Theo quy luật thủy triều hằng năm, từ nay đến Têt Canh Dần năm 2010, trên địa bàn thành phố có khả năng xuất hiện 03 đợt triều cường với đỉnh triều có thể bằng hoặc cao hơn đỉnh triều cùng kỳ năm 2009 (đỉnh triều tại trạm Phú An vào đầu tháng 12 âm lịch năm 2008 là 1,28 m; giữa tháng 12 âm lịch năm 2008 là 1,54 m và đầu tháng 01 âm lịch của năm 2009 nhằm vào đợt Tết Kỷ Sửu là 1,30 m). Thời gian đỉnh triều xuất hiện vào buổi sáng trong khoảng thời gian từ 04 giờ đến 07 giờ, buổi chiều từ 16 giờ đến 20 giờ.
Qua 07 đợt triều cường từ tháng 10 năm 2009 đến nay, có 05 đợt có đỉnh triều tại trạm Phú An – sông Sài Gòn vượt mức báo động cấp II (1,40 m) và 01 đợt triều cường trên mức báo động cấp III (1,50 m) đã ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu vực ven sông, vùng trũng thấp thuộc 09 phường - xã của 05 quận - huyện, gồm: quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi. Riêng tại quận 12 và quận Thủ Đức đã gây thiệt hại về sản xuất và làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân địa phương.
Nhằm chủ động phòng, chống, ứng phó đạt hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do triều cường gây ra nhằm tạo điều kiện cho nhân dân an tâm vui xuân đón Tết cổ truyền dân tộc, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố yêu cầu các địa phương, đơn vị:
1. Tiếp tục tập trung thực hiện Công văn số 4642/UBND-CNN ngày 08-9-2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó với tình hình triều cường, mưa, bão từ nay đến đầu năm 2010 trên địa bàn thành phố và Phương án số 56/PA-PCLB ngày 12-3-2009 của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố về chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường trên địa bàn thành phố trong năm 2009.
2. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, đặc biệt quận 12 và quận Thủ Đức:
a) Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công, hoàn thành dứt điểm các công trình phòng, chống lụt, bão, triều cường dở dang, công trình chuyển tiếp từ năm 2008 và các công trình năm 2009 đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng phải tổ chức phân công đơn vị quản lý để thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các trường hợp sử dụng, lấn chiếm, xâm hại công trình theo đúng quy định hiện hành.
b) Chỉ đạo và tổ chức ngay đợt tổng kiểm tra, rà soát các khu vực trọng điểm, các đoạn bờ bao xung yếu có nguy cơ xảy ra bể bờ, tràn bờ, các công trình đã thi công trước đây để chủ động sử dụng ngân sách địa phương tập trung gia cố kịp thời, đặc biệt lưu ý các tuyến bờ bao bằng bê tông tường chắn và đất đắp tại phường An Phú Đông, phường Thạnh Lộc, phường Thạnh Xuân – quận 12 và phường Hiệp Bình Phước, phường Hiệp Bình Chánh, phường Tam Phú, phường Tam Bình, phường Trường Thọ, phường Bình Chiểu - quận Thủ Đức; không để xảy ra sự cố bể bờ, tràn bờ, lỗ mọi, nhất là trong dịp Tết Canh Dần năm 2010.
c) Phân công nhiệm vụ cho Ban Điều hành các khu phố, tổ dân phố theo dõi và vận động nhân dân sống xung quanh khu vực bờ bao thường xuyên kiểm tra và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương để kịp thời huy động lực lượng, phương tiện, vật tư xử lý ngay từ đầu các nguyên nhân có thể dẫn đến bể bờ, tràn bờ.
d) Thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông (Đài Truyền thanh) về diễn biến các đợt triều cường cho nhân dân biết, nhằm chủ động đề phòng, ứng phó.
3. Đề nghị Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố, Sở Giao thông Vận tải thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố (Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình) chủ động phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát các đoạn bờ bao, đê quây, cống xung yếu, các dự án thủy lợi, cải thiện môi trường, giao thông, tiêu thoát nước, chống ngập úng trên địa bàn thành phố thuộc các gói thầu đang thi công, các vị trí xung yếu nhưng chưa triển khai thi công để chủ động gia cố đảm bảo an toàn, hạn chế tình trạng sụp lún, sạt lở bờ bao, ngăn dòng, làm hẹp dòng chảy tiêu thoát nước, bể bờ bao, đê quây, tràn bờ gây ngập úng tại các khu vực thuộc các gói thầu của dự án.
4. Công ty Thoát nước đô thị thành phố có kế hoạch bố trí các máy bơm nước di động, chuẩn bị lực lượng, nhiên liệu, kiểm tra hệ thống điện để kịp thời phối hợp và hỗ trợ các địa phương thực hiện bơm chống ngập úng ngay khi có lượng nước lớn ứ đọng không có hướng thoát hoặc không thoát kịp.
5. Công ty Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận – huyện bố trí lực lượng, phương tiện để cùng với địa phương ứng cứu kịp thời khi có sự cố tràn bờ, bể bờ bao hoặc cần bơm chống úng.
6. Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão thành phố phân công lãnh đạo phối hợp với các địa phương theo dõi, kiểm tra các địa bàn xung yếu để kịp thời cảnh báo, phòng, chống.
7. Các Sở - ngành, đơn vị thành phố, quận – huyện, phường – xã – thị trấn thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, đặc biệt là dịp Tết Canh Dần năm 2010 theo Quyết định số 02/QĐ-PCLB ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố./.
Văn phòng Ban chỉ huy PCLB TP – Chi cục Thủy lợi và PCLB.
|