I. Giới thiệu sơ lược về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi, thủy sản và phát triển nông thôn, phòng chống lụt bão, an toàn nông sản, lâm sản, thủy sản và muối trong quá trình sản xuất đến khi đưa ra thị trường, về các dịch vụ công thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân thành phố và theo qui định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bao gồm:
- Ban Giám đốc Sở: Giám đốc và các Phó Giám đốc.
- 07 phòng chuyên môn nghiệp vụ.
- 07 Chi cục quản lý nhà nước chuyên ngành: Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Phát triển nông thôn, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão.
- 05 Trung tâm: Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Tư vấn và Hổ trợ nông nghiệp, Trung tâm Quản lý và Kiểm định Giống, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn.
- Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp.
- Ban Quản lý trung tâm thủy sản thành phố.
- 02 Doanh nghiệp: Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vùng Vương. Công ty Liên doanh tổng hợp Lâm Hà.
II. Nội dung thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong thời gian qua:
1. Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như: Xây dựng và phát sóng trên HTV9 chương trình “Nông dân hội nhập”; trong đó nhấn mạnh thông tin, tuyên truyền về các chủ trương chính sách của Đảng, thành phố về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, chủ trương về xây dựng nông thôn mới, chủ trương về Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; giới thiệu các mô hình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hiệu quả, các sản phẩm đạt vệ sinh an toàn thực phẩm; thông qua đó gián tiếp kêu gọi khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng nông sản Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh.
2. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong một số hoạt động: Nhằm giúp cho các đơn vị nông nghiệp (Hợp tác xã, nông hộ, doanh nghiệp nông nghiệp) xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tiếp cận người tiêu dùng; Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam: Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong năm 2012 đã thiết kế logo, xây dựng nhãn hiệu cho thêm 25 đơn vị; lũy kế từ đầu chương trình đến nay là 60 đơn vị; ngoài ra, đã thiết kế tờ gấp cho 30 đơn vị. Chương trình “Mỗi nhà nông một website”, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã và đang hỗ trợ xây dựng website cho 20 đơn vị mới; tính từ đầu chương trình đến nay, Trung tâm đã bàn giao 51 website cho các đơn vị; đồng thời tiếp tục hỗ trợ nâng cấp website cho các đơn vị. Đến nay, tổng số đơn vị sản xuất rau, quả trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã được chứng nhận VietGAP là 290 tổ chức, cá nhân (bao gồm xã viên 3 HTX: HTX Nhuận Đức, HTX Ngã 3 Giòng, HTX Thỏ Việt, HTX Phước An, Liên tổ Tân Phú Trung; 4 công ty và các nông hộ), với tổng diện tích 132,7 ha (tương đương với 592 ha diện tích gieo trồng), sản lượng dự kiến 13.019 tấn/năm.
3. Tổ chức Hội nghị để lãnh đạo UBND thành phố gặp gỡ, tháo gỡ khó khăn cho hơn 120 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức đưa đoàn Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật thành phố đi tham quan các mô hình nông thôn mới để sáng tác về đề tài nông thôn mới; tổ chức giao lưu kết nối cho trên 63 đơn vị sản xuất và kinh doanh rau, nấm trên địa bàn thành phố; tổ chức 03 hội nghị giao lưu liên kết sản xuất – tiêu thụ rau VietGAP tại các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn với hơn 260 người tham dự; tổ chức hội nghị giao lưu liên kết sản xuất, tiêu thụ rau quả giữa hợp tác xã và doanh nghiệp với hơn 40 người tham dự; tổ chức Chợ Hoa Tết Nhâm Thìn năm 2012 tại Công viên 23/9; tham gia khu gian hàng của thành phố trong ngày hội Tam Nông tại Công viên Lê Văn Tám; tham gia triển lãm tại Festival làng nghề Lâm Đồng; tham gia Hội chợ mua sắm Tết năm 2012 tại Nhà thi đấu Phú Thọ; tham gia sự kiện Triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ; tham dự Hội chợ - Triển lãm Nông nghiệp - Thương mại Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Vĩnh Long; phối hợp tổ chức thành công Hội thi Trái ngon – An toàn Nam bộ lần thứ 4, năm 2012.
4. Công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, người lao động của Sở và các đơn vị trực thuộc ưu tiên dùng hàng Việt Nam được Đảng ủy, lãnh đạo Sở, Công đoàn và Đoàn Thanh niên đặc biệt quan tâm, được lồng ghép với các phong trào thi đua tại cơ quan. Một số đơn vị trực thuộc Sở đã có cách tuyên truyền, vận động cụ thể như: Chi cục Phát triển nông thôn tổng hợp số liệu mua hàng mang thương hiệu Việt nam của từng cán bộ công chức, từng Tổ công đoàn qua các hóa đơn, chứng từ vào cuối năm để Cấp ủy, Ban lãnh đạo và Công đoàn tuyên dương trong Hội nghị cán bộ công chức hàng năm.
III. Những kết quả đạt được:
1. Việc triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong những năm vừa qua cho thấy: Công tác tổ chức thông tin tuyên truyền, vận động trong cán bộ, công chức, người lao động được chú trọng đã góp phần nâng cao nhận thức ý nghĩa sâu sắc và tầm quan trọng của cuộc vận động, qua đó xây dựng văn hóa tiêu dùng trong cán bộ, công chức và người lao động. Các đơn vị nông nghiệp rất vui mừng phấn khởi khi được Sở hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tiếp cận người tiêu dùng và đã có những hành động thiết thực tăng cường nâng cao chất lượng sản phẩm, có ý thức trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng.
2. Phong trào đã dần đi vào từng cán bộ, công chức, viên chức của Sở. Hiện nay, việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam gần như đã trở thành thói quen trong mua sắm hàng hóa tiêu dùng của từng cá nhân.
3. Từ năm 2010 đến nay tại Sở và các đơn vị trực thuộc đều ưu tiên mua hàng nội địa khi mua sắm tài sản công, nhất là với văn phòng phẩm. Trong công tác lập dự án, công tác đấu thầu các gói thầu mua sắm thiết bị tại Sở và các đơn vị trực thuộc, chủ đầu tư đều khuyến khích và ưu tiên các nhà thầu sử dụng thiết bị sản xuất trong nước (cùng tính năng, chất lượng với thiết bị sản xuất ngoài nước).
Trên đây là báo cáo thành tích thực hiện Cuộc vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam của Sở Nông nghiệp và PTNT./.