SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
7
2
2
9
9
2
TIN TRỒNG TRỌT 18 Tháng Tư 2012 10:25:00 SA

Sơ kết sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2011 - 2012 và Kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu 2012

 I. Tình hình chung:

            1. Thuận lợi:

            - Thành phố đã ban hành chủ trương chính sách về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình trọng điểm phát triển ngành nông nghiệp, do vậy cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện, các chương trình, chính sách hỗ trợ kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn được đẩy mạnh.

- Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị và các chương trình nông nghiệp trọng điểm của thành phố tiếp tục được triển khai.

- Diễn biến giá nông sản trong năm 2011 tăng cao hơn các năm trước, trong đó giá rau quả và giá gạo có xu hướng tăng cao hơn năm trước đã tạo điều kiện tăng thu nhập cho bà con nông dân.

2. Khó khăn:

- Tình hình thời tiết trên địa bàn thành phố diễn biến tương đối phức tạp, mùa mưa kéo dài, thời tiết lạnh vào cuối năm đã ảnh hưởng đến sản xuất hoa, cây kiểng.

- Bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá hại lúa đã được ngành nông nghiệp phối hợp với địa phương kiểm soát phòng trừ hiệu quả, tuy nhiên mầm bệnh vẫn còn có nguy cơ lây lan và gây thiệt hại trong sản xuất lúa.

- Sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do giá cả vật tư đầu vào biến động, giá cả đầu ra chưa ổn định.

- Do lao động nông nghiệp ở nông thôn ngày càng khan hiếm, giá công lao động tăng trong khi giá cả nông sản tăng không tương xứng khiến cho hàng nông sản thành phố gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với hàng nông sản các tỉnh, thành khác.

            II. Tình hình sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2011 – 2012:

1. Lúa:

            1.1. Tình hình sản xuất:

- Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật, diện tích gieo trồng lúa vụ Đông Xuân 2011-2012 là 5.883 ha, đạt 109% so với kế hoạch và tăng 8,8% so với cùng kỳ; năng suất trung bình ước đạt 5,2 tấn/ha, tăng 4,0% so với cùng kỳ; sản lượng cả vụ ước đạt 28.108,6 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ. Diện tích lúa Đông Xuân tập trung chủ yếu ở huyện Củ Chi: 4.850 ha (chiếm 82,4% diện tích), Hóc Môn: 853 ha (chiếm 14,5% diện tích).

- Cơ cấu giống lúa: Có khoảng 24 giống lúa được gieo trồng, trong đó trên 70% các giống lúa được trồng phổ biến như: OM 4900 (26,1%), IR 50404 (12,8%), OM 3536 (12,3%), OM 576 (11%), VND 99-3 (8,6%).

1.2. Tình hình sinh vật hại:

Tính đến ngày 20/3/2012, tổng diện tích nhiễm sinh vật hại vụ Đông Xuân 2011 – 2012 là 3.840 ha, thấp hơn so với cùng kỳ (6.949 ha). Sinh vật hại chủ yếu là rầy nâu, bọ trĩ, sâu cuốn lá, bọ xít hôi, sâu phao, bệnh đạo ôn, bệnh đốm vằn, ốc bươu vàng và chuột.

Tình hình rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa:

- Tổng diện tích lúa nhiễm rầy nâu  vụ Đông Xuân là 619 ha, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (1.741 ha), trong đó có 607 ha nhiễm rầy ở mức độ nhẹ. Không phát hiện diện tích nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa vụ Đông Xuân 2011- 2012.

- Công tác phòng chống bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa đạt kết quả tốt, do ngay từ đầu vụ ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương đã vận động nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ kịp thời và hiệu quả.

2. Rau:

Diện tích gieo trồng rau trên địa bàn thành phố trong vụ Đông Xuân 2011 – 2012 là 5.882 ha, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước (Diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân 2010 – 2011 là 4.995 ha); năng suất trung bình 23 tấn/ha, tăng 0,3 tấn/ha với cùng kỳ năm trước (Năng suất trung bình vụ Đông Xuân 2010 – 2011 là 22,7 tấn/ha); sản lượng 135.286 tấn 115.000 tấn, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước (Sản lượng vụ Đông Xuân 2010 – 2011 là 116.111 tấn).

2.1. Tình hình sinh vật hại trên cây rau:

- Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật, vụ Đông Xuân 2011 – 2012 không có diện tích nhiễm sinh vật hại nặng trên cây rau.

- Sinh vật hại chủ yếu trên rau là sâu ăn tạp, sâu xanh, sâu đục trái, bọ nhảy, bọ trĩ..., bệnh rỉ trắng, vàng lá...

2.2. Công tác kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu, kiểm tra nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật:

- Công tác kiểm tra sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng: Chi cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành kiểm tra 392 hộ nông dân đang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chưa phát hiện hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định của Nhà nước.

- Công tác kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả: Chi cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành lấy mẫu rau quả phân tích dư lượng thuốc trừ sâu theo phương pháp định tính (GT Test Kit Thái Lan), kết quả như sau:

+ Tại vùng sản xuất: Tổng số mẫu kiểm tra là 256 mẫu rau, kết quả phân tích có 01 mẫu có phản ứng dương tính với phân tích nhanh. Khi định lượng 70 mẫu, kết quả không có mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

+ Tại 3 chợ đầu mối: Tổng số mẫu rau, quả kiểm tra là 2.878 mẫu, có 22 mẫu rau dương tính với phân tích nhanh. Khi phân tích định lượng các mẫu rau này, kết quả phát hiện 02 mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Đã xử lý các chủ cửa hàng có mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép theo quy định.

+ Tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, quả: Trong quý 1 năm 2012, tổng số mẫu rau, quả kiểm tra là 34 mẫu, phát hiện 03 mẫu rau dương tính với phân tích nhanh. Khi phân tích định lượng 03 mẫu rau này, kết quả không có mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

 

 

2.3. Hoạt động chứng nhận VietGAP:

- Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP cho 28 hộ với tổng diện tích 11,37 ha; sản lượng ước đạt 1.031 tấn/năm.  

- Tính đến nay, tổng số tổ chức, cá nhân sản xuất rau, quả trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã được chứng nhận VietGAP là 142 (là xã viên của 3 hợp tác xã Nhuận Đức, Ngã 3 Giòng, Thỏ Việt và hộ sản xuất cá thể) và 4 công ty, với tổng diện tích 79,8 ha; sản lượng ước đạt 9.479 tấn/năm.

3. Hoa kiểng:

Diện tích sản xuất hoa, cây kiểng phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 là 1.172 ha, tăng 5,5% so với cùng kỳ (1.112 ha). Diện tích tăng tập trung vào bonsai và cây kiểng (tăng 11,6% so với cùng kỳ), hoa lan (tăng 9,4% so với cùng kỳ). Riêng diện tích trồng hoa nền và mai tăng không đáng kể.

            - Mai: Diện tích sản xuất phục vụ Tết đạt 490 ha, tăng 1,3% so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở 02 quận: Thủ Đức 158 ha, chiếm 32,2%; quận 12: 137 ha, chiếm 28% diện tích mai của toàn thành phố.

            - Bonsai, kiểng: Diện tích đạt 343,3 ha, tăng 11,6% so với cùng kỳ, Củ Chi là huyện có diện tích trồng kiểng, bon sai nhiều nhất 204,3 ha (chiếm 59,5% diện tích bon sai, kiểng thành phố). Kế đến là quận 12 với diện tích 42,6 ha (chiếm 12,4 diện tích bonsai, kiểng thành phố. Bon sai, kiểng của thành phố rất đa dạng và phong phú về chủng loại, gồm: phong lá đỏ, mai chiếu thủy, mai ngọc nữ, cần thăng, vạn niên tùng…..Chủng loại cây kiểng gồm: kim quất, thiên tuế, cau các loại, kim phát tài, phước lộc thọ, trầu bà, nguyệt quế, sanh, si, hồng lộc, sứ Thái…

            - Hoa lan: Diện tích đạt 189,4 ha, là chủng loại tăng khá mạnh trong dịp Tết, tăng 9,4% so với cùng kỳ. Chủng loại hoa lan sản xuất trong dịp Tết của thành phố chủ yếu là Dendrobium và Mokara; một ít Cattleya, Phalaenopsis, Oncidium, Vanda.

            - Hoa nền: Diện tích sản xuất phục vụ Tết đạt 150,6 ha, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Chủng loại rất đa dạng bao gồm cúc, vạn thọ, sống đời, huệ, mồng gà, mãn đình hồng...

4. Cây trồng khác:

 Diện tích gieo trồng bắp vụ Đông Xuân 2011 – 2012 là 735 ha, tăng 172 ha so với cùng kỳ (vụ Đông Xuân 2010 – 2011 là 563 ha).

5. Cây ăn trái:

Tính đến cuối năm 2011, diện tích cây ăn trái trên địa bàn thành phố đạt 11.000 ha, tăng 4,8% so với năm 2010; sản lượng ước đạt 87.000 tấn, tăng 2,4% so với năm 2010.

III. Công tác khác:

1. Tình hình phát triển kinh tế tập thể và hỗ trợ lãi vay:

Chi cục Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi, hướng dẫn về tình hình thực hiện Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 của Ủy ban nhân thành phố.

- Tính đến tháng 3/2012, trên địa bàn Thành phố có 12 HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ RAT. Trong đó có 3 HTX mới thành lập trong năm 2011: HTX Phú Lộc, HTX Nấm Việt và HTX Trường Sinh.

- Tính đến tháng 3/2012, trên địa bàn thành phố có 06 Hợp tác xã hoa, cây kiểng: Hợp tác xã Ngọc Tú (huyện Hóc Môn), Hợp tác xã Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), Hợp tác xã Đại Lộc (huyện Bình Chánh), Hợp tác xã Lan Việt, Hợp tác xã Hòa Phú, Hợp tác xã hoa lan Đất Việt (huyện Củ Chi) và 26 Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh hoa, cây kiểng. Một số Tổ hợp tác được thành lập và chuyển đổi theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP bước đầu hoạt động có hiệu quả, mang lại lợi ích cho tổ viên, tìm kiếm được thị trường tiêu thụ ổn định như Tổ hợp tác phong lan Vân Triển; Tổ hợp tác bonsai Minh Tân, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi.

- Trong quý 1/2012: 03 phương án vay vốn đầu tư sản xuất hoa, cây kiểng của 13 hộ dân với tổng vốn đầu tư là 6 tỷ 653 triệu đồng và tổng vốn xin hỗ trợ lãi suất là 4 tỷ 645 triệu đồng01 phương án vay vốn đầu tư sản xuất rau an toàn của 1 hộ dân với tổng vốn đầu tư là 75 triệu đồng và tổng vốn xin hỗ trợ lãi suất là 30 triệu đồng.

2. Công tác khuyến nông:

- Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức 3 lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa, cây kiểng.

- Xây dựng 10 mô hình trình diễn về hoa, cây kiểng. Trong đó, có 04 mô hình trồng hoa nền qui mô 5,6 ha tại các địa bàn Củ Chi, Hóc Môn, quận 12 và 06 mô hình ứng dụng cơ giới hóa tưới tự động cho cây lan (6.000m2, 6 hộ) tại huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh.

Ngoài ra Trung tâm đã  triển khai 01 cuộc điều tra, khảo sát tình hình sản xuất và kinh doanh hoa, cây kiểng phục vụ tết Nguyên đán tại các quận, huyện.

            3. Công tác sưu tập, thử nghiệm tính thích nghi của các giống cây trồng mới:

3.1. Trung tâm Công nghệ sinh học:

- Tiếp tục triển khai Dự án “Sưu tập, nhập nội, khảo nghiệm và nhân giống các giống hoa lan” để phục vụ Chương trình phát triển hoa, cây kiểng của thành phố đạt được kết quả như sau:

+ Đã sưu tập được hơn 377 giống hoa lan thuộc 18 nhóm giống khác nhau (Mokara, Dendrobium,Dendrobium xuất xứ Úc, Phalenopsis, Oncidium…), đặc biệt đã sưu tập và định danh được trên 100 giống lan rừng quý của Việt Nam phục vụ công tác sưu tập nguồn gen và lai tạo giống.

+ Hoàn thiện quy trình nhân giống cho 7 nhóm hoa lan, tiến hành nhân giống và cung cấp hơn 600.000 cây giống hoa lan nuôi cấy mô các loại.

+ Bước đầu đã đi vào ứng dụng công nghệ sinh học trong công tác lai tạo giống hoa lan. Đến nay, đã thực hiện thành công và vô mẫu hạt của 136 tổ hợp lai, trong đó có 28 tổ hợp lai đã nảy mầm và 15 tổ hợp lai có cây ra vườn ươm.

- Đã nghiên cứu thành công ứng dụng hệ thống ngập chìm tạm thời trong nhân giống cấy mô thực vật, tăng tốc độ nhân giống gấp 10 lần ở giai đoạn nhân cụm chồi, rút ngắn thời gian nhân giống và tăng tỷ lệ sống trên 95%; nghiên cứu thành công bộ Kit PCR phát hiện virus gây bệnh trên hoa lan.

3.2. Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng vật nuôi:

 

 

- Tiếp tục theo dõi thử nghiệm tính thích nghi 16 giống hoa Đồng Tiền (12 giống cắt cành và 04 giống trồng chậu), xác định được 03 giống hoa Đồng Tiền cắt cành có khả năng thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của thành phố, cho sản phẩm hoa đẹp và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

- Tiếp tục theo dõi thử nghiệm tính thích nghi 10 giống khổ qua tại xã Thái Mỹ, Tân Nhựt, 03 giống cải thảo Nhị Xuân. Kết quả đã chọn được 02 giống khổ qua CN095 (Cty Chánh Nông) và giống TN344 (Cty Trung Nông) có năng suất cao, mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

4. Công tác xúc tiến thương mại:

Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp đã triển khai có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết quả đạt được cụ thể như sau:

- Phối hợp với Hội Nông dân thành phố tổ chức thành công chợ Hoa Tết Nguyên đán 2012 tại Công viên 23/9 với 150 gian hàng đại diện cho 700 nông dân của 8 quận, huyện trên địa bàn thành phố (tăng 6 gian hàng, 70 nông dân so với cùng kỳ), các loại hoa, cây kiểng gồm những chủng loại sau: mai (114 gian hàng), tắc (07 gian hàng), lan (13 gian hàng), bonsai (12 gian hàng), kiểng lá, hoa nền (04 gian hàng), với tổng giá trị hàng hóa tại khu hoa, cây kiểng của nông dân thành phố ước khoảng 90,17 tỉ đồng, tăng 4,36% so với cùng kỳ.

- Đã hỗ trợ xây dựng website cho 2 vườn lan là: vườn lan Thanh My huyện Củ chi và vườn lan Bích Câu huyện Hóc Môn; Trung tâm hiện đang hỗ trợ thiết kế logo, nhãn hiệu cho cơ sở hoa kiểng Mỹ Vân và vườn lan Lộc Phát huyện Củ Chi, Trại nấm Hà Sơn (Củ Chi), cơ sở sản xuất rau Lê Ngọc (Bình Chánh), Trại măng tây Út Công và Cơ sở nấm Liên Trí (Củ Chi), Hợp tác xã Phú Lộc.

- Hoàn thiện trang web chuyên về hoạt động sản xuất rau an toàn, rau VietGAP trên địa bàn thành phố.

- Tiếp tục phối hợp với hãng phim Cửu Long thực hiện và phát sóng định kỳ trên kênh truyền hình HTV9 chương trình “Nông dân hội nhập” với chủ đề Chuẩn bị thực phẩm an toàn ngày Tết.

IV. Nhận xét, đánh giá:

1. Mặt làm được:

- Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, nguy cơ bùng phát dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá trên lúa nhưng ngành nông nghiệp phối hợp với các Sở, ngành, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo chỉ đạo kịp thời ngay từ đầu vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời.

- Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của thành phố theo hướng nông nghiệp đô thị được ban hành kịp thời và tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của thành phố.

- Đã hình thành được nhiều mô hình kinh tế hợp tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau an toàn, trồng hoa kiểng như thay đổi cơ cấu giống, nuôi cấy mô, kỹ thuật canh tác và bảo vệ thực vật tiên tiến.

- Đã có nhiều mô hình sản xuất rau an toàn hiệu quả, đến nay, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã có 112 tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận VietGAP (bao gồm xã viên 3 hợp tác xã: Nhuận Đức, Ngã 3 Giòng, Thỏ Việt; 4 công ty và các cá nhân) với tổng diện tích 79,8 ha, sản lượng dự kiến 9.479 tấn/năm.

2. Mặt hạn chế:

- Quy mô của Hợp tác xã còn nhỏ về diện tích và số hộ tham gia, hoạt động của một số Hợp tác xã, Tổ hợp tác còn hạn chế do chưa có kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh cụ thể, trình độ quản lý của ban điều hành Hợp tác xã, Tổ hợp tác còn hạn chế. 

- Sản xuất chưa ổn định do giá cả đầu vào biến động, chưa tạo được vùng chuyên canh tập trung.

          V. Kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu năm 2012:

1. Kế hoạch sản xuất một số cây trồng chính trong vụ Hè Thu 2012:

- Lúa: Diện tích sản xuất lúa vụ Hè Thu năm 2012 dự kiến là 5.000 ha, chủ yếu tập trung ở Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn; năng suất ước đạt 4,7 tấn/ha; sản lượng ước đạt 23.500 tấn.

- Rau an toàn: 4.000 ha, tập trung ở huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn; năng suất ước đạt 22 tấn/ha; sản lượng ước đạt 88.000 tấn.

2. Các giải pháp thực hiện:

2.1. Quy hoạch chi tiết vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn từng quận, huyện gắn với quy hoạch nông thôn mới theo Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28/12/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố.

2.2. Giải quyết kịp thời Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 -2015 theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố.

2.3. Tiếp tục tập trung các giải pháp đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị: Tập trung các giải pháp đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nhân nhanh các mô hình chuyển đổi có hiệu quả, phòng trừ dịch hại cây trồng có hiệu quả.

2.4. Một số giải pháp cụ thể trong sản xuất lúa:

a) Giống:

Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng giống xác nhận, giống bổ sung, giống triển vọng, các giống lúa kháng rầy nâu, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương được Cục Trồng trọt khuyến cáo sử dụng tại thành phố Hồ Chí Minh, gồm:

+ Giống chủ lực: OM 4900, OM 6162, VND 95-20, OMSC 2000,…

+ Giống bổ sung: Nàng hoa 9, OM 4218, OM 6976, OM 3536, IR 64,…

+ Giống triển vọng: OM 6916, OM 7262, OM 8018, MTL 547,…

Không khuyến khích mở rộng diện tích giống IR 50404.

b) Thời vụ gieo sạ:

Thời vụ gieo sạ lúa Hè Thu 2012 bắt đầu từ 20/4/2012, chậm nhất đến ngày 30/5/2012. Tuy nhiên, thời điểm cụ thể sẽ căn cứ vào lượng mưa, dữ liệu thu hoạch lúa ở các tỉnh phía Nam và dữ liệu bẫy đèn sẽ có thông báo cụ thể đến từng địa phương.

c) Một số biện pháp phòng, chống rầy nâu và bệnh hại lúa:

Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng trừ rầy nâu và bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá theo Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 13/3/2012 của Ủy ban nhân dân thành phố:

- Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc tình hình rầy nâu và bệnh hại lúa trên địa bàn thành phố, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ để dự tính, dự báo chính xác khả năng phát sinh gây hại của rầy nâu và bệnh hại lúa nhằm đề ra các biện pháp phòng, chống hiệu quả.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trị rầy nâu và bệnh hại lúa, lưu ý gieo sạ tập trung né rầy, sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng loại thuốc, đúng liều lượng, đúng cách, đúng thời điểm; áp dụng “ba giảm, ba tăng”: giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân đạm, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế, “một phải, năm giảm”: phải sử dụng giống lúa xác nhận, giảm lượng nước vừa đủ, giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân đạm, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm thất thoát sau thu hoạch.

- Đẩy mạnh áp dụng các biện pháp sinh học trong quản lý dịch hại, nhân rộng mô hình sử dụng nấm Metarhizium anisopliea trong phòng trừ rầy nâu.

2.5. Một số giải pháp cụ thể phát triển rau an toàn:

- Tập trung công tác tập huấn, xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm phát triển vùng sản xuất rau an toàn tại các xã nông thôn mới, xây dựng mô hình rau an toàn với quy mô trên 3 ha.

- Tập trung các giải pháp thẩm định và chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau an toàn và chứng nhận VietGAP, hỗ trợ vay vốn, củng cố và phát triển các Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm rau an toàn được sản xuất theo quy trình VietGAP.

- Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, kiểm tra thực hiện các quy định của Nhà nước về sản xuất và kinh doanh rau an toàn. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các tỉnh về sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.

2.6. Một số giải pháp cụ thể trong phát triển hoa kiểng:

- Tăng cường công tác ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo, nhân nhanh các giống hoa, cây kiểng mới, nhất là giống hoa lan.

- Tập trung công tác chuyển giao kỹ thuật thông qua xây dựng các mô hình về hoa, cây kiểng tại các xã nông thôn mới, nhất là các mô hình hoa lan, mô hình cơ giới hóa trong canh tác hoa, cây kiểng, các biện pháp kỹ thuật khi gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi.

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; nghiên cứu, xây dựng các kênh tiêu thụ sản phẩm hoa, cây kiểng; cung cấp kịp thời về thông tin thị trường tiêu thụ cho người sản xuất hoa, cây kiểng.

         2.7. Đẩy mạnh kinh tế tập thể:

- Tập trung xây dựng và củng cố hoạt động các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, quan tâm đào tạo cán bộ quản lý, các bộ chuyên môn cho các Hợp tác xã, Tổ hợp tác.

- Hỗ trợ, hướng dẫn các Hợp tác xã tổ chức các hoạt động dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản phẩm.

- Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các Hợp tác xã sản xuất theo VietGAP để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

          VI. Tổ chức thực hiện:

            1. Đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện có sản xuất nông nghiệp:

- Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hàng năm trên địa bàn theo nội dung Chương trình Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 ban hành kèm theo Quyết định số 13/2010/QĐ-UBND ngày 09/3/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Chỉ đạo các phòng, ban có liên quan, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi có hiệu quả.

- Ban chỉ đạo phòng chống dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa các quận, huyện củng cố tổ chức, xây dựng kế hoạch phòng, chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa vụ Hè Thu và vụ Mùa 2012; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 13/3/2012.

- Tăng cường công tác củng cố, hỗ trợ các Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp hoạt động trên địa bàn.

2. Đề nghị các Hội, Đoàn thể:

Hội Nông dân thành phố, Hội Liên Hiệp Phụ nữ thành phố, Thành đoàn thành phố chỉ đạo các cấp Hội, Đoàn thể quận, huyện tăng cường tuyên truyền vận động nông dân thực hiện Chương trình Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 theo Quyết định số 13/2010/QĐ-UBND ngày 09/3/2011, hướng dẫn nông dân tiếp cận chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011, thực hiện các biện pháp phòng, chống rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá theo Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 13/3/2012 của Ủy ban nhân dân thành phố.

3. Các đơn vị trực thuộc Sở:

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao để triển khai các giải pháp thực hiện kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu, có báo cáo kịp thời kết quả thực hiện. Cụ thể triển khai một số nội dung chính như sau:

3.1. Chi cục Bảo vệ thực vật:

- Tổ chức thực hiện tốt công tác điều tra dự tính dự báo, phát hiện và đề xuất kịp thời các biện pháp phòng chống dịch hại lúa, đặc biệt đối với rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa. 

- Tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình sử dụng nấm Metarhizium anisopliea trong phòng trừ rầy nâu.

- Tiếp tục kiểm tra tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của các hộ nông dân tại khu vực sản xuất.

- Tiếp tục tổ chức lấy mẫu rau, quả kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng sản xuất, kinh doanh rau.

- Tăng cường công tác điều tra, theo dõi tiến độ sản xuất rau an toàn, lúa,… về diện tích sản xuất, năng suất, sản lượng đến từng xã (nhất là xã nông thôn mới). Báo cáo định kỳ về Sở theo quy định.

3.2. Trung tâm Khuyến nông:

- Tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác phù hợp với điều kiện sản xuất ở thành phố Hồ Chí Minh.

- Tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình sản xuất hoa, cây kiểng, mô hình sản xuất rau an toàn theo VietGAP, mô hình cơ giới hóa, đặc biệt tại các xã nông thôn mới.

- Tăng cường công tác điều tra, theo dõi tiến độ sản xuất hoa, cây kiểng, cây ăn trái,… về diện tích sản xuất, năng suất, sản lượng đến từng xã (nhất là xã nông thôn mới). Báo cáo định kỳ về Sở theo quy định.

3.3. Chi cục Phát triển nông thôn:

- Tiếp tục phối hợp với phòng Kinh tế các quận, huyện tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho Hợp tác xã, Tổ hợp tác nhất là Hợp tác xã, Tổ hợp tác tại các xã nông thôn mới và các Hợp tác xã, Tổ hợp tác hiệu quả hoạt động chưa cao.

- Hỗ trợ, hướng dẫn các hợp tác xã tổ chức các hoạt động dịch vụ đầu vào, đầu ra sản phẩm.

3.4. Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ nông nghiệp:

- Xây dựng kế hoạch chứng nhận sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, chủ động gắn công tác chứng nhận VietGAP với hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa kênh tiêu thụ, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm được chứng nhận VietGAP.

- Tiếp tục theo dõi tiến độ thực hiện và hỗ trợ thực hiện các hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm; triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hợp đồng như hỗ trợ nguồn vốn cho nông dân vay phát triển sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng rau, cách thu hoạch, bảo quản.

- Nghiên cứu, đề xuất mở rộng các kênh tiêu thụ sản phẩm rau an toàn; tiếp tục củng cố nâng cao hiệu quả trang Website, thiết kế website, logo, nhãn hiệu cho các đơn vị về sản xuất, tiêu thụ nông sản của thành phố.

- Tiếp tục phối hợp với hãng phim Cửu Long thực hiện và phát sóng định kỳ trên kênh truyền hình HTV9 chương trình “Nông dân hội nhập”.

3.5. Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão:

           Theo dõi diễn biến độ mặn, tình hình thời tiết, tình hình khô hạn, tổng hợp, dự báo tình hình nguồn nước để thông báo kịp thời cho các quận - huyện hướng dẫn cho nông dân có kế hoạch sử dụng nước có hiệu quả, phù hợp với thời vụ và biện pháp gieo sạ né rầy.

3.6. Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác dịch vụ thủy lợi:

- Xây dựng kế hoạch cung cấp, điều tiết nước trong khu vực do đơn vị quản lý.

- Phối hợp với chính quyền địa phương thông báo kịp thời lịch cung cấp nước để nông dân biết và sử dụng nước hợp lý theo đúng nhu cầu đảm bảo hiệu quả sản xuất.


Số lượt người xem: 7809    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm