SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
4
9
3
2
3
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 21 Tháng Mười Một 2005 10:55:00 CH

Kết quả kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, thủy cầm thành phố (Đợt kiểm tra ngày 19 tháng 11 năm 2005)

Thực hiện Quyết định số 5760/QĐ-UB ngày 11 tháng 11 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc thành lập các đoàn kiểm tra phòng, chống dịch cúm gia cầm, thủy cầm thành phố đợt 11/2005, trong ngày 19 tháng 11 năm 2005, 06 đoàn kiểm tra việc thực hiện kế hoạch hành động khẩn cấp phòng ngừa và đối phó với dịch cúm gia cầm H5N1 và đại dịch cúm ở người trên địa bàn thành phố đã đồng loạt ra quân kiểm tra lần 2 tất cả các quận, huyện được phân công. Thành viên các đoàn kiểm tra tham dự đầy đủ theo Quyết định số 5760/QĐ-UB. Riêng đoàn 3 có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố tham dự.


I/ Kết quả kiểm tra của 06 đoàn kiểm tra của thành phố:

1/ Tình hình chăn nuôi gia cầm quy mô hàng hóa: Toàn bộ cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô hàng hóa trên địa bàn thành phố đã được xử lý xong 100% (bằng các hình thức: chuyển về các cơ sở giết mổ, di dời sang tỉnh khác hoặc tự tiêu hủy).

2/ Tình hình chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ: Đàn gia cầm tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố cơ bản đã được xử lý xong. Tuy nhiên, tại một số vùng giáp ranh với các tỉnh vẫn còn một ít hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ do không tiêu thụ được (số lượng khoảng 1.000 con) nên thả hoang hoặc nuôi giấu, gây khó khăn cho công tác xử lý tiêu hủy tại các địa phương.

     Đối với các hộ còn nuôi chim kiểng, bồ câu: Phần lớn đều thông hiểu chủ trương của Thành phố và sẵn sàng di dời hoặc tiêu hủy trước ngày 30/11/2005. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng một số hộ nuôi bồ câu đã phá chuồng nên số lượng bồ câu bay hoang trong thành phố khá nhiều, gây khó khăn lớn trong việc xử lý tiêu hủy.

3/ Tình hình kinh doanh sản phẩm gia cầm và trứng gia cầm: Tại các chợ, các đoàn kiểm tra đều ghi nhận có sự chấp hành quy định trong kinh doanh rất tốt; các hộ kinh doanh gia cầm và trứng gia cầm đều kinh doanh sản phẩm gia cầm có bao bì, logo cơ sở sản xuất; vệ sinh quầy sạp tương đối tốt; có sổ 2C, ghi chép đầy đủ số lượng, nguồn gốc nhập hàng, có cán bộ Thú y kiểm tra, ký tên xác nhận hàng ngày. Có rất ít trường hợp vi phạm xảy ra nhưng các đoàn kiểm tra liên ngành và các địa phương đã rất kiên quyết và xử lý ngay khi phát hiện. Đến nay, số hộ kinh doanh sản phẩm gia cầm và trứng gia cầm tại các chợ trên địa bàn thành phố giảm khá nhiều, chỉ còn khoảng 10% so với tổng số trước khi có Chỉ thị 31/2005 của Thành phố nhưng tình trạng kinh doanh rất ế ẩm (phần lớn các hộ đã ngưng kinh doanh sản phẩm gia cầm và trứng gia cầm hoặc chuyển đổi sang ngành hàng kinh doanh khác).

4/ Công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống dịch cúm gia cầm: Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm, thủy cầm các quận, huyện thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống dịch so với tuần trước. Tại các điểm công cộng đều có treo băng rôn tuyên truyền, vận động phòng, chống dịch cúm gia cầm H5N1 và đại dịch cúm ở người. Một số lớn phường, xã, thị trấn trong tổng số 317 phường, xã, thị trấn của 24 quận, huyện đã triển khai các đĩa CD do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố phát hành, gồm 09 video clip với nội dung tuyên truyền công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm H5N1 và đại dịch cúm ở người đến các đối tượng có liên quan; đồng thời, tiếp tục phát hành tờ bướm về dịch cúm gia cầm, phổ biến Chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố, phổ biến địa chỉ các cơ sở cung cấp gia cầm sạch của thành phố cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn và yêu cầu ký cam kết không mua gia cầm không qua kiểm dịch để chế biến, đăng ký địa chỉ sẽ mua gia cầm để chế biến.

II/ Nhận xét:

1/ Ưu điểm:

     - Công tác triển khai kế hoạch hành động khẩn cấp phòng ngừa và đối phó với dịch cúm gia cầm H5N1 và đại dịch cúm ở người tiếp tục đi vào chiều sâu và đều khắp trên địa bàn các quận, huyện, phường, xã, thị trấn, mang lại hiệu quả rõ rệt; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm, thủy cầm các quận, huyện tiếp tục vận động người nuôi chim kiểng di chuyển đàn chim ra khỏi thành phố trước ngày 30/11/2005 theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố tại công văn số 7345/UBND-CNN ngày 15/11/2005; thực hiện tốt công tác tiêu độc sát trùng trên các địa bàn.

     - Đại bộ phận người dân ủng hộ và chấp hành nghiêm túc chủ trương của Thành phố; chưa ghi nhận có những vấn đề phức tạp do phản ứng của các hộ chăn nuôi khi tiến hành cưỡng chế xử lý. Tình hình tiêu thụ sản phẩm gia cầm (kể cả gà, vịt quay) và trứng gia cầm giảm nhiều so với tuần trước.

2/ Tồn tại:

     - Một số ít hộ chăn nuôi gia cầm tại các vùng giáp ranh với các tỉnh còn nuôi giấu diếm hoặc thả hoang gia cầm ngoài đồng ruộng và tình trạng đàn bồ câu thả hoang trong khu vực nội thành đã gây không ít khó khăn trong công tác xử lý tiêu hủy.

     - Các hộ chuyển đổi ngành hàng kinh doanh khác gặp khá nhiều khó khăn trong vấn đề vốn kinh doanh, chính sách thuế,…

     - Vấn đề tủ trữ đông của các cơ sở kinh doanh lẻ sản phẩm gia cầm cần được chú ý để đảm bảo cho an toàn vệ sinh thực phẩm.

III/ Kiến nghị:

- Cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm, thủy cầm các quận, huyện cần tiếp tục công tác tuyên truyền bằng mọi hình thức để mọi người dân trên địa bàn nhận thức sâu hơn về hiểm họa dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người.

- Lực lượng phòng, chống dịch cần tăng cường kiểm soát và kiên quyết xử lý các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ gia cầm không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc và thường xuyên theo dõi, cập nhật, giám sát diễn biến tình hình dịch cúm gia cầm ở địa phương để chuẩn bị biện pháp xử lý và ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra.

- Tập trung lực lượng xử lý dứt điểm (cưỡng chế, bắt, tiêu hủy) đối với gia cầm, thủy cầm thả rong, vô chủ và của các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ theo dạng nhốt và cất giấu.

- Kiểm tra và thực hiện tổ chức tiêu độc sát trùng đầy đủ đối với các cơ sở chăn nuôi đã chấm dứt việc chăn nuôi và tại các điểm kinh doanh sản phẩm gia cầm và trứng gia cầm.

-        Đề nghị Thành phố sớm có chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi gia cầm và các hộ kinh doanh sản phẩm gia cầm và trứng gia cầm chuyển đổi ngành nghề để giúp người dân khắc phục một phần khó khăn trong cuộc sống.


Số lượt người xem: 4420    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm