SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
9
6
8
5
4
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 20 Tháng Mười Hai 2012 10:25:00 SA

TỔNG KẾT NĂM 2012 VÀ ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC NĂM 2013 BAN QUẢN LÝ KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN RỪNG NGẬP MẶN CẦN GIỜ

 

Thực hiện nội dung văn bản số 599/BTK/12 ngày 30 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam về việc Tổng kết công tác Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam năm 2012, định hướng công tác năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ) xin báo cáo như sau:

 

I. TÌNH HÌNH CHUNG:

 

- Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ được sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban quốc gia Chương trình “Con người và Sinh quyển” Việt Nam, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan.

- Được sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ trong công tác quản lý, bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ theo Quyết định số 05/2008/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về ban hành Quy chế quản lý Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

 

II. NỘI DUNG VÀ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG NĂM 2012:

 

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ thực hiện các nội dung sau:

 

1. Triển khai các chủ trương của thành phố về bảo tồn và phát triển Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ:

 

Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 17/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Đề án Quản lý bảo vệ, phát triển các loại rừng và cây xanh thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; Quyết định số 05/2012/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Đề án trồng rừng và cây xanh thành phố giai đoạn 2011 – 2015 định hướng đến năm 2020; Quyết định số 509/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2011 – 2015; Kế hoạch số 3292/KH-UBND ngày 09 tháng 7 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2013 – 2015; Kế hoạch số 2234/UBND-CNN ngày 17 tháng 5 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về Kế hoạch trồng rừng và cây xanh năm 2012.

 

1.1. Về công tác tuyên truyền, vận động:

Chi cục Kiểm lâm thành phố đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động về bảo vệ rừng trong Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ với các nội dung cụ thể như sau:

- Tuyên truyền về vai trò, tác dụng của rừng và cây xanh đối với đời sống con người, đặc biệt là đời sống đô thị;

- Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ rừng; vận động người dân tham gia bảo vệ rừng và trồng cây gây rừng;

- Nêu gương những tổ chức, cá nhân điển hình trong phong trào trồng cây gây rừng, tham gia bảo vệ rừng.

Các hoạt động cụ thể như sau:

- Dán 1.000 áp phích, phát 25.000 tờ bướm cho người dân trên địa bàn huyện Cần Giờ;

- Sử dụng xe ô tô của Hạt Kiểm lâm Cần Giờ phát thanh lưu động tại 6 xã thuộc huyện Cần Giờ;

- Phối hợp với bản tin địa phương tuyên truyền công tác bảo vệ rừng; phối hợp với trạm phát thanh tại các xã phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ rừng;

- Ký hợp đồng với Đài Tiếng nói nhân dân thành phố xây dựng phóng sự truyền thanh về “Giới thiệu gương người tốt, việc tốt trong bảo vệ rừng phòng hộ Cần Giờ” và “Phản ánh những hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng phòng hộ Cần Giờ”;

- Tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại các điểm dân cư thông qua các cuộc họp dân ấp, xã.

 

1.2. Về công tác phát triển rừng:

- Dự án khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, trồng rừng mới trên hiện trạng rừng Ia, Ib, Ic trong rừng phòng hộ Cần Giờ; phương án bảo vệ bãi bồi rừng phòng hộ Cần Giờ với diện tích đất trồng 58,24ha, số lượng cây trồng khoảng 35.312 cây, đang trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

- Phương án phục hồi rừng trên ruộng muối tại khu vực Hào Võ, Tiểu khu 21 do Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ thực hiện với diện tích khoảng 25ha, số lượng cây trồng khoảng 13.380 cây.

- Hội Nam Du Nhật Bản đã trồng 4.000 cây trên diện tích 02ha tại Tiểu khu 21.

 

1.3. Về phát triển bền vững rừng ngập mặn Cần Giờ:

- Theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại văn bản số 6213/UBND-CNN ngày 05 tháng 12 năm 2012, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ đang phối hợp với Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm xây dựng thí điểm phương án áp dụng các biện pháp lâm sinh để nâng cao chất lượng rừng ngập mặn Cần Giờ.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tiến hành khảo sát các sinh vật hại cây rừng ngập mặn Cần Giờ, đề xuất các biện pháp xử lý.

- Chi cục Lâm nghiệp cũng đang tiến hành các trình tự, thủ tục cần thiết để công nhận hiện trạng Ia, Ib, Ic trong rừng phòng hộ Cần Giờ thành rừng.

- Nhằm phát triển bền vững rừng ngập mặn Cần Giờ kết hợp với du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, giáo dục tuyên truyền về lợi ích của rừng, hiện có một số dự án đã được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận gồm: dự án Trạm nghiên cứu thử nghiệm tổng hợp Cần Giờ do Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga làm chủ đầu tư, Trung tâm nghiên cứu rừng ngập mặn Cần Giờ do Chi cục Lâm nghiệp làm chủ đầu tư và dự án tái hiện, tôn tạo Khu di tích Lịch sử Chiến khu Rừng Sác do Bộ Tư lệnh thành phố làm chủ đầu tư.

 - Ngày 10 tháng 10 năm 2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 1724/SNN-KHTC đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương kiểm tra, khảo sát rừng phòng hộ Cần Giờ bằng máy bay trực thăng nhằm kiểm tra tổng thể diện tích rừng.

 

2. Các hoạt động thường xuyên năm 2012:

 

 

2.1. Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ quản lý bảo vệ rừng:

- Hoàn thành việc xây dựng văn phòng của 06 phân khu thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ.

- Hoàn thành xây dựng chốt bảo vệ rừng cho 165 hộ dân giữ rừng.

 

2.2. Sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên:

Kiểm tra, kiểm soát thường xuyên và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và động vật hoang dã:

- Hàng tháng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ tổ chức giao ban với các đơn vị nhận khoán bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các xã trên địa bàn huyện Cần Giờ để đánh giá kết quả công việc và đề ra phương hướng công tác cho tháng tiếp theo.

- Hạt Kiểm lâm Cần Giờ thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn. Các Trạm/Tổ Kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm Cần Giờ đã tăng cường kiểm tra các công trình thi công trong rừng phòng hộ như: khai thác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ; dự án trồng rừng trả lại diện tích giải phóng mặt bằng xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho huyện Cần Giờ; dự án trang bị và lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống phao tiêu báo hiệu đường sông; công trình khai thác tận thu cây rừng bị gãy, ngã đổ do lốc xoáy, bão và cây sạt lở, đảm bảo các công trình được thực hiện đúng thiết kế do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Kiểm tra, giám sát các phương án sửa chữa đầm nuôi trồng thủy sản, sửa chữa ruộng muối đảm bảo không ảnh hưởng đến rừng phòng hộ.

2.3. Quan trắc môi trường: Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thường xuyên quan trắc thủy triều, độ mặn để có cơ sở xử lý các tình huống khẩn cấp xảy ra và hỗ trợ người dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

 

2.4. Nghiên cứu, giáo dục, tập huấn:

- Tiếp tục theo dõi diễn biến khu vực 10ha cây ngã đổ do bão Durian gây ra tại Tiểu khu 17.

- Tạo điều kiện cho các nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên đại học nghiên cứu rừng và làm đề tài, luận văn tốt nghiệp; tạo điều kiện nghiên cứu khoa học kỹ thuật về hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ cho các đơn vị và các sinh viên trong và ngoài nước trong các dự án nghiên cứu kể cả hợp tác quốc tế của các trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố, Đại học Cần Thơ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố, Đại học Sài Gòn, Đại học Sư phạm thành phố…

 

2.5. Bảo tồn đa dạng sinh học:

- Phối hợp với Cục Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, khảo sát đánh giá lại tình hình diễn biến đa dạng sinh học động thực vật và các kiểu rừng trong Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

- Chi cục Kiểm lâm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc săn bắt và gây nuôi các loài động vật hoang dã trên địa bàn huyện Cần Giờ.

 

2.6. Phát triển kinh tế ở vùng đệm và vùng chuyển tiếp:

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các mô hình sản xuất nông – lâm – ngư kết hợp trong Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, tiến đến xây dựng thương hiệu sản phẩm sạch và an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

3. Chương trình hợp tác quốc tế:

 

- UNESCO đang xây dựng và đưa khái niệm nền kinh tế chất lượng trong phạm vi các khu dự trữ sinh quyển trên thế giới; hai sản phẩm chất lượng cao của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ được tập trung triển khai là du lịch sinh thái và sản phẩm nông nghiệp sinh thái.

- Tiếp tục thực hiện thỏa thuận hợp tác Xây dựng Khu rừng Hữu nghị Thanh thiếu niên Việt Nhật tại Tiểu khu 24 rừng ngập mặn Cần Giờ từ năm 2002 đến nay trên diện tích 50ha.

 

III. ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC NĂM 2013:

 

 

1. Công tác tuyên truyền vận động:

 

Tiếp tục triển khai các nội dung tuyên truyền, vận động về quản lý bảo vệ rừng, lợi ích từ rừng theo Quyết định số 509/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố thông qua các hình thức: áp phích, tờ bướm, phát thanh, phóng sự và tổ chức Hội thi tìm hiểu về rừng cho học sinh trên địa bàn thành phố.

 

 

2. Công tác phát triển bền vững rừng ngập mặn Cần Giờ:

 

- Tiếp tục thực hiện Dự án khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, trồng rừng mới trên hiện trạng rừng Ia, Ib, Ic trong rừng phòng hộ Cần Giờ; phương án bảo vệ bãi bồi rừng phòng hộ Cần Giờ; phương án phục hồi rừng trên ruộng muối tại khu vực Hào Võ, Tiểu khu 21;

- Triển khai thực hiện thí điểm áp dụng các biện pháp lâm sinh để nâng cao chất lượng rừng ngập mặn;

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố nâng mức tiền công khoán bảo vệ rừng để các hộ dân giữ rừng đảm bảo cuộc sống và an tâm công tác.

- Kiện toàn Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ theo hướng có sự tham gia của các Sở, ngành liên quan; điều chỉnh Quy chế hoạt động của Ban Quản lý cho phù hợp với tình hình mới.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 17/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Đề án Quản lý bảo vệ, phát triển các loại rừng và cây xanh thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; Quyết định số 05/2012/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Đề án trồng rừng và cây xanh thành phố giai đoạn 2011 – 2015 định hướng đến năm 2020; Quyết định số 509/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2011 – 2015; Kế hoạch số 3292/KH-UBND ngày 09 tháng 7 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2013 – 2015.

Trên đây là Báo cáo tổng kết công tác năm 2012 và định hướng công tác năm 2013 của Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)./.

 


Số lượt người xem: 7665    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm