SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
9
5
3
0
0
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 08 Tháng Mười 2012 11:15:00 SA

Tình hình chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Thành phố 9 tháng đầu năm và kế hoạch 3 tháng cuối năm 2012

I.             KẾT QUẢ SẢN XUẤT VÀ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2012:

1.            Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

- Về tốc độ tăng trưởng: Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn thành phố trong tháng 9 năm 2012 ước đạt 359,3 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm 2012 ước đạt 2.473,8 tỷ đồng, tăng 6,0% so với cùng kỳ 2011, trong đó:

+ Trồng trọt: giá trị sản xuất ước đạt 668,5 tỷ đồng, tăng 3,7% so cùng kỳ.

+ Chăn nuôi: giá trị sản xuất ước đạt 753 tỷ đồng, tăng 4,4% so cùng kỳ.

+ Lâm nghiệp: giá trị sản xuất ước đạt 21 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ.

+ Thủy sản: giá trị sản xuất ước đạt 856,3 tỷ đồng, tăng 9,8% cùng kỳ.

+ Dịch vụ nông nghiệp: đạt 175 tỷ đồng, tăng 5% so cùng kỳ.

+ Dịch vụ thủy sản: đạt 22,8 tỷ đồng, tăng 9,6% so cùng kỳ.

- Về cơ cấu: so với 9 tháng cùng kỳ năm 2011, cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành phố có sự chuyển dịch nhẹ, trồng trọt từ 25,8% giảm còn 23,5%, chăn nuôi từ 44,6% còn 44,1%, dịch vụ nông nghiệp từ 6,7% tăng lên 7%, lâm nghiệp và thủy sản tăng từ 22,3% lên 24,9%.

2.            Kết quả sản xuất một số lĩnh vực

2.1. Trồng trọt:

- Rau: Diện tích gieo trồng đến nay ước đạt 12.424 ha, tăng 6,1% so cùng kỳ, trong đó rau an toàn là 12.176 ha, tăng 6,1 so cùng kỳ (Trong đó, vụ Đông Xuân ước 5.977 ha, tăng 16,9% so với cùng kỳ; vụ Hè Thu ước đạt 3.979 ha, tăng 4,7% so với cùng kỳ; vụ Mùa tính đến nay ước đạt  2.468 ha, bằng 88,4% so với cùng kỳ).

- Hoa, cây kiểng: Tổng diện tích hoa, cây kiểng đến nay là 1.443 ha, tăng 3,6% so với cùng kỳ; trong đó mai: 483 ha, bằng 98,1% so cùng kỳ; lan: 210 ha, tăng 5% so cùng kỳ; hoa nền: 400 ha, tăng 14,3%; kiểng, bonsai: 350 ha, xấp xỉ cùng kỳ.

- Lúa: Diện tích gieo trồng đến nay ước đạt 14.236 ha, giảm 14,8% so với cùng kỳ.

- Cây cao su: Tổng diện tích cao su đến nay là 3.945 ha, tăng 12,7% so cùng kỳ.

- Cây ăn trái: Tổng diện tích cây ăn trái đến nay ước 10.000 ha, tăng 2% so với cùng kỳ.

2.2. Chăn nuôi:

Gia súc:

 

- Bò: Tổng đàn 112.187 con, tăng 5,4% so với cùng kỳ; trong đó, đàn bò sữa 88.487 con, tăng 8,8% so với cùng kỳ; riêng cái vắt sữa 45.950 con, tăng 8,6% so cùng kỳ. Năng suất sữa 15,1 kg/con/ngày, tăng 0,6% so với năm 2011. Sản lượng sữa bò tươi trong 9 tháng đầu năm đạt 187.338 tấn, tăng 9,4% so cùng kỳ.

- Trâu: Tổng đàn 5.549 con, giảm 6,2% so với cùng kỳ.

- Heo: Tổng đàn 354.796 con, tăng 10,6% so với cùng kỳ; trong đó, nái sinh sản là 49.904 con, tăng 8,9% so với cùng kỳ.

Chăn nuôi khác:

- Chim Yến: Sản lượng tổ Yến trong 9 tháng đầu năm 2012 đạt 900 kg, tăng 38,5% so với cùng kỳ.

- Cá sấu: Tổng đàn cá sấu trên địa bàn thành phố hiện nay khoảng 167.500 con, giảm 9,5% so cùng kỳ.

2.3. Về thủy sản:

- Tổng sản lượng thủy sản trong tháng 9 ước đạt 6.755 tấn, lũy kế 9 tháng đầu năm 2012 ước đạt 39.762 tấn, tăng 10,4% so với cùng kỳ, trong đó:

+ Sản lượng nuôi trồng: 21.242 tấn, tăng 13,2% so cùng kỳ.

+ Sản lượng đánh bắt: 18.520 tấn, tăng 7,4% so cùng kỳ.

+ Cá cảnh: 55 triệu con, tăng 5,8% so cùng kỳ.

II.               KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM

1.     Chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao

Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao giai đoạn 2011 – 2015, trong 9 tháng đầu năm 2012 đã đạt được kết quả như sau:

* Giống vật nuôi:

 

- Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng vật nuôi tiếp tục tổ chức bình tuyển, lập lý lịch cho đàn bò tại các nông hộ chăn nuôi bò sữa, nhất là các xã nông thôn mới và các xã chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; từ đầu năm đến nay, đã thực hiện 2.600 con, lũy kế từ khi thực hiện Chương trình phát triển giống bò sữa giai đoạn từ năm 2005 đến nay đã bình tuyển được 71.187 con (trong đó có trên 85% bò sữa đạt chuẩn đặc cấp theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và PTNT). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục khuyến cáo người chăn nuôi tái cấu trúc đàn bò sữa, loại thải những cá thể có năng suất thấp, từng bước tái cấu trúc đàn bò sữa theo cơ cấu 70% sinh sản, trong đó 50% cái vắt sữa. Đến nay, đàn sinh sản chiếm 62,33% tổng đàn, trong đó cái vắt sữa 47,03%.

  * Giống cây trồng:

  - Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng - vật nuôi tiếp tục triển khai thử nghiệm tính thích nghi các giống cây trồng tại các xã nông thôn mới với các giống lúa, bí đao, mướp hương, dưa leo. Trong 9 tháng đầu năm 2012, Trung tâm đã thử nghiệm trên 25.000 m2. Thông qua các buổi Hội thảo đánh giá tính thích nghi của giống đã xác định các giống có năng suất cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên và thị trường, cụ thể: 06 giống dưa leo 527 của công ty Chánh Nông, TN502 của công ty Tân Nông, TN789 và TN404 của công ty Trang Nông, 502 của Công ty Tân Nông và Vigo của Công ty Đại Địa cho năng suất cao từ 39 – 40 tấn/ha; 03 giống bí đao xanh: F1 Nông trường của Công ty Chánh Phong, VR68 của Công ty Nhiệt Đới và TLP5168 của Công ty Tân Lộc Phát có tỉ lệ kháng bệnh cao, cho năng suất 42 tấn/ha; giống khổ qua Rio35 của công ty Nhiệt Đới; giống lúa Cần Thơ 2 có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, kháng được sâu bệnh.

 

  - Về công tác sưu tp các giống mới, Trung tâm đã sưu tập và chăm sóc 3 giống hoa sứ và 01 giống cây ăn trái; lũy kế từ năm 2010 đến nay đã sưu tập 39 giống, hiện đang tiếp tục chăm sóc và nhân giống.

- Tổ chức thanh kiểm tra nhãn hiệu hàng hóa của các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn thành phố. Từ đầu năm đến nay đã thực hiện thanh kiểm tra được 10 cơ sở, kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy hầu hết các cơ sở đều chấp hành tốt các quy định của Pháp luật về công bố chất lượng tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa giống cây trồng.

- Tổ chức 2 lớp tập huấn văn bản quy phạm pháp luật mới trong lĩnh vực giống cây trồng cho các doanh nghiệp và cơ sở, trang trại sản xuất, kinh doanh giống.

- Đã xây dựng hoàn chỉnh thủ tục hành chính “Cấp mã số doanh nghiệp” cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn thành phố. Trong 9 tháng năm 2012, đã tiếp nhận và cấp mã số cho 01 doanh nghiệp; lũy kế đến nay đã cấp mã số cho 64 doanh nghiệp theo Thông tư số 79/2011/TT-BNNPTNT ngày 14/11/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Ban hành Quy định chứng nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn; tiếp nhận công bố hợp quy cho 2 doanh nghiệp với trên 30 giống lúa, bắp ...

  - Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có 46 doanh nghiệp sản xuất -kinh doanh giống cây trồng, trong đó có 41 đơn vị sản xuất kinh doanh hạt giống (doanh nghiệp tư nhân chiếm đa số); có 59 giống rau được đưa vào sản xuất kinh doanh, trong đó có 01 giống mới do doanh nghiệp tự nghiên cứu lai tạo. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã sản xuất được 4.239,7 ha giống, gồm 1.239,3 ha lúa giống, 2.407,9 ha bắp giống F1, 592,5 ha rau giống các loại. Sản lượng ước đạt trên 2.105 tấn giống các loại; ước tính lượng giống do các công ty giống cung cấp cho thành phố và các tỉnh trong cả nước đáp ứng trên 280.000 ha gieo trồng.

* Giống cây lâm nghiệp:

- Từ đầu năm đến nay, Chi cục Lâm nghiệp đã cung cấp 60.000 cây các loại phục vụ nhu cầu trồng cây phân tán, 243.000 cây chống sạt lở cho các đơn vị.

- Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 01 doanh nghiệp và 13 hộ gia đình, cá nhân sản xuất giống cây lâm nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm 2012 đã cung cấp 19.021.000 cây, trong đó doanh nghiệp: 10.161.000 cây, hộ gia đình, cá nhân: 8.860.000.

- Xây dựng khu lưu trữ giống, gen thực vật cây chịu phèn với tổng diện tích 1,96 ha tại Trạm Thực nghiệm lâm nghiệp Tân Tạo xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn loài gen cây rừng ngập phèn.

* Giống thủy sản:

 

- Đến nay, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 3 cơ sở sản xuất giống tôm sú; 24 cơ sở sản xuất giống cá nước ngọt và 15 cơ sở thuần dưỡng tôm thẻ.

- Trong 9 tháng đầu năm 2012, số lượng cá cảnh sản xuất đạt 55 triệu con, (tăng 5,8% so cùng kỳ); số lượng cá cảnh xuất khẩu 6,8 triệu con (tăng 23,64% so với cùng kỳ năm 2011), với khoảng 50 loài có giá trị kinh tế như Chép Nhật, Ông Tiên, Tứ Vân, Hồng Kim, Hắc Kim, Phượng Hoàng... Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Châu Âu, Mỹ và một số nước Châu Á như Singapore, Hongkong, Nhật Bản...

2.     Chương trình phát triển hoa – cây kiểng

Diện tích hoa, cây kiểng 9 tháng đầu năm 2012 đạt 1.443 ha, ng 3,6% so với cùng kỳ (tập trung chủ yếu tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn và các quận 12, Thủ Đức); trong đó lan: 210 ha, tăng 5% so cùng kỳ; kiểng, bonsai: 350 ha, xấp xỉ so với cùng kỳ.

Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, diện tích sản xuất hoa, cây kiểng phục vụ Tết ước khoảng 1.177,1 ha, tăng  4,93% so với cùng kỳ. Diện tích tăng tập trung vào hoa lan, bonsai, cây kiểng và hoa nền. Ước sản lượng hoa kiểng khoảng 470 ngàn chậu bonsai và kiểng cổ (tăng 17,5% so với cùng kỳ); 2,5 triệu chậu lan (tăng 8,7% so với cùng kỳ); 3 triệu cành lan (tăng 11,1% so với cùng kỳ); 6,4 triệu chậu hoa nền (tăng 3,2% so với cùng kỳ) và 1,5 triệu chậu mai (không tăng so với cùng kỳ).

Đến nay, Trung tâm Công nghệ sinh học đã sưu tập được hơn 308 giống hoa lan, thuộc 12 nhóm giống khác nhau (Mokara, Dendrobium, Phalenopsis, Oncidium…). Tiếp tục nuôi cấy và lưu giữ 17 giống lan rừng, bảo quản đông lạnh hạt phấn của 27 giống lan rừng và bảo quản đông lạnh hạt lan của 8 giống lan rừng, chăm sóc 16 tổ hợp lai ngoài vườn ươm. Phân tích sự đa dạng di truyền của các cá thể con lai và bố mẹ của tổ hợp lai (Dendrobium  Burana White x Dendrobium. anosmum) bằng chỉ thị phân tử SSR.

Tiếp tục thực hiện công tác nhân giống hoa lan, kết quả 9 tháng đầu năm đã nhân giống 32.000 cây con các loại và đã cung cấp cho nhà vườn 14.720 cây.

Bên cạnh đó, Trung tâm Quản lý và Kiểm định Giống Cây trồng vật nuôi Theo dõi thử nghiệm tính thích nghi 10 giống hoa Đồng Tiền chậu được trồng từ hạt, có nguồn gốc ở Mỹ. Bước đầu theo dõi, cây phát triển khá tốt, điều kiện chăm sóc nghiêm ngặt và môi trường gieo trồng quyết định chính trong quá trình phát triển của cây. Tuy nhiên, thời gian ra hoa chậm hơn so với cây trồng cấy mô. Hiện nay đã có một giống ra hoa. Ngoài ra, Trung tâm đã sưu tập thêm 5 giống Sứ Thái lan và 01 giống kiểng lá. Đã tiến hành nhân các giống trong bộ sưu tập hoa, cây kiểng có số lượng 500 cây gồm các loại: Huỳnh hoa đăng, Ngọc Minh Châu, Sứ, Hoàn cầu….

3.     Chương trình rau an toàn

- Đến nay, trên toàn thành phố có 2.892 ha đất canh tác trồng rau đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Trong 9 tháng đầu năm 2012, diện tích gieo trồng đạt 12.424 ha, tăng 6,1% so cùng kỳ (trong đó rau an toàn là 12.176 ha); sản lượng đạt 255.870 ha, tăng 9% so cùng kỳ.

- Về chứng nhận VietGAP: đã có 182 tổ chức, cá nhân (là xã viên của 5 Hợp tác xã Nhuận Đức, Ngã 3 Giòng, Thỏ Việt, Phước An, Liên tổ Tân Trung; 04 công ty và các nông hộ) được chứng nhận, với tổng diện tích là 90,16 ha, tương đương 403,01 ha diện tích gieo trồng, tổng sản lượng thu hoạch rau, củ, quả các hộ sản xuất theo quy trình VietGAP ước đạt 11.450 tấn/năm.

4.     Chương trình phát triển bò sữa

- Đến nay, tổng đàn bò sữa đạt 88.487 con (tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2011, chiếm 51,37% tổng đàn bò sữa cả nước), trong đó có 45.950 con cái vắt sữa (51,9%) nuôi tại 8.263 hộ dân, 1 doanh nghiệp Quốc doanh (Công ty TNHH MTV Bò sữa TP HCM) và 1 doanh nghiệp tư nhân (Công ty Delta). Đàn bò sữa tập trung chủ yếu tại huyện Củ Chi với 51.647 con (chiếm 58,7% tổng đàn bò sữa thành phố) được nuôi tại 5.227 hộ và 01 doanh nghiệp. Năng suất sữa bình quân đạt 5.511 kg/con/năm, tương đương 15,1 kg/con/ngày. Ước tính sản lượng sữa tươi 9 tháng đầu năm đạt gần 188.000 tấn (tăng 9,35% so với cùng kỳ năm 2011).

- Số lượng bò sữa được bình tuyển trong năm 9 tháng đầu năm 2012  là 2.600 con, lũy kế từ khi thực hiện chương trình từ năm 2005 đến nay đã bình tuyển gắn số tai  và lập lý lịch cho 71.187 con.

- Các hộ, trại đã từng bước nâng cao trình độ chăn nuôi; thực hiện các biện pháp chọn lọc, cải thiện cơ cấu đàn; tăng tỷ lệ đàn sinh sản và vắt sữa góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Một số chỉ tiêu kỹ thuật trên đàn bò sữa thành phố đã có sự cải thiện so với năm 2010 như: tuổi phối giống lần đầu bình quân giảm 7 ngày (năm 2010: 486 ngày; năm 2011: 479 ngày); khoảng cách giữa 2 lứa đẻ giảm 8 ngày (năm 2010: 444; năm 2011: 436 ngày); hệ số phối giảm 0,14 liều tinh/con (năm 2010: 3,56; năm 2011: 3,42) đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân. 

 

5.     Chương trình phát triển cá sấu

Hiện nay trên địa bàn thành phố có 59 tổ chức và cá nhân gây nuôi cá sấu. Tổng đàn cá sấu tính đến nay đạt khoảng 167.500 con.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Kiểm lâm đã xác nhận, làm cơ sở để Cục Kiểm lâm cấp mã số thẻ CITES cho 4 doanh nghiệp xuất khẩu với 3.106 thẻ, bao gồm 1.283 con cá sấu sống, 790 tấm da muối và 1.033 tấm da thuộc. Các trại đã xuất khẩu 916 con bao gồm 136 con cá sấu, 588 da cá sấu muối, 192 da cá sấu thuộc. Xuất bán nội địa trong 9 tháng đầu năm đạt 23.516 con.

Phối hợp với Chi cục Đo lường chất lượng tổ chức tập huấn hướng dẫn xây dựng HACCAP trong gây nuôi, kinh doanh, chế biến cá sấu.

III.      KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

1. Kết quả thực hiện tại 6 xã điểm:

        - Xã Tân Thông Hội (xã điểm do Trung ương chọn): Khi xây dựng đề án đạt 9/19 tiêu chí, đến tháng 9 năm 2012 đạt 18/19 tiêu chí. Còn tiêu chí số 5 (Cơ sở vật chất trường học), hiện đang thi công (còn Trường Trung học cơ sở) tiến độ đạt 75%. Dự kiến đưa vào khai giảng năm học 2012 – 2013. Đang thực hiện kế hoạch duy trì, phân kỳ tiến độ thực hiện, nâng chất các tiêu chí đạt được trong giai đoạn 2012 – 2015.

            - Thái Mỹ: khi xây dựng đề án đạt 8/19 tiêu chí, đến tháng 9/2012 đạt 17/19 tiêu chí. Dự kiến đến cuối năm 2012 đạt chuẩn 02 tiêu chí còn lại (gồm các Tiêu chí: 07: Chợ nông thôn; 10: Thu nhập).

            - Xã Xuân Thới Thượng: khi xây dựng đề án đạt 6/19 tiêu chí, đến tháng 9/2012 đạt 16/19 tiêu chí. Dự kiến đến cuối năm 2012 đạt chuẩn 03 tiêu chí còn lại (gồm các Tiêu chí: 5: Trường học;  Tiêu chí 16 : Văn hóa; Tiêu chí 17: Môi trường).

            - Xã Tân Nhựt: khi xây dựng đề án đạt 5/19 tiêu chí, đến tháng 9/2012 đạt 15/19 tiêu chí. Dự kiến đến cuối năm 2012 đạt chuẩn 04 tiêu chí còn lại (gồm các TC: 2: Giao thông; 3: Thủy lợi; 5: Trường học; 6: Cơ sở vật chất văn hóa

            - Xã Nhơn Đức: khi xây dựng đề án đạt 5/19 tiêu chí, đến tháng 9/2012 đạt 14/19 tiêu chí. Dự kiến đến cuối năm 2012 đạt chuẩn 05 tiêu chí còn lại (gồm các tiêu chí: 2: Giao thông; 3: Thủy lợi; 5: Trường học;  6: Cơ sở vật chất văn hóa; 7: Chợ nông thôn).

            - Lý Nhơn: khi xây dựng đề án đạt 6/19 tiêu chí, đến tháng 9/2012 đạt 13/19 tiêu chí. Dự kiến đến cuối năm 2012 đạt chuẩn 06 tiêu chí còn lại (gồm các tiêu chí: 2: Giao thông; 5: Trường học; 7: Chợ nông thôn; 10: Thu nhập; 12: Cơ cấu lao động; 14: Giáo dục).  

 

            Hiện nay, đang chuẩn bị thực hiện các nội dung để tổng kết đề án thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới do Thành phố chỉ đạo trực tiếp (dự kiến tổ chức Hội nghị tổng kết vào cuối tháng 12/2012).

2. Kết quả thực hiện tại 51 xã nhân rộng:

 

      2.1. Đối với 22 xã nhân rộng – Giai đoạn 1 (gồm huyện Củ Chi: 09 xã; Hóc Môn: 05 xã; Bình Chánh: 04 xã; Nhà Bè: 02 xã; Cần Giờ: 02 xã):

      Ban Quản lý Xây dựng nông thôn mới các xã đã khảo sát, hoàn thành đề án, trình Ban Chỉ đạo huyện. Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Nông thôn mới thành phố đã góp ý (cuối năm 2011) và tiến hành đợt khảo sát thực tế các công trình hạ tầng dự kiến đầu tư (kết thúc vào ngày 31 tháng 8 năm 2012). Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã đang rà soát hoàn chỉnh theo định hướng các tiêu chí phù hợp với đặc thù vùng nông thôn thành phố:

      - Đợt 1: 05 xã

 

Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố đã tiến hành khảo sát thực tế các hạng mục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thẩm định đề án 5 xã xây dựng nông thôn mới: xã Tân Phú Trung – huyện Củ Chi; xã Nhị Bình – huyện Hóc Môn; xã Bình Chánh – huyện Bình Chánh; xã Phước Lộc – huyện Nhà Bè và xã Bình Khánh – huyện Cần Giờ. Hiện nay, các xã đã hoàn chỉnh theo định hướng các tiêu chí đề xuất phù hợp với đặc thù vùng nông thôn và góp ý của Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố.

      - Đợt 2: 17 xã:

      Thường trực Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Nông thôn mới thành phố (Chi cục Phát triển nông thôn) đang hướng dẫn các xã điều chỉnh theo định hướng các tiêu chí đề xuất phù hợp với đặc thù vùng nông thôn thành phố. Đến nay, Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Nông thôn mới thành phố và đại diện các Sở, Ngành liên quan đã tiến hành khảo sát thực tế hạng mục các công trình tại tất cả các xã.

   2.2. Đối với 29 xã còn lại (trừ xã Bình Hưng – huyện Bình Chánh đã đô thị hóa): hiện nay tại các xã đã hoàn thành khảo sát, đánh giá thực trạng, xây dựng Đề án nông thôn mới; lấy ý kiến của toàn thể Đảng viên, Hội đồng nhân dân, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tại các ấp, trình Ban Chỉ đạo huyện. Cụ thể:

 

      - Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Nông thôn mới thành phố (gồm các Sở ngành liên quan) sẽ khảo sát thực tế các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng (theo chỉ đạo của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố) hoàn tất thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt trong Quý 4 năm 2012.

3. Các công tác khác:

Công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền:

  - Kết quả tổ chức hưởng ứng các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và hưởng ứng cuộc thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động:

      + Ban Chỉ đạo Nông thôn mới thành phố đã tổ chức Hội nghị Phát động Phong trào thi đua vào ngày 18/6/2011 với sự tham dự của các quận huyện trên địa bàn thành phố; 05/05 huyện trên địa bàn thành phố đã tổ chức Lễ phát động thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch số 5785/KH-UBND ngày 21/11/2011 tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”. Từ năm 2011, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đã có văn bản hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thuộc thành phố phối hợp với các địa phương triển khai cuộc vận động “ Nâng cao chất lượng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn với xây dựng nông thôn mới.

      + Đặc biệt, Bộ Tư lệnh thành phố đã phát động, ban hành kế hoạch số 125/KH-PCT ngày 29/02/2012 về tổ chức thực hiện Phong trào Thi đua “Lực lượng vũ trang thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”; phân công cụ thể các đơn vị trực thuộc tham gia thực hiện các nhóm nội dung, nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới tại từng xã với các chỉ tiêu cụ thể.

      + Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức 05 lớp bồi dưỡng ngắn hạn về văn hóa; Trung tâm Văn hóa thành phố kết hợp với Trung tâm Thông tin - Triển lãm thành phố tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở với 158 học viên và phối hợp với các địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa của xã, ấp với 6 chuyên đề, 80 tiết.

  - Công tác tuyên truyền vận động trong cán bộ, đảng viên và trong nhân dân về xây dựng NTM: Thường trực Thành ủy đã có các Nghị quyết, văn bản (Nghị quyết số 04-NQ/TU, CV 74-CV/TU, CV 166-CV/TU...) chỉ đạo các chi bộ thuộc Đảng ủy các xã đưa nội dung lãnh đạo xây dựng nông thôn mới vào sinh hoạt định kỳ; đảng viên gương mẫu đi đầu trong thực hiện và tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới. Các cơ quan thông tấn tại thành phố (phát thanh, truyền hình, báo chí..) đã phối hợp với các địa phương thường xuyên đưa các tin bài về xây dựng nông thôn mới (bình quân mỗi tuần có 3- 4 kỳ có các chuyên đề về nông nghiệp – nông dân – nông thôn trên mỗi phương tiện truyền thông).

      Ngoài tuyên truyền vận động nhân dân thường xuyên tại các địa phương, Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Nông thôn mới thành phố là đơn vị chủ trì (đơn vị thực hiện: Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Chỉ đạo Nông thôn mới các huyện và Ban Quản lý Xây dựng nông thôn mới các xã) đã tuyên truyền vận động xây dựng nông thôn mới và các Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015, các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp – nông thôn.v.v.., thực hiện tập huấn tập trung tại 6 xã điểm, các xã nhân rộng và 5 huyện (thành phần bao gồm: cán bộ các ngành huyện, xã; cán bộ Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và các nhân tố nòng cốt trong nhân dân) với 71 cuộc tập trung, hơn 5.850 lượt người tham dự. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ Hội ở huyện, xã về vai trò Phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới...

    Tiếp tục triển khai các nội dung hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn tại các xã xây dựng nông thôn mới. Tổ chức Hội thi “Tìm hiểu Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hồ Chí Minh” lần thứ II vào ngày 14/8/2012.

- Công tác tập huấn, đào tạo cán bộ xây dựng nông thôn mới: Tổ chức lớp học Bồi dưỡng kiến thức xây dựng nông thôn mới, tại Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II, cho cán bộ quản lý nhà nước cấp cơ sở thuộc các xã, huyện ngoại thành, từ đầu năm đến nay đã tổ chức 02 đợt cho 237 học viên: đợt 1 từ ngày 07 đến ngày 10/5/2012 với 87 học viên, đợt 2 từ ngày 21 đến ngày 24/5/2012 với 150 học viên.

IV.       VỀ THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP PHỤC VỤ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP

1.            Về quy hoạch và đầu tư, đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng:

1.1.            Về quy hoạch, kế hoạch:

Trên cơ sở quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009, Ủy ban nhân dân các quận huyện đã nhanh chóng xây dựng quy hoạch và kế hoạch thực hiện tại từng địa phương.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt các quy hoạch chuyên ngành như quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng; quy hoạch sản xuất muối; đồng thời xây dựng các chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi trọng điểm phục vụ chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở quy hoạch – Kiến trúc và Ủy ban nhân dân 5 huyện tiến hành khảo sát, xác định một số vùng sử dụng đất nông nghiệp ổn định tập trung sau năm 2020, làm cơ sở để xây dựng quy hoạch chi tiết, đồng thời kêu gọi đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất.

1.2.            Về đầu tư cơ sở hạ tầng:

1.2.1. Khu nông nghiệp công nghệ cao

Đối với dự án đầu tư xây dựng Khu Nông nghiệp công nghệ cao hiện hữu: đến nay, toàn bộ các gói thầu của dự án đã được triển khai thực hiện, phần lớn đã được đầu tư hoàn chỉnh.

Toàn bộ phần diện tích dành cho nhà đầu tư (56,53 ha), đã có 14 dự án phù hợp với đối tượng thu hút đầu tư và cơ chế, chính sách hỗ trợ các Nhà đầu tư trong Khu và thỏa tiêu chí công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp. Có 13/14 dự án đã được Ủy ban nhân dân thành phố cấp Giấy chứng nhận đầu tư (đạt gần 98% diện tích dành cho nhà đầu tư).

Về công tác mở rộng và phát triển Khu Nông nghiệp công nghệ cao:

- Đối với Khu Nông nghiệp công nghệ cao lĩnh vực thủy sản tại huyện Cần Giờ đã được bàn giao đất trên thực địa khu đất tại Hào Võ, hiện đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để trình duyệt dự án.

- Đã tiến hành khảo sát, đang xin chủ trương thực hiện đề án mở rộng phát triển Khu Nông nghiệp công nghệ cao tại các xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi và xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh.

 1.2.2. Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học

* Dự án Xây dựng khu nhà lưới, nhà kính nuôi cấy tế bào thực vật

-  Tổng mức đầu tư: 62,8 tỉ đồng

-  Lũy kế giải ngân từ đầu dự án: 1,912 tỉ đồng, trong 9 tháng đầu năm 2012 đã giải ngân 912 triệu đồng.

-  Nhu cầu vốn năm 2012: 60 tỉ đồng, đã được bố trí đợt 1: 2 tỉ đồng

* Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng

-  Tổng mức đầu tư: 189,2 tỉ đồng

-  Lũy kế giải ngân từ đầu dự án: 1,808 tỉ đồng

-  Nhu cầu vốn năm 2012: 100 tỉ đồng

* Dự án Xây dựng khu nghiên cứu

-  Tổng mức đầu tư: 302 tỉ đồng

-  Lũy kế giải ngân từ đầu dự án: 6,044 tỉ đồng

-  Nhu cầu vốn năm 2012: 60 tỉ đồng, đã được bố trí đợt 1: 5 tỉ đồng; trong 9 tháng đầu năm 2012 đã giải ngân 4,752 tỉ đồng.

* Dự án Xây dựng khu hành chính tổng hợp

-  Tổng mức đầu tư: 69,8 tỉ đồng

-  Lũy kế giải ngân từ đầu dự án: 1,29 tỉ đồng

-  Nhu cầu vốn năm 2012: 50 tỉ đồng

* Dự án Mua sắm trang thiết bị 12 phòng thí nghiệm chuyên ngành

- Tổng mức đầu tư: 566,322 tỉ đồng

-  Lũy kế giải ngân từ đầu dự án: 558 triệu đồng

-  Nhu cầu vốn năm 2012: 1 tỉ đồng

       1.2.3. Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Giao dịch và triển lãm nông sản  (dự án chuẩn bị đầu tư)

-  Tổng mức đầu tư dự kiến: 395 tỉ đồng, trong đó chi phí đền bù 142 tỉ đồng.

-  Lũy kế giải ngân từ đầu dự án: 2,6 tỉ đồng

-  Nhu cầu vốn năm 2012: 20 tỉ đồng, đã được bố trí đợt 1: 2 tỉ đồng

1.2.4. Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Thủy sản

 

* Dự án đền bù

- Tổng dự toán đền bù được duyệt: 341,7 tỉ đồng.

- Lũy kế giải ngân từ đầu dự án: 213 tỉ đồng, trong 9 tháng đầu năm 2012 đã giải ngân 97 tỉ đồng.

- Dự kiến nhu cầu vốn năm 2012 là 241 tỉ đồng, đã được bố trí vốn đợt 1 là 97 tỉ đồng.

* Dự án đầu tư cảng - chợ cá (dự án chuẩn bị đầu tư)

-  Tổng mức đầu tư dự kiến: 500 tỉ đồng

-  Lũy kế giải ngân từ đầu dự án: 835 triệu đồng

-  Nhu cầu vốn năm 2012: 3 tỉ đồng

* Dự án đầu tư khu hạ tầng chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá (dự án chuẩn bị đầu tư)

-  Tổng mức đầu tư dự kiến: 700 tỉ đồng

-  Lũy kế giải ngân từ đầu dự án: 1,53 tỉ đồng

-  Nhu cầu vốn năm 2012: 3 tỉ đồng

1.2.5. Dự án đầu tư xây dựng Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao (hợp tác với Israel)

- Dự án do Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng, vật nuôi làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là 73,4 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách thành phố là 54,5 tỉ đồng, Israel hỗ trợ 18,85 tỉ đồng dưới dạng viện trợ không hoàn lại.

- Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng, vật nuôi đã triển khai thực hiện dự án gồm 13 gói thầu với diện tích khoảng 9,8 ha, trong đó diện tích phục vụ xây dựng chuồng trại là 3,8 ha và khu vực trồng cỏ phục vụ chăn nuôi là 6 ha. Nhìn chung, tiến độ thực hiện các hạng mục của Dự án đến nay đạt khoảng 90% so với kế hoạch xây dựng tổng thể. Trung tâm cũng đã hoàn tất việc chuyển bò sữa về nuôi tại trại thực nghiệm với 120 con. Hiện Trung tâm đang tiếp tục làm việc với phía Israel về công tác chăn nuôi, thú y, dinh dưỡng, tiếp nhận và lắp đặt thiết bị, kế hoạch đào tạo năm 2012 cho cán bộ kỹ thuật của Trung tâm tham gia vận hành trại thực nghiệm chăn nuôi bò sữa Israel.

2.            Về phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp tục củng cố, tổ chức lại hệ thống khuyến nông, tư vấn hỗ trợ, xúc tiến thương mại nông sản theo hướng tăng hiệu quả và gắn liền người sản xuất - cán bộ nông nghiệp - nhà doanh nghiệp, ký kết hợp đồng tư vấn, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở các bên cùng có lợi.

Trong 9 tháng đầu năm 2012, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức 19 lớp huấn luyện với 360 lượt người tham dự, đã cấp 210 giấy chứng nhận tham gia huấn luyện cho các học viên đạt yêu cầu; 80 lớp tập huấn kỹ thuật về trồng rau theo quy trình VietGAP, chăn nuôi heo theo quy trình VietGAHP, nuôi cá cảnh, chăn nuôi kết hợp với thuỷ sản với khoảng 2.000 lượt người tham dự; tổ chức 25 chuyến tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm về các mô hình tiên tiến cho 1.100 lượt nông dân đi thăm và học tập các mô hình trong và ngoài thành phố; tổ chức 13 cuộc hội thảo với 360 người tham dự về các nội dung: Vệ sinh an toàn thực phẩm trong phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, hiệu quả sử dụng hệ thống tưới phun trên vườn rau, biện pháp phòng ngừa bệnh lở mồm long móng trên bò sữa; xây dựng 80 mô hình với 595 hộ nông dân tham gia về trồng rau ăn củ quả theo quy trình VietGAP, trồng Lan cắt cành, trồng hoa nền, trồng cỏ thức ăn chăn nuôi. Hỗ trợ hệ thống máy vắt sữa: 55 máy, lũy kế đến nay là 226 máy, góp phần hạn chế, giảm tình trạng viêm vú bò sữa, nâng cao chất lượng sữa tươi; hỗ trợ đầu tư 43 máy làm đất mini cho canh tác rau, máy phun thuốc bảo vệ thực vật giúp cơ giới hóa khâu làm đất, giảm nhẹ công lao động canh tác rau. Thực hiện 60 chương trình phát thanh khuyến nông trên sóng AM – Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, mỗi tuần 2 lần vào ngày thứ năm và thứ bảy, với các nội dung, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, đã tổ chức lượng giá 69 mô hình; nhìn chung, các mô hình nói trên đều có kết quả khá tốt, mang lại hiệu quả kinh tế, được nông dân hưởng ứng và đánh giá cao.

Đã tăng cường phối hợp với các ngành, các địa phương để thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra về chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, các loại giống cây trồng vật nuôi, thủy sản và vệ sinh an toàn thực phẩm theo chủ trương của Trung ương và thành phố. Tăng cường phối hợp với các Sở ngành, địa phương trong việc kiểm tra, kiểm soát để xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nguồn nước khu vực sản xuất nông nghiệp.

Tiếp tục thực hiện chương trình cải cách hành chính của thành phố; quản lý và điều hành bộ máy cơ quan văn phòng Sở theo tiêu chuẩn ISO và quy chế 1 cửa, triển khai tại tất cả các đơn vị thuộc Sở; phối hợp với các quận huyện có sản xuất nông nghiệp củng cố tổ chức và nâng cao trình độ cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn ở địa phương, đảm bảo năng lực thực hiện chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị giai đoạn 2011 - 2015 và các năm tiếp sau.

3.            Về xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản

- Tổ chức hội nghị Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với hơn 120 đơn vị tham dự; tổ chức đưa đoàn Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật thành phố đi tham quan các mô hình nông thôn mới để sáng tác về đề tài nông thôn mới; tổ chức giao lưu kết nối giữa các đơn vị sản xuất và kinh doanh rau, nấm trên địa bàn thành phố với sự tham của 63 tổ chức, cá nhân; tổ chức Chợ Hoa Tết Nhâm Thìn năm 2012 tại Công viên 23/9; tổ chức tham gia khu gian hàng của thành phố trong ngày hội Tam Nông tại Công viên Lê Văn Tám; tổ chức tham gia triển lãm tại Festival làng nghề Lâm Đồng; tổ chức tham gia Hội chợ mua sắm Tết năm 2012 tại Nhà thi đấu Phú Thọ; tham gia sự kiện Triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, diễn ra tại Cần Thơ; tham dự Hội chợ - Triển lãm Nông nghiệp - Thương mại Đồng bằng sông Cửu Long, diễn ra tại thành phố Vĩnh Long; phối hợp tổ chức thành công Hội thi Trái ngon – An toàn Nam bộ lần thứ 4, năm 2012. Khảo sát địa điểm ở các quận Tân Phú, 12 để chọn địa điểm xây dựng chợ cá cảnh và địa điểm tổ chức hội chợ cá cảnh.

- Thực hiện Chương trình “Mỗi nhà nông một website”, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đang hỗ trợ xây dựng website cho 07 đơn vị mới; tính từ đầu chương trình đến nay, Trung tâm đã bàn giao 43 website cho các đơn vị; đồng thời tiếp tục hỗ trợ nâng cấp website cho các đơn vị.

- Về hoạt động thiết kế logo, xây dựng nhãn hiệu, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã thiết kế logo, xây dựng nhãn hiệu cho thêm 15 đơn vị; lũy kế từ đầu chương trình đến nay là 43 đơn vị. Ngoài ra, Trung tâm cũng đã thiết kế tờ gấp cho 09 đơn vị.

- Thực hiện chương trình “Nông dân hội nhập”, trong tháng đã phát sóng chương trình “Giới thiệu mô hình nuôi cá thịt đạt hiệu quả tại thành phố Hồ Chí Minh” và hỗ trợ quay bản tin nông nghiệp về “Hội thi tìm hiểu chương trình xây dựng nông thôn mới” ở Nhà Bè; lũy kế từ đầu năm đến nay đã phát sóng được 12 chương trình.

4.            Về vốn, tín dụng, đầu tư

Thực hiện Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 ban hành Qui định về Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 với nội dung chính là hỗ trợ lãi vay cho các tổ chức, cá nhân vay vốn chuyển đổi sản xuất theo định hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhanh chóng và chủ động phối hợp với các Sở ngành, quận huyện và đoàn thể để triển khai thực hiện. Đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố thành lập Hội đồng thẩm định vay vốn theo Quyết định 36/2011/QĐ-UBND; tiến hành tập huấn, tuyên truyền, ban hành hướng dẫn liên tịch để thực hiện chính sách, thực hiện các thủ tục ghi vốn để hỗ trợ lãi vay ... Cụ thể: đã tổ chức 108 lớp tập huấn cho 8.341 lượt cán bộ và bà con nông dân; cung cấp khoảng 61.420 tờ rơi và 4.500 quyển cẩm nang chính sách đến bà con tại các xã, phường, thị trấn, đồng thời tuyên truyền rộng rãi đến bà con nông dân thông qua Đài Tiếng nói nhân dân thành phố …

Nhờ thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền nên từ khi được ban hành đến nay, các quận huyện đã ban hành 725 quyết định phê duyệt cho 4.236 hộ dân được vay vốn (trong đó có 565 hộ thuộc diện xóa đói giảm nghèo) với tổng vốn đầu tư là 2.270,6 tỉ đồng, trong đó vốn vay là 1.253,9 tỉ, chiếm 55% vốn đầu tư. Trong đó Cần Giờ có nhiều hộ vay nhất (1.964 hộ, vay 577,3 tỉ/vốn đầu tư 1.092,4 tỉ), kế đến là Củ Chi (1.269 hộ, vay 376,8 tỉ/vốn đầu tư 588,2 tỉ), Nhà Bè (335 hộ, vay 79,6 tỉ/vốn đầu tư 143,1 tỉ) ... Trong cơ cấu vốn đầu tư, nuôi tôm chiếm tỉ lệ cao nhất với tổng vốn đầu tư đạt 1.065 tỉ, kế đến là trồng hoa, cây kiểng với tổng vốn đầu tư đạt 312,1 tỉ, nuôi bò (bò sữa, bò lai sind): 242,1 tỉ, còn lại là các đối tượng khác.

V.          NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ

Sau một năm thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả vật tư đầu vào, nhờ lãnh đạo thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm chỉ đạo; các Sở ngành, quận huyện tích cực phối hợp, bà con nông dân nỗ lực sản xuất và các phòng ban, đơn vị trực thuộc Sở tích cực phấn đấu, vượt qua khó khăn nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành và chương trình công tác, giúp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng trưởng khá và ổn định, chuyển dịch theo hướng tích cực, các loại cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện sản xuất tại thành phố tiếp tục phát triển; tình hình sản xuất và tiêu thụ rau, hoa - cây kiểng, cá cảnh tăng cao so với cùng kỳ; tình hình hỗ trợ vốn vay cho nông dân tiếp tục được thực hiện tốt, góp phần kích cầu và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.

- Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị. Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn thành phố trong 9 tháng đầu năm 2012 duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tăng 6,0% so cùng kỳ 2011, trong đó trồng trọt tăng 3,7%, chăn nuôi tăng 4,4%, thủy sản tăng 9,8%, dịch vụ nông nghiệp tăng 5%, dịch vụ thủy sản tăng 9,6%. Một số chỉ tiêu chủ yếu tăng khá như diện tích gieo trồng rau tăng 6,1%, diện tích trồng Lan tăng 5%, diện tích hoa nền tăng 14,3%, đàn bò sữa tăng 8,8%, sản lượng sữa bò tươi tăng 9,4%, đàn heo tăng 10,6%,  sản lượng nuôi thủy sản tăng 10,4%; sản lượng cá cảnh tăng 5,8% so cùng kỳ…

Bên cạnh các biện pháp thúc đẩy sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp tục chủ động thực hiện đồng bộ và hiệu quả các biện pháp bảo vệ thành quả sản xuất như phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, dịch hại trên cây trồng, phòng chống lụt bão, triều cường, úng ngập.

Quyết định 36/2011/QĐ-UBND đã được ban hành kịp thời để thay thế Quyết định số 105/2006/QĐ-UBND, với việc mở rộng đối tượng tham gia và nâng cao mức hỗ trợ, chính sách này là công cụ hiệu quả nhằm thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn thành phố theo hướng nông nghiệp đô thị. Thông qua chính sách này, thành phố có thể huy động được một lượng lớn nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Cụ thể: 1 đồng hỗ trợ lãi vay từ ngân sách có khả năng huy động được 15 đồng cho sản xuất, trong đó 7,6 đồng từ ngân hàng và 7,4 đồng từ vốn tự có trong dân. Ngoài ra, các phương án vay vốn phát triển sản xuất dự kiến tạo thêm được trên 8.000 việc làm, trong đó có trên 1.600 việc làm cho đối tượng hộ nghèo, là điều rất có ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế suy giảm như hiện nay.

Về vệ sinh an toàn thực phẩm: đã tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng ngay từ khâu sản xuất; đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh trong việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm các loại nông sản nhập vào thành phố.

Công tác nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp - nông thôn ngày càng gắn với thực tiễn. Công tác hướng dẫn thực hiện chính sách không chỉ đơn thuần là tập huấn chính sách chung, mà căn cứ theo thực tế của từng địa phương, hộ nông dân để vận dụng và hướng dẫn cụ thể theo yêu cầu. Phúc kiểm tình hình, giải quyết nhanh, thỏa đáng các khiếu nại về thụ hưởng chính sách của các nông hộ.

Công tác khuyến nông tại các địa phương đã được chính quyền địa phương và các hội đoàn quan tâm sâu sát hơn nên có nhiều thuận lợi. Tổ chức sản xuất gắn với đầu ra sản phẩm được xem trọng nên nông dân ngày càng an tâm. Nhiều mô hình triển vọng được đánh giá cao và khuyến cáo nhân rộng.

Các chương trình hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn với các tỉnh; công tác xúc tiến thương mại, tư vấn và hỗ trợ xây dựng thương hiệu, hợp tác đối ngoại được quan tâm, đạt kết quả khá hơn. Lĩnh vực công nghệ sinh học đã triển khai nhiều nội dung nghiên cứu thiết thực, gắn với thực tế sản xuất. Công tác quản lý và kiểm định giống cây trồng, vật nuôi thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu về lĩnh vực quản lý nhà nước về giống.

VI.      KẾ HOẠCH 3 THÁNG CUỐI NĂM 2012

1.            Một số chỉ tiêu chính

- Hoa - cây kiểng: 2.100 ha.

- Cá kiểng: 70 triệu con.

- Duy trì đàn bò sữa ở mức 88.500 con, đàn heo khoảng 330.000 con.

- Đàn cá sấu: 170.000 – 180.000 con.

- Chim yến: 1.200 kg tổ yến.

- Diện tích gieo trồng rau: 14.000 - 14.500 ha.

- Tôm các loại: trên 10.000 tấn.

- Hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh ở nông thôn ngoại thành: 98%.

- Tỉ lệ che phủ rừng và cây xanh trên địa bàn thành phố: 39,4%, trong đó độ che phủ rừng và cây lâm nghiệp 18,8%.

2.            Các giải pháp triển khai thực hiện

2.1.            Các giải pháp về quy hoạch và đầu tư, đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng:

- Phối hợp với các ngành, các quận huyện để thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp; rà soát, xác định diện tích cụ thể trên bản đồ những vị trí đất nông nghiệp ổn định tập trung sau năm 2020 tạo thành vùng liên xã, liên huyện, trong đó cần xác định những vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, những vùng sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, những vùng thực hiện các dịch vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là dịch vụ đầu ra như bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, kết nối với cơ sở hạ tầng giao thông giữa thành phố với các tỉnh; công khai, phổ biến các quy hoạch được phê duyệt, tổ chức quản lý chặt chẽ các vùng nông nghiệp ổn định.

- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm như Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Giao dịch, triển lãm nông sản thành phố, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Thủy sản thành phố; các công trình chống ngập, phòng chống lụt bão, triều cường, xâm nhập mặn kết hợp giao thông nông thôn… Phát huy hiệu quả Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng, vật nuôi và các công trình hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp khác.

2.2.            Các giải pháp về xây dựng nông thôn mới:

- Tổ chức thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố, tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo thành phố; định kỳ tổ chức kiểm tra, báo cáo, đề xuất Ban Chỉ đạo thành phố giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc để đảm bảo tiến độ thực hiện các đề án thí điểm xây dựng nông thôn mới.

- Thực hiện các Đề án, chương trình phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020. Tăng cường đầu tư, hỗ trợ để củng cố, phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; đổi mới, các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn; Đề án đổi mới hình thức sản xuất (trang trại, HTX và kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nông thôn; liên kết sản xuất giữa các hộ nông dân với các thành phần kinh tế).

2.3.            Các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước:

Tiếp tục củng cố, tăng cường tổ chức bộ máy của ngành Nông nghiệp và PTNT phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Nâng cao năng lực pháp chế, hiệu quả công tác cải cách hành chính.

2.4.            Các giải pháp về vốn - tín dụng - đầu tư:

a) Vốn ngân sách:

 

- Ưu tiên đầu tư dự án cung cấp nước sạch và chương trình vệ sinh môi trường nông thôn. Đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, khuyến nông; giống mới, giống gốc; đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn (thủy lợi, trại sản xuất giống …); các hoạt động và dịch vụ hỗ trợ như kiểm dịch, phòng chống dịch bệnh, thú y, bảo vệ thực vật, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; quản lý, bảo vệ rừng; quản lý khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi; xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản …

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước, Ủy ban nhân dân các quận huyện hỗ trợ, bù lãi suất tín dụng theo chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đồng thời nghiên cứu, điều chỉnh mức hỗ trợ lãi vay mô hình trồng hoa lan, cây kiểng, cá cảnh từ 60% lên 80% (theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Củ Chi); phối hợp thực hiện Chương trình kích cầu của thành phố Hồ Chí Minh (theo Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND ngày 28/5/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố); hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh môi trường nông thôn. 

b) Vốn tín dụng, vốn khác:

 

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước, Ủy ban nhân dân các quận huyện thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Trung ương về tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

- Phối hợp với các Sở ngành, đoàn thể và địa phương để huy động, sử dụng các nguồn vốn từ quĩ Xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, quĩ của các hội, đoàn thể để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác, nuôi thủy sản, xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường nông thôn.

 



Số lượt người xem: 6156    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm