SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
1
8
0
6
4
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 25 Tháng Mười Một 2005 10:50:00 CH

Kết quả 1 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị 31/2005/CT-UBND ngày 26/10/2005 của UBND TP. Hồ Chí Minh về việc phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm trên người. (26/11/2005)

-

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

-  Từ tháng 10/2005 đến nay, dịch cúm gia cầm đã tái phát mạnh tại các nước là vùng dịch cũ như: Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc… Trung Quốc đã báo cáo những trường hợp nhiễm và tử vong do virus cúm gia cầm đầu tiên trên người của nước này.

- Theo thông báo của Cục thú y, đến 23/11/2005, dịch cúm gia cầm đang xảy ra ở 163 xã, phường thuộc 67 huyện, thị của 16 tỉnh, thành phố là: Bắc Giang, Quảng Nam, Thanh Hoá, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Sơn La, Hoà Bình, Thái Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Cao Bằng. Tổng số gia cầm tiêu hủy là 1.119.447 con. Tình hình dịch cúm gia cầm năm nay xảy ra sớm các năm trước và tại cả 3 miền trong cả nước, đặc biệt dịch đang lan rộng tại các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Hồng, trong khi các năm trước dịch thường xuất hiện và lan rộng tại các tỉnh khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Tại Hà Nội đã có 1 trường hợp người bị tử vong do nhiễm virus H5N1.

- Căn cứ Chỉ thị số 53-CT/TW ngày 28/10/2005 của Ban Bí Thư về triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người.

- Căn cứ Nghị quyết số 15/2005/NQ-CP ngày 04/11/2005 của Chính Phủ về các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm A (H5N1) ở người.

- Căn cứ Chỉ thị 34/2005/CT-TTg ngày 15/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung sức triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống khi xẩy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người.

- Nhận thức tầm quan trọng trước hiểm họa của dịch bệnh. Thành phố đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng cùng quyết tâm, thống nhất hành động cụ thể một cách đồng bộ. Ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo thực hiện như sau:

1/ Ngày 28/10/2005 Thường trực Thành ủy đã có văn bản số 835-CV/TU về việc lãnh đạo thực hiện Chỉ thị 34/2005/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ.

2/ Ngày 25/10/2005 Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản số 485/UBMT “V/v phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch hành động khẩn cấp đối phó dịch cúm gia cầm”.

3/ Ngày 26/10/2005 UBND Thành phố đã có Chỉ thị số 31/2005/CT-UBND về tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp phòng ngừa và đối phó với dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người. Kế hoạch hành động khẩn cấp đối phó khi xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người số 6889/UBND-CNN.

 

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN:

1. Mục tiêu và biện pháp triển khai thực hiện

1.1. Mục tiêu của thành phố trong công tác phòng chống dịch là: Nỗ lực tối đa không để xảy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người. Nếu có trường hợp xảy ra phải kịp thời giám sát, cách ly không để lây lan trên diện rộng. Do đó đã xây dựng kế hoạch:

          1.1.1 Loại trừ nguy cơ tiềm ẩn từ đàn động vật cảm nhiễm cúm gia cầm (H5N1); đề ra kế hoạch giảm đàn theo trình tự ưu tiên: gà, cút, chim cảnh, bồ câu…đồng thời tiến hành công tác tổng tiêu độc sát trùng chuồng trại, thiết bị chăn nuôi, môi trường.. để tiến tới chủ trương không nuôi trong thời gian lâu dài tại thành phố.

          1.1.2. Bảo đảm kiểm soát 100% gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập về thành phố đảm bảo các yêu cầu về quy định kiểm dịch Thú y và an toàn vệ sinh thực phẩm. Xây dựng lộ trình giảm tối đa số cơ sở giết mổ, kinh doanh gia cầm chưa đủ các điều kiện an toàn dịch. Công bố danh mục địa chỉ các nguồn cung cấp thịt và sản phẩm gia cầm đạt tiêu chuẩn cho các cơ sở kinh doanh, chế biến, quán ăn, nhà hàng…đăng ký mua theo nhu cầu kinh doanh. Đồng thời giao nhiệm vụ cho các Tổng Công ty Thương Mại, Nông nghiệp Sài Gòn, các hệ thống siêu thị chuẩn bị dự trữ các nguồn thực phẩm thay thế phục vụ nhu cầu tiêu dùng.

          1.1.3. Xây dựng các chính sách hỗ trợ nhà chăn nuôi, các doanh nghiệp thu mua giết mổ trữ đông gia cầm, các cơ sở giết mổ, kinh doanh gia cầm nhỏ lẻ chuyển đổi ngành nghề.

1.2. Các biện pháp đã triển khai thực hiện: để thực hiện các mục tiêu đề ra, thành phố đã huy động 5 lực lượng: Quản lý thị trường, Thú y, Công an, Dân quân tự vệ và Thanh niên xung phong tham gia và tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo trong công tác phòng chống dịch (Phụ lục đính kèm).    

2. Kết quả:

2.1. Tiến độ để tiến tới chủ trương không nuôi trong thời gian lâu dài:

 

Thời điểm 20/10/2005

Thời điểm 23/11/2005

- Tổng số hộ nuôi: 18.000 hộ

- Tổng đàn: 704.905 con. Trong đó:

   + Gà: 506.984 con

   + Cút: 189.275 con

   + Bồ câu: 6.154 con

   + Chim cảnh: 2.492 con

- Tổng số hộ nuôi: 503 hộ

- Tổng đàn: 3.076 con. Trong đó:

  + Gà: Không còn

  + Cút: Không còn

  + Bồ câu: 1.462 con

  + Chim cảnh: 1.544 con

  + Đà điểu: 70 con

- Các quận huyện đang tiếp tục vận động người dân di chuyển đàn chim kiểng, bồ câu, đà điểu ra khỏi địa bàn thành phố trước ngày 30/11/2005 theo tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố tại công văn số 7345/UBND-CNN ngày 15/11/2005; đồng thời tiếp tục rà soát, xử lý đàn gà còn nuôi nhỏ lẻ trong dân.

-  Sau ngày 10/11/2005 các quận huyện đã tổ chức kiểm tra tình hình nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn. Kết quả đã cưỡng chế tiêu hủy:

+ Số trường hợp vi phạm :    8.027 trường hợp

+ Gà                            : 110.651 con.

+ Vịt, ngan, ngỗng         :   11.973 con

+ Cút, bồ câu, chim cảnh:   39.758 con

- Ngoài ra, có 13.478 hộ tự xử lý với 52.000 con gia cầm các loại.

 

2.2. Kết quả thu mua, giết mổ dự trữ:

 Đối với đàn gia cầm nuôi quy mô tập trung có đăng ký kiểm soát bởi cơ quan thú y, trước tình hình tiêu thụ sản phẩm gia cầm giảm đáng kể, giá gia cầm sống xuất chuồng liên tục giảm, thành phố đã giao nhiệm vụ cho 2 Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ và Phú An Sinh chịu trách nhiệm tổ chức thu mua, cấp đông, trữ lạnh, chế biến và tiêu thụ. Thành phố đã có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi để đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ đàn gà. Giá thu mua được tính 8.000 đồng/kg và hỗ trợ thêm cho mỗi gà thịt 3.000 đ và gà đẻ 5.000đ. Mặt khác hai Công ty cũng được hỗ trợ 50% giá thu mua để chi phí cho các khoản vận chuyển, cấp đông, trữ lạnh, hao hụt… Kết quả đến ngày 22/11/2005:

- 3 Công ty đã tổ chức thu mua, giết mổ: 164.426 con.

- Số phải xử lý hủy do trọng lượng gà dưới 1 kg và chim cút: 115.937 con.

- Số gia cầm được cấp giấy CNKD chuyển về các tỉnh: 39.445 con (trong đó: Công ty CP: 28.560 con, Công ty Gia cầm: 4.000 con, các hộ nuôi gà đẻ: 6885 con)

- Số gia cầm người dân tự tiêu thụ: 43.130 con.

 

2.3. Tổ chức tiêu độc sát trùng:

Nhằm tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường, các quận huyện đã phát động triển khai ngày chủ nhật xanh, đồng loạt các biện pháp vệ sinh tiêu độc sát trùng tại các cơ sở chăn nuôi, chợ, điểm kinh doanh gia cầm, nơi công cộng, trường học, ghe thuyền, lòng lề đường…với tổng diện tích 713.397 m2.

 

3. Vấn đề kiểm soát 100% nguồn gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập về từ các tỉnh:

3.1. So sánh công tác kiểm dịch động vật gia cầm và sản phẩm nhập vào thành phố:

Thời điểm tháng 10/2005

Thời điểm từ 03/11 - 23/11/2005

- Số xe trình kiểm: 118 xe/ngày

- Số gia cầm nhập: 34.745 con/ngày

- Số gia cầm tươi nhập: 3.298 con/ngày

- Số trứng nhập: 1.503.046 quả/ngày

-  Số xe trình kiểm: 62 xe/ngày

- Số gia cầm nhập: 10.814 con/ngày

- Số gia cầm tươi nhập: 2.813 con/ngày

- Số trứng nhập: 1.004.899 quả/ngày

 

3.2. Tình hình kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong kinh doanh, giết mổ trái phép:

Thành phố đã tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm soát nguồn gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập từ các tỉnh qua các cửa ngõ ra vào thành phố và các tổ kiểm tra lưu động trên các tuyến đường giao thông nhằm phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm. Kết quả:

 

* Xử lý trên thị trường:

+ Số trường hợp vi phạm :      769 trường hợp

+ Gia cầm sống              :   8.504 con.

+ Thịt gia cầm               :      679 con và 1.546,9 kg

+ Chim phóng sinh          :    6.879 con

+ Trứng gia cầm các loại : 275.283 quả

Trong thời gian qua các Đoàn kiểm tra liên ngành đã liên tục hoạt động tình hình vận chuyển, kinh doanh sản phẩm gia cầm trái phép tại các địa bàn có giảm. Một số trường hợp phát hiện xử lý tiêu biểu trong thời gian qua:

 + Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra cơ sở kinh doanh trứng Quang Phượng phát hiện 104.000 trứng gà vịt. Tất cả số hàng trên đều không có giấy xuất kho, không có giấy phép ấp và muối trứng, không hồ sơ chứng từ hợp lệ.

+ Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Củ Chi phát hiện và xử lý 1 trường hợp vận chuyển 6.700 con vịt từ Tây Ninh về Long An qua địa bàn huyện Củ Chi không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Từ ngày 24/11/2005, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố cử 150 quân tăng cường cho lực lượng kiểm tra của 3 đội cơ động liên ngành 1, 2, 3; bốn trạm kiểm dịch đầu mối giao thông Thủ Đức, Xuân Hiệp, An Sương, An Lạc và đội quản lý thị trường của các quận huyện. Lực lượng chủ yếu là dân quân  tự vệ của Bộ Chỉ huy quân sự Quận 4, 8, Thủ Đức, Bình Tân,  huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ.

 

          4. Chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề:

          Nhằm giúp người chăn nuôi, giết mổ và kinh doanh sản phẩm gia cầm nhỏ lẻ có điều kiện chuyển đổi ngành nghề khác, thành phố giao cho các Sở ngành, quận, huyện, đoàn thể tham mưu đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố chính sách hỗ trợ. Các Sở ngành đã và đang tích cực xây dựng và đề xuất chính sách theo hướng:

          - Hỗ trợ sinh hoạt phí trong thời gian học nghề hoặc lựa chọn chuyển hướng kinh doanh.

          - Cho vay vốn có hỗ trợ lãi vay chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, sản xuất.

          - Chọn lựa các vật nuôi khác thay thế gia cầm làm thực phẩm tại nông hộ.

          - Giảm thuế trong thời gian đầu đối với các hộ kinh doanh sản phẩm gia cầm nhỏ lẻ sang buôn bán các mặt hàng khác.

          - Hình thành quỹ hỗ trợ và giao cho Thành Hội Phụ nữ quản lý việc cho vay vốn và thu hồi.

          - Đề nghị với các tỉnh tạo điều kiện ưu đãi cho các cơ sở chăn nuôi, giết mổ muốn tiếp tục duy trì nghề nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh.

 

5. Chuẩn bị nguồn thực phẩm thay thế sản phẩm gia cầm:

          Theo báo cáo của Sở Thương mại, có 4 đơn vị tham gia chuẩn bị nguồn thực phẩm thay thế như sau: các loại thịt heo, bò, thủy hải sản tươi sống, khô, sản phẩm chế biến với dự kiến khoảng 4.000 tấn.

 

6. Kết quả thực hiện công tác tuyên truyền:

          -  Đã phát hành 317 đĩa CD tuyên truyền phòng chống dịch cúm gia cầm chuyển đến Ban chỉ đạo PCD CGC quận, huyện.

- Phát hành bổ sung 150.000 tờ bướm tuyên truyền phòng chống dịch cúm gia cầm cho các quận huyện (tổng số đã phát hành 210.000 tờ); cung cấp băng đĩa tuyên tuyền về phòng chống dịch cúm gia cầm cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch các phường xả tổ chức phát loa tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh, in ấn 11.000 tờ áp phích phân bố cho mỗi phường xã 50 tờ dán tại các trường học, quán ăn, bản tin khu phố…Phối hợp với Đài truyền hình, Đài phát thanh, các báo đưa tin, bài về hoạt động phòng chống dịch cúm gia cầm của thành phố, nhằm đảm bảo mọi người dân đều tiếp cận được thông tin phòng chống dịch cúm gia cầm.

 

III. KẾ HOẠCH PHỐI HỢP VỚI CÁC TỈNH

          Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố, ngày 21/11/2005 Sở Nông nghiệp và PTNT cùng Sở Thương mại thành phố đã tổ chức phiên họp cùng với lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Thương mại các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Riạ-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang để bàn thống nhất về chương trình hợp tác phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1 và đại dịch cúm trên người.

          Ngày 24/11/2005 tại Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết chương trình hợp tác với các tỉnh nêu trên tại Văn phòng Hội đồng nhân dân-Ủy ban nhân dân thành phố.

 

1. Mục tiêu chung là:

1.1. Nỗ lực tối đa không để xảy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người. Nếu có trường hợp xảy ra phải kịp thời giám sát, cách ly không để lây lan trên diện rộng.

1.2. Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển chăn nuôi gia cầm với quy mô hợp lý, bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm.

1.3. Phối hợp kiểm soát 100% gia cầm, sản phẩm gia cầm được nuôi trong khu vực và được nhập vào các địa phương đảm bảo các yêu cầu về quy định kiểm dịch Thú y và an toàn vệ sinh thực phẩm. Hỗ trợ xây dựng và duy trì chuỗi sản xuất khép kín từ chăn nuôi công nghiệp gắn với giết mổ tâp trung và hệ thống kinh doanh phân phối có bao bì, thương hiệu tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

2. Chương trình hành động chung:

          Được phối hợp hành động trên các nội dung:

1.1. Phối hợp kiểm soát trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh và giám sát dịch bệnh trên gia cầm.

1.2. Phối hợp kiểm soát và đối phó khi xảy ra tình huống khẩn cấp

1.3. Phân công thực hiện:

          - Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ cho các Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Thương mại, Y tế và các ngành liên quan trực tiếp làm việc và thống nhất các biện pháp triển khai thực hiện nhằm đạt được mục tiêu chung đã thoả thuận.

- Cung cấp thông tin hàng tuần về thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa các tỉnh thành. Khi có xuất hiện nguy cơ dịch bệnh phải kịp thời thông tin hàng ngày giữa các tỉnh và thành phố .

- Định kỳ tổ chức họp đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp.

 

IV. NHẬN XÉT ĐÁNH GIÁ

 - Ngày 18/11/2005 Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã ký Quyết định số 5874/QĐ-UBND về kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia cầm, thủy cầm trên địa bàn thành phố thành Ban Chỉ đạo Thực hiện Kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người. Đồng thời, mời đại diện Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Hội Cựu Chiến binh thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố, Hội Liên Hiệp Phụ nữ thành phố, Hội Nông dân thành phố, Thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia Ban Chỉ đạo nhằm theo dõi, kiểm tra nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh, giúp Ủy Ban nhân dân thành phố kịp thời chỉ đạo việc phòng, chống dịch, đảm bảo tình hình an sinh xã hội, tránh khả năng dịch bệnh xâm nhập vào thành phố.

- Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm, thủy cầm các quận, huyện đã tích cực triển khai công tác phòng, chống dịch đến các xã, phường, thị trấn. Đến nay tất cả 24 quận, huyện, Sở ngành liên quan đã có kế hoạch, chỉ thị hoặc văn bản chỉ đạo về triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp đối phó khi xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người.

- Hiện nay, đàn gà trên địa bàn thành phố đã ngừng nuôi, các hộ chăn nuôigia cầm có đăng ký đã xuất bán hết, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cơ bản đã được vận động tự tiêu thụ hoặc được xử lý. Riêng các hộ nuôi chim kiểng, bồ câu và đà điểu đã được vận động, cam kết ngưng nuôi và di chuyển ra khỏi địa bàn thành phố trước ngày 30/11/2005.

- Hầu hết các điểm đông dân cư, chợ, trường học, cơ quan công sở đều có treo băng rôn, biểu ngữ, áp phích tuyên truyền công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm.Tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các buổi tập huấn, phát loa, treo băng rôn, áp phích tuyên truyền. Đã tổ chức tập huấn 211 buổi cho 20.337 người, phát hành 365.250 tờ bướm, treo 818 băng rôn, 9.659 áp phích, 77 pano, 2.012 lượt phát thanh tuyên truyền bằng loa phóng thanh và xe lưu dộng. Nhiều quận, huyện đã tổ chức tuyên truyền bằng xe phóng thanh trên đường phố. Tác động của công tác tuyên truyền, vận động đã tạo hiệu quả tốt trong việc nâng cao nhận thức của người dân:

          + Mặc dù gặp khó khăn, thiệt hại trong chăn nuôi, nhưng người dân vẫn chấp hành tốt chủ trương của thành phố về việc ngưng nuôi, mặc dù tâm lý vẫn muốn duy trì nghề chăn nuôi gia cầm.

          + Nhiều tin tức do người dân liên lạc qua đường dây nóng để hỏi thăm về tình hình dịch bệnh, còn nuôi gà trong sau ngày 15/11/2005 hoặc bán gà sống tại khu vực cầu Rạch Ông Quận 7.

          + Các cơ sở giết mổ gia cầm nhỏ lẻ đã chấp hành tốt chủ trương ngưng hoạt động mặc dù tâm tư nguyện vọng vẫn còn muốn duy trì hoạt động tại thành phố. đến nay đã có 14 cơ sở đăng ký tham gia giết mổ tại cơ sở An Nhơn.

 -Tiến độ thu mua có chậm so với kế hoạch đề ra, nguyên nhân do thiếu máy cấp đông, kho trữ lạnh, một số người chăn nuôi chưa thống nhất với khung giá thu mua chung,…Tuy nhiên, đến nay đã hoàn thành việc thu mua gia cầm trên địa bàn thành phố.

- Tình hình kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn thành phố được quản lý chặt chẽ tại các chợ, sản phẩm gia cầm đều được đóng gói, có bao bì, tem nhãn của cơ sở sản xuất và qua kiểm dịch của thú y.

- Lượng gia cầm và sản phẩm gia cầm từ các tỉnh nhập vào thành phố để giết mổ và tiêu thụ giảm mạnh. Bình quân 1 ngày trong tháng 10/2005, khi chưa xảy ra dịch cúm gia cầm tại các tỉnh miền Tây và miền Bắc có 118 xe vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập về thành phố, đến tháng 11/2005 bình quân chỉ còn 62 xe/ngày . Tình hình tiêu thụ sản phẩm gia cầm và trứng gia cầm giảm mạnh trong thời gian qua do tâm lý người tiêu dùng lo ngại nhiễm bệnh.

 

* Một số mặt còn tồn tại, khó khăn 

- Tiến độ xử lý đàn gia cầm tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố đã được thực hiện tốt. Tuy nhiên quá trình tổ chức triển khai đã gặp không ít khó khăn do tâm lý người dân muốn giữ lại một cặp gà để nhân giống trở lại sau khi tình hình dịch bệnh trong nước lắng dịu; gà nuôi nhỏ lẻ được thả rong ngoài ruộng nên là một trở ngại lớn trong việc thu gom xử lý. Tuy nhiên nhờ vào nổ lực của các quận, huyện nên cho đến nay về cơ bản đã giải quyết xong số gà nuôi nhỏ lẻ. Mặc dù vậy vẫn phải tiếp tục duy trì việc rà soát, phát hiện, xử lý các trường hợp còn sót lại.

- Các quận huyện đang vận động người dân di chuyển đàn chim kiểng, bồ câu, đà điểu ra khỏi thành phố trước này 30/11/2005 theo tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố tại công văn số 7345/UBND-CNN ngày 15/11/2005.

- Đến nay đã có 14 cơ sở đồng ý gia công giết mổ tại CSGM An Nhơn thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Tuy nhiên các cơ sở này yêu cầu CSGM An Nhơn phải nâng cấp mặt bằng khu tiếp nhận, trữ gia cầm, bố trí hợp lý quy trình giết mổ từ khâu trữ gia cầm sống và đưa vào giết mổ trước khi các hộ vào làm.

- Sau khi tuyến đuờng bộ được kiểm soát tốt, nhiều khả năng việc vận chuyển sẽ chuyển hướng qua các phương tiện vận tải thủy sẽ gây khó khăn cho việc kiểm soát.

 

V. KẾ HOẠCH TRONG THỜI GIAN TỚI

A. Kế hoạch triển khai của thành phố:   

1. Tiếp tục rà soát, kiểm tra tình hình đàn gia cầm còn nuôi trên địa bàn thành phố

1.1. Lịch trình kiểm soát giảm đàn bồ cầu, chim kiểng, đà điểu:

- Đối với bồ câu: Tiếp tục phát hiện và xử lý nhằm giảm đàn bồ câu nuôi tại các hộ, đặc biệt là đàn bồ câu vô chủ thả hoang. Đến ngày 30/12/2005 không còn tồn tại đàn bồ câu trên địa bàn thành phố. Giao nhiệm vụ Chi cục thú y phối hợp với các quận, huyện, trường học, văn phòng, công sở thực hiện việc xử lý đàn bồ câu nuôi, bồ câu thả hoang theo văn bản hướng dẫn của Chi cục Thú y.

- Đối với chim kiểng: Giao nhiệm vụ cho Hội sinh vật cảnh chủ trì, phối hợp với các quân, huyện xác định:

          + Đối với các loài chim không quý hiếm: vận động chủ nuôi giết hoặc chuyển đi ra địa bàn các tỉnh.

          + Đối với các loài chim quý hiếm: Giao Hội sinh vật cảnh cùng các địa phương, đoàn thể, hội chọn lựa địa điểm cách ly chung để chăm sóc nhưng phải đảm bảo an toàn sinh học. Thành phố hỗ trợ một phần kinh phí để di chuyển đàn chim quý hiếm vào khu cách ly chung. Đến ngày 15/12/2005 hoàn tất việc xử lý và di dời đàn chim.

- Đối với đà điểu: thành phố hỗ trợ một phần kinh phí để di dời đàn đà điểu sang nuôi tại các tỉnh. Đến ngày 30/11/2005 hoàn tất việc di dời đàn đà điểu.

 

1.2. UBND các quận huyện thường xuyên rà soát, kiểm tra trên địa bàn nhằm phát hiện các trường hợp còn tồn tại nuôi gia cầm, các hộ nuôi chim kiểng, đà điểu nhằm đảm bảo thực hiện đúng tiến độ kế hoạch đã đề ra và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố.

1.3. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các quận, huyện hàng tuần họp giao ban nhằm kiểm tra, đôn đốc các ngành các cấp thực hiện các chỉ đạo của thành phố và báo cáo kết quả cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1 thành phố.

 

2. Đẩy mạnh việc kiểm soát 100% nguồn gia cầm, sản phẩm gia cầm từ các tỉnh nhập về thành phố.

1.1. Bố trí lực lượng tại cửa ngõ đường bộ, kiểm tra cơ động trên các trục lộ giao thông nhằm kiểm soát nghiêm ngặt và phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm. Cần lưu ý kiểm soát việc vận chuyển gia cầm trên tuyến đường thủy và rà soát các điểm buôn bán gia cầm sống phát sinh qua vận chuyển bằng đường thủy.

 

1.2. Kiểm tra tiến độ thực hiện văn bản 7420/UBND-CNN ngày 18/11/2005 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm, thủy cầm, trong đó có nội dung đăng ký địa chỉ mua thịt và sản phẩm gia cầm, thủy cầm và cam kết không sử dụng thịt gia cầm, trứng gia cầm không qua kiểm dịch. Trong tháng 12/2025 Ủy ban nhân dân các quận, huyện và đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức 4 cuộc kiểm tra các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm chế biến. Nếu phát hiện các trường hợp vi phạm trong kinh doanh, vận chuyển phải xử phạt vi phạm hành chính và tạm giữ phương tiện vận chuyển.

 

1.3. Đối với việc kinh doanh, vận chuyển trứng gia cầm: kiểm tra việc thực hiện theo nội dung hướng dẫn đã được thống nhất giữa Sở Thương mại và Chi cục Thú y tại  văn bản số 936/CCTY-TTr ngày 22/11/2005 của Chi cục Thú y. Các phương tiện vận chuyển và các cơ sở kinh doanh trứng phải có trách nhiệm:

- Xử lý việc tiêu độc khử trùng trứng và đóng gói bao bì dưới sự giám sát của cơ quan thú y.

- Chấp hành các quy trình kỹ thuật mới trong việc tiêu độc khử trùng trứng và đảm bảo nguyên tắc không tác động xấu đến môi trường, không ảnh hưởng đến sức khoẻ những người liên quan.

Ủy ban nhân dân các quận, huyện và đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra việc thực hiện hướng dẫn sau ngày 3/12/2005.

 

1.4. Đối với 3 cơ sở giết mổ gia cầm, thủy cầm tập trung, Ủy ban nhân dân thành phố đã có văn bản số 7556/UBND-CNN ngày 22/11/2005 về nghiên cứu chế tạo thiết bị sản xuất bao gói sản phẩm gia cầm sau giết mổ an toàn, vệ sinh, không bị giả mạo. Giao Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các cơ sở giết mổ cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu sản xuất thiết bị cùng các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo kỹ thuật và tiến độ đóng gói, hút chân không, cân, dán nhãn tự động, mã vạch…bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và tránh bị làm giả.

 

3. Chuẩn bị gia cầm cho Tết Nguyên đán:

          Giao Sở Nông nghiệp và PTNT cùng Sở Thương mại làm việc với 3 cơ sở giết mổ tính toán nhu cầu số lượng đảm bảo cung ứng mặt hàng gà nguyên con phục vụ nhu cấu cúng Tết Nguyên đán để công bố cho người tiêu dùng trong thành phố biết.

 

4. Giao nhiệm vụ Sở Y tế:

          4.1. Chuẩn bị địa điểm tổng diễn tập cấp thành phố ứng phó khi xảy ra dịch cúm trên người. Tổ chức kiểm tra việc chuẩn bị các thiết bị phục vụ điều trị, xe cấp cứu, địa điểm cách ly điều trị.

 

          4.2. Chuẩn bị đề xuất các phương pháp phát hiện nhanh, sớm những người bệnh và người nghi nhiễm cúm tại cửa ngõ thành phố và trong các địa bàn khu dân cư.

 

5. Công tác tuyên truyền

          Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đảm bảo từng người dân nắm được thông tin, nâng cao hiểu biết để cùng tham gia phòng chống dịch.

- UBND các quận huyện tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, phát hiện các trường hợp nuôi gia cầm còn tồn tại trên địa bàn thành phố và tổ chức kiểm tra các hộ nuôi chim cảnh, đà điểu sau ngày 30/11/2005.

 

B. Triển khai chương trình hợp tác với các tỉnh

1. Triển khai thực hiện, cụ thể hoá các mục tiêu chung và chương trình hành động chung đã ký kết giữa thành phố Hồ Chí Minh và 6 tỉnh lân cận:

- Phối hợp kiểm soát trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh và giám sát dịch bệnh trên gia cầm.

- Phối hợp kiểm soát khi xảy ra tình huống khẩn cấp lây lan dịch bệnh sang người.

- Thường xuyên trao đổi cung cấp thông tin dịch bệnh.

 

2. Đối với các khu vực giáp ranh các tỉnh:

          Các sở ngành cùng Ủy ban nhân dân các huyện giáp ranh với các tỉnh tăng cường cường độ, mật độ kiểm soát tình hình chăn nuôi, dịch bệnh và việc vận chuyển gia cầm tại các vùng giáp ranh để kịp thời phát hiện, ứng phó, cô lập xử lý.


 

Phòng Nông nghiệp - Sở Nông nghiệp và PTNT


Số lượt người xem: 4284    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm