SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
2
8
8
2
6
Các lĩnh vực khác 04 Tháng Mười Hai 2004 4:00:00 CH

Xét duyệt dự án “nghiên cứu - thiết kế - chế tạo - lắp đặt thiết bị lọc thẩm thấu ngược RO trong nước thay thế thiết bị nhập khẩu dùng sản xuất nước sạch từ nguồn nước nhiễm mặn”

Ngày 1/12/2004, tại Sở Khoa học và công nghệ, hội đồng xét duyệt dự án “NGHIÊN CỨU - THIẾT KẾ - CHẾ TẠO - LẮP ĐẶT THIẾT BỊ LỌC THẨM THẤU NGƯỢC RO TRONG NƯỚC THAY THẾ THIẾT BỊ NHẬP KHẨU DÙNG SẢN XUẤT NƯỚC SẠCH TỪ NGUỒN NƯỚC NHIỄM MẶN” đã tổ chức họp dưới sự chủ trì của PGS-TS Phan Minh Tân.

   

Dự án do Công ty TNHH Hưng Long, một công ty chuyên về công nghệ lọc nước, cùng với Trung tâm Polimer, trường Đại học Bách khoa phối hợp thực hiện.

Theo dự án, quá trình thẩm thấu tự nhiên được nhà khoa học người Pháp khám phá đầu tiên vào năm 1748. Hơn 200 năm sau đó, những nhà khoa học khác  mới dựa vào quá trình này mà chế tạo ra màng lọc thẩm thấu ngược. Quá trình lọc thẩm thấu ngược được ứng dụng trong công nghiệp vào đầu những năm 1960. Cho đến nay, hệ thống lọc RO với nguyên lý  lọc thẩm thấu ngược được sử dụng phổ biến ở các nước châu Âu, Mỹ và một số nước châu Á. Đối với những nước có nền công nghiệp phát triển, hệt hống lọc RO không chỉ ứng dụng đơn thuần để sản xuất nước tinh khiết mà còn ứng dụng trong các ngành công nghiệp như: nhiệt điện, dược phẩm, mỹ phẩm, điện tử…Đặc biệt, người ta sử dụng hệ thống lọc RO để cấp nước sinh hoạt cho các khu dân cư.

Trong các huyện ngoại thành, huyện Cần Giờ là huyện khó khăn nhất về nước sinh hoạt, vì tại đây không có hệ thống cấp nước Thành phố, nước mặt và nước ngầm thì bị nhiễm mặn, người dân phải đi mua nước sinh hoạt với giá cao. Trong các năm qua, Trung tâm Nước SH và VSMTNT chỉ giải quyết bằng cách cung cấp các phương tiên chứa và vận chuyển nước như: lu, hồ, bồn chứa nước, ghe chở nước, xe bồn. Do khả năng vận chuyển có hạn, cự ly vận chuyển xa 50 – 60 km đường sông, nên không thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng tối thiểu của nhân dân và sản xuất hàng ngày trong huyện.

 

Huyện Cần Giờ đã đầu tư kinh phí mua sắm chuyên chở bằng sà lan có tải trọng lớn, gồm 8 chiếc, 30 ghe lồng, từ đầu năm 2004 đến nay đã vận chuyển 990.000 m3 nước cung cấp cho các hộ dân. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 38 điểm vệ tinh cung cấp nước có trang bị thủy đài, hồ chứa, hệ thống ống dẫn nước đến từng hộ dân. Nước chuyên chổ bằng sà lan chủ yếu phục vụ cho khu trung tâm huyện lỵ Cần giờ và xã Long Hòa kế cận. Các xã còn lại thì tự mua nước qua các tư nhân có phương tiện chuyên chở, lấy nước ở các tự điểm cấp nước máy TP về bán lại, chất lượng nước không đảm bảo vì không có một cơ quan quản lý nào cả. Giá bán cũng không thống nhất, tùy thuộc từng trường hợp cụ thể. Giá nước tại cảng là 15.000 m3, giá nước đến người tiêu dùng phải trả tùy thuộc vào cự ly vận chuyển của sà lan, bình quân phải trả 25.000 – 45.000 đ/ m3. Hiện giá nước ở Cần Giờ khoảng 17.000 đ/m3, trong đó nhà nước cấp bù 10.000 đ/m3, người chỉ phải trả 7.000 đ/ m3. Hàng năm, ngân sách thành phố phải cấp bù cho việc cung cấp nước sinh hoạt cho huyện Cần Giờ khoảng 10 tỷ đồng.

Từ giữa năm 2000, Công ty cấp nước chỉ có một hệ thống cấp nước xã Cần Thạnh. Đây là hệ thống cấp nước tập trung khá đồng bộ trong toàn huyện.

Hiện nay, số hộ sử dụng nước sạch ở huyện Cần Giờ chiếm khoảng 85%, 

Hiện nay, thành phố đã ban hành chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn TP với mục tiêu đến năm 2005 và 2010 là :

- Nâng tỉ lệ số hộ dân vùng nông thôn ngoại thành được sử dụng nước sạch sinh hoạt đạt 90% với mức sử dụng bình quân 60 lít/người/ngày (mục tiêu 2005)

- Tất cả dân cư ngoại thành sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn với mức sử dụng bình quân 60 lít/người/ngày (mục tiêu 2010)

- Xoá bỏ thói quen sử dụng nước sinh hoạt không hợp vệ sinh để bảo đảm sức khỏe, giảm các loại bệnh tật do nguồn nước.

 

Việc cung cấp nước sạch cho người dân ở vùng Cần Giờ sẽ mang lại rất nhiều lợi ích như:

+ Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, đỡ vất vả lo âu về nguồn nước sinh hoạt trong mùa khô.   

+ Giảm tình trạng sử dụng nước ao hồ, sông rạch không hợp vệ sinh cho sinh hoạt hàng ngày, do đó, làm giảm đáng kể các bệnh tật có nguồn gốc phát sinh hoặc lây lan từ nguồn nước, nhất là các loại bệnh ngoài da. Chi phí đầu tư ngân sách nhà nước và ngân sách gia đình cho lĩnh vực y tế liên quan cũng giảm.

+ Chi phí tiêu dùng cho gia đình về nước sinh hoạt hàng ngày được tiết kiệm đáng kể so với trước kia đổi nước sạch với giá cao (10.000đ/m3 chỉ để ăn uống, đánh răng, rửa mặt), thì tiết kiệm ước khoảng vài tỷ trong 6 tháng mùa nắng hàng năm.

 

Với hệ thống này, chất lượng nước từ nhiễm mặn sẽ trở thành nước tinh khiết với giá thành vào khoảng gần 6.000 đ/m3 cho công suất 190 m3/ ngày. Do đó, Dự án hết sức cấp thiết đối với người dân ở  vùng Cần Giờ nói riêng cũng như của vùng nhiễm mặn của TP nói chung.

 

Ngoài ra, theo ý kiến của một số chuyên gia, nếu thành công, dự án có khả năng mở rộng  sang cách thức linh hoạt hơn trong vấn đề cung cấp nước sinh hoạt cho các vùng dân cư xa xôi như: sử dụng hệ thống lọc di động, tức là hệ thống có thể di chuyển trên bánh xe nhằm cơ động trong việc đưa hệ thống đến các vùng sâu, vùng chưa có điều kiện xây dựng hệ thống lọc nước. Vần đề chính là cần tính toán đến hệ thống tiếp nhận cũng như mạng lưới đường ống nước của từng vùng dân cư cụ thể. Ngoài ra, còn có thể sử dụng hệ thống trong các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm cung cấp nước ngọt cho các tàu đánh bắt xa bờ, theo hướng thiết kế hệ thống cung cấp tại các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá ở các đảo xa cho các tàu đánh bắt xa bờ.

 

Đây là dự án có ý nghĩa kinh tế và xã hội cao đối với vùng Cần Giờ, Nhà Bè. Hy vọng dự án sẽ mang lại niềm vui trong cuộc sống của người dân các vùng đất bị nhiễm mặn.


Số lượt người xem: 2354    
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm