SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
6
1
7
8
3
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 10 Tháng Hai 2004 12:40:00 CH

Kết quả điều tra diện tích, năng suất, sản lượng rau vụ mùa năm 2003

-

   

I. PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN

            Công tác điều tra được thực hiện trên đơn vị là xã, phường được tiến hành trong suốt vụ, bao gồm:

1. Thống kê diện tích trồng rau

1.1. Diện tích canh tác:

            Cộng tác viên BVTV xã phường thống kê diện tích có trồng rau trong vụ hè thu trên địa bàn phụ trách.

1.2. Diện tích gieo trồng:

            Tùy theo loại rau và thực tế quay vòng của mỗi loại rau mà tính diện tích gieo trồng bằng cách lấy diện tích canh tác nhân cho hệ số quay vòng trung bình của loại rau đó. Riêng đối với rau muống nước do để gốc nên diện tích gieo trồng là diện tích canh tác không nhân hệ số.

Các loại rau được phân thành các nhóm như sau:

- Nhóm rau ăn lá ngắn ngày: cải xanh, cải ngọt, cải trắng, cải thìa, xà lách......, rau dền, mồng tơi, tần ô, rau đay, rau muống......

- Nhóm rau ăn bông, ăn lá dài ngày: Cải bắp, cải bông.

- Nhóm rau ăn củ quả ngắn ngày: Đậu cô ve, đậu đũa, dưa leo, khổ qua, mướp, cải củ.

- Nhóm rau ăn quả dài ngày: Bầu, bí, cà chua, cà  các loại, ớt.

 

2. Gặt điểm năng suất, sản lượng rau

- Đối với rau ăn lá ngắn ngày: Chọn ruộng đại diện trung bình của xã phường đã đến ngày thu hoạch, chọn khoảng 3 loại rau có diện tích cao nhất trong vụ, thu hoạch mỗi loại 3 điểm, mỗi điểm 1m2. Lấy năng suất bình quân của 3 loại rau là năng suất chung của nhóm.

- Đối với rau ăn bông, ăn lá dài ngày: Chọn ruộng đại diện trung bình của xã phường đã đến ngày thu hoạch, thu hoạch mỗi loại 3 điểm, mỗi điểm 1m2. Lấy năng suất bình quân là năng suất chung của nhóm.

- Đối với rau ăn củ quả: Thăm hỏi năng suất nông dân vào cuối vụ. Mỗi loại rau thăm hỏi ít nhất 3 hộ. Lấy số liệu trung bình.

Từ năng suất tính ra sản lượng tất cả các loại rau trong vụ của xã phường bằng cách lấy diện tích gieo trồng cả vụ nhân cho năng suất đã điều tra. Riêng đối với rau muống nước do để gốc nên diện tích gieo trồng là diện tích canh tác không nhân hệ số, năng suất trong vụ được tính là số lượng (Kg) thu hoạch của một lứa cắt nhân với số lứa cắt trong vụ.

 

3. Thăm hỏi nông dân

   Vào cuối vụ CBKT Trạm và cộng tác viên đi thăm hỏi để nhận xét và đánh giá ảnh hưởng của công tác BVTV đến tình hình sản xuất trong vụ, chọn nông dân đại diện để thăm hỏi theo biểu mẫu đã soạn trước. Số phiếu thăm hỏi đối với phường xã có diện tích dưới 100 ha: 3 phiếu, từ 100 – 200 ha: 6 phiếu, trên 200 ha: 9 phiếu. Tổng hợp các phiếu để có nhận định chung của vụ.

II. KẾT QUẢ ĐIỀU TRA

1. Diện tích và năng suất và sản lượng rau vụ Mùa 2003 toàn Thành phố là:

            Tổng số:

-         Tổng diện tích gieo trồng: 2.453 ha

-         Năng suất bình quân: 24,50 tấn/ha

-         Tổng sản lượng: 60.098 tấn

          Trong đó các nhóm rau:

          Nhóm rau ăn lá ngắn ngày:

-         Diện tích canh tác: 883,9 ha

-         Diện tích gieo trồng: 1356,8 ha

-         Năng suất bình quân: 26,22 tấn/ha

-         Sản lượng: 35.573,3 tấn

                      Nhóm rau ăn củ quả ngắn ngày:

-         Diện tích canh tác: 741,6 ha

-         Diện tích gieo trồng: 908,6 ha

-         Năng suất bình quân: 20,87 tấn/ha

-         Sản lượng: 18.959,4 tấn

                      Nhóm rau ăn củ quả dài ngày:

-         Diện tích canh tác: 185,5 ha                                                                      

-         Diện tích gieo trồng: 187,5 ha

-         Năng suất bình quân: 29,68 tấn/ha

-         Sản lượng: 5.565,6 tấn

 

Trong đó diện tích, năng suất và sản lượng rau vụ Mùa năm 2003 của từng quận huyện như sau: (Bảng 1).

2. Kết quả điều tra thăm hỏi nông dân về tình hình sản xuất rau vụ Mùa 2003 so với vụ Mùa 2002 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

2.1. Ảnh hưởng đến lợi nhuận:

            Qua kết quả điều tra thăm hỏi về ảnh hưởng của công tác bảo vệ thực vật đến sản xuất rau vụ mùa năm 2003, trong 142 phiếu thăm hỏi có 76,2 % nông dân đã tham gia các lớp tập huấn về phòng trừ sinh vật hại và sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả trên rau.

- Năng suất rau vụ Mùa năm 2003:

  Đa số nông dân ở các quận huyện đều cho rằng năng suất rau năm nay từ được mùa (44,1 %) và bằng nhau (45,4 %) so với vụ mùa 2002. Một số ít mất mùa (10,5 %). Tính trên số phiếu thăm hỏi của những nông dân bị mất mùa thì lý do ảnh hưởng làm giảm năng suất đa số là do tình hình khí hậu thời tiết không thuận lợi (50,1 % ) và sâu bệnh (16,6 % ), còn lại một số người cho rằng do nguồn giống và các nguyên nhân khác cũng làm giảm năng suất (13,4 % và 10 %).

-  Tình hình sinh vật hại :     

   Một số sâu bệnh hại chính thường gặp trên rau ở vụ Mùa 2003: sâu ăn tạp, bọ nhẩy, bọ trĩ, rầy mềm, sâu đục quả, dòi đục lá, bệnh sương mai, rỉ trắng, thán thư, thối nhũn, chết dây, đốm lá…

   Tình hình sinh vật hại trên rau vụ Mùa 2003 đa số chỉ ở mức độ nhẹ. Mức độ gây hại của sâu bệnh trên đồng ruộng ở vụ Mùa 2003 so với vụ Mùa 2002 đa số ở mức độ ít hơn (sâu 77,5 %, bệnh 62,1 %) và có ruộng sâu bệnh gây hại không đáng kể (sâu 9,1 %, bệnh 21 %).

- Sử dụng thuốc trừ sinh vật hại:

              Qua kết quả điều tra nhận thấy nông dân sử dụng thuốc trừ sinh vật hại trên rau rất phong phú với 20 loại thuốc trừ sâu (TTS), 17 loại thuốc trừ bệnh (TTB). Trong đó nông dân đã sử dụng các loại thuốc ít độc và thuốc vi sinh để phòng trừ sâu bệnh (Biocin, Tập kỳ, Dipel, Delfin) và sử dụng luân phiên nhiều loại thuốc với nhau nhằm hạn chế sự kháng thuốc của sâu bệnh. Về hiệu quả phòng trừ đa số nông dân đều cho rằng sử dụng thuốc BVTV có tác dụng tốt (TTS 46,4 %, TTB 31,2 %) và khá (TTS 48,6 %, TTB 50,7 %) để phòng trừ sinh vật hại. Về thuốc trừ cỏ nông dân ít sử dụng (chỉ có 4,25 % nông dân sử dụng thuốc trừ cỏ), đa số dùng biện pháp nhổ cỏ bằng tay đối với cây rau ăn lá và áp dụng biện pháp phủ bạt đối với cây rau ăn củ, quả ngắn ngày và dài ngày.

- Số lần phun xịt thuốc bảo vệ thực vật/lứa rau

              Qua kết quả diều tra nhận thấy số lần nông dân phun xịt thuốc trừ sâu bệnh tuỳ thuộc vào mật số, tỷ lệ sinh vật hại gây hại trên đồng ruộng, Đối với rau ăn lá ngắn ngày trung bình phun từ 2-3 lần trên 1 lứa rau, tuy nhiên đối với nhóm rau ăn củ, quả ngắn ngày (đậu cove, dưa leo…) đa số nông dân vẫn còn giữ tập quán phun nồng độ thấp để phòng ngừa cách 2 – 3 ngày/lần, trung bình 7 – 12 lần/lứa, cá biệt có hộ phun 20 lần/lứa rau. Đối với nhóm rau ăn củ, quả dài ngày phun 3-7 lần/lứa rau.

2.2. Nhận thức về sâu bệnh hại và sử dụng thuốc BVTV

- Nhận biết tên thuốc BVTV

  Qua các lớp tập huấn về BVTV nông dân đã nắm bắt và nhận biết được tên một số sâu bệnh hại chính trên ruộng như bọ nhảy, sâu xanh, sâu khoang, dòi đục lá, sâu tơ, bệnh thối nhũn, phấn vàng,… và tên thuốc BVTV (53 %). Một số nông dân đã biết sử dụng thuốc ít độc, thuốc vi sinh (Biocin, Tập Kỳ, Dipel ....) trong việc phòng trừ sinh vật hại trên rau. Ngoài ra các cửa hàng bán thuốc BVTV đóng một vai trò quan trọng trong việc bán thuốc và hướng dẫn nông dân dùng thuốc BVTV phòng trừ sinh vật hại (31 %).

          - Hỗn hợp và pha chế thuốc BVTV

              Trong việc phun thuốc BVTV phòng trừ sinh vật hại có 32,6 % nông dân hỗn hợp thuốc và 67,4 % nông dân không hỗn hợp thuốc. Pha chế và hỗn hợp thuốc BVTV của nông dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm (53,3 %) và theo sự hướng dẫn cửa hàng bán thuốc BVTV (54,9 %).

 

2.3. Ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường

            Trong sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất rau nói riêng ngoài vấn đề bảo đảm năng suất, sản lượng, chất lượng rau thì việc bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng cũng là một vấn đề quan trọng. Kết quả điều tra cho thấy nông dân đã nhận thấy tác hại của việc sử dụng thuốc BVTV ảnh hưởng đến sức khỏe, do đó 86,2 % nông dân đã sử dụng trang thiết bị bảo hộ lao động như khẩu trang, găng tay, nón, quần áo dài tay, ủng, tuy nhiên vẫn còn 13,8 % nông dân không sử dụng trang thiết bị bảo hộ lao động do nóng, không quen đeo khẩu trang và găng tay. Phần lớn nông dân đều sử dụng bình xịt (95,7 %) để phun xịt, cũng còn một số ít nông dân (4,3 %) sử dụng ống xịt để phun thuốc BVTV trừ sâu bệnh chủ yếu là nông dân trồng rau muống.

            Bên cạnh đó sau khi phun trừ sinh vật hại, có 46,6 % nông dân xử lý thuốc BVTV còn lại trong bình bằng cách đổ bỏ ở những nơi cách xa nguồn nước và trên những bờ ruộng, ngoài ra nông dân còn xử lý bằng các biện pháp khác như: phun lên cây trồng khác (9,4 %), phun lại những chỗ bị nặng hoặc phun hết ruộng (36,2 %), còn lại là nông dân pha đủ với diện tích cần phòng trị.  

            Qua những lớp tập huấn về sử dụng thuốc BVTV, sản xuất rau an toàn, vệ sinh môi trường nông thôn… nông dân đã có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, cộng đồng để tránh gây ô nhiễm bằng cách thu gom vỏ chai sau khi phun xịt và đem đốt hoặc chôn (81,9 %), tuy nhiên cũng có một số nông dân đã để lại bao bì sau khi phun xịt tại ruộng (18,1 %) điều này ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

            Về tuân thủ thời gian cách ly nông dân đã có ý thức trong việc ngừng phun thuốc trước thu hoạch. Thời gian ngừng phun thuốc nông dân dựa vào hướng dẫn của nhãn thuốc về thời gian cách ly từ 5 – 10 ngày chủ yếu (rau ăn lá ngắn ngày 52,1 %, rau ăn củ quả dài ngày 44,4 %). Đối với rau ăn củ quả ngắn ngày đa số nông dân không đảm bảo thời gian ngừng phun thuốc trước thu hoạch ( < 5 ngày – 54,8 %), cá biệt có hộ chỉ ngừng phun thuốc 1 – 2 ngày trước khi thu hoạch sản phẩm ( đậu cove, dưa leo, khổ qua…) do trong thời gian đang thu hoạch vẫn có các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại.

            Sau khi phun thuốc xong  56,5 % nông dân có triệu chứng ngộ độc nhẹ do thuốc BVTV như: chóng mặt, mệt, nhức đầu, bủn rủn tay chân,… còn lại 43,5 % có triệu chứng bình thường.

 

III. NHẬN XÉT VÀ KIẾN NGHỊ:

Nhận xét:

- Năng suất rau vụ mùa năm 2003 cao hơn so với năm 2002 do nông dân đã áp dụng đúng và có hiệu quả các biện pháp BVTV, làm cho mức độ gây hại của sinh vật hại trên rau giảm đáng kể.

- Nông dân đã nhận biết được sâu bệnh hại rau và biện pháp sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả.

- Nông dân được tập huấn áp dụng kỹ thuật sản xuất rau tốt hơn, đa số đã sử dụng thuốc trừ sâu vi sinh, thuốc ít độc hại và luân phiên thuốc, đảm bảo thời gian cách ly. Ngoài ra còn sử dụng đầy đủ các dụng cụ bảo hộ cần thiết khi phun xịt thuốc.

- Tuy nhiên trong sản xuất rau vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm: một số nông dân chưa sử dụng đầy đủ trang bị bảo hộ lao động khi sử dụng thuốc BVTV dẫn đến tỷ lệ nông dân bị ngộ độc nhẹ sau khi phun thuốc vẫn cao. Một số nông dân sử dụng thuốc BVTV trên rau ăn quả ngắn ngày chưa đảm bảo thời gian cách ly và một số nông dân vẫn còn phun phòng ngừa, phun nhiều lần trong một vụ làm cho rau không an toàn .


Số lượt người xem: 35723    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm