SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
2
2
0
5
4
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 02 Tháng Mười Một 2005 11:10:00 CH

Kế hoạch hành động khẩn cấp đối phó khi xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người

-

 

I.  ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

- Dịch cúm gia cầm do virus độc lực cao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có tốc độ lây lan rất nhanh và tỷ lệ chết rất cao trên gia cầm. Trong hơn một thế kỷ qua trên thế giới đã trải qua 4 vụ đại dịch cúm gia cầm vào các năm 1889, 1918,1957 và 1968, đặc biệt vào năm 1918-1919 đại dịch cúm đã xảy ra và gây tử vong 40 triệu người. Từ năm 2003 đến nay dịch cúm gia cầm do chủng H5N1 đã gây tử vong 61 người tại các nước khu vực Đông Nam Á trong đó Việt Nam có 90 trường hợp nhiễm bệnh và 41 người chết.

- Tình hình dịch cúm gia cầm tại các nước diễn biến phức tạp, dịch cúm gia cầm đã tái phát tại các nước: Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, và lan ra các nước trong vùng Châu Á: Mông Cổ, Kazakhstan, CHDCND Triều Tiên,... trong những ngày gần đây dịch đã lây sang các nước Châu Âu: Liên Bang Nga, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Hy Lạp, Croatia  ... Đặc biệt tình hình bệnh cúm gia cầm tại Indonesia trong 2 tháng qua diễn biến phức tạp đã có 6 người tử vong mặc dù nước này đã thực hiện tiêm phòng vaccine cúm gia cầm từ năm 2003. Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổ chức thú y thế giới (OIE) cảnh báo khu vực Châu Á đang đứng trước ngưỡng đại dịch cúm gia cầm.

- Cả nước đang tập trung tiêm phòng vaccine cúm cho đàn gia cầm, thủy cầm tuy nhiên hiện nay công tác triển khai tiêm phòng gặp nhiều khó khăn do một số tỉnh bị bão, lũ; vaccine được cung cấp không kịp thời, các tỉnh đồng bằng Sông Cữu Long đã vào mùa nước lũ, số lượng đàn gia cầm, thủy cầm được tiêm phòng giữa 2 đợt có sự chênh lệch lớn, một số lượng gia cầm chỉ được tiêm phòng 1 lần không đúng quy trình kỹ thuật, do đó ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng miễn dịch, công tác giám sát sau khi tiêm phòng đối với các đàn gia cầm chăn nuôi nhỏ lẻ và đàn nuôi vịt chạy đồng. Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo khả năng dịch cúm gia cầm sẽ tái phát sớm hơn so với các năm trước.

II. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM ĐÃ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

- Tổ chức công tác tuyên truyền phổ biến các biện pháp phòng chống dịch, các chủ trương của thành phố trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên Đài truyền hình, Đài phát thanh, phát hành các tài liệu, bướm, tờ rơi, băng điã ...

- Ngưng chăn nuôi thủy cầm trên địa bàn thành phố, ngưng chăn nuôi gia cầm tại các quận nội thành và ven nội, tạm ngưng chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y tại các phường, xã giáp ranh với các tỉnh.

- Tổ chức giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm tại các hộ chăn nuôi, đàn gia cầm từ các tỉnh nhập về các cơ sở giết mổ, giám sát bệnh cúm gia cầm trên đàn gia súc.

- Tổ chức tiêm phòng vaccine Trovac AI H5 trên đàn gà 1 ngày tuổi tại các Trạm ấp trước khi chuyển về thành phố chăn nuôi. Tiêm phòng vaccine Nobilis influenza H5N2 cho đàn gà giống, gà đẻ thương phẩm trên địa bàn. Thành phố không tổ chức tiêm phòng cho các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, chăn nuôi gia cầm thả rong.

- Tổ chức quy hoạch các cơ sở giết mổ gia cầm. Chấm dứt hoạt động kinh doanh giết mổ gia cầm sống tại các chợ, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh sản phẩm gia cầm trên thị trường. Chấn chỉnh điều kiện vệ sinh phương tiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm.

- Tổ chức và giám sát hoạt động tiêu độc sát trùng tại các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, các phương tiện vận chuyển động vật sản phẩm động vật.

- Ngành thú y đã chuẩn bị đầy đủ các test, kit phục vụ công tác xét nghiệm chẩn đoán bệnh cúm gia cầm, hiện đang khẩn trương hoàn tất việc trang bị hệ thống PCR để có đủ năng lực chẩn đoán bệnh cúm gia cầm và giám sát tình hình nhiễm virus cúm gia cầm trên những đàn gà đã được tiêm phòng.

- Ngành Y tế đã có kế hoạch giám sát trong công tác tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm. Đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, bảo hộ lao động, cấp phát cho 24 quận, huyện sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại thành phố và hỗ trợ cho các tỉnh trong khu vực. Nhập 14 kg thuốc bột Tamiflu chuẩn bị dự phòng trong trường hợp có dịch xảy ra.

- Ngày 30/9/2005 Giám đốc Sở Y tế và Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã ký kết chương trình hợp tác trong công tác cảnh báo dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và công nghệ sinh học trong đó giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Nhiệt đới, Chi cục Thú y, Trung tâm Công nghệ sinh học xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo chung cho 2 ngành, cung cấp thông tin liên quan, hỗ trợ, trao đổi kỹ thuật và xây dựng đề cương nghiên cứu.

Căn cứ Chỉ thị của Thủ tướng Chính Phủ và chương trình hành động khẩn cấp của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, cho thấy Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm thành phố đã có chỉ đạo thực hiện một số các bước đi hoàn toàn phù hợp với chương trình quốc gia đã đề ra.

 

III. CÁC TỒN TẠI TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TP. HCM

1. Kiểm soát chăn nuôi gia cầm

- Tổng đàn gia cầm của thành phố hiện nay là 736.647 con, gồm có 538.687 con gà, 189.275 con cút, 6.168 con bồ câu và 2.517 con chim cảnh với số hộ  chăn nuôi gia cầm là 6.303 hộ.

 - Trên địa bàn thành phố còn có khoảng 15.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại các xã giáp ranh với các tỉnh, nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao. Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm thành phố đã giao trách nhiệm cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch các quận huyện phải hoàn tất công tác vận động xử lý tiêu thụ và ngưng nuôi gia cầm từ ngày 05/10/2005 nhưng đến nay tiến độ thực hiện rất chậm.

- Đã tiêm phòng 185 hộ. Hiện đang theo dõi 281.900 con trong đó 47.300 gà đẻ, 207.600 gà thịt.

 

2. Công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y

- Công tác kiểm dịch động vật: Tình trạng các phương tiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép nhập về thành phố vẫn còn xảy ra đặc biệt là tại các hương lộ, tỉnh lộ giáp ranh với thành phố. Trong thời gian vừa qua các Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện nhiều vụ việc vận chuyển gia cầm, thủy cầm không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật; vận chuyển sản phẩm gia cầm chung với các loại hàng hoá khác. Lực lượng các đoàn kiểm tra liên ngành tương đối mỏng, chỉ duy trì hoạt động 3 ngày trong tuần.Các phương tiện vận chuyển gia cầm chưa được tiêu độc sát trùng chặt chẽ .

 

- Công tác kiểm soát giết mổ: Tiến độ xây dựng các cơ sở giết mổ gia cầm tập trung còn chậm, các cơ sở giết mổ gia cầm đã được cấp phép hoạt động hiện nay đa số nằm trong khu vực dân cư, hệ thống xử lý nước thải chưa đảm bảo yêu cầu do đó trong trường hợp dịch bệnh xảy ra sẽ không đảm bảo an toàn cho con người. Công nhân giết mổ có trang bị bảo hộ lao động nhưng ý thức chấp hành sử dụng chưa cao do đó nguy cơ xẩy ra dịch bệnh rất cao đối với công nhân giết mổ gia cầm, người kinh doanh sản phẩm gia cầm. Việc chấp hành tiêu độc sát trùng tại các cơ sở giết mổ chưa được thường xuyên và chưa nghiêm. Đàn gia cầm nhập từ các tỉnh được ghi nhận là đã tiêm phòng vaccine cúm tuy nhiên tình hình hiện nay các tỉnh thiếu vaccine, tiêm phòng không chặt chẽ do vào mùa lũ, chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ nên việc giám sát huyết thanh học kiểm soát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.

 

- Công tác kiểm tra sản phẩm gia cầm tiêu thụ trên thị trường: ngoài 2 điểm nóng và 15 điểm kinh doanh gia cầm hoạt động lén lút, vẫn còn rải rác các điểm giết mổ gia cầm trái phép tại các khu vực các quận ven nội và ngoại thành. Tình trạng kinh doanh sản phẩm gia cầm không có bao bì nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc vẫn còn xảy ra tại một số chợ.

Nhận định nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố:

Ø       Từ các hộ chăn nuôi gia cầm, thủy cầm tự phát nhỏ lẻ, nuôi gà đá, trong đó có số hộ chăn nuôi gia cầm quy mô nhỏ lẻ tại khu vực giáp ranh với các tỉnh.

Ø        Từ đàn gia cầm, thủy cầm sống và sản phẩm gia cầm nhập từ các tỉnh chưa được kiểm soát chặt chẽ đưa vào giết mổ, mua bán trái phép, các cơ sở giết mổ đã được cấp phép hoạt động tạm thời trong khu vực dân cư, hệ thống xử lý nước thải chưa đúng quy định.

Ø       Từ các điểm kinh doanh chim cảnh, chim phóng sinh,các khu vui chơi giải trí, các tràm chim hoang dã…

 

IV. KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM KHẨN CẤP

A. GIAI ĐOẠN I: DỊCH CÚM GIA CẦM XẢY RA VÀ ẢNH HƯỞNG SỨC KHỎE CON NGƯỜI  (TƯƠNG ỨNG PHA 3 -TỔ CHỨC WHO)

Từ đầu năm 2005 đến nay trên địa bàn thành phố đã có 1 trường hợp tử vong trên người do nhiễm virus H5N1 tại Quận Bình Tân. Qua công tác giám sát huyết thanh trên đàn gia cầm, thủy cầm đã phát hiện một số trường hợp dương tính trên đàn thủy cầm, căn cứ phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, thành phố Hồ Chí Minh đang ở giai đoạn pha 3 của dịch cúm.

1. Mục tiêu

          Ngăn ngừa xảy ra đại dịch cúm ở người, hạn chế tối đa tỷ lệ mắc bệnh và tử vong; đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân.

2. Nội dung công tác phòng chống dịch

2.1. Phòng chống dịch cúm trên đàn gia cầm

2.1.1 Chủ trương đối với hoạt động chăn nuôi gia cầm

- Ngưng nhập đàn nuôi mới đàn gia cầm trên địa bàn thành phố

- Đối với các hộ chăn nuôi gia cầm qui mô nhỏ lẻ, chăn nuôi gia cầm không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y để tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm: Tự tổ chức tiêu thụ, chấm dứt chăn nuôi trước ngày 31/10/2005.

- Đối với các hộ chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, đã được tiêm phòng:

+ Đối với các hộ chăn nuôi gà thịt: cho phép duy trì chăn nuôi đến tuổi xuất chuồng, hạn chót đến ngày 20/11/2005 phải xuất bán hết. Không được phép nhập đàn nuôi mới.

+ Đối với các hộ chăn nuôi gà đẻ: Hạn chót đến ngày 20/11/2005 không còn chăn nuôi trên địa bàn Thành phố.

- Đối với các hộ chăn nuôi chim cút, bồ câu, …tổ chức giết mổ, tiêu thụ giảm đàn và chấm dứt chăn nuôi trước ngày 20/11/2005

- Các doanh trại quân đội chấm dứt chăn nuôi gia cầm cải thiện đời sống trước ngày 20/11/2005.

 

2.1.2 Chính sách đối với các hộ chăn nuôi gia cầm

Thành phố có chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho các đối tượng chăn nuôi gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa.

 

2.1.3 Công tác giám sát dịch bệnh

- Ngành thú y lấy mẫu xét nghiệm đánh giá tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm tại hộ chăn nuôi, tại các cơ sở giết mổ phối hợp với Ngành y tế giám sát lưu hành virus trên đàn gia cầm và trên các loài gia súc khác như heo, trâu bò, chim hoang dã, chó mèo…

- Ban chỉ đạo PCD cúm gia cầm các quận, huyện chỉ đạo hệ thống giám sát dịch bệnh trên địa bàn thực hiện chế độ báo cáo tình hình dịch bệnh hàng ngày, đột xuất và tổng hợp báo cáo về bộ phận thường trực Ban chỉ đạo Thành phố. Chủ động phát hiện sớm, từ đó có các biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả theo phương châm “3 tại chỗ” (Lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và xử lý tại chỗ).

          - Ban chỉ đạo PCD cúm gia cầm quận, huyện phải chỉ đạo giám sát các khu vui chơi giải trí có nuôi chim cảnh, các tràm chim với chương trình giám sát dịch bệnh trên địa bàn. Nghiêm cấm tổ chức các hình thức kinh doanh, triển lãm, hội thi chim cảnh.

- Các khu vui chơi giải trí thực hiện cách ly, bao lưới ngăn chặn tiếp xúc với chim hoang dã, không tổ chức cho du khách tham quan khu vực nuôi chim cảnh, thực hiện tiêu độc sát trùng hàng ngày theo hướng dẫn của cơ quan thú y, cung cấp danh sách công nhân chăm sóc chim cảnh để Ngành y tế giám sát sức khỏe.

- Ngành thú y xây dựng bản đồ dịch tễ bệnh cúm gia cầm: vùng ổ dịch cũ, khu vực xử lý, tiêu hủy gia cầm trước đây, kết quả giám sát dịch bệnh.

- Trong thời gian còn tồn tại đàn gia cầm trên địa bàn thành phố (trước ngày 20/11/2005), nếu xảy ra các ổ dịch trên đàn gia cầm tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn, phân lập được virus lưu hành trên đàn gia cầm, hoặc xảy ra trường hợp dương tính trên người có các yếu tố dịch tễ liên quan sẽ xử lý toàn bộ đàn gia cầm tại chỗ.

 

2.1.4. Công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y gia cầm

2.1.4.1 Công tác kiểm dịch động vật:

- Tại 4Trạm KDĐV ĐMGT: Củng cố, tăng cường lực lượng các tổ liên ngành (Công an, Quản lý thị trường, Thú y) tổ chức trực 24/24 để kiểm soát chặt chẽ và xử lý triệt để các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không đúng qui định.

- Trên các tuyến giao thông giáp ranh với các tỉnh tổ chức lực lượng cơ động của 04 Đoàn liên ngành, do Quản lý Thị trường thành phố chủ trì; mỗi Đoàn gồm có Cảnh sát 113, Quản lý Thị trường và Chi cục Thú y hoạt động liên tục các ngày trong tuần.

- Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm các quận, huyện củng cố, bổ sung lực lượng các Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Thú y, QLTT, Công an,  Phòng Kinh tế, BQL các chợ, Dân quân tự vệ …kiểm tra tình hình vận chuyển, kinh doanh trên thị trường hoặc các tuyến đường nội thành, các điểm nóng kinh doanh trái phép...Tại các địa bàn giáp ranh phải có sự phối hợp chặt chẽ Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm các địa phương.

- Thành lập chốt kiểm tra liên ngành tại khu vực Phường 5, Quận 8 và Xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.

 

2.1.4.2 Công tác kiểm soát giết mổ gia cầm

- Tiếp tục chấn chỉnh, nâng cấp điều kiện vệ sinh các cơ sở giết mổ, kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, không chấp hành các khuyến cáo của các ngành chức năng.Thực hiện đúng quy định về trang bị bảo hộ lao động cho công nhân giết mổ

- Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm Quận 8 và huyện Bình Chánh có biện pháp xử lý triệt để các hộ kinh doanh gia cầm trái phép trên địa bàn  đặc biệt là các hộ kinh doanh giết mổ gia cầm thuộc hẻm 399 Quốc lộ 50, Phường 5, Quận 8.

- Ngành thú y tăng cường công tác kiểm tra lâm sàng, lấy mẫu xét nghiệm giám sát bệnh cúm gia cầm, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh giết mổ gia cầm (thực hiện tem hoặc dấu thú y hoặc có dấu đóng trên quày thịt gia cầm).

 

2.1.4.3 Kiểm soát hoạt động kinh doanh tiêu thụ sản phẩm gia cầm trên thị trường

- Quản lý thị trường chủ trì phối hợp với chính quyền địa phương, Ngành thú y, Ban quản lý các chợ kiểm tra và xử lý kiên quyết đối với các trường hợp kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép, không đúng quy định.

- Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm các quận, huyện, phường, xã  có biện pháp xử lý kiên quyết các điểm kinh doanh, giết mổ gia cầm trái phép trên địa bàn, địa bàn nào còn tồn tại các điểm kinh doanh gia cầm, giết mổ trái phép Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, Cảnh sát khu vực phải chịu trách nhiệm.

 

2.1.5 Công tác tiêu độc sát trùng

- Các cơ sở giết mổ phải tổ chức tiêu độc sát trùng hàng ngày dưới sự giám sát của cơ quan thú y.

- Các phương tiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm phải được tiêu độc sát trùng trước và sau khi vận chuyển, chấp hành việc tiêu độc sát trùng tại các Trạm KDĐV ĐMGT trước khi vào Thành phố. 

- Đối với cơ sở chăn nuôi gia cầm:

+ Tiêu độc sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi hàng tuần, xử lý phân, chất độn chuồng theo hướng dẫn của ngành thú y.

+ Sau ngày 20/11/2005 Ban chỉ đạo Phòng chống dịch cúm gia cầm quận, huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tổng tiêu độc sát trùng chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi, vệ sinh môi trường, hoàn tất trước ngày 30/11/2005.

  2.2 Phòng chống dịch cúm gia cầm trên người

          - Tăng cường hệ thống giám sát dịch bệnh, phối hợp với các tỉnh xây dựng hệ thống cảnh báo cung cấp thông tin dịch bệnh kịp thời cho các ngành chức năng phối hợp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

          - Tăng cường công tác xét nghiệm để có khả năng phát hiện kịp thời những chủng vi rút cúm mới nguy hiểm gây dịch, phối hợp Ngành thú y giám sát sự lưu hành của vi rút trên đàn gia cầm và các loài gia súc khác.

- Tổ chức giám sát dịch bệnh cho các lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch, công nhân giết mổ, hộ chăn nuôi và hộ kinh doanh gia cầm.

- Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc kháng virus phục vụ điều trị dự phòng cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch và đảm bảo cơ số thuốc điều trị khi dịch bệnh xảy ra trên người.

- Hướng dẫn sử dụng, phân bổ thuốc điều trị dự phòng cho các lực lượng trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch cúm gia cầm.

- Tập huấn chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư hoá chất, bảo hộ lao động,  thuốc điều trị cho tuyến y tế cơ sở để chủ động thực hiện phương châm “3 tại chỗ”.

 

2.3  Biện pháp tổ chức thực hiện

2.3.1  Ban chỉ đạo PCD cúm gia cầm quận, huyện:

- Củng cố nhân sự Ban Chỉ đạo, các tổ chức tham gia thực hiện phòng chống dịch gia cầm, thủy cầm quận, huyện, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo.Lập dự toán kinh phí phòng chống dịch cúm gia cầm.Đề xuất chế độ chính sách cho hệ thống giám sát cung cấp thông tin dịch bệnh.

- Xây dựng phương án hành động khẩn cấp phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn. Tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tuần để đánh giá rút kinh nghiệm và chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng chống dịch. Báo cáo tình hình, đề xuất các khó khăn, vướng mắc để Ban chỉ đạo Thành phố có biện pháp hỗ trợ.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã phối hợp với các Hội, Đoàn thể tổ chức tổ giám sát tình hình chăn nuôi, dịch tễ. Duy trì chế độ sinh hoạt hệ thống giám sát dịch bệnh giám sát tình hình dịch bệnh đến các hộ dân.

- Tổ chức lực lượng kiểm tra, xử lý các trường hợp chăn nuôi gia cầm trái phép trên địa bàn; thành lập các Tổ kiểm tra lưu động trên các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy; kiểm tra và xử lý dứt điểm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh gia cầm sống và sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; các điểm giết mổ gia cầm, thủy cầm trái phép.

- Dự phòng đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị, địa điểm tiêu hủy để chủ động xử lý trong trường hợp phát hiện ổ dịch trên đàn gia cầm, thực hiện tiêu độc sát trùng và hoàn tất toàn bộ công tác xử lý trong vòng 24 giờ, ưu tiên xử lý tại chỗ.

- Chỉ đạo tuyên truyền các chủ trương, biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn. Các đài truyền thanh phường xã phải phát bài tuyên truyền 2 lần/ ngày. Đưa nội dung phòng chống dịch cúm gia cầm vào sinh hoạt thường kỳ tổ dân phố, các Hội, Đoàn thể.

  - Tăng cường kiểm soát, xử lý mạnh việc tổ chức và tham gia đá gà. Kiểm tra, yêu cầu tạm thời không kinh doanh gia cầm, chim cảnh; đối với các khu vui chơi giải trí đề nghị bao lưới khu vực chăn nuôi gia cầm, chim hoang dã, hạn chế khách tham quan, không tổ chức triển lãm, chọi chim, phối hợp với Chi cục thú y tăng cường giám sát tình hình dịch tễ khu vực chăn nuôi.

 

2.3.2  Sở Nông Nghiệp và PTNT

- Phối hợp Sở Tài Chính đề xuất chính sách và tổ chức thực hiện sớm việc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề đối với các hộ chăn nuôi gia cầm sản xuất hàng hóa để sớm ổn định sản xuất và đời sống.

- Phối hợp với các quận, huyện xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả giúp người chăn nuôi gia cầm, thủy cầm không đủ điều kiện chăn nuôi chuyển đổi ngành nghề.

          - Thông báo các địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng để người dân có thể cung cấp thông tin khi phát hiện tình trạng kinh doanh trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm, chăn nuôi thủy cầm hoặc khai báo khi có dịch xảy ra.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố kế hoạch hợp tác với Ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng giám sát chăn nuôi gia cầm, thủy cầm an toàn tại các tỉnh, cung cấp nguồn sản phẩm gia cầm có chất lượng, an toàn cho thành phố.

- Tham mưu đề xuất chính sách cho hệ thống giám sát thông tin dịch bệnh.

- Chỉ đạo Chi cục thú y tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm.

 

2.3.3 Sở Y Tế

           - Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, thuốc chữa bệnh sẵn sàng cho công tác phòng chống bệnh cúm gia cầm trên người tại thành phố và hỗ trợ cho các tỉnh trong khu vực.

- Tổ chức tổng diễn tập tình huống xảy ra dịch cúm gia cầm lây cho người (ước đoán số lượng người bệnh là 25 người).

           - Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Thương mại xây dựng và phát triển chuỗi thực phẩm gia cầm an toàn.

            - Chỉ đạo thực hiện công tác giám sát tình hình sức khỏe đối với các cá nhân, công nhân lao động có tiếp xúc, trực tiếp tham gia lao động tại các cơ quan, tổ chức, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh, sản xuất có liên quan đến gia cầm và sản phẩm gia cầm.

            - Kiểm tra công tác bảo hộ lao động; hướng dẫn công tác tiêu độc sát trùng môi trường xung quanh khu vực chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh, sản xuất có liên quan đến gia cầm và sản phẩm gia cầm.

            - Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Đài Truyền hình thành phố tổ chức xây dựng nội dung tuyên truyền trên Đài Truyền hình 2 lần/ tuần và   thực hiện Spot/ít nhất 2 lần trong ngày, viết bài tuyên truyền về các biện pháp phòng ngừa bệnh cúm gia cầm cho người, tuyên truyền sử dụng sản phẩm gia cầm an toàn, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, các triệu chứng nghi ngờ bệnh cúm gia cầm, giới thiệu các tuyến bệnh viện chuyên trách theo dõi, điều trị bệnh viêm nhiễm hô hấp cấp. Duy trì tuyên truyền cho đến hết tháng 02/2006. Cung cấp nội dung tuyên truyền cho các quận, huyện để tổ chức phổ biến, sinh hoạt trong nhân dân.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm tại các trường học.

 

2.3.4  Sở Thương mại

          - Tổ chức kiểm tra và chỉ đạo Ban quản lý các chợ tăng cường kiểm soát việc kinh doanh sản phẩm gia cầm. Ban quản lý các chợ chịu trách nhiệm xử lý “tịch thu, tiêu hủy” đối với các trường hợp kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không bao bì, không nhãn hiệu và không tuân thủ các quy định của Ngành thú y.

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với Chi cục Thú y, Công an tổ chức các đoàn liên ngành chốt chặn cố định và lưu động kiểm tra, xử lý các trường hợp kinh doanh gia cầm sống, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép tại các cửa ngõ ra vào thành phố và giáp ranh các tỉnh.

- Phối hợp với các ngành chức năng khẩn trương xây dựng hệ thống tiêu thụ sản phẩm gia cầm đảm bảo điều kiện vệ sinh, hình thành các chuỗi kinh doanh gia cầm sạch, chấm dứt tình trạng kinh doanh gia cầm không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Trước mắt bắt buộc các quầy sạp kinh doanh sản phẩm động vật, sản phẩm gia cầm phải có trang thiết bị bảo quản sản phẩm  như tủ bảo ôn, tủ đông, ...) để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

 

2.3.5  Chi cục Quản lý thị trường Thành phố

Chủ trì phối hợp với Chi cục Thú y, Công an duy trì đoàn liên ngành chốt chặn cố định và lưu động kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng kinh doanh gia cầm sống, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép tại các cửa ngõ ra vào thành phố và khu vực giáp ranh các tỉnh. Kiên quyết xử lý triệt để các đối tượng vi phạm với hình thức tịch thu, tiêu hủy gia cầm, sản phẩm gia cầm và xử lý tăng nặng đối với các trường hợp tái phạm.

 

2.3.6 Chi cục Thú y Thành phố

- Chỉ đạo chủ động thực hiện công tác giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm tại các hộ chăn nuôi, các cơ sở giết mổ. Hướng dẫn, giám sát việc thực hiện qui trình tiêu độc sát trùng tại các cơ sở chăn nuôi và cơ sở giết mổ, điểm kinh doanh sản phẩm gia cầm. Phối hợp với Ngành Y tế giám sát lưu hành virus trên đàn gia cầm và trên các loài gia súc khác.

          - Chấn chỉnh điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ và kiểm soát chặt chẽ nguồn gia cầm nhập, phải đảm bảo đầy đủ các thủ tục, yêu cầu đúng quy định về công tác kiểm dịch động vật. Thực hiện tiêu độc sát trùng tại cơ sở giết mổ hàng ngày. Đề nghị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động các cơ sở giết mổ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, không chấp hành quy định của ngành Thú y.

          - Chuẩn bị đầy đủ hoá chất tiêu độc sát trùng, cung cấp hoá chất, hướng dẫn cho người chăn nuôi để thường xuyên tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi, các cơ sở giết mổ...; tiêu độc sát trùng chuồng trại, chất thải chăn nuôi sau khi xử lý đàn gia cầm.

- Phối hợp với Sở Y tế xây dựng nội dung tuyên truyền phòng chống dịch cúm gia cầm gắn kết với nội dung chương trình vệ sinh-an toàn thực phẩm, thực hiện các băng đĩa, tài liệu bướm, phối hợp với chính quyền địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Nông dân thành phố, Hội Phụ Nữ, Thành đoàn Thanh niên Cộng sản tuyên truyền phổ biến các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm đồng thời xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh ở cơ sở đến tận hộ, ấp, khu phố và các thành viên của các tổ chức trên.

 

2.3.7  Công An Thành phố

- Phân công nhân sự tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành tại các Trạm KDĐV đầu mối giao thông, các cửa ngõ ra vào thành phố nhằm hỗ trợ xử lý các đối tượng vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép nhập vào thành phố.

- Chỉ đạo Cảnh sát giao thông phối hợp với Quản lý thị trường, Chi cục thú y tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện vận chuyển gia cầm không có giấy chứng nhận KDĐV, khi CSGT phát hiện các trường hợp vận chuyển gia cầm trái phép có thể liên hệ số điện thoại đường dây nóng Chi cục thú y để phối hợp xử lý.

- Chỉ đạo Công an Quận, huyện, phường, xã phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành và chịu trách nhiệm xử lý các điểm kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm trái phép trên địa bàn.

 

2.3.8 Sở Tài Nguyên-Môi trường

- Chỉ đạo Công ty môi trường đô thị chuẩn bị phương án xử lý, phương tiện vận chuyển,  địa điểm tiêu hủy đàn gia cầm, sản phẩm gia cầm.

-  Chuẩn bị phương án xử lý khi xảy ra dịch cúm gia cầm trên người.

-  Phối hợp với Sở Y tế thực hiện xử lý môi trường khi có xảy ra dịch bệnh.

 

2.3.9 Sở Tài Chính

- Chịu trách nhiệm hướng dẫn các sở ngành, quận, huyện lập dự toán kinh phí phòng chống dịch cúm gia cầm. Tổ chức thực hiện cấp phát, thanh quyết toán và kiểm tra việc thực hiện đảm bảo hoạt động phòng chống dịch cúm gia cầm kịp thời và có hiệu quả.

 

2.3.10  Sở Văn Hóa – Thông Tin

Có kế hoạch huy động các đơn vị phát thanh lưu động; các Nhà Văn hóa quận, huyện thực hiện băng rôn, pano, áp phích tập trung tại các khu vực ngoại thành, khu công nghiệp, nơi công cộng (chợ, trường học, bến xe...), khu vực đông dân cư để tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng, nhân dân biết các biện pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm.

 

2.3.11 Các cơ quan truyền thông Báo, Đài

Thường xuyên và kịp thời thông báo cho nhân dân, các đối tượng sản xuất, kinh doanh, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm biết các chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm, thủy cầm thành phố để nhân dân chấp hành tốt các quy định, tự giác tham gia thực hiện công tác phòng chống dịch cúm gia cầm đạt hiệu quả cao nhất, bảo vệ an toàn sức khỏe của nhân dân và giảm thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra. Tuy nhiên, lưu ý thông tin cung cấp cần trung thực, không gây tâm lý hoang mang lo sợ  trong cộng đồng.

 

2.3.12 Tổng Công ty Thương Mai, Tổng Công ty Nông nghiệp, các tổ chức kinh tế khác

Nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho các hộ chăn nuôi, Tổng Công ty Thương Mai, Tổng Công ty Nông nghiệp, các tổ chức kinh tế khác tổ chức thu mua, giết mổ gia súc, gia cầm đưa vào trữ lạnh, chế biến  để phục vụ yêu cầu người dân thành phố. Dự trữ thực phẩm chế biến phục vụ cho công tác an ninh lương thực, thực phẩm.

 

B.GIAI ĐOẠN II: DỊCH CÚM GIA CẦM LÂY BỆNH CHO NGƯỜI VÀ XÁC ĐỊNH DỊCH LÂY LAN TỪ NGƯỜI SANG NGƯỜI

I . TÌNH HUỐNG I: DỊCH XẢY RA Ở NƯỚC KHÁC

Biện pháp ứng phó của Thành phố Hồ Chí Minh:

1. Phòng chống dịch trên người

          - Tổ trực dịch làm việc 24/24 giờ tại tất cả các tuyến y tế.

          - Giám sát chặt chẽ tại Sân bay Tân Sơn Nhất và các bến cảng thực hiện cách ly kiểm dịch đối với các trường hợp nghi ngờ, ngăn chặn không cho dịch vào nước ta...

           - Tổ chức tiêm phòng vaccine cúm và uống thuốc dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao như những người đến từ vùng có dịch, cán bộ thú y, nhân viên giám sát dịch bệnh tại các sân bay, bến cảng.

          - Tăng cường lấy mẫu giám sát sự lưu hành của vi rút cúm. Phát hiện và thông báo kịp thời khi phát hiện các chủng vi rút mới.

          - Ngành y tế và Thú y phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm thông tin, báo cáo cho nhau về  tình hình dịch cúm gia cầm, dịch cúm ở người.

- Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến từng hộ gia đình, thông báo khẩn cấp các trường hợp nhiễm hoặc mắc cúm gia cầm để có biện pháp xử lý kịp thời, không để bùng phát dịch và lây sang người.

          - Dự trữ thuốc kháng vi rút Tamiflu  hoặc thuốc khác để điều trị và dự phòng cho khoảng 100.000 người ( tương đương 1.000.000 viên)

- Thường xuyên thông báo tình hình dịch bệnh ở các nước có dịch.

 

2. Phòng chống dịch trên gia cầm

- Thường xuyên theo dõi thông tin tình hình dịch bệnh cúm gia cầm ở các nước có dịch.

- Kiểm tra và xử lý tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm còn sót lại tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố. Các doanh trại quân đội phải chấm dứt chăn nuôi gia cầm để cải thiện đời sống.

- Tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi và môi trường xung quanh.

- Tăng cường lực lượng các ngành chức năng tại các Trạm KDĐV, thành lập các đoàn kiểm tra lưu động xử lý triệt để các trường hợp vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập trái phép vào thành phố.

- Đề nghị Cục thú y đình chỉ nhập động vật, sản phẩm động vật từ các nước khu vực có bệnh.Chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ công tác kiểm dịch động vật tại các cửa khẩu.

- Đình chỉ hoạt động các cơ sở giết mổ gia cầm trên địa bàn thành phố, thực hiện chủ trương 3 không “không nuôi, không vận chuyển, giết mổ và không ăn sản phẩm gia cầm”. Đóng cửa thị trường kinh doanh, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn thành phố.

 

II. TÌNH HUỐNG II: DỊCH XẢY RA TRÊN DIỆN HẸP TẠI VIỆT NAM - (TƯƠNG ỨNG PHA 4 CỦA WHO): 1-25 người bệnh.

Biện pháp ứng phó của Thành phố Hồ Chí Minh:

1. Phòng chống dịch trên người

- Áp dụng như tình huống I

- Ủy ban nhân dân thành phố ban bố tình trạng khẩn cấp huy động mọi lực lượng tham gia phòng chống đại dịch khẩn cấp.

- Ban chỉ đạo phòng chống dịch Cúm gia cầm thành phố tổ chức họp hàng tuần để nắm tình hình dịch và chỉ đạo kịp thời.

- Phát hiện sớm, tổ chức điều tra dịch tễ kịp thời trường hợp bệnh đầu tiên. Khoanh vùng, cách ly và xử lý triệt để 100% ổ dịch cúm ở người khi xuất hiện trường hợp bệnh đầu tiên.

- Sở Y tế giám sát dịch bệnh tại các khu vực bến xe, cảng nội địa.

- Sở Y tế chuẩn bị các Trung tâm điều trị cách ly tại khu vực ngoại thành, dự phòng trường hợp bệnh nhân tăng đột biến.

 

2. Phòng chống dịch trên đàn gia cầm

* Dịch xảy ra tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung

Áp dụng như tình huống I, đồng thời áp dụng các biện pháp khẩn cấp sau:

-  Kiểm tra và xử lý việc buôn bán gia cầm sản phẩm gia cầm trái phép.

- Tăng cường lực lượng cho các Trạm KDĐV đầu mối giao thông, các Đoàn kiểm tra liên ngành tại các đường giao thông chính ra vào thành phố.

- Quy định các tuyến đường vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không được phép di vào khu vực nội thành.

- Tại các cửa ngõ ra vào thành phố thiết lập các khu vực để tiêu độc sát trùng các phương tiện giao thông ra vào thành phố, phương tiện giao thông từ các tỉnh vào thành phố phải dừng tại các bến xe khu vực ngoại thành không được phép vào thành phố. Sở Giao Thông công chánh, Công an Thành Phố nghiên cứu địa điểm di dời bến xe ra khu vực ngoại thành.

 

* Dịch xảy ra tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ,Đồng bằng Sông Cữu Long, thành phố Hồ Chí Minh.

Áp dụng như tình huống I, đồng thời tăng cường áp dụng các biện pháp khẩn cấp sau:

- Tại các cửa ngõ ra vào thành phố thiết lập các khu vực để tiêu độc sát trùng các phương tiện giao thông ra vào thành phố, phương tiện giao thông từ các tỉnh vào thành phố phải dừng tại các bến xe khu vực ngoại thành không được phép vào thành phố. Sở Giao Thông công chánh, Công an Thành Phố nghiên cứu địa điểm di dời bến xe ra khu vực ngoại thành.

-  Kiểm tra và xử lý việc buôn bán gia cầm sản phẩm gia cầm trái phép.

- Tăng cường lực lượng cho các Trạm KDĐV đầu mối giao thông, các Đoàn kiểm tra liên ngành tại các đường giao thông chính ra vào thành phố.

- Tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, tiêu độc vệ sinh môi trường xung quanh.

 

III. TÌNH HUỐNG III: DỊCH XẢY RA TRÊN DIỆN HẸP TẠI MỘT TRONG CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ – TƯƠNG ỨNG PHA 5 CỦA WHO (26-50 người mắc bệnh)

1.     Dịch xảy ra tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung

2.     Dịch xảy ra tại các tỉnh Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cữu Long, trên địa bàn thành phố.

            Biện pháp ứng phó thực hiện như đối với pha 4

 

C. GIAI ĐOẠN III: XUẤT HIỆN ĐẠI  DỊCH CÚM GIA CẦM, LÂY TỪ NGƯỜI SANG NGƯỜI –TƯƠNG ỨNG PHA 6 CỦA WHO.

I. TÌNH HUỐNG I: DỊCH XẢY RA Ờ QUY MÔ TỈNH THÀNH PHỐ 

(từ 100 người đến vài nghìn người bệnh)

Biện pháp ứng phó của Thành phố Hồ Chí Minh:

1.  Phòng bệnh đối với người

   - Áp dụng như tình huống III, giai đoạn 2. Đồng thời tăng cường các biện pháp

- Ủy ban nhân dân thành phố công bố tình trạng khẩn cấp, kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức Quốc tế, huy động toàn lực lượng xã hội tham gia công tác phòng chống dịch bệnh, điều trị bệnh nhân, chôn cất người tử vong.

          - Sở Y tế thành lập các đội y tế lưu động, huy động các bác sỹ ở một số bệnh viện chưa có dịch cúm xảy ra.

          - Ưu tiên thuốc phòng và chống bệnh cho bệnh nhân, tăng thuốc dự trữ Taminflu và các loại thuốc mới, đặt mua gấp thuốc với cơ số 1 triệu viên.

- Tạm thời đình chỉ các hoạt động như hội họp, mít tinh, liên hoan...

- Tạm thời đóng cửa các trường học, cho học sinh nghỉ ở nhà;

- Tạm thời cấm họp chợ, tổ chức mua bán hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men tại gia đình.

- Cấm vận chuyển , đi lại, ra vào vùng có dịch.

- Những người trong vùng đang có dịch đều được uống thuốc phòng (Taminflu hoặc thuốc mới trị bệnh cúm)

- Thành lập các trạm điều trị bệnh dã chiến, hoặc sử dụng các trường học nếu không có bệnh xá, bệnh viện ở khu vực này.

* Đối với vùng đệm:

- Vùng đệm là vùng được xác định là vùng xung quanh ổ dịch, trong phạm vi bán kính 10km từ chu vi ổ dịch.

          - Hạn chế việc vận chuyển, ra vào vùng đệm.

          - Hạn chế hội họp, mít tinh, văn nghệ vui chơi tập trung; hạn chế họp chợ.

          - Những người trong vùng này đều được uống thuốc phòng bệnh.

          - Học sinh đi học đều phải đeo khẩu trang, rửa tay chân bằng thuốc sát trùng.

 

2. phòng chống dịch đối với gia cầm

Áp dụng như giai đoạn II

 

II. TÌNH HUỐNG II: DỊCH ĐÃ VÀ ĐANG XẢY RA RẤT NHANH CHÓNG , LAN NHIỀU VÙNG, NHIỀU TỈNH THÀNH PHỐ TRONG CẢ NƯỚC

(số người mắc bệnh lên tới hàng chục ngàn tới hàng triệu người. tỷ lệ tử vong 2 – 4%)

          Áp dụng các biện pháp như tình huống I:

- Chính phủ ban hành tình trạng khẩn cấp trong toàn quốc, ngoài ra cần áp dụng:

            * Biện pháp đối phó với vùng đang có dịch bệnh:

          -Tăn cường chữa bệnh cho bệnh nhân, giảm tối thiểu số ca tử vong.

          -Điều trị dự phòng cho những người trong vùng.

          -Cách ly triệt để người ốm ra khỏi người khoẻ trong những khu vực riêng như trường học (lấy làm bệnh viện tạm thời), hoặc bệnh viện được thiết lập tạm thời, hoặc bệnh viện, bệnh xá đã có sẵn.

 

            * Đối với vùng đệm:

          -Tăng cường giám sát để kịp thời phát hiên người mắc bệnh, lập tức cách ly ra khỏi cộng đồng.

          -Xây dựng các trạm cấp cứu điều trị tạm thời để diều trị cho bệnh nhân nếu được phát hiện.

          -Tất cả người nước ngoài đang công tác tại Việt Nam được bảo vệ sức khỏe: giám sát và phòng chống bệnh dịch, đặc biệt khám và điều trị bệnh như công dân Việt Nam.

          - Các chính sách khác như: di chuyển, vận chuyển bệnh nhân, thi hài… theo thông lệ quốc tế và các quy định hiện hành

          -Thông báo kịp thời tình hình dịch cúm ở người cho tất cả những người nước ngoài công tác tại Việt Nam được biết.

          - Đề nghị các lãnh sự quán, những người nước ngoài đang công tác tại Việt Nam hạn chế tới mức tối đa những giao tiếp thực sự không cần thiết với bên ngoài.

          -Huỷ bỏ các chương trình làm việc của người nước ngoài ở những vùng đang có dịch xảy ra.

          -Cung cấp trang bị bảo hộ phòng chống cúm cho người nước ngoài trong những trường hợp cần thiết.

          -Cung cấp thuốc phòng bệnh cúm (Tamiflu) cho người nước ngoài trong trường hợp được xác định họ là những đối tượng có nguy cơ cao (những doanh nghiệp làm ăn trong ngành chăn nuôi).

          -Trong trường hợp đại dịch xảy ra, có thể khuyến cáo giảm thiểu người nước ngoài đến Việt Nam nếu không có những việc khẩn thiết.

         

* Phòng chống dịch đối với gia cầm: Áp dụng như giai đoạn II


Số lượt người xem: 9762    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm