Trong xây dựng nông thôn mới tại thành phố Hồ Chí Minh, cả hệ thống chính trị đã biết tận dụng và dựa vào sức mạnh nguồn lực trong xã hội, đặt người dân luôn ở vị trí trung tâm, vừa là chủ thể thực hiện vừa là người thụ hưởng thành quả đạt được của nông thôn mới. Lãnh đạo Thành phố đã nhiều lần khẳng định: “Xây dựng nông thôn mới là nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa cho nông dân và dân cư nông thôn; lấy việc cải thiện, nâng cao đời sống và sự hài lòng của nông dân là thước đo cho kết quả”.
Doanh nghiệp chung sức xây dựng nông thôn mới.
Công ty Giống cây trồng Miền Nam trong nhiều năm qua Công ty đã phối hợp, liên kết với bà con nông dân tại địa bàn các huyện để sản xuất hạt giống bắp lai F1, đã gieo trồng khoảng 4.082,3 ha bắp giống, cung cấp cho thị trường khoảng 10 ngàn tấn bắp giống các loại, từ đó góp phần tăng sản lượng bắp thương phẩm rất lớn cho thị trường thành phố và các tỉnh, góp phần giảm chi phí nhập khẩu và nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành trồng trọt và chăn nuôi của Việt Nam. Hàng năm dự án giải quyết cho 1.300 hộ nông dân (khoảng hơn 2.000 lao động) có việc làm thường xuyên chưa kể lượng lao động tại địa bàn dự án phải thuê mướn thêm khi vào cao điểm thu hoạch.
Tổng Công ty Điện lực thành phố đã thực hiện điện khí hóa và hoàn thiện lưới điện cho toàn bộ 56 xã xây dựng nông thôn mới. Cải tạo và xây dựng mới 794,4 km đường dây trung thế, 2.650,2 km đường dây hạ thế; lắp đặt mới và tăng cường công suất 3.382 trạm hạ thế với tổng dung lượng đưa thêm vào lưới đạt trên 344.000 kVA, đưa tỷ lệ hộ dân sử dụng điện thường xuyên từ lưới điện quốc gia đạt trên 99,8%. Năm 2011, Tổng Công ty đầu tư hệ thống điện mặt trời phân tán cấp điện phục vụ sinh hoạt cho 172 hộ dân trên ấp Thiềng Liềng, thuộc xã đảo Thạnh An. Công suất mỗi hệ thống là 525Wp. Xây dựng 07 công trình công cộng (Ban ấp Thiềng Liềng, trạm kiểm lâm, tụ điểm văn hóa, trạm kiểm soát biên phòng, trạm y tế, trạm hải quan, phân hiệu trường tiểu học). Tổng Công ty cũng đã đầu tư mỗi công trình một hệ thống điện mặt trời với công suất 1.050Wp. Toàn bộ dự án có quy mô công suất gần 100kWp với tổng mức đầu tư là 14,8 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư xây dựng của Tổng Công ty. Đầu năm 2015, Tổng Công ty đã hoàn tất công trình trọng điểm “Xây dựng tuyến cáp ngầm 22kV vượt biển cấp điện cho xã Thạnh An, huyện Cần Giờ” đóng điện và khánh thành đưa vào sử dụng chào mừng kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 – 30/4/2015. Với tổng mức đầu tư dự án hơn 200 tỉ đồng.
Công ty TNHH Giày Viễn Thịnh (huyện Nhà Bè) đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Nhà Bè, Ủy ban nhân dân các xã đặt hàng đào tạo nghề nhằm tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn. Trong quá trình học tập, người lao động không phải đóng học phí mà còn được hỗ trợ cơm trưa và 50.000 đồng/ngày; học viên là các đối tượng thuộc diện xóa đói giảm nghèo, lao động nông thôn; 100% học viên được Công ty nhận vào làm việc sau khi hoàn thành lớp đào tạo. Nhiều năm qua, Công ty đã đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hơn 600 người dân trên địa bàn huyện để làm việc tại Công ty, góp phần giữ gìn sự ổn định về sự phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới của huyện nhà.
Nông dân hiến đất xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Cư, 65/5D, ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn là Chi hội trưởng Hội Nông dân ấp Chánh 1, bản thân luôn tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia sinh hoạt tổ nhân dân góp phần xây dựng khu dân cư văn hóa. Ông tự nguyện hiến trên 880m2 đất để làm đường vào Trường THCS Tô Ký với tổng số tiền ước khoảng 1,230 tỷ đồng. Tích cực vận động hội viên trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách của nhà nước và địa phương; tham gia cùng Hội nông dân xã vận động 25 hộ chăn nuôi xây hầm bioga, hầm xử lý nước thải hạn chế ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
Ông Nguyễn Văn Xẩu, ấp Lào Táo Thượng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi. Bản thân đã tham gia cùng với ấp trong công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn ấp như tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo quy hoạch, hiến đất mở đường, hỗ trợ và giúp đỡ các hộ khó khăn về kinh tế phát triển sản xuất tăng thu nhập, tích cực tố giác tội phạm và giữ gìn an ninh trật tự cũng như giữ gìn vệ sinh môi trường ở địa phương. Bản thân khi biết địa phương có nhu cầu mở tuyến đường đi ngang qua khu đất của gia đình để giúp cho người dân được thuận tiên trong giao thương, chuyên chở vật tư nông sản trong sản xuất nông nghiệp, ông đã bàn bạc và cùng với gia đình hiến 800m2 đất để làm đường giao thông đồng thời vận động 5 hộ dân xung quanh cùng hiến đất để mở tuyến đường với tổng diện tích hiến đất để xây dựng tuyến đường 3.200 m2 đất. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ người dân làm ăn kinh tế thông qua việc cho các hộ không có vốn sản xuất mượn tiền để mua vật tư sản xuất nông nghiệp, giúp họ có thu nhập ổn định.
Ông Phạm Văn Diên, tổ 6, ấp 4, Xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Bản thân đã tham gia cùng với chính quyền xã, ấp trong công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các ấp như hàng năm giúp đỡ các hộ khó khăn về đời sống trong đó có đối tượng là gia đình chính sách. Nhiều năm liền mở quán cơm từ thiện miễn phí, mỗi ngày cung cấp từ 120 đến 140 xuất ăn, chi phí mỗi năm học là 336 triệu đồng, nhằm giúp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và ở cách xa trường. Năm 2014, ông bỏ kinh phí 70 triệu đồng để xây 2 căn nhà tình thương cho gia đình nghèo khó khăn về đời sống. Vận động nhân dân hiến đất để mở rộng các tuyến hẻm, có tổng chiều dài 4.580 m để thực hiện bê tông hóa, góp phần vào việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, ông lập dự án đầu tư vốn cải tạo, sửa chữa, nâng cấp chợ ấp 1 và chợ ấp 3, với tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ đồng. Hiện nay 2 chợ đã hoạt động ổn định tạo điều kiện cho tiểu thương có nơi mua bán giao thương hàng hóa góp phần cho sự phát triển bền vững.
Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bà Đặng Lê Thị Thanh Huyền, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi. Năm 2008, chị Huyền bắt đầu tìm hiểu về cách trồng giống lan Mokara. Ban đầu chị trồng thử nghiệm trên diện tích 1ha nhưng do thiếu kinh nghiệm nên lan chết nhiều. Không nản lòng, chị tiếp tục học hỏi thêm kinh nghiệm và đã thành công. Năm 2012, chị quyết định chuyển 4ha đang trồng cao su sang trồng lan. Chị lên 300 luống đất, làm hệ thống tự động tưới tiêu nước, thuốc và phân, xây dựng nhà lưới,… để trồng 100.000 gốc lan. Tổng chi phí ước gần 10 tỷ đồng để hình thành nên trang trại lan Huyền Thoại. Theo tính toán của chị Huyền, doanh thu từ trang tại lan khoảng 2 tỷ đồng/năm. Giờ đây, trang trại lan Huyền Thoại đã trở thành mô hình điểm của một nền sản xuất nông nghiệp đô thị thành phố Hồ Chí Minh. Rất nhiều đoàn trong và ngoài thành phố đến trang trại của chị để tham quan, học tập kinh nghiệm. Chị Huyền cũng đã giúp đỡ bà con nông dân trên địa bàn các xã lân cận về kiến thức, kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan mà chị đã tích lũy được.
Chị Trần Ngọc Tuyết, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, với cuộc đời sinh ra và lớn lên trên vùng đất thuần nông, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nhưng không đủ sống; thông qua chuyến đi học tập kinh nghiệm trồng lan tại Thái Lan năm 2007, chị mạnh dạn chuyển đổi trồng 2.000 gốc lan (khoảng vài trăm mét vuông), đến nay chị mở rộng vườn lan khoảng 5 ha. Chị phân ra thành nhiều khu, khu nhân giống, khu sản xuất cho bông, với hệ thống tưới phun sương tự động, điều khiển bằng máy, ít tốn công lao động, tiết kiệm nước. Cách chia vườn thành nhiều khu này, chị tham quan, học tập các mô hình ở Thái Lan, Trung Quốc. Cách trồng này giúp chị điều tiết được lượng cây cho hoa phù hợp với nhu cầu thị trường.
Anh Nguyễn Trung Lập, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, nuôi 25 con bò sữa, anh có những sáng kiến mới, cải tiến lắp đặt máy nhịp tim cho máy vắt sữa bò bằng cách gắn thêm một bình hơi phụ và thiết kế ống hơi chân không dẫn từ bình chứa sữa tới bình hơi phụ để đem nhịp tim rời xa vị trí bình chứa sữa, giúp thời gian vệ sinh máy vắt sữa sau mỗi lần vắt sữa ngắn hơn và sạch hơn. Anh cho biết ý tưởng cải tiến trên xuất phát từ nổi khổ chăn bò của nhà nông. Anh đi nhiều nơi tận mắt chứng kiến nhiều nông dân nuôi bò sữa rất cực, mới có được giọt sữa đạt chất lượng. Thế là anh nghĩ cách cải tiến lắp đặt máy nhịp tim cho máy vắt sữa bò. Cách cải tiến này cho phép dễ dàng rửa máy vắt sữa bằng máy rửa xe, vệ sinh máy vắt sữa sau mỗi lần vắt, từ đó vệ sinh ngắn hơn và sạch hơn; chất lượng sữa được vắt ra cải thiện tốt hơn vấn đề nhiễm vi sinh, từ đó giá thành bán sữa sẽ cao hơn. Ngoài ra, anh Lập còn cải tiến hệ thống tấm tự động cho bò sữa bằng dàn ống nước, hệ thống phun sương trên mái tôn làm mát chuồng trại. Đặc biệt, anh còn cải tiến máy tời cắt và kéo cỏ về chuồng, máy thu dọn và phơi phân. Việc cải tiến các loại máy trên, giờ thì anh Lập, cứ tàn tàn mà nuôi bò sữa, chẳng tốn công sức như bao nông dân khác chăn nuôi theo cách truyền thống.
Đ.K