I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH
Thành phố Hồ chí Minh với diện tích sản xuất nông nghiệp 120.484 ha, dân số nông nghiệp 250.556 người chiếm 15% dân số thành phố, chủ yếu tập trung sản xuất cây, con giống chất lượng cao cung cấp tại chỗ và các tỉnh lân cận; một phần sản xuất cung cấp nông sản thương phẩm đáp ứng 15-30% nhu cầu tiêu thụ của người dân thành phố.
Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật của thành phố hiện nay khoảng 900-1.000 tấn/ngày, tương đương với 650-700 con trâu bò, 10.500-11.500 con heo, 100.000-110.000 con gia cầm, 3.000.000 quả trứng chưa kể số nguồn thực phẩm khác như thịt trâu bò nhập ngoại, thịt dê, thịt thỏ, thịt đà điểu. Khả năng tự cung cấp của thành phố 15-20% nhu cầu thực phẩm tươi sống nguồn gốc động vật. Thành phố hiện có 34 cơ sở giết mổ, trong đó có 29 cơ sở giết mổ heo, 01 cơ sở giết mổ heo và bò, 01 cơ sở giết mổ dê và 03 cơ sở giết mổ gia cầm. Công suất giết mổ bình quân 01 ngày là: 7.500-8.000 heo, 50-60 con trâu bò, 20-30 con dê. 45.000-50.000 con gia cầm. Nguồn gia súc được giết mổ tại thành phố cung cấp 75% tổng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật của người dân thành phố, phần còn lại được giết mổ từ các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Bình Dương và Đồng Nai đưa về 2 chợ đầu mối phân phối sản phẩm động vật là Chợ An Lạc (Quận Bình Tân) và Chợ Phạm Văn Hai (Quận Tân Bình) bình quân 2.500 con heo, 320 con trâu bò và khoảng 60.000 con gia cầm đã giết mổ từ các tỉnh hoặc nhập khẩu chuyển về thành phố tiêu thụ mỗi ngày. Ngoài ra có khoảng 50 tấn các loại sản phẩm động vật nhập khẩu tiêu thụ qua hệ thống các siêu thị, nhà hàng, khách sạn và một số nguồn sản phẩm động vật khác như thịt thỏ, bồ câu, chim cút...lưu thông trên thị trường.
Nhu cầu tiêu thụ thủy sản 500 tấn/ngày, trong đó cá biển khoảng 275 tấn, cá đồng khoảng 175 tấn, hải sản phụ 50 tấn, khả năng thành phố tự cung cấp khoảng 10% sản phẩm thủy sản.
Nhu cầu tiêu thụ rau quả trái cây các loại khoảng 1.600 tấn/ngày, trong đó rau ăn lá khoảng 800 tấn, rau ăn củ quả khoảng 400 tấn, trái cây khoảng 400 tấn khả năng tự cung cấp của thành phố 20 -30% rau quả các loại.
Toàn thành phố hiện có 2.030 ha đủ điều kiện sản xuất rau an toàn chiếm 86,7% diện tích canh tác rau.
II. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO
Được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Ủy ban nhân dân thành phố, trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2007. Cụ thể như sau:
1. Đối với hoạt động thú y:
Tập trung công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng: triển khai thực hiện Chỉ thị số 190/CT-BNN-TY ngày 17/01/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chỉ thị 42/2006/CT-UBND ngày 22/12/2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch Lở mồm long móng, bệnh heo tai xanh (PRRS), cúm gia cầm. Tập trung công tác tiêm phòng, kiểm tra các vùng chăn nuôi trọng điểm, cơ sở đăng ký xây dựng an toàn dịch bệnh kết hợp khuyến cáo không sử dụng các chất cấm, chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng sản phẩm.
- Tiếp tục triển khai kế hoạch phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, phòng Văn hóa - Thông tin (Trung tâm văn hóa), các đoàn thể Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên để tuyên truyền, tập huấn, phân phối tờ bướm cho các đối tượng liên quan trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm; vận chuyển; kinh doanh, chế biến sản phẩm động vật, đặc biệt trong những dịp lễ tết và các giai đoạn thường xảy ra dịch.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 31/2005/QĐ-UB ngày 17/02/2005 của UBND thành phố về qui hoạch giết mổ và các qui định trong vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện Quyết định 31/2005/QĐ-UB. Hướng dẫn quy trình giết mổ gia cầm, gia súc, tổ chức cho các hộ kinh doanh giết mổ tham quan, học tập các mô hình giết mổ treo.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn, xử lý triệt để các trường hợp vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật (nhất là gia cầm sống, sản phẩm gia cầm) trái phép, không rõ nguồn gốc hoặc không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y nhập vào thành phố, cũng như vận chuyển sản phẩm động vật với phương tiện bảo quản sản phẩm không đúng quy định. Kiểm tra việc thực hiện các quy định trong kinh doanh sản phẩm gia cầm. Phối hợp các Đoàn liên ngành quận, huyện, đặc biệt phối hợp với Ủy ban nhân dân các phường, xã rà soát kiểm tra việc thực hiện của các đối tượng vừa qua đã cam kết không tiếp tục hoạt động giết mổ trái phép.
- Xây dựng chương trình phối hợp với các tỉnh lân cận trong việc kiểm soát và lấy mẫu kiểm tra đánh giá mức độ vệ sinh, an toàn của nguồn động vật, sản phẩm động vật từ các nơi về thành phố tiêu thụ.
- Tiếp tục phối hợp với Công ty Vinamilk trong việc kiểm soát viêm vú tiềm ẩn, giám sát vệ sinh thú y chăn nuôi bò sữa nhằm đảm bảo cung cấp sản phẩm sữa chất lượng, an toàn trong chế biến, tiêu thụ.
- Tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trên heo, bò; Xây dựng quy trình quản lý trại chăn nuôi heo an toàn, các cơ sở kinh doanh trứng gia cầm tại thành phố.
- Triển khai 02 đợt phát động tháng hành động đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2007 (đợt I từ ngày 22/01/2007 đến 28/02/2007; đợt II từ ngày 01/10/2007 đến 10/12/2007).
Ngoài ra, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các công tác phòng ngừa khả năng xảy ra bệnh tiêu chảy cấp trên địa bàn.
2. Đối với hoạt động bảo vệ thực vật:
- Phối hợp ban ngành trên địa bàn thực hiện tổ chức tăng cường tập huấn, hướng dẫn, vận động nông dân thực hiện quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón an toàn; thực hiện qui trình sản xuất tốt (GAP) đến từng phường xã có chương trình trọng điểm về sản xuất rau; tiếp tục thực hiện mô hình thí điểm kiểm tra giám sát tại các chợ đầu mối giao thông.
- Tập trung thực hiện xây dựng và phát triển mô hình GAP sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố.
- Tiếp tục thực hiện chương trình 13 xã điểm về chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, trong đó có chuyển đổi và phát triển diện tích rau đủ điều kiện an toàn.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 1821/QĐ-UBND ngày 14/04/2005 của Ủy ban nhân dân thành phố về quản lý dư lượng độc chất thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm trồng trọt.
- Phối hợp với các đoàn thanh tra liên ngành tăng cường công tác thanh tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở gia công, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng trọng điểm sản xuất rau. Kiểm tra dư lượng độc chất trong nông sản lưu thông và có biện pháp xử lý nghiêm những trường vi phạm quy định.
- Tổ chức lấy mẫu giám sát dư lượng độc chất trong rau quả tại vùng sản xuất, sơ chế, các chợ đầu mối, siêu thị, chợ lẻ để có biện pháp quản lý lâu dài.
- Tiếp tục thực chương trình liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn với 8 tỉnh lân cận (Lâm Đồng, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang và Vĩnh Long).
3. Đối với hoạt động quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản cho các tổ chức, cá nhân liên quan hoạt động khai thác, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, kể cả các cửa hàng kinh doanh thức ăn - thuốc thú y thủy sản trên địa bàn với tiêu chí an toàn thực phẩm là trách nhiệm và quyền lợi của mọi đối tượng liên quan đến hoạt động thủy sản.
- Phổ biến các kiến thức về sử dụng thuốc thú y thủy sản, các quy trình nuôi thủy hải sản an toàn; quy định về các chất cấm sử dụng trong sản xuất, bảo quản và chế biến thủy hải sản cho các tổ chức, cá nhân liên quan hoạt động thủy sản.
- Tiếp tục tăng cường kiểm soát chất lượng thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
- Tiếp tục phối hợp với công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền triển khai thực hiện kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm và sản phẩm thủy sản tại chợ Bình Điền.
- Thực hiện công tác kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện xử lý những trường hợp sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng tại các cơ sở sản xuất kinh doanh con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, bảo quản, sơ chế nguyên liệu thủy sản, chợ đầu mối.
III. CÁC HOẠT ĐỘNG ĐÃ TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Công tác tuyên truyền giáo dục, tập huấn huấn luyện:
Trong năm 2007, các đơn vị trực thuộc Sở đã tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn các nội dung liên quan đến VSATTP như sau:
- Tổ chức 401 buổi tập huấn, huấn luyện, hội thảo với 28.383 lượt người tham dự.
- Phát hành 307.168 tờ bướm, 4.524 tờ áp phích, 167 đĩa CD, treo 398 băng rôn.
- Phát loa tuyên truyền: 27.953 lượt.
Cụ thể như sau:
1.1. Công tác thú y:
Chi cục thú y đã phối hợp với ban, ngành và UBND các quận, huyện, phường, xã, Ban quản lý các chợ, sử dụng phát thanh, truyền hình để vận động tuyên truyền nhân dân nâng cao nhận thức trong việc kinh doanh, chế biến, bảo quản sản phẩm động vật đúng yêu cầu đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Kết quả trong năm 2007 đã thực hiện:
- Phát hành 167 đĩa CD tuyên truyền tháng an toàn vệ sinh thực phẩm và tập huấn giết mổ treo đến từng quận, huyện. Tổ chức tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm 240 buổi cho 19.589 người, phát hành 302.868 tờ bướm, 4.524 tờ poster, treo 396 băng rôn, 13.614 áp phích, phát loa tuyên truyền 27.763 lượt. Nhiều quận, huyện đã tổ chức tuyên truyền bằng xe phát thanh, xe gắn máy để phát tờ rơi đến từng khu phố trên địa bàn.
- Tiếp tục tổ chức hoạt động hệ thống giám sát cung cấp thông tin dịch bệnh đến từng ấp, tổ và khu phố nhằm gián tiếp đảm bảo động vật cung cấp cho thị trường tiêu thụ vệ sinh, an toàn.
- Nội dung tập huấn, tuyên truyền:
+ Đối với người chăn nuôi: Chi cục hướng dẫn biện pháp chăn nuôi an toàn, những quy định trong sử dụng kháng sinh, các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, tác hại của chất kích thích tăng trọng, giới thiệu các mô hình điểm về chăn nuôi.
+ Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh, giết mổ động vật, sản phẩm động vật: Chi cục hướng dẫn các kiến thức về quy trình kỹ thuật trong giết mổ đảm bảo vệ sinh; giới thiệu các mô hình giết mổ, vận chuyển kinh doanh chế biến sản phẩm động vật đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; phổ biến nội dung Chỉ thị số 06/2007/CT-TTg ngày 28/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 16/2007/CT-UBND ngày 10/7/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai các biện pháp cấp bách đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
1.2. Công tác bảo vệ thực vật :
- Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng quận, huyện tuyên truyền pháp lệnh VSATTP trên địa bàn.
- Thông qua Đài tiếng nói nhân dân thành phố, Đài phát thanh các quận huyện tổ chức 66 đợt tuyên truyền mỗi tuần một lần cho nông dân về các biện pháp phòng trừ sinh vật hại rau, kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các quận huyện có sản xuất rau, củ, quả; tiếp tục phối hợp với chợ đầu mối tăng cường loa phóng thanh tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm trong bảo quản chế biến sản phẩm nông nghiệp; phối hợp ban ngành các quận huyện tuyên truyền, phát tài liệu bướm các quy định về ATVSTP, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định tại vùng sản xuất rau trọng điểm, nhất là vùng sản xuất rau muống nước của Gò Vấp, Q.12, Thủ Đức, Bình Tân, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn.
- Tổ chức 11 lớp tập huấn, huấn luyện nông dân về kiến thức phòng trừ sinh vật hại rau, quả; về kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và sản xuất rau, quả an toàn với 390 nông dân tham dự.
- Tổ chức hội thảo, trình diễn về sản xuất rau an toàn tại 107 điểm với 5.070 nông dân tham dự (trong đó: Hội thảo đầu bờ tại 43 điểm với 2.340 nông dân; trình diễn sử dụng thuốc an toàn tại 64 điểm với 2.730 người tham dự).
- Phát hành 20.000 tờ bướm về phòng trừ ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật, vệ sinh môi trường nông thôn trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, quy trình sản xuất các loại rau, sản xuất theo IPM trên rau cho nông dân; 3.500 quyển cẩm nang về phòng trừ sâu bệnh hại rau và 5.000 quyển sổ tay về sử dụng thuốc trên rau và 2.500 tờ áp phích về rau an toàn, sử dụng thuốc an toàn và nguyên tắc 4 đúng trong sản xuất.
- Công tác tập huấn, huấn luyện: Huấn luyện chuyên sâu quy trình sản xuất rau an toàn cho 32 lớp với 1.234 nông dân tham dự; huấn luyện theo IPM trên rau cho 04 lớp với 100 nông dân tham dự.
1.3. Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản:
- Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã tổ chức tuyên truyền Pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản cho 09 lớp với 462 chủ tàu cá, người nuôi thủy sản, chủ các cơ sở thu mua, sơ chế thủy sản. Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến Chỉ thị 06/2007/CT-TTg ngày 28/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 2596/QĐ-UBND ngày 14/6/2007, Chỉ thị số 16/2007/QĐ-UBND ngày 29/6/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai các biện pháp cấp bách đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
- Phát hành 4.300 tờ bướm, tờ rơi, 450 tờ áp phích để tuyên truyền cho tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy sản trên phạm vi toàn thành phố. Nội dung tờ rơi tập trung nêu những những quy định khi sử dụng kháng sinh, tác hại của các hoá chất Nhà nước cấm sử dụng trong sản xuất, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ trong nước, thị trường xuất khẩu; phổ biến các kiến thức pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và ngăn ngừa những hành vi vi phạm của người dân trong sản xuất, kinh doanh thủy hải sản.
- Tại chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Bình Điền:
+ Chi cục phối hợp với Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền đã treo 02 băng rôn tuyên truyền tại khu nhà lồng chợ Bình Điều với nội dung: “Thương nhân kinh doanh chợ Bình Điền quyết tâm thực hiện tháng hành động đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn nông sản thực phẩm thủy sản”, “Không sử dụng hoá chất, kháng sinh độc hại trong bảo quản và chế biến thuỷ sản”
+ Phát loa tuyên truyền 2 lần mỗi tuần tại chợ với nội dung vận động các hộ tiểu thương thực hiện đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thủy hải sản trong kinh doanh.
+ Ngoài ra, Tổ vệ sinh an toàn thực phẩm của chợ đã phối họp chặt chẽ với tổ kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm và thú y thủy sản của Chi cục sẽ phổ biến quán triệt thương nhân về vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua hình thức kiểm tra hàng ngày.
1.4. Công tác khuyến nông:
Trung tâm khuyến nông đã thực hiện những việc sau:
- Phối hợp với Đài tiếng nói nhân dân thành phố thực hiện 02 chuyên mục tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Tổ chức 07 buổi hội thảo, tọa đàm cho các trạm khuyến nông ngoại thành và ven nội thành ( quận 2, quận 7, quận 8, quận 9, quận 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ). Nội dung chủ yếu là không sử dụng các loại hoá chất, vật tư cấm trong sản xuất nông nghiệp.
- Tổ chức tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp tốt: 2 đợt cho 90 nông dân tại các ngoại thành.
- Thực hiện treo 10 băng rôn tại văn phòng Trung tâm và các Trạm khuyến nông với nội dung “không sản xuất, mua bán, sử dụng hoá chất, vật tư nông sản không đúng quy định của Nhà nước”.
- Giới thiệu trên trang web, tập san, thông tin khuyến nông với nội dung quản bá những tổ chức, cá nhân sản xuất nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn.
- Thông qua mạng lưới khuyến nông, câu lạc bộ khuyến nông tổ chức tuyên truyền các hộ nông dân thực hiện sản xuất tốt theo hướng an toàn bền vững.
2. Công tác kiểm tra, thanh tra:
2.1. Công tác thú y:
a) Tăng cường kiểm tra vệ sinh sản phẩm gia cầm:
- Hướng dẫn và kiểm tra chặt chẽ nguồn gia cầm được giết mổ và đưa vào cấp đông, trữ lạnh.
- Phối hợp và hỗ trợ Chi cục Thú y các tỉnh trong công tác kiểm dịch, giám sát, xét nghiệm đàn gia cầm từ các tỉnh nhập vào thành phố.
- Tiếp tục phối hợp với Sở Thương mại khảo sát và chấn chỉnh qui trình vận chuyển và kinh doanh trứng gia cầm. Đến nay, thành phố có 135 vựa trứng, trong đó 73 vựa trứng cấp I trực tiếp đăng ký tiếp nhận nguồn trứng gia cầm từ các tỉnh có trang bị thiết bị xông hơi, tiêu độc sát trùng bề mặt vỏ trứng, 62 vựa cấp II chỉ được phép nhập trứng từ các vựa cấp I sau khi đã thực hiện tiêu độc khử trùng; trứng lưu thông tiêu thụ trên thị trường đều được đóng gói, bao bì có thương hiệu cơ sở.
- Phối hợp lực lượng liên ngành kiểm tra phát hiện xử lý vận chuyển, kinh doanh gia cầm trái phép. Đặc biệt cuối tháng 12/2007, đã tổ chức kiểm tra và xử lý tại khu vực chợ Cầu. Thay mặt Ban chỉ đạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức khen thưởng nóng kịp thời cho các tổ chức, cá nhân tham gia.
b) Kết quả công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật:
- Chi cục Thú y tiếp tục cường công tác kiểm dịch động vật tại 4 trạm đầu mối giao thông, kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ gia súc - gia cầm, tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y đối với sản phẩm động vật kinh doanh trên thị trường.
- Công tác kiểm tra hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật:
Đến nay, đa số phương tiện vận chuyển động vật đều thực hiện bằng phương tiện chuyên dùng, trừ một số phương tiện chở heo sống từ các hộ chăn nuôi thuộc vùng sâu, vùng xa còn sử dụng xe thô sơ; 98% phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật từ các tỉnh và từ các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố về chợ sỉ được thực hiện bằng xe chuyên dùng có trang bị thiết bị bảo ôn hoặc dàn treo móc quầy thịt. Phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật từ chợ sỉ về các chợ trên địa bàn thành phố phần lớn đã được cải thiện điều kiện vệ sinh là các xe thô sơ gắn thùng bằng kim loại, vật liệu không rỉ.
Trong năm 2007, Chi cục Thú y phối hợp cùng các đoàn liên ngành thành phố và quận/ huyện tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kiên quyết các trường hợp kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép nhập về thành phố đã phát hiện xử lý 6.664 trường hợp, hủy 861 con heo; 45.729 con gà, vịt; 3.692 con gia cầm làm sẵn; 52.001 con chim các loại; 47.674 kg thịt các loại; 12.859 kg phụ phẩm; 598.583 quả trứng gà vịt; 124.571 quả trứng cút; đưa vào cơ sở giết mổ luộc 34 con heo, 02 con trâu; xử lý hạ phẩm 353 con heo, 04 con trâu và 185 kg thịt heo, trâu, bò.
- Công tác kiểm soát giết mổ:
Hiện nay 31 cơ sở giết mổ gia súc đều thực hiện quy trình giết mổ treo theo quy định tại Quyết định số 31/2005/QĐ-UB của UBND thành phố, nhờ đó tình hình vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ được cải thiện, giảm tình trạng vấy nhiễm vi sinh trên quày thịt.
Đến thời điểm hiện nay đã chấm dứt hoạt động của 06 cơ sở và 06 điểm giết mổ gồm: 01 cơ sở ở quận Thủ Đức (Thị trấn Thủ Đức), 02 cơ sở ở quận 9 (Long Thạnh Mỹ và Phước Long), 02 cơ sở ở huyện Củ Chi (Trung Lập Hạ, Thị Trấn Củ Chi), CSGM Tabico - Quận Tân Phú; 06 điểm giết mổ trên địa bàn huyện Cần Giờ (03 điểm ở xã An Thới Đông và 03 điểm ở xã Bình Khánh).
- Công tác chống giết mổ trái phép: phối hợp với Đoàn liên ngành và UBND các quận, huyện Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Tân, Hóc Môn, tăng cường công tác chống giết mổ trái phép gia súc tại các địa bàn, đã phát hiện và xử lý 82 trường hợp giết mổ gia súc trái phép với số tang vật xử lý là 464 con heo sống, 65 heo mảnh và 2.915 kg thịt heo, 38 con dê và 64 kg thịt dê, 350 con gia cầm và 251 kg thịt gia cầm làm sẵn.
c) Kết quả lấy mẫu xét nghiệm đánh giá vệ sinh an toàn thực phẩm:
Theo báo cáo của Chi cục Thú y, kết quả xét nghiệm trong năm 2007 như sau:
- Kết quả khảo sát mẫu thịt tươi và mẫu nước tại các cơ sở giết mổ:
+ Kết quả kiểm nghiệm 386 mẫu thịt tươi của các cơ sở giết mổ, tỷ lệ mẫu xét nghiệm đạt chỉ tiêu vi sinh 45,90%. Trong đó tỷ lệ không đạt chỉ tiêu vi khuẩn E.coli 46,4%, Salmonella là 18,9% và Staphylococcus aureus 7,3%. Tỷ lệ nhiễm vi sinh trên quày thịt tại cơ sở giết mổ có cao hơn so với với năm 2006 (năm 2006: 37,60%).
+ Kết quả khảo sát 102 mẫu nước tại các cơ sở giết mổ, tỷ lệ mẫu nước đạt chất lượng về vi sinh đạt 70,9%, tỷ lệ mẫu đạt chỉ tiêu sinh hóa đạt 27,2%. Trong đó các chỉ tiêu thường không đạt tiêu chuẩn là Coliforms tổng số, E.coli, pH, sắt, Nitrat; Chi cục Thú y đã yêu cầu các cơ sở không sử dụng các nguồn nước không đạt yêu cầu, có biện pháp xử lý nguồn nước và thông báo cho Chi cục lấy mẫu xét nghiệm tái kiểm tra sau khi khắc phục.
+ Kết quả kiểm nghiệm 874 mẫu bề mặt phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật tại các cơ sở giết mổ, tỷ lệ mẫu xét nghiệm đạt chỉ tiêu vi sinh là 30,70%. Kết quả trên cho thấy tình hình vệ sinh tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển tại các cơ sở giết mổ có cải thiện nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu.
- Kết quả xét nghiệm khảo sát vệ sinh khử trùng trứng gia cầm:
Kết quả khảo sát 36 mẫu trứng đã qua xử lý và đóng hộp, tỷ lệ mẫu xét nghiệm đạt vi sinh 36,10%. Tỷ lệ nhiễm vi khuẩn Salmonella trên bề mặt vỏ trứng là 30,6%, E.coli 52,8%. Điều này cho thấy vấn đề xử lý trứng tại các cơ sở trên chưa đạt yêu cầu vệ sinh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vấy nhiễm vi sinh còn cao trên bề mặt vỏ trứng là do quy trình xử lý trứng tại một số cơ sở chưa đúng quy định, thời gian và công suất phòng xử lý ozone chưa phù hợp với số lượng trứng cần xử lý.
- Khảo sát tồn dư corticoid và kháng sinh:
+ Kết quả xét nghiệm 17 mẫu thức ăn và nguyên liệu bổ sung vào thức ăn , 79 mẫu nước tiểu của heo tại 8 cơ sở chăn nuôi tập trung đều không phát hiện có chất kích thích tố tăng trọng thuộc nhóm β- agonist.
+ Khảo sát trên 200 mẫu thịt và gan heo có nguồn gốc từ thành phố và các tỉnh cho thấy tỷ lệ chất tồn dư corticoid là 7,26%, tỷ lệ tồn dư kháng sinh là 9,72%, thấp hơn nhiều so với năm 2006, không phát hiện mẫu dương tính với nhóm Quinolone.
2.2. Công tác bảo vệ thực vật:
a) Kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả:
Kết quả thực hiện công tác kiểm soát dư lượng tại thành phố năm 2007*
Khu vực lấy mẫu
|
Tổng số mẫu
kiểm tra (mẫu)
|
Số mẫu vượt
dư lượng (mẫu)
|
Tỉ lệ
(%)
|
- Các vùng SX RAT
- Khu vực lưu thông
|
2.284
7.352
|
5
285
|
0,22
3,87
|
Cộng
|
9.636
|
290
|
3,00
|
(* Phương pháp phân tích: ức chế men AchE Thái Lan)
- Trong năm 2007, Chi cục đã lấy 9.636 mẫu rau các loại thực hiện phân tích nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả: tỷ lệ mẫu vượt dư lượng 3,0 % trong tổng số mẫu phân tích, tăng so với cùng kỳ năm 2006 (1,17%); trong đó, tại vùng lưu thông có tỷ lệ mẫu vượt dư lượng 3,87 % , tăng khá cao so với năm 2006 (1,26%); vùng sản xuất tỷ lệ mẫu vượt dư lượng 0,22%, giảm so với năm 2006 (0,25%). Số mẫu rau vượt dư lượng trong khu vực lưu thông chủ yếu nguồn rau từ các tỉnh đưa về thành phố tiêu thụ.
- Ngoài ra, trong đợt phát động tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi cục đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật lấy 35 mẫu rau phân tích định lượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại vùng sản xuất và chợ đầu mối, kết quả như sau: 01/16 mẫu rau lấy tại vùng sản xuất và 01/19 mẫu rau lấy tại chợ đầu mối có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau vượt mức cho phép.
- Trong điều kiện chưa có cơ sở pháp lý xử phạt vi phạm hành chính đối các các chủ kinh doanh có mẫu rau vi phạm vì vậy Chi cục chủ yếu thực hiện khuyến cáo, thông báo về các tỉnh có mẫu vi phạm, vì vậy chưa hạn chế được số trường hợp vi phạm. Riêng đối với vùng sản xuất, công tác tuyên truyền vận động và yêu cầu tạm ngưng thu hoạch đối với các nông hộ có mẫu rau kiểm tra vượt dư lượng đã phát huy hiệu quả trong việc kiểm soát nguồn rau an toàn cung cấp cho thị trường thành phố.
- Việc triển khai mô hình thí điểm kiểm tra giám sát tại 3 chợ đầu mối có sơ kết đánh giá đã góp phần tích cực trong việc hoàn thiện dần quy trình quản lý chất lượng VSATTP theo quyết định 1821/QĐ-UBND.
b) Thanh kiểm tra mua bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật:
- Chi cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức 2 đợt kiểm tra tại 356 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện 03 cơ sở vi phạm về nhãn hàng hoá, thuốc kém chất lượng và đã lập biên bản xử lý.
- Ngoài ra, Chi cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức kiểm tra sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả, đặc biệt là rau muống nước vào các thời điểm sáng sớm, chiều tối tại vùng sản xuất rau trọng điểm: kiểm tra 473 nông dân đang phun thuốc trên đồng ruộng, ghi nhận nông dân thực hiện đúng qui định.
2.3. Công tác quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản:
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Thủy sản, Sở đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản tăng cường công tác kiểm tra đối với các doanh nghiệp, các cơ sở thu mua, chế biến thủy sản, các phương tiện đánh bắt thủy sản, chợ đầu mối Bình Điền về một số hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng trong nguyên liệu thủy sản. Cụ thể như sau:
- Về kiểm soát thủy sản xuất khẩu: Tiếp tục phối hợp với Trung tâm Chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thủy sản vùng 4 (NAFIQAVED 4) kiểm soát tạp chất và tăng cường kiểm tra dư lượng kháng sinh, đặc biệt là kháng sinh bị cấm sử dụng đối với nguyên liệu thủy sản đầu vào tại các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn thành phố.
- Về kiểm soát thủy sản tiêu thụ nội địa: Tiếp tục phổ biến các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm và công tác chuyên môn nhằm đáp ứng tốt công tác kiểm tra công nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản.
- Về kiểm soát vùng sản xuất: Chi cục phối hợp với Trung tâm Chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản vùng 4 thực hiện kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong tôm nuôi tại huyện Cần Giờ, Nhà Bè. Trong năm 2007, Chi cục tổ chức lấy 86 mẫu tôm nuôi, thức ăn nuôi thủy sản, thuốc thú y thủy sản để kiểm tra dư lượng các chất độc hại.
- Về kiểm soát khu vực lưu thông:
Chi cục đã kiểm tra cấp 4.568 giấy chứng nhận đạt chất lượng ngoại quan, cảm quan cho 10.000 tấn thủy sản và sản phẩm thủy sản kinh doanh tại chợ Bình Điền;
Trong năm, Chi cục đã thành lập tổ công tác tăng cường kiểm tra việc sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong bảo quản, sơ chế nguyên liệu thuỷ sản trên địa bàn thành phố. Chi cục đã phối hợp với Ban quản lý Chợ Bình Điền lấy mẫu kiểm tra chloramphenicol, urê và các chỉ tiêu an toàn thực phẩm:
- 6 tháng đầu năm 2007 lấy 110 mẫu phân tích phát hiện 62 mẫu có dư lượng. Trong đó phát hiện 37/40 mẫu có dư lượng urê, 25/56 mẫu phát hiện dư lượng chloramphenicol,14/14 mẫu không phát hiện hàn the và sulfit.
- 6 tháng cuối năm năm 2007 lấy 58 mẫu phân tích, chỉ phát hiện 07 mẫu có dư lượng. Trong đó phát hiện 03/27 mẫu có dư lượng urê, 04/27 mẫu phát hiện dư lượng chloramphenicol. Kết quả giảm đáng kể so với 6 tháng đầu năm 2007 và năm 2006.
Chi cục đã thông báo kết quả cho Công ty chợ để tiến hành họp thương nhân nhằm có biện pháp quản lý, xử lý theo qui định; đồng thời thông báo cho các tỉnh có mẫu vi phạm để phối hợp kiểm soát và có biện pháp yêu cầu chủ hàng khắc phục.
2.4. Công tác kiểm tra chất lượng giống, thức ăn chăn nuôi và phân bón:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra 05 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi và phân bón, chưa phát hiện trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn chất lượng thức ăn chăn nuôi, chất lượng phân bón.
- Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống vật nuôi, cây trồng đã kiểm tra 14 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng và 13 cơ sở sản xuất kinh doanh giống vật nuôi. Hầu hết các doanh nghiệp đều thực hiện đúng về công bố chất lượng và ghi nhãn hàng hóa, chỉ 02 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng chưa thực hiện công bố chất lượng hàng hóa.
- Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã tổ chức kiểm tra 68 cơ sản xuất, kinh doanh liên quan đến hoạt động thủy sản, gồm: 14 cơ sở kinh doanh giống tôm, 43 cơ sở kinh doanh thức ăn thủy sản và thuốc thú y thủy sản; 11 cơ sở nuôi tôm công nghiệp và đã lấy 27 mẫu các loại (gồm 13 mẫu tôm sú nuôi, 09 mẫu thức ăn thủy sản và 05 mẫu thuốc thú y thủy sản). Kết quả phân tích không phát hiện có hoá chất và kháng sinh cấm sử dụng (15/ 27 mẫu), số mẫu còn lại (12/27 mẫu) chưa có kết quả. Qua kiểm tra đoàn ghi nhận các cơ sở đều chấp hành nghiêm túc các quy định của ngành thủy sản.
3. Xây dựng mô hình sản xuất nông sản thực phẩm an toàn:
- Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh: Đang triển khai các hoạt động xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi heo, bò an toàn dịch bệnh cho 05 phường xã và 21 cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện tham gia chương trình.
- Hỗ trợ thành lập và tổ chức hoạt động hợp tác xã chăn nuôi heo an toàn Tiên phong với 9 hộ tham gia, tổng đàn gồm khoảng 2.500 nái và trên 10.000 heo thịt.
- Tiếp tục thực hiện dự án thí điểm mô hình chứng nhận sản phẩm sản xuất theo qui trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), hiện nay đang tiếp tục tiến hành thẩm định điều kiện sản xuất cho 44 hộ nông dân tham gia dự án với 30 ha tại xã Nhuận Đức, Củ Chi, 4,2 ha với 10 nông dân tham dự tại xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn.
V. ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC VS-ATTP NĂM 2008
1. Công tác chăn nuôi, thú y:
- Tập trung công tác phòng chống dịch gia súc, gia cầm, phát hiện và xử lý kịp thời triệt để, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn thành phố.
- Tiếp tục tuyên truyền, tập huấn theo hướng chuỗi sản xuất an toàn và cung cấp thực phẩm động vật đảm bảo vệ sinh nhằm nâng cao nhận thức của người tham gia chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ và mua bán sản phẩm động vật tại thành phố. Tập huấn nâng cao nhận thức của cán bộ thú y vệ sinh an toàn thực phẩm theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế.
- Nhân rộng mô hình sản xuất heo an toàn, tạo liên kết hình thành kênh tiêu thụ thịt heo an toàn, hình thành chuỗi sản phẩm heo an toàn từ chăn nuôi đến tiêu thụ.
- Kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y trong chăn nuôi heo, bò, gia cầm; lấy mẫu các loại tại cơ sở chăn nuôi để xét nghiệm phát hiện và xử lý các trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 31/2005/QĐ-UB của UBND thành phố về qui hoạch giết mổ, kiểm tra tiến độ xây dựng 3 nhà máy giết mổ gia súc theo phương thức công nghiệp và các quy định trong vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; tiếp tục phối hợp với các ban ngành tăng cường kiểm tra chấn chỉnh quy trình giết mổ treo, điều kiện vệ sinh phương tiện vận chuyển, cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến, các cửa hàng, quầy sạp kinh doanh sản phẩm động vật.
- Phối hợp với các tỉnh kiểm tra vệ sinh thú y đối với sản phẩm động vật đưa về thành phố tiêu thụ.
2. Thực hiện chương trình rau an toàn:
- Tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2006-2010 theo định hướng chuỗi sản xuất an toàn.
- Tổng kết dự án thí điểm ứng dụng qui trình sản xuất tốt (GAP) một số cây rau ăn quả tại xã Nhuận Đức, xã Bình Mỹ - huyện Củ Chi, xã Xuân Thới Thượng - Hóc Môn để nhân rộng mô hình.
- Tiếp tục phát triển diện tích rau đủ điều kiện an toàn, đặc biệt tập trung tại 13 xã điểm chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
- Thực hiện đề án quản lý dư lượng độc chất trong rau quả tại các chợ đầu mối. Duy trì và đầu tư phương tiện công cụ để tổ chức kiểm tra kiểm soát dư lượng độc chất trong vùng sản xuất đảm bảo duy trì mức độ an toàn về dư lượng thuốc trừ sâu.
- Tham gia tổ chức thực hiện dự án “Tăng cường mối liên kết sản xuất-tiêu thụ rau an toàn tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận”
- Tiếp tục tổ chức thực hiện các biện pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm rau muống nước, tăng cường vận động nông dân chuyển đổi cây trồng ở những vùng trồng rau muống nước không đủ điều kiện sản xuất.
- Vận động tổ chức hợp tác hóa sản xuất: Tập trung củng cố hoạt động và nâng cao năng lực quản lý của Ban điều hành tổ hợp tác cho việc phát triển hợp tác xã và mở rộng việc xây dựng các tổ sản xuất và dịch vụ trong lĩnh vực rau an toàn.
3. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản:
- Tiếp tục xây dựng nội dung và tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thủy hải sản nhằm nâng cao kiến thức và tự giác chấp hành các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến và kinh doanh thủy sản, thức ăn và thuốc thú y thủy sản.
- Kiểm tra tạp chất trong tôm và nghêu nguyên liệu tại vùng sản xuất: chỉ đạo và hướng dẫn các doanh nghiệp chế biến tự xây dựng quy trình, biện pháp tự kiểm tra theo tinh thần chỉ đạo tại công văn số 3075/BTS-CL, ATVS&TYTS ngày 29/12/2006 của Bộ Thủy sản về việc triển khai hoạt động ngăn chặn và kiểm soát tạp chất trong thủy sản.
- Chủ động xây dựng và triển khai thực hiện chương trình chuỗi VSATTP thủy sản giai đoạn 2008 – 2010 có phối hợp với Sở Y tế cùng các cơ quan hữu quan.
- Tiếp tục triển khai và đi đến hoàn thiện việc kiểm tra VSATTP thủy sản tại chợ đầu mối Bình Điền và các dịch vụ có liên quan.
- Kiểm tra dư lượng kháng sinh, hoá chất cấm tại vùng nuôi tôm sú tập trung tại 02 huyện Cần Giờ, Nhà Bè.
- Tiếp tục tăng cường kiểm tra và chứng nhận điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản được phân cấp theo Quyết định số 649/2000/QĐ-BTS của Bộ Thủy sản và Quyết định số 221/QĐ-CLTY của Cục quản lý chất lượng – an toàn vệ sinh và thú y thủy sản.
4. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong hoạt động khuyến nông:
- Phối hợp với các tổ chức, đoàn thể phổ biến các văn bản pháp quy về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản; chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, an toàn, bảo vệ môi trường.
- Phối hợp với chính quyền địa phương và các ban ngành trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý những trường hợp vi phạm trong sản xuất nông sản và sử dụng nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nhưng không đảm bảo an toàn.
- Tuyên truyền, tổ chức cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất được học tập các mô hình sản xuất tốt, chăn nuôi an toàn thân thiện môi trường./.