Khảo sát tình hình sử dụng nước sinh hoạt của người dân nông thôn ngoại thành cho thấy, ở nhiều nơi người dân sử dụng nguồn nước mưa để phục vụ cho nhu cầu ăn, uống, nguồn nước ngầm lấy lên từ các giếng khoan và giếng khơi để tắm, giặt và phục vụ cho các sinh hoạt thường ngày khác. Đối với nước mưa, do sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp kéo theo lượng khí thải thoát ra từ các nhà máy tăng lên nhanh chóng. Khi mưa những chất thải độc hại theo nước mưa rơi xuống bể chứa nước của người dân. Người dân trực tiếp sử dụng nguồn nước này dễ mắc bệnh.
Còn đối với các nguồn nước ngầm, không phải ở đâu nước lấy lên từ giếng khoan và giếng khơi cũng đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Nhiều nơi, hàm lượng sắt trong nước là rất lớn, chính vì vậy nếu sử dụng nguồn nước này sẽ gây ra những hậu quả không tốt cho sức khoẻ mai sau. Để hạn chế lượng sắt có trong nước, người dân đã thực hiện loại bỏ bằng cách xây bể lọc nước, nhưng với phương pháp và trình độ kỹ thuật hạn chế, những giải pháp mà người dân đang thực hiện hiệu quả không cao. Lượng nước ngầm giờ đây ngày càng bị ô nhiễm do lượng chất thải và nước thải trong sinh hoạt, đặc biệt nguồn nước thải công nghiệp từ các nhà máy, xí nghiệp ngày càng tăng. Ở những vùng nông thôn có làng nghề truyền thống như tráng bánh, thu gom chất phế thải, chăn nuôi, thuộc da, thì nguồn nước ngầm lại càng bị ô nhiễm nặng nề hơn. Nguồn nước ngầm người dân đang khai thác để sử dụng không những ngày càng bị ô nhiễm, mà còn có nguy cơ cạn kiệt, ở nhiều nơi nguồn nước ngầm không đủ cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt tăng đột biến của người dân trong những tháng hè.
Chính vì vậy, tại buổi lễ: Phát động tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hàng năm của UBND TP HCM năm 2009. Ông Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch UBND TP đã nhận xét một số thành quả thu được trong thời gian qua do nhân dân cả thành phố tham gia hưởng ứng, thực hiện và hành động, cụ thể: “hơn 90% dân số ngoại thành đã có nguồn nước sạch sinh hoạt, điều kiện ăn ở, sinh hoạt ở vùng nông thôn được cải thiện đáng kể, bỏ dần tập quán sử dụng nước ao hồ, sông rạch bị ô nhiễm, ngân sách Nhà nước giảm chi cho việc phòng và trị một số bệnh có liên quan đến nguồn nước, nhất là một số bệnh đường ruột, tiêu hóa ở phụ nữ và trẻ em… Để thực hiện tốt hơn nữa, yêu cầu các ban ngành, các đơn vị phải cố gắng hoạt động hiệu quả hơn nữa đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2008 - 2010 đã được UBND Thành phố phê duyệt”. Hiểu rõ vấn đề này, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị tiên phong và có trách nhiệm chính trong việc bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho người dân ngoại thành.… Được biết, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn thành phố Hồ Chí Minh hiện đang quản lý và khai thác 118 trạm cấp nước tập trung tại 11 quận, huyện và 66 xã, phường khu vực ngoại thành, cung cấp nước sạch cho trên 46.200 hộ dân (khoảng trên 246.000 người) với tổng lưu lượng nước sử dụng bình quân trên 1,1 triệu m3/tháng.
Mỗi trạm cấp nước được đầu tư kinh phí từ 2 đến 4 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố gồm các công trình như giếng khoan sâu từ 100 mét trở lên, bể chứa nước có dung tích từ 300 đến 500 m3, hệ thống ống dẫn nước có khả năng cung cấp nuớc sạch cho 1000 - 3000 hộ dân. Ngoài ra, Trung tâm còn đầu tư hàng chục tỷ đồng giúp các hộ dân nghèo mua sắm hàng trăm bồn chứa nước, xây trên 500 bể lọc nước, khoan hàng trăm giếng nước cá nhân..., giúp các hộ vùng sâu, vùng xa có được nguồn nuớc sạch cho sinh hoạt.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm phối hợp với các đơn vị tổ chức 99 lớp hướng dẫn kiến thức chung về sức khoẻ và vệ sinh môi trường nông thôn, các lớp về sử dụng an toàn hoá chất phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng 24 mô hình chuyển giao công nghệ cải tạo chuồng trại chăn nuôi, xây dựng hầm biogas... cho hàng ngàn hộ nông dân ngoại thành.Đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động xã hội, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng dân cư nông thôn trong việc sử dụng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động như: In, phát hành tài liệu (dạng tờ rơi) để hướng dẫn, thông tin cho các hộ dân vùng nông thôn biết các quy định của Nhà nước về vệ sinh môi trường, chiến lược bảo vệ môi trường của Chính phủ và Thành phố; chính sách cơ chế hỗ trợ, đầu tư của Trung ương và Thành phố; kỹ thuật xây dựng,vận hành, khai thác có hiệu quả hầm biogas trong sản xuất nông nghiệp; sử dụng khí biogas trong sản xuất và sinh hoạt. Biên tập, đưa tin đăng báo, phát trên Đài phát thanh, Đài truyền hình thành phố, Đài phát thanh xã – phường: bình quân 3 lần/ tháng; phối hợp xây dựng các chuyên đề, phóng sự, các vở kịch ngắn, bản tin; tập trung cao điểm Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường từ ngày 29/4 đến ngày 6/5 và kéo dài đến ngày môi trường thế giới 05/6 hàng năm.
Hiện Trung tâm nước Sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn phối hợp với các quận, huyện hoàn thành các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ đầu tư sửa chữa, nâng cấp 3 trạm cấp nước tập trung đã xuống cấp, xây dựng thêm 9 trạm cấp nước tập trung mới ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Tân. Trung tâm cũng hỗ trợ kinh phí giúp các hộ dân, người chăn nuôi ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh...đẩy nhanh tiến độ xây dựng hầm biogas và nhà tiêu hợp vệ sinh trong những tháng cuối năm. Dự kiến, chương trình vệ sinh Môi trường nông thôn sẽ xây thêm 6.859 hầm Biogas và 15.309 nhà tiêu hợp vệ, phấn đấu đến năm 2010 hầu hết các hộ dân ngoại thành được sử dụng nước sạch, cung cấp đủ nước sạch cho các hộ sản xuất, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, 100% hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, 80% hộ và cơ sở chăn nuôi có công trình xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở các làng nghề.
Được sử dụng nước sạch là niềm khát khao của người dân sống ở nông thôn. Một trong những việc có thể làm ngay là, nâng hiệu quả sử dụng và nâng công suất của các trạm cấp nước cũ, đầu tư thêm hệ thống đường ống dẫn nước để đưa nước sạch đến từng hộ gia đình ở vùng sâu. Còn về lâu dài, cần tìm thêm nguồn vốn và huy động sự đóng góp của cộng đồng, xã hội và người dân để xây dựng, bảo dưỡng các trạm cấp nước, nhà vệ sinh an toàn, sử dụng hầm Biogas đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi….. Việc làm này vừa có tác dụng giúp người dân được sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt, tránh được những bệnh liên quan đến việc sử dụng nguồn nước không bảo đảm chất lượng, đồng thời góp phần giúp cho nguồn nước ngầm ở các khu vực nông thôn không bị khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt, bảo vệ kết cấu địa chất vững chắc ở những vùng này. Nước ngọt là tài nguyên có tái tạo, nhưng sử dụng phải cân bằng nguồn dự trữ và tái tạo, để tồn tại và phát triển sự sống lâu bền.
Xuân Hoa
Trung tâm Khuyến nông