vay vốn theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố.

         

          d) Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ nông nghiệp:

          - Tiếp tục hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm và thường xuyên đánh giá tình hình thực hiện các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đã ký kết.

          -  Đẩy mạnh chứng nhận VietGAP cho các tổ chức, cá nhân sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố.

          e) Trung tâm quản lý và Kiểm định giống cây trồng vật nuôi:

          - Thông báo rộng rãi các giống lúa, rau và giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện của thành phố để bà con nông dân chủ động lựa chọn.

            - Tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, đặc biệt là giống lúa.

          f) Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão:

          - Xây dựng kế hoạch cung cấp, điều tiết nước trong khu vực do đơn vị quản lý.

          - Thông báo kịp thời lịch cung cấp nước để nông dân biết và sử dụng nước hợp lý theo đúng nhu cầu đảm bảo hiệu quả sản xuất.


Số lượt người xem: 6927    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm