SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
8
9
7
7
8
4
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 28 Tháng Hai 2013 2:10:00 CH

chương trình hợp tác, liên kết về nông nghiệp, nông thôn với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua và kế hoạch thời gian tới

Thực hiện chỉ đạo của Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Mạnh Hà tại cuộc họp về kế hoạch thực hiện hợp tác với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ thời kỳ 2011-2020 theo Thông báo số 121/TB-VP ngày 25 tháng 02 năm 2013 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin báo cáo tình hình và kết quả các hoạt động phối hợp, liên kết với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (theo Chương trình Hợp tác phát triển Kinh tế-xã hội của Thành phố) trong thời gian qua và định hướng nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện các hoạt động liên kết, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới như sau:

 

A- Hợp tác với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ:

- Sở Nông nghiệp chủ trì phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư nông nghiệp năm 2011 khu vực thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn ra vào ngày 26 tháng 7 năm 2011 tại khác sạn Rex thành phố Hồ Chí Minh.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia sự kiện Triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra tại Cần Thơ từ ngày 27/4 đến 01/5/2012. Tổng giá trị hiện vật trưng bày của gian hàng nông nghiệp gần 1 tỷ đồng. Có 05 hợp đồng làm đại lý tiêu thụ sản phẩm được ghi nhớ với tổng giá trị hợp đồng ước tính hơn 500 triệu đồng.

 

 B- Hợp tác với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

 I- Về ký kết chương trình hợp tác với các tỉnh, thành phố:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong Chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 và giai đoạn 2009 - 2015 với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh sau:

- Thành phố Cần Thơ: ký ngày 21/9/2006 (Số 1285/CTHT-LS ngày 21/9/2006).

- Tỉnh Kiên Giang: ký ngày 22/9/2006 (Số 1284/CTHT-LS 22/9/2006 và Số 678/CTHT-LS ngày 22/9/2006).

- Tỉnh Đồng Tháp: ký ngày 31/3/2007.

- Tỉnh An Giang: ký ngày 31/7/2007 (Số 995/CTHT-LS ngày 31/7/2007).

- Tỉnh Vĩnh Long: ký ngày 21/3/2009.

- Tỉnh Trà Vinh: ký ngày 24/3/2009 (Số 299/CTHT-LS ngày 24/3/2009).

- Tỉnh Cà Mau: ký ngày 26/4/2009.

- Tỉnh Sóc Trăng: ký ngày 11/5/2009 (Số 524/CTHT-LS ngày 11/5/2009).

- Tỉnh Bến Tre: ký ngày 1/12/2009.

- Tỉnh Tiền Giang: ký ngày 18/12/2009 (Số 1675/CTHT-TPHCM-TG ngày 18/12/2009).

- Tỉnh Bạc Liêu: ký ngày 14/4/2010 (Số 58/BTT-LS ngày 14/4/2010).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã dự thảo chương trình hợp tác với tỉnh Long An dự kiến sẽ tiến hành ký kết trong năm 2013.

 

II- Kết quả thực hiện hợp tác trong thời gian qua:

1- Trong lĩnh vực chăn nuôi thú y:

Chi cục Thú y thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác với các tỉnh Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh và Cần Thơ. Nội dung hợp tác tập trung thực hiện trong công tác chống dịch bệnh động vật và kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Từ năm 2010, Chi cục Thú y thực hiện kiểm dịch thủy sản nhập khẩu sản, Chi cục Thú y đã ký kết hợp tác trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, thủy sản và kiểm dịch nhập xuất tôm giống với các tỉnh.

 

1.1 Về công tác phòng chống dịch bệnh động vật:

Chi cục Thú y thành phố và Chi cục Thú y các tỉnh đã thường xuyên thông báo với nhau về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo danh sách các trang trại chăn nuôi đăng ký xuất nguồn heo từ các tỉnh về thành phố để giết mổ, danh sách, số điện thoại các cán bộ thú y được ủy quyền cấp giấy chứng nhận kiểm dịch xuất tỉnh để thuận tiện trong việc trao đổi thông tin phối hợp. Cụ thể là:

- Gắn kết hỗ trợ các tỉnh trong việc kiểm tra giám sát dịch bệnh nhằm đảm bảo cung cấp nguồn sản phẩm gia súc, gia cầm an toàn cho người tiêu dùng thành phố, thực hiện các mẫu xét nghiệm PCR phát hiện virus PRRS cho các trang trại chăn nuôi tập trung làm cơ sở để thực hiện thủ tục cấp giấy kiểm dịch xuất heo về thành phố tiêu thụ.

- Thống nhất tuyến đường vận chuyển, trình phúc kiểm khi các tỉnh cấp giấy kiểm dịch động vật vận chuyển xuất gia súc, gia cầm về thành phố giết mổ; phản hồi thông tin về kết quả xét nghiệm cho Chi cục Thú y các tỉnh.

- Tăng cường phối hợp kiểm tra các địa bàn giáp ranh giữa thành phố và các tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi chấp hành việc xử lý gia súc bệnh, tránh bán chạy hoặc vứt xác gia súc bệnh trên sông rạch, nơi công cộng làm lây lan dịch bệnh.

- Về tình hình phối hợp giám sát lưu hành dịch bệnh thông qua công tác xét nghiệm được thực hiện theo yêu cầu phát sinh thực tế hàng năm của các tỉnh. Đối với các trường hợp dương tính, Chi cục Thú y thành phố đều có công văn thông báo cho Chi cục Thú y các tỉnh liên quan để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn.

 

1.2 Công tác kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật:

* Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật  từ các tỉnh nhập về thành phố:

- Định kỳ hàng tháng, Chi cục Thú y thành phố tiếp nhận thông báo của Chi cục Thú y các tỉnh về tình hình kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật đưa về thành phố tiêu thụ.

 

- Qua theo dõi tình hình kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh về thành phố qua 04 Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông của thành phố và Trạm Kiểm dịch động vật Vĩnh Phú (Bình Dương) nhận thấy, các tỉnh cung cấp lượng động vật, sản phẩm động vật về thành phố để tiêu thụ, tập trung sản phẩm: trứng gia cầm, heo - trâu bò - gà giết mổ và thịt heo, thịt trâu bò, thịt gia cầm.

 

- Trung bình mỗi tuần có khoảng 550 lượt xe vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua đường cao tốc về thành phố (nguồn gốc từ An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long).

*  Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật từ thành phố xuất đi các tỉnh:

- Tình hình xuất động vật, sản phẩm động vật từ thành phố đi các tỉnh qua các năm tập trung chủ yếu số lượng vào heo giống, heo giết mổ, gia cầm giết mổ đến các tỉnh.

- Về lĩnh vực thủy sản: Trong năm 2012 về công tác kiểm dịch, giám sát dịch bệnh thủy sản, số lượng kiểm dịch thủy sản giống xuất đi các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre, Bạc Liêu chủ yếu là tôm giống, trong đó số lượng thủy sản giống xuất đi các tỉnh từ nguồn Nhà Bè và Cần giờ .

1.3. Công tác kiểm tra xét nghiệm:

- Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra chặt chẽ nguồn động vật, sản phẩm động vật nhập từ tỉnh về thành phố để tiêu thụ, định kỳ và đột xuất lấy mẫu tiến hành xét nghiệm các chỉ tiêu về tồn dư kháng sinh, tồn dư chất cấm, nhiễm vi sinh…, qua đó có phản hồi cho các tỉnh những trường hợp phát hiện dương tính trên các mẫu kiểm tra, để phối hợp, chấn chỉnh nguồn sản phẩm từ gốc đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Về kiểm tra dư lượng kháng sinh được thực hiện trên mẫu thịt, gan, thận heo từ nguồn các tỉnh và nguồn thành phố tại các cơ sở giết mổ, kiểm nghiệm sàng lọc bằng phương pháp vi sinh vật. Các kháng sinh tồn dư chủ yếu gồm: β- lactam aminoside, macrolic, tetracyclines; tập trung từ các nguồn Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long.

- Đặc biệt, qua tình hình người chăn nuôi sử dụng chất kích thích tăng trọng để bổ sung vào thức ăn cho heo, Chi cục Thú y thành phố cũng đã tiến hành hướng dẫn, tuyên truyền, yêu cầu cam kết và lấy mẫu xét nghiệm tồn dư chất cấm đối với nguồn gia súc nhập từ các tỉnh về thành phố để giết mổ theo Thông tư 54/2010-TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và PTNT, với chỉ tiêu kiểm tra là Ractopamin và ß-agonist (Clenbuterol, Salbutamol); đồng thời thông báo đến Chi cục Thú y các tỉnh khi có nguồn hàng vi phạm tồn dư chất cấm để có biện pháp kiểm tra, xử lý từ gốc.

- Về kiểm tra chỉ tiêu vi sinh trên nguồn thịt tươi được tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn, điểm chế biến, cơ sở kinh doanh, chợ, siêu thị, các Trạm đầu mối giao thông, chợ sỉ, cơ sở giết mổ gia cầm, cơ sở giết mổ gia súc, đã được Chi cục Thú y thực hiện thường xuyên trong năm; qua kiểm tra đã kịp thời thông báo và phối hợp các đoàn kiểm tra liên ngành quận huyện tổ chức chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm động vật phục vụ cho người tiêu dùng.

 

2- Trong công tác bảo vệ thực vật, phát triển sản xuất rau an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm trồng trọt:

2.1. Về công tác bảo vệ thực vật

Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố đã hợp tác, phối hợp trao đổi thông tin với Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp và Cà Mau) về tình hình dịch hại cây trồng, đặc biệt là rầy nâu và bệnh hại lúa. Qua đó nắm được thông tin về tình hình sinh vật hại sinh vật hại trên các loại cây trồng chính của các tỉnh để hỗ trợ cho công tác điều tra dự tính dự báo tình hình sinh vật hại trên các loại cây trồng chính của thành phố:

- Thông báo thông tin tình hình sinh vật hại cây trồng và dự báo tình hình sinh vật hại cây trồng hàng tuần, tháng, vụ. Qua đó, nắm được tình hình và diễn biến sinh vật hại của hai địa phương để có biện pháp hỗ trợ lẫn nhau trong công tác phòng trừ sinh vật hại hiệu quả và an toàn.

- Thông tin tình hình sinh vật hại trên lúa: tình hình di trú của rầy nâu vào các
thời gian cao điểm theo khuyến cáo của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, nhằm
kịp thời thông tin thời điểm rầy nâu di trú, khuyến cáo các biện pháp
phòng chống dịch rầy nâu, vàng lùn - lùn xoắn lá.

- Thông tin tình hình sinh vật hại trên rau: trao đổi tình hình sản xuất, sinh vật hại để có hướng điều chỉnh và quản lý tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau.

2.2 Về công tác quản lý an toàn thực phẩm

- Chi cục đã phối hợp, trao đổi kinh nghiệm về quy hoạch,

hợp tác sản xuất và tiêu thụ rau, củ, quả an toàn, kinh nghiệm tổ chức các hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với các tỉnh Long An,  Tiền Giang và vĩnh Long.

 

 

- Hỗ trợ nhau trong công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại các tỉnh, thành có rau, củ, quả nhập vào thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời phối hợp với các tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện Đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn” tại thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2013 đến 2015.

 

 

- Chi cục Bảo vệ thực vật Thành phố đã thiết kế trang Web liên kết 5 tỉnh đang biên tập các thông tin về năng lực cung cấp rau quả và những mô hình điểm của các tỉnh để giới thiệu trên trang Web.

 

 

-  Ngoài ra Chi cục còn tổ chức điều tra bộ thuốc bảo vệ thực vật nông dân sử dụng phòng trừ sinh vật hại trên cây rau tại các tỉnh, thành có rau, củ, quả nhập vào Thành phố và duy trì trao đổi thông tin hàng tuần với Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh về tình hình sản xuất và sinh vật hại rau để có căn cứ chỉ định chọn chủng loại rau lấy mẫu và chỉ định chỉ tiêu phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rau, quả trên rau, quả từ các tỉnh vào Thành phố làm cơ sở đánh giá mức độ an toàn thực phẩm.

 

2.3. Kiểm dịch thực vật

Hợp tác với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau trong việc trao đổi thông tin và hỗ trợ nhau trong công tác quản lý, trao đổi kinh nghiệm thuộc lĩnh vực kiểm tra Kiểm dịch thực vật, tình hình phát sinh phát triển và biện pháp phòng trừ cây mai dương.

 

3- Trong lĩnh vực thuỷ sản:

 

3.1. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và đào tạo:

- Về an toàn thực phẩm thủy sản:

            Chi cục Quản lý Chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành phố đã phối hợp với các Chi cục chuyên ngành thủy sản như Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản; Chi cục Thủy sản; Chi cục Nuôi trồng thủy sản; Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản của các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, tổ chức các lớp phổ biến, tuyên truyền pháp luật và kiến thức về an toàn thực phẩm tại các tỉnh, tập trung chủ yếu vào các đối tượng chủ cơ sở thu mua, sơ chế, chủ tàu cá và thuyền trưởng tàu cá.

- Về công tác phối hợp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng:

            Chi cục đã phối hợp với Trường Trung cấp kỹ thuật Nông nghiệp TP.HCM và Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản các tỉnh đào tạo cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá ở các tỉnh miền Nam.

 

            3.2. Về công tác kiểm dịch thủy sản nhập khẩu:

            Chi cục đã phối hợp với Chi cục Thủy sản các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu,... thực hiện giám sát cách ly kiểm dịch thủy sản nhập khẩu. Từ năm 2010 đến nay, Cục Thú Y- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kiểm dịch thủy sản nhập khẩu, do đó từ 2010, Chi cục không còn thực hiện công việc này.

 

            3.3. Về công tác liên kiểm bảo vệ nguồn lợi thủy sản:

            Chi cục được Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi giao chủ trì phối hợp với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh miền Tây Nam bộ hàng năm tổ chức liên kiểm công tác Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tập trung các hành vi vi phạm theo Chỉ thị số 01/1998/TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống xung điện, chất độc và chất nổ để sử dụng khai thác thủy sản và các hình thức mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản khác.

            3.4. Về công tác ký kết phối hợp với các tỉnh:

                  Năm 2012, Chi cục đã thỏa thuận ký kết phối hợp với các Chi cục (gồm Chi cục Quản lý chất lượng và Chi cục Nuôi trồng thủy sản) các tỉnh (Kiên Giang, Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh). Nội dung phối hợp kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm từ nơi sản xuất đến nơi lưu thông, tiêu thụ.

 

            3.5. Về công tác trao đổi kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ:

Chi cục thường xuyên trao đổi, học hỏi lẫn nhau về chuyên môn nghiệp vụ với các Chi cục bạn và Thanh tra thủy sản các tỉnh gồm nhiều lĩnh vực cụ thể sau:

                  - Công tác về kiểm dịch thủy sản lưu thông trong nước và xuất nhập khẩu.

                  - Công tác về kiểm tra, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm thủy sản .

                  - Công tác về nuôi trồng thủy sản.

                  - Công tác về thanh tra, kiểm tra thức ăn và sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản.

                  - Công tác về đăng ký, đăng kiểm tàu cá.

                  - Công tác về Bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

                  - Một số công tác chuyên môn khác.

 

4.  Trong lĩnh vực công nghệ sinh học:

Trung tâm Công nghệ sinh học trực thuộc Sở đã thực hiện hợp tác với các tỉnh: Cà Mau, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, An Giang, Cần Thơ, cụ thể như sau:

- Chuyển giao kỹ thuật nuôi cấy mô: Trung tâm tổ chức đoàn công tác đến làm việc và hướng dẫn trực tiếp cán bộ thao tác ngay tại phòng nuôi cấy mô giống lan của mỗi đơn vị, giải đáp và khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại.

- Chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan cắt cành Mokara: Trung tâm  hướng dẫn thiết kế xây dựng vườn đúng kỹ thuật phù hợp với yêu cầu sinh trưởng phát triển của cây lan Mokara; nghiên cứu chọn những giống lan thích nghi với điều kiện của từng địa phương để nâng cao hiệu quả kinh tế của giống. Ngoài ra, Trung tâm còn thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật đến các mô hình hướng dẫn kỹ thuật trồng, tư vấn các biện pháp chăm sóc lan Mokara. Đến nay, các mô hình hoa lan do các đơn vị đầu tư xây dựng đã trở thành nơi tham quan, học tập của các đơn vị lân cận.

- Chuyển giao bộ kit chẩn đoàn bệnh virus trên tôm: Các bộ kit nhận được sự đánh giá cao về độ an toàn, độ nhạy và độ chính xác cũng như về giá thành.

- Thử nghiệm chế phẩm sinh học ngăn ngừa và hạn chế tác hại của bệnh đốm trắng trên tôm sú: Kết quả thử nghiệm tại các đơn vị cho thấy chế phẩm có tác dụng tốt trong việc kích thích quá trình lột xác và tăng trưởng của tôm.

- Hợp tác với Trung tâm Giống nông nghiệp Đồng Tháp trong công tác chuyển giao công nghệ bao gồm các Quy trình nhân giống invitro giống lan Dendrobium; Quy trình nhân giống invitro  giống hoa kiểng Dứa diệp phúc và Lan ý mỹ; Quy trình nhân nhanh các giống hoa lan, kiểng lá, hoa nền trên hệ thống ngập chìm tạm thời.

- Hợp tác với Trạm Kiểm dịch Động vật thủy sản Trà Vinh trong Thử nghiệm và chuyển giao bộ kit PCR chẩn đoán bệnh virus trên tôm nuôi.

- Hợp tác với Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Bến Tre để thử nghiệm các bộ kit chẩn đoán bệnh virus trên tôm. Ngoài ra, Trung tâm cũng đã trực tiếp phối hợp với các hộ dân nuôi tôm tiến hành thử nghiệm chế phẩm sinh học Badotra nhằm ngăn ngừa và hạn chế đến mức tối thiểu tác hại của bệnh đốm trắng trên tôm sú.

- Hợp tác với Bộ môn Thủy sản, khoa Nông nghiệp - Tài nguyên thiên nhiên, trường Đại học An Giang thử nghiệm vaccine phòng ngừa bệnh gan thận mủ trên cá tra.

- Hợp tác với Trại giống Cổ Lịch - Trung tâm Giống nông nghiệp Tiền Giang thử nghiệm vaccine phòng ngừa bệnh gan thận mủ trên cá tra.

 

5- Trong quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và động vật hoang dã:

- Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Long An, Cần Thơ mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm thành phố đã trao tặng các đơn vị một số tài liệu nghiệp vụ về truyên truyền quản lý bảo vệ rừng, quản lý bảo vệ và phát triển động vật hoang dã.

- Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Cà Mau, Tiền Giang, Long An cử các đoàn cán bộ tham hỏi, trao đổi và học tập kinh nghiệm về quản lý bảo vệ rừng, quản lý bảo vệ và phát triển động vật hoang dã.

- Chi cục Kiểm lâm thành phố đã phối hợp nhận cứu hộ động vật hoang dã cho các tỉnh: Long An, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre.

- Chi cục  Kiểm lâm thành phố cũng đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Cà Mau, Cần Thơ, Kiên Giang tiến hành thả động vật hoang dã quý hiếm về rừng tự nhiên của các tỉnh này.

 

- Chi cục Kiểm lâm thành phố cũng đã ký kết chương trình hợp tác trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý bảo vệ và phát triển động vật hoang dã với Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, Sóc Trăng. 

 

- Chi cục Lâm nghiệp có đăng ký cung cấp giống cây Đước Cần Giờ cho tỉnh Bến Tre. Hiện nay rừng ngập mặn Cần Giờ có một số lô rừng Đước đã chuyển hóa thành rừng giống với tổng diện tích 127 ha. Từ khi có thỏa thuận hợp tác phát triển Nông nghiệp giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bến Tre cho đến nay tỉnh Bến Tre chưa có đề nghị về việc cung cấp giống cây Đước.

- Trong năm 2009, Chi cục Lâm nghiệp tổ chức đi tham quan học tập về mô hình quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, lâm ngư kết hợp tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau; Chi cục Kiểm Lâm, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Cà Mau theo văn bản số 213/SNN-LN ngày 09/03/2009 của Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Hồ Chí Minh. Qua chuyến tham quan học tập Đoàn công tác đã trao đổi một số kinh nghiệm với Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Kiểm Lâm, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Cà Mau về phương thức quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rừng ngập phèn có sự tham gia của cộng đồng và thảo luận một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau.

6- Trong công tác khuyến nông:

Trung tâm Khuyến nông trực thuộc Sở đã thực hiện hợp tác với 13 Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về các mặt:

- Thường xuyên trao đổi thông tin hoạt động giữa 2 bên qua các bảng tin, thông tin thị trường, tập san, trang web khuyến nông, chương trình phát thanh khuyến nông. Hỗ trợ đơn vị bạn khi được yêu cầu giới thiệu thông tin hoạt động, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin 2 bên hiện có.

- Trung tâm Khuyến nông thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ và hướng dẫn các đoàn lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật, nông dân của các tỉnh đến tham quan và trao đổi học tập, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; học tập các mô hình chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt hiệu quả trên địa bàn thành phố.

- Tổ chức cho cán bộ và nông dân thành phố Hồ Chí Minh tham quan các mô hình hiệu quả tại các địa phương bạn. Trao đổi học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của các tỉnh bạn và tiếp cận kỹ thuật mới như: nuôi, ương giống và sinh sản nhân tạo cua thịt, cá bống tượng, cá rô đầu vuông, cá chình (Bến Tre, Trà Vinh), cá sặc, rô đồng (Tiền Giang), cá dứa (An Giang, Trà Vinh), tôm lúa (Bạc Liêu, Cần Thơ, Cà Mau)…

- Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao quy trình kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt. Giới thiệu cho nông dân thành phố và nông dân các tỉnh bạn các địa chỉ mua giống cây trồng, vật nuôi uy tín, chất lượng. Qua đó tăng cường mối quan hệ công tác và học tập kinh nghiệm lẫn nhau phục vụ tốt công tác khuyến nông, khuyến ngư giữa các tỉnh và thành phố.

- Duy trì hoạt động hỗ trợ lẫn nhau giữa các tỉnh, thành phố là thành viên Câu lạc bộ Khuyến nông đô thị (Cần Thơ, Vĩnh Long) qua các cuộc hội thảo chuyên đề, giao ban định kỳ.

 

7- Kết quả phối hợp, liên kết trong lĩnh vực phát triển nông thôn:

- Về kinh tế tập thể: Chi cục Phát triển nông thôn đã tổ chức 8 chuyến, cho 160 người là cán bộ Hợp tác xã, xã viên, Tổ hợp tác khảo sát học tập các mô hình về phát triển kinh tế tập thể tại 4 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ và Cà Mau. Qua đó đã góp phần củng cố và nâng chất các mô hình phát triển kinh tế tập thể tại TP. Hồ Chí Minh. Đến nay trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đã có 54 hợp tác xã và 210 tổ hợp tác.

 - Về nông thôn mới: giai đoạn 2009 – 2012, Chi cục Phát triển nông thôn đã tổ chức 30 chuyến, cho 900 người  là cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới và người dân khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về công tác xây dựng nông thôn mới  tại xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang Tỉnh Trà Vinh, xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi tỉnh Cà Mau, Tp.Cần Thơ, Tỉnh Sóc Trăng. Qua buổi tham quan, học tập, 02 bên chú trọng trao đổi, thảo luận về giải pháp để hoàn thành tốt tiêu chí: thu nhập và tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất.

- Về chính sách Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: giai đoạn 2009 – 2012, Chi cục Phát triển nông thôn đã tổ chức 8 chuyến, cho 200 người  là cán bộ làm nông nghiệp và người dân khảo sát học tập các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp tại 4 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ và Cà Mau. Đoàn cũng khảo sát, tham quan một mô hình sản xuất nông nghiệp (hoa cây kiểng, cá cảnh, thú y……) theo hướng đô thị, tuy diện tích đất ít nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường. Tỉnh cũng tăng cường công tác khuyến nông, thông tin thị trường, liên kết sản xuất đối với nông dân qua các hình thức bồi dưỡng ngắn hạn, tham quan đầu bờ, bồi dưỡng kiến thức qua tổ hợp tác, hợp tách xã, câu lạc bộ khuyến nông, khuyến công.

 - Hợp tác phát triển diêm nghiệp và ngành nghề nông thôn: giai đoạn 2009 – 2012, Chi cục Phát triển nông thôn đã tổ chức 8 chuyến, cho 120 người  là cán bộ làm diêm nghiệp và người dân khảo sát học tập các mô hình phát triển sản xuất diêm nghiệp và ngành nghề nông thôn tại 4 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ và Cà Mau. Qua đó đã góp phần củng cố và nâng chất các mô hình phát triển sản xuất diêm nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh.

 

 

8- Trong lĩnh vực xúc tiến thương mại:

Trong thời gian qua, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp thành phố đã tham gia các hội chợ, sự kiện tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long:

      - Hội chợ triển lãm Nông nghiệp – Thủy sản và Thương mại Bến Tre – 2007 tại tỉnh Bến Tre.

      - Hội chợ Giống và vật tư thiết bị nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long – 2007 tại tỉnh Vĩnh Long.

      - Hội chợ Giống và vật tư thiết bị nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long – 2008 tại tỉnh Vĩnh Long.

      - Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ I – năm 2010 tại thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.Gian hàng thành phố đón tiếp hàng trên 17.000 lượt khách tham quan.

      - Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam 2009 tại thành phố Cần Thơ. Gian hàng thành phố đón tiếp trên 6.000 lượt khách tham quan.

      - Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I – năm 2010 tại thành phố Cần Thơ. Gian hàng thành phố đón tiếp hàng vạn lượt khách tham quan. Tổng giá trị hiện vật trưng bày của gian hàng chung khoảng 1,2 tỷ đồng.

- Festival Trái cây Việt Nam lần I – năm 2010 tại tỉnh Tiền Giang.

      - Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ II – năm 2011 diễn ra tại tỉnh Sóc Trăng. Gian hàng thành phố đón tiếp trên 50.000 lượt khách tham quan. Tổng giá trị hiện vật trưng bày của gian hàng chung khoảng 2 tỷ đồng.

            - Ngày Hội Vườn ao chuồng an toàn tại Đồng Tháp 2012. Gian hàng thành phố đón tiếp gần 40.000 lượt khách tham quan. Tổng giá trị hiện vật trưng bày của gian hàng chung là 1.7 tỷ đồng.

      - Hội chợ - Triển lãm Nông nghiệp - Thương mại Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra tại thành phố Vĩnh Long 2012. Gian hàng thành phố đón tiếp gần 50.000 lượt khách tham quan. Tổng giá trị hiện vật trưng bày của gian hàng chung là 1.2 tỷ đồng.

- Hợp tác với tỉnh Tiền Giang trong Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long – Tiền Giang 2012 với nội dung:

+ Tham gia Hội chợ triển lãm Rau quả và Thương mại ĐBSCL 2012 diễn ra từ ngày 05 – 09/12/2012 tại đường Hùng Vương, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Gian hàng thành phố đón tiếp trên 60.000 lượt khách tham quan.

            + Tổ chức 6 chuyến tham quan (240 người) cho nông dân thành phố tham quan Hội chợ triển lãm Rau quả và Thương mại ĐBSCL 2012 và học tập kinh nghiệm sản xuất của các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến tại tỉnh Tiền Giang.

+ Năm 2010 liên kết với Viện cây ăn quả miền Nam tổ chức khóa đào tạo đánh giá viên nội bộ - người lấy mẫu VietGAP tại thành phố Hồ Chí Minh và hướng dẫn thực tế tại HTX sản xuất dừa Quyết Thắng - Tiền Giang.

 

III- Một số nhận xét, đánh giá chung:

1- Chương trình hợp tác kinh tế xã hội nói chung và hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nói riêng giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh trong thời gian qua đạt được một số thành tựu tích cực:

- Đảm bảo nguồn và cải thiện chất lượng nông sản phục vụ nhu cầu chế biến và tiêu dùng của người dân thành phố.

- Công tác phòng chống dịch bệnh cây trồng vật nuôi trên địa bàn thành phố được chủ động, đạt kết quả cao nhờ được thông tin, dự báo kịp thời, phối hợp trong công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển gia súc gia cầm và sản phẩm động vật.

 

2- Một số tồn tại:

- Công tác thông tin, tổng hợp đánh giá địnk kỳ về kết quả thực hiện chương trình hợp tác có lúc, có địa phương chưa kịp thời, thống nhất; công tác họp định kỳ 3 tháng, 6 tháng giữa các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị được phân công của các Sở để rút kinh nghiệm chưa thực hiện như văn bản đã ký.

 

             - Các hộ kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm tại thành phố chưa có sự gắn kết chặt chẽ với các hộ, cơ sở chăn nuôi gia cầm tại các tỉnh mặc dù Chi cục Thú y thành phố và Chi cục Thú y các tỉnh phối hợp, yêu cầu ký kết hợp đồng giữa các chủ kinh doanh giết mổ, kinh doanh trứng gia cầm và các chủ cơ sở, trang trại chăn nuôi của các tỉnh.

 

             - Chi cục Thú y tại một số tỉnh chưa kiểm soát chặt chẽ được nguồn gia súc, đặc biệt tại các vựa gia súc, ảnh hưởng rất lớn trong việc kiểm soát dịch bệnh và xác định nguồn gốc gia súc sử dụng chất cấm.

             - Tình trạng phụ phẩm trâu bò chưa đuợc sơ chế, làm sạch đuợc đưa trực tiếp đến các điểm kinh doanh cũng đã gây nhiều khó khăn cho việc quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm, do các điểm này không có đủ điều kiện để làm sạch và ảnh huởng đến tình trạng vệ sinh tại nơi kinh doanh.

             - Hệ thống chuyên ngành thủy sản hiện nay ở các tỉnh chưa thống nhất, phải phối hợp từ 2 đến 3 chi cục trong một tỉnh.

             - Biên chế của các Chi cục Thủy sản ở các tỉnh còn thiếu nên việc triển khai công việc còn chậm so với tiến độ.

             - Kinh phí cấp cho công tác phối hợp giữa các Chi cục Thủy sản còn hạn chế, không đủ để triển khai thường xuyên và liên tục.

 

IV- Định hướng nhiệm vụ, mục tiêu hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ nay đến năm 2020:

1- Nhiệm vụ:

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình hợp tác kinh tế xã hội đã được thành phố ký kết với các tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

- Đẩy mạnh hợp tác phát triển sản xuất nông nghiệp, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản của địa phương.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả các hoạt động về quản lý nhà nước chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

- Tạo sự gắn kết bền vững, lâu dài đối với ngành nông nghịêp và phát triển nông thôn giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

- Tạo điều kiện thuận lợi, giới thiệu và hỗ trợ các đơn vị trực thuộc Sở, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong việc tiếp cận nghiên cứu, triển khai thực hiện các dự án đầu tư, tiêu thụ, chế biến các mặt hàng nông – lâm - thủy sản.

 

2- Các nội dung hợp tác chủ yếu:

 

2.1. Hợp tác quản lý nhà nước về phòng chống dịch bệnh, quản lý chất lượng sản phẩm an toàn.

- Phối hợp quản lý, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý giống cây trồng, gia súc, gia cầm và thủy sản, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; quản lý chất lượng thức ăn, thuốc thú y gia súc, gia cầm, thủy sản; thuốc bảo vệ thực vật và phân bón;

- Phối hợp, trao đổi kinh nghiệm xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật;

- Phối hợp khảo sát và đánh giá chất lượng động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh về thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại;

- Phối hợp thực hiện quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản, thủy sản;

- Phối hợp thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản (trao đổi thông tin, tuần tra, xử lý vi phạm);

- Phối hợp trong công tác điều tra, xác minh, giám định tang vật các vụ việc về mua, bán vận chuyển gỗ, lâm sản và động vật hoang dã trái phép, công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý bảo vệ và phát triển động vật hoang dã.

 

2.2. Hợp tác trong ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thụât:

- Thông tin và trao đổi kinh nghiệm khuyến nông, chú trọng khuyến nông đô thị, khuyến ngư, nông nghịêp công nghệ cao, sản xuất an toàn (GAP);

- Phối hợp giới thiệu và chuyển giao các giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao (tuỳ theo khả năng và thế mạnh của mỗi địa phương);

- Hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ, kinh tế tập thể và trang trại theo công nghệ mới an toàn và bền vững;

- Phối hợp nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ, khai thác tổng hợp và có hiệu quả tài nguyên rừng ngập mặn ven biển;

- Liên kết đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

 

2.3. Hợp tác trong lĩnh vực đầu tư phát triển vùng nguyên liệu nông nghiệp - thủy sản gắn với chế biến và tiêu thụ, nghiên cứu xây dựng các mô hình nông thôn:

- Trên cơ sở Quy hoạch ngành nông lâm ngư  nghịêp và phát triển các tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh sẽ giới thiệu và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng vùng nguyên liệu (lúa, rau màu, cây ăn trái, thủy sản,..) và đầu tư sản xuất kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, sơ chế, chế biến hàng xuất khẩu;

- Trao đổi kinh nghiệm phát triển các mô hình quản lý bền vững trên cơ sở bảo vệ, duy trì hệ sinh thái gắn với việc nâng cao đời sống của người dân, tham quan học tập các mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững;

- Tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp thuộc ngành Nông nghiệp và PTNT thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh. Sở Nông nghiệp và PTNT làm cầu nối để giới thiệu các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp có nhu cầu hợp tác hoặc đầu tư sản xuất kinh doanh nông nghiệp - thủy sản trên địa bàn các địa phương.

 

 

 

2.4. Ứng dụng công nghệ thông tin và xúc tiến thương mại:

- Trao đổi, hỗ trợ để nâng cao hiệu quả sử dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, ứng dụng các phần mềm quản lý, xây dựng thương hiệu;

- Tổ chức tập huấn và trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng về công tác thông tin thị trường nông – lâm - thủy sản;

- Hỗ trợ xúc tiến thương mại với nhiều hình thức để quảng bá, tiêu thụ các loại nông sản có thế mạnh của thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; vận động, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, phiên chợ nông nghiệp - thủy sản tại các tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh.


Số lượt người xem: 6378    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm